Lại nói chuyện Phi Giao hoàng hậu từ khi lập kế giam cấm Mạnh Lệ Quân ở trong cung thái hậu, càng ngày càng lộng quyền hơn trước, chém chết nhiều người quá, các quan triều thần ai cũng khiếp sợ, không ai dám nói câu gì, Đồ Man Hưng Phục và Mã Thuận thừa thế vu hãm cho mọi người, vì thế khắp trong ngoài đều cho là một cảnh tượng nguy biến vậy. Triệu Phượng và Triệu Lân dẫu biết mưu của Đồ Man Hưng Phục và Mã Thuận, nhưng không dám nói. Vả có nói thì Phi Giao hoàng hậu vị tất đã tin, vì thế hai anh em thường cứ suốt ngày ngồi nhìn nhau rồi ngắn dài than thở. Một hôm hai anh em đang đi quanh quẩn ở trong thư phòng, ngẫm nghĩ việc đời, bứt đầu bứt tai, lấy làm căm tức, bỗng trông thấy một con quạ đen sa xuống dưới thềm. Triệu Phượng giận mà bảo rằng:
- Chúng ta đây dẫu sống, cũng như người bỏ đi,nhà ngươi còn định báo tin gì thế!
Nói xong, liền chạy ra lấy tay vồ bắt con quạ. Bỗng thấy chân quạ có sợi dây đen buộc một gói nhỏ. Triệu Lân vội vàng lấy xem thì ngoài gói giấy dầu, trong lại có một lần giấy bông bọc kín. Triệu Lân nói:
- Quái lạ! Quái lạ!
Triệu Phượng vội vàng buông con quạ ra rồi quay lại xem cái gói ấy, thấy ngoài có bút tích Mạnh Lệ Quân đề gởi cho mình. Hai anh em bấy giờ vừa mừng vừa sợ, liền mở ra xem. Bức thư như sau:
Ta vẫn định tiến kinh để tìm lời khuyên can, không ngờ lại mắc phải vào trong lưới cạm. Ta đã hết sức thuốc thang cho Thái hậu và Tả hậu, nay Thái hậu đã được khang kiện, mà Tả hậu cũng đã bình phục như thường. Vả việc dệt cửi cày ruộng, nay đều có người, áo mặc cơm ăn không đến nỗi lo thiếu. Thấm thoát đã ba năm nay, nghĩ đến việc nước lúc nào thì hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng, sống chẳng làm được việc gì, mà chết cũng không ích gì cho nước.
Nghĩ đi nghĩ lại cho kỹ, chỉ còn một kế có tán thành việc phế lập, khiến cho tội phản nghịch của chúng rõ rệt, bấy giờ các quân cần vương sẽ kéo thẳng về kinh thành vậy. Tin tức mặt ngoài thế nào, cũng nên phúc thư cho ta biết. Con quạ này hàng ngày vẫn lượn kêu ở trong cung, ta thấy vậy mới khấn rằng nhà ngươi có đem hộ thư cho ta được chăng thì thấy con quạ gật đầu mà sa xuống đất, hoặc giả là quỷ thần dun rủi cho nên có con quạ này”.
Hai anh em xem xong bức thư, ứa nước mắt khóc, lại thấy con quạ cứ nhìn mình ma gật đầu. Triệu Lân gạt nước mắt rồi bảo Triệu Phượng rằng:
- Thân huynh ơi! Con quạ này muốn đòi thư trả lời đây.
Triệu Lân cũng gật đầu mà bảo con quạ rằng:
- Linh điểu ơi! Nhà ngươi lại đưa hộ ta một phong thư về nhé!
Nói xong, quay lại bảo Triệu Phượng rằng:
- Thân đệ ơi! Thân đệ đi lấy gạo ra đây, để chim quạ ăn no mà bay cho được khỏe.
Nguyên hai anh em Triệu Lân và Triệu Phượng vẫn cùng nhau ở riêng tại trong thư phòng ấy, không dùng kẻ hầu người hạ. Bấy giờ Triệu Lân đi lấy gạo, rồi đóng kín cửa ngoài lại, rắt gạo xuống đất cho chim quạ ăn, Triệu Phượng thì vào trong phòng viết thư. Viết xong, đưa cho Triệu Lân xem. Bức thư như sau:
“Triệu Phượng và Triệu Lân lạy trình thân mẫu soi xét. Từ khi xa cách, thấm thoát đã được ba năm, chúng con nhớ mẹ thương cha, trong lòng luống những ngày đêm chua xót. Gia Tường công chúa vẫn được khang kiện. Hai thân mẫu ở nhà cũng được bình yên. Thân phụ con thì mãi chưa thấy về. Trưởng huynh con còn phải đợi thời, chưa từng dám vọng động. Ngày nay tiếp được thư thân mẫu xin y kế thi hành. Tình hình mặt ngoài bây giờ khác trước nhiều lắm, thân mẫu nên giữ gìn sức khỏe, trời nào nỡ phụ, tất có ngày lại được sum họp một nhà. Hòa nước mắt mà viết thư, vắn tắt mấy lời, dám xin thân mẫu soi xét”.
Triệu Lân xem xong, gạt nước mắt mà đem phong thư ấy buộc cho con quạ, lại ân cần dặn bảo rằng:
- Linh điểu ơi! Linh điểu vốn là một giống chim có hiếu, hễ lớn lên thì biết mớm trả mồi cho mẹ. Còn như chúng ta đây, trời nam bể bắc, xa cách cha mẹ, dẫu muốn khuya sớm chăm nom cũng không thể được. Ơn nhà nợ nước ngày nay ta chỉ trông cậy ở nhà ngươi, khi nào thượng hoàng về triều, sẽ phong chức cho nhà ngươi, để đền công khó nhọc.
Con quạ nghe nói gật đầu, rồi vỗ cánh bay lên trên không. Hai anh em lại ngồi bàn nhau, mật báo cho Gia Tường công chúa biết để công chúa được yên lòng, kẻo những lo sầu mà ngày đêm thương khóc. Triệu Phượng và Triệu Lân lại mật sai người tâm phúc đi dò la tin tức xem Đồ Man An Quốc vì việc gì mà sắp mở tiệc ăn mừng. Lại một mặt sai người mang thư về quê nhà để phi báo cho Hoàng Phủ Triệu Câu biết. Bỗng thấy thám tử về báo rằng:
- Dám bẩm quốc cữu! Ngày mai là ngày sinh nhật An Quốc tướng quân, tại phủ thừa tướng có mở tiệc mừng, nghe đâu các quan văn võ triều thần đều rủ nhau đến bái hạ.
Triệu Phượng và Triệu Lân liền sai người nhà đi sửa soạn lễ vật để đem sang mừng. Sáng hôm sau, hai anh em cưỡi ngựa sang phủ thừa tướng. An Quốc tướng quân chạy ra đón mời vào trong điện. Khi vào tới nơi, Đồ Man Hưng Phục tươi cười mà tiếp chuyện. Triệu Phượng và Triệu Lân nói:
- Dám bẩm quan thừa tướng! Hôm qua chúng tôi có chút lễ mọn đưa sang mừng, chẳng hay cớ sao quan thừa tướng ngài lại không nhận?
Đồ Man Hưng Phục nói:
-Tiệc mừng sinh nhật của tiện nhi, có đâu dám nhận hậu lễ như thế. Hôm nay hai quốc cữu lại quá bộ tới đây thì già này lấy làm hân hạnh lắm, xin mời hai quốc cữu ở chơi xơi chén rượu nhạt.
Triệu Phượng và Triệu Lân cười mà đáp rằng:
- Anh em chúng tôi cùng đệ nhị tướng quân đây là chỗ thế giao, hôm nay gặp ngày sinh nhật, chúng tôi sang mừng, xin uống một bữa rượu thật say.
An Quốc tướng quân vui lòng mà đáp rằng:
- Nếu vậy thì vẻ vang cho chúng tôi lắm!
Nói xong, truyền người nhà bày tiệc, mời hai quốc cữu ngồi. Các quan văn võ triều thần, cũng ngồi hai dãy dài. Hải vị sơn hào la liệt trước mắt, ca nhi vũ nữ múa hát bên mình, thật là một cuộc vui hiếm có vậy. Bỗng thấy thủ môn quan vào báo với Đồ Man Hưng Phục rằng:
- Bẩm lão gia! Có quan nội giám họ Mã tới.
Cha con Đồ Man Hưng Phục đứng dậy ra nghênh tiếp. Khi Mã Thuận bước lên trên điện, văn võ triều thần đều đứng dậy cúi chào, Mã Thuận ngang nhiên bước vào, vẫy tay bảo ngồi xuống. Hai quốc cữu bất đắc dĩ cũng phải cúi chào. Mã Thuận ngòi ghế trên nhất, giọng cười khanh khách, tiếng nói choang choang, có ý tự đắc. Hai quốc cữu tức giận không thể nhịn được, phải đứng dậy cáo từ lui ra. Cha con Đồ Man Hưng Phục cố ý mời lại không được, bất đắc dĩ phải tiễn hai quốc cữu về phủ. Mã Thuận rượu đã ngà ngà say, nhìn các ca nữ rồi tủm tỉm cười, nghoảnh lại mà bảo Đồ Man Hưng Phục rằng:
- Những đứa ca kỹ này dẫu đẹp nhưng không khi nào bằng được đệ nhị phu nhân của quan thừa tướng. Tôi đây dẫu là nội giám,không hiểu nhân sự, nhưng mọi lần tôi cùng đệ nhị phu nhân uống rượu thì hai bên vui đùa thật lắm trò hay. Bây giờ trước mặt các quan đây, chẳng lẽ lại mời phu nhân không tiện, âu là để tôi vào nhà trong uống rượu.
Nói xong, quay lại gọi các tiểu nội giám mà bảo rằng:
- Các con! Đỡ ta vào nhà trong!
Đồ Man Hưng Phục thẹn đỏ mặt lên, không biết nói sao cho được. An Quốc tướng quân đứng cạnh, cũng căm tức bội phần. Bấy giờ các quan văn võ triều thần đều lục tục đứng dậy cáo từ xin về. Đồ Man Hưng Phục lui vào nhà trong, có đứa nữ tỳ khẽ rỉ tai bẩm rằng:
- Quan nội giám họ Mã dắt đệ nhị phu nhân vào trong màn.
Đồ Man Hưng Phục đến gần vén cửa màn xem thì thấy hai người đều ngủ say cả. Má hồng hoen hoẻn, tóc trắng bơ phờ. Đồ Man Hưng Phục bỗng nổi cơn ghen tức, liền giơ tay rút thanh bảo kiếm treo ở cạnh tường, không ngờ lóng cóng đánh rơi xuống đất. Nàng Mị Nương (tức đệ nhị phu nhân) ở trong màn giật mình sực tỉnh, trông thấy Đồ Man Hưng Phục, vội vàng trở dậy. Đồ Man Hưng Phục nhặt lấy thanh bảo kiếm, lại đến gần toan đâm chết Mã Thuận. Nàng Mị Nương kéo áo mà khẽ bảo rằng:
- Ô hay! cớ sao hôm nay lão gia lại nóng tính như thế! Năm xưa lão gia dặn tôi rằng: “Ngươi làm thế nào quyến dụ được lòng Mã Thuận thì khi chiếm ngôi trời, sẽ không dám phụ công.” Câu nói ấy còn nhớ hay quên, khiến cho tôi trong mấy năm uổng phí bao nhiêu tinh thần, mới quyến dụ được lòng Mã Thuận. Nay đại sự đã xong đến chín, cớ sao không cố nhịn cho thành. Lão gia ơi! Ngày nay lão gia giết Mã Thuận thì Phi Giao hoàng hậu khi nào để cho được yên, mà lão gia giết tôi thì mưu này thực tự lão gia, bắt tôi bấy lâu phải khổ sở. Nếu lão gia ngại về tai tiếng thì tôi thiết tưởng bể đang yên lặng, can chi gây cuộc phong ba. Vả thực sự không có, chẳng qua chỉ có hư danh, hà tất lại mua hờn rước dữ!
Nói xong, liền giật lấy thanh kiếm, rồi cười nhạt mà quay đi. Đồ Man Hưng Phục bất đắc dĩ phải chịu nhịn.
An Quốc tướng quân đêm hôm ấy trằn trọc không ngủ, nghĩ thầm:
“Hai quốc cữu cùng ta tâm đầu ý hợp, vẫn tôn ta là bậc “Anh hùng đệ nhất” mà lại chê trưởng huynh ta là “Tửu sắc chi đồ”. Xưa nay chưa đến chơi bao giờ, hôm qua bỗng quá bộ đến mừng, ta lấy làm bằng lòng lắm. Không ngờ Mã Thuận ở đâu lù lù dẫn đến làm cho giảm mất cuộc vui. Hắn lại say rượu nói càn, khiến ta thẹn ê cả mặt. Vả một mai thân phụ lên ngôi thiên tử thì ngôi thái tử tất về phần trưởng huynh ta. Trong tay ta dẫu có binh quyền, nhưng còn thiếu người trí dũng thì ta lấy ai cho thêm vây cánh. Hai vị quốc cữu này tài kiêm văn võ âu là ta mật kết làm tâm phúc, họa may trưởng huynh ta mới không đè nén nổi ta. An Quốc tướng quân nghĩ vậy, sáng sớm hôm sau dậy sớm, truyền người nhà sắp xa giá đi sang phủ phò mã để tạ ơn hai quốc cữu. Khi sang tới nơi, Triệu Lân nghe báo vội vàng ra đón, mời vào nhà khách ngồi, rồi truyền người nhà pha trà uống. An Quốc tướng quân hỏi:
- Chẳng hay lệnh huynh đi đâu vắng?
Triệu Lân nói:
- Thân huynh tôi bị bệnh!
An Quốc tướng quân nói:
- Hôm qua lệnh huynh vừa sang mừng tôi, chẳng hay hôm nay bị bệnh gì như vậy?
Triệu Lân nói:
- Tướng quân hỏi đến, nghĩ càng đau xót trong lòng. Số là anh em tôi trong mấy năm nay, những mong thượng hoàng về triều, lập được vua hiền thì giang sơn Nguyên triều này họa may mới khỏi về tay họ khác. Chúng tôi xem trong tôn thất thì nên được đại sự có chẳng chỉ ở tướng quân, hôm qua thành tâm sang mừng, trông thấy tướng quân lẫm liệt dung nghi, thật đáng là vì thiên tử. Chúng tôi nghĩ thầm vẫn lấy làm vui sướng vô cùng, không ngờ đến lúc Mã Thuận tới nới thì tướng quân lại khúm núm cúi đầu, làm mất cả thể thống. Mã Thuận kêu ngạo tự đắc, chẳng coi tôn thất ra gì, thế mà tướng quân cứ chịu ép một bề, khiến cho chúng tôi xiết bao căm tức. Vì thế thân huynh tôi nghĩ quá thành bệnh, đã định từ chức lui về quê nhà.
An Quốc tướng quân nghe nói, trong lòng mừng rỡ, vội vàng đứng dậy mà hỏi rằng:
- Quốc cữu ơi! Lệnh huynh bây giờ ở đâu? Tôi muốn thưa một câu chuyện.
Triệu Lân ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Thân huynh tôi khó tính, chứ không nông nổi như tôi. Xưa nay đối với ai cũng thế, hễ bằng lòng thì giải bày hết ruột gan, mà không bằng lòng thì thật một câu không chịu nói. Chẳng hay tướng quân muốn hỏi chuyện chi, nếu vậy xin mời tướng quân vào trong thư phòng.
Nói xong, nghoảnh lại truyền người nhà vào báo trước với Triệu Phượng. Triệu Phượng mời An Quốc tướng quân vào. Khi vào tới nơi, An Quốc tướng quân trông thấy Triệu Phượng nét mặt rầu rĩ, liền cúi đầu chào. An Quốc tướng quân nói:
- Đa tạ quốc cữu hôm qua đã có lòng hạ cố đến mừng cho tôi.
Triệu Phượng cười nhạt mà đáp:
- Tướng quân ơi! Chúng tôi vẫn tưởng tướng quân là con một vị vương tước trong tôn thất, tài kiêm văn võ, và giữ chức nguyên nhung, tất phải xuất sắc hơn người, không ngờ lại sợ một tên nội giám, anh em chúng tôi rất lấy làm thất vọng.
Nói xong, kéo ghế mời ngồi. An Quốc tướng quân có ý hổ thẹn mà rằng:
- Quốc cữu ơi! Mấy lời vàng ngọc, tôi xin cảm tạ. Hôm nay tôi đến đây là có hai việc: Một là xin lỗi, hai là muốn trần thuyết cùng quốc cữu mấy lời chẳng hay quốc cữu có rộng lượng mà cho nói không?
Triệu Phượng nói:
- Anh em tôi đây giàu kể hàng vạn khoảnh, sang cũng chẳng kém ai, còn có cầu gì. Chẳng qua chỉ vì giang sơn Nguyên triều và địa vị nhà Hoàng Phủ tôi mà muốn kết giao cùng tướng quân vậy.
An Quốc tướng quân mừng rỡ:
- Quốc cữu đã dạy như vậy thì tôi xin hỏi quốc cữu muốn dùng kế chi để bảo toàn lấy giang sơn Nguyên triều.
Trong khi đang nói chuyện thì có đứa tiểu đồng dâng nước trà. Triệu Phượng nín lặng không nói, chỉ ngẩng mặt lên trên không mà nhìn đàn chim bay. Hồi lâu đứa tiểu đồng lui ra. Triệu Phượng lại nói:
- Tướng quân ơi! Chẳng hay tướng quân hỏi thực hay giả? Nếu tướng quân hỏi thực thì xin tướng quân ngồi lại cùng tôi uống mấy chén rượu nhạt, bấy giờ tôi xin giải tỏ chân tình.
An Quốc tướng quân nói:
- Tôi không dám nói dối. Tôi vốn biết người có chí anh hùng, cho nên tôi đến đây giải tỏ chân tình, xin hai quốc cữu chớ nghi ngại.
Triệu Lân liền nói với Triệu Phượng rằng:
- Tướng quân đã dạy như thế chắc là chân thành, vậy thân huynh cứ nên nói thực.
Triệu Phượng lắc đầu mà rằng:
- Thân đệ ơi! Tướng quân vui chuyện mà nói như thế đó thôi, chưa chắc trong lòng đã giữ được thủy chung như nhất. Huống chi chúng ta chỉ vì muốn bảo toàn giang sơn cho Nguyên triều mới phải bày mưu lập kế. Nếu sự cơ tiết lộ thì tai vạ theo liền, dẫu chết cũng chẳng ích gì. Một tấm nhiệt thành, chi bằng hãy trở về quê nhà để tĩnh dưỡng mà đợi thời vậy.
Nói xong, lại vuốt ngực thở dài. An Quốc tướng quân bằng lòng mà rằng:
- Quốc cữu ơi! Xin quốc cữu chớ phiền não! Tôi đến đây là thực lòng muốn hỏi kế sách bảo toàn tôn xã, xin quốc cữu lấy chân tình mà chỉ giáo cho. Nếu hai quốc cữu không tin lời thì tôi xin bẻ mũi tên phát thệ.
Nói xong, có sẵn bao tên treo ở cạnh tường, liền rút một chiếc, rồi bẻ đôi mà thề rằng: “Nguyện có hoàng thiên chứng giám. Tôi là Đồ Man An Quốc, nếu tôi nói chẳng như lời thì xin chết như mũi tên này!”
Hai quốc cữu nghe nói đều vui mừng mà rằng:
- Tướng quân đã lấy anh em tôi làm tâm phúc thì chúng tôi xin cùng tướng quân dốc một lòng để bảo toàn giang sơn cho Nguyên triều. Tướng quân ơi! Từ khi Phi Giao vào làm hoàng hậu, quá nghe lời Mã Thuận sàm báng, gây ra bao nhiêu sự tàn ác, khiến cho nhân dân ai cũng oán thù. Nếu trong triều không nhờ có tướng quân thì muộn dặm giang sơn này khó lòng khỏi về tay họ khác.
An Quốc tướng quân cười mà đáp rằng:
- Người dạy quá lời.
Triệu Lân nói:
- Không phải chúng tôi dám nói nịnh tướng quân, thực là thần dân trong nước, ai cũng có lòng kính phục tướng quân vậy. May nhờ có tướng quân giang sơn này mới bảo toàn được, chứ nữ chủ cầm quyền trong nước thì xưa mấy đời được lâu dài. Nếu tướng quân không giữ lấy giang sơn, một mai có người khác nổi lên thì nhà Hoàng Phủ tôi tất phải diệt tộc.
Triệu Phượng cũng nối lời mà rằng:
- Chẳng những thế mà thôi! Thân phụ tôi trước khi đi tìm thượng hoàng có dặn thân mẫu tôi về kinh, nếu thiên tử mục tật không khỏi thì nên xét xem trong họ tôn thất có người nào nhân đức, sẽ tâu thái hậu mà lập làm thiên tử để giữ lấy giang sơn nước nhà. Nào có biết đâu rằng khi thân mẫu tới nơi thì bị giam cấm trong cung, đã ba năm nay không thông tin tức. Chúng tôi xem trong tôn thất chỉ có tướng quân là người nhân khoan đại độ, anh em tôi vẫn tâm phục xưa nay. Hôm trước chúng tôi tôi sang mừng, không ngờ khi Mã Thuận tới nơi, tướng quân lại làm những sự khúm núm như hạng tỳ tất. Chúng tôi thấy vậy, nghĩ thầm đại sự khó thành, thôi thì đành lòng trở về quê nhà, mà tiêu dao cho qua này tháng.
Nói xong, lại cau mày thở dài, làm ra ý buồn rầu. An Quốc tướng quân nghe nói mừng lòng mà bảo:
- Xin hai quốc cữu chớ lo phiề! Hai quốc cữu đã lấy con mắt xanh mà đối với cha con tôi thì tôi xin hỏi: Bây giờ nên dùng kế chi cho được!
Triệu Phượng nói:
- Câu chuyện còn dài, âu là tướng quân hãy cùng anh em chúng tôi uống rượu vui, rồi sau sẽ thưa chuyện.
Nói xong, truyền người nhà bày tiệc, cùng An Quốc tướng quân uống rượu. Khi uống rượu xong hai quốc cữu truyền người nhà lui ra cả, rồi lại mời An Quốc tướng quân vào trong một cái gát nhỏ, cùng ngồi nói chuyện. An Quốc tướng quân nói:
- Hai quốc cữu cứ hết lòng chỉ giáo, tôi xin vâng lời.
Triệu Phượng nói:
- Bây giờ không còn kế gì bằng kế biếm truất Phi Giao hoàng hậu. Muốn biếm truất Phi Giao hoàng hậu thì tất phải phụng mệnh thái hậu, tuyên bố tội trạng rồi bỏ vua cũ lập vua mới thì trong tôn thất còn ai hơn tướng quân. Khi tướng quân đã lên ngôi thiên tử rồi, trước hết hãy giết Mã Thuận thì tự khắc thần dân trong nước ai cũng mến phục vậy.
An Quốc tướng quân ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Quốc cữu ơi! Quốc cữu lập kế dẫu cao nhưng cũng nên nghĩ ngợi cho kỹ. Như Phi Giao hoàng hậu bây giờ là cháu thái hậu, là con Mạnh vương phi, là chị ruột với quốc cữu thì khi nào chúng tôi lại thi hành được mưu phế lập ấy. Vả có phế lập thì còn Hán vương và Triệu vương đó, bao giờ đã đến phần tôi.
Triệu Lân nói:
- Việc có kinh quyền, lễ có thườg biến, Hán vương và Triệu vương thụ phong ở ngoài phương xa, nếu ngôi trời đã định rồi thì Hán vương và Triệu vương cũng không nói sao cho được. Ngày nay thái hậu ban chiếu, cứ nói là vì việc nước rối loạn, hãy tạm cho tướng quân quyền giữ ngôi trời, chớ khi thượng hoàng về triều, bấy giờ sẽ trù liệu. Thế thì danh chính ngôn thuận, quyết không ai dám nói. Đến khi thượng hoàng về nước, há lại quên công khó nhọc của tướng quân.
Triệu Lân lại nói:
- Tướng quân chớ sợ thái hậu và thân mẫu tôi làm ngăn trở việc này. Số là thân mẫu tôi thường vẫn nhiều lần phải cau mày nghiến răng về nỗi Phi Giao hoàng hậu gây vạ cho nước. Xem như một việc giam cấm thân mẫu tôi ở trong cung thì thật là tàn ngược, còn tình mẹ con nỗi gì! Thái hậu năm xưa đã từng tuốt gươm toan chém chết đi, khi nào bây giờ lại còn thương tiếc. Người ta làm việc gì cần phải quyết đoán, mới là tay anh vũ, tôi chỉ sợ tướng quân không quyết đoán mà thôi.
Triệu Lân nói xong thì An Quốc tướng quân đứng dậy vỗ tay tươi cười mà bảo rằng:
- Hay! Nếu vậy hay! Quốc cữu nghĩ được diệu kế, không khác gì Trương Lương thuở xưa. Chỉ sợ các quan văn võ trong triều chưa nhất tâm thì làm thế nào mà thỉnh chỉ thái hậu cho được.
Triệu Phượng nói:
Việc ấy rất dễ! Hôm nào khởi sự thì một mặt đem quan giam cấm Phi Giao hoàng hậu và một mặt mở cửa cung vào thỉnh thái hậu. Nhưng tôi thiết tưởng việc này cần phải giấu tôn đường, đợi khi hành sự rồi bấy giờ sẽ bẩm bạch. Đó là kế Đường Minh Hoàng giết Vi hậu thuở trước, anh em chúng tôi sỡ dĩ nhẫn tâm mà tán thành việc này, trước là vì công sau là vì tư. Chúng tôi bây nhiêu tuổi đầu mà trên cách biệt cha mẹ dưới chưa có vợ con. Mây bạc xa xa, chiếc thân vò võ, cứ như thế này thì hoàng thân quốc thích làm chi cho thêm nỗi đau lòng!
Triệu Phượng nói xong ứa nước mắt khóc. Triệu Lân cũng giọt châu lã chã mà rằng:
- Tướng quân ơi! Thế là anh em tôi đã giải tỏ hết chân tình, chữ hiếu chưa được toàn thì chữ trung cũng nên cố giữ cho trọn vậy.
An Quốc tướng quân tấm tắc khen ngợi mà rằng:
- Hai quốc cữu có lòng trung thành, tôi biết đã lâu. Nhưng việc này nếu giấu thân phụ tôi thì làm thế nào cho được!
An Quốc tướng quân ngẫm nghĩ một chút rồi nói:
- À! Hôm qua Phi Giao hoàng hậu giáng chỉ sai thân phụ tôi đi thiêu hương ở núi Thái Sơn, thân phụ tôi có bảo tôi cùng đi. Bây giờ tôi cáo bệnh thì tất thân phụ tôi phải đi một mình vậy, trong mấy hô ấy ta sẽ liệu mà khởi sự.
Triệu Phượng nói:
- Việc này cần phải bí mật lắm mới được, nếu không thì tất có tai vạ. Tướng quân về phủ, xin chớ tiết lộ. Bây giờ ngay trong tôn thất cũng có nhiều người nhòm ngó, nếu họ dò được tình hình thì tất thừa cơ khởi sự, chẳng những anh em chúng tôi khó toàn được tính mệnh, mà cũng lại rất nguy hiểm cho tướng quân vậy.
An Quốc tướng quân gật đầu khen phải mà rằng:
- Việc này là việc thế nào mà tôi dám tiết lộ?
Triệu Lân khóc mà nói rằng:
- Nay chúng tôi muốn cùng tướng quân phát thệ. Những lời nghị luận xin viết vào một tờ giấy rồi cùng ký tên, kẻo mai sau tướng quân lên trị ngôi trời, bấy giờ lại dễ quên công khuyển mã.
An Quốc tướng quân cười mà bảo rằng:
- Có lẽ nào lại như thế! Nếu tôi được lên ngôi trời thì tất phải chia đất mà phong cho hai quốc cữu.
Triệu Phượng đi lấy nghiên bút, Triệu Lân ghi những lời phát thệ, rồi bảo An Quốc tướng quân ký tên vào. Hai quốc cữu đều ký tên. Ký tên xong, cất bỏ vào trong một cái hộp nhỏ.
An Quốc tướng quân nói:
- Đến hôm thân phụ tôi đi vắng thì hai quốc cữu sẽ cùng tôi khởi sự. Nhưng trong các quan triều thần, chẳng hay có nên đem việc này bàn với ai không?
Ba người cùng nhau ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi hai quốc cữu đồng thanh mà bảo rằng:
- các quan triều thần chỉ có Nguyễn tướng công đức tôn vọng trọng hơn cả, quả nhiên là một ông Địch Nhân Kiệt đời nay. Tướng quân nên đến mà cầu, nếu được ông ấy giúp cho thì đại sự tất phải thành vậy.
An Quốc tướng quân mừng lắm, cảm tạ hai quốc cữu mà rằng:
- Xin đa tạ hai quốc cữu trước! Sau này muôn chung nghìn tứ ắt là có nhau!
Nói xong, cáo từ lui ra. Triệu Phượng và Triệu Lân bàn nhau viết thư gửi cho phò mã Triệu Câu, lại đính theo cả bút tích của Mạnh Lệ Quân nữa. Triệu Lân cũng viết riêng một phong thư gửi cho bà Lưu phu nhân. Hai phong thư ấy đều bao sáp cẩn thận, rồi gọi hai tên người nhà tâm phúc đến mà dặn rằng:
- Nước nhà hay dở, trông cậy vào bức thư này. Các ngươi nên hết lòng vì ta, mai sau thượng hoàng về triều ta sẽ trọng thưởng cho các ngươi vậy.
Hai tên người nhà vâng mệnh, tức thì phi ngựa đi ngay. Triệu Phượng và Triệu Lân cùng nhau bàn định muốn sang thương thuyết cùng Nguyễn Long Quang tướng công nhưng lại sợ có người truyền báo cho Mã Thuận biết. Triệu Phượng nói:
- Hay là ta nói với Gia Tường công chúa sai bảo mẫu đến.
Triệu Lân nói:
- Nguyễn tướng công chỉ có một mình ở đây, không gia quyến chi cả, vậy thì ta sai bảo mẫu đến cũng không tiện. Nếu Phi Giao biết tất lại sinh nghi.
Hai anh em luống cuống chưa biết nghĩ kế ra thế nào thì bỗng thấy tên người nhà mang phong thư và mà bẩm rằng:
- Bẩm quốc cữu! Mạnh tướng công ở Quí Châu sai tên người nhà là Ngũ Xương đệ trình phong thư này, hiện còn đang đứng chực tại ngoài cửa.
Hai quốc cữu mừng rỡ mà bảo rằng:
-Nếu vậy thì hay! Cữu phụ ta đi đã ba năm nay, chưa được tin tức chi cả, nay bỗng có người đem thư đến, chắc là đã tìm thấy thượng hoàng đó chăng.