Dạo còn du học ở Seoul (Hàn Quốc), những ngày nghỉ cuối tuần, tôi thường đi nhà thờ hoặc theo những phái đoàn thuộc đạo Cơ đốc giáo đến những vùng xa xôi làm công tác từ thiện.
Đối với tôi, việc làm từ thiện nào cũng đáng qúi, nếu được xuất phát từ tình yêu thương giữa con người với con người. Nó giúp cho người trẻ tuổi mở rộng tấm lòng bác ái và cho người già tấm lòng an ủi, sẻ chia.
Công tác từ thiện cũng giúp cho tôi hiểu và yêu thêm đất nước và con người Hàn Quốc, vì được đi nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người, những người già cô đơn, tàn tật về thể xác và tinh thần, những người gặp hoàn cảnh bất hạnh mà ở đất nước nào cũng có.
Hôm đó, từ phi trường KimPo, chúng tôi gồm bảy người – 4 năm, 3 nữ - đáp máy bay đi về Busan, một tỉnh thuộc miền nam nước Hàn. Bầu trời Busan vào mùa hè trong sáng, xanh lơ. Chúng tôi thuê một xe riêng từ phi trường Busan chở chăn mền, quần áo, thực phẩm … về một ngôi làng nhỏ ở vùng đồi núi xa xôi để phân phát cho những người nghèo khó trong làng theo danh sách do Chi Hội Cơ đốc giáo tại đó cung cấp.
Công việc được tổ chức chu đáo nên chúng tôi chỉ làm trong một buổi chiều là hoàn tất. Những giọt lệ, những nụ cười trên gương mặt nhăn nheo của những người già, những người nghèo khổ đã làm chúng tôi cảm động. Ông Kwang - trưởng đoàn - hứa với dân làng sẽ quyên góp, vận động thêm để xây dựng trường học cho trẻ em. Mọi người nhận quà ra về với những hy vọng và những niềm vui.
Chúng tôi phải ở lại vì đường về ban đêm khó đi. Cô Ju, sinh viên, cũng là người trong đoàn làm công tác từ thiện, vốn là dân địa phương ở vùng đèo heo hút gió này. Nhưng gia đình cô đã đến Seoul lập nghiệp từ lâu, rủ tôi về thăm ông ngoại cô, vốn là một cựu chiến binh có tham dự cuộc chiến tại Việt Nam, còn ở lại trong làng này. Cô biết tôi mang hai dòng máu Hàn - Việt nên rất muốn giới thiệu tôi với ông ngoại cô.
Cô xin phép ông Kwang, được ông đồng ý, nhưng dặn chúng tôi phải có mặt lúc 6 giờ sáng để kịp về.
Bầu trời ban đêm đầy sao nhưng nhiệt độ ở miền núi xuống thấp nên chúng tôi cảm thấy rất lạnh. Nhìn dáng co ro của tôi, cô Ju nói:
- Ở Việt Nam, bây giờ chắc thời tiết nóng lắm?
- Vào mùa hè, ở Miền Nam trời đang mưa. Nhà ông ngoại của cô có xa không?
- Qua khỏi con dốc kia sẽ tới.
Tôi bỗng nhớ Đà Lạt, một miền đất đầy những dốc đồi và hoa. Đó là thành phố của những cuộc tình lãng mạn và nỗi nhớ nồng nàn. Nhưng cũng là một thành phố lạnh lẽo đối với những du khách hết tiền.
Xuống lưng chừng dốc, nhà ông ngoại của cô Ju hiện ra với ngôi nhà gỗ thấp dưới lùm cây, lung linh những ngọn nến nhỏ sáng trước hiên. Có mấy ông già đang ngồi đọc kinh đêm với giọng ngân nga khàn khàn chậm rãi. Giọng đọc có vẻ hụt hẫng nhưng thống thiết. Cô Ju nói thầm thì với tôi:
- Họ đều là cựu chiến binh, bạn của ông ngoại tôi. Ban đêm họ đọc kinh thay phiên từng nhà. Hình như để cầu nguyện điều gì đó…
Chúng tôi ngồi ngoài vườn chờ xong buổi đọc kinh đêm mới bước vào hiên. Cô Ju giới thiệu tôi với ba ông già. Tôi lễ phép cuối chào từng người. Họ ồ lên kinh ngạc khi biết tôi từ Việt Nam tới. Họ mời tôi ngồi chung quanh họ để chuyện trò.
Ông ngoại của cô Ju có vẻ lớn tuổi và già cỗi hơn hai người kia. Ông nhìn tôi chăm chăm, rồi hỏi:
- Ở Việt Nam bây giờ ra sao?
- Dạ, cũng có nhiều thay đổi.
- Cháu có biết vùng Hòn Giẽ, hòn Nưa ở Phú Lạc gần cảng Vũng Rô không? Nơi trung đoàn 28 chúng tôi ngày xưa đóng quân ở đó…
- Dạ, biết! Bây giờ ở vùng đó họ cất nhiều nhà lắm. Không còn dấu vết của chiến tranh.
- Mấy chục năm rồi còn gì! Bây giờ người dân ở đó họ sống có sướng không?
- Dạ, cũng sướng như ở đây…
Một ông già khác, có những vết sẹo trên gương mặt nhăn nheo bỗng nói chen vào:
- Ở vùng đó bây giờ chắc nhiều ma lắm! Vùng nhiều Việt Cộng, nhiều nhất là ở Phước Giang, còn ban đêm thì họ đi ghe nhỏ từ trên núi xuống theo con sông Đà Nông. Lúc chiến tranh chúng tôi là lính của trung đoàn 28 thuộc sư đoàn Bạch Mã, có những trận đánh khốc liệt ở vùng này. Số lượng người chết của hai bên nhiều lắm! Đêm nào chúng tôi cũng cầu nguyện cho những linh hồn đã tử vong ở vùng đó …
- Dạ…
- Thôi, đừng nhắc tới chuyện đó nữa, ông Sung à! Cháu đây còn trẻ, đâu biết gì về chiến tranh.
Ông già thứ ba, bị hư một con mắt bên trái, cắt ngang lời người bạn.
- Ờ, ờ…phải quên đi quá khứ để xây dựng tương lai cho các thế hệ trẻ sống chớ, phải không cháu? Ông già mặt đầy thẹo, quay sang hỏi tôi.
- Dạ…
- Cậu này sinh viên mà hiền khô. Có bạn gái chưa? Ông ngoại của cô Ju hỏi.
- Dạ! Cháu còn đi học.
- Được đó! Khi nào tốt nghiệp, về Hàn Quốc lấy vợ. Con gái Hàn Quốc cũng đẹp như con gái Việt Nam.
- Dạ!
- Nhưng đàn bà Việt Nam chung thủy hơn đàn bà Hàn Quốc!
- Chưa chắc! Bây giờ ở đâu cũng vậy ông ơi! Ông già thứ ba nói chen vào.
Ông ngoại cô Ju nói với tôi:
- Chúng tôi già cả, lẩm cẩm rồi! Khi nào về Việt Nam, đến thăm vùng hòn Giẽ - hòn Nưa, cậu nhớ nói dùm là chúng tôi xin lỗi dân ở đó.
- Đêm đêm chúng tôi vẫn đọc kinh cầu nguyện linh hồn những người đã chết ở vùng đó. Bây giờ cậu vào trong nhà để cháu Ju giới thiệu cho biết gia đình tôi.
- Dạ! Cháu xin chào ba ông.
Tôi cúi chào thật thấp khi nghe tiếng cô Ju gọi tôi vào.
Đêm đó, ngồi trong vườn cây, cô Ju hôn tôi với những nụ hôn nồng ấm. Nhưng sau này, chúng tôi chỉ là bạn bè với nhau. Mỗi lần nhớ tới những nụ hôn của cô, tôi lại nhớ đến gương mặt của ba ông già sau chiến tranh. Đêm đêm vẫn cầu nguyện cho những người đã chết bằng cái giọng khàn khàn, thống thiết.