Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Hồi ký Trần độ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 92178 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồi ký Trần độ
Trần độ

Chương 3

Tôi nghe nhiều đồng chí nói văn nghệ còn bị cấm đoán, sát phạt... Và, cái các đồng chí sợ nhất là cái thường lơ lửng đâu đó trong không trung. Các đồng chí sợ nó hơn sợ sự kiểm duyệt. Đó là nỗi sợ hãi những thứ dư luận nào đó kết tội các đồng chí viết không đúng lập trường, chống lại đường lối, chủ trương của Đảng v.v... Nghe các đồng chí nói lên điều lo ngại này, tôi rất thông cảm. Chính vì thông cảm mà sáng nay khi nghe các đồng chí phát biểu, tôi đã "ngứa miệng" kêu: "Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu. Mình phải chặt chẽ với mình. Khi thấy mình là đúng, có ý thức xây dựng thì phải kiên quyết bảo vệ chân lý phải dũng cảm.

Tôi nghĩ, dù thế nào, các đồng chí cũng không nên uốn cong ngòi bút của mình. Thà rằng chưa viết được thì cứ đi vào thực tế đời sống tích lũy thêm vốn hiểu biết, chứ không viết theo kiểu tùy thời. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, người nghệ sĩ phải dũng cảm, có tấm lòng trong sáng, đừng chùn bước. Cần luôn luôn ghi nhớ câu của Bác Hồ: "Nay ở trong thơ nên có thép". Có thép, tôi hiểu là phải có tinh thần cách mạng.

Tôi có mấy đề nghị:

Các đồng chí dũng cảm vượt khó khăn. Trước đây văn học nghệ thuật cách mạng phải vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm trong điều kiện hoạt động bí mật. Trong hai cuộc kháng chiến, văn học nghệ thuật của chúng ta có tinh thần chiến đấu cao, được xây dựng và phát triển phục vụ đắc lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lúc bấy giờ các đồng chí gặp không khí thuận lợi cho lao động sáng tạo nghệ thuật. Lãnh đạo của Đảng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các đồng chí đóng góp tài năng của mình. Trong kháng chiến, chống lại bọn địch, chống bọn "sọc dưa" hèn nhát thì chả ai cấm, chả ai bắt tội. Khen ai, ca ngợi ai lúc đó cũng rõ ràng: chiến sĩ anh hùng, nhân dân anh hùng.

Ngày nay khen, chê như thế nào là rất khó. Cái xấu, cái tiêu cực lại nằm ngay trong nội bộ nhân dân, trong những kẻ có chức, có quyền trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước.

Trước đây ta thường có quan niệm đơn giản: hễ đã nói tới xã hội chủ nghĩa là chỉ có những điều tốt đẹp. Quan niệm như vậy rõ ràng là ảo tưởng, ngây thơ. Trước đây có lúc tôi cũng đã từng nghĩ như vậy. Nhưng khi chạm vào thực tế xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ với những con người từ chế độ cũ chuyển qua, mang theo bao tàn dư, thói hư tật xấu của chế độ cũ. Với năng lực còn nhiều thiếu sót, kém cỏi v.v... nên nhìn nhận như thế nào thật là khó. Ranh giới giữa cái đúng với cái không đúng nhiều khi không rõ ràng.

Vấn đề là phải có cách nhìn nhạy bén và có cơ sở khoa học. Trong sáng tác văn học nghệ thuật cũng phải dũng cảm nêu ra những vấn đề của đời sống, của xã hội. Lịch sử phán xét những vấn đề anh nêu ra là đúng hay sai.

Nếu là sai thì phải sửa.

Một cái khó nữa mà tôi có cảm giác là khi có chính quyền rồi bất tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội thì có tư tưởng cho rằng mọi việc đều tốt đẹp cả. Vì vậy, trong sáng tác thường thiên về hướng ca ngợi một chiều, "tô hồng". Người ta dễ chấp nhận lối viết "tô hồng". Ai viết về người không tốt, việc không tốt thường bị mang tiếng là "bôi đen". Theo tôi, trong lĩnh vực của các đồng chí ngoài việc thể hiện những người tốt, việc tốt thì cũng phải nêu lên, phải vẽ ra những con người xấu, việc xấu để mọi người khinh ghét, tránh xa những cái xấu, làm như vậy không phải để lên án chế độ mà để chống lại những con người, những sự việc làm trái với lý tường cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.

Bệnh quan liêu, ức hiếp quần chúng, thói ăn cắp của công, đầu cơ tích trữ, ăn bám, sống phè phỡn trên lưng những người lao động chân tay và trí óc, những hủ tục như mê tín, dị đoan, sự suy đồi thoái hóa về đạo đức v.v... cần được ngòi bút của các đồng chí mô tả sắc sảo và lên án mạnh mẽ. Phải làm sao cho toàn xã hội căm ghét cái xấu, đẩy lùi và tránh xa cái xấu. Bên cạnh công việc này, các đồng chí cũng cần chú ý xây dựng trong tác phẩm của mình những hình tượng chân thật, truyền cảm có sức thuyết phục cao về những người lao động chân chính đang lao động chân tay và trí óc quên mình, dũng cảm, vượt qua mọi thiếu thốn, khó khăn, vượt qua sự cám dỗ ma quỷ để xây dựng xã hội và bảo vệ Tổ Quốc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới mà Đảng ta đã đề ra.

Đảng ta là Đảng cầm quyền. Quy luật tồn tại và phát triển của Đảng là phải dựa vào dân, "lấy dân làm gốc". Khi chưa có chính quyền, Đảng ta đã bám vào quần chúng, sống nhờ vào quần chúng. Nhưng khi nắm được chính quyền rồi, dễ sa vào khuyết điểm bỏ rơi quần chúng, ức hiếp quần chúng, ăn cắp của quần chúng: dễ phát sinh ra bệnh quan liêu, mệnh lệnh trong lãnh đạo kinh tế và tư tưởng. Những khuyết điểm này cần phải bị phê phán và lên án sâu sắc. Sáng tác tác phẩm đụng chạm đến "nhà" quan liêu mệnh lệnh nào đó đương chức, đương quyền là điều khó nhưng phải dũng cảm bằng cách này, cách khác mà viết. Có khi phải mượn chuyện đời xưa để nói làm cho ai có tật giật mình, phải thấy nhột. Trước đây có những tác phẩm vì thế mà bị sổ toẹt. Tác giả phải hứng chịu nhiều sự phiền toái, thậm chí lao đao. Nhưng có phải vì thế mà ta phải uốn cong ngòi bút cho "hợp khẩu vị" những con người xấu ấy không? Tôi cho rằng nếu phải làm như vậy thì người nghệ sĩ bị mất hết chất cách mạng rồi! Phải đứng vững trong trường phái tả chân xã hội chủ nghĩa. Cũng có những người tự xưng là ở trường phái tả chân xã hội chủ nghĩa nhưng họ không dám viết sự thật, không dám lên án phê phán cái xấu để xây dựng con người mới. Là những văn nghệ sĩ chân chính, các đồng chí phải giữ gìn sự trung thực của ngòi bút, giữ gìn tư duy trong sáng của mình.

Tôi không phải là một nhà chuyên môn về văn học nghệ thuật nên không thể bàn sâu vào những vấn đề trong lĩnh vực của các đồng chí. Tôi chỉ là một người yêu thích văn học nghệ thuật. Tôi rất đồng ý rằng người chiến sĩ văn nghệ cần có con dao thật sắc để gọt sửa những cái xấu, và còn cần phải có chất "gây men" để hình thành những cái mới trong đời sống xã hội. Người nghệ sĩ phải có con mắt tinh tường để phát hiện những cái mới mẻ. Như vậy, văn học nghệ thuật mới đóng được vai trò đi trước (devancer) trong đời sống tinh thần của đời sống xã hội. Trong cuộc gặp gỡ này, nhiều đồng chí đã nói về tính dự báo của văn học nghệ thuật. Bằng sự nhạy cảm của mình, thông qua tác phẩm, văn nghệ sĩ tiên đoán về những điều tốt hoặc xấu sẽ xảy đến, về cái cũ sẽ tàn lụi, dù cho hôm nay nó còn đầy sức mạnh, về cái mới sẽ nây sinh mạnh mẽ dù cho hôm nay nó mang một dáng vẻ mơ hồ. Sự dự báo ấy là rất cần thiết.

Các đồng chí là những kỹ sư tâm hồn, phải góp phần xây dựng con người mới từ những con người cũ còn mang nhiều thiếu sót, thậm chí còn mang nhiều cái xấu. Đừng rơi vào khuynh hướng duy tâm, duy ý chí mô tả con người mới luôn luôn toàn vẹn như ông Thánh. Phải thấy rõ cả nhược điểm mới xây dựng được con người mới. Tả chân xã hội chủ nghĩa nếu không làm cho con người hướng về tương lai tốt đẹp với một niềm tin lớn để vượt qua những khó khăn trong hiện tại thì không đúng với lòng mong muốn của chúng ta. Công chúng khi thưởng thức tác phẩm của chúng ta không thể chỉ thấy tối sầm mà phải thấy được ánh sáng để nhảy qua bóng tối.

Qua phát biểu của các đồng chí, tôi thấy các đồng chí đã có đầy đủ các quan điểm tôi vừa nói trên rồi. Nhưng các đồng chí còn sợ những "bóng ma". Với sự đổi mới từ Đại hội VI, Nghị quyết của Đại hội đã "mở cửa" cho các đồng chí. Tuy "mở cửa" rồi nhưng không phải từ nay mọi sự đều dễ dàng. Không phải chúng ta đang đi trên con đường nhựa bằng phẳng mà là con đường còn khúc khuỷu, gập ghềnh. Tôi không phải là nhà văn nghệ, nhà báo nhưng "ngứa ngáy" quá nên vừa rồi mới viết "Những việc cần làm ngay". Nhiều người hoan nghênh, hưởng ứng nhưng không phải không có những người cho rằng: "Sao lại bôi đen chế độ", không khéo đây là một kiểu phát động "cách mạng văn hóa" v.v... Tôi nghĩ cần phải đẩy lùi bóng tối như làm ruộng phải nhổ cỏ cho lúa có sức mọc lên. Người tốt, việc tốt sẽ nảy nở nếu đẩy lùi được người xấu, việc xấu cái khó bây giờ là dám nêu ra cái xấu. Chính vì thế mà tôi thông cảm với các đồng chí.

Cuối cùng, tôi xin nhắc lại: cửa Đại hội VI đã mở ra cho các đồng chí. Rồi đây, căn cứ vào đề cương dự thảo của Ban Văn hóa văn nghệ, Bộ Chính trị và Ban bí thư sẽ thảo ra Nghị quyết về văn hóa văn nghệ.

Ta có câu: "Có thực mới vực được đạo". Tôi thấy cần giải quyết những vấn đề thuộc về đời sống, về quản lý để ngành của các đồng chí tiến lên.

Chúng ta tin chắc rằng sắp tới Đảng và Nhà nước sẽ có thêm những chủ trương đúng đắn, thích hợp đối với ngành của chúng ta. Tôi tin rằng những sợi dây ràng buộc sẽ được cắt đi sẽ làm cho ngành chúng ta như con chim được tung cánh bay lên mây xanh. Văn học nghệ thuật nước nhà sẽ đạt thêm nhiều thành tựu phong phú và tốt đẹp. Chúc các đồng chí mạnh khỏe, kiên trì, dũng cảm trong công tác. Tôi mong được hưởng những tác phẩm hay của các đồng chí sát hợp với giai đoạn mới của cách mạng nước ta."

Cuộc gặp giữa đồng chí Tổng bí thư với anh chị em văn nghệ sĩ và một số nhà hoạt động văn hóa có thể nói là đỉnh cao của một phong trào sôi nổi của giới văn hóa nghệ thuật kéo dài gần một năm trời nhằm góp ý với Đảng về công cuộc đổi mới trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã lắng nghe và thấu hiểu những vấn đề căn bản nhất, nóng bỏng nhất của tình hình văn nghệ nước nhà. Trực tiếp nghe tiếng nói tâm huyết của anh chị em, đồng chí Tổng bí thư càng thấy rõ cần phải nhanh chóng triệu tập cuộc họp Bộ chính trị để có nghị quyết càng sớm càng tốt. Đây chính là đòi hỏi của cuộc sống ngày sau cuộc gặp của Tổng bí thư, Hội nghị Bộ chính trị trung ương Đảng khóa VI đã họp để thông qua dự thảo Nghị quyết về Văn hóa Văn nghệ. Dự họp ngoài các thành viên Bộ chính trị, cả ba đồng chí cố vấn Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ đều có mặt đầy đủ Trước đó, chúng tôi đã gửi toàn văn bản dự thảo Nghị quyết đến từng đồng chí. Điều không ngờ là Nghị quyết được thông qua rất nhanh, hầu như không có tranh luận gì. Có lẽ vì nó đã quá chín mùi, không thể để chậm hơn nữa. Hai là, vì công tác chuẩn bị được tiến hành kỹ càng, chu đáo, có tiếng vang gần suốt nửa năm trời. Cơ quan của Đảng, từ Văn phòng, tổ chức, tuyên huấn đến Ban bí thư đều ít nhiều có tham gia vào sự kiện này, một sự kiện mà vào giai đoạn cuối, đích danh Tổng bí thư đứng ra điều hành, chỉ đạo.

Tuy nhiên, là một thành viên dự họp, tôi quan sát thấy có số hiện tượng hơi khó hiểu. Đó là anh Trường Chinh hình như có một vấn đề nào đó chưa thật thỏa mãn. Anh phát biểu một cách chừng mực, không có cái nhiệt tình như trong những buổi trao đổi riêng với tôi ở Hồ Tây. Anh Phạm Văn Đồng cũng gần giống như thế. Chỉ có những ý nào giữ vững nguyên tắc như tự do sáng tác phải gắn chặt với nhiệm vụ chính trị thì anh rất tán thường. Còn những ý mới mẻ như tiếng nói của văn nghệ sĩ là tiếng nói của lương tri, là tiếng nói của sự thật, thì anh có vẻ miễn cưỡng chấp nhận. Riêng anh Lê Đức Thọ thì phát biểu rất nồng nhiệt, ủng hộ hoàn toàn những quan điểm chủ yếu của nghị quyết. Khi tan họp bước ra sân, anh Thọ còn ôm lấy cổ tôi và nói:

- Nghị quyết hay lắm. Mày làm tốt lắm.

Nghị quyết đã được nhất trí hoàn toàn. Có lẽ đây là một trong những hạnh phúc lớn nhất của đời tôi.

Toàn văn Nghị quyết 05 do đồng chí Tổng bí thư ký ngày 28/11/1987 như sau:

"Từ khi Đảng ta ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất từ sau cách mạng tháng Tám thành công, văn hóa, văn nghệ Việt Nam trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Văn hóa văn nghệ đã phát triển mạnh mẽ. Các văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa trở thành những chiến sĩ của Đảng trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, sáng tạo được nhiều tác phẩm có giá trị, có sức động viên cổ vũ to lớn đối với nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. Văn học nghệ thuật nước ta "xứng đáng" đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học, nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay".

Sau thắng lợi vĩ đại năm 1975, cách mạng nước ta bước vào một thời kỳ mới là xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước, giành độc lập và thống nhất đất nước, nhân dân ta phải tập trung sức khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, trong lúc phải tiếp tục cuộc chiến đấu gian khổ để bảo vệ Tổ quốc.

Trong hoàn cảnh mới, có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, thử thách, hoạt động văn hóa, văn nghệ mười hai năm qua đã thu được nhiều thành tựu và những kinh nghiệm quý, đồng thời cũng bộc lộ không ít nhược điểm, khuyết điểm.

Chúng ta đã nhanh chóng xóa bỏ các tổ chức, thể chế phản động của chế độ cũ trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đấu tranh chống âm mưu và hành động phá hoại của địch, chống những quan điểm, khuynh hướng, tàn dư của văn hóa, văn nghệ phản động và đồi trụy, xây dựng và phát triển rộng khắp nền văn hóa, văn nghệ cách mạng thảo đường lối, quan điểm của Đảng.

Chúng ta đã triển khai một cách đồng bộ và cân đối hơn công tác văn hóa, văn nghệ (cả chuyên nghiệp và nghiệp dư, cả ở Trung ương và địa phương), từng bước mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động, đáp ứng một phần nhu cầu văn hóa, văn nghệ ngày càng cao và phong phú của các tầng lớp nhân dân, các lứa tuổi. Đã xuất hiện một số tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng tốt, đề cập một cách chân thật và mạnh dạn những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống hiện nay, thu hút được sự chú ý của dân chúng.

Đáng lưu ý là trong tình hình kinh tế - xã hội chưa ổn định, có nhiều khó khăn, phức tạp, những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ có tâm huyết, mẫn cảm đã cùng với Đảng và nhân dân kiên trì tháo gỡ khó khăn, cố gắng nhận thức ngày càng sâu hơn nội dung và ý nghĩa những chuyển động lớn đang diễn ra ở nước ta cả về chính trị và kinh tế, xã hội và văn hóa, đạo đức và tâm lý, tư duy và sinh hoạt, gắn với những vấn đề chung của chủ nghĩa xã hội và của thế giới trong thời đại ngày nay, không ngừng tìm tòi, phát hiện những khả năng mới trong sự nghiệp cách mạng để tiến lên, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới của nhân dân ta.

Chúng ta chưa thể bằng lòng với những việc đã làm được. Với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, cần nhận rõ chất lượng và hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ nói chung còn thấp, tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị còn ít, tiềm năng sáng tạo chưa được phát huy đầy đủ, bệnh phô trương hình thức, công thức, sơ lược còn nặng. Nhiều hiện tượng tiêu cực như chạy theo tiền và tình trạng hỗn loạn kéo dài về dùng băng ghi hình có nội dung xấu chưa được ngăn chập kịp thời. Cuộc đấu tranh chống sự xâm nhập của văn hóa phản động, đồi trụy chưa tốt. Những thành tựu và những thiếu sót nói trên gắn liền với những ưu điểm và khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, công tác quản lý, công tác xây dựng đội ngũ và cả những nhận thức lý luận trong điều kiện mới.

Đội ngũ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ nước ta sau năm 1975 được bổ sung thêm nhiều lực lượng trẻ có triển vọng là một đội ngũ đáng tin cậy, phần lớn được rèn luyện và thử thách trong đấu tranh cách mạng, có vốn sống, giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Trước những khó khăn gay gắt về đời sống, đại bộ phận anh chị em cố gắng giữ gìn phẩm chất, kiên định quan điếm sáng tạo và hoạt động phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Tuy nhiên, một bộ phận chưa tích cực phấn đấu tu dưỡng, nâng cao trình dộ chính trị, nghệ thuật, chưa đi sâu vào thực tế, chưa đủ bản lĩnh vượt qua khó khăn, ràng buộc để sáng tác tốt hơn; một số người giảm sút ý chí chiến đấu, sống buông thả, chạy theo các khuynh hướng không lành mạnh trong hoạt động văn học, nghệ thuật.

Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa, văn nghệ đã tích lũy được một số kinh nghiệm trong lãnh đạo công tác này. Nghị quyết các đại hội lần thứ IV, V, VI của Đảng đã đề ra những chủ trương, nhiệm vụ dúng đắn để chỉ đạo hoạt động văn hóa, văn nghệ. Dựa vào các nghị quyết đó Bộ chính trị và Ban bí thư thường xuyên chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ, nhưng có khuyết điểm là trong nhiều năm, chưa có lần nào bàn kỹ và ra nghị quyết về văn hóa, văn nghệ, chưa chú ý cải tiến phương thức lãnh đạo văn hóa, văn nghệ cho phù hợp với tình hình mới. Nhiều cấp ủy đảng chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo và ít được bồi dưỡng kiến thức về lĩnh vực quan trọng nhưng phức tạp này. Công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa, văn nghệ có nhiều biểu hiện giản đơn, thô thiển, thiếu dân chủ. Cơ chế và chính sách quản lý, việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và quản lý sự nghiệp văn hóa văn nghệ có trình độ ngang tầm với nhiệm vụ chưa được coi trọng cũng là nguyên nhân quan trọng hạn chế việc phát huy tiềm năng sáng tạo trong văn hóa, văn nghệ.

<< Chương 3 | Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 189

Return to top