– Hoàng Uyên! Mau lên xe đi em! Ansaki cất gíọng ngọt ngào. Mới sáng sớm anh đã lái xe đến chờ sẵn trước ngôi biệt thự.
Hoàng Uyên mặc chiếc áo đầm bằng voan trắng. Cô đẹp như một nàng công chúa. Ansaki nheo mắt nhìn đôi má hồng hào của Hoàng Uyên dưới ánh nắng ban mai, anh mỉm cười hài lòng vì có người yêu xinh xắn. Nhưng Hoàng Uyên chưa lên xe, cô chạy vào nhà thoăn thoắt bước chân:
– Anh chờ em một chút, em thay bộ đồ khác nha!
– Ơ ... Đẹp rồi em ạ! Ăn mặc như vầy giống công chúa Lọ Lem, anh rất thích.
Hoàng Uyên nhí nhảnh chào anh rồi chạy vụt vào nhà. Cô va phải Việt Lâm suýt ngã nhào:
– Á! Trời ơi! Anh Việt Lâm!
– Em chạy đi đâu mà vội thế suýt chút nữa tông anh văng ra ngoài sân rồi. Ở trong nhà cũng bị tai nạn giao thông nữa, xui xẻo ghê!
– Anh không biết là em đi đâu sao?
– Ồ! Quên nhỉ? Hôm nay em đi đâu mà diện thế, đẹp như công chúa Bạch Tuyết và bảy chú lùn.
– Thật không anh?
– Thật! Chồng xem mắt à? Anh nhớ Ansaki hẹn hai năm nữa mà.
– Anh này kỳ ghê! Em hỏi thiệt tình mà. Hôm nay, ba cho phép anh Ansaki đưa em về ra mắt ba mẹ anh ấy. Anh giúp em đi!
Việt Lâm ngỡ ngàng:
– Sao em không báo cho anh biết. Ba mẹ Ansaki người Nhật, họ khó khăn lắm. Vả lại tục lệ họ khác chúng ta. Em thì chưa được tiếp xúc họ nhiều. Anh nghĩ em đến đó sẽ hỏng mất.
– Nhưng em đâu có biết, bây giờ em phải đi ngay, Ansaki chờ em ở trước nhà anh à. Em ... em sợ quá ... sao em run quá!
Việt Lâm đi tới đi lui rồi phán một câu:
– Em cứ đi đi, đến đó phải biết tùy cơ ứng biến. Ansaki này tệ thiệt, không dạy cho em cung cách ứng xử trước, anh cũng lo lắm. Em phải thay bộ y phục Kimono vào, ăn mặc thế này không hợp tí nào cả.
– Ôi! Rắc rối quá! Biết vậy, em chả thèm lấy chồng cho mệt.
Hoàng Uyên ngồi xuống ghế thở dài. Việt Lâm thấy vậy khuyên em:
– Em cứ tự tin đi! Tình yêu chân chính sẽ giúp em vượt qua mọi trở lực không gian, thời gian, tính cách, hoàn cảnh sống. Em nhớ điều ấy. Anh tin em thông minh, em không bỏ cuộc đâu.
Hoàng Uyên mỉm cười đứng lên vào thay bộ Kimono rất đẹp. Việt Lâm còn đứng chờ cô ở ngưỡng cửa. Anh nhìn cô kêu lên:
– Ồ! Đẹp quá, giống lắm Hoàng Uyên. Nhưng còn mái tóc chưa hợp lắm ...
Thôi, lần sau em chuẩn bị kỹ càng hơn.
– Không! Đây là lần đầu ra mắt họ, em muốn họ khen em, có ấn tượng tốt về em. Chứ nếu để họ có ấn tượng xấu, sau này khó nói chuyện.
Việt Lâm thấy Hoàng Uyên chần chừ không tự tin, anh nói nhỏ vào tai cô.
Hoàng Uyên gật đầu mãi. Hai người cười khúc khích, cô chào anh và chạy vội ra xe.
Lần này Ansaki càng ngạc nhiên hơn khi thấy trước mắt mình một cô gái Nhật xinh xắn như búp bê. Anh cười chọc Hoàng Uyên:
– Cô Lọ Lem thay đổi hình dáng nhanh quá, anh nhìn không rạ. Em thật có tài biến hóa làm anh khó lường trước được.
Hoàng Uyên chợt xịu mặt xuống không vui:
– Em bắt đền anh cho xem. Ba mẹ anh là người Nhật, anh không dạy em cách ứng xử, cung cách của người Nhật. Em nghĩ lần này đến nhà anh cũng vô ích thôi anh ạ.
Ansaki ngạc làm lạ vì sao Hoàng Uyên lại nghĩ ra điều mà anh phải biết trước. Ba mẹ anh nghĩ sao khi anh mang về gia đình một cô gái Việt Nam khác với đất nước, quê hương họ. Liệu Hoàng Uyên có hòa nhập với gia đình anh không. Mải lo lắng nhiều chuyện vẩn vơ, Ansaki quên mất việc dạy cho Hoàng Quyên về phong tục quê hương anh. Ansaki cảm thấy thiếu sót vô cùng.
Hoàng Uyên thấy Ansaki không nói gì, cô cũng yên lòng. Con đường thênh thang trước mắt cô chạy dài lao vun vút. Ansaki lái xe trên chặng đường dài về quê hương anh cách Tokyo khoảng ba trăm cây số.
Hoàng Uyên ngắm nhìn trời đất bao la núi đồi, làng xóm, đô thị, những cánh đồng trải dài, những con đường rộng thênh thang cứ nối tiếp nhau vùn vụt qua mắt cô, lùi về phía sau.
Ansaki chăm chú lái xe trên con đường cao tốc nên cô không dám làm phiền anh. Thấy Hoàng Uyên cứ im lặng, Ansaki hỏi cô:
– Không hiểu em có thích quê hương anh không?
Hoàng Uyên liến thoắng:
– Anh có biết câu ca dao của người Việt rất nổi tiếng:
Yêu người yêu cả đường đi lối về.
Ghét người ghét cả tông chi họ hàng chứ?
Ansaki gật đầu:
– Em là cả một kho tàng văn hóa thì phải. Câu ca dao ấy hay lắm. Nếu yêu anh thì em yêu cả tông chi họ hàng của người yêu chứ!
– Dạ, dĩ nhiên ai cũng thế.
– Em có yêu nên tốt, ghét nên xấú không?
– Anh nói gì lạ vậy?
– Anh chưa hiểu hết câu nói ấy. Em giả thích cho anh nghe đi.
Hoàng Uyên đan hai bàn tay vào nhau nhìn cả rừng hoa anh đào thấp thoáng phía xa bừng sắc hồng cả không gian. Cô kêu lên lạ lẫm:
– Ansaki! Người ta gợi Nhật Bản là đảo thần tiên phải không anh?
– Em thấy thế nào?
– Tuyệt vời lắm! Nơi đây là thiên đường nơi hạ giới về cảnh trí thiên nhiên, em yêu lắm, bị mê hoặc bởi vẻ đẹp kỳ ảo này, anh ạ.
– Đấy, có phải vì em yêu nên nó tốt đẹp như thế, chứ anh rất bình thường.
Cánh đẹp làm cho con người ta thư thái, ung dung vui vẻ chứ không ăn được, không trực tiếp mang lại hạnh phúc cho ai cả.
Hoàng Uyên liếc ngang anh một cái:
– Con người anh thực dụng ghê.
– Còn gì nữa!
– Khó hiểu! Em chẳng biết anh muốn gì. Anh giống tảng băng trên núi Phú Sĩ kia kìa.
– Tuyết phủ chứ không phải băng đâu, em lầm rồi. Dưới ngọn núi đầy tuyết ấy, sự sống luôn sinh sôi nẩy nở, cuộc sống ấm áp.
– Anh ví mình đó phải không?
– Anh muốn em thấy hết khuyết điểm của anh, để sau này không trách anh điều gì cả.
– Anh khôn ghê!
– Khôn ngoan là ưu hay khuyết?
– Nhiều chuyện!
– Lại một khuyết điểm. Em bảo anh ít nói trầm lặng, bây giờ bảo nhiều chuyện là cái nào, anh chưa hiểu?
Ansaki giả khờ. Hoàng Uyên tức muốn chết:
– Gọi anh là lém lỉnh mới đúng. Anh ít nói, không nói chuyện quan trọng với em, giữ kín trong lòng, vậy mà đi thổ lộ chuyện của mình cho anh trai em biết, em nhỏ Hạ Mai cũng hay, mẹ em cũng nhận ra được, chỉ có em không biết gì cả mới lạ chưa?
– Tại em không chịu để ý, anh yêu em ngay từ phút đầu gặp gỡ.
– Xạo quá, ông tướng! Anh trêu chọc em thì có. Lúc đó thấy mặt mũi người ta tèm lem, định đưa lên báo cho xấu chơi. Nói thiệt, chuyện này em giận, rủa anh mấy ngày. Hổng biết lúc ấy anh có nhảy mũi không nữa!
Ansaki kêu lên:
– Hèn gì, cả tuần anh nhảy mũi suốt.
Hoàng Uyên bật cười vang. Lúc cười trông cô hồn nhiên lạ lùng. Ansaki như tìm được cái cảm giác của buổi sơ giao. Anh chạy chậm xe lại, thỉnh thoảng nhìn Hoàng Uyên, cười tủm tỉm hoài.
– Trông em cười xinh hơn khóc nhè!
– Lại chọc người ta! Em giận cho em!
Anh muốn nhắc chuyện Trọng Nam làm cho cô đau khổ, nhưng anh chẳng dám mở lời. Anh sợ phá tan cuộc vui hôm nay. Hoàng Uyên không cười nữa, cô im lặng.
Hoàng Uyên chợt nhớ đến Trọng Nam, anh ấy thích tặng quà cho cô, xem cô như búp bê và quát nạt cô như người ăn kẻ ở trọng nhà. Gần anh, cô muốn được chở che, trìu mến vì Hoàng Uyên đang thiếu thốn mọi thứ. Trọng Nam đã dùng vật chất để lợi dụng tình cảm của cô. Còn Ansaki vẫn dung dung, lẽo đẽo theo cô trên suốt chặng đường. Lúc đau khổ, anh an ủi, chở che, giúp đỡ. Lúc giàu sang, anh chẳng vồn vã, nịnh nọt. Hoàng Uyên cảm phục anh vô cùng. Cô chợt hỏi:
– Anh Ansaki! Em hỏi thật anh nha và em mong anh trả lời thành thật nữa.
Ansaki tỉnh bơ:
– Em nói đi, anh rất sẵn sàng ...
– Anh và Việt Lâm giống nhau ghê!
Hoàng Uyên nhận xét. Ansaki hỏi lại:
– Giống điều gì?
– Tính cách sống, trầm tĩnh, ung dung, biết mọi thứ. Em sợ các anh luôn.
Ansaki cười nhẹ:
– Ở đất nước công nghiệp hóa, nó rèn bọn anh như thế. Không được ủy mị trong tình cảm, yêu thương sâu sắc nhưng bộc lộ phải biết đè nén theo hoàn cảnh.
– Thế à! Như vậy, anh rất yêu em nhưng anh lại biết giấu kín lòng mình lại, phải không? Anh có biết làm như vậy sẽ đau khổ lắm không?
– Đúng là đau khổ lắm, nhưng anh luôn cố gắng. Những lúc nhìn em vui, anh biết em đang hi vọng, em đang vui với chuyện tình cảm riêng tư của em, anh vô cùng thất vọng. Lúc em đau khổ, khóc lóc, anh biết mình còn hi vọng. Anh nghĩ mình có ích kỷ lắm không? Và anh quyết định gọi Trọng Nam cho em.
Hoàng Uyên ngạc nhiên vô cùng:
– Lần này anh ta tìm đến em cũng là do anh gọi?
– Không, không! Anh đâu có điên làm anh hùng kiểu đó. Anh nói lần ở bệnh viện ấy mà.
– Anh đừng nhắc Trọng Nam nữa. Em nghĩ em đã ngộ nhận là tình yêu chứ thật ra em chẳng yêu anh ta. Tình yêu của em đây này ... đích thực là anh đó.
Ansaki dừng xe lại bất ngờ. Anh vuốt làn tóc bóng mượt dài của cô, cười:
– Em muốn làm một cô gái Nhật thì không khó. Nhưng em quên mất một điều, mái tóc này cha mẹ nhận ra em không phải là cô gái Nhật. Nhưng điều đó không có gì lớn khi em đã thật lòng chiếm hết trái tim anh, cũng như anh không còn nhìn thấy cô gái nào khác trên đời này, vì anh đã có em bên cạnh - một người bạn đồng hành.
Cô ngả đầu vào vai anh nghe ấm áp cả cõi lòng. Ansaki hôn nhẹ lên tóc Hoàng Uyên, anh giục:
– Mải nói chuyện với em, sắp đến nhà rồi kìa. Em chuẩn bị tinh thần đi. Anh quên nói với em là ba mẹ anh không khó nhưng anh cũng không biết họ có ấn tượng giống anh về em không. Điều này em cũng nên biết trước.
Hoàng Uyên bấy giờ có cảm giác run thật sự. Một cô gái sắp được người yêu giới thiệu với cha mẹ anh ấy thường run như thế. Tự dưng cô nhớ lời của Việt Lâm, cô càng sợ hãi hơn. Hoàng Uyên níu tay Ansaki:
– Anh ơi! Sao em sợ quá, em nghĩ em chưa chuẩn bị tinh thần kỹ. Hay là mình trở về đi anh, em không tự tin lắm đâu.
Ansaki cười cười:
– Anh nghĩ ... ba mẹ anh không đến nỗi đuổi chúng ta ra khỏi nhà.
– Nhưng lỡ thật thì sao? Anh có hẹn với ba mẹ trước không?
Ansaki gật đầu:
– Anh có nói qua điện thoại, anh sẽ đưa em về cho ba mẹ xem mắt cô dâu tương lai.
– Ba mẹ anh nghĩ thế nào?
– Họ không bảo gì cả.
Hoàng Uyên, cắn môi suy nghĩ. Cô nắm tay anh, quyết định:
– Anh mau gọi điện về báo với ba mẹ, hôm nay em bận thi không đến được.
Hẹn một tháng nữa, em sẽ về ra mắt họ. Anh thấy có được không?
Ansaki hiểu nỗi lòng của Hoàng Uyên đang lo lắng, sợ cha mẹ anh không chấp nhận cô và đó cũng chính là nỗi băn khoăn của chính anh. Thật ra, khi gọi điện thoại báo về đêm qua, anh đã trình báo với cha mẹ mình tất cả. Anh bảo anh rất yêu Hoàng Uyên, mong hai người tác hợp cho họ. Ba anh cười thích thú, nhưng mẹ anh hỏi cô ấy ở đâu, gia đình nhà cửa thế nào. Anh nói Hoàng Uyên là cô gái Việt, liền bị bà phản đối ngay. Mẹ anh nhắc anh con bé Paru đang chờ anh ở quê rồi cúp máy.
Việc Hoàng Uyên không chịu về nhà, Ansaki đồng tình ngay:
– Vậy nếu bây giờ chúng ta quay về, ba em hỏi, anh biết trả lời thế nào đây.
– Tùy cơ ứng biến! Ngay bây giờ anh đưa em ra đảo Hoa anh đào đi. Em muốn tận hưởng hết vẻ đẹp nơi này.
– Đảo Hoa anh đào cách bờ biển 30km, đi ra đó bằng canô phải mất một buổi mới trở về. Giờ này cũng muộn, anh ngại.
Hoàng Uyên nằn nì mãi:
– Chúng ta về nhà sớm, ba em nghi, rắc rối lắm. Chi bằng chúng ta sẵn dịp đi chơi luôn. Anh đưa em đi dạo một vòng có sao đâu.
Ansaki đành chiều ý người yêu. Anh rẽ vào đại lộ hướng về phía bờ biển, sau khi điện thoại báo về nhà, hẹn với cha mẹ mình một tháng sau sẽ về vì có việc đột xuất. Họ rất vui vẻ. Hoàng Uyên rất yên lòng và anh an tâm hơn, dường như anh vừa trút được một gánh nặng trên vai. Dù sao ra đảo cũng làm anh khỏe khoắn, với bớt phần lo lắng còn đè trĩu trong lòng mà Hoàng Uyên không thể biết được. Nhìn cô vui vẻ, hồn nhiên, anh không nỡ làm cô thất vọng.
Hai người thuê canô du lịch đảo Hoa anh đào thật thơ mộng. Họ được ngắm trời, biển bao la, mênh mông. Cả rừng hoa ngút ngàn bừng nở như một mâm xôi trước ánh nắng sặc sở sắc màu. Hoàng Uyên ngắm nghía mãi không chán.
Ansaki cũng ra đảo lần đầu với người yêu, anh bỗng thấy đảo Hoa anh đào hôm nay đẹp lạ lùng.
– Ansaki! Sao hoa anh đào lại đẹp đến thế hở anh?
– Vì hoa anh đào được người ta yêu nên nó đẹp. Em có muốn nghe chuyện cổ tích loài hoa này không?
– Muốn chứ! Anh mau kể cho em nghe đi, em thích chuyện đời xưa lắm.
Hai người ngồi bên gốc hoa anh đào. Hoàng Uyên tựa lưng vào cây say sưa ngắm hoa, nghe chuyện cổ tích ...
– Ngày xưa, trên tiên giới có những nàng tiên thường bay xuống hồ Thủy Lâm tắm hoặc họ đến những ngọn núi cao đùa giỡn. Họ đến dòng suối bốc khói nô đùa. Có một cô gái nghịch ngợm tình cờ đi ngang, trông thấy các nàng tiên, cô gái thích lắm mon men đến xem họ tắm. Cô lấy một chiếc áo tiên màu hồng bay đi khắp đảo. Nàng tiên áo hồng không có áo tiên để bay về thượng giới nên đành ở lại và biến thành cụm hoa anh đào màu hồng ...
– Thế còn màu trắng?
– Cô gái nghịch ngợm kia lại lấy chiếc áo tiên màu trắng, nên nàng tiên áo trắng cũng đành ở lại đảo và biến thành cây hoa anh đào màu trắng.
– Còn cố gái nghịch ngợm kia thì sao?
– Cô ta bay khắp thế gian. Trời biết việc này, bắt đày cô thành tuyết phủ trắng núi Phú Sĩ sau khi lấy lại áo tiên. Còn hai nàng tiên ở lại mãi mãi nơi trần gian, đó là loài hoa mà em yêu thích. Em nhìn xem, bông hoa có giống mặt của các nàng tiên không?
Hoàng Uyên biết Ansaki bịa ra chuyện cổ tích để vui, chứ sự tích hoa anh đào đâu có giống như anh kể.
– Hoàng Uyên! Em đẹp hơn cả hoa anh đào nữa đấy, em biết không?
Bất giác, Ansaki ôm ghì lấy mặt cô hôn nhẹ lên vầng trán trắng mịn như hoa anh đào trắng thơm thơm. Hoàng Uyên búng vào mũi anh một cái:
– Anh khéo nịnh ghê! Hèn gì, Hạ Mai chẳng bảo anh là Hoàng tử mắt một mí .
– Hoàng tử gặp cô Lọ Lem ở bìa rừng phải không? Cô ấy có cái nhìn tinh tế lắm ...
Mấy tiếng đồng hồ đi dạo trên đảo, ăn đặc sản thơm ngon, được sống giây phút êm đềm bên nhau thật vui tươi, Hoàng Uyên và Ansaki sửa soạn trở về.
Bầu trời bỗng đen kịt. Mây đen cuồn cuộn kéo về vây kín. Gió thổi ào ào.
Từng cánh hoa anh đào bay theo gió như trận mưa bươm bướm. Hoàng Uyên reo lên:
– Ôi mưa hoa! Ansaki? Em sẽ vẽ bức tranh này dự thi, anh ạ.
– Ừ, đẹp lắm! Mưa hoa, nhưng chút nữa đây chẳng đẹp tí nào. Trời sắp mưa rồi, mưa trên đảo bất ngờ thế này gọi là mưa biển. Mưa biển dai dẳng, có lẽ chúng ta kẹt lại trên đảo rồi, em ạ.
Nhìn nét mặt lo lắng của Ansaki, Hoàng Uyên cũng lo theo. Cô nhìn trời và hỏi:
– Ở lại trên đảo ban đêm có nguy hiểm không?
– Còn hơn là phải về trong cơn mưa, nguy hiểm chực chờ làm đổ cả thuyền bè.
Thế là cả hai phải ở lại đảo một đêm. Đêm ấy, du khách kẹt lại khá đông, nhà trọ chật ních người. Hai người chỉ tìm được một phòng. Hoàng Uyên mãi lo lắng:
– Làm sao bây giờ anh?
– Thì chúng ta cứ ở chung một phòng. Đi nơi khác tìm có lẽ còn phòng trọ, hay là anh và em đi chỗ khác xem.
– Không được đâu anh. Mưa gió đẩy trời làm sao đi được ... ướt hết. Cứ ở lại đây cho rồi.
– Anh chỉ ngại cho em.
Hoàng Uyên nhận phòng. Căn phòng ấm cúng nhỏ hẹp. Hai cái giường nhỏ kê cạnh nhau. Mặc cho bên ngoàí gió rét, mưa gào ù ù cả đêm. Cô dọn lại chỗ ngủ, nét mặt căng thẳng. Ansaki bước vào bảo:
– Ở đây không tiện nghi như ở nhà. Anh quen sống du mục rồi nên sống ở đâu cũng được, chỉ ngại cho em thôi. Cả ngày nay đi mệt mỏi, em nên ngủ sớm đi.
– Còn anh?
– Ở góc phòng kia, có gì mà lo.
– Dơ lắm! Anh cứ ngủ một bên, em một bên. Chúng ta không xâm phạm lấn chiếm lòng lề đường thì lo gì hở anh.
Nghe Hoàng Uyên đùa, Ansaki cười theo:
– Em nghĩ thế à? Em không sợ anh “ăn thịt” em sao?
– Bậy bạ không hà! Anh cứ nằm nghỉ đi và hứa với em chứ?
– Hứa gì, anh không biết?
Nhìn nét mặt vờ ngây ngô của Ansaki, cô vít đầu anh xuống ném mạnh chiếc gối vào Ansaki. Anh chụp lấy cười ngất và ngả người xuống nệm êm ái, nhắm mắt lại vờ ngủ say.
Hoàng Uyên lắc đầu mỉm cười. Cô nhẹ nhàng nằm cạnh anh, sau khi đặt chiếc gối dài làm ranh giới. Nhìn nét mặt ngây thơ, hồn nhiên đáng yêu của Hoàng Uyên, Ansaki bồi hồi, xao xuyến. Anh nhắm mắt lại, cố dệt cho mình một giấc mộng đẹp ... Anh đang nắm tay Hoàng Uyên đi dưới đám mưa hoa.
Trên đầu hai người một vầng sáng bát ngát, hương hoa nồng đượm cả không gian. Anh đuổi theo cô. Cả hai đuổi theo những cánh hoa bay mãi, bay mãi ...
Đêm ấy, hai người vẫn trong sáng hồn nhiên. Khi tiếng chim ríu rít trên đảo, cả hai giật mình thức giấc. Hoàng Uyên rất ngạc nhiên nhìn vòng kết bằng hoa anh đào tươi tắn bừng nở rất đẹp đặt nằm cạnh chỗ cô nằm. Ansaki dụi mắt bật ngồi dậy nâng vòng hoa màu hồng phấn lên, đặt nhẹ vào tay cô:
– Anh xin chính thức cầu hôn em:
– Vòng hoa ở đâu vậy anh?
– Anh vừa mua.
– Nhưng sao áo anh ướt thế này, có phải anh đã dầm mưa hái hoa tặng em không?
Ansaki cười hiền lành, nụ cười tràn ngập hạnh phúc. Hoàng Uyên ngả đầu vào vai anh thật lãng mạn tình tứ. Trên đầu cô, vòng hoa anh đào đang bừng nở còn đọng những giọt mưa lấp lánh của đêm qua. Hoàng Uyên cảm thấy bao điều kỳ điệu đang đến với cô trên đảo thần tiên này.
Ba tuần nay, không biết Hoàng Uyên làm gì cô không cho Ansaki gặp mặt, kể cả liên lạc bằng điện thoại cũng không và trên mạng Internet, Ansaki dò mãi cũng chẳng tìm ra cô. Anh nhớ cô như điên. Ansaki liền phóng xe đến nhà Việt Lâm, mong nhìn thấy bóng dáng của cô một chút rồi về cũng được, cho dù là nhìn lén từ xa.
Nhưng hình như Hoàng Uyên vắng nhà. Ansaki đậu xe tận ngoài vườn hoa.
Anh thả bộ vào nhà, men theo mấy bờ rào hoa miên vũ lá hồng rìa trắng đang đung đưa trong gió.
Hoàng Uyên hẹn gặp anh sau một tháng kể từ hôm đi chơi đảo Hoa anh đào về. Anh đi vào phòng khách. Việt Lâm không thấy anh. Ansaki đành nép sang gian bên cạnh. Ông Việt Tân ngồi ở phòng khách có cả mẹ Hoàng Uyên ở đó.
Việt Lâm lên tiếng:
– Ba à! Ba tuần nay, con không thấy Ansaki đến chơi, ba có thấy điều lạ này không?
Ông Việt Tân gật đầu:
– Chắc Ansaki nó bận lo chuyện cưới xin cũng nên. Vì bận rộn nên nó ít đến.
Việt Lâm quay sang dì Tâm:
– Mẹ thấy thế nào, có khi nào Ansaki và Hoàng Uyên có chuyện gì không?
Hoàng Uyên có kể cho mẹ nghe về chuyện nó ra mắt ba mẹ chồng nó không?
Chứ ba tuần nay con thấy Hoàng Uyên là lạ làm sao ấy, mẹ ạ.
Ông Việt Tân cười an ủi hai người:
– Không có chuyện gì đâu. Ai mà dám chê con gái của ba chứ. Hoàng Uyên bảo họ đồng ý rồi, chỉ chờ ngày hôn lễ thôi. Nó xin ba đi học cắm hoa, tập nấu các món ăn Nhật Bản gì đó, hôm nào cũng về muộn. Con xem có thể giúp nó chuyện gì không, Việt Lâm. Có lẽ nó sợ làm dâu không vừa ý người ta nên tập dần. Thấy nó lo mà ốm cả người, ba đang sốt ruột đây.
– Việc đi học món ăn, cắm hoa, Hoàng Uyên biết cả rồi. Con nghĩ Hoàng Uyên làm chuyện gì đó mà giấu chúng ta. Con phải hỏi Ansaki mới được. Hai đứa này giận nhau thì đúng hơn.
Ansaki lui dần ra ngoài, anh men theo lối cũ trở ra xe lái vọt đi. Việt Lâm tìm anh thì khổ. Hoàng Uyên thật lắm trò. Anh không hiểu cô ấy định làm gì lại cấm anh không được gặp nhau cả tháng và gia đình Hoàng Uyên cũng không biết cô gặp chuyện gì. Họ đổ cả cho anh.
Hoàng Uyên càng bí mật, anh càng gặp rắc rối to. Ansaki nghĩ mình cũng nên trốn biệt một tuần nữa thì tốt hơn.
Vừa nghĩ đến điều này, điện thoại anh đã có tín hiệu. Việt Lâm nhắn tin anh đến gấp chiều nay. Ansaki lo lắng vô cùng. Anh tắt máy ngay lập tức.
Hoàng Uyên đến trường dạy nấu ăn của Nhật Bản học khóa cấp tốc nấu các món ăn đặc trưng ở đây. Thời gian học hai tuần. Bốn buổi học mỗi ngày, chạy nhiều nơi làm cô mệt nhoài. Hoàng Uyên phải chia thời khóa biểu khít khao. Học nấu ăn buổi sáng, học cắm hoa hai tiếng buổi chiều, chuyển sang tập pha chế rượu Saké, tập pha trà đạo sau đó. Buổi tối, Hoàng Uyên tập búi tóc và ăn mặc Kimono truyền thống Nhật Bản ở các lớp trang điểm.
Tuần lễ thứ ba học quá nhiều, Hoàng Uyên muốn ở lại tập dượt đến khuya nên vắng nhà thường xuyên.
Việt Lâm lo chuyện Hoàng Uyên có trắc trở, nên không yên tâm. Cả ngày nay không liên lạc với Ansaki, Việt Lâm đinh ninh ý nghĩ của anh là đúng, nên chiều nay, sau khi giao việc cho các nhân viên thu ngân, anh quay về ngồi chờ cô về.
Đã tám giờ ... chín giờ ... mười giờ ... Hoàng Uyên vẫn chưa về. Anh bấm điện thoại liên lạc cũng không có tiếng trả lời. Việt Lâm bực bội hỏi ông Việt Tân địa chỉ nơi cô học. Ông bảo cô nhắn về phải đi thực tập xa một tuần nên vắng nhà và không biết địa chỉ nào nhất định cả.
Việt Lâm điện đến chỗ pha chế rượu Saké, họ bảo không biết Hoàng Uyên là ai, mấy cửa hàng trang điểm cũng trả lời như thế.
Ai nấy đều lo lắng, nhất là ông Việt Tân và Việt Lâm, họ đang bối rối vì Hoàng Uyên cô tiểu thư duy nhất của nhà họ Nguyễn có lẽ đang gặp điều không may. Họ trách cô tại sao không nhờ họ giúp để khỏi phải vất vả bôn ba một mình. Việt Lâm bực bội kêu lên:
– Hoàng Uyên ơi Hoàng Uyên! Em đang ở đâu?
Một tháng sắp trôi qua. Ansaki và Hoàng Uyên không một lần tin tức cho nhau. Ansaki đã dồn sức vào làm xong đề án tốt nghiệp ra trường nên ít khi về nhà. Anh chỉ điện thoại cho ba mẹ mỗi tuần hỏi thăm qua loa.
Ở nhà, ông bà Ansachi mở rộng buôn bán mặt hàng Kimono truyền thống nên có tuyển thêm một số nhân viên bán hàng và thiết kế mẫu mã Kimono.
– Bà Ansachi có để ý thấy cô Osami không?
– Việc gì vậy ông?
– Trong ba nhân viên bán hàng mà chúng ta vừa tuyển vào hai tuần nay, tôi để ý thấy mặt hàng do bàn tay của cô Osami thiết kế đẹp lắm, bà ạ.
Bà Ansachi gật đầu đồng tình:
– Con Ansu vừa báo với tôi, mẫu mã vừa thiết kế của Osami trong tuần qua bán rất chạy. Ansu định lấy thêm hàng cho khách gần hai mươi mẫu mới. Khách hàng họ đòi áo Kimono có hoa văn mới vừa cổ kính vừa hiện đại. Ông xem chúng ta gặp hên rồi. Có lẽ trời giúp ta đó ông.
Ông Ansachi cười tít cả mắt:
– Bà đang định tìm vợ cho Ansaki, tôi thấy cô gái này đẹp người đẹp nết, hay chúng ta tìm hiểu cô gái này gia thế ra sao rồi tính tiếp.
Bà Ansachi gật gù thích thú với ý kiến của chồng:
– Tôi cũng có ý đó, định đề nghị với ông. Không ngờ ông cũng có cái nhìn giống tôi. Tôi thích con bé Osami đó lắm.
– Nhưng tôi ngại một điều, Ansaki nhà ta đang để ý con bé người Việt Nam hào đó, tôi sợ nó không bằng lòng:
Bà Ansachi gạt. ngang:
– Nó không bằng lòng nhưng tôi bằng lòng. Con bé Osami rất tài hoa trong thiết kế mẫu mã, nó giúp cửa hàng tôi làm ăn phát đạt. Tôi có cảm tình với con bé ấy lắm. Người rất xinh xắn, lại nhu mì, mẫu người đó Ansaki tìm đỏ mắt cũng chưa thấy. Tôi nghĩ nó không dám chê đâu.
Ông Ansachi lại ngập ngừng, xem ra ông hiểu tính Ansaki hơn ai hết:
– Tính khí Ansaki tôi biết, coi chừng xôi hỏng bỏng không đó bà.
Bà dài giọng cãi lại:
– Tại sao quý Osami, ông không nói vào mà lại cứ nói ra. Chuyện này ông phải kiên trì thuyết phục nó. Yêu cái gì người khác ngôn ngữ, tôi với ông khổ cho mà xem.
– Thì chịu thôi. Ai biểu tôi và bà cưng chiều cho nó ăn học xa, học cao làm chi.
– Ăn học để biết chữ, giúp tôi và ông cai quản cửa hàng chứ đâu phải ăn học để lấy vợ nước ngoài, cãi cha cãi mẹ.
– Bà đi mà nói với Ansaki ấy! Nghe bà la, tôi mệt quá. Chúng ta đi thăm cửa hàng đi.
Bà Ansachi nói to:
– Chuyện gì tôi cũng muốn thống nhất với ông để sau này tránh việc đổ lỗi cho nhau. Tôi để ý Osami rồi đó, chủ nhật này chúng ta điện bảo Ansaki về đi.
– Hình như nó hẹn đúng một tháng sẽ đưa con bé về ra mắt chúng ta. Bà làm vậy có được không? Có phải bà muốn đảo ngược tình thế không?
Bà Ansachi gật đầu cười:
– Đúng. Vì tôi tiếc Osami quá. Con gái dịu dàng, đẹp người đẹp nết, tôi còn mê huống gì Ansaki. Cứ gọi nó về ngay, có thể nó sẽ quên cô gái kia.
– Bà làm vậy có ác độc lắm không? Chúng ta chưa biết mặt cô gái người Việt. Biết đâu khi gặp, ta lại có cảm tình như Osami thì sao.
– Cái ông này, nói mãi mà ông vẫn chưa hiểu. Hay là tôi đưa ông đi xem tận mắt nha. Ông đi theo tôi!
Tại cửa hàng thiết kế mẫu mã Kimono, Osami đang cặm cụi vẽ từng hoa văn nhỏ trên áo. Mọi người đều nghỉ tay đi ăn cơm, chỉ còn cô nán lại vẽ cho xong dãy hoa văn cuối cùng. Osami biết hôm nay chủ nhật, cô muốn ở lại làm thêm.
Nhìn đồ đạc bừa bộn, Osami đứng lên dọn dẹp. Ông bà Ansachi đứng nhìn cô làm việc như làm cho mình chứ không phải cho chủ. Bà khều ông:
– Tôi phục con bé, không biết nghỉ ngơi là gì. Tôi sợ kiểu này nó sẽ ngã bệnh quá, ông à.
– Bà hỏi thử xem! - Ông Ansachi giục bà.
Vừa thấy hai ông bà chủ đến, Osami cúi thật thấp để chào:
– Cháu xin chào ông bà chủ.
Bà tươi cười đon đả:
– Đã quá trưa, cháu ăn gì chưa, Osami?
– Dạ thưa, rồi ạ!
– Sao cháu không nghỉ một chút rồi làm tiếp. Công việc này đòi hỏi tỉ mỉ, lâu dài, cháu phải giữ gìn dưỡng sức.
– Dạ, cháu vẫn khỏe ạ ....
– Cả mười ngày nay, cháu chưa về nhà phải không? Hôm nay là chủ nhật, cháu không nghỉ à?
Osami mỉm cười, lễ phép:
– Cảm ơn ông bà chủ. Cháu muốn rèn luyện tay nghề thành thạo. Vả lại, nhà cháu cách đây khá xa nên cháu chưa về ạ.
– Vậy là ngày mai cháu vẫn ở lại đây?
Nghe ông bà chủ hỏi, Osami ngạc nhiên hỏi:
– Có chuyện gì không ạ?
Ông Ansachi sợ bà mau miệng liền nói ngay:
– Chúng tôi muốn nhờ cô một chuyện. Ngày mai cửa hàng ở thị trấn chúng tôi sẽ khánh thành, có nhiều khách khứa, chúng tôi muốn nhờ cô trông coi bán hàng giùm. Cô giúp chúng tôi nha!
Không ngờ Osami chấp nhận ngay:
– Dạ, thứ bảy, chủ nhật, cháu rất rảnh. Cháu có thể phụ việc nhà giúp ông bà chủ được ạ, nếu ông bà không cháu vụng về.
Bà Ansachi mừng rỡ như bắt được của, bà xua tay:
– Ôi, thật là quý hóa! Cháu chịu ở lại giúp hai bác ư? Vợ chồng già của bác chỉ có một cậu con trai, nó đi học xa lắm, tận To- kyo, một tháng, hai hoặc ba tháng mới về một lần. Bác cần có người giúp đỡ. Nếu cháu ở lại giúp hai bác thêm, bác sẽ trả tiền công hậu hỉ cho cháu.
Osami lắc đầu:
– Cháu chỉ muốn làm cho quen tay quen việc thôi ạ. Chuyện gì cháu cũng còn dở lắm, nhờ bác chỉ dạy thêm.
– Vậy cháu mau đóng cửa gian hàng lại, đi cùng về nhà với hai bác. Yên trí, nhà bác rộng thênh thang, chỉ có đôi vợ chồng già, cháu đừng ngại.
– Dạ, cháu cảm ơn bác không hết, cháu đâu dám ...
Osami nhanh tay dọn dẹp mọi thứ cho ngăn nắp rồi cô đóng cửa gian hàng lại. Quầy bán do Paru đảm nhận cũng khóa kín tự bao giờ. Paru đã về nhà từ sớm.
Osami theo ông bà Ansachi về nhà. Căn nhà cất theo kiểu Nhật rộng thênh thang, sạch sẽ, Osami nhanh chóng quét dọn gọn gàng. Bàn tay cô thoăn thoắt kỳ cọ rửa lại chén bát.
Xong việc, Osami nấu ăn. Cô nấu món nào cũng ngon, ông bà Ansachi khen tấm tắc!
– Chà! Có một cô dâu như cháu thật hạnh phúc biết chừng nào. Cháu nấu ăn ngon lắm, rất vừa ăn.
– Bác quá khen! Cháu làm vụng lắm.
– Các cô gái ở vùng này tài giỏi như cháu hiếm lắm. Cháu có người yêu chưa Osami?
Osami bẽn lẽn, lí nhí:
– Dạ, cháu chưa làm vừa ý người nào nên ...
Bà Ansachi dừng đũa:
– Ai không có cặp mắt nhìn mới chê cháu. Bác mong được người như cháu làm con dâu mà còn phải chờ đợi mỏi mòn kìa.
– Bác để cháu pha rượu Saké cho bác trai uống thử.
Ông Ansachi mừng rơn:
– Cháu biết pha rượu à? Thật đa tài. Thế cháu sành pha trà không?
– Thưa, cháu sẽ pha cho hai bác dùng thử.
Osami đi vào phòng ăn và phòng bếp để pha rượu, pha trà. Lát sau, cô mang hai thứ lên cho ông bà dùng thử, ai cũng khen tấm tắc.
Ông bà Ansachi rất hài lòng về cô nhân viên bán hàng và thiết kế mẫu mã Kimono lẫn phụ việc nhà. Một tay cô làm tất cả rất đẹp, nhanh và giỏi giang.
Hai người bàn tán với nhau lần này Ansaki về, họ quyết thuyết phục anh đừng lấy vợ Việt Nam nữa, mà hãy lấy cô Osami, con gái Nhật vừa nết na, lại giỏi giang sẽ hạnh phúc cả đời. Ông bà Ansachi rất có cảm tình với Osami. Hai người luôn theo chân cô, quan sát từng li từng tí, không có chỗ nào họ chê được.
Thật là một cô gái toàn diện. Osami hơn hẳn Paru. Bà Ansachi không còn nhắc đến Paru nữa.
Sáng chủ nhật, Osami đã dậy sớm hơn mọi ngày, cô cắm cả chục bình hoa rất bận rộn.
Bà Ansachi mua loại hoa truyền thống theo mùa đặt sẵn trong nhà. Osami cặm cụi cắm hoa Ykémana, loại cắm hoa truyền thống của người Nhật, những cô gái đài các mới được theo học lớp học này.
Hôm nay là ngày khánh thành cửa hàng mới ở thị trấn. Sáng sớm, ông bà Ansachi cùng cô Osami đến cửa hàng bằng taxi:
Vừa bước vào phòng khách, bà Ansachi đã kêu lên ngạc nhiên:
– Cháu biết cắm hoa Ykémana à? Ai dạy cháu thế?
– Dạ, cháu học ở lớp nữ công gia chánh nên biết mọi thứ ạ.
– Thời gian học nghiệp vụ còn đâu thì giờ mà cháu học đủ thứ vậy?
– Cháu tranh thủ thời gian. Vả lại, chính vì đam mê yêu thích nên cháu gắng làm mỗi việc một tí.
– Đẹp lắm! Cháu là một cô gái Nhật thực thụ có hiểu biết, nghề nghiệp hẳn hoi và thực hành tốt mọi việc trong cuộc sống, bác phục cháu quá, Osami ạ.
Osami luôn khiêm tốn nên họ càng mến mộ cô hơn. BàAnsachi gọi ông vào giới thiệu sản phẩm của Osami vừa tạo ra. Ông cũng ô lên ngạc nhiên:
– Ôi! Phòng khách hôm nay nhờ có bàn tay cô Osami trở nên lộng lẫy khác thường. Thằng Ansaki rất mê cắm hoa nghệ thuật. Cháu có thể truyền kinh nghiệm cho con bác, chứ?
– Dạ, cháu sẵn sàng ạ.
– Cám ơn cháu. Hai bác muốn cháu cùng đi ra cửa hàng mới. Lát sau, chúng tôi sẽ trở về nhà đặt tiệc, cháu nhớ trông coi cửa hàng giùm chúng tôi nha!
– Dạ.
Osami rất tài giỏi, lại rất lễ phép. Ông bà Ansachi sợ mất Osami nên cả hai bàn bạc ngay chuyện đêm qua đã tính toán kỹ lưỡng. Bàn xong, bà Ansachi liền điện thoại ngay cho Ansaki về nhà gấp có chuyện cần bàn.
Ansaki không hiểu chuyện gì đã xảy ra ở nhà mà mẹ anh lại điện khẩn cấp và vội vàng như thế. Anh bồn chồn trong lòng khó tả. Anh muốn chờ vài ngày nữa đến ngày hẹn đưa Hoàng Uyên về nhà ra mắt ba mẹ luôn thể, nên liền gọi điện lại cho mẹ:
– Mẹ à! Con đang bận nộp đề án tốt nghiệp vào ngày mai thứ hai, nên không thể về gấp được, mẹ ạ. Có chuyện gì quan trọng không mẹ? Nếu không, vài ngày nữa con sẽ về luôn thể.
Giọng bà Ansachi cáu gắt trong điện thoại:
– Ba mẹ bị bệnh, con về gấp. Ở nhà không ai lo cửa hàng. Nếu không về, ba mẹ không nhìn con nữa.
– Mẹ .... có chuyện nghiêm trọng lắm hả mẹ? Con đang chờ đưa vợ con về luôn thể. Đường xa, mỗi lần về rất khó.
– Tùy cậu. Nếu cậu xem vợ to hơn cha mẹ thì cứ ở lại, chúng tôi không cần con nữa. Vợ mất tìm người khác còn tài giỏi hơn nhiều. Cha mẹ mất rồi khó tìm, con ạ. Nhớ suy nghĩ lại và về ngay cho cha mẹ nhờ nha, Ansaki! Trễ lắm sáng ngày mai. Đừng điện thoại cho mẹ nữa, mẹ chỉ muốn nhìn thấy con mà thôi.
– Mẹ! Mẹ hãy nghe con nói ...
Nhưng bà Ansachi đã dập máy rồi. Ansaki ngỡ ngàng, bần thần. Anh liền mở máy gọi cho Hoàng Uyên nhưng không nhận được tín hiệu nào. Ansaki bối rối thật sự, liền gọi cho Việt Lâm. Vừa mở máy, nhận ra Ansaki gọi, Việt Lâm đã rối rít hỏi:
– Cả tháng nay cậu và Hoàng Uyên lặn đâu mất tăm vậy. Cậu rủ rê Hoàng Uyên bỏ nhà, đi ở đâu rồi hả?
Chờ cho Việt Lâm bình tĩnh lại, Ansaki giải thích:
– Anh Việt Lâm! Không có chuyện vô lý ấy đâu!
– Cậu còn dám cãi hả! Tại sao tôi tìm cậu hai tuần nay, cậu không liên lạc máy với tôi Hoàng Uyên đâu, cho tôi gặp nó ngay đi!
Ansaki chưng hửng:
– Hoàng Uyên không có ở nhà sao anh?
– Cậu còn hỏi! Thật ra, cậu và nó đã xảy ra chuyện gì? Cả hai tuần nay nó biệt dạng và cậu nữa. Cậu ở đó, tôi và ba tôi đến ngay.
– Không! Tôi phải về quê ngay. Tôi sẽ đi tìm cô ấy về cho anh. Đừng lo Việt Lâm. Tất cả đều do ý muốn của Hoàng Uyên cả, tôi không biết cô ấy định làm gì nữa. Cô ấy không cho tôi liên lạc cả tháng nay. Hai ngày nữa, chúng tôi sẽ gặp nhau.
– Không được! Một ngày chúng tôi cũng không chờ nổi. Cậu liệu đó. Tôi đi đây!
Nói xong, Việt Lâm cúp máy ngay. Ansaki ôm đầu rối rắm. Hoàng Uyên ơi!
Em ở đâu? Em có biết vì em mà mọi người xem thường anh. Nếu có em, anh và em sẽ cùng về nhà ngay cho cha mẹ đôi bên vui lòng. Ansaki rên rỉ, anh đặt máy điện thoại trước mặt chờ tin nhắn của cô từng giờ. Nhưng Hoàng Uyên vẫn bặt vô âm tín. Ansaki nán lại cả ngày chủ nhật, cả đêm hồi hộp sợ mẹ cha gọi, lại sợ Việt Lâm và ông Việt Tân đến. Sáng sớm thứ hai, Ansaki đành ghé trường nộp đề án tốt nghiệp rồi lái xe về nhà gấp.
Bơ phờ, mệt mỏi, tâm thần không ổn định, Ansaki tông vào chiếc xe trên đường, may mà chẳng sao. Chàng thanh niên trên xe nhảy xuống mắng anh như tát nước:
– Anh kia muốn lấy mạng người ta à? Anh có biết lái xe không vậy? Chạy xe ẩu vậy đó hả? Xe tôi mà hư là anh phải đền đó.
Ansaki đành im lặng mặc cho người ta xỉ vả, chỉ xuôi xị nói lời xin lỗi:
– Xin lỗi anh, tôi vội quá ... Tôi cũng không biết mình đang làm gì ... Thành thật xin lỗi ...
Xem qua xe chỉ bị móp đầu, anh chàng thanh niên nọ dường như cũng gấp nên tức tối đá vào xe anh:
– Xin lỗi cái con khỉ! Thằng điên như anh có mà hại người khác. Số điện thoại của anh đâu, chúng ta sẽ gặp sau đề tính sổ chuyện hôm nay.
Ansaki tựa lưng vào xe, móc ví lấy số điện thoại trao cho chàng thanh niên.
Ngay lúc ấy, xe Việt Lâm cũng trờ tới. Thấy bộ dạng Ansaki và chiếc xe nằm chắn ngang đường, anh vội vàng nhảy xuống hỏi:
– Ansaki! Tai nạn à? Cậu sao thế?
– Anh thấy đó! Hắn chạy sai đường lủi vào xe tôi, cũng may là không sao. Đi đi!
Chàng thanh niên đi rồi, Việt Lâm nhìn Ansaki, lo lắng:
– Cậu có sao không? Tại sao lại bơ phờ thế này, cậu mất ngủ à?
Ansaki vẫn chưa hoàn hồn, anh lắc đầu:
– Hoàng Uyên biến mất, tôi không biết tìm cô ấy ở đâu. Ba mẹ lại gọi về gấp, không hiểu có chuyện gì, tôi lo quá cho nên ...
Việt Lâm dịu giọng hơn, khuyên Ansaki:
– Tôi sẽ cùng đi với cậu về nhà của cậu ngay bây giờ. Nhưng mà xe cậu còn chạy được không?
Ansaki xem kỹ chiếc Daewoo mới toanh đã bị móp méo, vỡ đèn một bên.
Anh đề thử máy, may thay xe còn chạy được.
Cả hai lại lên đường. Con đường cao tốc xa thăm thẳm. Ba trăm cây số đường dài đối với họ chẳng là bao, chỉ mấy tiếng sau họ đã đến thị trấn nơi có cửa hàng mới của gia đình Ansaki. Anh không vội ghé vào mà chạy thẳng về nhà. Việt Lâm chợt ra hiệu cho anh dừng lại, anh xin địa chỉ nhà của Ansaki, hẹn sẽ đến sau.
Ansaki ngạc nhiên:
– Sao anh không ghé nhà tôi một chút. Ba mẹ tôi sẽ tiếp đón anh chu đáo.
Việt Lâm lắc đầu:
– Tôi có người bạn vừa gọi điện bảo đến gấp. Số điện thoại đây, cậu xem. Lát nữa, tôi quay lại ngay.
Nói xong, Việt Lâm phóng xe lao ngược về hướng thị trấn mất hút. Ansaki đành trở về nhà một mình với tâm trạng bất an luôn đeo đẳng ở trong lòng.
Ansaki dừng lại trước cửa nhà. Ông bà Ansachi đón anh thật vui vẻ. Họ có bệnh hoạn gì đâu.
Bà Ansachi đon đả:
– Đó, ông thấy chưa! Tôi nói Ansaki không bao giờ dám cãi cha mẹ hoặc thất hứa. Nó về rồi kìa!
Ansaki cau mày khó chịu:
– Ba mẹ gọi con về có việc gì vậy? Trong khi con đang gấp gáp làm đề án tốt nghiệp, mẹ lại nói cha bệnh, kêu con về gấp, báo hại con suýt chút nữa phải vào bệnh viện cấp cứu rồi.
Ông Ansaki nhìn kỹ con trai, lo lắng:
– Trời ơi! Tại nạn hả con? Có sao không? Là tại bà cả, việc gì cũng hấp tấp, vội vàng.
– Con ơi! Sao con bơ phờ thế này? Nhưng không sao, nó về tới nhà rồi. Cảm ơn trời phật phù hộ. Ansaki vào đây, mẹ lấy rượu Saké cho con uống, con sẽ khỏe ngay.
Ansaki lấy làm lạ trước thấy sự vồn vã của cha mẹ, càng ngạc nhiên hơn khi nhìn thấy lọ hoa Ykémana trang trọng trên bàn.
– Ba mẹ có việc gì phải không? Đám tiệc gì mà ai cắm hoa đẹp thế?
Bà Ansachi kéo tay con ngồi xuống ghế, rồi mang thức ăn bày ra đầy bàn:
– Ăn một chút đi con, rồi ba mẹ báo cho con một tin vui.
Bà Ansachi tiếp thức ăn cho con trai. Ansaki ăn nhỏ nhẹ nhưng món ăn hôm nay ngon lạ lắm.
– Sao hôm nay mẹ làm thức ăn ngon thế?
Ông Ansaki tươi cười:
– Mẹ con đâu nấu ăn ngon được như vậy. Là do một cô gái nấu đấy. Cô gái rất xinh đẹp, ba mẹ vừa tuyển vào làm việc. Cô ấy vừa nết na, thùy mị, vừa làm món ăn ngon, biết pha rượu cho con uống, pha trà ba mẹ, biết cả cắm hoa theo mùa, còn biết thêu áo Kimono bán rất chạy nữa. Ba nghĩ cô gái ấy có thể mang lại hạnh phúc cả đời cho con ...
– Ba mẹ muốn nói Paru ư? Con không yêu cô ấy.
Bà Ansachi ngọt ngào:
– Cô gái này giỏi giang gấp mấy lần Paru nữa. Chỉ hai tuần nay, ba mẹ nhờ cô Osami rất nhiều chuyện. Cô gái này từ Tokyo đến, rất giỏi giang, đa tài. Ba mẹ muốn gọi con về là để giới thiệu Osami cho con. Lần này, con cưới cô ấy là con gặp phúc lớn và đỡ đần ba mẹ lúc tuổi già.
Nghe ba mẹ nói, Ansaki bỏ bát đang ăn uống bàn:
– Thưa ba mẹ, ngày mất là ngày con đưa Hoàng Uyên về ra mắt ba mẹ. Tại sao bây giờ ba mẹ lại đổi ý. Con biết ăn nói làm sao với cha và anh của cô ấy.
Người ta sẽ mắng chúng ta là người bội bạc, tráo trở. Ở đời, con không làm loại người như vậy. Ba mẹ cũng đâu muốn con sống như thế.
– Nhưng Osami rất tài giỏi, lại là người Nhật thực thụ, không có cô gái nào có thể hơn. Mẹ không muốn con nhắc đến cô gái Việt nào đó nữa. Hôm nay, gọi con về là ta muốn con cưới Osami.
Ansaki hết còn chịu đựng nổi, anh đứng phắt dậy, nói rành rọt quyết định của mình:
– Cho dù cô Osami nào đó biết cắm hoa, biết nấu ăn, biết thiết kế mặt hàng Kimono, cô ta cũng chỉ là nhân viên. Tự dưng bắt con cưới một cô gái lạ hoắc lạ huơ không chút tình cảm làm sao con có thể ...
Bà Ansachi quát:
– Không được cũng phải được, con phải cưới! Con đã về đây ba mẹ không cho con đi nữa. Không học hành gì cả, ở nhà cưới vợ lo buôn bán. Ba mẹ vừa khánh thành cửa hàng lớn ở thị trấn, con và Osami sẽ quán xuyến tất cả cơ ngơi này, hiểu chưa? Chỉ có Osami mới giúp con có cơ nghiệp vững chắc.
Ansaki lặng im. Anh không ngờ cha mẹ lại ép buộc anh đến như thế. Họ dám làm điều mà anh không hề nghĩ đến. Việt Lâm đến đây, sẽ mắng anh như tát nước. Không khéo anh bị họ hiểu lầm, Hoàng Uyên sẽ thất vọng về anh. Cô ấy sẽ không chịu nổi cú sốc này.
Bà Ansachi ngỡ Ansaki đồng ý liền nói thêm:
– Ba mẹ không ép con, chẳng qua ba mẹ muốn con có cuộc sống hạnh phúc suốt cuộc đời. Để mẹ gọi Osami cho con xem mắt. Mẹ nghĩ cô ấy sẽ làm con hài lòng.
Lời nói của mẹ như kim chích vào lòng, Ansaki không chịu đựng được nữa.
Hình ảnh Hoàng Uyên đã choán hết tâm trí anh, làm anh nhớ cô quay quắt. Nỗi nhớ cồn cào cả tim gan lẫn nỗi lo sợ Việt Lâm sẽ trở lại. Chợt nhớ Việt Lâm có hẹn anh ở chỗ cửa hàng mới ngoài thị trấn, Ansaki vội vàng đứng lên nói với vẻ giận dữ, mặt đỏ bừng:
– Ba mẹ cứ mời cô Osami nào đó về đây ở với ba mẹ đi. Còn con chỉ có thể cưới một người duy nhất mà con yêu mến từ lâu. Người đó là cô gái Việt tên là Hoàng Uyên cho dù cha mẹ chưa có cảm tình. Con đi đây!
– Ôi, cái thằng ... Ansaki! Đứng lại nghe mẹ nói nè con!
Bà Ansachi chạy theo gọi rối rít. Ông Ansachi đứng im như trời trồng.
Ansaki quày quả bỏ đi thật nhanh, anh nhảy vào xe lái vụt đi trước mắt họ.
– Ông ... sao ông không gọi nó lại. Trời ơi! Con với cái! Khổ quá ...
Ông Ansachi cũng vội vàng lấy xe đuổi theo con trai. Ông lo sợ Ansaki bỏ đi luôn. Bà quýnh quáng đuổi theo ông ... họ vội vàng theo sát Ansaki.
Ansaki dừng xe lại trước cửa hàng. Xe của Việt Lâm đỗ gần đó. Ansaki chạy nhanh vào cửa hàng tìm anh. Thấy có người vào cửa hàng tất tả, hai cô nhân viên mới vui vẻ chào anh, giọng ngọt xớt:
– Anh xem hàng Kimono phải không?
– Không! Tôi tìm người. Cô có thấy anh chàng cao to vào đây không?
Một cô cười, bảo:
– Anh ấy kìa! Anh đang xèm hàng để đặt mua, anh ạ. Chị Osami chọn hàng cho anh ấy.
– Lại Osami! Chỗ nào cũng nghe cả! Việt Lâm! Việt Lâm! Chúng ta về đi!
Tôi sẽ đưa anh qua bên cửa hàng kia có nhiều hàng đẹp hơn. Ở đây ...
Việt Lâm ngẩng lên cười, dàng vẻ ung dung lạ lùng:
– Làm gì mà rối rít vậy anh bạn? Thế nào, ba mẹ gọi về để định ngày cưới, phải không? Chừng nào để tôi nói với ba mẹ tôi chuẩn bị.
– Sao anh biết? Mau đi ra ngoài, tôi kể cho anh nghe!
Ông bà Ansachi vừa đến, họ tất tả chạy vào cửa hàng. Việt Lâm vừa đi thì có tiếng gọi giật lại:
– Anh Việt Lâm sao không chọn hàng?
Ansaki quay lại vì tiếng gợi quá thân quen. Cô gái mặc trang phục Nhật kia là ai? Anh ngỡ ngàng. Osami trước mặt anh là ...
– Trời ơi! Hoàng Uyên! Là em đó sao? Sao em lại ăn mặc thế này?
Ansaki mừng rỡ ôm chầm lấy cô, nỗi vui mừng sau một tháng dài xa cách, nhớ nhung. Cô cũng thế, ngả vào vòng tay anh êm ái.
Ông bà Ansachi ngỡ ngàng. Không thể tin vào mắt mình nữa. Bà Ansachi tươi cười, nói nhỏ:
– Thế ra ... con có quen với Osami à? Ông ơi! Kỳ lạ quá, tôi không hiểu. Cô gái mình ưng ý ...
Hoàng Uyên thẹn thùng đẩy Ansaki ra và thú thật với ông bà Ansachi rằng mình chính là cô gái Việt tên Hoàng Uyên, cả tháng qua đóng vai Osami để thực tập làm cô con dâu Nhật Bản. Mọi người cười ồ lên vui sướng.
Bà Ansachi mắng yêu con:
– Giờ sao không từ chối Osami của mẹ đi!
Ansaki lắc đầu chào thua trò tinh nghịch thật dễ thương của Hoàng Uyên, nhìn mẹ xin lỗi:
– Giờ thì con không thể, mẹ ạ. Con không ngờ cô dâu Nhật Bản của mẹ lại đáo để quá. Hoàng Uyên đã chiếm được cảm tình thật sự của ba mẹ. Con xin lỗi ...
Việt Lâm cùng ông bà Ansachi nói chuyện thân mật. Thừa lúc không ai để ý, Ansaki kéo nhanh Hoàng Uyên lên sân thượng và bế bổng cô lên xoay mấy vòng. Hoàng Uyên la ré lên:
– Ôi! Coi chừng té người ta! Ghét anh quá đi!
Ansaki hôn khẽ lên môi cô nụ hôn ngọt ngào, âu yếm giọng:
– Dám giả con gái Nhật để hù anh há! Suýt chút nữa vì em mà anh bất hiếu rồi đó. Lém quá bé ơi!
Hoàng Uyên nũng nịu, đôi mắt trong veo của cô chứa đựng cả một trời hạnh phúc trọn vẹn. Cô thỏ thẻ, giọng ngọt ngào:
– Tại em muốn thành cô dâu xứ hoa anh đào chính hiệu mờ.
Hai viền môi lại tìm đến nhau trong men nồng hạnh phúc ngất ngây.
Xa xa, đảo Hoa anh đào bừng sắc hồng trong nắng rực rỡ như đón chào đôi uyên ương trở về bên nhau với cả một tình yêu đẹp vô bờ. Từ đây, không còn trở lực nào ngăn đón họ nữa. Mùa xuân đã về trên đất Nhật. Hương hoa anh đào ngan ngát cả không gian, thật ấm áp, nồng nàn.
Hết