Thực ra trong chuyện này Ðạt có phần bị mắng oan.
Lúc thằng Tùng bảo nó chỉ cách “trừng phạt” con Tai To, nó đã không muốn nói nhưng thằng này cứ theo hỏi hoài nên nó không thể làm thinh mãi được.
Chả là sáng nay lúc ra chơi Tùng tuyên bố trước một đám bạn:
- Chiều nay tao sẽ trị tội con Tai To!
Nghe vậy, thằng Nghị và nhỏ Cúc Phương ngạc nhiên lắm. Hai đứa này vốn rất mến Tai To. Lúc mẹ thằng Tùng mới đem con Tai To về, Tùng lên lớp khoe tíu tít và rủ Ðạt, Nghị và nhỏ Cúc Phương về nhà để xem con cún tai dào đặc biệt của mình.
Vừa thấy con Tai To, Nghị đã trầm trồ:
- Con chó này khôn lắm đấy! Xem cặp mắt nó kìa, cứ long lanh như hai giọt nước ấy!
Còn nhỏ Cúc Phương thì không ngớt vuốt ve đôi tai dày rậm và dài thậm thượt của Tai To và luôn miệng hít hà:
- Ôi, con chó mới xinh làm sao! Trông chẳng khác nào một con chó bông!
Hai đứa thích con Tai To là thế, bây giờ nghe Tùng đòi trị tội nó, liền ngẩn người ra:
- Nó bị tội gì mà trị?
Tùng ra vẻ nghiêm trọng:
- Nó xé cuốn tập của tao!
- Ối trời! – Nghị buột miệng – Chó con nào mà chẳng ưa xé giấy xé tập! Nó ngứa răng ấy mà!
Nhỏ Cúc Phương cũng lên tiếng bênh vực Tai To:
- Tại Tùng thôi! Nếu Tùng cất tập cẩn thận thì con Tai To làm sao xé được!
Thấy hai đứa bạn đều hùa vào biện hộ, che chở cho Tai To, thậm chí nhỏ Cúc Phương còn có ý chê mình cẩu thả, Tùng ức lắm. Nó nghiến răng:
- Nhưng dù sao thì chiều nay Tai To vẫn phải bị phạt!
Quyết tâm của Tùng khiến Cúc Phương lo lắng. Nó chớp mắt:
- Nếu muốn phạt Tai To, Tùng chỉ cần gí mõm nó vào cuốn tập bị xé, nạt lớn vài tiếng là lần sau nó chừa ngay thôi!
Tùng “hứ” một tiếng:
- Thế mà cũng gọi là phạt! Ðúng là trò con gái!
Nhỏ Cúc Phương đỏ mặt:
- Ở nhà Phương, mỗi lần con Tí Ti làm gì quấy, Phương vẫn phạt nó như thế, vào sau đó chẳng bao giờ nó dám tái phạm nữa!
- Nhưng đó là với con Tí Ti! - Tùng gạt phắt – Còn đây là con Tai To. Ðã gọi là Tai To thì phải khác Tí Ti chứ lại! Với con Tai To mà phạt như thế, không chừng nó sẽ tưởng là... khen nó, lần sau nó lại làm tới!
Nghị rất muốn mở miệng xin tội cho Tai To nhưng thấy Tùng hùng hổ quá, nó biết nếu nó lên tiếng chẳng những không có kết quả gì mà chỉ tổ chọc giận thêm thằng Tùng.
Tùng cũng chẳng buồn ngó ngàng hay hỏi han gì đến Nghị. Biết thằng này cùng phe với Cúc Phương, “xin ý kiến” nó cũng vô ích, Tùng bèn quay sang Ðạt là đứa nãy giờ vẫn im lặng một cách “khách quan”:
Làm sao để trị tội con Tai To hở mày?
Thằng Ðạt được hỏi câu này chẳng khác nào được gãi trúng chỗ ngứa. Ở nhà ngày nào nó cũng chứng kiến cảnh cậu nó “hành hạ” con Mi-na. Hễ đi nhậu say về là cậu lôi con Mi-na ra bắt nó làm đủ trò, nào là đứng hai chân, nào là bò lết từ góc nhà này đến góc nhà khác, khi lại nhảy từ chiếc ghế này qua chiếc ghế nọ. Cũng có lúc cậu đặt con Mi-na lên đầu tủ cao nghễu và khoái trá nhìn nó run rẩy đi vòng quanh, vừa đi vừa rên ư ử, đôi mắt sợ hãi nhình dáo dác khắp nơi tìm chỗ xuống. Khi cao hứng cậu còn ném con Mi-na tít lên trên cao rồi đợi nó rơi xuống, thò tay ra chụp. Con Mi-na sợ nhất trò này. Mỗi lần bị ném bổng lên trời như vậy, chân cẳng nó cuống cuồng và cặp mắt thất thần trông đến tội.
Mẹ thằng Ðạt rất ghét những trò tai quái của cậu nó. Nhưng lần nào bị mẹ nó rầy la, cậu nó cũng chỉ thôi hành hạ con Mi-na chừng vài ba ngày, sau đó chứng nào vẫn tật nấy. Thường thì vào những lúc tỉnh, cậu nó cũng hiền lành ra phết. Suốt ngày cậu nằm đong đưa trên võng, ngủ gà ngủ gật, lúc thức thì mở ti-vi ra xem. Những lúc ấy, con Mi-na mặc sức ung dung lượn lờ quanh nhà mà chẳng lo tai họa ập xuống đầu. Chỉ đến chiều tối, lúc cậu đi làm rai lai ba xị ngoài các quán cóc trở về, con Mi-na liền cụp đuôi lẩn tuốt vào gầm giường, gầm tủ, thậm chí có hôm nó trốn biệt trong toi-lét. Nhưng dù nấp lánh ở đâu, cuối cùng nó cũng bị câu lôi ra và tung bổng lên không.
Cậu bị cơ quan đuổi việc gần nửa năm nay mà chưa tìm được chỗ làm mới. Vịn cớ đó, chiều nào cậu cũng lẻn ra khỏi nhà “uống vài tợp rượu cho đỡ buồn” theo cách nói của cậu. Khổ nỗi, cậu càng đỡ buồn chừng nào thì con Mi-na lại buồn thêm chừng nấy !
Ðạt không tham gia vào trò nghịch tinh của ông cậu thất chí nhưng nó hoàn toàn thờ ơ trước số phận khốn khổ của con Mi-na. Bởi một lẽ đơn giản là nó cũng chẳng ưa gì con Mi-na. Tổ dân phố nó ở lúc này đang có phong trào xậy dựng gia đìng văn hóa mới; ngoài các khoản khác mỗi nhà đều phải cam kết không được thả chó chạy rong ngoài đường. Và từ ngày bị nhốt trong nhà, con Mi-na cứ ị vãi tứ tung và Ðạt, vốn không anh không em, mỗi ngày phải è cổ ra hốt phân và chùi rửa nền nhà ba, bốn lượt.
Chính vì cái công việc nhọc nhằn đó mà Ðạt căm con Mi-na không để đâu cho hết và trái với mẹ nó, Ðạt chẳng hề xót ruột trước việc cậu nó đối xử tệ hại với con cho trong nhà mình.
Khi thằng Tùng “vấn kế” nó về cách trừng phạt con Tai To về tội xé tập, trong đầu Ðạt nảy ra không biết bao nhiêu là cách thức, những cách thức cậu nó vẫn thường áp dụng với con Mi-na.
Nhưng thấy cặp mắt thằng Nghị và nhỏ Cúc Phương đang hau háu nhìn mình, Ðạt không dám công khai bày cách cho Tùng. Nó thừa biết hai đứa này yêu quý con Tai To vô cùng, nếu nó dại dột xui thằng Tùng nặng tay với Tai To thế nào hai đứa này cũng không để yên cho nó.
Nghĩ lợi nghĩ hại một hồi, Ðạt liếm cặp môi khô rang:
- Tùy mày thôi! Tai To là của mày, mày muốn trị cách nào chẳng được!
Lối nói nước đôi của Ðạt không làm Tùng thỏa mãn. Nó khăng khăng:
- Nhưng tao muốn mày chỉ cách cho tao kìa!
- Cách hả – Ðạt nuốt nước bọt – Thiếu gì cách!
Tùng nôn nóng:
- Nhưng mà cách gì? Mày chỉ tao một cách đi!
Trước sự dồn thúc của Tùng, Ðạt biết mình khó lòng từ chối. Nó hỏi Tùng nhưng mắt lại khẽ liếc Nghị và Cúc Phương:
- Con Tai To phạm tội xé tập phải không?
Tùng nhăn nhó:
- Mày biết rồi mà còn hỏi!
Phớt lờ vẻ trách móc của bạn, Ðạt thản nhiên hỏi tiếp:
- Mà cắn xé là lỗi của cái mõm, đúng không?
- Ðúng! – Tùng gật đầu.
Ðạt kết luận gọn lỏn:
- Vậy phải trị tội cái mõm của con Tai To!
Tùng chớp mắt:
- Trị cách sao?
Ðạt ngó lơ chỗ khác:
- Lấy bao ni-lông bịt mõm nó lại!
- Ừ hay đấy! – Tùng hân hoan – Tao sẽ trị tội bằng cách bịt mõm nó!
Nhỏ Cúc Phương nãy giờ vầm im lặng và hồi hộp theo dõi cuộc đối thoại giữa Tùng và Ðạt, đến lúc này thấy “tính mạng” của Tai To sắp bị nguy ngập, liền hớt hải can thiệp:
- Không được! Các bạn làm như thế Tai to sẽ ngộp thở chết mất!
Tùng nhún vai:
- Chết sao được mà chết! Tai To chứ có phải là Tí Ti đâu!
- Chết đấy! – Nghị rụt rè chen lời – Không có không khí thì chả ai sống được!
Thấy đề nghị của mình bị Nghị và Cúc Phương bài bác, Ðạt tức lắm. Nó hừ mũi:
- Chả biết gì mà cũng nói! Trước khi bịt mõm con Tai To, bọn này đục sẵn vài lỗ nơi đáy bao cho nó thở chứ lại!
Mặc dù vẫn còn ấm ức nhưng nghe Ðạt nói như vậy, Nghị và Cúc Phương không nghĩ ra lý do gì để khuyêng hai đứa bạn của mình từ bỏ cái kế hoạch trừng phạt quỷ quái kia.
Trưa đó, lúc chen ra cổng giờ tan học, Tùng nháy mắt với Ðạt:
- Chiều ghé nhà tao chơi!
Như hiểu ý, Ðạt không hỏi đi hỏi lại, chỉ mỉm cười gật đầu.
Và như các bạn đã biết, trong khi hai ông nhóc đang lén lút “thưởng thức” màn trừng phạt con Tai To thì nhỏ Hạnh thình lình xuất hiện và mắng cho một trận.
Khi nhỏ Hạnh ôm Tai To đi mất, Ðạt liếc Tùng vẻ hờn trách:
- Tại mày mà tao bị chị Hạnh mắng!
- Sao lại tại tao?
- Chứ gì nữa! – Ðạt ai oán – Hồi sáng trên trường tao đã nhất định không chịu bày cách cho mày, mày lại cứ theo hỏi hoài!
Giọng điệu than van của Ðạt khiến Tùng chẳng ham cãi. Nó thở ra một hơi dài:
- Ðầu đuôi cũng tại con Tai To cả thôi! Vì nó mà trước nay tao cũng đã bị mắng không biết bao nhiêu lần!
Tùng nói câu đó cốt để an ủi bạn. Nhưng khi lời nói thốt ra khỏi cửa miệng, bất giác Tùng cảm thấy tủi thân vô cùng.
Ừ, từ ngày mẹ đem con Tai To về, Tùng chẳng còn được cả nhà cưng chiều như trước. Trước đây, Tùng là út, cái gì cũng được ưu tiên. Mẹ lúc nào cũng nhắc chằm chặp:
- Khuê ơi, lát nữa Tùng đi học thêm, em nhớ lấy cơm cho cháu ăn trước nghen!
- Hạnh ơi, con xem ấm nước sôi chưa, bảo Tùng xuống tắm đi con!
Hồi trước Tùng cứ như cậu hoàng con, cả nhà luôn xúm xít quanh nó. Nhưng cái thời huy hoàng đó đã qua mất rồi. Vị trí béo bở của nó đã bị Tai To nhảy vô chiếm mất. Bây giờ mẹ lúc nào cũng Tai To:
- Khuê ơi, Tai To ăn cơm chưa vậy?
- Hạnh ơi, dẫn Tai To đi tắm đi con!
Cái tên Tùng thân yêu ngày nào chưa hoàn toàn biến mất trên môi mẹ nhưng đã bị “giảm giá” đi nhiều trước sự cạnh tranh ngày càng tăng của Tai To.
Nhưng điều khiến Tùng mủi lòng nhất là không chỉ mẹ, mà cả dì Khuê và chị Hạnh của nó cũng đều tỏ ra yêu quí Tai To hơn nó.
Hễ mỗi lần trong nhà vang lên tiếng “ẳng ẳng” của Tai To là bao nhiêu cái miệng lại đồng loạt réo tên nó:
- Tùng! Cháu làm gì con Tai To thế?
- Tùng! Em lại đánh con Tai To nữa phải không?
Trong khi chẳng ai buồn điều tra trước đó con Tai To đã giở trò gì với Tùng. Mà ai chứ Tai To thì lắm trò nghịch tinh!
Ba ngày đầu mới về, còn lạ cảnh lạ người, con Tai To giả bộ rụt rè, hiền thục. Trông cái cảnh nó vừa bò rón rén vừa lấm lét nhìn quanh, mũi khịt khịt đánh hơi, ai cũng tội. Nhưng qua đến ngày thứ tư là nó phô ngay bộ mặt thật ra. Nó chạy ngúng ngoắng khắp nhà, chui rúc không chừa một xó xỉnh nào, chốc chốc lại cao hứng phóng vèo vèo như những tay lái xe bạt mạng ngoài phố, vừa phóng vừa luồn dưới gầm bàn, chui cả qua giữa hai chân của mọi người khiến dì Khuê đang bưng khay trà vừa chùi rửa từ bếp đi lên phải la oai oái.
Nhưng cái trò mà Tai To thích nhất là nhảy chồm chồm theo Tùng. Nhưng chỉ nhảy suông thì chả có gì vui, nó vừa nhảy vừa há mõm đớp lấy gấu quần soọc của Tùng kéo lấy kéo để một cách khoái chí bao nhiêu thì cái người bị nó kéo quần càng bực mình bấy nhiêu.
Thoạt đầu Tùng nhỏ nhẹ:
- Tao không giỡng với mày à nghen!
Tùng bảo “không giỡn” nhưng Tai To lại láu táu hiểu thành “tao thích giỡn với mày lắm” nên nó càng ra sức nhảy và ra sức kéo.
Tùng sầm mặt:
- Thôi nghen! Tao cảnh cáo mày lần chót đấy! Liệu hồn!
Tai To lại nghe thành “đố mày kéo sao cho tuột luôn ra được” nên lần này vừa táp được mẩu quần của Tùng nó liền ngoạm chặt không chịu nhả ra khiến người nó bị hỏng khỏi mặt đất và treo lơ lơ lửng giữa không trung nom rất buồn cười.
Nhưng Tùng không cười được. Sợ bị rách quần, nó lật đật vung mạnh chân khiến con Tai To văng ra xa rơi đánh bịch. Thế là Tai To liền giở trò “ăn vạ” bằng cách ngoác mõm kêu ủng oẳng ra vẻ ta đây đang bị thằng Tùng oắt con này hiếp đáp ghê lắm. Tiếng kêu cố làm ra vẻ thảm thiết ghê lắm. Tiếng kêu cố làm ra vẻ thảm thiết của Tai To lập tức kéo theo hàng loạt những tiếng kêu thảm thiết khác:
- Trời ơi, có chuyện gì thế Tai To?
- Tùng ơi, sao con lại đánh “em”?
Tùng ức lắm. Mọi người cứ làm như thể nó là đứa hung hăng gây sự còn Tai To bao giờ cũng nhu mì nhủ mỉ! Và nếu Tùng gân cổ phân trần thế nào cũng bị gạt đi:
- Em đùa một tí mà cũng nổi dóa!
Nhưng nỗi oan của Tùng không chỉ có thế. Có những lúc nó chẳng hề đụng chạm gì đến Tai To – nó ngồi học ở nhà trước, Tai To chơi đùa ở nhà sau – nhưng hễ Tai To thình lình kêu toáng lên vì một nguyên nhân lãng xẹt nào đó, chẳng hạn bị bọ đốt hoặc do mải chui rúc phá phách bị kẹt đuôi vào các thanh gỗ ngổn ngang trong góc bếp, là mọi người lập tức nghĩ ngay đến nó và tất cả những câu ca thán tuôn ra từ cửa miệng mọi người bao giờ cũng bắt đầu bằng hai tiếng “Tùng ơi”.
Chính vì những bất công mà nó phải chịu đựng ngày này qua ngày khác như thế khiến Tùng cảm thấy Tai To không còn đáng yêu như ngày đầu mẹ mới đem về nữa. Ðối với Tùng, Tai To trở thành một tên phá rối khó ưa.