Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Hồi ký Trần độ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 92174 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồi ký Trần độ
Trần độ

Chương 5

Đại hội Nhà văn lần thứ 4 lẽ ra được tập hợp vào quý 3 năm 1988 nhưng do có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình chuẩn bị nên cứ lần lữa mãi cho đến hết sáu tháng đầu năm 1989 vẫn chưa được quyết định. Lúc này, do sát nhập hai ban Văn hóa Văn nghệ và Ban Tuyên huấn thành ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương do Trần Trọng Tân, Trưởng ban tuyên huấn cũ, làm Trưởng ban nên mặc nhiên tôi không còn trách nhiệm gì với đại hội nữa, ngoài trách nhiệm phải làm một "bản kiểm điểm" của Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương (cũ) để trình bày trước Hội nghị Đảng viên các nhà văn.

Tôi đã chuẩn bị khá công phu "bản kiểm điểm" này, chuẩn bị một cách hào hứng và có phần vui thích vì tôi nghĩ là dịp tốt nhất để nói rõ quan điểm của mình, nói công khai những vấn đề tranh cãi suốt hai năm qua, sau khi có Nghị quyết 05 mà vẫn chưa ngã ngũ. Chưa ngã ngũ là trên phương diện lý luận thôi, trong đấu tranh tư tưởng thôi, còn trên thực tế thì người ta đã dùng quyền lực để giành phần thắng về mình. Mọi người chờ đợi Đại hội Nhà văn như những đứa con mong mẹ về chợ. Thông tri của Ban Bí thư về đại hội có từ tháng 6/1987. Ban chấp hành Hội nhà văn đã chính thức thông báo sẽ tiến hành đại hội vào quý 3 năm 1988. Các Hội bạn đã họp xong từ lâu. Chỉ riêng Hội nhà văn cho đến hết quý I năm 1989 vẫn chưa biết là sẽ họp vào lúc nào.

Trong lúc đó, tôi đã làm xong bản kiểm điểm. Theo tinh thần của Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương thì đây là bản kiểm điểm của ban văn hóa văn nghệ (khóa 6) nhưng thực chất là bản kiểm điểm Trần Độ, và Ban Văn hóa Vãn nghệ làm gì còn nữa. Do đó, nói rằng là kiểm điểm Ban Văn hóa văn nghệ nhưng thực chất là muốn kiểm điểm Trần Độ. Bản báo cáo này sẽ mang hai chủ thể, hai đại từ nhân xưng, một là tôi: Trần Độ, hai là Ban văn hóa văn nghệ Trung ương (khóa 6). Nhưng chủ yếu là Trần Độ. Tôi muốn như thế. Tôi muốn tính cả những gì mà người ta quy tội cho Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương (khóa 6) thì chính tôi, Trần Độ, Trưởng ban sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn. Tôi muốn như thế, bởi vì tôi là người không muốn chối bỏ trách nhiệm. Ban Văn hóa Văn nghệ (khóa 6) là một tập thể gắn bó, làm việc hăng say, có hiệu quả. ưu điểm thành công là thuộc về tập thể Ban, còn thiếu sót tôi xin một mình gánh chịu. Mặt khác tôi muốn một mình đứng ra trước "vành móng ngựa" theo ý đồ của một số người, bởi vì tôi không sợ ai cả. Tôi muốn công khai bảo vệ những quan điểm của mình. Và đây là dịp tốt nhất để tôi làm chuyện đó.

Trong thời gian này, có một sự việc đáng chú ý là Đảng thành lập cái gọi là "Hội đồng tư tưởng". Tổ chức này vẫn có từ trước, nhưng hoạt động không có những thể chế quy định. Khi tôi bị rời khỏi Ban Văn hóa văn nghệ, Bộ chính trị lại nhắc lại việc lập Hội đồng tư tưởng và khẳng định tôi vẫn là Trung ương ủy viên và thành viên chính thức của Hội đồng tư tưởng. ý kiến này là để an ủi tôi đôi chút là tôi không phải bị cách chức như đồn đại. Bộ Chính trị còn yêu cầu Hội đồng tư tưởng xây dựng quy chế hoạt động, để Bộ chính trị phê chuẩn và Hội đồng phải hoạt động theo quy chế đó.

Nguyên tắc tổ chức là Hội đồng tư tưởng do Trung ương lập ra gồm tất cả các đồng chí Trung ương ủy viên hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng. Trưởng ban tuyên huấn Tổng biên tập các Báo tạp chí Cộng sản, Nhân dân, Việt Nam Thông tấn xã, phụ trách các viện nghiên cứu, Ban khoa giáo, các hội văn học nghệ thuật, phụ trách trường Đảng... Có những cơ quan không có Trung ương ủy viên thì thỉnh thoảng có việc gì liên quan nhiều, Hội đồng sẽ mời đại biểu dự hội nghị. Nhưng điều này cũng hay tùy tiện, tùy theo ý thích của đồng chí chủ trì có khi mời nhiều có khi mời ít, và tư cách của các đồng chí Trung ương ủy viên bị lu mờ rất nhiều.

Thời gian này bắt đầu có những ý kiến ngang ngửa về một số hiện tượng văn nghệ và một số tác phẩm thì thấy Hội đồng tư tưởng họp luôn. Nhưng vì cung cách làm việc không có định chế, nếu đến cuộc họp, mạnh ai nấy phát biểu và khi kết thúc thì Chủ tịch tóm tắt một cách rất tùy tiện, ý kiến đó được ghi lại và đều được thông báo là ý kiến của Hội đồng tư tưởng. Hồi đó những vấn đề được đem ra xem xét cũng là những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, vấn đề được gọi là "Phủ nhận sạch trơn" nói tiêu cực nhiều, ít nói về tích cực v.v... Những chuyện này tôi đều phải có ý kiến và đã ghi đầy đủ trong cái gọi là "Bản kiểm điểm" sẽ nói đến sau này.

Lúc đó tôi cũng nóng ruột và rất mong muốn cho Hội đồng tư tưởng làm việc có hiệu quả. Tôi đã chủ động "dự thảo một bản quy chế làm việc" gửi cho anh Đào Duy Tùng và yêu cầu tổ chức thảo luận để đi tới những quyết định chính thức. Nhưng văn bản ấy của tôi cũng bị rơi vào im lặng một cách đáng sợ và sau đó Hội đồng tư tưởng cũng không có hoạt động gì và cũng không nhắc đến nó nữa. Nó có hay không, nó bắt đầu và kết thúc như thế nào cũng không ai biết.

Trong quá trình chuẩn bị bản kiểm điểm, tôi đã ngồi với Nguyễn Văn Hạnh nhiều buổi và Nguyễn Văn Hạnh rất tâm đắc với tôi. Và một điều vô cùng lý thú đã diễn ra: Nguyễn Văn Hạnh, Phó Ban Tư tưởng Ban hóa Trung ương, phụ trách mảng Văn hóa Văn nghệ, người lẽ ra là quan tòa để xử tôi, lại chính là người đang cùng tôi chuẩn bị những lý lẽ vững chắc cho bị cáo. Và thật không ngờ, thật là đẹp, sau này chính Nguyễn Văn Hạnh lại thay mặt bị cáo đọc bản luận tội ngược trở lại đối với các quan tòa, lúc bấy giờ đủ mặt 3 bí thư Trung ương Đảng, có mặt toàn Ban lãnh đạo Ban tư tưởng văn hóa Trung ương. Thật vô cùng thú vị. Cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy vô cùng thích thú.

Nhân chỗ này, tôi cũng nhớ lại một kỷ niệm đáng chú ý của cuộc đời tôi. Tôi đã bị thôi chức Trưởng ban Văn hóa văn nghệ của Đảng, nhưng duyên nợ của tôi với văn hóa chưa dứt, tôi vẫn là đại biểu Quốc hội và là chủ nhiệm ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội. Lúc ấy Đảng có một ý định là Bố trí các trưởng ban chuyên môn của Đảng là Chủ nhiệm các ủy ban chuyên môn của Quốc hội. Làm như thế để cho có sự dễ dàng kết hợp chức năng giám sát của Quốc Hội với chức năng giám sát của Đảng. Tôi cũng được coi là người có điều kiện thích hợp để làm việc đó. Vì vậy khi Quốc Hội bước vào khóa VIII có sự sắp xếp lại nhân sự, tôi vẫn được chỉ định ứng cử đại biểu Quốc Hội khóa VIII ở Thái Bình, quê tôi. Khi khóa VIII Quốc Hội bắt đầu hoạt động, trong một dịp tôi đến thăm anh Linh, anh Linh bảo tôi là Bộ Chính trị đã cân nhắc việc sắp xếp và một quyết định là yêu cầu tôi ứng cử chức vụ Chủ tịch Quốc Hội.

Tôi nghe tin này, hơi bỡ ngỡ, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ làm những chức vụ quan trọng như thế. Tôi không dám nghĩ tôi là nghệ sĩ, nhưng tính tôi và phong cách của tôi là bình dân và thoải mái. Có người đã chấn chỉnh tôi, cho là tôi tự do chủ nghĩa, và tôi đã đáp lại là tôi không tự do chủ nghĩa, nhưng tôi thích tự do và tôi tự hào về điều dó, người chấn chỉnh tôi nói là anh hãy nên tự hào là người Cộng sản. Tôi nói: Đúng người cộng sản thì phải đấu tranh cho tự do, là một quyền cơ bản của con người, không có gì mâu thuẫn.

Tôi trình bày với anh Linh, tôi xin không làm Chủ tịch Quốc Hội, vì cương vị này người làm luôn có một phong cách trang trọng và trang nghiêm, phải để rất nhiều thì giờ vào các thứ thủ tục, các cuộc thù tiếp. Tôi muốn được sống bình dân và thoải mái, dành nhiều thời gian cho việc học tập, nghiệm và thường thức văn hóa văn nghệ.

Anh Linh bảo tôi: Bộ Chính trị đã quyết định rồi. Anh thân tình bảo cho tôi biết trước, còn thì có đại diện của Bộ chính trị thông báo chính thức cho tôi sau. Như vậy, có nghĩa là tôi chỉ có việc chấp hành? Tôi về rất băn khoăn lo nghĩ và sợ hãi quyết định này, tôi không sợ trách nhiệm nhưng sợ làm hỏng công việc của Đảng và Nhà nước. Quả nhiên sau đó ít lâu, Anh Nguyễn Đức Tâm ủy viên Bộ chính trị, trưởng ban Tổ chức của Trung ương Đảng mời tôi đến làm việc và anh chính thức thông báo cho tôi điều đó. Vì anh Tâm là bạn đồng hương của tôi (cũng là người Thái Bình) và lại là bạn đồng học từ nhỏ, nên tôi nói năng thoải mái và thẳng thắn hơn. Anh Tâm hỏi tôi: "Nếu ông không chịu làm thì ông định giới thiệu ai?"

Tôi đáp : Tôi xin tiến cử một trong hai người là anh Lê Quang Đạo và chị Nguyễn Thị Định". Về sau anh Lê Quang Đạo chính thức giữ chức vụ này.

Một lần anh Đỗ Mười bảo tôi: "Cậu phải có một chức vụ gì có trách nhiệm trong cơ quan Quốc Hội và Hội đồng nhà nước chứ!"

Tôi xin: Cho tôi làm phó cho anh Đạo và có một chân ủy viên trong Hội đồng nhà nước mà vẫn chủ nhiệm ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc Hội. Nguyện vọng ấy của tôi được chấp nhận. Và tôi còn được tiếp tục hoạt động văn hóa một thời gian cho đến năm 1992, tôi tròn bảy mươi tuổi, tuy không còn có quyền lực và uy thế gì nữa. Buồn cười là khi tôi không còn là Trung ương ủy viên (Đại hội VII) mà vẫn là Chủ nhiệm ủy ban của Quốc Hội. Một cán bộ giúp việc trong Văn phòng Quốc Hội rất lo buồn ở chỗ từ nay đi địa phương, anh không còn được giới thiệu tôi là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng và do đó, làm việc sẽ khó khăn. Tôi không nghĩ thế và khi đi làm việc tôi vẫn làm việc hồn nhiên và đàng hoàng như trước...

Trở về với Bản kiểm điểm. Bản kiểm điểm của tôi mang tiêu đề : Hai năm thực hiện nghị quyết 05 của Bộ Chính trị và hoạt động của Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương (cũ).

Mở đầu tôi xác định ngay vị trí chủ thể của mình: "Tôi xin phát biểu ý kiến theo đầu đề trên. Gọi nó là kiểm điểm cũng được. Nhưng tôi không muốn coi là kiểm điểm với ý nghĩa "xưng tội" và "xưng tội" một cách cưỡng ép và giả tạo. Tôi muốn góp một tiếng nói trung thực, góp phần làm sáng rõ sự thực, sự thực về các vấn đề quan điểm nhận thức sự thực về tình hình..."

Tiếp đó, tôi khẳng định những việc đã làm được của Ban Văn hóa Văn nghệ trong giai đoạn tôi là Trưởng ban. Tôi chuẩn bị bản "kiểm điểm" này khá công phu và khá kỹ, tôi muốn phản ánh trong đó một số tình hình và một số ý kiến đang có sự tranh cãi, và tôi muốn trình bày những ý kiến quan điểm của tôi. Đó cũng là những vấn đề tôi hết sức quan tâm lúc đó. Nay tôi chép lại toàn bộ bản "Kiểm điểm" đó để "hồi ký" lại một thời gian sôi động đầy hứng khởi và đầy lo âu. (Bài này đã được công bố trong Đại Hội Nhà văn cuối tháng l0/1989).

 

.... Ngay từ trước và sau khi có Nghị quyết Đại hội VI tôi đã dành thời gian nghiền ngẫm tình hình đất nước và các tư tưởng "đổi mới " trong Nghị quyết. Vận dụng những suy nghĩ ấy vào lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Toàn ban văn hóa văn nghệ Trung ương đã tập trung trí lực và có quyết tâm cao trong gần một năm xây dựng Nghị quyết cho Bộ chính trị, dựa trên cơ sở thu thập, gạn lọc nhiều ý kiến của rất nhiều trí thức văn nghệ sĩ trong Nam ngoài Bắc. Vì vậy, có thể nói điều tâm đắc nhất của tôi về văn hóa văn nghệ cũng là những quan điểm chứa đựng trong Nghị quyết 05 của Bộ chính trị ký ngày 28 tháng 11 năm 1987, mà khi thông qua văn bản, Bộ chính trị và Ban bí thư đã thảo luận khá kỹ.

Nghị quyết đã có một số quan điểm nhận thức mới, quan trọng như:

- Văn hóa có vai trò quan trọng trong đời sống con người, là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần của xã hội, thể hiện trình độ phát triển chung của một đất nước, một thời đại chứ không phải chỉ là cái gì thứ yếu, phụ thuộc và phù phiếm.

- Văn hóa là lĩnh vực sản xuất tinh thần tạo ra những giá trị văn hóa, những công trình nghệ thuật được lưu truyền từ đời này sang đời khác làm giàu đẹp thêm cuộc sống con người, chứ không phải là một hoạt động tiêu phí sản xuất.

Văn hóa nghệ thuật là bộ phận đặc biệt nhạy cảm của văn hóa, thể hiện khát vọng của con người về chân thiện mỹ, có tác dụng bồi dưỡng, tình cảm, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh của các thế hệ công dân, xây dựng môi trường đạo đức trong xã hội, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, chứ không phải chỉ làm công việc tuyên truyền cổ động cho các nhiệm vụ hằng ngày. Văn nghệ có tiếng nói riêng, tiếng nói độc lập không gì thay thế được để thực hiện sứ mệnh của mình, là tiếng nói đầy trách nhiệm, trung thực, tự do, tiếng nói của sự thật, của lương tri, của tinh thần nhân đạo cộng sản chủ nghĩa, chứ không phải là tiếng vọng lặp lại từ một tiếng nói khác. - Một chính sách quan trọng được nêu ra trong Nghị quyết 05 là chính sách tự do sáng tác. Tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa văn nghệ. Bản chất quyền tự do sáng tác của văn nghệ sĩ nằm trong sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo và được quy định bởi trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội. Tự do sáng tác phải đi đôi với tự do phê bình. Mọi tác phẩm đặt dưới sự giám sát, đánh giá của công chúng và của các nhà phê bình, lý luận và các tác phẩm phê bình của các nhà lý luận cũng phải đặt dưới sự kiểm định của độc giả.

Một nội dung quan trọng của "đổi mới " là các cấp lãnh đạo và quản lý xã hội phải nâng cao được trình độ để có thể phát huy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo của giới văn hóa văn nghệ. Người lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa văn nghệ cần có kiến thức văn hóa nghệ thuật rộng và sâu và phải có năng lực cảm thụ nghệ thuật đủ để hiểu và xử lý các vấn đề do nó đặt ra. Đổi mới tổ chức phải đi đôi với đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý mới bảo đảm thực sự cho tự do sáng tác. Một phương thức quan trọng là cần phát triển rộng rãi các tổ chức xã hội về văn hóa văn nghệ, thu hút sự đóng góp tự nguyện của nhân dân, tạo thành nguồn đầu tư xã hội lớn cho sự nghiệp văn hóa.

- Một tinh thần quan trọng nữa của chính sách văn hóa hiện nay là Đảng và Nhà nước phải: cần tạo những điều kiện vật chất và tinh thần cho văn hóa văn nghệ phát triển. Nghĩa là phải đặt sự phát triển văn hóa trên cơ sở của phát triển kinh tế và nằm trong sự phát triển kinh tế.

Trên đây là những quan điểm cơ bản của Nghị quyết 05. Nghị quyết còn có những vấn đề khác cũng quan trọng nhưng tôi thường tập trung nhấn mạnh và để nhiều thì giờ phân tích kỹ hai nội dung cơ bản.

a- Vai trò văn hóa văn nghệ và chính sách tự do sáng tác.

b- Vấn đề đổi mới và nâng cao trình độ, lãnh đạo quản lý và như vậy cố làm bật cái "thần " của Nghị quyết. Tôi đã gặp những đồng chí phụ trách ở địa phương, khi muốn biết Nghị quyết, thường nói các anh tóm cho cái "thần" chủ chốt của Nghị quyết chứ chúng tôi nghe nhiều cũng chẳng nhớ được.

Tôi có ý thức sâu sắc và nhất quán là lấy hai điểm cơ bản trên làm cái "thần " của Nghị quyết làm điểm tựa, làm xuất phát điểm cho mọi suy nghĩ, mọi ứng xử, mọi hành động và mọi kế hoạch công tác, làm phương hướng tống kết kinh nghiệm các quan điểm chính sách văn hóa văn nghệ ghi trong các Nghị quyết của Đảng, tôi có ý thức xây dựng một cơ quan tham mưu cho Đảng về văn hóa văn nghệ. Tôi quan niệm: tham mưu là nghiên cứu đề xuất các vấn đề thuộc phương hướng, chính sách theo tinh thần của các Nghị quyết của Đảng. Cơ quan tham mưu không thể và không được tự coi mình là cơ quan quản lý hay chỉ đạo trực tiếp, nó không được quyết định thay thế các đơn vị các tổ chức có chức năng quản lý và các hoạt động khác và cũng không thể trực tiếp làm thay các hoạt động sáng tạo và lý luận văn hóa văn nghệ cụ thể. sau khi có Nghị quyết 05 của Bộ chính trị, trong năm 1988, Ban văn hóa văn nghệ Trung ương đã đề xuất và tiến hành theo chức năng tham mưu của mình một số công việc như sau:

1 Xây dựng Ban văn hóa văn nghệ Trung ương về các mặt tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc của chuyên viên. Bản dự thảo về quy chế làm việc của Ban văn hóa văn nghệ Trung ương đã được Ban bí thư thông qua ra quyết định chính thức từ quý 3/88.

2- Đề xuất phương hướng hoạt động và xây dựng những nguyên tắc tổ chức các Hội đồng nghệ thuật theo một quan niệm mới mẻ là: Đảng tổ chức ra và trao cho các cơ quan và những người am hiểu một lĩnh vực nghệ thuật nào đó giúp Đảng nghiên cứu và có ý kiến về những vấn đề thuộc phương hướng phát triển lĩnh vực nghệ thuật xử lý và có ý kiến quyết định về những vấn đề chuyên môn đó giúp Đảng.

3. Xây dựng các nguyên tắc tổ chức Quỹ văn hóa Việt Nam, với tính chất là một tổ chức xã hội, có nhiệm vụ động viên mọi lực lượng toàn xã hội tham gia vào công cuộc xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa.

4- Dự thảo chỉ thị của Ban bí thư về phát triển công tác lý luận và phê bình văn nghệ.

5- Cùng với Học viện Nguyễn ái Quốc xây dựng khoa văn hóa xã hội chủ nghĩa với một chương trình giảng dạy thích hợp

6- Chăm lo bồi dưỡng kiến thức lý luận văn hóa văn nghệ trong ngành từ Trung ương đến địa phương (lớp học 25 người tại Học viện các khoa học xã hội trực thuộc Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô).

7- Thực hiện hướng dẫn cho công tác các bộ phận tham mưu của cấp ủy tỉnh về văn hóa văn nghệ và các hội văn nghệ địa phương, thông qua tổng kết hằng năm của Ban.

8- Cùng các Hội và giúp các Hội tiên hành các đại hội theo tinh thần đổi mới. Vì các Hội đã hết nhiệm kỳ. Trong tám điểm trên đây thì các điểm 1, 4, 5, 6 đã được thực hiện các điểm 2, 3 và 7 còn để lại, điểm 8 thì thực hiện được phần lớn.

Ngoài ra trong quý 1 năm 1988 Ban đã và đang tiến hành một số công việc khác như:

- Xây dựng chỉ thị về chính sách cụ thể đổi mới lực lượng sáng tác trẻ.

- Chuẩn bị kế hoạch tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tham mưu trong ngành.

- Cùng với Học viện Nguyễn ái Quốc hoàn thiện chương trình giảng dạy của Khoa văn hóa xã hội chủ nghĩa.

- Thúc đẩy các hoạt động phê bình, lý luận, tiến tới xây dựng tạp chí lý luận, phê bình ủng hộ việc lập Hội lý luận phê bình do một sanh em đề xuất đóng góp vào sự định hướng hoạt động văn hóa văn nghệ theo chủ trương của Đảng biệt là tập trung nghiên cứu các vấn đề pháp luật trong văn hóa văn nghệ, nhằm thể chế hóa các tư tưởng của Nghị quyết 05 thành các văn bản pháp quy, góp phần nâng cao trình độ lãnh đạo và quản lý.

Sau khi điểm qua những việc chủ yếu của Ban văn hóa văn nghệ đã làm được hai năm qua, tôi tập trung khẳng định những thành tích nổi bật của công tác văn hóa văn nghệ và ý nghĩa của những thành tích đó:

Bình tĩnh mà xem xét, ta có thể nhận thấy lĩnh vực văn hóa văn nghệ trong hai năm qua đã có những chuyển biến tích cực rất đáng trân trọng.

Nghị quyết 05 của Bộ chính trị là một sự lãnh đạo quan trọng của Đảng, có hiệu quả, có tác dụng tích cực trong đời sống - trong một bản điều tra dư luận của Ban Tuyên Huấn trước Hội nghị Trung ương VI thì trong số hơn mười nghị quyết, chỉ thị của Đảng chỉ có ba nghị quyết số 05, 10, 16 và một số chỉ thị của Ban bí thư là chỉ thị 15 là được trên 50% đến trên 60% người được hỏi ý kiến cho là có tác dụng tích cực. Vậy đó là những nghị quyết chỉ thị tốt và vai trò Nghị quyết 05 là đáng quý. Nó khẳng định thêm vai trò lãnh đạo của Đảng.

Nghị quyết 05 có thể nói đã thổi một luồng gió mới hào hứng hồ hởi vào văn nghệ sĩ. Đó là sự hoan nghênh tinh thần dân chủ tự do của sự lãnh đạo của Đảng. Văn nghệ sĩ có một vai trò mới trong cuộc sống xã hội.

 

Văn nghệ sĩ có ý thức hơn về trách nhiệm của mình đối với nhân dân, với đất nước. Hoạt động văn nghệ trở nên sôi động, hồ hởi, tâm huyết, đa dạng và phong phú hơn. Người viết dám nhìn thẳng vào sự thật, bám sát cuộc sống, đi sâu vào tâm tư, số phận từng người.

 

Theo hướng đổi mới, rõ ràng hoạt động văn nghệ đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, góp phần tạo ra không khí dân chủ trong xã hội, thức tỉnh ý thức trách nhiệm và lương tâm, góp phần khôi phục niềm tin vào Đảng, bồi dưỡng tính tích cực công dân cho mọi người. Đây cũng là sự đóng góp có ý nghĩa của giới văn nghệ vào việc thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ VI. Rõ ràng sự lãnh đạo của Đảng được đề cao, tăng cường.

Đành rằng trong văn nghệ chưa có tác phẩm kiệt xuất, nhưng rõ ràng nó đã có những tác phẩm mới, thành tựu mới. Vì vậy, cho rằng diện mạo văn hóa văn nghệ hai năm qua có một bước "khởi sắc" là một nhận định hoàn toàn đúng đắn. Không những thế, mà đã có hàng loạt tác phẩm tiểu thuyết (kể đến hàng chục) mới, hàng trăm truyện ngắn mới khá hay. Nhiều tên tuổi mới đang tích cực tạo nên bộ mặt mới cho văn học nghệ thuật của ta.

Chúng ta đã có những tiền đề hay ít nhất là những dấu hiệu bắt đầu một nền văn nghệ của giai đoạn cách mạng trong thời đại mới. Hầu hết văn nghệ sĩ mọi lứa tuổi, mọi thế hệ, mọi địa phương đều khao khát đổi mới đều cùng một chí hướng xây dựng một nền văn nghệ mới phù hợp với yêu cầu "Đổi mới ". Đó là hiện tượng đáng mừng và đáng phấn khởi.

Đương nhiên hoạt động văn hóa văn nghệ thời gian qua không tránh khỏi có những bước đi chệch choạc, vấp váp cần khắc phục. Nói về thiếu sót của văn hóa văn nghệ, nhận định của đồng chí Đào Duy Tùng trong cuộc nói chuyện với cán bộ Ban tuyên huấn Trung ương nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (khóa VI) về cơ bản là chấp nhận được, đồng chí nói: "Trong văn hóa văn nghệ thể hiện một số thiếu sót cần được uốn nắn, như có lúc chỉ viết nhiều về các hiện tượng tiêu cực mà lại coi nhẹ việc phản ánh các nhân tích cực. Thiếu sót này đang được khắc phục. Có những tác phẩm phê phán gay gắt những hiện tượng tiêu cực, có tác dụng đổi mới tình cảm, tư tưởng người xem, nhưng có số bài viết, vở diễn, phim nội dung chưa tốt, để gây tâm lý bi quan. Trong khi thảo luận các quan điểm văn học, nghệ thuật, việc nói thẳng các quan điểm khác nhau, thẳng thắn tranh luận là việc bình thường, nhưng có một số quan điểm không đúng chưa được uốn nắn kịp thời.

Có hai khuyết điểm có thể nói là nghiêm trọng cần được sớm khắc phục là: khuynh hướng thương mại, chạy theo doanh thu, theo tiền cả trong sáng tác, biểu diễn và trong xuất bản, và sự lỏng lẻo trong việc quản lý chiếu phim video..." Nhận xét thế là thỏa đáng và đúng sự thật, mặc dù vẫn có những vấn đề và tình hình mới cần tiếp tục nghiên cứu và phân tích sâu hơn.

Về nhận định tình hình, tôi xin trình bày rõ thêm ý kiến của tôi.

1- Khi đánh giá tình hình chung cần phân biệt nhận định những tình hình trong khu vực sáng tác và lý luận phê bình và nhận định riêng khu vực truyền bá, phổ biến không nên gộp làm một. Những ý kiến trình bày trên tôi tập trung nói về khu vực sáng tác và lý luận phê bình, cần nói chung là tình hình đáng lạc quan.

- Về sáng tác, nét cơ bản là có phát triển mới là một hiện tượng đáng mừng. Các tác phẩm đã có, còn nhiều điều cần phê bình, chê trách, nhưng không thể coi là những sáng tác có khuynh hướng xấu. Mặc dù có một số sách đã viết vội vàng với những chủ đề nông cạn chiều nịnh thị hiếu thấp kém nhưng đa số đó không thể coi là phần quan trọng của bộ mặt văn học.

- Về lý luận phê bình, những cuộc tranh luận vừa qua có nhiều hiện tượng có ích và đáng mừng -sự phân cực ý kiến rất rõ. Đối với bất cứ một tác phẩm, một tác giả, một hiện tượng, một sự kiện đều có ít nhất hai cách nhìn nhận khác nhau và thông thường là có nhiều cách nhìn nhận khác nhau.

Điều tôi cho là đáng phàn nàn nhất và cũ kỹ nhất là có những thứ ý kiến "quy kết chính trị" - những ý kiến này phân tích nâng lên quan điểm, quan điểm chính trị, đẩy tới quy kết "chống Đảng" - "xa rời chủ nghĩa xã hội" - ý kiến khác nhau thì cứ phân tích, có thể chê nhau là dốt, là thấp là dở chẳng sao, nhưng ý kiến đi tới "anh là phản cách mạng, phản mác xít, chống Đảng", "chống chủ nghĩa xã hội" thì đó là ý kiến kết tội vô căn cứ, mà đã kết tội vô căn cứ, thì là vu cáo. Nếu gạt được sang một bên sự quy kết chính trị có chủ ý, tôi thấy đội ngũ văn nghệ sĩ của ta tuy tính cách khác nhau, có đủ điều kiện đoàn kết thân ái với nhau chung quanh sự nghiệp chung. Cần làm cho rõ là cần trừng phạt đầy đủ những hành vi chống đối, phản quốc phản Đảng - nhưng tội đó phải được có chứng cớ, và có tội danh thuộc khoản nào, điều nào của luật như thế mới được, tôi kiên quyết phản bác và phẫn nộ lên án những ý đồ "vu cáo chính trị", kết tội một cách mơ hồ. Tôi hoàn toàn có căn cứ để nhận định và báo cáo với Đảng rằng "Đội ngũ văn nghệ sĩ của ta trải qua nhiều giai đoạn cách mạng, đến nay là một đội ngũ hoàn toàn đáng tin cậy của Đảng, tôi không tin có một người nào đó, có ý nghĩ chống Đảng. Tất cả đều mong muốn công việc tốt hơn, Đảng ta cao hơn, mạnh hơn. Tất nhiên không thể loại trừ có một số ít phần tử cơ hội. Nhưng chỉ là cơ hội cá nhân chủ nghĩa mà thôi. "

Trên tinh thần các Nghị quyết của Đảng, tôi mơ tưởng tạo nên một bức tranh văn nghệ như sau: Có nhiều người hồ hởi, hào hứng, đua tranh bộc lộ và phát triển tài năng. Họ đã có đầy đủ ý thức trách nhiệm về dân tộc, về tổ chức và chủ nghĩa xã hội, họ được quyền và có sự hào hứng nói lên hết những suy ngẫm của họ về sự nghiệp cách mạng về Tổ quốc, nhân dân, về cuộc đời, về đạo lý, về số phận con người theo cách của họ và không phải e ngại ai, e ngại gì. Tình hình hoàn toàn có thể được diễn ra như thế, và rất nên như thế. Như thế là rất tự nhiên và bình thường.

Các nhà lý luận thì đua tài phân tích phát hiện những cái hay, cái sâu sắc, cái còn ẩn giấu, cái kém cỏi, cái dở, cái chưa đạt và cũng hào hứng nói hết ý kiến của mình, dù cho có khi gai góc, nóng mặt.

Đảng mong cuộc sống của xã hội được dân chủ hơn nữa, công khai hơn nữa (Nghị quyết Trung ương VI) thì lẽ ra cuộc sống và hoạt động văn nghệ phải được sôi nổi hơn, hào hứng hơn và hồ hởi hơn, mới là thuận chiều. Tôi tán thành cần có sự uốn nắn những điều lệch lạc. Nhưng sự uốn nắn ấy phải tạo được ra không khí "dân chủ hơn nữa, công khai hơn nữa" mới phải.

Như vậy là ta có một bức tranh sôi động nhiều màu sắc vui vẻ mới mẻ. Thế mà tôi lại rất lo lắng là hiện nay đã bắt đầu xuất hiện trở lại một số tâm trạng lo buồn dè dặt và e ngại thậm chí chán nản về những điều muốn sáng tác mà tác giả hoàn toàn tự tin và bảo đảm về lòng trung thành và trung thực của mình. Cái thứ "lo sợ một cái gì vô hình" lại đang trở lại, và có người cho là còn nặng nề hơn trước. Xin nói như vậy là tình hình diễn ai ngược lại với tinh thần các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là đối với Nghị quyết 05.

Thêm vài lời về cái gọi là mất đoàn kết và bè phái. Hiện tượng bè phái là một hiện tượng xấu trong Đảng và trong xã hội. Nhưng trong cuộc sống có những tình hình ý kiến khác nhau, tính cách khác nhau - không nên quy kết tất cả sự khác nhau thành ra mất đoàn kết, bè phái. Cái thứ đáng lên án là những thứ mưu mô làm hại nhau, hạ bệ nhau, vu cáo nói xấu nhau. Câu chuyện Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, tôi có cách nhìn thế này: Hai anh đều có tài, đều tôn trọng tài nhau. Cả hai đều hiểu sâu sắc về văn học, đều có tâm huyết và trách nhiệm cao đối với văn học. Anh Ngọc có sơ xuất về việc đăng lời phát biểu của anh Khải. Anh Khải bực mình. Anh Ngọc đã xin lỗi anh Khải. Sơ xuất của anh Ngọc cũng dễ xảy ra, và là bình thường tham sự việc lại được coi là tôi là người ủng hộ anh Ngọc và gạt anh Khải. Thực sự tôi yêu cả hai anh. Anh Ngọc cũng đã nghe tôi nói về anh Khải và anh Khải cũng thế. Tính cách anh Khải và Ngọc khác nhau, Ngọc thì bảo vệ chính kiến mình một cách quyết liệt và kiên trì, Khải thì mềm mỏng, hay suy nghĩ kỹ càng, sâu sắc và cân nhắc nhiều bề. Nhưng những ý kiến quá khích cứ đẩy thêm vào tạo ra hình ảnh: Nguyên Ngọc là tên phiêu lưu và Nguyễn Khải là tên chay dài. Lại còn có ý kiến: Ban văn hóa văn nghệ trực tiếp nắm báo Văn Nghệ để báo Văn Nghệ tách khỏi Hội Nhà Văn với những chi tiết bịa đặt quá mức trắng trợn. Sự thật thế nào, nó vẫn còn đó, tôi không muốn nói nhiều. Hiện tượng gọi là "bè phái", trước đây đã có một sự lên án những người "bè phái " át giọng người khác, bịt miệng người khác. Có người cho là đã dẹp xong cái này. Nhưng thực chất hiện nay lại xuất hiện hiện tượng nêu cần gọi là bè phái khác. Đó là một loại giọng át giọng người khác "cả vú lấp miệng em" (như báo Sài gòn giải phóng có nói). Và sự át giọng này bây giờ lớn hơn. Phải có sự công bằng ở chỗ này như thế nào? Ai bè phái với ai?

Tiện đây cũng xin nói thêm về sự việc gọi là "áp đặt nhân sự" ở Hội Nhà văn. Tôi có đưa ý kiến thành lập Ban trù bị đại hội Hội nhà văn, nhưng Ban thư ký không đồng ý và cuối cùng là Ban chấp hành quyết định. Và chúng tôi tôn trọng quyết định đó. Tình thế đầu năm 1987 của Hội Nhà Văn có nhu cầu bổ sung Ban thư ký và bổ nhiệm Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Việc bổ sung và bổ nhiệm này các anh ở Ban thư ký có nghĩ đến ai, thì chúng tôi cũng nghĩ đến người đó và chúng tôi cũng thu nhận được những ý kiến của một số hội viên ở Hà Nội. Chúng tôi trao đổi nhiều lần với Ban thư ký và chúng tôi có đầy đủ ý thức là để Hội tự quyết định công việc của mình". Vì thế rõ ràng cuối cùng là Ban chấp hành họp quyết định vị trí của anh Nguyễn Khải và Ban thư ký họp quyết định bổ nhiệm anh Nguyên Ngọc.

Sự việc nó như vậy. Nhưng sau đó nó lại được trình bày như tôi đã đề xuất ý kiến và Ban thư ký đầy thiện ý (nể tôi) nên cũng giới thiệu theo ý chúng tôi (việc này đã kể rõ trong hai văn bản. Tờ trình của Ban thư ký Hội Nhà Văn và văn thư giải đáp của Ban Văn hóa Văn nghệ ngày 25/ 6//988). Tôi tin rằng Ban thư ký Hội nhà văn đã ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, nên khi "thuyên chuyển công tác" anh Nguyên Ngọc, các anh trao đổi với chúng tôi chúng tôi vẫn cho là không nên vội vàng và nên xem xét thêm nhiều mặt về phía anh Nguyên Ngọc, Ban thư ký và dư luận công chúng. Nhưng các anh vẫn tiến hành công việc một cách kiên quyết và khẩn trương theo tinh thần nghị quyết của Ban chấp hành Hội Nhà Văn tháng 9-1988. Chúng tôi có ý thức đầy đủ để các Hội tự giải quyết và tự chịu trách nhiệm về công việc của mình là tốt hơn. Có ý kiến chúng tôi trao đổi, còn trách nhiệm quyết định là ở Hội. Sau này Ban bí thư cũng đã khẳng định tinh thần quan hệ như vậy là đúng.

Trên thực tế đã qua 6 đại hội các Hội, Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương đã cố gắng làm đúng chức trách của mình là cơ quan tham mưu cho Đảng. Không can dự mang tính áp đặt nhân sự đối với bất cứ đại hội nào.

Kết thúc phân tích đánh giá tình hình, một lần nữa tôi khẳng định:

Trong hai năm qua Đảng lãnh đạo văn hóa văn nghệ là tốt có hiệu quả, có tác động chuyển biến trong thực tiễn. Thực tiễn văn nghệ trong sáng tác, lý luận phê bình có bước phát triển tốt đang có triển vọng tạo nên bức tranh văn nghệ tốt đẹp, nhưng đà hào hứng đó nay đang bị chùn lại. Đó là điều đáng tiếc.

Tiếp đó tôi nêu lên một số hiện tượng cần làm rõ.

<< Chương 5 | Chương 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 288

Return to top