Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trung Hoa >> Tục Tái Sanh Duyên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 44364 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tục Tái Sanh Duyên
Khuyết Danh

Hồi thứ 15b
Doãn Thượng Khanh tướng công cười mà bảo rằng:
- Đại vương ơi! Nếu vậy thì ta truyền bảo nội giám Vương Trung cứ hàng ngày đem lục đậu thang mà cho thế tử uống, rồi dần dần tự khắc thế tử có thể nói được. Nếu đại vương không biết sai ai vào bảo Vương Trung thì tôi đây có một tên gia tướng, leo tường rất giỏi, dẫu cao ba bốn trượng mà vượt qua như không. Tôi sẽ viết thư trao cho hắn đem vào cho Hùng quốc cữu để Hùng quốc cữu tìm bảo Vương Trung cho thế tử uống kỳ bao giờ nói được mới thôi. Khi thế tử đã khỏi câm rồi thi đại vương đem các quan văn võ triều thần cùng vào tâu với nữ chủ phải trả lại ngôi trời. Nhưng ta lại đính ước với thế tử rằng khi đã lên ngôi làm vua rồi thì tất phải phụng thờ nữ chủ cho tử tế. Như thế thì tình trước nghĩa sau đều vẹn toàn cả. Tôi nay già lẫn thiết tưởng chỉ còn kế ấy, chẳng biết đại vương có dùng được hay không?
Thuận Thiên vương nghe nói mừng rỡ kể sao cho xiết, liền đứng dậy chắp tay mà nói với Doãn Thượng Khanh tướng công rằng:
- Đa tạ tướng công đã cho tôi một diệu kế!
Thuận Thiên vương vừa nói vừa cúi đầu sụp xuống đất lạy. Doãn Thượng Khanh tướng công đỡ dậy mà bảo rằng:
- Tôi nghe Khắc Lâm vốn là tay vũ dũng, chuyến này đi đánh Đông di, chẳng bao sẽ được thành công, đại vương lưu tâm chớ tiết lộ cho biết.
Thuận Thiên vương vâng lời, rồi cáo từ lui ra. Doãn Thượng Khanh tướng công tiễn ra đến phòng ngoài, bỗng thấy gia tướng chạy vào bẩm rằng:
- Dám bẩm tướng công! Có tên Chu Thống là gia tướng nhà Hùng vương xin vào yết kiến.
Doãn Thượng Khanh tướng công kinh ngạc mà rằng:
- Quái lạ! Sao Chu Thống sang tới đây! Nếu vậy thì tất có sự nguy cấp. Những lời thiên hạ truyền thuyết, chắc cũng không sai.
Nói xong, truyền gọi Chu Thống vào, Chu Thống mới kể lại đầu đuôi mọi việc, nào thượng hoàng bỏ đi, nào thái hậu bị bệnh, nào thiên tử bị mục tật, nào Phi Giao hoàng hậu lâm triều, nào Mã Thuận và Đồ Man Hưng Phục lộng quyền chuyên chính v.v... Chu Thống lại nói:
- Khi triều đình đem quân vây nã chủ nhân tôi là Hùng vương, gia binh trong phủ tức giận, mới tuốt gươm ra để cứu chủ thì cò nhiều người chết và bị thương. Mạnh vương phi nghe tin liền sai chúng tôi đưa đệ nhị công tử sang lánh nạn ở Vân Nam. Không ngờ đi đến Giang Ninh thì đệ nhị công tử bỏ trốn, chúng tôi tìm đâu cũng không thấy, vậy phải liều chết mà sang tới đây. Doãn tướng công ơi! Chúng tôi sang được tới đây thật là trải bao gian khổ. Khi tới Áp Lạc giang thì có quân canh giữ, không làm thế nào mà sang qua được. Sau nhân có sứ thần Cao Ly sang cống, tôi phải nhận một người lái thuyền làm nghĩa phụ, cho hắn vàng bạc để hắn vui lòng, vậy mới sang tới đây được. Khi sang tới đây, ngày núp đêm đi, hỏi thăm dò la mãi mới biết Hùng quốc cữu tôi bị giam cấm ở trong cung, còn tướng công và các tướng sĩ đều được bình yên cả. Chẳng biết Hùng quốc cữu tôi ở trong cung bây giờ có được yên ổn hay không, xót thương thay một nhà đều bị tai nạn!
Chu Thống nói xong thì Doãn Thượng Khanh tướng công ngồi ngẩn người ra có ý cắm tức. Hồi lâu bỗng kêu to lên một tiếng mà rằng:
- Thượng hoàng ơi! Chẳng hay thượng hoàng nghĩ thế nào lại bỏ muôn dặm giang sơn mà đi, để đến nỗi trong nước sinh ra rối loạn. Thái hậu dẫu là bậc minh thánh, nhưng chỉ sợ vì tình thân thuộc mà khó nỗi xử phân. Ta nay nghoảnh mặt trông về nước nhà, xa cách phương trời, càng nghĩ lại càng thêm đau ruột.
Doãn Thượng Khanh vừa nói vừa khóc, hai hàng nước mắt mắt chảy xuống ròng ròng. Hồi lâu lại nói:
- Ta thấy làm quái lạ! Không biết cớ sao các quan văn võ triều thần lại không có ai can ngăn Phi Giao hoàng hậu, Đồ Man Hưng Phục là đứa quyền gian trong nước, không khéo thì nó nhân dịp này mà chiếm đoạt giang sơn.
Doãn Thượng Khanh tướng công nói đến đây, lại vùng vằng đứng dậy, đập bàn mà kêu to lên rằng:
- Trời ơi! Ta là một bậc lão thần, trải thờ ba triều, lộc nước ơn vua, kể biết bao nhiêu, mà chưa báo đáp được chút nào cả. Chẳng thà ta đập đằu mà chết như Lương tướng công thuở trước thì nghìn thu sử sách, còn lưu lại được hai chữ “trung trinh”.
Nói xong, truyền cho Chu Thống lui xuống nhà dưới và dặn rằng:
- Nhà ngươi phải giữ kín, chớ tiết lộ cho ai biết, kẻo chúng lại đem lòng khinh bỉ thiên triều.
Chu Thống nói:
- Dám bẩm tướng công! Chúng tôi muốn vào thăm Hùng quốc cữu lắm, chẳng hay có thể nào được
Doãn Thượng Khanh thở dài mà bảo rằng:
- Nhà ngươi chớ lo phiền. Chủ nhân nhà ngươi bấy lâu dẫu bị nữ chủ Cao Ly giam cấm nhưng tấm lòng sắt đá vẫn không chịu đổi dời. Ta đã sai người dò la và tìm phương giải cứu, nhưng chưa có thể nói cho ngươi biết được.
Chu Thống vâng mệnh lui ra, Doãn Thượng Khanh tướng công vào thư phòng cầm bút viết một bức thư. Viết xong truyền gọi tên gia tướng là Tô Thành vào. Khi Tô Thành vào, Doãn Thượng Khanh tướng công dặn rằng:
- Tô Thành! Ta có một phong thư giao cho nhà ngươi đem vào cung đệ trình Hùng quốc cữu. Nhà ngươi nên cẩn thận và xin bức thư trả lời.
Doãn Thượng Khanh tướng công lại nói:
- Nhà ngươi chớ nói cho Hùng quốc cữu biết là có Chu Thống đến, kẻo quốc cữu lại thêm lo phiền.
Lại nói chuyện Hùng Khởi Phượng hàng ngày buồn bã, thường ra dạo bước quanh vườn, bỗng trông thấy một cái lầu cao ở về phía đông, văng vẳng xa nghe, trông có tiếng người khóc. Hùng Khởi Phượng trong lòng nghi hoặc, mới đi thẳng đến cửa lầu thì trông thấy chung quanh vắng vẻ không ai, mà cửa lầu lại khóa chặt. Hùng Khởi Phượng không hiểu thế nào, còn đang ngẩn ngơ đứng đấy, bỗng có một người lão nội giám tay xách giỏ đỏ vừa đi tới nơi. Tên lão nội giám trông thấy Hùng Khởi Phượng như người ngây dại liền hỏi:
- Dám thưa quốc cữu! Cớ sao hôm nay quốc cữu lại được thư nhàn?
Hùng Khởi Phượng nói:
- Mấy hôm nay thế tử không đến học, cho nên tôi cũng được thư nhàn, dạo bước chung quanh vườn, bỗng nghe có tiếng người khóc ở đây, mới lững thững lần đến. Chẳng hay trên lầu cao này giam cấm người nào? Và nhà ngươi tay xách cái chi thế?
Tên lão nội giám thở dài mà đáp rằng:
- Hùng quốc cữu ơi! Quốc cữu không hỏi đến mà rằng, chứ đã hỏi đến thì khiến cho tôi phiền muộn. Số là trên lầu cao này giam cấm ngôi thế tử, tức là cháu đích tôn tiền vương tôi thuở xưa. Câu chuyện dài ấy bây giờ nói không hết được. Xin quốc cữu cứ về, đến đêm khuya tôi sẽ lại hầu. Còn cái giỏ này là tôi mang cơm cho thế tử ăn đó. Việc này xin quốc cữu giữ kín cho, kẻo đến tai nữ chủ thì thế tử tôi khó toàn được tính mệnh.
Lão nội giám nói xong, mở khóa vào trong lầu, còn Hùng Khởi Phượng quay về chốn cũ. Khi ăn cơm xong, khép cửa đi nghỉ, truyền bảo các nội giám rằng:
- Đêm nay ta mệt nhọc, tha hầu cho các ngươi. Các ngươi phải yên lặng cho ta nghỉ, sáng mai cũng chớ có gọi cửa sớm vội.
Các nội giám đã biết tính Hùng Khởi Phượng xưa nay, đều vâng mệnh lui ra cả. Bấy giờ Nam Kim nữ chủ đang bị bệnh, cho nên các quân cấm vệ canh phòng cũng trễ nải, không được nghiêm túc như trước. Hùng Khởi Phượng thắp một ngọn đèn ngồi đợi tên lão nội giám đến. Sang đầu canh hai bỗng nghe tiếng gõ cửa thì có tên lão nội giám bước vào. Tên lão nội giám nói:
- Hùng quốc cữu ơi! Quả nhiên quốc cữu ngồi thắp đèn mà đợi tôi, thế mới biết người quí quốc thường hay tín thực.
Hùng Khởi Phượng hỏi:
- Nhà ngươi họ tên là gì? Vào cung đã được mấy năm nay? Mấy lời nhà ngươi ngỏ cùng ta, ta chẳng hiểu ra làm sao cả.
Lão nội giám thở dài mà đáp rằng:
- Hùng quốc cữu ơi! Tôi tên gọi Vương Trung. Vào cung từ đời tiền vương, bấy giờ tôi hãy còn nhỏ, mà nay đầu đã bạc trắng, bấm đốt ngón tay, gần năm mươi năm trời. Ngôi thế tử bị giam cấm ở trên lầu cao kia là về dòng đời tiền vương tôi thuở xưa. Nam Kim nữ chủ lập kế cho uống sinh hán hạ, để đến nỗi nói không được, rồi đem giam cấm vào đấy, mà chiếm đoạt ngôi vua. Tuy vậy thế tử tôi vẫn thông minh hiểu biết mọi việc. Từ khi quốc cữu đến tôi cũng thường đem tình hình trong cung mà nói cho thế tử tôi nghe. nữ chủ say mê những thế nào và quốc cữu nghiêm chính những thế nào, tôi đều nói hết.
Vương Trung nín lặng một lúc, rồi lại nói:
- Hùng quốc cữu ơi! Tôi thuật chuyện cho thế tử tôi nghe thì thế tử tôi lẩm nhẩm gật đầu, rồi lại ra hiệu bảo tôi đến nói với quốc cữu. Ngặt vì Nam Kim nữ chủ pháp lệnh nghiêm khắc lắm, cho nên bấy lâu tôi không dám đến. Độ này nữ chủ bị bệnh, chẳng để ý gì đến nơi cung cấm, mà cũng là lòng trời xui khiến mà hôm nay tôi bỗng gặp quí nhân, tôi có một việc muốn nhờ quí nhân, nếu quí nhân thành toàn cho được thì thật là một cái ơn tái tạo vậy.
Vương Trung vừa nói vừa khóc, lại sụp xuống đất lạy. Hùng Khởi Phượng vội vàng đỡ dậy mà bảo rằng:
Nếu việc như thế này mà nhà ngươi cầu ta thì há chẳng vô ích lắm thay. Ta đây cũng là một người bị giam cấm, còn cứu ai được nữa.
Vương Trung lại khóc mà thưa rằng:
- Chúng tôi không dám quấy việc gì cả, chỉ xin quốc cữu nói giúp với Nam Kim nữ chủ cho thế tử tôi được cắt tóc đi tu, thế là cứu cho thế tử tôi được toàn tính mệnh đó. Quốc cữu nói thế thì thế nào nữ chủ cũng vâng lời. Vừa rồi tôi đem cơm vào, thế tử tôi có viết mấy câu thơ bảo tôi đệ trình quốc cữu.
Nói xong, thò tay vào trong áo lấy ra một mảnh giấy đệ trình Hùng Khởi Phượng. Hùng Khởi Phượng mở ra xem, bài thơ như sau này:
“Thượng khách ít khi gặp
Sự tình khó giải phân
Há phải tham cực lạc
Chỉ muốn trọn tiền nhân
Muôn thuở nước còn đó
Trăm năm đời mấy xuân
Lòng này xin phát nguyện
Rũ sạch bụi hồng trần.”
Hùng Khởi Phượng đọc xong tấm tắc khen ngợi mà rằng:
- Thế tử cũng có văn tài! Xem ý trong mấy câu thơ này thì là người chán đời, chỉ muốn cắt tóc đi tu mà thôi.
Hùng Khởi Phượng nói chưa dứt lời thì bỗng có một người ở ngoài bước vào, Vương Trung chẳng còn hồn vía nào, sợ toát mồ hôi ra. Hùng Khởi Phượng nghoảnh nhìn có ý mừng rỡ. Nguyên người bước vào đó tức là gia tướng Hùng Khởi Phượng tên gọi Tô Thành. Bấy giờ Tô Thành sụp lạy mà bẩm rằng:
- Tôi là Tô Thành xin cúi đầu lạy chào quốc cữu.
Hùng Khởi Phượng bảo Tô Thành dậy rồi nghoảnh lại nói với Vương Trung rằng:
- Người này là gia tướng của tôi, đã leo qua thành mà vào tới trong đây.
Vương Trung nghe nói bấy giờ mới yên lòng. Hùng Khởi Phượng thở dài mà hỏi Tô Thành rằng:
- Thế nào? Doãn tướng công độ này vẫn được an khang đó chứ! Ta thường hỏi Thuận Thiên vương cũng đã biết rằng quốc sử mới tu bổ được một nửa mà mọi người đều bình yên cả. Nhưng ta nghe đồn toàn gia họ Hùng ta đều bị giam cấm. Phi Giao hoàng hậu lộng quyền chuyên chính, làm nhiều sự hung tàn, chẳng biết có quả như thế không?
Tô Thành liền đứng dậy mà bẩm rằng:
- Dám dẩm Hùng quốc cữu! Chính vì việc ấy mà hôm nay tôi vào đây, Chu Thống vừa mới tới đây, đã kể hết sự tình trong nước. Doãn tướng công có viết một bức thư, sai tôi đem vào để đệ trình quốc cữu.
Nói xong, liền lấy bức thư giắt trong mình ra, đệ trình Hùng Khởi Phượng. Hùng Khởi Phượng trông thấy phong thư mấy lần gói kín, bỗng động lòng mà ứa nước mắt khóc, rồi mở ra xem. Bức thư như sau:
“Cách nhau trong gang tất mà tựa hồ góc bể chân trời. Thắm thoát bấy nhiêu năm, quốc cữu vẫn giữ được tấm lòng sắt đá thì cũng là một bậc vĩ nhân đời nay vậy.
Bấy lâu tôi vẫn nghe đồn Phi Giao hoàng hậu lộng quyền chuyên chính, ngày nay được tin, thật quả nhiên. Toàn gia họ Hùng đều bị giam cấm, may có thái hậu hết sức hộ trì, cho nên đã được an toàn, cũng không phải lo ngại. Ngày nay quốc sự biến thiên, thượng hoàng bỏ đi, thái hậu bị bệnh, việc nước như thế thì còn nghĩ chi đến việc nhà.
Tôi nghe nói thế tử Cao Ly về dòng tiền vương bị nữ chủ cho uống sinh bán hạ, đến nỗi câm không nói được, lại bắt đem giam cấm ở trong cung. Ta nên bảo tên lão nội giám ở dấy dùng lục đậu thang hàng ngày cho uống thì tự khắc dần dần sẽ khỏi được bệnh câm. Khi thế tử khỏi bệnh câm, bấy giờ các quan văn võ triều thần sẽ họp nhau tôn lên làm vua. Còn ngôi thế tử con nữ chủ kia tức là một vị công chúa cải dạng nam trang vậy. Thế tử đã làm vua thì hai ta tất được về nước. Việc này ta nên cẩn thận lắm mới được, kẻo đến tai nữ chủ thì tất có tai vạ về sau.
Nội giám Trương Thuận vốn người Bắc Kinh, theo Nam Kim nữ chủ sang đây, người ấy có thể tin cậy được. Nhờ hắn giao thông tin tức thì ra vào sẽ không trở ngại gì. Nếu có việc gì cần quân sĩ thì năm trăm quân theo ta sang đây, bấy lâu vẫn luyện tập chuyên cần, có thể giúp việc được. Đại trượng phu trong khi nguy cấp, nên phải bày mưu lập kế, chẳng lẽ cứ bó tay ngồi chịu chết oan hay sao. Nói thế là hết, quốc cữu nên lượng xét.”

Hùng Khởi Phượng xem xong, hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng rồi dậm chân đạp bàn tỏ ý tức giận. Vương Trung kinh sợ liền nói:
- Dám bẩm quốc cữu! Hai bên gần đây, đều có người túc trực, nếu chúng nghe tiếng thì hà chẳng nguy lắm thay!
Tô Thành nói:
- Không sợ!Tôi đã đốt mười nén muội hương thì có lẽ đến sáng mai chúng mới tỉnh được.
Hùng Khởi Phượng thở dài mà bảo Vương Trung rằng:
- Ai ngờ một lòng tận trung với nước, lại thành ra di lụy đến nhà. Thôi, việc ấy chẳng nói làm chi, bây giờ nhà ngươi thử dùng lục đậu thang mà hàng ngày cho thế tử uống. Nhà ngươi nên cẩn thận lắm mới được.
Vương Trung lạy tạ lui ra. Hùng Khởi Phượng lại hỏi đến những tình hình mặt ngoài; Tô Thành đều kể lể mọi việc. Tô Thành nói:
- Doãn tướng công tu bổ quốc sử, các quan hàn lâm nước Cao Ly này đều phái kính phục, ai cũng gọi tướng công là một vị thiên thần. Các quân sĩ theo sang đây, tướng công lại hàng ngày gia công luyện tập một người có thể địch nổi được nghìn người. Tướg công vẫn muốn khởi sự đã lâu, chỉ ngại về nổi quốc cữu ở trong cung, không có ai ủng hộ, luống sợ trong cung bối rối, khó lòng mà giữ khỏi “Ngọc đá đều chảy”.
Hùng Khởi Phượng thở dài:
- Hà tất phải như thế! Người ta sống chết chẳng qua đều bởi ở mệnh trời. Nay ta viết một bức thư, nhà ngươi mau mau đem ra đệ trình tướng công. Độ này có lẽ nữ chủ chỉ căm tức ta mà chết mất thôi!
Nói xong, liền lấy mảnh giảu viết thư giao cho Tô Thành. Lại dặn Tô Thành rằng:
- Nhà ngươi phải cẩn thận, ra nói với tướng công hễ có sự bí mật gì cứ bàn với Thuận Thiên vương cũng được, không phải lo ngại, vì hắn là một người trung nghĩa thành thực ở nước Cao Ly này đó. Lại xin tướng công nên giữ gìn thân thể, để tận trung báo quốc, chớ nghĩ đến ta làm chi.
Tô Thành lạy tạ lui ra. Bấy giờ đã sang đầu canh năm, Hùng Khởi Phượng đứng dậy đi ra mở cửa, trong lòng ngẫm nghĩ luống những âu sầu, nhớ thương cha mẹ. Hùng Khởi Phượng lại lẩm nhẩm nói một mình rằng:
- Biết bao giờ cho ta thoát khỏi cảnh dầu sôi lửa bỏng này! Hạng Nam Kim kia! Ta cùng mày có thù oán gì nhau, sao mày lại hãm hại ta thế này. Ta nghĩ bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu, dẫu chết bây giờ cũng thật là một sự ám muội. Trời ơi! Cha mẹ anh em không được gặp mặt, vợ con sinh sản cũng chẳng biết ra thế nào! Nhà ta, ta còn không cứu giúp đ, công đâu mà cứu giúp ai!
Hùng Khởi Phượng nghĩ quanh nghĩ quẩn, càng nghĩ càng căm tức Nam Kim nữ chủ mà rằng:
- Hạng Nam Kim kia! Mày làm hại ta đến thế này là cùng! Chẳng hay Hoàng Phủ Tương vương thủơ xưa cớ sao lại đem Hạng Nam Kim mà gả cho Bách Hoa vương làm gì, để di hại cho Cao Ly và sỉ nhục lây cả Trung Quốc. Thế mới biết cái thân vưu vật, ít người giữ được lòng trinh, nhưng ta lại lạ thay cho nàng Hạng Hoa Tu trong ngọc trắng ngà, há không phải là bậc nghiêng thành nghiêng nước, mà lòng son dạ sắt, dẫu tấm thân chìm nổi, cũng chẳng chút đổi dời.
Hùng Khởi Phượng còn đang một mình ngẫm nghĩ thì bỗng nghe mặt ngoài có tiếng người lao nhao gọi dậy mà rằng:
- Chết chửa! Trời sáng lắm rồi! mau mau dậy ngay, kẻo lỡ khi nữ chủ tới đây thăm Hùng quốc cữu thì chúng ta tất bị trọng phạt!
Bấy giờ mọi người mới kinh hoảng mà cùng nhau dậy. Một tên nội giám chạy vào bẩm với Hùng Khởi Phượng rằng:
- Dám bẩm quốc cữu! Nữ chủ tôi long thể khiếm an, thế tử còn phải trông nom thuốc thang, vậy hãy tạm xin quốc cữu cho nghỉ học.
Lại nói chuyện Nam Kim nữ chủ ở trong cung suốt ngày cứ li bì, ăn chẳng biết ngon, ngủ không yên giấc, có lúc thì nức nở khóc, có lúc thì khúc khít cười, cũng nhiều lúc thì hầm hầm nổi giận, dáng đập bọn cung nữ cùng các nội giám, có người đến thiệt mạng. Nam Kim nữ chủ bệnh nằm một chỗ, ngày giờ thấm thoát, bỗng chốc đã ba năm trời. Bao nhiêu việc trị trong triều, chẳng xem xét đến một tí gì cả. Nam Kim nữ chủ biết Khắc Lâm có ý muốn phản nghịch mới không tin dùng như trước, giao hết quyền chính cho Thuận Thiên vương. Vì thế Khắc Lâm lại đem lòng oán giận, mỗi khi vào cung vẫn mỉa mai cười cợt, ví Nam Kim nữ chủ cũng như nàng Hạ Cơ thuở xưa. Nam Kim nữ chủ rất lấy làm hổ thẹn, không biết nói thế nào. Muốn trị tội Khắc Lâm thì không trị nổi, mà cứ để cho hắn mỗi ngày một cương hoạch thì cũng khó lòng mà giữ trọn được ngôi trời. Nam Kim nữ chủ đã truyền đem năm trăm cấm binh vào canh thủ các cửa cung, nhưng ngặt vì ốm đau nằm một chỗ thì kỷ luật không được nghiêm minh, kẻ ra người vào chẳng ai tra xét cho kỹ lắm.
Nội giám Trương Thuận báo cho Doãn Thượng Khanh tướng công biết là thế tử ở trong cung đã khỏi câm rồi. Hùng Khởi Phượng cũng viết thư gửi ra bảo Doãn Thượng Khanh tướng công khởi sự. Khắc Lâm từ khi đi đánh giặc Đông di thắng trận rở về, Nam Kim nữ chủ thăng làm tướng quốc. Dẫu rằng thăng chức nhưng kỳ thực giảm mất binh quyền. Khắc Lâm cậy mình là người tài cao sức mạnh, vẫn chắc rằng nữ chủ ốm nặng thì tất phải truyền ngôi cho mình. Bởi vậy hàng ngày chỉ đam mê tửu sắc, hoặc lại bàn đến chuyện làm vua. Khắc Lâm thường định phong chức cho các bà vợ, hễ khi làm vua thì bà này làm hoàng hậu, người nọ làm tả phi, người kia làm hữu phi v.v... Khắc Lâm cười mà bảo rằng:
- Nam Kim nữ chủ thật là già mà vô sỉ! Các người dây ví như sen ngó đào tơ, ta còn không thiết, khi nào lại đam mêe đến đứa dâm phụ kia. Nếu ta không sợ chút thế tử con dòng tiền vương thì ta còn dùng cái con gái già ấy làm chi, chỉ nó một lưỡi gươm là xong việc. Ngặt vì còn ngôi thế tử ở trong cung, khi ta khởi sự tất thần dân không phục. Bởi vậy ta phải nhờ đến uy lệnh của con gái già ấy, khiến cho trong ngoài không ai dám nói câu gì.
Khắc Lâm hàng ngày bàn tính với vợ con như thế, vẫn đem câu chuyện ấy làm một trò cười. Bỗng nghe Thuận Thiên vương đem binh vào canh giữ các cửa cung, Khắc Lâm càng lấy làm căm tức vô cùng, mỗi khi ra chốn triều đường, lại hết lời sỉ mạ Nam Kim nữ chủ là một đứa dâm đãng. Nam Kim nữ chủ nghĩ càng uất giận, bệnh ngày một gia tăng. Lúc thì tay chân lạnh giá như đồng, lúc thì khắp mình nóng bừng như lửa. Trước còn gượng dậy đi lại được, về sau chỉ đành nằm liệt một nơi. Nam Kim nữ chủ ngày đêm mê mẩn, trông thấy những ma cùng quỷ mà phần nhiều là những oan hồn do chính tay mình đã giết hại chúng khi xưa. Nào các cung phi cùng các nội giám và các quan văn võ triều thần bị Nam Kim nữ chủ giết oan khi xưa, bấy giờ đều xõa tóc bù đầu, xúm xít lại mà bắt phải đền mạng. Nam Kim nữ chủ biết mình chẳng sống được bao lâu nữa, mới triệu Thuận Thiên vương vào cung mà bảo rằng:
- Đại vương ơi! Tôi cho đại vương đem cấm binh vào hộ vệ hoàng thành, chỉ vì sợ Khắc Lâm cậy thế làm càn đó. Hễ tôi đây hồn về chín suối thì tất hắn thừa cơ khởi sự, chiếm đoạt ngôi trời. Vậy việc này tôi trông cậy ở đại vương đó, đại vương nên lập kế giết Khắc Lâm rồi phù tiểu thế tử lên ngôi đại bảo.
Nói xong, truyền gọi tiểu thế tử đến để lạy chào thúc phụ là Thuận Thiên vương. Tiểu thế tử vâng mệnh, đến trước mặt Thuận Thiên vương cúi đầu sụp lạy. Thuận Thiên vương ngẫm nghĩ hồi lâu rồi thở dài mà tâu rằng:
- Muôn tâu lệnh bà! Lệnh bà đã truyền dụ, khi nào kẻ hạ thần lại dám không tuân. Ngặt vì Khắc Lâm đã yết thị để bá cáo cùng thần dân trong nước rằng tiểu thế tử đây đích thị là con gái. Ngay ngôi thế tử dòng tiền vương còn đó, cớ sao phế nam lập nữ cho được! Việc này trong ngoài ai cũng biết cả, vậy lệnh bà bảo kẻ hạ thần biết nói thế nào Muôn tâu lệnh bà! Chẳng hay khi trước lệnh bà nghĩ thế nào mà lại dùng thứ thuốc độc làm cho thế tử về dòng tiền vương kia đã mắc phải bệnh câm. Lệnh bà tự quyền tạm ngôi trời thì còn không ai dám nói, chứ bây giờ định lập công chúa lên làm vua mà nói dối là hoàng nam thì khó lòng ngăn cấm được miệng người. Việc này kẻ hạ thần không dám vâng mệnh, xin lệnh bà nghĩ kế khác.
Thuận Thiên vương nói chưa dứt lời thì bỗng nghe Nam Kim nữ chủ kêu to một tiếng, rồi đàm ở cổ kéo lên, mồ hôi toát ra đầm đìa. Bấy giờ Nam Kim nữ chủ người gầy như que củi, nét mặt tái mét, chẳng còn hột máu nào. Thuận Thiên vương thấy bệnh nguy đến nơi, liền truyền bảo mọi người chung quanh rằng:
- Các ngươi nên phải cẩn mật, cấm không được tuyên tiết cho bên ngoài biết.Thuận Thiên vương nói:
- Tôi vốn tính thô thiển, có nhiều điều không nghĩ tới, vậy xin nhờ quốc cữu bày mưu giúp; bây giờ lấy cớ gì mà đem chém Khắc Lâm cho được.
Hùng Khởi Phượng thấy Thuận Thiên vương báo tin Nam Kim nữ chủ chết, liền tươi cười mừng rỡ mà hỏi:
- Nữ chủ chết thật rồi à?
Thuận Thiên vương nói:
- Chính mắt tôi đã trông thấy vừa rồi, khi nào lại còn không thật! Bây giờ tôi đã truyền khóa chặt các cửa cung.
Hùng Khởi Phượng mừng lắm, lại nói:
- Nếu nữ chủ chết rồi thì thật là hạnh phúc cho tiền vương, hạnh phúc cho Cao Ly và cũng là hạnh phúc cho đại vương vậy. vậy. Nay đại vương truyền lệnh cho các cung phi và các vương tử vào làm lễ khâm liệm, lại tuyên ngôn trả ngôi vua lại cho thế tử cũ về dòng tiền vương. Như thế thì danh chính ngôn thuận, Khắc Lâm không theo thì ta có thể bắt đem chính pháp được. Nếu đại vương sợ hắn sinh biến thì nên sai người báo tin với Doãn tướng công đem quân bản bộ đến hộ cưú. Còn đại vương cùng tôi đem cấm binh phù tá thế tử lên ngôi đại bảo, chắc rằng các quan triều thần không ai dám nói câu gì. Đó là kế vạn toàn, đại vương nên đi ngay mới được.
Thuận Thiên vương nghe nói, lẩm nhẩm gật đầu mà rằng:
- Quốc cữu thật là một bậc kỳ tài, không kém gì Trần Bình thuở xưa vậy.
Thuận Thiên vương nói xong, tức khắc đứng dậy đi ngay. Hùng Khởi Phượng vội vàng đi viết một bức thư thuật rõ việc Nam Kim nữ chủ đã tạ thế rồi, tướng công nên mau mau đem quân giúp thế tử lên ngôi đại bảo. Hễ trừ được Khắc Lâm thì trong bọn các quan triều thần không ai còn dám nói gì nữa.
Hùng Khởi Phượng viết thư xong thì vừa gặp có nội giám Trương Thuận mà bảo rằng:
- May sao nhà ngươi vừa vào tới đây! Ta có bức thư này nhờ nhà ngươi đưa ra cho Doãn tướng công, nhà ngươi nên đi mau!
Nội giámTrương Thuận nói:
- Dám bẩm quốc cữu! Tô Thành ngày nào cũng đến nhà tôi hỏi tin quốc cữu,, tôi đã nói cho biêt là quốc cữu vẫn được an hảo, nữ chủ bệnh nặng, thế tử đã khỏi câm. Tô Thành mừng rỡ bội phần, liền đi báo để cho Doãn tướng công biết. Nay quốc cữu lại muốn nói có việc chi cần gấp, già này xin tức khắc đi ngay.
Nói xong, cầm lấy phong thư, tức khắc đi ra nhà công quán, đệ trình Doãn Thượng Khanh tướng công. Doãn Thượng Khanh tướng công xem thư, mừng rỡ xiết bao, liền bảo Trương Thuận ở đấy để dẫn đường. Doãn Thượng Khanh tướng công truyền gọi Trương Long Triệu Hổ vào, trao bức thư Hùng Khởi Phượng cho xem, rồi dặn đến đầu canh năm thì đem quân tiến vào triều đường để phù tá thế tử lên ngôi đại bảo. Doãn Thượng Khanh lại nói:
- Chúng ta nhờ việc này, may ra mới được sinh toàn vậy phải nên cố hết sức!
Trương Long và Triệu Hổ nghe nói, mừng rỡ bội phần, tức khắc đội mũ trụ và mặc áo giáp, và họp các quân để khởi sự. Người Cao Ly vẫn nghe tiếng quân Nguyên cường tráng, bỗng thấy khởi sự, ai nấy đều khiếp đảm kinh hồn. Bấy giờ Thuận Thiên vương ra chốn triều đường, tuyên chiếu cho các quan văn võ triều thần nghe. Các quan triều thần đều cúi mặt nín lặng, không ai dám nói gì cả. Chỉ có Khắc Lâm hầm hầm nổi giận, mà rằng:
- Nhà ngươi chớ nói càn! Nhà ngươi định nói ai, chứ nói dối ta sao được! Người đã có bệnh câm, khi nào lại còn biết nói, lục đậu thang há phải là một vị thuốc thần! Quả nhiên Thuận Thiên vương bịa chuyện nói càn, để muốn thừa cơ đem lòng phản nghịch. Nếu bảo ngôi thế tử là gái giả trai sao không đem ra chốn triều đường để khám nghiệm, còn như bảo ngôi thế tử trước nay đã nói được thì phỏng có ai nghe lọt vào tai!
Nói xong, tức khắc quay mình lui ra. Khi ra đến cửa ngoài thì vừa gặp Doãn Thượng Khanh tướng công. Khắc Lâm đã toan lánh mặt, nhưng bấy giờ không thể lánh vào đâu cho được. Doãn Thượng Khanh tướng công trông thấy liền quát to lên mà bảo các tướng rằng:
- Các tướng đâu! Chớ để cho đứa gian nhân tẩu thoát.
Trương Long và Triệu Hổ vâng mệnh, tuốt gươm ra mà cùng chém Khắc Lâm. Doãn Thượng Khanh tướng công truyền cắt lấy thủ cấp Khắc Lâm đem ra chốn triều đường, các quan văn võ triều thần trông thấy đều sợ run cầm cập. Doãn Thượng Khanh tướng công nói với các quan văn võ triều thần rằng:
- Thủ cấp Khắc Lâm đây rồi! Nếu ai còn dám nói ngang thì sẽ trông vào lưỡi gươm sắt này.
Các quan triều thần đều vâng vâng dạ dạ xin tuân lệnh, Doãn Thượng Khanh tướng công ngẩng người trông thấy Hùng Khởi Phượng và Thuận Thiên vương đang nửa mừng nửa thương, chưa biết nói sao cho xiết! Bỗng nghe ở mặt cửa ngoài có tiếng người huyên náo, Trương Long và Triệu Hổ quì xuống bẩm rằng:
- Dám bẩm tướng công và quốc cữu! Có người em Khắc Lâm tên gọi là Ma Y, nay đem cấm binh đến đánh báo thù.
Doãn Thượng Khanh tướng công cười nhạt mà bảo rằng:
- Làm chi lũ chuột nhắt ấy! Hai vị tướng quân nên mau mau dẹp ngay đi, chớ chậm trễ.
Trương Long và Triệu Hổ vâng mệnh ra đánh Ma Y, còn ở trong triều thì đang trần thiết các đồ nghi vệ để thỉnh tân quân lên ngôi đại bảo.

<< Hồi thứ 15a | Hồi thứ 15c >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 991

Return to top