Lại nói chuyện Trương Long và Triệu Hổ phụng mệnh đem quân đi đánh, trông thấy Ma Y dữ dội lạ thường, mặt đen như cái chảo, hai mắt to như quả nhạc đồng. Ma Y quát to lên mà rằng:
- Đứa nam man kia! Sao mày dám giết anh ta! Mối thù này không thể đội trời chung được!
Nói xong, liền giơ hai lưỡi đao xông thẳng đến đánh. Trương Long và Triệu Hổ vội vàng cùng xúm lại đỡ. Hai bên giao chiến hồi lâu mà chưa phân được thua. Ma Y ham đánh, bỗng kêu to một tiếng, rồi ngã xuống đất, máu ở trong cổ họng đã chảy ra đầm đầm. Bấy giờ Ma Y quân như hổ không đầu, bỏ chạy tán loạn. Trương Long và Triệu Hổ bội phần hăng hái, đang thúc quân đuổi theo bỗng thấy nội giám Tô Thành tay cầm thanh kiếm giơ cao lên gọi mà bảo rằng:
- Hai vị tướng quân ơi! Doãn tướng công và Hùng quốc cữu truyền lệnh gọi hai tướng quân trở về, vì Ma Y đã chết rồi, không cần đuổi theo đánh những dư đảng.
Trương Long và Triệu Hổ liền quát to lên mà rằng:
- Đáng lẽ ta định đuổi theo mà giết cho hết bọn phản nghịch chúng vay, nhưng tướng công và quốc cữu ta đã mở lòng hiếu sinh mà truyền gọi ta về thì âu là ta cũng sinh phúc cho các ngươi vậy.
Nói xong, rút quân trở về. Khi về tới nơi, Trương Long Triệu Hổ nộp thủ cấp Ma Y, thế tử Cao Ly cúi đầu cảm tạ. Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng đều có ý vui mừng. Thuận Thiên vương nói:
- Hai tướng quân đã hết sức khó nhọc, nhưng Ma Y cũng là tay vũ dũng, nếu không nhờ mũi tên thần tiễn của quốc cữu bắn trúng thì vị tất đã được chóng thành công.
Bấy giờ Trương Long và Triệu Hổ mới biết là Hùng Khởi Phượng bắn chết. Thuận Thiên vương nói với Doãn Thượng Khanh tướng công rằng:
- Bây giờ trời gần sáng tỏ, triều nghi đã trần thiết sẳn sàng. Xin tướng công cho hai vị tướng quân hãy đóng quân tại ngoài Ngọ Môn, đợi khi tân quân làm lễ tức vị rồi, bấy giờ sẽ rút về công quán.
Doãn Thượng Khanh tướng công vâng lời, rồi đứng dậy cáo từ, cùng Hùng Khởi Phượng về nơi công quán trước. Các gia tướng trông Hùng Khởi Phượng, ai nấy đều hoa tay múa chân, mừng rỡ kể sao cho xiết. Doãn Thượng Khanh tướng công kể lể những công việc trong khi khởi sự cho mọi người nghe. Gia tướng nhà họ Hùng là Chu Thống bấy giờ cũng chạy ra cúi đầu lạy chào Hùng Khởi Phượng. Chu Thống nói:
- Dám bẩm quốc cữu! Chẳng bao lâu nữa quốc cữu sẽ được về triều, nhưng sau khi về triều vị tất đã được ân xá.
Chu Thống nói xong, lại nức nở khóc hoài. Hùng Khởi Phượng cũng gạt nước mắt mà bảo rằng:
- Chu Thống ơi! Bây giờ ta chỉ tiếc rằng không thể chắp cánh mà bay trở về nước nhà cho được, còn sự sống chết, ta chẳng nghĩ chi đến. Vậy tình hình nhà họ Hùng ta bị giam cấm những thế nào, nhà ngươi nên nói cho ta biết.
Chu Thống liền kể lể sự tình từ đầu đến cuối. Vừa kể lại vừa khóc, Hùng Khởi Phượng động lòng thương xót, hai hàng nước mắt cũng chảy xuống ròng ròng. Doãn Thượng Khanh tướng công khuyên giải mà rằng:
- Hùng quốc cữu ơi! Quốc cữu chớ nên thương khóc, trời nào phụ kẻ hiếu trung! Vả ta đã từng “cửu tử nhất sinh” mới còn được đến ngày nay, ta cần phải giữ ngọc gìn vàng, chớ nên thương khóc làm chi vô ích. Âu là hãy đợi khi về nước, bấy giờ ta sẽ liệu kế thi hành.
Hùng Khởi Phượng gạt nước mắt mà thưa rằng:
- Tướng công đã dạy như thế, tôi xin vâng mệnh!
Bấy giờ trong nhà công quán đã thấy bày một tiệc rượu rất long trọng. Có hai vị Phiên quan vào bẩm với Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng rằng:
- Dám bẩm tướng công cùng quốc cữu! Tôi vẫn định hôm nay thân hành ra đây để hầu rượu hai ngài, ngặt vì việc nước còn bề bộn chưa yên, vậy để sau khi ba ngày xin đến bái tạ.
Doãn Thượng Khanh tướng công nói:
-Quốc vương nhà ngươi cư xử như thế quá ư là thủ lễ. Nhưng ta thiết tưởng quốc vương nhà ngươi nên mau mau cho chúng ta về nước là hơn.
Quan Phiên bẩm xong, chắp tay đứng ra hai bên. Bỗng thấy có một bọn mười hai Phiên nữ, mình liễu gót sen, rón rén bước vào cúi đầu lạy mà bẩm rằng:
- Dám bẩm tướng công và quốc cữu! Chúng tôi xin kính chúc hai chữ “Kim an”.
Doãn Thượng Khanh tướng công cười mà bảo Phiên quan rằng:
- Tân quân mới lên ngôi, nên lấy việc nữ sắc làm răn mới phải. Huống chi ta cùng Hùng quốc cữu đây vốn không phải người ham mê nữ sắc, hà tất dùng đến bọn nữ nhạc ấy làm chi. Âu là nhà ngươi bảo bọn nữ nhạc lui ra, để chúng ta ngồi uống rượu nói chuyện cùng nhau cho được tĩnh mịch.
Phiên quan vâng mệnh bảo bọn nữ nhạc lui ra. Trong khi Doãn Thượng Khanh và Hùng Khởi Phượng uống rượu thì Phiên quan phi ngựa đem các món ăn ở trong ngự trù đến. Cách ba hôm sau, Trương Long và Triệu Hổ rút năm trăm quân về đóng tại nơi công quán, ai nấy đều hớn hở vui cười, mừng rằng sắp có cơ về nước.
Hai tướng quân vào bẩm với Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng rằng:
- Dám bẩm tướng quân và quốc cữu! Cao Ly quốc vương cũng sắp thân hành ra đây để bái yết hai ngài!
Nói chưa dứt lời thì bỗng thấy có long giá đến, các quan thị vệ xúm xít chung quanh, Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng vội vàng đứng dậy chạy ra nghênh tiếp. Cao Ly quốc vương sụp lạy mà thưa rằng:
- Doãn tướng công ơi! Hùng quốc cữu ơi! Hai ngài đã chữa khỏi bệnh câm của tôi, lại giúp cho tôi khôi phục được quốc tộ, tôi xin cúi đầu lạy tạ.
Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng xúm lại đỡ Cao Ly quốc vương mà nói rằng:
- Quốc vương dạy quá lời. Việc cứu tai tuyết nạn là bổn phận của chúng tôi. Chúng tôi đã phụng mệnh thiên triều sang tới đây, tất phải như thế. Ngày nay quốc vương mới lên ngôi đại bảo, chúng tôi thiết tưởng chớ nên khinh thường ra ngoài.
Nói xong, mời Cao Ly quốc vương ngồi, dùng lễ “Tân chủ” mà tương kiến. Doãn Thượng Khanh tướng công trông thấy quốc vương tướng mạo khôi ngô, mắt sáng mi dài, khổ mặt tròn trặn, biết là không phải người thường vậy, Doãn Thượng Khanh tướng công hỏi đến việc trong nước, Cao Ly quốc vương ứng đối được rất tinh tường. Cao Ly quốc vương lại nói:
- Ngày nay công việc trong triều mới gọi là tạm yên, tôi đã ủy thác cho Thuận Thiên vương tất cả. Tôi muốn mời hai ngài vào trong cung ở, để khiến tôi được hầu hạ sớm khuya.
Doãn Thượng Khanh tướng công đáp rằng:
- Xin đa tạ lòng tử tế của quốc vương! Nhưng chúng tôi bây giờ đêm ngày chỉ mong được về nước, nếu quốc vương nghĩ đến công lạo nhỏ mọn của chúng tôi thì nên mau mau cho chúng tôi trở về.
Cao Ly quốc vương lại thở dài mà rằng:
- Hai vị ân nhân ơi! Ơn sâu của hai vị ân nhân đối với tôi thật khác nào như trời cao bể rộng vậy. Từ khi tiền vương tôi tạ thế rồi, tôi chịu bao nhiêu nỗi đắng cay, vẫn tưởng rằng thân này đành chịu chết già ở trong thâm cung còn bao giờ trông thấy ánh sáng mặt trời nữa, không ngờ lòng trời dung rủi , bỗng lại gặp gỡ hai vị ân nhân. Hai vị ân nhân đã hết sức vì tôi lập kế bày mưu, khiến tôi thu phục được quốc tộ, thiết tưởng sau này ngậm vành kết cỏ, cũng chưa đủ báo đền. Tôi vẫn định rước hai ngài vào ở trong cung, để cho tôi được phụng thờ một vài năm, nay hai ngài lại nói như thế này thì tôi càng nghĩ càng thêm đau lòng, thật khó ngăn cầm giọt lệ vậy.
Quốc vương Cao Ly nói xong, lại ứa nước mắt khóc. Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng nghe nói cũng động lòng thương xót, liền khuyên giải mà rằng:
- Quốc vương chớ nghĩ như thế! Công lao nhỏ mọn của chúng tôi sá chi mà đáng kể! Chúng tôi bỏ nước xa nhà bấy lâu, ngày nay tất thế nào cũng phải xin về. Quốc vương đã là một vị cát nhân, chắc sau này sẽ được hưởng hậu phúc. Chúng tôi không thể tuân mệnh quốc vương mà ở đây chậm trễ được, chỉ xin quốc vương từ đây đối với thiên triều, nên hàng năm cống hiến như thường, để giữ trọn hai chữ “Trung thành” vậy.
Nói chưa dứt lời thì có Thuận Thiên vương đến. Thuận Thiên vương cúi chào Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng rồi làm lễ triều kiến quốc vương. Hùng Khởi Phượng nói với Thuận Thiên vương rằng:
- Tôi có một điều này muốn ngỏ cùng quốc vương. Số là hai chúng tôi phụng mệnh thiên triều sang đây, thắm thoát trong bấy nhiêu năm mà chưa lập nên công trạng chi cả. Nếu quốc vương muốn cho chúng tôi vẻ vang đôi chút thì xin cắt đất ở Áp Lục Giang mà dâng nộp thiên triều.
Cao Ly quốc vương và Thuận Thiên vương lại đồng thanh mà đáp rằng:
- Ân sâu của hai vị ân nhân, dẫu dâng nộp sáu trăm dặm giang san này cũng không dám tiếc. Ngày nay hai ngài đang nóng lòng muốn về nước, nhưng chúng tôi thiết tưởng hãy tạm lưu lại trong một tháng không hề chi!
Bấy giờ các nội giám đã đem các món ngự thiện bày la liệt ở trong phòng ăn. Cao Ly mời Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng vào để cùng ngồi uống rượu. Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng đồng thanh mà thưa rằng:
- Có đâu chúng tôi dám như thế! Quốc vương ban ơn mà cho chúng tôi uống rượu, chúng tôi xin bái lĩnh, nhưng chỗ này không phải là chỗ quốc vương nên ngồi. Nếu quốc vương cùng ngồi uống rượu với chúng tôi thì có ngại cho sự quan chiêm vậy.
Thuận Thiên vương nói:
- Doãn tướng công ơi! Hùng quốc cữu ơi! Dao hai ngài lại nói như thế! Nếu quốc vương chúng tôi không được hai ngài giúp chẳng lẽ thì bây giờ hiện còn đang câm và đang bị giam cấm ở trên lầu. Khắc Lâm cậy thế làm càn thì chẳng những tính mệnh khôn toàn, mà dòng dõi tiền vương tôi cũng sẽ trông thấy sự diệt vong vậy. Hai ngài đã không chịu vào ở trong cung thì quốc vương tôi thân hành ra đây để mời rượu hai ngài là phải.
Bấy giờ Cao Ly quốc vương, Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng cùng ngồi uống rượu. Thuận Thiên vương cũng được ngồi hầu. Cao Ly đứng dậy rót rượu mời Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng. Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng hai ba lần từ chối, bấy giờ mới thôi. Thuận Thiên vương nói:
- Hùng quốc cữu thảo giúp tờ chiếu thư để bá cáo cùng thần dân trong nước, hết thảy mọi người, ai nghe cũng phải giọt lệ chứa chan. Tờ chiếu thư ấy lời lẽ nghiêm minh, có phần lại hơn Lạc Tân vương thuở trước. Ngày nay nhờ quốc cữu thảo giúp cho một tờ chiếu thư nữa, để bá cáo cùng các nước phụ cận, khiến chúng một lòng qui thuận thì quốc vương tôi mới khỏi lo phiền.
Hùng Khởi Phượng nói:
- Có khó gì việc ấy, để tôi xin thảo ngay.
Khi uống rượu xong, các nội giám đem văn phòng tứ bảo đến trước mặt Hùng Khởi Phượng, Hùng Khởi Phượng tay cầm quản bút thảo tờ chiếu thư. Chén trà pha ở trước mặt vẫn còn chưa nguội, mà một tờ chiếu thư dài hiện đã thảo xong. Thuận Thiên vương thấy vậy cũng phải tấm tắc khen ngợi là một bậc thiên tài. Cao Ly quốc vương lạy tạ rồi cáo từ về cung.
Lần lần thỏ lặn ác tà, lại gần được một tháng. Doãn Thượng Khanh tướng công lại giục giã để định ngày khởi hành. Cao Ly quốc vương truyền đặt tiệc ở Ngân Loan điện để tiễn biệt. Trong khi ngự tiệc, Hùng Khởi Phượng nói với Cao Ly quốc vương rằng:
- Quốc vương ơi! Nam Kim nữ chủ trước có tội lỗi nhưng bao giờ cũng là quốc mẫu của quốc vương, quốc vương cũng nên theo lệ gia phong, để khỏi phụ tấm lòng tiền vương nhường ngôi cho em thuở trước. Còn vị công chúa con Nam Kim nữ chủ kia, đức tính hiền thục, tôi thiết tưởng cũng nên sách lập làm chánh cung. Thuận Thiên vương là một bậc trung trực đại thần, nước yên hay không, quan hệ ở người ấy, quốc vương chớ nên khinh phụ. Hai viên nội giám Vương Trung và Trương Thuận. Vương Trung kia có công hộ vệ, quốc vương nên phải hậu đãi; còn Trương Thuận có lòng nhớ quê cha đất tổ, quốc vương nên rộng ơn mà cho về. Trong bộ quốc sử Cao Ly sau này, chớ liệt tên tôi, vì việc tu bổ ấy nhờ tay quan Doãn tướng công, chứ tôi đây ngồi không ăn hại trong bấy nhiêu năm, nào có công gì với quốc sử. Muôn dặm xa xôi, mấy lời tặng biệt, xin quốc vương xét tình cho.
Cao Ly vâng dạ xin tuân mệnh,. Khi uống rượu xong, Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng đứng dậy cáo từ ra đi. Cao Ly tủm tỉm cười mà thưa rằng:
- Hai vị ân nhân ơi! Để tôi xin nói một lời. Ơn sâu của hai ngài, tôi không biết láy chi mà đền đáp. Ngày nay dẫu tôi muốn lưu hai ngài ở lại, chắc cũng không thể nào được. Tôi sở dĩ cố giữ hai ngài tạm lưu lại trong một tháng là vì tôi có làm cái sinh từ (đền thờ sống) để thờ hai ngài, cứ ngày sóc ngày vọng thì sẽ ra đấy bái yết. Nay sinh từ đã hoàn thành, mời hai ngài quá bộ giám lâm một chút, gọi là chứng giám lòng thành kính của chúng tôi.
Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng tỏ ý khiêm tốn mà rằng:
- Quốc vương đối đãi với chúng tôi như thế thì thật là quá hậu!
Bấy giờ xa giá sắp sẵn cả ở trước điện đình, Cao Ly mời Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng lên xe, rồi thân hành bước ra đẩy xe cho hai người đi. Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng hai ba lần từ chối mãi, Cao Ly mới chịu thôi. Bấy giờ Doãn Thượng Khanh tướng công đi xe trước, thứ hai đến xe Hùng Khởi Phượng, rồi mới đến xe Cao Ly quốc vương. Các quan văn võ triều thần thì lũ lượt theo sau, cứ thẳng đường đến nơi sinh từ là đền thờ sống của Doãn Thượng Khanh và Hùng Khởi Phượng. Nơi sinh từ ấy làm theo kiểu cung điện nhà vua, trông rất tráng lệ, ngoài cửa có treo một bức biển hoành thiếp vàng, trên đề bốn chữ “Báo đức thù ân” nét buú thật là kỳ dật.Doãn Thượng Khanh tướng công cùng Hùng Khởi Phượng bước vào trông thấy bàn thờ hương lửa tử tế, lại có tạc hai pho tượng dung y tướng mạo giống mình như đúc. Hai pho tượng ấy ngồi trên ngai rồng, hốt bạc đi vàng, trông như hai vị vương giả, tôn nghiêm rực rỡ. Nói tóm lại thì tạo thành một nơi sinh từ ấy tốn phí không biết mấy mươi vạn mà kể cho cùng. Doãn Thượng Khanh tướng công cười mà bảo rằng:
- Trời ơi! Diện mạo của kẻ hi sinh này không đáng lưu truyền hậu thế. Quốc vương đã tốn phí bao nhiêu tiền của, mà tạc hai pho tượng này làm trò cười cho thế gian. Ngày nay quốc vương nên cho phá cái sinh từ này đi thì hai chúng tôi mới khỏi áy náy.
Hùng Khởi Phượng cũng nói:
- Xin quốc vương cho phá đi là hơn!
Bấy giờ mặt ngoài đã sắp sẵn đồ nghi tiết để tiễn đưa Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng về nước. Cao Ly quốc vương đệ trình một quyển biên các đồ cống lễ. Lại cùng các quan văn võ triều thần tiễn đưa mãi ra đến ngoài thành. Cao Ly quốc vương vừa khóc vừa nói:
- Bây giờ tôi không biết nói thế nào cho được! Chỉ xin kính chúc hai ngài thượng lộ bình an vạn phúc vậy.
Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng cũng gạt nước mắt mà rằng:
- Nhân dân khổ về binh đao đã lâu, từ nay quốc vương nên hết sức duy trì, khiến cho nhân dân được yên nghỉ.
Thuận Thiên vương lại tiễn ra ngoài mấy mươi dặm đường, bấy giờ mới trở về. Các tướng sĩ Cao Ly thì đi hộ tống cho đến hết địa giới. Cao Ly quốc vương lại cắt đất ở bên Áp Lục giang dâng nộp Nguyên triều. Khi đi tới nơi, địa phương quan ở đấy lại nghênh tiếp Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng, rồi trao trả đồ bản. Doãn Thượng Khanh tướng công bảo Hùng Khởi Phượng rằng:
- Bây giờ ta nên cho Trương Long và Triệu Hổ đóng quân ở đây, chờ có thánh chỉ cho người đến thay, thì bấy giờ hãy về.
Hùng Khởi Phượng lẩm nhẩm gật đầu mà rằng:
- Tướng công nghĩ chí phải!
Bỗng thấy gia tướng chạy vào báo rằng:
- Dám bẩm tướng công và quốc cữu! Triều đình sai Hoàng Phủ đệ nhị quốc cữu đem năm nghìn quân tới đây nói là sang thăm tướng công và quốc cữu, nhưng định rằng hễ có sự bất trắc thì sẽ dùng quân ấy hỏi tội Cao Ly. Đại đội binh mã chẳng bao lâu nữa cũng sắp tới nơi vậy.
Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng đều mừng rỡ mà rằng:
- Nếu vậy thì may cho ta quá! Ta đang lo lắng không lấy quân đâu mà giữ nổi miền sông Áp Lục giang này, nay có năm nghìn quân tới đây thì còn lo ngại chi nữa.
Nói xong, truyền cho Trương Long và Triệu Hổ hãy tạm đóng quân tại đó, đợi khi có quân khác đến thay rồi sẽ về triều. Bấy giờ Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng cùng các gia tướng đi gấp ngày đêm qua sông Áp Lục giang về tới Đăng Châu. Khi tới Đăng Châu gặp Hoàng Phủ Triệu Phượng, Doãn Thượng Khanh tướng công và Hùng Khởi Phượng mừng rỡ bội phần. Ba người cùng nhau vào dinh quan tổng binh để nói chuyện. Triệu Phượng sụp lạy Doãn Thượng Khanh tướng công làm lễ bái yết cữu tổ, rồi sau lại vái chào Hùng Khởi Phượng làm lễ tương kiến. Các quan văn võ trong thành, ai cũng đều đến lại mừng. Khi các quan văn võ lui ra rồi, Doãn Thượng Khanh tướng công lại kể lể những nông nỗi biệt ly trong bấy nhiêu năm trời cho Triệu Phượng nghe. Hùng Khởi Phượng hỏi Triệu Phượng rằng:
- Hai thân tôi ở nhà sự thể thế nào? Xin quốc cữu thuật rõ cho tôi được biết.
Triệu Phượng thở dài mà rằng:
- Tai nạn trong bấy nhiêu năm trời, câu chuyện rất dài, bây giờ thuật lại làm sao cho xiết. Chỉ biết rằng người trung trực bao giờ cũng được trời giúp, ngày nay đã thoát vòng tai nạn, hiện đang làm thống soái chưởng quản binh quyền. Nói tóm lại thì câu chuyện rất dài ấy, thuật lại không xiết, đợi khi quốc cữu về nưóc, bấy giờ sẽ được biết một cách rõ ràng.
Hùng Khởi Phượng nghe nói, mới được yên lòng, không hỏi chi nữa. Quan tổng binh đệ trình hai tờ chiếu thư của thái hậu ban bố: Một tờ truất Phi Giao hoàng hậu và một tờ tìm thượng hoàng, mọi người xem thấy, ai cũng ứa nước mắt khóc. Doãn Thượng Khanh tướng công thở dài mà than rằng:
- Mạnh vương phi hạ thủ thảo mấy tờ chiếu thư này, trong lòng thật đã đau như cắt. Thế mới biết bốn chữ “Trung, hiếu, tiết, nghĩa”, nhà họ Hoàng Phủ chiếm mất tất cả, khiến cho già này luống những hổ thẹn trăm chiều. Mỗi khi nghĩ đến Lương tướng công già này càng thêm ngao ngán.
Doãn Thượng Khanh tướng công lại bảo Triệu Phượng rằng:
- Bây giờ ta cần phải sai quan đến trấn thủ những noi địa giới của Cao Ly mới dâng nộp.
Triệu Phượng nói:
- Trương Long và Triệu Hổ cùng năm trăm quân đi sang Cao Ly nay đã lâu ngày, tất phải có lòng nhớ nước, vậy ta nên tức khắc sai quan trấn thủ thay cho hai tướng về đây. Chúng ta tạm đóng tại Đăng Châu này, đợi khi hai tướng tới nơi sẽ cùng nhau trở về kinh điạ.
Nói xong, tức khắc thảo bản tâu sai người về trước phi báo triều đình.
Lại nói chuyện Hùng vương ở nhà, đang ngày đêm mong tin Hùng Khởi Phượng bỗng nghe báo có tờ văn thư đến cáo cấp. Trong tờ văn thư nói thành Kim Lăng hiểm trở không thể nào vây nổi. Vả Định Quốc tướng quân là tay vũ dũng, sức địch muôn người, bởi vậy quân ta đánh nhau mấy trận, đều bị thua cả, nay xin quan thống soái cử binh đến cứu, nếu không thì tất có sự nguy biến. Hùng vương xem tờ cáo cấp, hầm hầm nổi giận, tức khắc vào tâu vua Anh Tôn xin đem quân đi đáng. Vua Anh Tôn nghe lời tâu, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi phán:
- Quốc trượng ơi! Chẳng bao lâu nữa Doãn tướng công và Hùng quốc cữu về tới đây, bấy giờ cốt nhục sẽ được một nhà sum họp, vậy quốc trượng không cần phải đem quân đi đánh, để trẫm sai một viên đại tướng khác đi tiếp ứng, tất thế nào cũng được thành công.
- Hùng vương tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! Thành Kim Lăng không phá được, tức là một tai họa đáng lo, còn như sự cốt nhục đoàn viên, kẻ hạ thần thiết tưởng cũng không cần chi việc ấy. Vả Định Quốc là tay vũ dũng, lại thêm thành bền quân mạnh, nếu không dùng trí khó lòng mà được thành công. Lưu Quí là kẻ thư sinh, Vệ Dũng Bưu cũng vốn tính nông nổi thì địch lại sao được. Muôn tâu bệ hạ! Xin bệ hạ cho kẻ hạ thần điểm lấy năm nghìn cấm binh để đi đánh Định Quốc. Chọn toàn những quân tinh dũng không cần phải đem nhiều, vì đem nhiều cũng vô ích.
Vua Anh Tôn chuẩn tấu. Hùng vương tức khắc ra chốn giáo trường, điểm lấy năm nghìn cấm binh, mỗi người đem theo quân lương trong ba tháng. Lại dùng quan đô đốc là Sĩ Quí làm tiên phong. Nguyên Sĩ Quí là gia tướng của Lưu Quí. Khi trước Lưu Quí sai Sĩ Quí tiến kinh, Hùng vương thấy là có tài vũ dũng, mới lưu ở cấm vệ để cung chức. Mấy anh em phò mã Triệu Câu cũng có lòng trọng đãi Sĩ Quí. Đến bấy giờ Hùng vương phụng mệnh đem quân đi đánh giặc, dùng Sĩ Quí làm tướng tiên phong đem năm nghìn quân đi trước. Hùng vương về phũ, dặn Vệ Dũng Nga vương phi rằng:
- Phu nhân ơi! Nay mai trưởng tử là Hùng Khởi Phượng về đây, dẫu tôi đi vắng, phu nhân cũng chớ lấy làm thương xót. Hễ nghe có tiếng tôi thua trận thì mau mau bảo trưởng tử đem quân đi đánh giải vây.
Hùng vương lại bảo Lương Cẩm Hà phu nhân rằng:
- Con dâu ta ơi! Nàng Hạng Ngọc Thanh nay đã quyết chí tu hành thì Hùng Khởi Phượng về tới đây con chớ nên nhắc đến hai chữ “nhân duyên” nữa. Cò tiểu công tử, con nên gia công rèn lập. Con không xem như Đông cung thái tử, dẫu còn ít tuổi mà tính khí đã nghiêm chính khác thường.
Vệ Dũng Nga vương phi nghe nói, gật đầu khen phải. Lương Cẩm Hà phu nhân lại dắt tiểu công tử ra để bái biệt Hùng vương. Trong khi Hùng vương uống rượu thì tiểu công tử chắp tay ngồi hầu một bên. Đầu canh năm hôm sau, Hùng vương dậy sớm để sửa soạn tiến binh. Ngoài cửa đã cờ mở trống rong và bắn ba tiếng đại pháo. Các quan văn võ triều thần đều phụng mệnh đi tiễn tống. Mấy anh em phò mã Triệu Câu cũng đi theo hai bên. Khi tiễn ra đến đình trường, phò mã Triệu Câu rót rượu mời Hùng vương, rồi lại ghé tai dặn thầm mấy câu. Hùng vương gật đầu, liền lên ngựa đi ngay. Hùng vương lại dặn bảo các tướng sĩ rằng:
- Cứu binh như cứu hỏa, không thể chậm trễ được, chúng ta nên ngày đêm đi gấp, để chóng tới nơi.
Nói xong, truyền cho quân sĩ cứ thẳng đường tiến sang Kim Lăng, đi qua các châu thành huyện lỵ cũng không nghỉ ngơi lại một ngày nào cả. Khi tới Kim Lăng, Lưu Quí đem các tướng ra bái yết Hùng vương và bẩm bạch những tình hình trong mấy trận cùng Định Quốc tướng quân giao chiến. Lưu Quí nói:
- Dám bẩm vương gia! Định Quốc thật là tay vũ dũng, một mình địch nổi muôn người. Chúng tôi sức mọn tài hèn, để đến nỗi giao chiến ba trận đều bị thua cả. Thời gian thấm thoát, trong bấy nhiêu ngày, tướng sĩ ở chốn chiến trường, xiết bao khổ sở. Nay nhờ có vương gia đến thì may mới trừ được Định Quốc vậy.
Hùng vương cười mà đáp rằng:
- Vị tất đã trừ được! Ta nay tuổi già sức yếu, về việc chiến trận, chắn chắc cũng kém xưa. Chỉ vì Định Quốc là đứa phản nghịch, dám công nhiên kháng cự với thiên tử trong bấy nhiêu ngày, mà ta đây chịu ơn triều đình, cơm nặng áo dầy đã lâu, vậy thế ta phải đem thân ra chốn chiến trường, để mong có cơ đền báo. Bây giờ hãy cho tướng sĩ nghỉ ngơi trong ba ngày nữa, rồi ta sẽ tiến đánh một trận xem ra làm sao!
Lưu Quí đặc tiệc ở trong quân để khoãn đãi các tướng sĩ. Cách ba hôm sau, Hùng vương truyền cho bản binh giữ trại, còn cấm binh thì ra trận để đánh giặc. Hùng vương đầu đội mũ trụ, mình mặc áo giáp, ngoài lại phủ một lần áo bào, lưng đeo đai ngọc, ánh sáng rực rỡ. Trước mặt có năm lá cờ đỏ phất phới gió bay. Hùng vương truyền bắn ba tiếng đại pháo, rồi chia quân làm hai hướng. Tả tiên phong và hữu tiên phong cũng đều mình mặc giáp vàng, tay cầm mũi bạc, thúc quân ra trận.
Khi hai bên giáp trận thì Định Quốc tướng quân ngang nhiên mà mắng rằng:
- Lưu Quí và Vệ Dũng Bưu kia! Hãy nghe ta nói mấy lời! Trong một tháng nay, các ngươi đã im hơi lặng tiếng, không dám cùng ta đối địch, cớ sao ngày nay lại bỗng liều thân quên chết, dám đem quân ra đây! Này này! Ta bảo cho mà biết, các ngươi nên mau mau về tâu với thiên tử, đem giang sơn mà chia đôi cho ta thì ta sẽ rút quân về, từ nay không quấy nhiễu nữa.
Định Quốc tướng quân nói xong, đang đắc chí mỉm cười thì bỗng nghe tiếng Hùng vương quát to lên mà rằng:
- Đứa phản nghịch kia! Chớ có cả gan nói càn! Ngày nay ta phụng mệnh triều đình đem quân tới đây để bắt sống nhà ngươi đưa về chính pháp cùng lão tặc (trỏ Đồ Man Hưng Phục) một thể.
Định Quốc tướng quân trông thấy Hùng vương giật mình kinh sợ, nhưng cũng gượng cười mà đáp rằng:
- Tôi cúi chào vương gia! Cứ như vương gia chỉ nên diễn tập võ nghệ ở chốn giáo đường là hơn, chứ dám đem quân tới đất này thì khen cho cũng cả gan thật .
Hùng vương nổi giận mà mắng rằng:
- Đứa phản nghịch kia, mày chớ khoe tài!
Nói xong, liền nghoảnh lại bảo tướng tiên phong là Sĩ Quí rằng:
- Nhà ngươi mau mau bắt đứa phản nghịch ấy!
Sĩ Quí vâng mệnh, phi ngựa tiến vào, giơ đao đánh Định Quốc tướng quân, Định Quốc tướng quân nổi giận mà rằng:
- Hùng Hiệu nếu là tay anh hùng thì nên ra đây cùng ta giao chiến, chứ đứa vô danh tiểu tốt này, há phải là địch tủ với ta? Chi bằng ta hãy giết chết nhà ngươi, rồi sau sẽ lấy đầu Hùng Hiệu.
Nói xong, hai tay cầm ngọn chùy thúc ngựa ra đánh Sĩ Quí, Sĩ Quí cố sức giao chiến trong ba mươi hợp, đã thấy hơi thỏ hồng hộc, mồ hôi ướt đẫm, Trương Vĩnh thấy vậy, vội vàng thúc ngựa cầm kích ra tiếp chiến. Định Quốc tướng quân cả cười mà rằng:
- Viên tướng bại trận kia! Ngày nay lại dám nho nhoe. Ta đã mấy lần tha chết cho nhà ngươi, lần này thì qưyết không thể tha được!
Nói xong, liền giơ hai ngọn chùy đánh vào mặt Trương Vĩnh. Trương Vĩnh cũng có ý run sợ. Hùng vương nổi giận cởi ngay áo bào ra, rồi cũng hai tay cầm chuỳ, thúc ngựa ra đánh, Định Quốc tướng quân thấy Hùng vương hăng hái bội phần, chỉ dùng hai ngọn chúy để đỡ, rồi vừa dỡ vừa nói:
- Hay cho Hùng Hiệu! Giỏi cho Hùng Hiệu! Ngày nay tuổi già mà sức khỏe có phần lại hăng hái hon xưa!