Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Hồi ký Trần độ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 89196 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồi ký Trần độ
Trần độ

Chương 4

Buổi chiều, ngồi trong xe trên đường đến Hồ Tây, Nguyễn Văn Hạnh và Nguyễn Thanh nhắc tôi là chiều nay phải tìm cách trình bày cho được những nội dung đã chuẩn bị, vì đây là thời cơ rất hiếm có để Tổng bí thư trực tiếp nghe những vấn đề về văn hóa văn nghệ. Nghị quyết Đại hội Đảng mà có được vài trang, thậm chí vài dòng về văn hóa văn nghệ là quý lắm. Tất nhiên phải là những trang, những dòng thật sự súc tích và nói trúng vấn đề cần nói để sau đó trở thành sức mạnh làm chuyển biến tình hình ở các ngành, các cấp.

Mặc dầu đã bàn bạc như vậy, nhưng tình hình buổi chiều cũng diễn ra gần như buổi sáng. Ba anh em vừa ngồi xuống ghế, chưa uống hết chén nước, anh Duẩn đã bắt đầu nói. Những suy nghĩ nảy ra trong đầu anh buổi sáng lại tiếp tục tuôn ra như một dòng chảy liên tục. Nhìn đồng hồ đã hơn một tiếng trôi qua mà vẫn chưa có triệu chứng gì là anh Duẩn sẽ kết thúc, Nguyễn Vãn Hạnh và Nguyễn Thanh nháy mắt ra hiệu cho tôi. Biết thế nhưng tôi không thể ngắt lời anh được vì anh đang quá say sưa. Cho đến lúc, nhân anh dừng lại uống nước, lập tức tôi tranh thủ nói liền một mạch, để anh Duẩn không có dịp mà chen vào. Nhưng cũng chỉ được chừng mười phút, nhân lúc tôi sơ hở, dừng lại nhìn vào sổ tay, anh Duẩn lập tức "chiếm lại diễn đàn", và cứ thế, anh nói cho đến hết buổi chiều.

Dọc đường trên xe ra về, Nguyễn Văn Hạnh biểu dương tôi: Chiều nay anh chen vào được như thế là giỏi đấy.

Thật là một buổi chiều làm việc thú vị. Tuy không được đúng như mong muốn, nhưng bù lại, chúng tôi hiểu thêm về một con người, một lãnh tụ của Đảng có những suy nghĩ thật sâu sắc về văn hóa.

Trở lại cuộc gặp với anh Linh, tôi thấy cứ để anh Linh sa vào vấn đề cụ thể như thế này thì sẽ không đạt được mục đích như tôi mong muốn. Bởi vì hiện nay tôi không còn là Trưởng ban Văn hóa văn nghệ, cũng không còn là Bí thư cán sự, Thứ trưởng Bộ văn hóa, do đó dù cho bộ phim này, vở kịch kia thế nào chăng nữa tôi cũng chẳng thể có quyền gì can thiệp vào... Do đó cũng như lần gặp anh Duẩn cách mười năm, đợi dịp anh Linh ngừng lời uống nước, tôi tranh thủ "chiếm luôn diễn đàn".

- Hôm nay, tôi rất vui được anh gọi lên gặp, và tôi đã chuẩn bị để trình bày với anh một vấn đề bức xúc hiện nay là vấn đề bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc. Tiếp đó, tôi trình bày với anh Linh khái niệm về văn hóa nói chung, nghĩa là khi ta nói về một nền văn hóa nào đó là nói đến một phạm vi rất rộng. Nó bao gồm những giá trị được tạo nên trong suốt chiều dài lịch sử của một dân tộc, được tích lũy, kế thừa từ đời này qua đời khác cho đến ngày nay, còn lưu giữ được biết bao biến thiên của lịch sử. Đặc biệt đối với Việt Nam ta, một đất nước phải trải qua những cuộc chiến tranh liên miên, thì những gì còn lại được trở nên vô cùng quý báu.

Nói đến một nền văn hóa cũng tức là nói đến những giá trị đang được sáng tạo bởi đội ngũ văn nghệ sĩ đương thời, kể cả các nghệ nhân dân gian về các mặt đang tồn tại trong cuộc sống, ngoài sự quản lý của nhà nước... Các công trình và tác phẩm nghệ thuật được họ tạo ra, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc. Còn một điều nữa cũng nằm trong phạm vi văn hóa mà nhiều người thường không để ý tới, hoặc ít quan tâm.

Đó là những giá trị tinh thần có trong từng con người, được biểu hiện bằng những phẩm chất, những tính cách và những giá trị mang lính nhân văn cao cả đang tồn tại trong cộng đồng, thể hiện bằng những nghi thức đạo đức trong nếp sống, trong những phong tục tập quán tốt đẹp có ý nghĩa thẩm mỹ đạo đức đậm đà màu sắc dân lộc mà không có gì có thể thay thế được.

Hôm đó. tôi nhấn mạnh với anh Linh rằng, nếu những người lãnh đạo đất nước không kịp thời có những chủ trương, chính sách đúng đắn, bảo vệ và phát triển những giá trị văn hóa dân tộc quý báu này sẽ là có tội không những đối với hiện tại mà cân đối với các thế hệ mai sau. Hãy thử hình dung xem, nếu như đến một lúc nào đó, những pho tượng mười tám vị La hán Chùa Tây Phương không còn nữa, Chùa Keo ở Thái Bình, Chùa Một Cột ở Hà Nội biến mất... thì nền văn hóa Việt Nam sẽ nghèo đi biết chừng nào. Cũng như thế, thật khó mà tưởng tượng nổi đến một lúc nào đó, trên các hội diễn sân khấu, trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam, trên màn ảnh vô tuyến truyền hình... vắng bóng những vở chèo, những làn điệu dân ca từng làm say lòng biết bao thế hệ người Việt Nam.

Trong phòng chỉ có anh Linh và tôi mà tôi cảm thấy như mình đang nói trước một diễn đàn đông đảo. Còn anh Linh thì cũng lắng tai nghe một cách hết sức chăm chú, và hình như càng nghe càng say... Trong giây phút đó, tôi cảm thấy thực sự sung sướng, như được sống lại những giây phút hạnh phúc khi trình bày với anh Linh những dự định chuẩn bị cho nghị quyết 05 ra đời...

Trong khi tôi đang trình bày, có mấy cậu văn phòng thập thò vào báo có khách, anh Linh đều gạt đi để tiếp tục nghe tôi nói. Nhưng sau đó, khi đến phần các biện pháp để thực hiện thì hình như anh Linh không còn được chăm chú lắm. Có lẽ vì nó đụng đến kinh phí, một vấn đề không thể không có đối với nhiệm vụ hết sức khó khăn và nặng nề này. Đây là một lĩnh vực phải được nhà nước quan tâm, trong đó có việc tài trợ kinh phí, mới đủ sức chống chọi với mọi luồng văn hóa ngoại lai đang tràn ngập vào đất nước trong thời kỳ mở cửa hiện nay...

Nghe tôi trình bày xong, bằng một cử chỉ hết sức chân tình, anh Linh rót nước mời tôi uống và nói:

- Những vấn đề anh nêu ra đúng là rất quan trọng và cấp thiết, không thể để chậm hơn nữa. Nhưng việc này không phải chỉ có tôi và anh. Vì vậy anh cần soạn thảo một văn bản hẳn hoi để các đồng chí có trách nhiệm khác cùng nghiên cứu.

Tiễn tôi ra cửa, anh Linh còn động viên tôi:

- Tôi thấy bây giờ anh làm được việc gì có ích cho Đảng, cho đất nước thì cố gắng mà làm.

Tôi cảm thấy như anh Linh muốn an ủi tôi trong hoàn cảnh gần như bị treo giò hiện nay. Bởi từ ngày sát nhập Ban văn hóa văn nghệ với Ban tuyên huấn thành Ban tư tưởng văn hóa trung ương do Trần Trọng Tân làm trưởng ban, thì ngoài Quốc hội ra tôi chẳng được giao nhiệm vụ gì nữa...

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đây là lần thứ hai tôi bị treo giò. Lần thứ nhất sau đại hội Đảng V, tuy trúng cử ủy viên Trung ương nhưng anh Lê Đức Thọ không bố trí tôi làm Trưởng ban Văn hóa văn nghệ. Lần thứ hai, trúng cử ủy viên Trung ương khóa VI, nhưng cũng chỉ giữ chức Trưởng ban Văn hóa văn nghệ có hai năm... Lần thứ nhất, anh Linh ở ngoài cuộc, nhưng lần thứ hai, chính anh Linh là người chứng kiến toàn bộ việc treo giò tôi. Có thể đây là một việc ngoài ý muốn của anh mà do tình thế buộc anh phải chấp nhận. Bởi ngay cái chức Tổng bí thư của anh cũng đã có lúc có "khó khăn" kia mà.

Mới hôm nào anh còn vui vẻ nhận bản tham luận của Nguyễn Khắc Viện, của Dương Thu Hương thì sau đó không lâu, trong một cuộc họp, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã công khai nói Nguyễn Khắc Viện là "con nhà địa chủ đòi lên mặt dạy đời"... Rồi Dương Thu Hương là "con mẹ ranh cũng dám nho nhoe đòi làm Tổng thống"... Rồi "Những việc cần làm ngay" xôn xao một thời cũng đành phải xếp lại. Hai chữ đa nguyên, đa đảng tuyệt đối không được nhắc đến trong bất kỳ trường hợp nào... Sau Tiệp Khắc, Đông Đức, Rumani... Người ta nơm nớp lo sợ con bài Đô-mi-nô Đông Âu vượt biển tràn sang Việt Nam... Tôi biết rõ điều đó nên không oán trách ai, đặc biệt là đối với anh Nguyễn Văn Linh, người mà tôi luôn luôn giữ trong mình một tình cảm quý trọng. Chính vì vậy, sau khi nghe lời động viên của anh Linh tôi đã tiếp thu một cách rất thoải mái:

- Vâng! Từ lâu tôi cũng đã nghĩ như thế. Năm nay tôi đã 68 tuổi, đã vào những năm cuối của cuộc đời rồi, không còn tham vọng chuyển sang làm công tác gì khác nữa. Tôi tự xét trong hoàn cảnh hiện nay chỉ có thể giúp ích cho Đảng về mặt văn hóa mà thôi... Vì vậy mà mấy năm nay tôi tập trung suy nghĩ nhiều về các vấn đề thuộc về lĩnh vực văn hóa. Hôm nay được anh gọi lên, được trình bày với các anh những điều tâm đắc nhất, tôi chỉ có một yêu cầu là các anh ủng hộ tôi để tôi có điều kiện làm việc.

Nghe tôi nói như vậy anh Linh lại tiếp tục động viên:

- Đúng! Tôi hoàn toàn ủng hộ những ý kiến của anh, những đề xuất của anh, anh còn làm được cái gì thì cứ cố gắng mà làm.

Nghe anh Linh nói vậy nhưng tôi vẫn cứ nhắc lại một ý của tôi mà hình như anh chưa thật chú ý lắm là đề nghị các anh cố gắng tạo điều kiện cho tôi thực hiện kế hoạch của mình, bởi nếu không được sự giúp đỡ có hiệu quả của các anh thì tôi sẽ không làm được gì hết. Cuối cùng tôi còn mặc cả với anh Linh:

- Sau đây về, tôi sẽ soạn thảo thành văn bản chính thức và tôi sẽ gửi thẳng cho anh chứ tôi không gửi cho Bộ văn hóa và Ban tư tưởng Văn hóa đâu. Tôi xin nói thật với anh là Ban tư tưởng Văn hóa bây giờ ít có ai hiểu về văn hóa thật sâu và thật khoa học. Vì vậy tôi gửi cho họ tôi lo sẽ không kết quả gì... Do đó, nêu anh đã nhất trí với những nội dung tôi đã trình bày với anh thì xin anh ký vào văn bản để sau đó tôi có cơ sở pháp lý để triển khai công việc.

Đây là vấn đề rất quan trọng, quyết định sự thành bại của công việc nên tôi vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt anh Linh để nắm bắt xem sự đồng tình của anh đến mức nào, rồi lại nhấn mạnh lần nữa cái ý ở trên tôi đã nhấn mạnh.

- Ngay bây giờ về tôi sẽ chuẩn bị ngay tờ trình và sẽ gửi thẳng cho anh chứ tôi không gửi qua Ban Tư tưởng Văn hóa đâu.

Anh Linh gật gù tán thành:

- Đúng? Anh cứ gửi thẳng cho tôi...

Chỉ hơn một tuần sau tôi đã làm xong 3 văn bản, đút vào 3 phong bì. Một gửi cho Tổng bí thư, một gửi cho Nguyễn Thanh Bình, Thường trực Ban bí thư, một gửi cho Đào Duy Tùng, Bí thư phụ trách công tác tư tưởng. Để cho chắc chắn tránh khỏi thất lạc, tôi trục tiếp đưa tận tay từng người.

Có một chuyện khá buồn cười là khi đưa cho Nguyễn Thanh Bình và Đào Duy Tùng thì cả hai đều không hiểu là chuyện gì cả, trố mắt ngạc nhiên bảo: "Cái gì đấy?. Tôi phải giải thích cho từng người một: "Đây là nội dung mà hôm nọ tôi đã gặp anh Mười Cúc. Anh Mười đã nghe tôi trình bày và hoàn toàn nhất trí. Hôm nay tôi làm thành văn bản chính thức báo cáo để anh biết".

Nguyễn Thanh Bình, Đào Duy Tùng khi nhận được phong bì tôi đưa ngạc nhiên hỏi: "Cái gì đấy" thì hoàn toàn hiểu được. Nhưng khi tôi chuyển cái phong bì có bản tường trình cho Tổng bí thư và cũng nhận được câu hỏi: "Cái gì đấy?" thì tôi vô cùng thất vọng. Tôi lại phải trình bày: "Đây là tờ trình chính thức về vấn đề "Bảo vệ văn hóa dân tộc" và phát triển văn hóa dân tộc" mà hôm trước tôi đã trình bày với anh..." Lúc bấy giờ anh Linh mới à lên một tiếng, cầm lấy văn bản tôi đưa rồi đút vào túi chứ không nói gì thêm nữa.

Khác với phong bì gửi cho Nguyễn Thanh Bình và Đào Duy Tùng, trong phong bì gửi anh Linh, ngoài văn bản chính thức về vấn đề văn hóa dân tộc tôi có gửi kèm theo một thư riêng đại ý nói: "Hôm nọ khi nghe tôi trình bày, tôi thấy anh hoàn toàn tán thành những ý kiến đề xuất của tôi, cả về nội dung, cả về biện pháp thực hiện, anh còn động viên tôi bây giờ cố gắng làm được việc gì thì cố gắng mà làm. Nay tôi xin trình anh văn bản chính thức để xin anh chữ ký và anh thông báo cho Ban Bí thư triển khai thực hiện."

Gửi văn bản đi rồi, tôi hồi hộp chờ đợi. Chờ mãi hết tuần này sang tuần khác, hết tháng này sang tháng khác, chẳng có tín hiệu gì đáp lại. Nghĩa là Đào Duy Tùng không thấy trả lời, Nguyễn Thanh Bình không thấy trả lời, anh Linh cũng chẳng có tin tức gì. Tôi biết lúc này tất cả đang tập trung chuẩn bị cho Đại hội Đảng VII nên chẳng ai có thì giờ mà quan tâm đến văn hóa dân tộc.

Thế rồi bỗng một hôm, tôi nhận được một lá thư của Trần Trọng Tân, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, mời lên Nguyễn Cảnh Chân họp. Thư nói rõ: "Vừa qua anh có một số ý kiến trình bày với Ban Bí thư về Văn hóa dân tộc, vậy mời anh lên để cùng trao đổi".

Tôi nghĩ bụng thế là hỏng bét rồi. Tôi đã mặc cả kỹ với anh Linh là tôi chỉ trình bày với anh, với Ban Bí thư rồi cho triển khai thực hiện. Thế mà bây giờ các anh lại chuyển cho Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương để "cùng trao đổi" thì còn làm được cái gì. Tôi dự định sau khi có chữ ký phê duyệt của anh Linh hoặc của Ban Bí thư thì sẽ tự cầm cái văn bản ấy liên hệ với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện. Còn bây giờ lại phải qua Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, với cơ chế làm việc hành chính quan liêu, lại không nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề thì làm sao mà thực hiện được. Thế là coi như chấm dứt một dự định tốt đẹp từ trong trứng nước.

Việc tuy không thành nhưng bây giờ nghĩ lại tôi rất tự hào về những ý tưởng của mình năm đó. Tôi đã nhìn thấy rõ sự cấp thiết của việc bảo vệ và phát triển nền văn hóa dân tộc và cố gắng gióng lên một hồi chuông báo động với Đảng... Nhưng cũng như nghị quyết 05, tôi đã cố gắng hết sức mình, tưởng đã gần đi đến thành công nhưng cuối cùng vẫn nếm mùi thất bại.

Tôi thành ra "cầu thủ số 12" trong đội hình. Tôi tích cực đi bóng, nhưng hoặc không có người đón bóng của tôi, hoặc tôi không được chuyền bóng. Như dự án bảo vệ và phát triển nền văn hóa dân tộc lần này chẳng hạn. Tôi đã tả xung hữu đột, một mình sẽ dẫn bóng đến sát khung thành, lần lượt chuyền bóng đến cho "3 tiền dạo", nhưng cả ba đều cố tình không nhận bóng của tôi.

Tôi vẫn cho rằng việc giải thể Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương là một bước lùi. Tôi rất muốn được tiếp tục giúp ích nhiêu cho Đảng trong lĩnh vực này, cả về nội dung lãnh đạo và cơ chế lãnh đạo. Những biến chuyển bước đầu đã tỏ ra có hiệu quả và đúng hướng. Tôi không có tham vọng gì về chức vụ, về đặc quyền, đặc lợi. Tôi chỉ muốn hoạt động trong cơ quan của Đảng, giúp ích cho Đảng. Nhưng khát vọng ấy của tôi một lần nữa lại không thành... May sao với cương vị Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tôi vẫn có thể tiếp tục hoạt động, tuy có rất hạn chế, trong một lĩnh vực mà tôi ưa thích... Nhưng ở một đất nước mà Quốc hội thực chất hãy còn quá ít quyền hạn.

Sau lần thất bại này, biết nếu cố gắng nữa cũng vô ích, tôi đã cảm thay chán nản, muốn nghỉ ngơi. Tôi tự lượng sức mình không thể tiếp tục công việc được nữa, khi cái thế chính trị đổi mới quá chậm so với đòi hỏi của cuộc sống. Tôi bất đầu nghĩ đến việc phải chăm lo cho cuộc sống của một người già bình thường, một ông già nghèo nhưng vẫn ham thích quan tâm đến văn hóa nghệ thuật. Bản tài liệu tôi viết để trình anh Linh và Ban bí thư dài hơn mười trang đánh máy, gồm nhiều phần. Trước hết là Đặt vấn đề, trong đó nêu bật quan niệm sống rộng rãi về văn hóa, sau đó nói đến các hoạt động cần thiết, và sau cùng kiến nghị mấy giải pháp về tổ chức, để thực hiện việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc nhưng tất cả tâm sức của tôi đặt vào đó, tiếc thay không đi tới được kết quả nào!

Cùng thời gian chuẩn bị bản kiến nghị về vấn đề "Bảo vệ và phát triển Văn hóa dân tộc", tôi cũng tập trung suy nghĩ để phát biểu ý kiến về cương lĩnh cho đại hội VII. Tiểu ban cương lĩnh do anh Trường Chinh phụ trách, tôi có dự họp nhiều lần và có hai lần tôi phát biểu ý kiến, cả hai lần tôi đều có đề cương ý kiến để phát biểu, cả hai bản đề cương này cộng lại cũng có gần 20 trang đánh máy. Trong đó, tôi có nêu lên những nhận xét về cách thảo luận đề cương mà tôi cho là nó chưa có thực chất của sự thảo luận. Và báo cáo tổng hợp thì thường tổng hợp thành những công thức "về căn bản nhất trí" về đa số tán thành". Tôi còn táo tợn đề ra một dự thảo cương lĩnh 1000 chữ và tôi cho rằng cương lĩnh càng vắn tắt càng tốt và những ý kiến của cương lĩnh càng dứt khoát rõ ràng càng tốt

Tôi lưu ý cần tập trung ý kiến vào giải quyết hai vấn đề:

1. Vấn đề quan niệm về chủ nghĩa xã hội" có kết hợp với việc tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội.

2. Vấn đề "đoàn kết dân tộc" trong đó có vấn đề vai trò và vị trí của Đảng cộng sản, với tư cách là Đảng lãnh đạo toàn dân tộc. Vai trò của Đảng phải được xác định trong những thắng lợi, tiến bộ và phải có trách nhiệm trong những thất bại, khuyết điểm mang lại nhiều khó khăn, đau khổ cho dân.

Bản cương lĩnh 1000 từ có lẽ là cố gắng cuối cùng của tôi khi tôi còn là một thành viên trong cơ chế. Có là tấm lòng của tôi đối với Đảng vĩ đại và đất nước thân yêu. Không lâu sau đó, tôi nhận quyết định nghỉ việc một cách thanh thản.

Sau hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đã từng bị tra tấn dã man trong nhà tù đế quốc, từng cầm súng chiến đấu trên khạp chiến trường, lắm phen vào sinh ra tử, tôi trở về đời thường một cách bình thường. Hiện tại cuộc sống của tôi hoàn toàn dựa vào đồng lương hưu. Tôi chỉ có một nỗi ân hận là không lo cho vợ con được nhiều về cuộc sống. Các con tôi đứa nào cũng phải tự bươn chải trong cuộc sống, kể cả khi tôi còn tại chức.

Có thể do những phát biểu tâm huyết và xuất phát từ trách nhiệm cao của một Đảng viên mà tôi bị liệt vào hàng ngũ những người chống đối, thậm chí đã có tên trong danh sách" của những người chống Đảng được phổ biến đến Đảng ủy các cấp.

Tôi thấy tôi không thể nào chống những lý tưởng cao đẹp của Chủ nghĩa Cộng sản, nhưng tôi sẽ phải phê phán và chống lại sự làm ô nhiễm lý tưởng cộng sản, chống lại những kẻ xấu xa đang ở trong Đảng. Những kẻ luôn miệng rao giảng đạo đức nhưng thực chất lại là những kẻ tha hóa đạo đức nhất. Tôi sẽ phải chống lại những kẻ làm ngược lý tường cộng sản, sẽ phải chống lại những kẻ làm cho nhân dân mất lòng tin vào Đảng cộng sản. Suốt đời tôi yêu tha thiết Đảng thân yêu của mình, Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, với biết bao đồng chí, đồng đội của tôi đã anh dũng ngã xuống, vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì lý tưởng đẹp đẽ: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

<< Chương 4 | Chương 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 285

Return to top