Ông Năm Thọ như người mất hồn, râu tóc phờ phạc. Ông đến nhà Tám Tấn. Ông nghĩ, thôi nên nói cho anh ấy biết. Thật xấu hổ với anh chị bên ấy. Ảnh giúp đỡ mình nhiều. Còn mình, chỉ mỗi chuyện gả con cho cậu Hai cũng không xong. Còn Dung trốn đi đằng nào mà cả nhà tung đi tìm khắp nơi vẫn vô vọng. Nó chỉ mang theo vài bộ quần áo cũ. Con nhỏ vậy mà gan. Không biết nó sống ra sao đây?
Tám Tấn đang ngồi làm việc bên chiếc bàn kê cạnh cửa sổ. Thấy ông Năm đến, Tám Tấn ra đón. Hai người bắt tay nhau rất chặt. Ông Tám lúi húi pha trà. Nhận thấy bạn ủ rũ, mất hẳn phong cách nói cười ào ào như mọi ngày, ông lờ mờ đoán có chuyện gì không hay. Đẩy ly trà về phía bạn, ông hỏi giọng thân tình:
- Chắc anh có chuyện buồn?
Năm Thọ đáp, giọng chùng xuống:
- Tôi già rồi anh Tám, sức đã yếu…
Tám Tấn ngạc nhiên nhìn bạn. Ông làm bộ lạc quan để bạn vui:
- Anh còn khỏe mà. Tụi tôi còn thua anh ấy chứ. Nào anh có chuyện chi buồn, tâm sự tôi nghe được không?
- Anh Tám ơi – ông Năm nghèn nghẹn – tôi thất hứa với anh. Con gái tôi nó không chịu con anh. Nó bỏ nhà đi rồi.
Nói xong, ông Năm lôi trong túi ra hộp nữ trang màu đỏ chói để lên bàn:
- Tôi không muốn thất hứa với anh chị. Nhưng đã lỡ rồi. Anh chị tha lỗi cho tôi.
Tám Tấn kêu lên:
- Sao anh để đến nỗi con bé bỏ nhà ra đi? Có phải anh chị ép nó không? Hôm đến hỏi, tôi thấy mặt nó buồn rười rượi, đã nghi nghi.
- Lúc đầu thấy tụi nó nói chuyện với nhau vui vẻ, tôi cứ tưởng…
Tám Tấn gay gắt:
- Mới nhìn tụi nó vui vẻ với nhau mà anh đã tưởng chúng yêu nhau à? Bây giờ lớp trẻ nó khác xa tụi mình hồi xưa. Chúng nó chở nhau đi chơi, đi nhảy đầm tới khuya mới về cũng chưa hẳn là yêu nhau, chưa nói nhận lời cầu hôn. Tôi cũng có khuyết điểm như anh, nghe con nói đã tin. Bây giờ lỡ rồi. Anh ráng đi tìm cháu về, đừng để cháu lang thang rồi bị lừa gạt, trở nên hư hỏng, tội nghiệp.
Ông Năm xúc động, mặt méo mó:
- Tôi đã cho người đi tìm suốt mấy ngày, nhưng vẫn biệt tăm…
Tám Tấn ngồi lặng trên ghế, buồn rười rượi. Hai ông già ngồi vậy, không nói với nhau thêm lời nào nữa. Hình như họ có chung nỗi cô đơn.
Một lúc lâu, ông Tám chợt tỉnh trước và lái câu chuyện sang hướng khác để bạn khuây khỏa:
- Chuyện cầu cảng bên đó lo đến đâu rồi, anh Năm?
Ông Năm ậm ừ một lát, mới lên tiếng:
- Tôi và mấy anh em bên công ty lương thực đã làm việc với Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, định mua một dãy đất ven cửa sông dưới cảng cá một đoạn, xây dựng thành bến cảng để xuất khẩu lương thực. Vô Vũng Tàu có xa một chút nhưng ta đón tàu xuất được ngay. Gạo không thể để lâu vì dễ mất phẩm chất. Trước mắt ta thuê cảng của Liên doanh dầu khí Việt – Xô.
- Anh xem ta chở gạo vô Vũng Tàu bằng đường sông được không?.
- Được, nhưng phải đi thị sát trước đã.
Ngừng một lát, ông Năm thở dài:
- Tôi thấy mình già yếu rồi, công việc lại tối mắt, tối mũi. Kỳ này tôi xin nghỉ thôi anh Tám. Cũng nên nhường cho lớp trẻ.
Tám Tấn đứng dậy đi đến bên bạn vừa nói, vừa đặt tay lên vai Năm Thọ, thân thiết:
- Cách đây chưa lâu, anh có ý định ra tranh cử. Anh khẳng định mình còn khỏe. Vậy mà bây giờ… Có phải anh nghĩ rằng, không ngồi sui với tôi, tôi không ủng hộ anh chăng? Chắc anh đã nghe tình hình thế giới, tình hình của các nước Xã hội chủ nghĩa đang căng thẳng. Chúng ta phải đề cao cảnh giác cách mạng. Bởi vậy lớp chúng ta càng cần nắm chính quyền. Anh phải ra làm chủ tịch nhiệm kỳ nữa. Tôi sẽ làm công tác sắp xếp cán bộ, còn phải làm công tác tư tưởng cho kỳ họp Hội đồng nhân dân sắp tới bầu anh.
Mắt ông Năm sáng lên. Ông ôm lấy bạn, lòng dạt dào và cảm kích:
- Anh Tám! Chúng ta không thể giao chính quyền cho bọn sẵn sàng đổ xuống sông, xuống biển mọi thành quả của cách mạng. Cần chuyên chính với chúng, phải không anh.
Tám Tấn lặng yên. Ông rùng mình: Ham muốn quyền lực trong con người ta ghê gớm thật: Hơn cả tình phụ tử, hơn cả tình yêu, hơn cả…
Cực Nam Trung Bộ năm 1990
Sửa lại tháng 2 năm 2003