Cuối tháng chín năm sau, vào một ngày chủ nhật, tôi cùng Mi-u-ra Ma-ri-cô đến cung điện Me-it-di. Thời tiết sáng sủa, dễ chịu. Hôm đó là ngày hội thể thao thiếu niên, đường phố đông đặc học sinh, đâu đâu cũng nghe tiếng pháo bông nổ dòn.
Trong cung điện cũng rất đông người. Trước cửa ra vào phòng lễ họ treo một tấm bảng với họ tên mười cặp đăng ký kết hôn, trong số đó có cả tên của chúng tôi; I-ô-xi-ô-ca Xu-tô-mu và Mi-u-ra Ma-ri-cô.
Hai vợ chồng người anh cả của tôi mới ở từ quê đến dự lễ cưới của chúng tôi, giúp tôi mặc áo xmôc-king thuê ở hiệu. Na-ga-xi-ma, với tư cách bạn cũ lĩnh trách nhiệm tiếp khách. Anh thò đầu ra gian trước kêu to:
- Này này, cậu phải chú ý đấy. Ở đây hệt như làm theo dây chuyền ấy.
Mà quả thật, dọc theo hành lang dẫn vào phòng lễ, hệt như theo dây chuyền, các cô dâu mặc áo choàng trắng và các chú rễ áo xmôc - king đen chậm chạp bước vào.
- Biết làm thế nào được, - tôi kéo sửa lại vạt áo, đáp .- cuộc sống của mỗi người chúng ta đều là một khâu nhỏ của chuỗi dây chuyền này. Bởi vì cá nhân là cái gì? Hư danh và tro bụi! thậm chí đến khi anh ta chết đi, thân xác của anh cũng sẽ đi qua tay các loại thầy thuốc, như theo một tuyến dây chuyền.
- Chú nói gì vậy?- bà chị dâu không bằng lòng.- Hôm nay là ngày vui thế kia cơ mà!
- Vâng tất nhiên. Tôi đáp.- Na-ga-xi-ma, đề nghị cậu thực hiện nhiệm vụ của mình đi.
Na-ga-xi-ma nghiêng người chào rồi vừa cười vừa đi ra phòng trước.Nhìn theo anh ta, tôi nhớ lại những năm tháng sinh viên của chúng tôi và căn phòng bé nhỏ ở Can-da.
Hồi đó chúng tôi lấy những băng gạc bịt mũi miệng, nằm trên những tấm nệm bẩn thỉu trong những chiếc chăn hôi hám. Ăn thì toàn xúp khoai tây loãng. Nhưng lạy trời tất cả đã lùi về quá khứ, và có vẻ như chúng tôi đã tạo ra được cho mình một hạnh phúc khá vững bền; và tôi nghĩ, bất cứ giá nào cũng phải bảo vệ nó cho bằng được. Hôm nay chúng tôi làm lễ cưới, ngày mai chúng tôi sẽ đi du lịch sau khi cưới, và sau đó thuê một căn phòng kha khá…
Lễ thành hôn làm cho chúng tôi ít nhiều tò mò, vui vẻ. Ông cố đạo với bộ ria con kiến trên khuôn mặt hồng hào vung trên đầu chúng tôi một vật gì giống như quạt lông và với giọng khàn khàn nói những câu gì đó. Ma-ri-cô khẽ hích vào sườn tôi.
- Sao vớ vẩn thế nhỉ!
- Cực kỳ vớ vẩn! - Tôi thì thào đáp lại. Phải cố lắm chúng tôi mới nhịn được cười.
Những người họ hàng đứng ở hai bên chúng tôi. Trong số đó có cả giám đốc của công ty chúng tôi, hai tay khoanh trước ngực vẻ nghiêm nghị.
- Thế là chúng ta trở thành họ hàng rồi đấy, - khi viên cố đạo kết thúc, ông ta khẽ vỗ tay lên vai tôi, nói. - Tôi nghĩ rằng sau khi đi du lịch về anh sẽ làm việc tốt hơn. Hãng của chúng ta tuy không lớn lắm nhưng dù sao củng không được làm mất danh dự của nó.
Những lời của giám đốc tôi nghe còn dễ nhiều so với lời của một viên cố đạo. Nó làm cho tôi tin tưởng nhiều hơn rằng bây giờ tôi đúng là chồng của Ma-ri- cô thật.
Sau buổi lễ là một bữa tiệc nhỏ. Vây quanh chúng tôi, tất cả mọi người kêu to ba lần “Chúc mừng!” Na-ga-xi-ma vừa vung tay vừa kêu to hơn tất cả. Những bạn đồng nghiệp của tôi cũng vung tay và kêu, những ánh mắt của họ để lộ ra sự ganh tỵ mà họ cố gắng che dấu.
Tôi hình dung ra sau buổi lễ, họ sẽ ra về và nói với nhau những câu đại loại như:
- Cái thằng khôn thật. Loại ấy có vứt xuống nước cũng không chìm.
- Tất nhiên, nhưng hắn ta có bằng kỹ sư.
Vâng, tôi biết bơi. Tôi lấy vợ là theo tính toán, nhưng sự tính toán đó kết hợp với tình yêu chân thành của tôi đối với Ma-ri-cô. Nói cho cùng, tình yêu mà không ích kỷ là vô nghĩa. Và nói chung, tính ích kỷ đó cũng chính là khao khát hạnh phúc. Nếu như tôi bơi tốt, không chìm thì điều đó chẳng những tôi, mà cả Ma-ri-cô đều có lợi.
Ra khỏi cung điện Me-it-di, chúng tôi lập tức đi đến một nhà ga của Tô-ki-ô.
Mọi người giới thiệu cho chúng tôi khá nhiều các tuyến đường du lịch. Nào là Ha-cô-nê, nào là Néc-cai, nhưng chúng tôi quyết định chọn hồ Xan-diu.
Trước đám cưới ít lâu, một lần nữa Ma-ri-cô hỏi:
- Anh có nhớ chuyến đi chơi của chúng ta đến hồ Xan-diu nữa không?
- Hình như ở đó anh biểu diễn nghệ thuật đi ngựa cao cường của anh phải không ?
- Nếu em thì em sẽ gọi việc đó bằng một cái tên khác, - cô cười. - Anh bao giờ cũng đùa.
- Thế ai lấy anh chàng hay đùa kia làm chồng?
- Anh ngốc lắm, chính nhờ con ngựa kia mà em bắt đầu yêu anh đấy.
Và như vậy chúng tôi đi dến kết luận rằng hạnh phúc của chúng tôi có được là nhờ con ngựa gầy gò của người nông dân kia và quyết định sẽ thực hiện chuyến du lịch sau lễ cưới đến hồ Xan-diu.
Đến Ô-đem-ba chúng tôi đi tàu hỏa, sau đó thuê một chiếc xe hơi. Một lát sau giữa những ngọn núi màu đồng nâu đã hiện ra mặt hồ xanh biếc trong vòng quây của những cánh rừng lá vàng.
- Em sẽ là người vợ tốt của anh, - Ma-ri-cô thì thào, khi chúng tôi cầm tay nhau đi dến ven bờ hồ.
- Anh muốn em trong tất cả mọi mặt đều tốt cả. Ồ hình như con ngựa làm nhục anh vẫn ở chỗ này thì phải.
- Thôi đi anh!- Ma-ri-cô nũng nịu phản đối.- Anh đừng nhắc đến những chuyện ấy nữa.
- Tại sao? Chẳng lẽ chúng ta không biết ơn bà ngựa cái kia à?
Chúng tôi ở hồ hai ngày. Ngày thứ ba thời tiết trở nên tồi tệ và chúng tôi quyết định về Ô-đem-ba bằng ô-tô buýt.
Bắt đầu mùa rụng lá. Những chiếc lá vàng phủ đầy đường, phủ lên cả nóc xe.
- Anh nhớ không, lần đó chúng ta cũng trở về theo con đường này. Trong cử chỉ của Ma-ri-cô tôi nhận thấy có sự thay đổi lớn. Cô ta thích ứng với vai trò người vợ rất nhanh, và tôi cảm thấy điều đó hơi kì lạ.
- “Lần đó” là bao giờ?
- Đấy, cái lần mà anh cưỡi ngựa ấy ….
- Có thể.
- Không phải có thể, mà hòan toàn chính xác, - Ma-ri-cô nói tiếp.- Lần đó Ô-nô còn hỏi, những ngôi nhà kia là gì?
- Ngôi nhà nào?
- Chẳng lẽ anh không thấy à? Đấy, đằng kia, trong rừng ấy. Trông giống như trại lính. Bà bán vé nói rằng đó là bệnh viện những người hủi. Mọi người chạy đi đóng cửa sổ. Em lúc đó cũng hơi sợ.
Tôi áp trán vào mặt kính cửa sổ. Trong trí nhớ hiện lên khuôn mặt đần độn của Mi-xu hôm tôi gặp ở Ca-vát-đa-ki. Cô ta trong giống như một con mèo ướt mưa. Cố nén tiếng khóc, cô ta thì thào: “Em phải đi Ô-đem-ba. Ở đó có bệnh viện…”
Còn tôi? Tôi biết bệnh viện đó là bệnh viện gì, nên nhìn những vết tròn thẫm trên cổ tay Mi-xu, tôi cố nén ngạc nhiên và sợ hãi, hỏi:
- Chẳng lẽ thật thế ư, Mi-xu?
- Vâng, bác sĩ bảo như vậy.
- Thế em còn đến đây làm gì? Chẳng lẽ em không hiểu à? Thôi em đi về nhà và nằm nghỉ đi.
Lúc đầu tôi nói không chọn từ, giọng cục cằn, gay gắt nhưng sau đó cố dịu lại.
- Anh xin lỗi là đã gọi em tới đây, anh không biết em ốm. Nhưng em đừng lo lắng lắm. Thuốc ngày nay bất kỳ bệnh nào cũng có thể chữa khỏi.
Chúng tôi ra khỏi quán. Tôi đi cách Mi-xu một quãng rồi vội vã chia tay với cô ta, rảo bước chạy ra ga. Đến thềm ga, tôi ngoái đầu lại, nhưng Mi-xu đã mất hút trong đám đông.
Và đến bây giờ, áp trán vào mặt kính lạnh tôi nhớ lại cô ta… Cô ta đang sống ở đâu đây trong khu rừng này.
Hơi thở của tôi làm mặt kính mờ đi.
- Anh nghĩ gì vậy? - Ma-ri-cô lo lắng tựa đầu vào vai tôi. - Mặt anh trông thảm hại thế…
- Em bảo gì lạ vậy! Bây giờ anh là người hạnh phúc nhất trên đời này.
Tôi nói đúng sự thật. Tôi quả nghĩ rằng hạnh phúc sẽ luôn luôn bên tôi. Còn Mi-xu?… Tôi cho rằng những đau khổ của cô gái tội nghiệp kia hoàn toàn không liên quan đến tôi…
Nhưng dù sao cuối năm đó tôi cũng gửi cho Mi-xu một tấm thiếp chúc mừng năm mới. Trước đây tôi không bao giờ gửi thiếp cho ai cả nhưng bây giờ Ma-ri-cô nằng nặc đòi tôi trong các ngày lễ phải thân mật chúc mừng tất cả bạn bè, đồng nghiệp và những ai tôi có nhờ vả tý gì.
Chúng tôi sống trong một căn nhà mới ở Me-gu-rô. Chúng tôi có cả phòng ngoài, phòng khách và phòng ngủ, có cả tủ áo quần, tủ chè, các loại tượng trang trí và nhiều thứ vặt vãnh khác. Ma-ri-cô mặc áo ki-mô-nô ngồi bên tôi chăm chú mài mực. Nói chung là một sự ấm cúng mà khi còn là sinh viên sống trong căn phòng bé tí bẩn thỉu chiêm bao tôi cũng không dám nghĩ đến.
Tôi đã viết xong thiếp chúc mừng cho Na-ga-xi-ma, các bạn đồng nghiệp, không quên cả Kim (“ mời anh lúc nào rỗi ghé đến nhà tôi chơi”), thì trong trí nhớ tôi bỗng hiện lên tên của Mi-xu. Tôi khẽ liếc nhìn sang vợ. Ma-ri-cô đang mải mê với công việc của mình. Tôi cầm bút và cẩn thận viết: “ Chúc mừng năm mới. Anh cầu nguyện chúa trời cho em chóng khỏi bệnh”. Tôi không biết địa chỉ của Mi-xu, nên chỉ ghi địa chỉ của bệnh viện hủi, vì nghĩ rằng ở Ô-đem-ba chắc chỉ có một bệnh viện như vậy. Tôi bỏ thư này vào túi áo của mình.
Tại sao lúc đó tôi lại nghĩ ra ý định gửi thiếp cho Mi-xu? Tôi không còn biết nữa. Có thể bởi tôi thương hại cô ta, vì rằng tôi là kẻ đang hạnh phúc. Tôi làm theo một tình cảm thoáng qua nhưng hoàn toàn chân thành.
Không có thư trả lời của Mi-xu, và điều đó làm tôi nhẹ nhõm.
Những ngày tết trôi qua. Tháng giêng đã hết. Những trang trí ngày tết trên các phố Tô-ki-ô đã được gỡ xuống.
Một lần vào buổi sáng, trước lúc đi làm, tôi nhận được một bức thư. Trông thấy địa chỉ người gửi: “ Bệnh viện “Phục sinh” Ô-đem-ba”, tôi vội vã đem thư giấu vào túi.
Công việc ngày hôm qua đó rất nhiều, nhưng tôi luôn luôn nhớ đến bức thư. Buổi chiều, leo lên tầng thượng của ngôi nhà, tôi rút chiếc phong bì đã nhàu nát từ trong túi ra. Không phải thư của Mi-xu Mô-ri-ta. Trên phong bì là một dòng chữ rất đẹp ghi rõ tên người gửi: “I-a-ma-ga-ta ”.
Nội dung bức thư làm tôi hoàn toàn sửng sốt. Tôi sẽ không kể lại là tôi kinh ngạc như thế nào. Tôi chỉ nói một điều rằng, lần đầu tiên trong đời, tôi xúc động mạnh như vậy, đến nỗi, đọc đi đọc lại mấy lần mới hiểu được ý nghĩa, nội dung của bức thư.
“Xin lỗi anh vì thư trả lời tấm thiệp chúc mừng năm mới Mô-ri-ta Mi-xu mãi đến bây giờ tôi mới viết được. Tôi muốn nhanh chóng báo cho anh biết về Mit-chi- an (ở đây chúng tôi gọi cô ấy như vậy) , nhưng trong thời gian gần đây tôi quá bận, và thư viết ngắn chắc sẽ không làm cho anh thỏa mãn.
Qua tấm thiệp của anh, tôi hiểu rằng anh chưa biết gì về số phận của cô ấy kể từ ngày Mi-xu đến bệnh viện của chúng tôi. Qua kết quả của những lần kiểm tra phân tích máu lại, chúng tôi xác định rằng Mi-xu không có bệnh. Trường hợp chuẩn đoán sai bệnh cũng có gặp trong thực tế, nhưng rất hiếm, có khi chỉ một phần nghìn. Mi-xu gặp đúng trường hợp như vậy. Anh thử tưởng tượng xem cô ấy đã phải chịu đựng như thế nào. Nhưng sau khi về Tô-ki-ô, cô ấy ngay ngày hôm đó lại quay lại với chúng tôi, quay lại với cái thế giới khủng khiếp, bị mọi người khinh bỉ ruồng bỏ này và xin được làm việc ở đây.
Nói thật ra, lúc đó chúng tôi, những người thầy thuốc và hộ lý, không tin cô ấy. Chúng tôi cho rằng ý muốn đó chẳng qua là nhất thời, do tính đa cảm quá mức của Mit-chi-an mà thôi.
Bởi vì mục đích chính của chúng tôi là “mang đến cho mọi người cái thiện và tình yêu thương”. Còn Mi-xu, có thể không vì trách nhiệm, không vì lòng thương, không tự cưỡng bách mình, tự nguyện và kiên nhẫn hàng ngày, săn sóc những người bị bệnh hủi không?
Mặc dù cho rằng ý định của Mi-xu làm việc ở bệnh viện chỉ là nhất thời, chúng tôi cũng chấp nhận yêu cầu đó. Bệnh viện thường xuyên gặp những khó khăn về tài chính. Sự giúp đỡ của nhà nước và của những cá nhân từ thiện không đủ, và vì vậy lương của chúng tôi rất thấp, bệnh nhân không đủ người phục vụ.
Tuy việc thu dọn ở các phòng ở chỗ chúng tôi do những người bệnh nhẹ đảm nhiệm, nhưng các việc cấp dưỡng, phục vụ bệnh nhân trong giờ ăn, bán các loại hàng hoa quả nông nghiệp (chúng tôi có vườn trại riêng) và thêu thùa của người bệnh tất cả đều phải qua tay y tá hộ lý, nên Mi-xu đối với chúng tôi là một sự hỗ trợ đắc lực.
Có lẽ anh biết rằng Mi-xu thích những bài hát mới. Đến bây giờ tôi vẫn thấy cô ta, đầu bịt khăn choàng trắng mang thức ăn đi các bàn và hát “Những ngọn núi It-du”. Lúc đầu một số y tá ngoại quốc không thích như vậy, Vì Mi-xu hát to, lại toàn những bài tầm thường. Nhưng dần dần họ cũng quen đi và thôi không kêu ca nữa. Thậm chí đến tôi, một người đơn độc và đã quên những cảnh vui vẻ cũng thuộc những bài hát đó, và bây giờ đôi lúc, nếu như không ai nghe thấy, tôi lại hát một mình.
Ngoài hát ra, Mi-xu còn thích xem phim. Ở đây một tháng một lần người ta mang phim từ Ô-đem ba tới chiếu. Vào những ngày đó Mi-xu như thay đổi hẳn. Từ sáng cô đã rất vui vẻ, khó khăn lắm mới đợi được chiều đến. Ngồi trong phòng ăn - giờ biến thành rạp chiếu - cùng với bệnh nhân, Mi-xu thể hiện sự phấn khởi thích thú của mình to hơn tất cả mọi người. Nhưng không lần nào Mi-xu vào thành phố để xem phim cả.
Có lần tôi bảo cô ấy:
- Mit-chi-an, hôm nay chủ nhật, em có thể đi đến Ô-dem-ba để xem những bộ phim em ưa thích.
- Thế còn chị? - cô ấy lắc đầu.
- Chị không thể đi được. Chị là y tá và chị không thể đi lúc nào muốn được nhưng em tự do, em có thể đi vào thành phố lúc nào cũng được.
- Không, em cũng không thể đi được.
- Tại sao?
- Em sẽ phải xấu hổ. Em không thể bỏ người bệnh lại được.
Tôi đã nói rằng không thể yêu người vì trách nhiệm hoặc vì lòng thương hại. Tình thương yêu đối với những con người bị xã hội ruồng bỏ - điều này, nếu anh muốn, là chiến công, nó đòi hỏi ở con người không chỉ lòng thông cảm kiên nhẫn, mà còn sự quên mình hy sinh. Khác với chúng tôi, Mi-chi-an không cần đến điều cuối cùng đó. Tôi không muốn nói rằng lòng thương yêu người không đòi hỏi ở Mi-xu sự kiên nhẫn và hy sinh quên mình, nhưng ở cô ấy tất cả đều rất tự nhiên, không hề có tý gì là giả dối, cố ý. Cô ấy biết đặt mình vào vị trí những người bất hạnh đau khổ và vì vậy trong việc làm của cô ấy không hề có lấy bóng dáng của việc tự từ bỏ mình.
Thỉnh thoảng tôi tự so sánh mình với Mi-xu, và dường như bây giờ tôi bắt đầu hiểu một câu trong kinh thánh: “hãy luôn là trẻ nhỏ”. Tôi không biết anh có tin chúa hay không, nhưng vị chúa mà tôi tin luôn luôn dạy chúng tôi phải mãi mãi là trẻ nhỏ. Điều đó có nghĩa là không che dấu những niềm vui của mình khi cảm thấy sung sướng, cứ khóc khi gặp bất hạnh và đối với mọi người phải trung thực chân thành. Mi-xu - một cô gái ngây thơ, giản dị, yêu thích bài hát tầm thường “những ngọn núi It-du” và dấu đầy phòng mình những bức chân dung của I-xi-ca-va, là người như thế.
Tôi đã mấy lần nói chuyện với cô ấy về chúa trời của tôi. Mi-xu không lảng tránh những câu chuyện như vậy, nhưng tôi cũng không thể thuyết phục nổi cô ấy, và không phải vì rằng tôi không bảo vệ được chân lý trong niềm tin của tôi.
Còn việc mà tôi sắp kể dưới đây, xảy ra vào đầu tháng chạp năm ngoái.
Trong bệnh viện của chúng tôi có bốn em bé (chắc anh ngạc nhiên rằng trẻ em cũng bị bệnh Hăng-xen, nhưng chúng càng nặng hơn. Bệnh không gặp sức đề kháng của cơ thể trẻ em nên phát triển rất nhanh). Chắc anh biết rằng Mi-xu rất yêu trẻ em và dành cho chúng hầu hết toàn bộ số tiền lương của mình. Trong số mấy đứa trẻ bị bệnh có cháu trai sáu tuổi Xô-chi-an. Vi khuẩn hủi đã làm tê liệt hệ thống thần kinh của cháu. Không có hy vọng gì để cứu chữa nữa cả. Đến cả pê-nê-xi-lin cũng đã mất hết tác dụng.
Ba ngày đêm liền Mi-xu không rời khỏi cháu bé. Cô ấy đã hoàn toàn kiệt sức, mắt đỏ ngầu. Tôi buộc phải ra lệnh cho Mi-xu về buồng nghỉ, nhưng cô ấy phản đối:
- Không có em, Xô-chi-an sẽ không chịu…
Những ngón tay của cô ấy đã đỏ tấy lên vì phải đập nước đá để băng bó.
- Chị sẽ cho người thay em, em đừng lo. Đứng không vững nữa rồi kìa.
- Không, không! Đêm hôm qua em cầu chúa bắt em phải bị hủi, để cho Xô-chi-an khỏi bệnh. Nếu như quả có chúa… ngài cần phải nghe lời cầu của em.
- Em không được nói thế, - Tôi gay gắt ra lệnh. - và phải đi ngủ ngay, nhìn em thật là đáng sợ.
Đến bây giờ tôi vẫn thấy trước mặt mình Mi-xu quỳ trên mặt sàn lạnh buốt của bệnh viện và cầu chúa cho cô phải chịu bất cứ sự khổ ải nào để cho cháu bé Xô-chi-an khỏi đau đớn. Nếu anh biết Mi-xu, chắc anh sẽ hiểu rằng sự việc quả là như vậy.
Năm ngày sau cháu bé chết.
Tôi sẽ không kể việc gì xảy ra với Mi-xu, cô ấy bảo tôi:
- Em không còn tin vào chúa nữa, hoặc nếu có chúa, ông ta là kẻ độc ác và đáng sợ. Tại sao đứa bé không có tội tình gì kia phải chịu đau đớn như vậy? Không có chúa, không …
Hình như Mi-xu vung cả nắm tay nhỏ bé của mình ra trước mặt chúa trời đe dọa. “ Mà thực ra, - tôi nghĩ, - tại sao những người tốt bụng, lương thiện lại phải đau khổ, còn những kẻ đểu giả lại sung sướng?” Mi-xu phủ nhận chúa, cho rằng chúa có lỗi trong các đau khổ đó. Làm sao giải thích cho cô ấy hiểu rằng những việc làm xấu xa diễn ra trái với ý muốn của chúa và chúa cũng đau khổ cùng với con người?
Nhưng không có sự đau khổ nào có thể so sánh được với sự tuyệt vọng của con người cô đơn khi người đó biết rằng không ai quan tâm đến mình cả. Và tuy thế, tôi vẫn cho rằng thậm chí ở trong hoang mạc không người, con người vẫn không một mình. Làm sao có thể giải thích cho Mi-xu rằng chúa liên kết tất cả chúng ta lại. Còn Mi-xu là một trong những mắt xích mà nhờ đó chúa liên kết mọi người lại với nhau. Nhưng chính cô ấy lại không hề biết đến điều đó.
Xin lỗi anh rằng tôi đã viết quá nhiều về chuyện không liên quan trực tiếp điều cơ bản của lá thư chúng ta, và có lẽ lại rất không mạch lạc. Chính tôi cũng cần phải tìm hiểu thêm nhiều điều trong số phận cuộc đời của Mi-xu.
Bây giờ kể đến cái ngày đau buồn khi Mi-xu gặp nạn.
Việc xảy ra ngày 22 tháng 12. Hai mươi bốn là lễ chúa giáng sinh, và chúng tôi luôn có lệ chuẩn bị quà cho người bệnh. Ngân quỹ của chúng tôi rất ít ỏi, nhưng dù sao chúng tôi cũng tìm cách chi ít nhiều cho quà giáng sinh.
Ngày hai mươi buổi trưa, tôi bảo Mi-xu đi Ô-đem-ba bán trứng và những đồ thêu do những người bệnh nhẹ làm ra, lấy tiền mua một vài thứ quà gì đó.
Bây giờ tôi nghĩ rằng sẽ chẳng có việc gì xảy ra nếu lần đó tôi tự đi. Nhưng Mi-xu rất thích những lần đi như thế, và hôm đó tôi lại bận.
Ba giờ chiều cô ấy từ bệnh viện đi trên chiếc xe tải của Xi-ma-ta, một lái xe làm ở chỗ chúng tôi.
Như thường lệ, cô ấy hát “Những ngọn núi It-du” và các bệnh nhân gọi nói theo:
- Mit-chi-an, nhớ đừng bán rẻ nhé! Và dọc đường đừng đánh vỡ hết trứng đấy!
Bốn giờ rưỡi có tiếng chuông điện thoại. Từ đồn cảnh sát Ô-đem-ba gọi đến. Người ta báo cho chúng tôi số hiệu bệnh viện nơi Mi-xu được đưa đến để cấp cứu. Khi đặt ống nghe xuống, tay tôi run bắn lên.
Tôi trông thấy Mi-xu đang nằm bất tỉnh trên giường nệm trắng. Hai lỗ mũi gắn hai ống cao su để truyền dưỡng khí. Chân và tay đầy những vết tiêm - phải truyền máu cho cô. Bộ ngực nhỏ của Mi-xu khẽ phập phồng.
Xi-ma-ta kể lại rằng khi Mi-xu đi qua quảng trường trước nhà ga, một chiếc xe hơi lao đến. Nếu Mi-xu vứt sọt trứng xuống, cô ấy có thể chạy thoát. Trứng bắn ra tung tóe khắp quảng trường, và lúc cô còn tỉnh, cứ nhắc đi nhắc lại :
- Trứng, trứng…
Cô ấy nằm bất tỉnh hôn mê mất bốn tiếng đồng hồ.
- Cô ấy có trái tim rất khỏe, - Các bác sĩ nói.- Nếu không, đã chết từ lâu.
Mi-xu được tiếp long não liên tục, nhưng vô hiệu: 10 giờ hai mươi phút tối Mi-xu không còn nữa. Trước đó một lúc tôi gọi điện về nhà thờ ở Ô-đem-ba xin vị cha cố cầu nguyện cho linh hồn của cô ấy.
Trong khi mê sảng, có một lần Mi-xu kêu lên thành tiếng. Nếu tôi không nghe ra những lời của cô ấy, tôi đã không viết cho anh những bức thư dài như thế này. Tôi không biết quan hệ giữa anh với Mi-xu như thế nào. Mi-xu không bao giờ nói gì với tôi cả. Nhưng những lời cuối cùng của Mi-xu thốt lên, Phải cố gắng mở to cặp mắt đã cứng đờ, là:
- Vĩnh biệt anh, I-ô-xi-ô-ca …
Tôi vừa mới gửi tất cả đồ đạc của Mi-xu cho cha cô ấy: một va-li, cặp áo lót và một áo khoác ngoài đã cũ. Cầm lấy những đồ vật đó, tôi lại nhớ đến những điều mà đã từ lâu làm tôi phải suy nghĩ.
Nếu như chúa ra lệnh cho tôi gọi tên người gần gũi nhất đối với tôi, tôi không ngập ngừng gọi ngay tên Mi-xu. Nếu chúa hỏi tôi, tôi muốn trở thành người như thế nào, không cần nghĩ ngợi tôi, đáp ngay: Như Mi-xu…”
Tôi giở lại lá thư. Tôi không đọc, tôi chỉ nhìn những nét chữ rõ ràng của I-a-ma- ga-ta.
Thực ra, có chuyện gì đã xảy ra?
“Chẳng có gì đặc biệt cả, - tôi tự trả lời mình. - Không có gì đặc biệt. Chẳng lẽ mình có lỗi gì ở đây?”
Tôi bước lên sân thượng trên mái nhà và nhìn ra thành phố chìm dần trong ánh hoàng hôn.
Những ngôi nhà lớn nhỏ bằng vách đá và bằng kính trải dài tới tận chân trời duới những đám mây nặng màu chì.
Những chiếc ô-tô-buýt, những đoàn xe hơi, những dòng người chuyển động theo những đường phố chằng chịt như mê cung. Bất cứ người đàn ông nào trong dòng người đó, nếu chưa thì cũng sẽ, trải qua những gì giống như giữa tôi và Mi-xu đã trải qua. Tôi không thể tin rằng chỉ có tôi mới như vậy. Nhưng nỗi buồn này là ở đâu ra? Tôi đang có, dẫu bé nhỏ một hạnh phúc khá vững bền. Chẳng lẽ kỷ niệm về Mi-xu có thể làm cho nó bị lu mờ, vẩn đục? Nhưng cái nỗi buồn đáng nguyền rủa này là ở đâu ra? Nếu như những lần gặp gỡ với Mi-xu có để lại cho tôi một cái gì, thì đó chỉ là sự nhận thức rằng mỗi một người mà anh gặp trên đường đời sẽ để lại trong tâm hồn anh một dấu vết không thể xóa nhòa đi được. Và có thể nỗi buồn của tôi chính là dấu vết do Mi-xu để lại trong lòng chúng ta chính là dấu vết của vị chúa mà chị y tá ở bệnh viện hủi nọ tin thờ.
Nỗi buồn này là ở đâu ra ?
Trước mắt tôi lại hiện ra quán trọ đêm ở Xi-bui-a. Sườn dốc ướt… bức tường bụi bặm với dấu vết những con muỗi bị đánh chết… tấm chăn ẩm ướt… mưa rơi ngoài cửa sổ… người mệt mỏi đi lên dốc ướt… Chẳng lẽ trước đây có một cô Mô-ri-ta Mi-xu từng sống trên đời này ?
Những ngôi nhà lớn nhỏ bằng đá và bằng kính trải dài tới tận chân trời dưới những đám mây nặng màu chì. Những chiếc ô-tô-buýt, những đoàn xe hơi, những dòng người chuyển động dọc theo những đường phố chằng chịt như mê cung. Những con người, cũng như tôi, cũng như tất cả chúng ta, đang lê bước…
Đoàn Tử Huyến và Hoàng Thái dịch