Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7621 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ
Shūsaku Endō

GHI CHÉP THỨ HAI CỦA I-Ô-XI-Ô-CA XU-TÔ-MU
Tôi sẽ không nói cô ta trông như thế nào vào cái ngày chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên. Nếu như tôi yêu cô ta, có lẽ tôi đã mãi mãi ghi nhớ tiếng cười, những cái chạm tay khe khẽ của cô ta và những sự âu yếm khác mà các cặp tình nhân thường trao đổi với nhau. Còn ở chúng tôi, những điều tương tự như vậy không có, vì tôi chỉ muốn thỏe mãn thèm khát dục vọng của mình. Nói một cách thô tục, tôi cần một người đàn bà qua đêm.
Tôi tìm được cô ta để, sau khi sử dụng xong, đem vứt đi như người ta vứt một bao thuốc lá rỗng, đã hút hết, khi từ toa tầu điện đêm bước xuống.
Trong bức thư trả lời, cô ta hẹn gặp tôi ở cạnh nhà ga Xi-ta-ki-tát-da-va, cách nơi cô ta sống không xa. Cô ta viết rằng không muốn gặp tôi ở các khu đông người Xin-du-cu hay Xi-bui-a vì sợ bị lạc.
Đến giờ tôi vẫn còn nhớ rõ nơi chúng tôi gặp nhau. Còn phải nói! Cạnh đó là khu vực vệ sinh của nhà ga, nó bốc mùi đến nỗi không thể không nhớ được. Những đoàn tàu chạy ầm ầm trên đầu, từ trên cầu những giọt nước đen bẩn thỉu nhỏ xuống đôi ủng đã rách nát của tôi.
Đây là một vùng ngoại ô ở Tô-ki-ô hãy còn chưa hồi phục lại những vết thương chiến tranh. Tôi sờ ví tiền trong túi và nghĩ với một sự nhẹ nhõm: “Dù sao thì cũng may cô ta không hẹn gặp ở trong quán cà phê”. Trong hoàn cảnh của tôi, phải tiêu phí những ba chục yên cho hai chén cà phê thì thật là ngốc nghếch, nhất là trong lúc vẫn chưa có những chỗ hẹn hò rẻ hơn nhiều mà bất cứ tay sinh viên Tô-ki-ô nào cũng biết.
Và đấy, tôi ngồi đợi. Kim đồng hồ ở cửa rạp chiếu bóng đã chỉ bốn giờ rưỡi.
Thư của cô ta gửi đến trong chiếc phong bì vàng khè, xấu xí. Trên tờ giấy viết thư rẻ tiền bằng nét chữ học sinh không đều, Mi-xu viết rằng cô ta làm ở xí nghiệp dược phẩm và người ta không cho về trước khi hết giờ làm việc.
“Chẳng lẽ ở trường đại học cũng có người hâm mộ Va-cai-a-ma Xe-xu-cô? Chủ nhật vừa rồi tôi xem phim “Những đỉnh núi xanh” có chị ấy đóng. Tuyệt thật. Tôi nhớ được bài hát trong bộ phim ấy và thường vừa làm vừa hát. Ngoài Xe-xu-cô ra, trong số các diễn viên mới tôi còn thích Xu-ra-ta Cốt-di”.
Vô số lỗi chính tả trong thư làm cho đến Na-ga-xi-ma cũng phải bò ra cười.
- Cậu vừa đào đâu ra được cô công chúa này thế? - Anh ta vừa cười vừa hỏi. - Ôi chàng “rùa”!.
Trong kho tiếng lóng của sinh viên hồi bấy giờ, “rùa” ám chỉ những chàng sinh viên dễ tính không đòi hỏi cao, còn “thỏ cái” là đối tượng tán tỉnh của anh ta, và như vậy tình yêu của họ cũng giống như việc rùa đuổi theo thỏ.
- Im đi! - Tôi tức giận hét lên. - Cậu thì đến một đứa như vậy cũng chẳng có!.
Nhưng, ngồi ngửi đến thỏa thuê cái mùi hôi thối bay ra từ khu nhà vệ sinh bên cạnh, tôi nhớ lại câu chuyện với Na-ga-xi-ma và cảm thấy kinh tởn đối với cả chính mình.
Ngày làm việc kết thúc vào năm giờ. Một đám đông từ nhà ga đổ ra, tản về mọi phía, nhưng vẫn chưa thấy cô gái nào giống nhu Mô-ri-ta Mi-xu.
Một chiếc xe quảng cáo dừng lại ở phía bên kia đường tàu, và một người đàn ông cao lớn bắt đầu quay những đĩa hát mới đang được ưa thích.
Tôi quyết định sẽ về nhà nếu cô ta không đến vào chuyến tàu sau.
“Trời phạt mày đấy. Thế mới đáng đời. cũng đòi đi làm nhân tình nhân ngãi”. - tôi thầm rủa mình.
Vừa lúc đó có hai cô gái nhìn quanh tìm kiếm, đi đến chiếc xe quảng cáo và hỏi người đàn ông cao lớn một điều gì đó. Khi ông ta chỉ về phía tôi, tôi hiểu ngay rằng một trong hai cô gái kia là người tôi đang chờ. Có thể, đó là cô đang đứng sau lưng bạn? Cả hai cô đều ngượng - điều này có thể thấy qua nét mặt của họ và qua việc họ cứ đẩy nhau đi lên phía trước.
- Cậu hỏi anh ta đi, - cô gái có hai bím tóc buông thõng trên vai như một nữ sinh trung học, thì thầm. Cô ta thấp lùn, vai rộng.
- Tự mình hỏi lấy!
Cả hai đều ăn mặc như những cô gái công nhân ngoại ô Tô-ki-ô: áo ngoài màu da cam và váy đen giống nhau. Thường thường, những cô gái này thích đi đến các chỗ chơi bi-a và bắn bia. Họ đi xem phim vào các ngày chủ nhật, khi vé bán rẻ hơn, và cuối buổi chiều, cẩn thận gấp những tờ quảng cáo chương trình còn thơm mùi mực in, mang về nhà.
“Mình xuống dốc quá”, tôi thầm kêu trong đầu.
Nhưng nếu đã thế, tôi sẽ cố không chịu thiệt, sẽ chọn lấy cô khá hơn.
Có lẽ người cao trông cân đối hơn. Cô ta có chiếc mũi xinh xắn, và nói chung, có vẻ hấp dẫn hơn
- Ai trong số các cô là Mô-ri-ta Mi-xu? Em à?
Tôi đã nhầm. Mô-ri-ta Mi-xu hóa ra là cô gái thấp lùn có đôi bím tóc sau lưng.
- Nhưng tại sao em không đến một mình?
- Nó rủ em cùng đến với nó. Nhưng em đã bảo với nó rằng em không nên đi, - cô gái người cao nói vẻ giận dỗi.
Tất nhiên, ngay từ đầu tôi đã hiểu rằng không phải để đi gặp một cô tiên giáng thế tuyệt trần nào, mà là một cô gái mà Na-ga-xi-ma hoàn toàn có căn cứ để cười nhạo. Nhưng bây giờ, khi đã gặp cô ta, tôi cảm thấy mình đáng thương đến nỗi…Dường như tôi không tìm thấy tên mình trong bảng danh sách những người được vào đại học, mặc dù trong thâm tâm, mặc dù trong thâm tâm, tôi vẫn hiểu rằng mình không trúng tuyển.
- Mi-xu, tớ về đây.
- Cậu sao thế! Cậu ở lại với bọn tớ đi - Mi-xu luống cuống nắm lấy tay bạn.
Cô ta gạt tay Mi-xu, và nhìn tôi với vẻ không thân thiện, chạy theo những bậc thềm đá xuống sân ga.
Lại một đoàn tầu ầm ầm chạy qua trên đầu chúng tôi. Bụi bốc lên mù mịt che kín đôi chân ngắn ngủi của Mi-xu thòi ra chiếc váy may theo mốt đã cũ. Đôi tất dài màu nâu nhạt kéo không căng gợi lên trong tôi một cảm giác khó chịu.
- Làm sao bây giờ? I-ô-cô bỏ em đi rồi, - cô gái nói lí nhí, lấy mũi giầy di di trên mặt đất.
- Việc gì mà em lo lắng thế? Chẳng lẽ em chưa bao giờ gặp đàn ông à?
- Anh bảo sao! Anh bảo sao! Em…
- Thế em đi xem phim cũng một mình à?
- Không, với I-ô-cô, - cô ta nở một nụ cười hiền lành nhưng đồng thời hơi đần độn - Những ngày nghỉ chúng em bao giờ cũng đi cùng nhau.
Tôi không còn có thể đứng thêm lấy một phút cạnh khu vệ sinh, nên bỏ đi ra khỏi sân ga. Cô gái, như một cô gái ngoan ngoãn bước theo sau. Tôi không còn có thể đứng thêm lấy một phút cạnh khu vệ sinh, nên bỏ đi ra khỏi sân ga. Cô gái, như một cô gái ngoan ngoãn bước theo sau.
- Chúng ta đi đâu đây?
- Rồi em sẽ biết. Nhưng đừng có ngạc nhiên đấy, - tôi nói, nhớ lại lời khuyên của Kim: “Hãy nói đủ mọi thứ linh tinh. Xong hết”.
Mọi thứ linh tinh! Tôi cảm thấy thương hại mình, tiếc thời gian đã bỏ ra để chờ cái cô gái xấu xí ấy với bộ mặt đền độn này.
Nhưng bỏ cô ta đi - không hiểu sao tôi cũng không thể.
Trời bắt đầu tối. Kết thúc một ngày làm việc, những con người cau có xô đẩy chen chúc nhau vội vã về nhà.
Mô-ri-ta Mi-xu gắng hết sức để không tụt lại sau. Thấp lùn, vai rộng, cô ta cố theo kịp tôi, bước những bước quá dài, người lắc lư trông rất khó coi, không ra dáng con gái.
Chúng tôi đi ra một quảng trường rộng. Đâu đâu cũng thấy từng cặp đi dạo. Trời khá lạnh, nhưng trên sống mũi Mi-xu lấm tấm mấy giọt mồ hôi nhỏ.
- Em chưa bao giờ đến những chỗ đông người như thế này cả. Thế còn anh?
- Đến rồi. Anh thường bán vé sổ xố ở đây. Nếu anh không làm thêm, thì không thể nào học ở trường đại học được.
Tôi ngần ngại nói ra sự nghèo khổ của mình, vì tôi hiểu rằng đang quan hệ với ai. Tìm cách để gây cảm tình với một cô gài thộn thế này thì quả là đáng buồn cười.
- Anh phải đi làm thêm à?
- Ừ. Cần cả tiền ăn uống và tiền học. - Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cô ta nhìn tôi bằng một cái nhìn hết sức thông cảm. Rồi dừng lại, cô ta cho bàn tay nhỏ bé của mình vào túi chiếc áo khoác ngoài rẻ tiền.
- Có chuyện gì thế?
- Anh đã trả tiền vé tàu điện cho em, giờ em trả lại.
- Đừng vớ vẩn nữa!
Ngọn đèn báo hiệu ngã tư bật màu xanh, và mọi người vội vã đi qua đường, sang phía rạp chiếu bóng. Hoàn toàn không để ý đến những người xung quanh, Mi-xu nói rất to.
- Anh đừng tiêu phí tiền như thế. Để em tự trả cho em. Em tự trả lấy. Em và I-ô-cô mỗi đứa tự trả tiền vé cho mình khi đi xem chiếu bóng.
- Thế em có mang theo tiền không?
- Bốn trăm yên.
Bốn trăm yên. Nhiều gấp hai của tôi.
Tôi mượn của Na-ga-xi-ma một trăm, tôi cũng có một trăm nữa, nhưng không muốn tiêu chúng đi.
- Tuy em là con gái nhưng cũng có khá nhiều tiền đấy. Một tháng em làm được bao nhiêu?
Mi-xu khoe lương tháng của cô ta gần ba trăm yên, nhưng đôi khi nhiều hơn vì thiếu công nhân. Mi-xu giúp những người đóng gói, và vì vậy được nhận thêm. Cô ta cùng sống trong một phòng với I-ô-cô.
- Quê em ở đâu?
- Ca-va-cô-xi. Anh nghe thấy bao giờ chưa?
- Chưa. Có hay về nhà không?
Mặt nhăn lại buồn bã, Mi-xu lắc đầu. Có lẽ ở nhà cô ta có chuyện gì không hay.
Trong những năm tháng đó chúng tôi thường hay đến quán ăn: “Tiếng ca đêm”. Bây giờ nó đã bắt đầu tàn tạ đi, chớ hồi đó còn khá. Ban ngày trông có vẻ xấu xí, nhưng tối đến, khi trong phòng đèn nến đốt lên, những bóng mờ nhảy múa trên tường, cuộc sống ở đây trở nên sôi nổi. Bên ngoài bị một cây chắn ngang, quán ăn này trông giống như túp lều ở miền núi. Một người đàn ông mặc áo sơ mi Nga phục vụ khách hàng, mỗi lúc rỗi lại hát những bài hát Nga, tự đệm cho mình bằng đàn gió. Quán rượu này, cùng với “Dưới đáy” ở Xin-du-cu và “Địa linh” ở Xi-bui-a là những chỗ sinh viên rất thích đến.
Có lẽ đây là lần đầu tiên Mi-xu vào một quán ăn như thế này - mặc dù nó hoàn toàn không lấy gì làm sang trọng, vì mới bước qua chân cửa, cô ta đã giật lùi lại, hệt như gã chăn lợn đột nhiên thấy mình ở trong cung điện nhà vua.
- Ở đây có lẽ đắt lắm, - Mi-xu giật giật vạt áo tôi.
- Ừ… Tất nhiên! Nhưng em có bốn trăm yên cơ mà!
- Chừng ấy có đủ không? Nếu thế chỉ để lại vừa mua vé thôi.
Tôi biết rằng ở đây chỉ cần một trăm đồng yên là đủ, nhưng im lặng không nói gì.
- Đây đều là sinh viên cả à? 
Mi-xu lúng túng nhìn những thanh niên mặc áo bờ-lu đen và những cô gái đội mũ bê-rê, miệng ngậm thuốc lá. Đây là đám thanh niên văn học và nhà hát, thích tụ tập lại để triết lý. Tôi không thể chịu được họ, những kẻ luôn mồm nói về thứ vật chất cao siêu, về chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa hiện sinh, trong khi đó dưới chiếc áo bờ-lu hợp mốt kia là những mớ rẻ lót bẩn thỉu, chân đi những đi tất rách nát, hôi hám.
- Tất cả họ đều là sinh viên phải không anh?
“Ôi cái con thộn này!” - tôi nghĩ thầm.
Một trong những kẻ đáng ghét kia ngồi xuống bực cầu thang gỗ dẫn lên tầng hai và bắt đầu chơi đàn gió. Một người nào đó cất tiếng hát, nhũng người khác bắt theo. Ai cũng cố tỏ ra mình là một tay ăn chơi ngang tàng, dường như đám sinh viên, bằng cả con người, bộ dạng của mình của mình muốn chứng tỏ rằng họ có quyền vui chơi theo ý muốn họ thích, và điều đó có nghĩa là cuộc sống thật sự. Nhưng dù sao vẫn có một cái gì đó bàng quang hờ hững ẩn trong nét mặt của họ.
- Em biết bài này không?
- Không.
- Bài “Xe tam mã”. Một bài hát Nga đấy.
- Em chưa nghe thấy bao giờ, - Mi-xu lắc đầu ra vẻ có lỗi. - Em chỉ mới hết trung học thôi.
- À - à. Thế thì đến đề nghị họ hát cho nghe bài “Những đỉnh núi xanh” đi, - tôi nói chọc.
Mi-xu cụp mắt nhìn xuống đất và nhăn mặt.
- Có việc gì thế?
- Ờ, ờ… ờ… ở đây có nhà xí không?
- Buồng vệ sinh à?
- Vâng ạ, - Mi-xu thở dài thật to, lôi từ trong túi áo khoác ra một tờ giấy vệ sinh.
Cuộc hẹn hò của chúng tôi bắt đầu cạnh khu vệ sinh, và bây giờ, chưa kịp ngồi vào bàn, cô ta lại nhắc đến nó.
“Một cặp hôi thối”, - một ý nghĩ bực bội thoáng qua trong đầu tôi.
Mi-xu đi khỏi, tôi rút thuốc lá ra châm lửa hút. Vừa lúc đó có người vỗ nhẹ lên vai. Tôi quay lại và thấy có một thanh niên đội mũ lưỡi trai thoa dầu va-de- lin, mốt của thời bấy giờ.
Đó là I-đô-ga-va, sinh viên cùng trường với tôi.
Người tái xanh, đeo kính không gọng, anh ta thuộc vào loại người bao giờ cũng ở trong tâm trạng sảng khoái.
- Cắn câu rồi à, anh bạn?
- Có việc gì thế?
- Tớ biết rằng anh bạn với cô bé… - anh ta giơ ngón tay ra dọa.
- Đừng có đùa ngu ngốc nữa! Tớ mà đi mất công với cái thứ… - tôi nhún vai đáp.
- Mất công để làm gì? - I-đô-ga-va nói bằng gọng mũi. - Cho nó uống một ngụm cốc-tay (rượu thập cẩm), thế là xong ngay.
Trong quán này người ta bán với giá tám mươi yên một chai cốc-tay gồm rượu vốt-ca và nước ga. Nó dễ uống, và cô gái ít kinh nghiệm thường hay mắc bẫy: chỉ cần một cốc, họ sẽ nhanh chóng say và không còn kiểm soát được mình nữa.
- Để tớ gọi cho, - I-đô-ga-va và bật ngón tay, gọi bồi bàn.
Khi Mi-xu quay lại, trên bàn đã có hai thứ rượu đựng thứ chất lỏng trong suốt. Bây giờ thì tôi hiểu rằng lúc đó cần phải nói với cô ta “Đừng uống”, nhưng I-đo-ga-va đứng nhìn về phía chúng tôi và mỉm cười, còn tôi thì lại ngại cái gã trắng trợn này. Anh ta sẽ cho rằng tôi sợ cả một đứa con gái như thế kia và đem điều đó đi ba hoa khắp trường. Thực ra, ở một nơi nào đó sâu kín trong lòng tôi có vang lên tiếng nói của lương tâm, nhưng nó bị một giọng khác át mất: “Thế mày là thằng người như thế nào đấy? Có phải mày sinh con đẻ cái với nó đâu! Chỉ thử một lần thôi thì có thể…”
- Cái gì đây? - Mi-xu mỉm cười tin cẩn, hỏi tôi.
Tôi im lặng rồi nhìn Mi-xu uống cạn cốc rượu như một uống một cốc nước chè.
- Chưa bao giờ em uống một thứ rượu vang nào như thế này. Hàng nhập khẩu phải không anh? Chắc là đắt tiền lắm?
- Tất nhiên là đắt, nhưng em đừng lo.
Mặt Mi-xu đỏ bừng lên, và cặp môi dầy của cô ta hé mở ra trông rất đần độn.
- Ở đây thích thật. Nếu I-ô-cô cùng đi với chúng ta, chắc nó phải tha hồ mà trầm trồ.
Mi-xu nói đã líu cả lưỡi. Ngồi trong góc của mình, I-đô-ga-va lại nháy mắt với tôi. Tiếng đàn gió lại vang lên. Một ông già râu rậm đội mũ bê-rê vừa đi vừa nghiêng đầu chào hết bàn này sang bàn khác.
- Giá họ hát bài “Những đỉnh núi xanh”…
- Còn phải nói, - tôi lầu bầu.
Ông già đến cạnh bàn chúng tôi, cầm lấy tay Mi-xu và thì thầm gì đó vào tai cô ta.
- Để cho cô ấy yên, - tôi hét lên. - Ông có bước đi không?
- Cứ để cho ông ta nói. Ông ơi, cháu sẽ trả tiền cho ông.
Ông già này làm nghề bói toán, chủ yếu là xem chỉ tay, ở các quán của Xi- bui-a và “Tiếng ca đêm”. Ông ta nói tất cả những gì vớ vẩn hiện ra trong đầu, nhưng có một câu làm tôi nhớ mãi. Ông ta nói rằng Mi-xu sẽ bất hạnh vì cô ta hay thương kẻ khác.
- Cháu là người quá tốt bụng, cô gái ạ, quá tốt. Và vì vậy bao giờ cháu cũng  phải trả giá cho điều đó. Hãy cẩn thận, không đàn ông họ sẽ lợi dụng và mang  hại cho cháu.
- Vớ vẩn! - Tôi phá ra cười. Mi-xu cũng cười rất to.
- Sau vài năm nữa cháu sẽ gặp một điều bất hạnh mà bây giờ cháu không thể  tưởng tượng ra được.
Nhưng đó là cái gì, cuối cùng rồi ông già vẫn không nói ra.
Nhận tờ giấy hai chục yên rút từ trong chiếc ví đỏ của Mi-xu, ông già cúi chào rồi đi sang bàn khác.
Mi-xu đứng không vững nữa. Miệng hơi hé mở ra trông đần độn, cô ta tựa  vào vai tôi, lảo đảo xuống thềm nhà.
I-đô-ga-va đang đứng ở phía dưới đường.
- Chúc một đêm hạnh phúc.
- Cút mẹ cậu đi!
Nhưng tôi đã nghĩ trước là mình sẽ đưa Mi-xu đến nơi nào.
Tôi đã từng đến làm thuê ở vùng này và biết rằng cách đây không xa, trên  sườn đồi, cạnh đề-pô xe điện ngầm, có một phòng trọ, mà, nếu tin theo lời  quảng cáo treo ở cửa ra vào, có thể qua đêm với giá một trăm yên.
Các cửa hiệu đã vắng khách mua. Người bàn hàng với bộ tóc chải sáp mượt  vừa huýt sáo vừa đóng cửa. Trong một góc tối ở cuối phố vẫn còn quầy bán  sách và tạp chí. Trên bìa một tạp chí có ảnh cô gái trẻ khỏa thân, hai tay đặt sau  đầu. Mấy người đàn ông với ánh mắt sáng rực như lên cơn sốt đang đứng ngắm  nghía.
Phía trước chúng tôi, một người đứng mang mấy tấm bảng quảng cáo ở  trước ngực và sau lưng. Những tờ quảng cáo mời mọc mọi người đến một tiệm  rượu, nơi đàn ông và đàn bà chỉ được vào theo từng đôi. Người quảng cáo cười  với chúng tôi, nhưng khi tôi và Mi-xu đi ngang qua, ông ta lầu bầu một cái điều  gì đó không rõ.
Một chiếc xe hòm bán khoai tây ngọt ầm ầm chạy ngang qua. Khoai tây  được chế biến tại chỗ ngay trước mặt khách hàng.
“E-nô-cân…”
Tôi bỗng buồn rầu nhớ lại hôm đi dán những áp-phích của Kim. Có vẻ như  tôi phản đối việc lừa bịp trắng trợn như vậy, nhưng chính tôi đã phân phát các tờ  áp-phích đó cho những người nông dân.
Ở đó, họ không sợ khi viết E-nô-câu thay cho E-nô-cân, còn tôi, tôi sợ lừa  dối cô gái này. Ánh đèn Xi-bui-a hiện ra mờ mờ, thấp thoáng phía xa… “Nghĩ  cho cùng, tất cả mọi người đều lừa dối lẫn nhau, và thậm chí không ai muốn tìm  hiểu xem đâu là sự thật, đâu là giả dối”.
- Anh yêu em. - nhìn chằm chằm về phía ánh những đèn Xi-bui-a, tôi nói  như đang đọc một công thức toán học đã thuộc lầu.
- Chúng ta đi đâu thế này? - Mi-xu nói như thể không nghe thấy những lời  của tôi. - Đây là ga Xi-bui-a à?
- Không, nhưng chúng ta cần phải ghé vào đây.
- Em phải về rồi, bà chủ nhà không cho em vào nhà muộn đâu.
- Việc gì mà em phải lo. Còn sớm lắm!
- Anh đã trả tiền cho em ở quán ăn, em sẽ trả một nửa. Vì…
- Vì cái gì? …
- Vì anh đã tiêu quá nhiều rồi. Có thể anh không còn để cho ngày mai nữa.
Mi-xu thò tay vào túi và im lặng chìa ra tôi tờ giấy một trăm yên nhàu nát.
- Không cần đâu.
- Không, không anh cầm lấy đi. Em còn tiền mà. Em còn có thể làm thêm.  Em sẽ ở lại trực đêm, giúp những người đóng gói thế là sau năm ngày em sẽ có  được năm trăm yên. Anh đừng lo, em…
Trong giọng nói của Mi-xu vang lên một cái gì như sự lo lắng chăm sóc của  người mẹ. Thuở bé, mẹ tôi cũng nói với tôi như vậy.
Trong thời gian chiến tranh - lúc đó tôi học trung học - kiếm được miếng ăn  khá gay go. Mỗi lúc ăn, mẹ tôi thường nhịn, bỏ vào bát chúng tôi phần của  mình. Nếu chúng tôi từ chối, mẹ dỗ dành dịu dàng, và đôi lúc sự kiên nhẫn dai  dẳng của mẹ làm tôi khó chịu.
Nhưng nhớ lại điều đó, tôi vẫn không ngượng ngùng nhét tiền của Mi-xu vào  túi áo mình.
Một nhân viên đường sắt cầm ngọn đèn hiệu màu xanh đi qua đường. Từng  đợt gió mang đến tiếng chủi rủa say rượu từ ngôi nhà khách sạn trung quốc nằm  ở dưới chân đồi.
Trên đường phố I-a-ma-ta - đường phố của những khách sạn, quán trọ đêm -  hoàn toàn vắng vẻ, im lặng. Khuya hơn tí nữa ở đây sẽ xuất hiện những người  đàn ông đàn bà say rượu, nhưng bây giờ hãy còn chưa có ai.
Tôi nắm chặt trong tay tờ giấy bạc một trăm yên, mà, tôi biết, đủ để thuê một căn buồng nhỏ trong hai giờ ở quán trọ.
- Ta vào chứ?
Trong sân nhỏ, mấy cây tre mọc sát ngay trước cửa nhà, một vài hòn đá tảng nằm lẫn giữa bãi cỏ xanh. Qua cánh cửa để hở có thể trông thấy những đôi giầy  đàn ông và phụ nữ đứng thành từng cặp trong hành lang.
- Ồ - ô - ô! - Mi-xu ngạc nhiên bước lùi lại.
- Em sao thế? - Tôi cầm lấy tay Mi-xu và kéo về phía mình. - Anh yêu em.
- Không… không… em sợ.
- Sợ cái gì? Anh đã nói là anh yêu em mà. Anh mến em, vì vậy mà anh mới  đi cùng em đến hiệu ăn, và bây giờ anh không thể xa em được nếu chưa…
- Em sợ lắm.
Tôi cố ôm lấy người Mi-xu và chạm tay vào bộ ngực bé nhỏ của cô ta. Cô  gái bỗng bất ngờ đẩy mạnh tôi ra. Nhưng tôi lại kéo cô ta đến gần, áp mặt vào tóc cô ta và vội vã thì thầm những lời từ lâu dồn nén trong tôi tích tụ như trong hầm  lò. Những lời xa lạ, bẩn thỉu, khêu gợi nhục dục.
- Anh yêu em. Anh yêu em… anh muốn yêu em hết mình… anh yêu cả  người em… không có gì phải sợ cả… Sẽ không có gì đáng sợ cả đâu. Em không  tin anh sao? Không à? Thế thì tại sao em lại hẹn anh đến? Tại sao? Có thể anh  làm cho em khó chịu kinh tởm? Em không thích anh ôm em à? - Tôi nói tất cả  những gì đàn ông vẫn nói với đàn bà những khi không yêu nhưng lại muốn  quyến rũ họ. - Sao em? Thế nghĩa là anh làm em kinh tởm chứ gì?
- Không, em mến anh, em…
- Thế làm sao em chứng minh được điều đó? Với bọn sinh viên các anh,  bằng lời nói chưa đủ bọn anh nghe chúng đã chán rồi. Còn tình yêu? Thí dụ, có  một nhà triết học nói rằng chỉ có kẻ ích kỷ mới không hiến mình trọn vẹn cho tình yêu.
Những lời cuối cùng tôi ứng khẩu bịa ra. Giá như nhà triết học nọ nghe được  những lời ba hoa của tôi!
- Thứ nhất, việc sợ mất trinh bây giờ bị coi là một quan niệm đã quá lỗi thời đối với cuộc đời. Ngày nay các cô nữ sinh viên tự nguyện đi làm việc đó.  Những người đàn bà khác lạc hậu so với sinh viên thì họ không thể từ bỏ được  những định kiến cũ kỹ hủ lậu. Chẳng lẽ ở trường trung học người ta không nói  với các em chuyện đó à?
- Không. Nó khó hiểu lắm.
- Tất nhiên. Ở trung học nói những chuyện đó còn hơi sớm. Nhưng ở đại  học… Em có nghe nói tới phong trào giải phóng phụ nữ chưa? Để đàn ông và  đàn bà bình đẳng, cần phải vứt bỏ hết mọi sự xấu hổ, nếu giữa họ xuất hiện dấu hiệu của tình yêu. Người ta dạy bọn anh như vậy đấy. Em có hiểu những điều  anh nói không?
Nhìn chằm chằm vào mặt tôi, Mi-xu ngơ ngác gật đầu.
- Anh nói rằng cần phải xử sự khác đi. Hãy vứt bỏ những định kiến hủ lậu. Ta vào nhà này đi. Có thể lúc đầu em cảm thấy hơi sợ một tý. Nhưng, như một  người nào đó nói, không thể có sự tiến bộ nào mà không kèm theo mạo hiểm.
Ôi những nhà triết học tội nghiệp! Nhưng cũng cần tìm cách sử dụng những  kiến thức mà chúng tôi nhận được của các giáo sư chứ. Nói cho cùng, không lẽ  tôi tiêu phí mà tôi phải chạy đi làm thuê để kiếm được. Nhưng than ôi, những  “đoạn trích dẫn” từ các công trình khoa học kia gây được ấn tượng mong muốn  đối với cô gái công nhân này.
- Thế nào, em đi không? - Tôi cầm lấy tay Mi-xu. Nhưng cô ta, như một con  sư tử con, ra sức kéo lại.
- Không, đi về nhà thôi. Em van anh, đi về nhà thôi.
- Về nhà à? - Tôi hét tướng lên. - Thế này là thế nào? Tự cô hẹn tôi đến, đến  thì cô lại đòi về nhà! Thế đấy, đồ… Tôi nói phải trái với cô mà cô cứ một mực  cứng cổ như con lừa… Thôi được. Tùy cô. Tôi đi đây.
Và bước những bước dài, tôi đi dọc theo phố xuôi dốc. Tôi cáu điên người  lên vì đã tiêu phí mất bao nhiêu thì giờ. Mà với ai mới được chứ? Nếu đây là  một cô gái đáng giá thì đã đành. Nhưng tôi cáu kỉnh không phải chỉ với Mi-xu, mà cả với những nhà triết học, những giáo sư. Những bài giảng của họ tỏ ra vô  tích sự!
Một cơn đau đột ngột nhói lên ở lưng và vai phải của tôi. Có lẽ lại bắt đầu cơn động kinh mà đã nhiều lần tôi mắc phải kể từ sau khi bệnh bại liệt. Mỗi khi quá mệt hoặc xúc động mạnh, bao giờ tôi cũng bị những cơn đau nhói như vậy.
Vừa lên cơn đau và cảm thấy Mi-xu chạy theo sau tôi không nhìn lại, tiếp tục rảo bước. Cô ta đuổi kịp tôi và vừa thở vừa hỏi:
- Anh giận à?
- Tất nhiên.
- Anh sẽ không đến nữa à?
- Thì còn làm sao nữa? Chính cô muốn tỏ ra cho tôi biết là tôi không cần  thiết cho cô….
- …
- Nhưng nếu cô không thích đi với tôi, tôi cũng chẳng bắt buộc…
- Anh… em… Nhưng em không muốn đến đó.
- Nếu thế thì xin chào! …
Chúng tôi đi xuống chân đồi. trong hiên nhà của một tiệm ăn Trung Quốc,  hai người đàn ông mặt đỏ bừng vì rượu đang ngốn ngấu ăn một bát gì đó.
- Anh không muốn gặp em nữa à?
- Không.
Cơn đau, mỗi lúc một buốt hơn, bỗng nhói vào sau lưng tôi. Tôi buột miệng  kêu lên, tay ôm lấy vai phải.
- Anh làm sao thế? - Mi-xu ngạc nhiên và sợ hãi nhìn thẳng vào mắt tôi
- Không sao cả. Thời bé anh bị bệnh bại liệt. Em thấy đấy, vai phải anh bị thõng xuống. Thêm vào đó, anh lại bị thọt nữa. Vì vậy con gái không yêu anh. Anh, một thằng tàn tật, cần cho ai? Chưa có ai yêu anh cả… Hừ - ừ - ừ… cả em  nữa, cũng như những người khác…
- Anh thọt à?
Ánh sáng chập chờn của những ngọn đèn đường dọi thẳng xuống mặt Mi- xu: cô ta nhìn tôi với vẻ thông cảm. Tội nghiệp, cô ta thực sự tin vào tất cả  những lời nói của tôi.
- Vâng, tôi ốm yếu. Tôi tàn tật. Vì vậy con gái không ai yêu tôi cả. Vì vậy  mà cô cũng quay mặt đi… Tôi biết…
Bỗng nhiên, hai bàn tay nhỏ bé của Mi-xu nắm chặt lấy những ngón tay tôi.
- Ôi, em thương anh lắm!
- Tôi không cần phải thương.
- Thế nghĩa là anh chưa đến đây lần nào cả à? - Tất nhiên. Ai đến đây với một đứa tàn tật nghèo khổ? Và đấy, hôm nay…  Anh nghĩ ra rằng em… Ôi thằng ngốc…
Lúc đó tôi chỉ cáu kỉnh và hoàn toàn không nghĩ gì về những điều đó. Nhưng  chính những lời giả dối này, những lời không xứng đáng cho cả một bộ phim tồi  nhất, đã tác động đến Mi-xu mãnh liệt.
- Nhưng … nếu thế… nếu thế… thì… thì ta vào đi…  

<< GHI CHÉP THỨ NHẤT CỦA I-Ô-XI-Ô-CA XU-TÔ-MU | GHI CHÉP THỨ BA CỦA I-Ô-XI-Ô-CA XU-TÔ-MU >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 258

Return to top