Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7616 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ
Shūsaku Endō

NHỮNG VẾT TRÒN TRÊN CỔ TAY (4)

Cứ thế nối nhau trôi qua, ngày tiếp ngày , giống nhau như những đồng tiền hai mặt cũ bị bào mòn.
Hai ngày đầu Mi-xu không hề bước ra khỏi cửa hoặc bước ra khỏi phòng.
Mỗi lần ngòai hành lang có tiếng gõ cửa hoặc tiếng bước chân, cô lại rùng mình, lo lắng nhìn về phía cửa như một con thú nhỏ bị xua vào bẫy.
Một lần, Ta-ê-cô mời cô đi dạo chơi.
- Xin lỗi, tôi không muốn, Mi-xu lắc đầu từ chối.
- Không sao, Ta-ê-cô đáp, mỉm cười buồn rầu.
Các cô y tá rất hiểu tâm trạng đau khổ của những người mới bị đưa vào viện, nhưng không tỏ ra lòng thương hại thông cảm giả dối, mà ngược lại, phải tìm cách làm cho họ nhìn thẳng vào sự thật. Căn bệnh này đòi hỏi con người phải có một nghị lực lớn để vươn lên với cuộc sống và lòng dũng cảm ấy phải được chính người bệnh tạo ra cho mình. Vì vậy, đối với người mới đến, không có gì tai hại hơn những lời an ủi chung chung.
Chỉ ba lần Ta-ê-cô và các cô y tá mang cơm về cho Mi-xu, còn sau đấy thì Mi-xu phải tự xuống nhà ăn. Những người bệnh xung quanh cũng không tỏ ra thông cảm đặc biệt với cô, vì người nào cũng đã từng trải qua tâm trạng của cô bây giờ.
Mi-xu đến đây đã được ba ngày, và cả ba ngày trời mưa không dứt. Cô tỉnh dậy khi Ta-ê-cô đã gấp giường, rửa mặt xong, đi vào phòng chữa bệnh. Chỉ còn lại Mi-xu ở nhà một mình.
Nằm nghe những giọt mưa rơi trên lá, cô lại nhớ tới buổi gặp gỡ đầu tiên với I-ô-xi-ô-ca. Đã hàng trăm nghìn lần xuất hiện lên trong óc cô hình ảnh đường phố mà I-ô-xi-ô-ca dẫn cô đi, quán rượu nhỏ ở Xu-bu-e, những lời nói của I-ô-xi- ô-ca. Thế mà có lúc thậm chí đã không dám mơ được làm quen với một chàng trai sinh viên nào đó. Một lần, trong tạp chí “Những ngôi sao điện ảnh” cô nhìn thấy ảnh của diễn viên I-xi-ha-ma mặc đồng phục sinh viên. Trời, anh ta đẹp làm sao! Và từ đó, miệng luôn hát những bài hát thịnh hành trong các phim, Mi-xu bắt đầu tưởng tượng như thể cô đang được dạo chơi cùng với một chàng sinh viên dọc theo con dường có hai hàng cây phong hai bên. Tuy nhiên, sinh viên, cũng giống như các tài tử điện ảnh, đối với cô vẫn là một loại người cô không thể nào vương tới.
Lần ấy, đọc xong bức thư của I-ô-xi-ô-ca, I-ô-cô nói, giọng không giấu nổi sự ghen tị:  
- Cậu ngốc lắm! Anh ta viết thế là rồi để nhạo cậu đấy. Cậu mà xứng đôi với anh ta à? - Nhưng rồi I-ô-cô vẫn đồng ý cùng đi ra với Mi-xu, và rất ngạc nhiên khi thấy I-ô-xi-ô-ca đến chỗ hẹn.
Mi-xu yêu I-ô-xi-ô-ca ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên. Và khi sánh đôi đi cùng I-ô-xi-ô-ca dọc phố, cô đã suýt chết ngất vì sung sướng và tự hào. Chứ sao nữa bạn của sinh viên cơ mà! Mi-xu có cảm giác như mình là Va-ca-i-a-ma Xe-xu-co, bạn gái của I-xi-ha-ma. Nhưng bỗng nhiên, nhìn xuống đôi giày đã cũ, chiếc áo không là nhàu nát, cô lại hoàn toàn thất vọng ngay….
Mi-xu đứng dậy, mở cửa. Cạnh nhà đối diện có một bệnh nhân đang đi dạo: tay trái ông ta chống nạng, tay phải đuợc cô I-a-ma-ga-ta đỡ.
Bầu trời bị những đám mây xám che kín. Mưa rơi không dứt.
… Khi I-ô-xi-ô-ca tức giận, nói với cô rằng ngày bé anh ta bị bệnh bại liệt, rằng cho tới tận bây giờ vai anh ta vẫn còn đau, rằng không ai trên đời này yêu anh ta, một người tàn phế, trái tim Mi-xu đau nhói lên vì thương hại, nhất là khi nhìn thấy vẻ tuyệt vọng hoàn toàn trên khuôn mặt I-ô-xi-ô-ca . Lúc đầu cô xấu hổ không muốn vào nhà trọ đêm chiều theo ý I-ô-xi-ô-ca , nhưng sau đó cô nghĩ nếu từ chối cô sẽ làm con người bất hạnh và bệnh tật kia phải đau khổ hơn nữa, nghĩa là cô sẽ gây nên tội ác.Vào ngày ấy trời cũng mưa thế này…
Ý nghĩ rằng I-ô-xi-ô-ca không hề yêu cô, hoặc có thể chưa bao giờ yêu cô chỉ đến với Mi-xu lần đầu tiên khi cô tới Ô-sa-nô Mit-du. I-ô-xi-ô-ca không còn ở đấy nữa. Tuy không còn hy vọng gặp lại I-ô-xi-ô-ca, nhưng trên đường quay lại, khi leo lên núi Xun-ga-ta, Mi-xu vẫn cố nhìn vào mặt những người sinh viên cô gặp.
Mi-xu òa lên khóc thút thít như một đứa trẻ. Hôm đó, khi ở trên núi Xun-ga-ta, cô cũng thấy tự thương hại mình, nhưng kìm được nước mắt.
Cửa mở, Ta-ê-cô bước vào phòng. Cô lúng túng đứng nhìn Mi-xu khóc, và nói:
- Trời đã hửng, có thể mai sẽ nắng đẹp.
Chỉ bây giờ, dưới ánh sáng ban ngày, Mi-xu mới nhận thấy môi Ta-ê-cô bị lộn ngược, khóe miệng bị ăn mòn. Khi nói, miệng Ta-ê-cô trở nên méo mó, da mặt thay màu.
- Thế nào, đỡ hơn chưa? Trước kia tôi cũng thế. Suốt một tuần liền không bước ra khỏi phòng. rất sợ phải gặp ai đó, và không muốn nhìn thấy bất kỳ người nào. Suốt ngày chỉ nghĩ tới quãng thời gian sung sướng khi chưa bị bệnh. Chắc chị cũng nghĩ như thế phải không?
Mi-xu không trả lời, trong lòng càng cảm thấy nặng nề hơn vì Ta-ê-cô đã đoán đúng ý nghĩ của cô.    
- Tôi mơ ước trở thành nghệ sĩ dương cầm, - Ta-ê-cô nói tiếp, khẽ ngồi xuống cạnh Mi-xu và nhìn vào những ngón tay cụt của mình. - Tôi làm việc rất nhiều, hàng mấy giờ liền không rời khỏi đàn để chuẩn bị cho buổi diễn đầu tiên. chiếc áo tôi may dành riêng cho buổi hôm ấy ống tay rất ngắn. Và chính vì vậy mà lúc ấy mẹ tôi đã nhìn thấy trên tay tôi những vết đỏ thẫm. Mẹ tôi lo lắng và dẫn tôi vào phòng khám bệnh viện, - Ta-ê-cô mỉm cười như thể đang kể về điều gì vui nhộn. - Và thế là chấm hết. Chấm hết!
- Hết tất cả?
- Vâng. Chấm hết cuộc đời trước đó. Mẹ tôi đứng nói chuyện rất lâu với bác sĩ ngoài hành lang, khi quay lại, mặt tái hẳn đi, còn tôi thì như không có chuyện gì xảy ra, chỉ hỏi là liệu phải chữa lâu không.
Lúc này Mi-xu bỗng nhớ tới câu nói của Ta-ê-cô tối hôm qua: “Điều khủng khiếp nhất không phải là sự đau đớn. Ở đây hai năm, tôi đã hiểu rằng bất hạnh nhất là việc chúng ta không có được những hạnh phúc đơn giản nhất của con người. Không ai cần đến tình yêu của ta, và tất nhiên sẽ không bao giờ có ai yêu ta. Làm quen với ý nghĩ này thật không dễ ”.
- Chắc chị đã có người yêu? - Mi-xu hỏi, thầm nghĩ về I-ô-xi-ô-ca.
- Có. Nhưng biết làm thế nào được! Ai lấy một cô gái bị hủi làm vợ? Tôi không có quyền chê trách hoặc căm ghét anh ấy… Chúng ta, Mi-xu ạ, phải làm quen với nỗi bất hạnh của mình. Không, không phải làm quen mà con người sinh ra đã có khả năng tìm thấy niềm vui trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Bây giờ tôi không còn nghĩ là tôi bị vứt ra khỏi cuộc sống và không còn cần thiết cho ai nữa. Ở đây là một thế giới đặc biệt, không giống thế giới ngoài đời, vì vậy mà không có những cái vui và cái khổ giống cái vui và cái khổ bình thường. Nhưng ở đây, ta cũng có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, thậm chí còn dễ hơn ở nơi khác. - Đưa lòng bàn tay vuốt hai gò má sưng rộm, Ta-ê-cô nói, không riêng cho Mi-xu, mà còn cho cả mình nữa. - Vài tuần nữa chị sẽ quen với tất cả, và sẽ hiểu rằng ở đây cũng có thể sống được. Chỉ cần dũng cảm…
Sang ngày thứ tư, nhìn quanh bốn phía như con thú nhỏ vừa chui ra khỏi hang, Mi-xu dựa vào tay Ta-ê-cô bước ra sân bệnh viện.
Cơn mưa kéo dài bốn ngày cuối cùng đã chấm dứt, những đám mây màu sữa treo trên rừng cây đẫm nước. Trong sân nghe có tiếng cười của bệnh nhân.
- Họ cười ở đâu nhỉ?
- Ở trại nuôi gà, ta lại đấy xem đi.
Gà được nuôi ở đây không chỉ để có việc cho bệnh nhân làm, mà còn để cải thiện cuộc sống của chính bản thân họ nữa. Những người bị bệnh hủi không được bảo hiểm, còn sự trợ cấp của chính phủ và tiền quyên của những người giàu có hảo tâm mà các y tá tình nguyện nhận được không đủ để chi phí cho bệnh nhân. Vì vậy mà nam bệnh nhân thường nuôi gà, làm ruộng, còn nữ bệnh nhân thì may vá, thêu thùa.
Trại gà được đặt trong một khu nhà kho cũ, lúc này đang có khoảng mười bệnh nhân đứng vây quanh.
- Na-ca-nô, tiếp tục nữa đi!
- Nó chạy sang bên phải rồi! Kia, nó kia!
Mọi người kêu hét ầm ĩ cổ vũ một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi có khuôn mặt như bị phỏng nặng giống Ta-ê-cô. Mấy con gà từ chuồng chạy ra, và Na-ca-nô, người chịu trách nhiệm trông gà, đang cố hết sức đuổi bắt nhưng các ngón tay của ông chắc đã bị tê dại, nên những con gà tuy đã bị ông vồ được vẫn dễ dàng tuột mất.
- Chiếp, Chiếp, Chiếp… - Na-ca-nô gọi gà.
- Chúng ở sau lưng ấy … Chuẩn bị. Na-ca-nô! - mọi người cười vui vẻ.
Mặt Na-ca-nô đỏ hửng, trán lấm tấm mồ hôi.
- Ồ, ồ, không được trêu một người có tuổi như thế! - Ông nói, dang rộng hai tay, lúc quay bên này, lúc quay bên kia.
Trong số người xem có cả bệnh nhân nam đầu quấn băng, những bệnh nhân nữ mắt cặp bông trắng.
Khi Mi-xu và Ta-ê-cô tới, mọi người vừa tiếp tục cười đùa, vừa quay lại phía họ.
- Bác Na-ca-nô đang biểu diễn xiếc gà. Ta-ê-cô cũng cười rồi giới thiệu Mi-xu với mọi người. - Đây là cô Mô-ri-ta Mi-xu, đến đây được ba ngày và hôm nay đã chịu bước ra khỏi phòng.
- Thế là tốt. - Mọi người mỉm cười sung sướng, nhưng Mi-xu xấu hổ chỉ buồn rầu nhìn xuống đất, - Còn cô, Ta-ê-cô, những hai tuần mới chịu ra ngoài cơ mà.
- Còn I-mai thì những một tháng.
- Tốt lắm Mi-xu à.
Tất cả vui vẻ kể lại những ngày đầu của mình khi đến trại. Cuối cùng Mi-xu cũng mỉm cười.
- Hãy nhìn kìa. Cô Mi-xu đã mỉm cười! - Một người đàn ông quấn băng, môi bị lộn ngược, kêu to.
Tất cả lại cười.
- Ồ, tôi thấy ai đây này? Cả Mi-xu cũng ở đây à? - I-a-ma-ga-ta bỗng từ đâu xuất hiện, tay vẫn không ngơi lần chuỗi hạt. - Tốt lắm, chẳng bao lâu nữa em sẽ có rất nhiều bạn bè. Còn bây giờ hãy theo chị vào phòng khám.    
- Cần phải khám nghiệm.
- Ta-ê-cô, - Mi-xu khẽ nói, - nếu có thể xin chị cùng đi với tôi.
- Ôi, chị nhát quá, - Ta-ê-cô đùa, nhưng cô cũng cảm thấy hài lòng vì Mi-xu đã tin mình và vui vẻ dắt cô đi.
Phòng khám ở tận cuối hành lang, đối diện với những bồn tắm nước nóng dùng để ngâm chân và tay bị tê liệt.
Trong phòng là một bác sĩ đã có tuổi đeo kính và đang hí hoáy viết gì đó.
- Đây là cô Mô-ri-ta Mi-xu. - I-a-ma-ga-ta nói với bác sĩ. 
Ông bác sĩ mỉm cười gật đầu.
- Thế nào, chị đã quen với bệnh viện chưa? Bây giờ chúng tôi sẽ dùng phương pháp Cô-dơ để kiểm tra lại xem bệnh của chị đã tới mức nào. Để làm được điều ấy, phải lấy máu để xét nghiệm. Chị đừng lo, hoàn toàn không đau một tí nào.
Rồi ông cầm tay Mi-xu, hồi lâu chăm chú xem xét các vết tròn trên khuỷu tay, rồi buông tiếng thở dài.
Ở Tô-ki-ô, giống ông người ta cũng đă thở dài như vậy khi xem xong, và cũng quay lại bàn ghi chép gì đấy vào hồ sơ bệnh lý. Viết gì thì bây giờ Mi-xu không còn quan tâm nữa. Cô bình tĩnh ngồi xuống chiếc nghế nhỏ bên cạnh. Bác sĩ lấy máu của cô cho vào hai ống nhỏ, nghe tim, phổi xong rồi mời cô ra ngoài.
- Thế nào? - Ta-ê-cô lo lắng hỏi.
- Không biết. Bác sĩ nói thầm gì đấy với chị I-a-ma-ga-ta.
Trong khi ấy, qua cánh cửa khép hờ I-a-ma-ga-ta thỉnh thoảng lại liếc nhìn Mi-xu.
Cách đây một tháng, những cái nhìn như thế đã làm Mi-xu hoảng sợ, còn bây giờ thì thậm chí cô cũng chẳng còn sức nào để lo sợ nữa. Buồn chán và thất vọng đã hoàn toàn đánh gục cô.
Cô đang ở trong tình trạng xấu nhất. Còn gì có thể tệ hơn nữa?
Một tuần sau. Mi-xu đã bắt đầu tự đi vào phòng ăn dành cho những người bị bệnh nhẹ. Ta-ê-cô khuyên cô nên may vá vì tay còn chưa bị tê liệt và đang cầm được kim. Thậm chí cả những người có ngón tay khó cử động cũng may vá - tất nhiên người ta cũng phải chế riêng cho họ những chiếc kim đặc biệt.
Mọi người mang về nhà làm, và Mi-xu bắt chước Ta-ê-cô cũng cầm lấy một tấm vải có vẽ hình núi Phu-di-a-ma.
- Em thêu khá lắm, - I-a-ma-ga-ta khen, sau khi đã hồi lâu theo dõi và hướng dẫn Mi-xu.
Sau một cơn mưa kéo dài, mặt trời xuất hiện đặc biệt dễ chịu. Vừa thêu, Mixu vừa nheo mắt nhìn mặt trời và nghĩ tới việc hình như cô đã bắt đầu quen với cuộc sống ở đây.
- Trước đây, em làm việc ở đâu, Mi-xu? - I-a-ma-ga-ta hỏi.
Mi-xu bối rối đỏ mặt đáp.
- Ở nhà máy dược phẩm, ở cửa hiệu và thậm chí ở cả quán bia.
- Ở đây, - I-a-ma-ga-ta nói - Ở đây đủ các loại người với đủ các loại nghề khác nhau. Em còn nhớ người đàn ông bắt gà hôm qua chứ? Tên bác ta là Na-ca- nô (in bị thiếu) đấy. Còn người phụ nữ đeo băng là mẹ của hai đứa con. Thế đấy người nào cũng có quá khứ và tiểu sử riêng của mình. Nhưng bây giờ họ được tập trung về đây bởi một nỗi bất hạnh chung. Cả chồng, cả vợ, thậm chí cả con cái cũng xa lánh người thân bị hủi. Căn bệnh đã mang lại sự cô đơn, và chính cô đơn là cái đáng sợ nhất, đáng sợ hơn cả sự đau đớn. Chiến thắng căn bệnh này, tức là chiến thắng sự cô đơn, là thông cảm với sự bất hạnh của người khác. Ở đây mọi người đều chung số phận, chung nỗi đau, chính vì vậy mà mỗi người xem đau khổ của người khác là đau khổ của chính mình. Có lẽ em cũng đã nhận thấy mọi người đón em như thế nào khi lần đầu tiên em bước ra khỏi phòng mình. Tất cả đều đã trải qua, họ hiểu và thật sự muốn giúp em. Đó là điều ngoài đời em không thể tìm thấy, còn nếu em muốn trở nên hạnh phúc thì chỉ duy nhất ở đây là nơi em có thể làm được điều đó.
Từ trước tới nay chưa từng có ai nói chuyện với Mi-xu như thế, và mặc dù chưa hiểu hết tất cả những gì mà I-a-ma-ga-ta nói, cô vẫn rất chú ý lắng nghe.
Cả trước kia, Mi-xu vẫn luôn thông cảm với đau khổ của người khác và bao giờ cũng sẵn sàng giúp đỡ, tuy chưa hề có ai đáp lại cô cũng bằng sự thông cảm và giúp đỡ như thế. Nhưng ở đây, một nơi được người ngoài xem là đáng sợ như vậy, cô đã tìm thấy tình người và sự thông cảm. Cái cô Mi-xu trước kia vẫn nhìn những khuôn mặt bị biến dạng của những người bệnh hủi với một sự kinh sợ và ghê tởm bây giờ đối với cô cô ta thật là đáng khinh bỉ.
Mi-xu ngừng kim thêu, và quên rằng mình cũng là một bệnh nhân hủi, cô hỏi I-a-ma-ga-ta :
- Ở đây ai cũng tốt bụng. Nhưng tại sao họ lại phải chịu đau khổ?
- Chị cũng thường xuyên nghĩ tới điều đó, - I-a-ma-ga-ta nhìn Mi-xu đáp. - Cuộc đời vẫn thế: cái đau khổ thường hay đến với những người tốt. Chị cũng không hiểu sao trời bất công với họ như vậy. Trong bệnh viện chúng ta có nhiều người phải nói là tuyệt diệu, không hề làm điều gì xấu bao giờ, thế mà không hiểu sao chính họ phải chịu đau khổ vì bệnh này, và chính họ, những người bị gia đình và bạn bè ruồng bỏ, phải nhận tất cả những đòn của số phận. Chị thường suy nghĩ về điều này, và những lúc ấy chị bắt đầu nghĩ rằng trong sự bất hạnh và đau khổ của những người tốt bụng và ngay thực trên đời có lẽ vẫn còn một chút ý nghĩa nào đấy. Vâng, nhất định phải có.
Qua ô cửa sổ, nhìn ra sân đầy nắng, Mi-xu bất giác thở dài.
Thêu xong, cô mang tấm vải cho Ta-ê-cô, lúc này đang làm việc ở xưởng, xem.
Mây trắng treo lơ lửng trên những cây phong và sồi. Sâu trong rừng có tiếng chim hót và tiếng chó sủa từ xa vọng lại. Hồi lâu Mi-xu nhìn lên những đám mây và cô không còn muốn đi tới xưởng nữa. Nhận thấy xung quanh không có ai, cô chậm rãi bước về phía rừng. Cô không đủ can đảm, - hay có thể, không đủ sự vô ơn trâng tráo - để trốn khỏi cái bệnh viện đáng sợ này: nhưng đồng thời cô cũng không thể cưỡng lại ý muốn được hít thở lại cái không khí của thế giới mà cô đã sống mười ngày trước đây, thế giới của I-ô-xi-ô-ca đang sống…
Mưa đã tạnh một tuần mà bầu trời vẫn ẩm thấp. Không khí thoảng mùi cỏ tươi, dưới chân lốm đốm những bông hoa màu vàng và xanh nhạt. Có con chim nào đó vừa hót vừa nhảy từ cành này sang cành khác, vung vẩy đôi cánh vàng óng. Một con ruồi nhỏ cứ bám chặt Mi-xu, vo ve bên mặt cô.
Nếu sau rừng cây không là cánh đồng nơi những người bệnh nhẹ đang làm việc, và sau cánh đồng là những ngôi nhà xám ảm đạm, thì khó có thể tin nổi rằng ở đây đang sống những người hủi bất hạnh không phương cứu chữa. Ở cuối cánh đồng có hai người bệnh đang đi theo sau một con bò. Mi-xu nhận ra một trong hai người này. Và đó là Va-ta-nê-ba, người đã làm cô cười khi Na-ca-nô đuổi bắt gà.
Mi-xu đứng tựa vào một thân cây và thở dài buồn bã.
Bỗng cô nhìn thấy dưới chân cô hai bia mộ bằng đá nằm cạnh nhau, xa hơn còn nhiều, nhiều nữa. Trong số những bia mộ này có vài ba cái còn mới, những cái khác đã bị mưa gió bào mòn và rêu bám.
- Đây là nơi chôn cất thi hài của… - Mi-xu nhẩm đọc một tấm bia ngay sát chân mình. - I-gu-ti-ê-di, chết năm 1916. Ap-gu-xtin Fa-mu-ra, chết tháng 6, năm 1941. Xu-gi-mu-ra I-ô-xi-ca, 1945… - Cô đọc tiếp.
Lúc đầu cô còn chưa ý thức rõ được rằng những dòng chữ ít ỏi và rất giống nhau ấy đang nói về những người trước kia đã từng sống ở đây, nhưng khi hiểu hết tất cả, cô đã suýt kêu lên vì hoảng sợ. Cô ớn lạnh vì ý nghĩ rằng sẽ có lúc cô chôn vùi trong khu rừng ảm đạm này. Vâng chính trong khu rừng này, vì chắc chắn cô sẽ không thoát ra khỏi đây được. Cô ôm đầu hoảng hốt chạy ra bìa rừng. Sau đấy, cô đi thêm một quãng nữa, bước ra đường ô-tô rồi dừng lại, hổn hển thở. Cô có cảm giác như cô vừa khám phá ra một điều bí mật nào đó. Bây giờ thì cô hiểu vì sao các bệnh nhân không thích lại đây, và vì sao ban đêm mưa rơi xuống to và rõ đến thế.    
Một chiếc xe tải chạy qua, cuốn bụi mù mịt. Một toán học sinh vừa nói cười ầm ĩ, vừa đi trên thảm cỏ.
Trước kia, cô chẳng bao giờ chú ý tới những cảnh như thế, nhưng lúc này cô đứng nhìn theo chiếc xe tải cuốn bụi và những khuôn mặt trẻ em một cách thèm muốn.
Vâng, đó là một thế giới khác hẳn, trong đó không có những khuôn mặt méo mó với những cặp mắt bị lộn ngược. Đằng kia, nơi con đường thẳng đang mất dần, sau những cánh đồng ấy là Tô-ki- ô… Tô-ki-ô của I-ô-xi-ô-ca … Ôi I-ô-xi-ô-ca …
Bỗng nhiên một cục phân ngựa rơi xuống cạnh chân Mi-xu. Một vài hòn đá bay ngang đầu cô.
- Các em làm gì thế? - cô tức giận hỏi.
- Hủi, hủi chúng mày ơi!
- Hủi không được đi ra đường này…
***
- Mô-ri-ta, em lại phòng khám đi. - I-a-ma-ga-ta gọi.
- Lại thử máu à? - Mi-xu hỏi lại, lúc này cô đang phơi quần áo.
- Không. - nét mặt I-a-ma-ga-ta trông khác thường. Vốn hàng ngày hay mỉm cười, bây giờ chị tỏ ra nghiêm khắc và căng thẳng. - Đừng hỏi. Họ đang chờ em, đi nhanh lên.
Mi-xu lau tay rồi đi theo I-a-ma-ga-ta. Cô cảm thấy trước những điều chẳng lành, tuy nét mặt trang nghiêm của I-a-ma-ga-ta không làm cô lo sợ. Vả lại, ở vào một hoàn cảnh của Mi-xu bây giờ, thử hỏi còn gì có thể xấu hơn được nữa?
- Đi đâu thế, cô Mi-xu? - Thấy cô, một người quen nào đấy trong số bệnh nhân hỏi.
Trong hai tuần qua, Mi-xu đã làm quen, thậm chí chơi thân với khá nhiều người, và bây giờ cô đã không còn kinh sợ khi thấy những cặp môi bị lộn ngược, những chiếc đầu quấn đầy băng hay những khuôn mặt dị dạng nữa.
- Bác sĩ cho gọi.
- Chắc là hẹn giờ tiêm.
- Có lẽ thế, Mi-xu đáp. Ta-ê-cô mỗi ngày đi tiêm ba lần. “Và bây giờ đến lượt mình”, - Mi-xu thầm nghĩ và cảm thấy yên tâm hơn.
I-a-ma-ga-ta đưa Mi-xu vào phòng.
Bác sĩ ngồi trên chiếc ghế quay, và khi Mi-xu bước vào, ông ta quay về phía cô.
- A, chào cô Mi-xu! mời cô ngồi. - nhìn Mi-xu qua cặp kính với đôi mắt dịu dàng, ông mời cô ngồi xuống chiếc ghế nhỏ.   
- Đã có kết quả xét nghiệm, - Mi-xu căng thẳng chờ đợi - bằng phương pháp Cô-dơ chúng tôi muốn xác định mức độ trầm trọng của bệnh cô, nhưng lại phát hiện một điều hoàn toàn mới. Trường hợp của cô không phải là bệnh Hăng-xen.
- Nghĩa là thế nào ạ…?
- Nghĩa là cô không mắc bệnh hủi. Chúng tôi đã thử đi thử lại ba lần, và đều cùng một kết quả. Tội nghiệp cô vừa qua phải buồn lo như vậy! Mi-xu,- Mắt của bác sĩ khẽ nhấp nháy. - trước đây khoa khám nghiệm đã nhầm, và tôi thành thật xin lỗi…
Mi-xu không còn nghe rõ những lời cuối cùng của bác sĩ. Nếu không được I-a-ma-ga-ta kịp đỡ thì cô đã ngã xuống sàn nhà.
Bác sĩ im lặng. Cả I-a-ma-ga-ta cũng im lặng.
Hai tay ôm mặt, Mi-xu khóc, vai cô run run, tiếng khóc mỗi lúc một to hơn.
- Khóc đi, cứ khóc đi, Mi-xu…I-a-ma-ga-ta ôm ngang người cô, nói.  

<< NHỮNG VẾT TRÒN TRÊN CỔ TAY (3) | NHỮNG VẾT TRÒN TRÊN CỔ TAY (5) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 269

Return to top