Lũ sẻ thu
Phan Hồn Nhiên
Trời mưa cả tuần. Quân kéo mảnh khăn tuột nơi vai trùm lên đầu, buộc chặt. Nó mở cánh cổng lớn. Dòng chảy ngoài phố bỗng nghiêng về khoảng sân thấp, cuốn theo cái mảng hồng hồng của hoa giấy rụng từ hôm qua. Người đưa báo kiên trì gõ cửa từng nhà,chỉ để giao những tờ báo nhanh chóng ướt nhoét. Khi Quân trở ra, trong sân đã có thêm một chiếc giầy da đơn độc bơi chậm rãi, trương phềnh. Nó nhìn đồng hồ- hơi muộn để vào lớp nhưng sẽ là buổi chiều bất tận nếu dịch bài khóa ở nhà. Quân băng qua phố. Một đứa bé va vào nó rồi chạy biến. Nó cúi xuống nhặt quyển sách lấm lem. Trong vũng mưa, bóng một con ma gầy guộc chít khăn đung đưa. Sâu hơn nữa là bầu trời màu chì tái mét. Nó thở mạnh, nghe mùi meo mốc của tấm khăn đang nhạt dần đi trong gió phần phật, tan vào không khí trong vắt sau mưa. Lớp mất điện tối om, mọi người đi học đủ,ngồi kín các băng ghế phía trên. Ngón tay bà giáo không thôi chọc vào khoảng không trên đầu từng người. Như cái máy hát cũ, những tiếng người khản đặc vì lạnh nối nhau gào lên câu dịch của mình, góp thành đoạn văn thủng lỗ chỗ, ngô nghê. Ai đó ngồi hàng ghế sau nấc to, nghe rờn rợn. Bà giáo gấp sách, nghiêm mặt nhìn đứa con gái đeo ở tai chùm hạt dị kỳ: “Cô Châu sao thế? Lại quyết định yêu người khác nữa à?” Lũ con trai cười khùng khục, nổi lên giọng the thé đồng cô: “Ối chà, mỗi tháng nó phải nấc như vậy một lần”. Châu nhìn ngang, đáp uể oải: “Tiếc là tôi không thể làm thế vì cậu, tiếc lắm!” tiếng cười gợn lên, gượng gạo. Bà giáo rít lên bằng tiếng Nga: “Chú ý vào bài!” Quân thoáng mệt, lồng ngực đau râm ran. Cửa sổ bên ngoài lại sầm tối, những giọt mưa to rơi thẳng từ trời, vỡ tan trên các lối đi lót gạch. Ai đó lật giấy loạt xoạt, đọc lên: “Lòng chung thủy của con thiên nga”. Chẳng ai để tâm đến đứa con gái đeo hoa tai khóc vụng trộm sau bìa sách cứng. Dưới mái ngói nâu thâm, vợ chồng chim sẻ nhỏ nhoi bíu chân vào xà gỗ, nghiêng đầu ngủ chập chờn.
Quân đứng chờ Châu về cùng trong mái che của một bảng tin bóc dán nham nhở. Mấy dòng chữ hẹn hò nguệch ngoạc của kẻ nào đấy bị mưa hắt đượm vẻ thảm hại. Hai đứa đi bộ dọc vỉa hè. Châu hỏi; “Chiều có đi dậy không?” Quân lắc đầu: “Tôi phải nghỉ. Họ e tôi lây bệnh cho bọn trẻ con”. Châu hất ra sau lưng mái tóc ướt: “Thế đấy. Mình dám chắc cậu chưa lấy tiền tháng này”. Xe cộ lác đác bật đèn, mặt đường xám nhẫy níu dài các vệt sáng rực rỡ. “Mình thôi anh bác sĩ sáng nay - chùm hạt mọi rợ đu đưa - giống như sự giải thoát”. Nó mỉm cười: “Sao lúc nãy bạn khóc?” “Để thông báo thôi - Châu khoát tay - với lại khóc là công đoạn cuối cần có cho một tình yêu hời hợt”. Hai đứa cười rầm rì. Đi học nước ngoài một năm, Châu đem theo về cái vỏ cứng, lời nhạo báng và mắt thản nhiên. Họ không thân nhưng thi thoảng vẫn dựa vào nhau, khi phần còn lại của lớp là bọn con trai lạnh lùng, soi mói.
Châu rảo bước, chùng giọng: “Đừng về nhà lúc này. Mình đưa cậu đến chỗ người quen. Cậu cần tìm việc làm đã”. Trời thôi hẳn mưa, không khí quánh lại, luẩn quẩn gần những tán cây tối sẫm. Đôi giày da mỏng thấm nước, họ bắt đầu cảm thấy lạnh hơn.
Quán nằm sâu trong nhà, phải xuyên qua lối hẹp loáng thoáng lá cây ẩm thấp, đôi khi chạm vào da hệt tay người ốm. Mấy bộ ghế còn óng sơn bị đẩy sát tường, trông ủ ê và lạc lõng như bọn trẻ mồ côi nheo nhóc. Để mặc nó ngồi dưới mái lá quây tròn, Châu lẫn vào vùng sáng vàng đục, nơi một người đàn ông dường như quá bận tâm vào cái máy hát đang rỉ ra chung quanh tiếng vĩ cầm buồn bã, rền rĩ ngọt ngào. Họ đi về chỗ nó. Người đàn ông bước những bước dài, chậm và mệt mỏi. Quân lùi sâu vào khoảng tối, thầm biết ơn cái chao đèn vàng đất. Vài chủ nhà từng từ chối nhận nó vào làm, họ không thích đôi mắt quá sáng và gương mặt hốc hác khả nghi. Thi thoảng, nó nhớ những ngày không có việc làm sau giờ học. Quãng thời gian ấy chẳng khác gì đợt nó phải nằm vì ốm - Các ỹ nghĩ u ám rình mò, chúng gặm mòn đi những ký ức tươi sáng, những dự định tương lai tốt lành. Nhiều tuần sau đấy, nó chẳng rũ được cảm giác mình chỉ là hạt đậu bị đàn kiến đen khoét thủng và xềnh xệch lôi đi. Máy nghe đĩa dừng trong khoảnh khắc rồi bắt đầu một bản nhạc Brahmrs. Mọi thứ nơi cái quán bề bộn này bỗng như được treo lơ lửng trong không gian - mấy chiếc ghế mây, các vệt sáng vàng âm, những chùm hạt bông tai rung nhè nhẹ. Người đàn ông trẻ tuổi ngả vào lưng ghế, đồng ý nhận nó làm việc bằng cái giọng khàn khàn. Nó đến làm việc những ngày cuối tuần, chơi nhạc. Và hôm nào mất điện, nó sẽ đi qua các dãy bàn, thắp một ngọn nến nhỏ. Châu quay sang thầm thì với anh ta về mấy bức tranh treo trong quán. Nó uống nhầm cốc của Châu, những giọt cà phê sóng sánh pha lẫn rượu. Châu nhịp tay xuống bàn, hát cho người kia nghe khúc ca nào đó. Cảm giác ấm áp lan tỏa trong đầu, nó nhìn vội Châu. Rồi một lúc nào đấy, nó nhận ra người đàn ông đang quan sát nó, mỉm cười, gật đầu như chỗ thân quen. Đoạn về, Châu hài lòng xoa tay vào nhau, đoan chắc chỗ làm ấy có không khí rất hợp cho một người thường suy nghĩ điềm đạm.
Quân về nhà muộn. Nó tự mở khóa, cái đèn nhỏ treo ở cổng lắc lư. Nước mưa rút đi từ bao giờ, chỉ lá rụng nằm sấp trên sân còn ngân ngấn ướt, loáng nhoáng bắt ánh đèn. Nhà đã ngủ, lũ em họ thôi kêu khe khẽ hay chạy rón rén ngoài hành lang. Cảm giác bay lờ lững vẫn còn, có lẽ do vài giọt rượu. Nó đến chỗ điện thoại, quay dãy số cầm trong tay. Giọng nói khàn đục của người trẻ tuổi đáp máy, thoảng dễ chịu khi nhận ra người ở đầu bên kia. Nó nói chầm chậm, những câu nói bất chợt trong đầu: “Tôi mới về nhà, ngoài phố ẩm ướt lắm. Tôi muốn nói rằng tôi thích chỗ làm của anh vô cùng. Chẳng hiểu sao...” Nó ngưng lại, nghe đâu đây có đàn ong bay vo ve. Bên kia vọng đến tiếng nói chậm rãi, xa thẳm như dội về từ một thế giới khác biệt: “Tuần sau cô đến làm ở đây đỡ trống trải. Quán ban đầu thường ít người...” Giọng nói dừng.
Bức tường xám trước mặt Quân bỗng lùi xa, mềm mại. Bên kia chợt tiếp lời: “Tôi vừa chuyển đĩa mới. Ban chiều tôi tìm mua được đĩa nhạc của Brahms. Ít khi tôi gặp may như vậy. Cô nghe lại đoạn mở đầu không?” Tiếng dương cầm êm ả, vẫn như bay đến từ hành tinh xanh biếc. Nó từng tập khúc nhạc này, nhưng lâu lắm rồi. Hòa âm cuối cùng tắt lịm. Nó nói vội vào ống nghe, hơi bối rối: “Cảm ơn anh. Tôi không nghĩ là mình gọi muộn đến thế. Khuya rồi...” Nó gác máy, tưởng như vừa khép cửa sổ khi bên ngoài vẫn là bụi hoa ngân trà nở trắng. Lá thư gửi gia đình nằm yên trên bàn, chờ hoàn tất. Nó nghĩ ở nhà bây giờ hẳn đã vào thu. Những phiến lá rộng hơn mặt người sẽ rơi trên ngói vỡ, úa vàng rồi vội vã khô cong. Mưa thì nhỏ hạt và dai dẳng. Hồi ở ngoài ấy, mùa này nó bắt đầu đợt ốm. Cái giường nó nằm im lìm, những con mọt nhưng nghiến gỗ. Cảm giác an toàn trong mệt mỏi năm đầu thay thế bằng nỗi kinh hãi năm kế, rồi sau cả là sự bình tĩnh mênh mang. Bọn trẻ vốn vội vàng nay dè sẻn nhấm cốm, bà đi chùa về giở làn hương hoa. Mọi người dăm lần ngồi ghé thăm nó bên giường, bỏ lại mùi thơm váng vất, lâu phai như sự hoài nhớ... Nó gấp thư, tháo mảnh khăn trùm mái tóc ngắn xơ xác rồi nằm co. Từ lâu nó quen nghe và đáp những lời kiểu cách. Cuộc nói điện thoại với người mới gặp bất thường. Câu chuyện giản dị như cái gối nằm quen, đáng tin và an ủi.
Những bậc thang sứt mẻ vốn quanh co. Vũng nước ai đó làm sóng ra ngoài chảy thành dòng nhỏ. Quân tự hỏi bằng cách nào ông thầy già hay lơ đãng của nó không lạc nơi các hành lang giống hệt nhau, dài và sạm đất. Thầy về hưu, chuyển vào nam ở với con. Sáng thầy đi bộ qua các con đường, dáng tư lự. Ngày xưa, nó học với thầy ba năm chuyên ngữ, học ở thầy những câu dịch chính xác tinh khôi, giống thầy cả cách nghĩ chậm rãi, dịu dàng. Thầy và nó ngồi trong phong khách hẹp, gần những món đồ gỗ kiểu xưa vững chãi. Thầy mỉm cười, giọng nói bền bỉ, ngọt ngào nhưng phai nhạt sắc thái tự tin của ngày cũ: “Vào đây tôi gần như mất hết học trò. Dịch sách chỉ là cái thú. Thật khó mà lìa bỏ những niềm yêu mến của mình cô ạ. Nhưng đành vậy thôi...” Quân máy tay, chạm vào thỏi đá chặn giấy buốt lạnh. Những câu hỏi âu lo cho ngày mai bỗng dưng tan ra, hóa thành lớp sương mù đùng đục ngăn giữa thầy và nó. Trên kệ cửa sổ, con mèo trụi lông nằm co ro bên chậu lá tím thẫm. Thầy rút một quyển trong tập sách ngoài cùng, điềm đạm: “Từ lâu tôi để dành cho cô tập truyện tôi dịch. Về các họa sĩ”. Đoạn ông nói thêm, giọng nhỏ hẳn: “Dù sao thì cũng cố lên cô ạ. Đôi khi tương lai không như ta dự định. Chính vì thế cuộc sống luôn hấp dẫn”. Nó ra khỏi khu nhà cao tầng, men theo đoạn phố nhà thấp ngói lô nhô rồi ghé vào trường đại học. Lớp sáng bỏ không. Vợ chồng nhà sẻ chưa đi kiếm ăn, bần thần nhìn ra bầu trời bạc trắng. Những cành cây trụi lá đâm thẳng lên cao như các ngòi bút cố chép bài thơ cũ hàng năm, nhưng chẳng thuộc.
Người thanh niên chờ Quân ở chỗ bảng tin. Ở đó, gắn tờ quảng cáo mới, cho các lớp học đêm. Nó làm việc ở quán cà phê gần tròn tháng, đã quen với những đôi mắt cau có sau quầy của vài cô phục vụ, với các thứ tự các bản nhạc cần chơi ngọt ngào và cũ kỹ. Đôi khi người đàn ông trẻ đặt đĩa vào máy, cho nó ngồi nghỉ trong chiếc ghế mềm, nhấm nháp cốc nước cay dịu và rất nóng. Anh là cháu chủ quán, một kiểu người làm công nhưng thân thiết. Họ thường nói chuyện với nhau về một đề tài vu vơ dễ chịu nào đấy, rồi cùng mỉm cười. Trong bữa ăn khuya ở nhà chủ, các cô phụ việc thôi bình phẩm mảnh khăn trùm đầu của nó. Nếu vãn khách sớm, nó sẽ đệm đàn cho một cô hát vài ca khúc ủy mị. Khi ấy, Huy chống tay lên đàn, cười mãi không thôi. Vài lần mất điện, quán thắp nến. Trong góc tối trông ra, khoảng sân như mảnh trời sa thấp. Vẫn chỉ là khung cảnh lần đầu nó gặp, nhưng cuộc sống bây giờ so với dạo ấy dường như ấm áp và bớt tiều tụy hơn... Nó đi vội ra khỏi lớp, thoáng ngạc nhiên nhìn Huy rồi lại tiếp tục ánh cười, cảm nhận mình không xanh quá. Thảng hoặc anh gặp ở nó nét vô tư lự của trẻ con, nhưng cảm giác ấy nhanh chóng bị sự ủ rũ khô khan khuất lấp. Huy hỏi: “Có gì lạ sao?” Nó gật đầu: “Anh bạn cùng lớp tính đồng cô của tôi vừa rồi hát tặng giảng viên bài ca mừng sinh nhật, giọng barytone thực sự đàn ông”. Anh cầm hộ nó bộ giáo trình, nhận xét: “Chúng ta hay bàng hoàng trước khả năng người khác, chỉ vì chẳng thực sự quan tâm đến nhau”.
“hôm nay anh đến đón tôi” - nó nhắc. Huy làm việc cho công ty quẩng cáo, bận bịu và kiếm được nhiều tiền. Họ đi chậm, dõi theo đàn sẻ từ đâu bay đến đậu xao xác trên một mái hiên. Anh nói: “Cơ quan tôi ngày mai có xe đưa đi cắm trại. Tôi muốn đưa cô đi cùng, được chứ?” “Vâng”,- nó đáp giản dị. Tuy quen, anh vẫn không khỏi bất ngờ trước vẻ trong sáng của cô. Các cô bạn anh luôn căn vặn, chối từ làm một điều tầm thường cũng rối mù lên. Gần trưa, trời nắng hửng. Huy dừng ở đầu đường, dặn: “Xe đón cô ở đây, sáng mai”. Và anh nói thêm, bông đùa: “Tối nay tôi ở cơ quan làm cho xong việc, không đến quán. Cô đừng có nhận hoa của ai”. Nó cười thành tiếng. Đôi khi vài khách quen gửi cho nó mấy cành hoa và chiếc lá sấy khô, phủ lên hàng phím vàng xỉn như răng người chết, trông kỳ quặc. Nó đem hoa lá cho các cô trong quán. Họ thích thú dán vào các quyển sổ chép bài ca.
Sau đợt đi cắm trại, nó nghỉ học ở trường nửa tháng. Nó trở ốm vì những cơn mưa tắt muộn. Bầu trời nặng trĩu làm nó mệt mỏi hơn. Người nhà đưa nó vào bệnh viện rồi lại đón về nhà, buồn phiền nhìn tóc nó mỏng dần, để lộ lớp da đầu mỏng mảnh. Lũ em lén nhìn Quân qua khe cửa rồi chạy biến ngoài hành lang. Căn phòng yên tĩnh. Chỉ có ánh sáng chuyển dịch ngoài cửa kính gợi lên cảm giác trôi tròng trành của cái hộp giữa dòng sông gần cạn. Đôi lần Châu ghé qua, đem cho nó quyển giáo trình mới hay kể huyên thuyên về tình yêu và lũ con trai cùng lớp ngớ ngẩn. Châu nói vài dự tính nay mai bằng cái giọng dửng dưng, cười khaatr. Nó nhìn bạn mạnh mẽ, chẳng thật sự yêu quý cái gì, lẫn lộn buồn vui. Châu bảo: “Mình báo với đằng quán là cậu nghỉ hết tháng này. Đừng lo, chẳng ai muốn cái chỗ gõ vài bản nhạc xửa xưa như đệm trong rạp xiếc của cậu đâu!” Hạt đá ở tai Châu chiếu sáng. Ý nghĩ nó chợt bấu víu vào cái từ “rạp xiếc”. Giá lúc này nó được ngồi ở đấy, hoảng hốt và điên rồ. Châu về. Nó nằm xem bài học ở lớp, đọc lại quyển sách thầy cho. Và thi thoảng sau giấc ngủ ngắn, nó nhớ hôm đi chơi người ta tìm được sau rừng cây mọc thẳng một mặt hồ nước lặng im xanh, màu xanh của những bài thơ cổ điển. Sự vỗ về nhỏ nhoi ấy của tự nhiên dường như chạm vào da, khiến họ rùng mình.
Châu báo tin sắp qua Nga một lần nữa, du học và làm việc ở xứ người. Bà giáo già buồn rầu than van cho cái lớp học mỗi ngày vắng vẻ hơn. Nó trở dậy được, theo xe đi tiễn bạ. Lòng xe chống chếnh, phía sau chẳng có ai. Châu cười khì khì: “Mình như mảnh gỗ thông nhẹ bỗng trôi nổi ấy mà. Không có gì để cố sức thì tự thấy mình héo rũ đi”. Nó so vai im lặng: “ Cậu định khi nào về ngoài kia?” - Châu hỏi. “Tôi chưa biết nữa”. Huy quay sang nói nhỏ: “Chốc nữa cô ghé quán?” nó lẳng lặng gật đầu. Buổi chiều quán vắng vẻ. Cây đàn trùm kín mảnh vải nhựa. Máy nghe đĩa vẫn chạy. Tiếng cello trầm trầm đa cảm, khúc nhạc về mùa đông. Huy thân thiết vỗ nhè nhẹ lên bàn tay nó: “Ra ngoài trời cô hẳn thấy dễ chịu hơn ngồi hoài trong căn phòng ấm áp !” Nó đồng ý, nói thêm: “Giữa tuần tôi lại đến chơi đàn, anh nhé!” cuối năm màu trời nơi đây âm u xám, nhưng không lạnh đầy. Nó lầm rầm như nói một mình: “Không làm gì, tôi tưởng như chẳng ai cần đến tôi nữa”. Huy qua trường đón nó thường xuyên hơn. Nó ít nói, chỉ hay hỏi vài điều nho nhỏ về công việc anh làm.
Nhà gửi thư và vé máy bay hẹn nó về sớm. Hồ sơ chuyển trường đã làm xong nhanh hơn người ta nghĩ. Nó nói điều ấy với anh, mỉm cười như có lỗi: “Mọi người nghĩ vào đây tôi sẽ khỏe ra, nhưng chẳng hơn gì”. Họ bàn luận với nhau về quyển sách mới đọc, rồi im lặng. Anh hỏi: “Chúng ta sẽ viết thư chứ?” nó khum tay che nắng: “Thôi anh ạ, trò chơi ấy sẽ khiến ta chán rất nhanh...” Dãy lớp cũ nó học bắt đầu dỡ ngói. Lũ sẻ ở trọ nhao nhác, bay giạt sang giảng đường cửa kính bên kia. Nó ho khan, thầm thì: “Tôi chẳng phân biệt được mấy con sẻ hay ngủ gật bàn tôi đâu nữa...” “Anh ạ, ra ngoài ấy tôi đi học. Và lại cố tìm một công việc làm...” Hôm qua, Quân lên nhà thầy cũ. Bên trong ai đọc theo thầy các từ mới, âm cuối ngân dài. Nó bồn chồn một lúc rồi quay đi. Những hành lang trống rỗng không đọng nước, ánh sáng xuyên ngang. Nó biết, chỉ vài giờ nữa, chỗ này sẽ đông bước người qua!