Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Những Mảnh Đời Luân Lạc

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11059 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những Mảnh Đời Luân Lạc
Trần Đại Nhật

- 9 -

Những trang nhật ký sau đây, được tôi ghi chép lại trong thời gian đi tìm tung tích những người con lai Hàn. Những dòng chữ ghi vội vã, có chỗ bị mờ nhòe, trên những trang vở học trò được làm bằng giấy xấu bây giờ đã bị ố vàng theo thời gian, vẫn hiện rõ lên trong tâm trí tôi về những mảnh đời luân lạc, mỗi lần đọc lại.

Họ vẫn còn sống đâu đây quanh ta, một cuộc sống trong địa ngục trần gian, với các thế hệ con cháu tiếp nối cho đến bao giờ?

***

Ngày … tháng … năm …

Nghe nói ở vịnh C. có một đứa sơ sinh lai Hàn sau khi chào đời đã bị đâm vài nhát dao vào bụng, cái xác bị vứt vào thùng rác, mình không cầm được nước mắt.

Trên đời, tại sao có người mẹ nào nhẫn tâm như vậy? Hoàn cảnh nào đưa đến khiến người mẹ ấy phải giết chết đứa con mình mới đẻ ra bằng những hành động man rợ như vậy? Người ta thường nói, hổ dữ còn không ăn thịt con kia mà! Ở đây, người đàn bà đã làm điều ấy, chắc chắn phải có những lý do vô cùng căm phẫn.

Tôi quyết định sẽ đến tận nơi để tìm hiểu câu chuyện này.

Ngày … tháng … năm …

Chuyến đi khá vất vả, bằng đủ loại phương tiện, xe lửa, xe đò, xe ôm … Có đi khỏi thành phố nơi mình đang sống, mới thấy đời sống của dân miền Trung còn khá vất vả. Những mảnh ruộng cằn cỗi, xơ xác; những mái nhà lụp sụp tồi tàn; những gương mặt đen đúa, khắc khổ; những dáng người gầy còm trong bộ quần áo tả tơi, vá víu. Đâu phải chỉ là hậu quả của chiến tranh, mà còn là hậu qủa của một thời kỳ “quaù độ”, “bao cấp”. Sự lầm lẫn về cách làm “khoanh vùng kinh tế địa phương” cũng như sự quản lý lỏng lẻo về con người đã dẫn đến một đời sống cơ cực như vậy. Không biết đến một lúc nào đó, người dân sẽ trách ai đây? Hay chỉ ngửa mặt kêu trời không thấu?

Tôi đến một làng quê nghèo, cách vịnh C. chừng hai mươi cây số đường chim bay. Nơi đây, trong thời chiến, được xem là một vùng xôi đậu, được sự “chăm sóc” của trung đoàn 30 thuộc sư đoàn Bạch Mã Đại Hàn, bằng những trận hành quân, càn quét cùng quân đội đồng minh và lính quốc gia. Điều đó còn ghi dấu trên những ngôi nhà đổ, tường vách lổ chổ vết bom đạn, những thân dừa cháy xém, cụt đầu, những ánh mắt cảnh giác, nghi ngờ khi nhìn người lạ.

Tôi hỏi một người đàn ông có vóc dáng gầy nhom tình cờ gặp trên đường;

“Chú ơi! Ở đây có biết nhà bà B. không?”.

Người đàn ông đang vác cuốc dừng lại ven đường, hấp háy đôi mắt nhỏ e dè nhìn tôi từ đầu xuống chân, từ chân lên đầu. Một lát, ông ta thận trọng hỏi:

“Ông là ai? Làm nghề gì? Ở đâu lại? Hỏi nhà bà B. làm chi?”.

Tôi hỏi lại:

“Ông có biết nhà bà B. không?”

Người đàn ông vẫn giương đôi mắt nhỏ, đứng nhìn tôi bên vệ đường, không nói. Tôi thấy chán nản, bỏ đi.

Tôi không hiểu tại sao con người lại nhìn con người bằng ánh mắt nghi kỵ như vậy. Người dân quê Việt Nam mình từ trước đâu có vậy. Không lẽ vì cuộc sống đói khổ, họ đã nhìn người lạ như nhìn thấy kẻ thù?

Tôi không trách họ mà cảm thấy thương cho họ - những người dân quê chân lấm tay bùn ấy. Chỉ trách những kẻ đã nhồi nhét vào đầu óc họ một loại ý thức hệ không đúng bản chất của con người, để sử dụng họ như những công cụ.

Ngày … tháng .. năm…

Nhà bà B. bị phá tan hoang vì sự phẫn nộ của một người nào đó. Tường vách đổ sụp, mái tôn bị tháo dỡ, cỏ dại và dây leo mọc lên um tùm. Một con mèo đen ngồi thu chân trên đống gạch vụn, chăm chú rình mồi.

Tôi quay trở lại, mồ hôi vả ra như tắm nên ghé vào một quán nước ven đường. Người bán quán là một phụ nữ đứng tuổi, chào tôi bằng nụ cười toe toét nhưng ánh mắt không cười. Bà ta hỏi:

“Cậu uống gì?”

“Bà cho chút gió và một ly chanh đá. Trời nóng quá!” người đàn bà vào trong, đem ra đưa tôi một cái quạt làm bằng mo cau đã cũ.

“Cậu dùng tạm. Trời nóng quá!”.

Khi người đàn bà mang ly chanh đá ra, tôi hỏi:

“Bà có biết bà B. không? Bây giờ gia đình họ đi đâu rồi?”

Bà ta hỏi lại:

“Cậu là ai mà hỏi bà B?”

Tôi là ai? Một người xa lạ, đang đi sưu tầm danh sách những người con lai Hàn. Nhưng đâu cần nói những điều ấy cho bà ta biết. Nếu thế, sẽ rước họa vào thân. Tôi trả lời:

“Tôi là cháu kêu bà B. bằng dì. Ở trong Nam ra thăm. Không ngờ nhà cửa tan hoang hết!”

Như tìm được người để nói chuyện, người đàn bà ngồi xuống chiếc ghế gỗ trước mặt tôi. Bà ta kể lại:

“Bà B. có một đứa con gái mới 18 tuổi bị cưỡng hiếp trong một lần lính Nam Triều Tiên đi càn. Tụi nó đi qua làng, bị du kích bắn tỉa chết hết một thằng, nên nổi giận muốn giết sạch cả dân làng. Chúng nó lùa dân ra bờ sông, bất kể gìa trẻ bé lớn mà tụi nó gặp, bắt qùi xuống rồi xả súng máy quét sạch. Xác người trôi lềnh khênh, máu nhuộm đỏ cà một khúc sông. Thảm lắm cậu ơi! Mấy ngày sau, quạ ó còn bay đầy trên khúc sông đó. Hôm đó, tôi và bà B. có việc đi thành phố nên thoát chết. Con gái bà B. trốn được trong một cái xó xỉnh nào đó nhưng bị một thằng lính Nam Triều Tiên phát hiện, cưỡng hiếp xong thấy tội sao đó nên nó tha. Chồng bà B. bị giết trong đám người ven sông. Khi tôi và bà B. từ thành phố trở về, thấy cảnh đó, bà B. trở nên điên loạn. Nhưng chiến tranh mà, cậu ơi, biết làm sao được. Người dân tựa như ngọn cỏ cho người ta dẫm đạp, gió thổi bên nào thì rạp theo bên đó. Khổ sở trăm bề, cậu ơi!...”.

Tôi bưng ly chanh đá lên uống ừng ực. Trời nóng như thiêu như đốt, có lẽ, một phần do câu chuyện của người đàn bà bán quán kể.

“Nghe nói, đứa con lai Hàn bị giết chết, đem vứt vào thùng rác?”. Tôi hỏi người đàn bà.

Bà ta nhìn tôi, thở dài não nuột:

“Oan oan tương báo, cậu à! Chính lòng căm thù lại đẻ ra căm thù. Để tôi kể tiếp cho cậu nghe!

Bị hiếp, cha chết, đứa con gái phải bỏ học, ở nhà làm ruộng nuôi mẹ. Bà mẹ lại khi tỉnh khi mê. Cho đến khi người ta phát hiện ra đứa con gái bà B. có thai thì đã ba, bốn tháng, đâu có thể phá cái bào thai ấy được . Bà B. lúc tỉnh thấy con gái mình như vậy thì ôm nó khóc, biểu phải phá đi, lúc mê thì hành hạ đánh nó, xé cả quần áo của con nhỏ tả tơi.

Cho đến ngày đứa con gái chửa hoang sinh nở. Đó đúng là một đêm kinh hoàng…

Con nhỏ chuyển bụng đau kêu la từ buổi sáng đến đêm mới sinh. Chính tôi cắt rún đứa trẻ chứ ai. Mẹ tròn con vuông. Nó sinh ra một đứa con trai kháu khỉnh, bụ bẫm, mắt một mí y như mấy thằng lính Nam Triều Tiên.

Nhưng cậu có thể tưởng tượng không? Khi thấy đứa nhỏ khóc oe oe chào đời, bà B. tóc tai bù xù, nổi cơn điên nói cười sằng sặc, cầm dao rượt hai mẹ con nó, đòi giết đứa nhỏ để trả thù cho chồng bà. Nhưng, trẻ con có tội tình gì đâu! Mẹ nó cũng chỉ là nạn nhân vô tội. Tôi và mấy người hàng xóm chạy theo khuyên bà, bà đâu có nghe, cứ cầm dao rượt tới. Con nhỏ phải ẵm con chạy vòng vòng trong vườn, trốn vào một bụi lùm nào đó. Bà B. vô nhà đóng cửa lại, tưởng bà đi ngủ, đã yên, chúng tôi bỏ về.

Nhưng chính tiếng khóc của đứa trẻ đã làm bà B. phát hiện ra chỗ hai mẹ con nó núp. Chẳng nói chẳng rằng, bà kéo đứa trẻ ra khỏi tay mẹ nó, quăng xuống đất, cằm con dao nhọn đâm tới tấp  vào thân hình non nớt của đứa bé sơ sinh rồi bỏ đi. Đứa con gái la khóc dậy trời, ẵm cái xác đứa con cứ đi vòng vòng cho đến sáng cũng nổi cơn điên vứt nó vào một sọt rác.

Sau đó, cả hai mẹ con bỏ đi đâu mất. Nhà cửa không người chăm sóc, trở thành ngôi nhà hoang, bị người ta lén tới dỡ mái, đập phá …

Bây giờ không biết họ đã trôi giạt về đâu? Dễ chừng đã mấy chục năm rồi cậu à! Bà B. chắc đã chết, còn đứa con gái của bà?…

***

Ngày… tháng … năm …

Nghe nói ở tỉnh P. cũng có hai trường hợp sinh con lai Hàn khá bi đát xảy ra. Tôi xin kể tóm tắt hai trường hợp này. Có người tin có người không tin. Nhưng biết làm sao được? Sự kiện có thật, đã xảy ra như vậy, nhưng cái nhìn, suy nghĩ của mỗi người mỗi khác.

Trường hợp thứ nhất, qua lời tường thuật của một người chăn nuôi ngựa:

“Tôi là người duy nhất trong làng còn làm nghề chăn nuôi ngựa, để cung cấp giống ngựa con và cho những người chạy xe thổ mộ.

Giống ngựa có trí nhớ về mùi rất tốt. Một con ngựa con xa mẹ, dẫu người ta có bắt nó đi sang một tỉnh khác, nuôi lớn lên, khi gặp lại mẹ nó, nó vẫn nhận ra. Giống ngựa không bao giờ loạn luân. Đó là một đặc tính của ngựa mà tôi rất quí.

Tôi còn nhớ trong làng tôi có một cô gái chửa hoang với tụi Đại Hàn đóng trong một doanh trại gần đó. Không biết cô gái ấy đã lấy thằng lính Đại Hàn nào, vì tụi nó thoạt nhìn đều na ná giống nhau. Lùn lùn, mắt một mí, tóc cắt ngắn, vóc dáng thấp thấp nhưng tướng đi chắc chắn. Gia đình, khi thấy cái bụng của đứa con gái càng ngày càng nhô cao, có hỏi, cô gái ấy chỉ lắc đầu, cười cười, ngơ ngác chỉ tay vào doanh trại Đại Hàn.

Khi tụi nó dỡ doanh trại đi nơi khác, cô gái ấy như người bị bệnh tâm thần, chiều chiều bẻ một nhành lá cầm tay huơ huơ, đi qua đi lại chỗ đóng quân của doanh trại cũ, vừa đi vừa hát lảm nhảm những câu vô nghĩa nào đó.

Nhà cô gái ở cạnh nhà tôi một quãng, khi đi qua, cô hay nhìn vào cái chuồng ngựa, lúc tôi đang tắm táp, kỳ cọ cho từng con ngựa hoặc đang bỏ cỏ tươi cho đàn ngựa ăn. Dáng cô gái bơ phờ, đầu tóc rũ rượi, xác xơ, cháy nắng. Cái bụng to lặc lè, bước đi khó khăn. Hình như cô gái ấy đã gần tới ngày khai hoa nở nhụy.

Một đêm, trời đã về khuya, tôi đang ngủ thì nghe có tiếng lũ ngựa hý lẫn tiếng con nít khóc. Lũ ngựa thỉnh thoảng hý lên khi có một mùi nào lạ tới gần. Tôi lắng nghe, trờ dậy thì nghe tiếng la hét của ai đó rồi im bặt. Không khí ban đêm tĩnh lặng đến lạnh lẽo. Bầy ngựa vẫn đang lục đục trong chuồng. Tôi đốt ngọn đèn chai, đi soi thử có việc gì xảy ra. Lúc ấy, thật tình mà nói, tôi rất buồn ngủ và không thấy có điều gì xảy ra.

Đến sáng, trời ơi, khi tôi ra chuồng ngựa thì thấy một đống thịt bầy nhầy còn mang cái đầu dập nát của một đứa trẻ sơ sinh ai đã quăng vào chuồng ngựa.

Tôi tri hô lên, người ta chạy lại, mới biết là đứa con mới đẻ của cô gái điên dại có chửa hoang với tụi lính Đại Hàn.

Tôi chôn cất tử tế và xây dựng cho đứa bé một ngôi mộ nhỏ dưới cội hoàng lan.

Còn cô gái đã bỏ làng đi đâu mất biệt cho đến bây giờ… Từ đó, tôi không thích chăn nuôi ngựa nữa.

***

Ngày… tháng … năm…

Tôi nhớ mãi hình ảnh của người đàn bà câm ngoài quê tôi. Thời chiến tranh, nhà bà sống gần một doanh trại của lính Đại Hàn đóng quân. Lúc ấy, bà mới là một cô gái hai mươi tuổi, chỉ thua mẹ tôi vài tuổi.

Nghe mẹ tôi kể, người đàn bà ấy bị câm và bị bệnh đậu mùa nên không có chàng trai nào để ý đến, mặc dù bà có gương mặt coi cũng tạm được. Nói chuyện với người khác, bà ra dấu bằng tay với những cử chỉ của riêng bà. Lúc đầu, không ai hiểu gì cả. Sau dần, người ta cũng quen thuộc, biết bà muốn gì. Ví dụ, bà thường lấy tay chỉ chỏ vào doanh trại Đại Hàn và chỉ vào “cái ấy” của bà, người ta cười ồ lên và hiểu là tụi lính Đại Hàn đã nhiều lần hãm hiếp bà, hay “bốc hốt” gì đó.

Lúc còn nhỏ, tôi sống ở nhà bà ngoại, thường đánh heo đực đi thả nọc – bây giờ người ta gọi là đi phối giống – cho những nhà có nuôi heo nái cần, nên thỉnh thoảng có gặp bà. Mỗi lần gặp tôi, bà thích lấy tay chỉ vào đôi mắt một mí của tôi rồi ra dấu cho tôi hiểu nó giống đôi mắt một mí của con bà. Những lúc như thế, tôi thấy gương mặt bà câm thật tội nghiệp. Đôi mắt bà rơm rớm lệ khi nhớ đến những đứa con rơi với lính Đại Hàn, sau mỗi lần sinh nở, bà phải cho người ta vì nuôi không nổi.

Nghe nói bà có tới ba đứa con lai Hàn. Chúng không biết cha chúng là ai. Và tôi cũng không tài nào tìm được những người con lai ấy bây giờ ở đâu, họ còn sống hay đã chết.

Còn người đàn bà ấy, hiện giờ trở thành một bà già còm cõi, đi xin ăn hàng ngày, thỉnh thoảng ngửa mặt lên trời, ngoéo ngón tay trở lại đưa lên cao như một dấu hỏi.

***

Ngày … tháng … năm …

Một cô gái khác, đã bỏ một đứa bé sơ sinh lai Hàn vào một chuồng dê.

Đứa bé này khát sữa la khóc nhưng số phận của nó may mắn hơn đứa trẻ bị bỏ vào chuồng ngựa.

Một con dê mẹ có sữa cho con bú đã tới ngửi ngửi đứa bé. Hai tay của đứa bé huơ huơ lên không trung trúng bầu sữa của con dê mẹ. Và con dê mẹ, không biết bằng một phép lạ nào đó, đã cho đứa bé bú bằng những dòng sữa dê của mình.

Đứa bé sống được 10 ngày nhờ sữa dê mới có người phát hiện …

Ngày … tháng … năm …

Còn nhiều cảnh đời có liên quan đến những người con lai Hàn bi đát nhất mà tôi có dịp chứng kiến, ghi lại. Họ đang sống lây lất ở khắp nơi, làm đủ thứ nghề tận đáy xã hội để kiếm sống, tồn tại. Không giấy tờ, không nghề nghiệp, không tiền bạc để đi xuất khẩu lao động, họ sống như bầy chuột chui rúc khắp nơi, từ thế hệ đời con, sang đời cháu, đời chắt, vừa nghèo đói vừa mù chữ vì không được học hành.

Ai chịu trách nhiệm về họ? Lịch sử ư? Các chính phủ Hàn Quốc - Việt Nam ư?

Vẫn chưa có tiếng trả lời.

Và những mảnh đời luân lạc vẫn đang sống chui rúc như bầy thú hoang giữa sa mạc con người.

<< - 8 - | - 10 - >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 966

Return to top