Lần đầu tiên Dung được về thăm quê nội. Đó là một xã nằm bên con sông nước xanh ngắt, đôi bờ cát trắng xoá. Những ngôi nhà cất chênh vênh bên sườn đồi thoai thoải. Tiếng máy đuôi tôm vang rất xa. Đây là thị tứ, cũng là chợ của một vùng ba xã, sâu trong vùng rừng núi trước là căn cứ địa cách mạng. Nhà nội Dung nằm ở cuối thị tứ, quay mặt ra sông, bốn mùa lộng gió. Căn nhà ngói nằm núp trong vườn dừa um tùm. Đất ở đây hợp với cây dừa. Dừa trước cửa, dừa ven sông, dừa ven ao, cây dừa lấn lướt các cây khác. Loại dừa lửa cao vút, trái vàng rực như nắng ban mai. Dừa xiêm thấp lè tè, trái chi chít trong tán lá sum sê. Ngôi nhà được cất lại sau ngày ba cô lên làm chủ tịch. Má kể: trước đây nó là ngôi nhà lá, rộng gần sáu chục mét vuông. Căn nhà thấp lè tè, mùa mưa, nền nhà ướt sũng. Ba cô lớn lên từ ngôi nhà đó và đi làm cách mạng. Mới mười tuổi ông đã phải đi làm. Mặc chiếc quần xà lỏn bằng bố tời, sáng chưa rõ mặt người, ông đã phải vác cuốc theo cha đi cuốc mướn cho nhà địa chủ Hai Thanh. Hai cha con làm quần quật suốt ngày mới kiếm đủ tiền đong gạo. Có bữa còn bị chủ quỵt tiền công. Lên tuổi 15 nghe cán bộ cách mạng nói: "Dân ta bị đói khổ, cơ cực là do bọn địa chủ, bọn thực dân bóc lột. Phải đánh đổ chúng, giành lại độc lập cho nước nhà, dân nghèo mới hết khổ, mới được bình đẳng. Ba cô nghe náo nức. Lúc đầu, ông làm liên lạc, chạy thư từ, nuôi giấu cán bộ. Ông được các đồng chí yêu mến vì tính chịu khó, lòng trung thành vô hạn với cách mạng, tin vào lý thuyết xác lập một xã hội tự do, bình đẳng, không có người bóc lột người. Niềm tin đó cho ông nghị lực để vượt qua gian khó trong mấy chục năm qua. Dung tiếc, không còn thấy ngôi nhà xưa, một thời ba cô đã sống và lớn lên. Ngôi nhà đã được xây lại. Nền nhà được tôn cao và lát gạch bông. Tuy vậy, Dung còn gặp những phần của quá khứ. Đó là chiếc bàn thờ, trông nó cũ kỹ. Nhưng nó là nơi để thờ phụng, ông Năm không thể bỏ đi. Trên bàn bộ lư hương vàng chóe. Trên cao chính giữa gian nhà thờ trang nghiêm ấy vẫn còn lại vòng hoa kết bằng kim tuyến của tỉnh ủy, ủy ban và mặt trận Tổ quốc tỉnh nổi rõ dòng chữ "Kính viếng". Đám ma ông nội Dung, mới hơn một năm. Bữa đó Dung cũng biết, ông bà Năm tất bật lo đám tang ở quê. Công việc của cô cũng nhiều hơn. Nhưng hồi đó Dung chưa được nhận làm con ruột, cô nhìn đám tang với ánh mắt bàng quan. Giờ đây ngước nhìn bàn thờ dòng họ nhà mình, cô cảm thấy xa lạ. Kể cả ngôi nhà cũng vậy, nó không làm cho cô mảy may xúc động. Căn nhà là nơi thờ phụng ông bà và nơi ông Năm về nghỉ ngơi sau những ngày vật lộn với công việc. Ông thích vườn dừa và dòng sông xanh biêng biếc trước nhà. Gió từ mặt sông thổi vào làm lòng ông dịu mát. Ông thả hồn về tuổi ấu thơ, tuy cực nhọc nhưng đầy kỷ niệm. Hôm nay ông về quê với sự bận rộn của công việc. Ông dẫn đầu một đoàn ứng cử viên đi tiếp xúc cử tri. Tổ của ông gồm năm người về ứng cử tại ấp Thanh Hòa, quê hương ông. Ông không biết, trong quá trình diễn ra cuộc vận động này, vợ ông đã lao tâm khổ trí về ông. Khi danh sách được đơn vị đoàn thể Ủy ban giới thiệu sang Mặt trận Tổ quốc tỉnh, bà đã sắp xếp danh sách làm việc trước. Người ta xếp tên ông ở giữa danh sách, trên có cô Kim Ảnh, bên bệnh viện tỉnh, cuối là cô Ngọc Lan, hiệu trưởng một trường mẫu giáo. Nói chung những người cùng danh sách với ông đều là những người còn trẻ, tham gia cách mạng sau ngày hòa bình. Tâm lý cử tri thường gạch tên những người cuối danh sách, nhất là những ứng cử viên nữ. Bà vợ đã đạo diễn cho ông đứng ở vị trí chắc ăn đến 90%. Chưa kể ông ứng cử ở đơn vị có nhiều bà con thân thích. Đa số cử tri biết ông. Ngược lại, những người cùng danh sách đều xa lạ với cử tri. Cử tri biết họ qua lý lịch tóm tắt vài dòng. Hôm nay trước khi ra mắt cử tri, ông Năm đã cho Dung về thăm nhà. Dung được bà con biết đến nhờ cái giỗ tại nhà ông Năm trên thị xã. Do mỗi nhà chỉ một hai người đại diện nên người ta kể về Dung có thêm thắt. Dung bỗng thành cô gái của huyền thoại. Bây giờ Dung bằng xương bằng thịt về đây làm mọi người tò mò đến thăm. Cô hòa nhập với bà con rất nhanh, không khách sáo. Cô xuất thân từ nghèo khó, quen bình dân, như những người nông thôn ở đây. Cô ngoan và thùy mị nết na hơn những đứa con ông Năm. Họ hàng càng quý trọng cô hơn. Thím Tư nắm lấy tay Dung kéo về nhà: - Về nhà thím đi cháu. Mấy đứa em nhắc cháu hoài. Dung theo thím. Thím ngoài 70 nhưng vẫn còn khỏe, còn đi bộ ra chợ ven biển xa mấy cây số. Với hai túi gạo nặng hai chục ký, thím đi như không. Chú Tư mất đã lâu, thím sống với hai con. Con gái lớn của thím đã lấy chồng. Con trai lớn của thím năm nay tròn 30, nhưng còn sống độc thân. Anh làm ở phòng thuế công thương nghiệp huyện. Anh tiếp Dung nhiệt tình, vai vế trong dòng họ, anh kêu Dung bằng chị. Tên anh là Ánh. Anh hay cười, đôi vai rộng rung rinh. Dung hỏi: - Anh làm ở phòng thuế, lương khá không? Anh lại cười, hàm răng trắng bóng: - Tạm qua ngày chị Út ơi. Tại huyện mình không có bao nhiêu nhà máy, xí nghiệp, dịch vụ buôn bán. Năm rồi, tụi tôi thu năm mươi triệu tiền thuế thì trả lương và trả mọi chi phí khác cho cơ quan là 60 triệu. Hà hà… 10 triệu. - Sinh ra phòng anh để làm gì - Dung thắc mắc hỏi. - Hà… hà, vậy mới có chuyện làm chớ. Đâu phải một mình cơ quan tôi. Chị hỏi ông già thì biết, hầu hết các cơ quan của ta đều bóc ngắn cắn dài. Dung thở dài. Ngay lúc đó, vợ chồng Hai Hồng về. Hai vợ chồng ốm còm nhom. Nghe mẹ giới thiệu Dung, chị chạy đến ôm chầm lấy cô, cười tíu tít. Chị hỏi rất thân tình: - Chị Dung đây hở. Chà đẹp quá. Có chỗ nào chưa? - Tôi thì ai mà thương - Dung vui miệng trả lời. - Chịu về đây không, tôi làm mai cho. - Thôi em chẳng lấy chồng đâu. Thím Tư xếp bánh ít lên đĩa, xen vào: - Con gái, đứa nào chẳng nói vậy, nhưng mấy năm sau đã lít nhít một bầy con. Thôi ăn bánh đi cháu, bánh dì làm đó. Mọi người cười ồ. Thím Tư chợt kể: - Hồi đám cưới con Hai nhà này, không dám mời ba cháu. Nó trót thương thằng Hai đây trước có đăng lính. Ba cháu nói sẽ không nhìn đứa nào lấy chồng không cùng chung lý tưởng. Hèn chi lúc nãy chồng của Hồng chào Dung lấy lệ rồi bỏ đi. Anh không muốn hòa nhập vào niềm vui của gia đình vì sự tự ti hay trách móc.
* * * Nắng chiều đã nhạt, những ngọn gió từ ngoài biển thổi lồng lộng. Đôi cánh hải âu chấp chới trên mặt biển đang thẫm dần màu chì. Năm nào cũng vậy, gần đến tết là không khí làng quê bỗng bừng lên sức sống mới. Người dân tất bật lo làm ăn, lo đến tết. Lòng người theo đó mà náo nức. Những cành mai nở sớm đã xòe cánh vàng bừng lên trong nắng cuối đông. Mùa xuân năm nay cũng là mùa để bà con trong tỉnh, trong cả nước đi bỏ phiếu bầu hội đồng nhân dân các cấp. Ở xã Thanh Bình, trước sân Ủy ban nhân dân rộng mênh mông đã có nhiều người tụ tập. Dung cũng theo thím Tư ra điểm ứng cử viên gặp mặt cử tri. Cô thích được tự do đi chơi. Hôm nay Dung bận bộ đồ bà ba đã cũ. Bộ đồ này Thu Hiền thải ra. Dung không muốn chưng diện rực rỡ trước cô bác vốn đói nghèo. Cô muốn hòa nhập vào đám đông để nghe người ta nói gì, nghĩ gì. Nhưng bà con vẫn chú ý tới Dung. Đa số bà con biết cô, họ vây quanh cô và thăm hỏi ân cần. Bà con cử tri ngồi trên sân cỏ. Phía diễn đàn có kê hai băng ghế dài, cho những ứng cử viên và cán bộ địa phương. Ông Năm ngồi ở vị trí trang trọng. Dáng bệ vệ của ông nổi bật lên giữa các cán bộ ngồi bên. Hai người đàn ông nhỏ tuổi hơn ba Dung chừng con giáp đều gầy đen như là thiếu ăn lâu ngày. Hai phụ nữ ngồi bên nhau, không cười, chẳng nói gì nhiều. Họ hiểu rằng họ khó lòng trúng cử. Chủ tịch xã đứng lên giới thiệu sơ qua về các ứng cử viên sẽ gặp mặt cử tri. Sau đó anh nhường lời cho cử tri. Ông Năm trưởng đoàn đứng lên nói lời đầu tiên. Ông kiểm điểm lại những ưu khuyết của ủy ban nhân dân nhiệm kỳ qua. Ông lẫn lộn giữa việc vận động tranh cử với thành tích của ủy ban nhân dân tỉnh. Bà con lắng tai nghe. Mọi người tin ông. Một giờ sau ông mới nhớ việc tranh cử của mình. Ông nhấn mạnh: - Bà con hãy bỏ phiếu cho chúng tôi. Nếu được đắc cử, tôi hứa sẽ giải quyết hết thắc mắc, khiếu nại của bà con. Tôi nói và giữ lời hứa. Cũng như lần trước đây. Bà con đã có đường lộ khang trang, có điện lưới xài. Làng xóm đã thay đổi… Cuộc gặp mặt cử tri kết thúc mà không ứng cử viên nào lên hứa hẹn, hoặc đưa ra chương trình hành động của mình bởi ông Năm nói dài quá, bao quát tất cả các lĩnh vực rồi. Dung kéo Hồng và thím Tư đứng dậy. Hai người đàn bà cũng không thắc mắc gì. Người dân nơi đây vô tư quá. Hay họ chán cái cảnh gặp gỡ cử tri này rồi. Họ biết có nói cũng chẳng đi tới đâu nên bàng quan luôn? Dung buồn quá. Phải chi có Thu ở đây, để cô hỏi anh. Thế nào Thu cũng tìm được lời giải thích cho Dung nghe. Cái gì Thu cũng biết. Dung thường nhanh chóng công nhận mọi quan điểm của anh. Thu ơi, giờ đây em cứ thấy bơ vơ giữa cuộc đời này chỉ vì thiếu anh.
* * * Ông Năm nằm dài trên ghế bố. Khuôn mặt đâm chiêu, những nếp nhăn như nhiều hơn. Ông ngồi dậy, móc trong túi ra bao ba số năm, rút một điếu, châm lửa hút. Ông không nghiện thuốc nhưng trong túi luôn sẵn gói ba số năm. Khi cần, ông cũng mời khách một điếu. Những lúc buồn, cần tập trung suy nghĩ ông mới hút. Ông rít sâu, từ từ nhả khói. Mùi thơm lâng lâng. Lòng ông buồn, chưa bao giờ buồn đến thế. Không phải ông thất cử. Trong cuộc bầu cử, ông trúng với số phiếu cao nhất. Ngày bỏ phiếu ấy, ông thấy bồn chồn lo lắng. Khắp nơi, người dân náo nức đi bỏ phiếu. Phố phường rực rỡ hẳn lên bởi các biểu ngữ, cờ, khẩu hiệu. Đâu cũng thấy tấm băng đỏ, rực rỡ chữ vàng "Sáng suốt lựa chọn người có đủ tài đức vào Hội đồng nhân dân các cấp”, chăng ngang trên phố. Những em thiếu nhi khăn quàng bay phấp phới, quần áo đồng phục, đều bước, trống ếch khua giòn. Những đoàn ca nhạc quần chúng biểu diễn ngoài trời không thu tiền… Nói chung, các cử tri vui, còn các ứng cử viên phập phồng lo lắng. Nhưng mãi đến tối, ban kiểm phiếu mới làm việc. Kết quả, ông Năm trúng với số phiếu cao nhứt, cách người thứ hai khá xa. Hai ứng cử viên nữ có số phiếu thấp nhứt. Ông nghiệm ra, từ nay phụ nữ muốn ra làm chính trị phải đổi tên cho giống nam giới, phải bỏ chữ thị đi. Ông qua vòng một để lọt vô Hội đồng nhân dân tỉnh quá dễ dàng. Vòng hai, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ bầu chủ tịch tỉnh. Vòng này mới cực kỳ khó khăn. Tỉnh ủy vẫn chưa dự kiến được người. Đối thủ của ông một phó tiến sĩ, tỉnh ủy viên, giám đốc sở giao thông vận tải đang nổi lên với đầy đủ mọi yếu tố để thay thế ông. Bảy Thành mới ngoài 40 tuổi đang độ chín của tài năng. Anh ta vừa cho ông đo ván một cú đau điếng. Số là nửa năm gần đây xí nghiệp vận tải làm ăn bê bối. Nó cũng giống như tình trạng chung của các đơn vị quốc doanh, lời giả, lỗ thiệt. Mỗi năm xí nghiệp vận tải nộp ngân sách 300 triệu đồng. Nhưng nhà nước bao cấp xăng dầu với giá bốn ngàn đồng một lít, thấp hơn giá chợ đen mấy chục lần. Giá vật tư cũng tương tự như thế. Nhà nước lại thống nhất giá cước vận tải 1,1đ/ cây số/ người. Xí nghiệp có hơn 300 xe khách, hầu hết công tư hợp doanh. Anh em lái phụ xe ăn lương nhà nước. Nếu chỉ tính tiền trả lương cho tài xế, phụ tài, đội ngũ công nhân quản lý bến, gián tiếp… thì số tiền thu được qua bán vé, không đủ lương cho cán bộ, công nhân viên, chứ chưa nói đến trăm khoản khác. Đơn vị kinh doanh ngành vận tải, nắm độc quyền lại lỗ nặng. Mỗi năm nhà nước phải bỏ ra cả tỷ bạc để bù lỗ. Trước thực tế đó, tỉnh ủy cũng chưa biết tháo gỡ thế nào thì Bảy Thành đưa ra đề nghị trả tất cả xe lại cho tư nhân trước đây. Xí nghiệp vận tải trở thành cơ quan quản lý, thu thuế, bán xăng dầu, vật tư, và điều hành ở bến. Số xe còn lại của nhà nước trang bị sau này, xí nghiệp cho thầu khoán để khai thác hết năng lực. Số xe hỏng quá, cho bán bằng đấu thầu. Dĩ nhiên, ông Năm bác bỏ ngay. Từ ngày hòa bình đến nay ta đang cố gắng đưa các thành phần cá thể vào tập thể. Nhà nước thống nhất quản lý, bắt đầu từ công ty hợp doanh lên quốc doanh, thì cái thằng không một ngày đi kháng chiến, suốt đời chỉ lo ăn học ở nước ngoài, nhiễm thói tự do tư sản, muốn tư hữu hóa xí nghiệp nhà nước. Ông Năm còn nhớ, trong cuộc họp liên tịch giữa Ủy ban và ngành giao thông vận tải tại trụ sở, ông đã kịch liệt phê phán tư tưởng đó. Bảy Thành bình tĩnh vặn lại: - Thưa các đồng chí. Theo chủ trương của Đảng cho mở rộng năm thành phần kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân được khuyến khích nhằm mục đích tăng năng suất lao động, tăng nhiều sản phẩm cho xã hội… chúng tôi giao xe cho tư nhân là phát huy tính tự giác và tay nghề của họ. Kết quả năng suất sẽ lên, ta chẳng phải bù lỗ, mà còn thu được ngân sách…Tôi nghĩ, như vậy là hợp với chủ trương của Đảng… Ông Năm nhìn thẳng vào mặt Bảy Thành, nóng bừng vì xúc động, ông nói: - Lúc chúng tôi đi kháng chiến, anh còn học ở Liên Xô. Anh có biết chúng tôi đổ bao xương máu, đồng bào tốn bao nhiêu của cải, xương máu để đánh đuổi giặc ngoại xâm, để xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Bây giờ anh tính trả xe về cho tư nhân để rồi anh sẽ tạo điều kiện cho họ phân hóa thành giai cấp, người giàu ăn không hết, lại còn bóc lột người nghèo cho khốn quẫn hơn. Lập trường giai cấp của anh ở đâu? Bảy Thành định nói nhưng ông Năm đã đứng lên, kết thúc cuộc họp. Kế hoạch giao xe cho tư nhân bị gác lại. Nhưng Bảy Thành không chịu thua. Anh trình bày với ông Tám Tấn và ông Tám chú ý đến bản luận chứng kinh tế này. Ông đọc rất kỹ, cho gọi các cố vấn kinh tế của mình đến giải thích thật cặn kẽ cho ông nghe. Cuối cùng, ông cho gọi Bảy Thành đến văn phòng tỉnh ủy trực tiếp nghe anh báo cáo. Tám Tấn càng thấy Bảy Thành có lý. Chuyện này làm Tám Tấn suy nghĩ rất căng. Năm Thọ, bạn mình đã già quá rồi. Lớp trẻ có khác. Không suy xét theo cảm tính. Chúng lại quan niệm về XHCN mới quá, táo bạo quá. Đang có nhiều ý kiến khác nhau về định nghĩa CNXH… Đã có mô hình XHCN nào đâu, còn đang mày mò và đang xây dựng cơ mà. Và ông Tám Tấn trực tiếp đến văn phòng ủy ban gặp ông Năm. Hai người bạn gặp nhau mừng rỡ. Họ uống trà, nói chuyện. Hôm ấy Tám Tấn mặc bộ áo quần sĩ quan, cài nút ngực, bởi trời hơi lạnh. Ông Năm Thọ cũng đánh bộ quân phục như thế. Chỉ còn thiếu quân hàm, quân hiệu là họ trở về cương vị năm xưa. Mở đầu câu chuyện, ông Tám hóm hỉnh: Năm nay anh bao nhiêu tuổi rồi nhỉ ? Ông Năm giật mình, nụ cười vụt tắt. Ông hoang mang nhìn bạn. - Sáu ba rồi. Bí thư tỉnh ủy vẫn hóm hỉnh: - Bác Hồ làm thơ " Sáu ba mình nghĩ vẫn là đương trai” đấy. Ông Năm cười, nở từng khúc ruột. Đẩy ly trà về phía ông Tám Tấn, lòng thầm cảm ơn sự đánh giá tốt về ông. Ông Tám cầm ly trà bằng hai tay. Ly trà nóng làm tay ông đỡ cóng. Ông chưa uống ngay. Ông Năm nhìn ông Tám nói, hơi buổi sáng bốc ra như khói: - Tôi có đọc luận chứng kinh tế của Bảy Thành. Đúng là có học vấn có khác. Tụi mình chỉ có kinh nghiệm chiến tranh. Bây giờ xây dựng kinh tế phải chịu tụi nó. "Con hơn cha, nhà có phước". Đến lúc tụi mình phải nhường lối cho lớp trẻ. Đó là qui luật của tạo hóa… Chắc Bảy Thành có gửi cho anh một bổn. Anh thấy thế nào? Năm Thọ giận run. Còn thế nào nữa. Ông đã nói như vậy, còn hỏi ý kiến mình làm gì nữa. À, thì ra bí thư chê mình già, sinh lẩm cẩm, bảo thủ? Được thôi, cuối cùng vẫn là Đảng lãnh đạo, chính quyền thực hiện. Nếu chủ trương thì ông ráng chịu trước Hội đồng bộ trưởng. Ông Năm đáp: - Lúc đầu tôi đã không đồng ý. Nhưng anh muốn, xin anh cho chủ trương. Mọi hậu quả, anh chịu trách nhiệm lấy. Ông Tám cười khà khà, đứng lên, lại bên Năm Thọ vỗ vỗ vào vai bạn: - Tôi biết tánh anh và rất quí sự thẳng thắn đó. Tất nhiên ta đưa ra thường vụ bàn bạc đã. Tôi sẽ chịu trách nhiệm. Với lại, anh không nói thì mọi thất bại ở tỉnh này tôi phải chịu trách nhiệm đầu tiên với trung ương. Thôi nhé, ta cứ cho tay Bảy Thành làm. Cũng thí điểm xem sao. Sáu tháng trôi qua, xí nghiệp vận tải làm được những chuyện không ngờ. Họ giảm một phần ba cán bộ, nhân viên gián tiếp xuống làm việc trực tiếp. Tất cả xăng dầu, tính bằng giá trị trường. Xí nghiệp hạch toán độc lập, tự trả lương và các chi phí khác. Ngoài ra còn nộp ngân sách gần 100 triệu đồng. Bây giờ từ lời giả thành lời thiệt sự. Các chủ xe tự bảo quản, sửa chữa xe của mình. Người ta thôi mỉa mai hàng chữ "Công ty hợp doanh" viết tắt "C.T.H.D" thành "của tôi họ dùng". Mọi người phấn khởi. Lương cán bộ công nhân viên khá cao. Tệ nỗi, sau đó, trong các cuộc họp người ta hay mang chuyện đó ra bàn và khen. Uy tín Bảy Thành nhờ đó mà tăng nhanh. Anh ta hiển nhiên trở thành đại diện cho trào lưu đổi mới. Còn ông, người đã cản sáng kiến đó, càng trở nên mất uy tín. Người ta cho là ông bảo thủ. Tuy nhiên người ta không dám nói ra trước mặt ông. Người ta còn sợ ông? Cái nguy hiểm là lòng người không thuận. Chà, cái tay Bảy Thành "Cận thần hơn vua là mầm loạn". Làm sao trị được thằng cha này? Không thể để hắn chiếm quyền lãnh đạo. Tất cả cán bộ trung kiên thế hệ ông mà nhường vị trí lãnh đạo, cầm quyền cho lớp trẻ, tư tưởng chính trị chao đảo như Bảy Thành là mất nước đến nơi. Tình hình căng quá. Ông Năm thở dài, vứt mẩu thuốc lá đã tắt ngấm từ lâu trên tay. Nếu thằng cha Bảy Thành mà lên, không chừng hắn sẽ trả tất cả nhà máy, xí nghiệp, ruộng đất về cho tư nhân…Coi chừng tất cả mọi thành quả của cách mạng bao năm nay đổ xuống sông biển hết. Không được giao chính quyền cho bọn chúng. Mình phải cố mà vận động để trúng cử. Mình làm chủ tịch không phải vì quyền lợi của bản thân mình. Vì sự sống còn của sự nghiệp cách mạng này. Năm Thọ càng thấy lòng nóng như lửa đốt. Ông vùng đứng lên khỏi ghế bố, đi qua, đi lại trong phòng. Phải làm sao đây? Anh Tám Tấn còn ủng hộ mình không? Ngay lúc ông Năm đang bí thì Tám Tấn bí thư tới. Chiếc xe quen thuộc màu sữa lượn nửa vòng ở sân rồi dừng lại. Ông Tám cắp cặp bước lên nhà. Ông Năm sửa lại quần áo ra đón. Bắt tay nhau rất chặt, họ cùng ngồi xuống bộ sa lông. Dung nhận ra ông Tám bí thư. Cô vội pha trà, bưng ra phòng khách. Dung cúi đầu chào ông Tám. Ông Tám vui vẻ: - Cô Út hả. Bà nhà tôi cứ nhắc cô hoài. Bả khen cô ngoan lại khéo léo. Cô với bà nhà tôi thiệt hợp. Dung thẹn chín hường cả đôi má. Cô lúng lúng mãi mới rót được hai ly trà. Ông Năm cười: - Nó chịu cực từ trong bụng mẹ nên khéo tay. Dung lui xuống nhà bếp. Cô mất tự nhiên trước mặt ông Tám. Hôm trước, cô theo cha lên nhà ông Tám chơi. Vì phép lịch sự, cô muốn vui lòng gia chủ nên tỏ ra vui vẻ với Hai Thảnh. Nhưng anh lại cho rằng Dung có cảm tình với anh. Có khi yêu anh nữa. Cánh đàn ông vẫn hay vơ vào. Không ngờ cô về được mấy ngày thì Thảnh xuống nhà cô. Anh quen anh chị Ba và Thu Hiền, nên lấy lý do đó để đến chơi. Nhưng Dung hiểu, anh mê cô. Anh có thế lực của người cha, ba ảnh lại là bạn của ba Dung. Nếu anh đòi cưới cô thì lẽ nào cha mẹ cô không gả. Thật gay. Phụ nữ nghĩ cũng thật mâu thuẫn, dù biết người ta mê mình có khi sẽ dẫn đến rắc rối, nguy hiểm, cũng chỉ đơn giản vì mình đẹp, mình dễ thương. Vậy mà cứ muốn làm đẹp trước sự nguy hiểm. Lần này Dung phải tỏ thái độ dứt khoát. Cô để cho Thu Hiền tiếp Thảnh. Cô cứ nằm bẹp trong phòng. Kỳ Hai Thảnh về mới ló mặt ra. Thu Hiền rất khoái nói chuyện với Hai Thảnh. Thỉnh thoảng Thu Hiền lại liếc anh, đôi mắt long lanh. Hai Thảnh chẳng còn tâm trí đâu để trò chuyện với Thu Hiền. Mắt anh cứ dồn về cửa xuống nhà dưới, nơi có Dung. Suốt buổi chẳng thấy Dung đâu. Khổ nỗi, Hiền cứ hỏi anh đủ thứ chuyện, còn anh thì gắng trả lời cho xong. Anh thấy ghét Hiền. Thà rằng cứ ngồi im có phải hơn không. Thất bại hôm trước, hôm sau Thảnh lại đến. Hiền sử soạn thật đẹp ra tiếp Thảnh. Tình trạng lại diễn ra như hôm trước. Cuối cùng không dằn lòng được, anh hỏi thẳng Thu Hiền: - Dung đi đâu mà hai hôm anh qua không thấy? Hiền đáp luôn: - Cô Út không muốn tiếp anh. Cô Út mắc cỡ. Thảnh thắc mắc dữ lắm. Hôm ở nhà anh, còn lạ nước lạ cái mà nói chuyện tự nhiên đến thế. Hôm nay lại làm bộ e lệ. Ôi con gái quả là rắc rối! Người đang yêu, không bao giờ tự cho mình thất bại. Thảnh tưởng Dung có cảm tình với anh. Ồ, không yêu sao lại mắc cỡ. Thảnh đành thưa lại với cha mẹ mối tình của mình. Bà Tám ủng hộ cả hai tay. Ông Tám cảnh giác hỏi: - Hai đứa bây có hẹn hò gì chưa? Nhỏ đó chịu mày không? Thảnh quả quyết rằng Dung cũng có yêu anh. Rằng anh đã đến nhà cô hai bận… Ông Tám tin. Ông nghĩ Dung còn chọn nơi nào hơn ở đây nữa. Vậy là lòng vui mừng, ông đến nhà ông Năm. Hai ông già lại nhắc chuyện kháng chiến. Tình bạn thắm thiết. Hết bào ngư, ông Tám đi vào ruột cá: - Thằng hai nhà tôi cứ nằng nặc đòi đến hỏi cô Út cho nó. Anh Năm này, chỗ bạn bè chí cốt, tôi hỏi ý anh trước, nếu anh chịu, tôi biện trầu cau đến hỏi sau. Cũng đầy đủ lễ như người ta. Tôi với anh thế nào cũng xong. Nhưng còn họ hàng, các cháu. Ông Năm bị bất ngờ. Gả con gái cho cậu Thảnh ư? Ừ, anh ta cũng là thanh niên đứng đắn, chịu khó học hành, không ỷ lại con ông cháu cha, con nhà cán bộ cao cấp. Được như thế là quí lắm. Liệu con Dung có chịu không? Hôm trước hai đứa nó nói chuyện với nhau coi tâm đầu ý hợp. Cậu Hai Thảnh cũng có đến đây mấy lần. Chắc tụi nó thương nhau thiệt. Ngộ nhỡ con Út không chịu cậu Hai Thảnh thì biết ăn nói với anh Tám như thế nào đây? Chỗ bạn bè cấp trên, nể quá! Như sực nhớ ra, ông bỗng thấy tim mình đập gấp. Phải rồi, gả con Út cho con anh Tám, từ nay mình với ảnh là chỗ sui gia. Ê kíp của ta sẽ mạnh, không kẻ nào chống ta nữa. Chắc anh Tám ủng hộ ta. Ờ, cám ơn con gái quý của cha. Ngày mới lọt lòng con đã chịu thiệt thòi vì cách mạng. Cha nhờ con mà có thêm chút uy tín để tạo dựng sự nghiệp. Giờ sự nghiệp của cha sắp đổ, đất nước lâm nguy, con lại cứu cha, cứu sự nghiệp cách mạng một lần nữa. Ôi phúc đức ông bà đã cho con tìm đến mẹ cha! Ông Năm cứ ngồi ngây ra suy tính khiến ông Tám phải hỏi: - Thế nào anh Năm? Ông Năm giật mình, cười: - Tôi với anh là chỗ quá thân tình. Miễn tụi nó thương nhau là mình vui. Tôi coi hai đứa cũng ý hợp tâm đầu… Ông Tám thở phào: - Cám ơn anh. Chủ nhật tới này, bên tôi sang đây. Được không anh? - Hôm nay là thứ mấy? Thứ ba hả? Được, chủ nhật anh chị cứ sang. - Khỏi mai mối gì hả anh Năm. Tôi với anh còn lạ gì nhau nữa. Ông Năm cười xòa: - Mai mối là để nói với nhau bước đầu tiên. Anh đã nói rồi còn gì. Thôi mình cũng là cán bộ, đổi mới tư duy tí chớ. Cũng đừng có phong kiến. Hai ông già cùng cười. Họ chuyển sang đề tài bất tận: chiến tranh. Chuyện xưa đến chuyện nay. Ông Năm và ông Tám thật vui. Chưa bao giờ họ cảm thấy thân thiết đến thế. Ông Tám cứ thỉnh thoảng lại nói “Mình đừng có phong kiến đó nghe. Đám già tụi mình là hay mắc cái đó lắm".
* * * Ông Năm gọi Dung lên. Thấy khuôn mặt cha mẹ căng thẳng, Dung linh cảm có điều hệ trọng. Ba cô vẫn ôn tồn như ngày nào, chỉ chiếc ghế đối diện cho Dung: - Con ngồi xuống đi. Ba má muốn nói với con chuyện này. Dung hồi hộp nghe theo. Ông Năm đằng hắng mấy tiếng rồi nói: - Này, con có biết bác Tám qua nhà mình có việc gì không? Hai bác bên đó sang hỏi ba má muốn cưới con về làm vợ cậu Hai Thảnh. Dung tái mặt. Tim đập thình thịch, cô run run nói: - Thưa, con còn nhỏ dại. Ba má đừng gả con quá sớm. Con muốn ở nhà với ba má. Vợ chồng ông Năm tưởng Dung làm bộ. Con gái làm sao có thể nhận lời lấy chồng ngay. Chả hóa ra là ham chồng ư! Bà năm cười, ngọt ngào: - Cũng đã gần mười tám rồi đó con. Ba con cưới má hồi má còn bằng tuổi con đó. Dung ứa nước mắt ấp úng: - Ba má đừng gả con sớm. Con không đi lấy chồng đâu. Bà Năm vẫn dịu dàng: - Con gái lớn phải lấy chồng. Qui luật nó như vậy với tất cả các cô gái. Con phải nghe lời ba má. Dung òa khóc, hai tay ôm mặt: - Con không chịu được anh Hai Thảnh đâu. Con không yêu anh ấy. Bà Năm vẫn kiên trì, giọng âu yếm: - Ngày trước má đâu có thương ba con, người ta mai mối rồi cũng thành vợ chồng, bén tiếng quen hơi mới thương. Ông bà ta xưa có yêu nhau trước đâu mà vẫn ở với nhau đến đầu bạc răng long. Con còn kiếm chỗ nào hơn con ông bí thư tỉnh ủy, nhà cao cửa rộng, xe pháo đề huề. Tụi bây cưới nhau rồi, anh Tám sẽ mua cho căn nhà mới, đầy đủ tiện nghi, sung sướng chán. Thiếu chi đứa mê cái địa vị của con mà không được. Dung thật thà: - Ảnh lùn tịt, con không chịu đâu. - Thì hôm cưới, cậu ấy mang giày cao gót là cao bằng con chớ gì. Dung vẫn không nghe: - Con không chịu đậu. Ba má thương, đừng bắt con phải chung sống với người con không yêu. Ông Năm đã nóng mặt. Chưa bao giờ thấy con bé lại ngang bướng như hôm nay. Con cãi cha mẹ, trăm đường con hư. Cơn giận sôi lên, nhưng sợ hỏng việc, ông đành dịu giọng: - Ba nghe anh Tám hỏi. Tưởng tui bây thương nhau rồi nên mới đồng ý… Bây giờ biết ăn nói thế nào với anh chị bên ấy. Con hãy hiểu cho ba má: Chỗ lãnh đạo, người lớn với nhau cả, không lẽ đi nói qua, nói lại. Dung đã nghĩ lại khi ba nói vậy. Cũng chí tình rồi. Nhưng nghĩ tới Thu, lòng cô quặn lên nỗi đau. Thu ơi, em đi lấy chồng, anh nghĩ sao? Em thất hứa với anh rồi! Nhớ anh, Dung òa khóc. Trong lúc bối rối, cô kêu: - Đáng lẽ ba má phải hỏi xem con có chịu không mới nhận lời người ta chớ… Hết kiên nhẫn, bà Năm bừng bừng nét mặt, nghiến răng chỉ mặt Dung: - Ba má phải hỏi ý kiến mày hả. Áo mặc không qua khỏi đầu. Tao đã dứt khoát rồi. Không thể nói qua nói lại được. Dung nức nở: - Ba má dừng ép gả con, khổ cuộc đời con. Bà Năm cười nhạt, mỉa mai: - Lấy chồng mà khổ. Chỗ đó nhứt rồi con ạ. Ba má gả con cho chỗ có địa vị, giàu sang, người ta lại tử tế là muốn con được sung sướng. Đó là xuất phát từ lòng yêu thương con chớ có phải ghét bỏ gì cho cam. Con thấy không từ ngày nhận ra con, ba má hết lòng lo lắng cho con. Muốn gì được nấy. Con nên nghĩ tình mẹ cha mà suy xét. Con còn trẻ người non dạ, nghĩ chưa tới nơi, ba má là người trải đời, muốn hướng cho con để sau này khỏi khổ. Như vậy là ba má thương con hay làm khổ đời con? Dung biết trả lời thế nào đây trước những lời mềm mỏng ấy. Thu ơi, giờ này anh ở đâu. Đã mấy lần em về quê tìm anh nhưng anh vẫn vắng bóng. Má đã già yếu quá rồi. Má cô đơn quá!
* * * Đúng lời hẹn, buổi chiều ngày thứ bảy, gia đình ông Năm đã tất bật dọn dẹp nhà cửa, lau chùi nền gạch bông sạch bóng. Những chiếc lư đồng thôi không còn ở trong bao ni lông bụi bặm nữa. Người ta chùi lại cho đến khi nào nó vàng rực lên. Bàn ghế được sắp xếp lại. Ngay từ sáng sớm chủ nhật, chị Tư đã nấu sẵn nước sôi đổ đầy hai bình thủy lớn. Ly tách được chị đánh xà bông sạch sẽ. Mấy chú gà công nghiệp, gà đất, vịt được bắt vô, kêu inh ỏi. Không khí đám hỏi đã bừng lên. Ông Năm cứ đi vô, đi ra bồn chồn. Bà Năm luôn mồm quát Hải cho gà vịt ăn sớm hơn, quét dọn sân vườn cho sạch sẽ. Thắng lau chùi chiếc Toyota cho sạch bóng. Mấy chị phụ nữ sồn sồn được mời sang phụ nấu nướng. Chín giờ sáng, có tiếng xe hơi quen thuộc. Chiếc xe trắng màu sữa từ từ tiến vào, lượn nửa vòng rồi đỗ xịch giữa sân. Hai cánh cửa xe bật mở. Bước ra đầu tiên là ông Tám Tấn. Hôm nay ông mặc bộ com-lê màu đen, thắt cravat màu huyết dụ, bộ đồ ông thường mặc để lên diễn đàn đọc “đít cua” trong các ngày lễ long trọng. Ông cao và gầy nên bộ đồ có vẻ quá rộng. Cạnh ông là bà Tám. Hôm nay bà mặc chiếc áo dài màu xám tro, đi dép trắng, tóc búi sau gáy, trùm khăn the mỏng. Bà cũng trang điểm sơ qua chút phấn son nên trông trẻ hơn mọi ngày. Cửa bên kia, một ông già tuổi khoảng 80, chậm rãi chống chiếc ba toong. Ông mặc áo dài, khăn đống, tay cắp chiếc dù đen. Đó là ông nội Thảnh. Ông đi lại khó khăn vì một chân bị bệnh thấp khớp. Ông bà Tám phải đi chậm, chờ ông. Thảnh được xếp đi đầu tiên. Anh mặc bộ đồ phẳng phiu. Bộ vét-tông làm anh lùn hơn mọi ngày. Anh bước đi loạng choạng, khó khăn trên chiếc giày đế cao. Người ta sợ Thảnh té làm đổ chiếc khay có phủ tấm vải đỏ, đang được bưng hết sức trịnh trọng. Ông bà Chín là em ruột của ông bà nội Dung ra tận cửa đón khách. Các ông già chắp tay trước ngực, đầu hơi cúi chào nhau. Ông Năm và ông Tám thì bắt tay nhau theo kiểu phương Tây. Khách được đưa lên nhà trên, ngồi vào chiếc bàn dài kê ở gian giữa. Chiếc bàn này ngày thường không ai được ngồi. Chỉ những cuộc lễ long trọng như ngày hôm nay, ông Năm mới tiếp tại bàn này. Chiếc bàn được phủ vải đỏ, viền đăng ten rực rỡ. Các bà ngồi xếp bằng tại bộ ván kê gần cửa sổ. Hai Thảnh đứng sau lưng ông Tám, ngay góc cột trong. Khung cảnh đón tiếp quá long trọng, làm ông Tám thấy lúng túng. Mặc dù ông đã chủ tọa biết bao cuộc họp, cuộc tiếp xúc ngoại giao. Nhưng đó không phải là việc nhà, đó là việc nước. Hai Thảnh luôn hướng về phía nhà dưới, tìm bóng dáng người vợ tương lai. Anh chỉ thấy người nhà ông Năm chạy tới chạy lui. Anh nhớ cô. Phải chi nhìn thấy mặt nàng một tí. Anh nghĩ thầm: nàng đang đánh phấn và được người ta trang điểm cho lộng lẫy, để ra chào họ hàng nhà chồng. Anh hồi hộp. Còn Dung, cô gục đầu xuống gối, nước mắt đầm đìa. Lòng dạ cô đang nát tan. Thà Dung không được nhận là con ruột, ít ra cô cũng được từ chối cuộc hôn nhân trái ý nguyện này. Bây giờ cô biết làm sao. Bà Năm và Thu Hiền vô với Dung. Bà dỗ dành cô dậy và trang điểm để ra phòng khách. Dung òa khóc: - Con lạy má, má đừng bắt ép con. Bà Năm lại dỗ dành: - Dậy đi con. Mọi việc đã xong, không đảo ngược được nữa đâu. Dung vẫn khóc nức nở. Thu Hiền tần ngần nhìn Dung. Nó thắc mắc tại sao cô nó lại từ chối một chỗ sang trọng, hứa hẹn tương lại tốt đẹp đến thế. Phải chi nó được ở địa vị ấy. Bọn con trai khó hiểu thật. Như Hiền đây, có phải dễ dàng hơn không. Hiền sẽ đánh phấn tô môi cho thật đẹp, sẽ ra phòng khách để chàng trao nhẫn cưới… Hiền thấy má mình nóng bừng. Cô không ghen với Dung vì rõ ràng Dung đang đau khổ vì lấy Thảnh. Nó ái ngại cho cô và thấy Dung thật đáng chê trách. Bà Năm đùng đùng kéo Dung ngồi dậy, cởi phăng chiếc áo Dung đang mặc. Cô co rúm người lại. Chiếc áo rách đánh toạc lộ ra khoảng ngực với cặp vú tròn trĩnh căng cứng… Trong phòng chỉ có mẹ và cháu gái nhưng Dung cũng thấy xấu hổ. Cô ôm lấy khoảng thịt trắng hồng bị phơi ra, miệng thét: - Con lạy má. Tội nghiệp con… Má ơi! Mặt bà Năm đanh lại, môi mím chặt, bà nghiến răng: - Thu Hiền. Mày đè nó xuống giùm nội. Phải bắt nó thay áo, kéo nó lên nhà trên… Hiền đứng im. Nó sợ và thấy chạnh lòng cho tuổi con gái của mình. Dung chợt ngẩng lên, mặt căng thẳng. Cô nói với giọng khác thường: - Ba má dùng vũ lực với con thì còn tình nghĩa gì nữa. Con sẽ ra. Nhưng ba má chẳng đạt được mục đích đâu. Bà Năm buông tay Dung ra. Cô đứng dậy cởi phăng chiếc áo rách ném xuống giường. Cô thay đồ một cách quả quyết làm bà Năm chột dạ. Một lát sau, má Thu Hiền cũng vô. Chị giúp Dung trang điểm, đưa cô ra phòng khách. Dung cúi chào hai họ, bước lại bên bộ gõ của mấy bà đang ngồi nhai trầu bỏm bẻm. Má cô đã ngồi đó tự bao giờ. Bà nhận hộp nữ trang màu đỏ, xinh xắn từ tay bà Tám và mở nắp. Đôi bông hột xoàn, sợi dây chuyền 24K và cặp nhẫn nổi bật trên nền vải đỏ làm những thứ nữ trang càng ánh lên. Mắt bà Năm rực sáng. Bà trao hộp nữ trang ấy cho Dung và dặn: - Con mang vô buồng cất đi. Dung cúi đầu đáp lễ, lúc đi vô buồng cô cũng muốn tò mò xem anh chàng Thảnh hôm nay thế nào nhưng rồi cô cúi đầu đi thẳng. Cô bỗng thấy mình mạnh dạn hơn bởi ý tưởng đang nung nấu trong lòng.
* * * Cả ngày hôm đó, Dung không ăn cơm. Bữa cơm chiều cả nhà diễn ra trong không khí nặng nề. Mãi cuối buổi ăn, Tư Trung mới lên tiếng phá tan bầu không khí ngột ngạt bằng một câu cay độc và thỏa thuê: - Út nó mê thằng Thu. Hai đứa nó đã hẹn hò với nhau. Ông Năm buông rơi đũa. Ông lẩm bẩm: Hèn chi con nhỏ cứ khăng khăng không yêu Hai Thảnh. Anh Ba nói với vợ: - Nó cũng chung thủy đó chớ. Chị Ba lườm chồng: - Ngày truớc em chờ anh đằng đẳng mấy năm trời. Vậy mà anh chưa một lần khen em chung thủy. Anh Ba trả lời vợ nhưng mắt nhìn con gái: - Ừ, em cũng chung thủy. Ông Năm cắt ngay: - Chung thủy gì. Nó với thằng Thu là anh em con dì con cậu. Có mà nhà họ tôm. Tư Trung chêm thêm: - Nếu không bà con, cũng không gả cho thằng ăn cắp đó. Ông Năm trừng mắt nhìn Trung, thẳng thừng: - Mày đừng đổ oan cho nó. Tao cũng có mắt nhìn người chớ. Trung mắc cỡ, cúi gằm mặt xuống. Thu Hiền lên tiếng: - Cô Út không chịu anh Thảnh, sao nội không tìm người khác thay thế có hơn không. Cả nhà phì cười. Hiền thẹn chín hường đôi má. Cô bé vụt chạy vào buồng.
* * * Dung đến bến xe miền Đông gần cầu Bình Triệu. Bến xe dạo này khá trật tự. Cửa vé đi Phương Lâm không thấy có ai xếp hàng. Dung tưởng đã hết xe. Khi cô hỏi, nhân viên bán vé nở nụ cười rất tươi: - Có đây. Cô mua mấy vé? - Dạ một vé. Dung mua vé quá dễ dàng. Cô chợt mừng. Nhìn số xe ghi ở vé cô đi tìm xe của mình. Dung ngạc nhiên khi chiếc xe đò rộng rinh mới có một người ngồi. Anh ta lại chính là người ngồi cạnh cô trên chuyến xe tốc hành đêm qua. Anh đến đây trước Dung. Nhận ra người mới quen, anh thanh niên reo lên một cách chân thành: - A! Cô gái. Trái đất tròn. Ta lại gặp nhau! Dung vui vì xe rộng, cô có thể chọn một ghế gần cửa sổ nên cũng mỉm cười chào đáp lại anh ta. Anh thanh niên dựa lưng vào ghế và mơ màng nhả khói thuốc. Dung ngồi chờ. Bây giờ thật lạ, xe phải chờ khách. Không còn cảnh xếp hàng rồng rắn, toát mồ hôi để mua vé. Không hiểu sao khách dạo này vắng hẳn. Dung mơ màng nhớ về ngôi nhà của mình. Cô quyết sẽ ra chào họ hàng nhà ông Tám và nhận nhẫn cưới. Nhưng cô sẽ để lại tất cả. Cô nuôi ý định trốn khỏi nhà và tìm đến với Thu, kể từ lúc bà Năm cưỡng bức cô thay áo quần, kéo ra phòng khách. Giờ đây khi ngồi trên chiếc xe đò này để đến gặp Thu, Dung chợt lo. Thư anh ấy gửi về cho mẹ chỉ để tên một vùng Cát Tiên, còn cụ thể ở chỗ nào thì anh không nói rõ. Biết mình có tìm ra anh ấy không? Đã hơn một giờ đồng hồ vẫn không có ai lên xe. Người tài xế đành nói: - Anh chị thông cảm. Chẳng ai đi cả nên tôi đành cho xe về nhà nghỉ. Anh chị ra ngoài cổng mua vé xe hợp tác xã. Tôi đã làm việc với phòng vé. Họ sẽ trả lại tiền cho anh chị. Dung và anh thanh niên quay lại phòng vé. Người bán vé trả tiền cho họ thật. Không còn tiền lẻ, lại tưởng họ đi chung nên chị trả lại 5 ngàn. Dung lúng túng, định mở ví trả lại tiền cho anh thanh niên thì anh ta ngăn lại: - Chị cứ cầm lấy, ra ngoài kia mua vé luôn. Dung nghe theo. Họ mua vé đi nửa đoạn đường đến Phương Lâm. Rồi từ đó chuyển xe đi chặng nữa. Dung ngồi cùng băng với anh thanh niên. Bây giờ Dung mới để ý tới anh ta. Anh có nước da ngăm ngăm, dáng khỏe mạnh trong chiếc áo sọc xuôi rất mốt. Khuôn mặt chữ điền có đôi chân mày đậm, kéo sát vào nhau. Anh có chiếc răng khểnh, khi cười rất có duyên. Dọc đường, xe dừng lại đổ nước. Hành khách tranh thủ xuống xe, uống nước, ăn cơm trưa. Anh thanh niên nói với Dung: - Ta xuống ăn cơm nhé. Dung lắc đầu cười, cám ơn. Cô đang lo, nỗi lo choán hết tâm trí Dung. Người thanh niên thấy đi một mình chẳng tiện, đành nhịn đói luôn. Anh ta tự giới thiệu: "Tôi tên Hùng, ở Lâm trường Cát Tiên". Dung mừng, nếu thế, cô nhờ anh dẫn đường. Nhưng Dung lại lo. Anh ta có phải là người tốt không? Dọc đường anh hay hỏi chuyện Dung. Cô cũng không giấu anh, rằng mình cũng đang đi tìm người nhà, đi khai hoang ở rừng Cát Tiên. Anh thanh niên nói anh có biết vùng mà dân các nơi đến khai phá. Nhưng muốn tìm ra một người vùng rừng rộng hàng vạn hecta này thật là khó. Rồi anh sẽ lấy xe đi khắp nơi hỏi thăm, mới mong có kết quả. Dung buồn rầu. Lòng bối rối, cô chẳng còn con đường nào hơn. Xe dừng trên quốc lộ 13. Từ đường nhựa, Dung và Hùng phải đi bộ vào rừng đại ngàn. Con đường đá đỏ gập ghềnh chạy lên những dốc cao vút. Lâu lâu ì ầm một chuyến xe reo ì ạch bò ra, chở đầy những cây gỗ lớn. Dung chưa bao giờ thấy núi rừng. Lên đây, cô thấy mình nhỏ bé quá so với sự hùng vĩ của thiên nhiên. May mắn cho cô gặp được Hùng. Nếu không, giữa núi rừng bao la này làm sao cô tìm được Thu. Hùng rất khỏe. Anh đi khá nhanh. Thỉnh thoảng, anh đứng lại chờ cô. Dung mệt, bước chân trầy trật. Bụi đất đỏ bốc dưới chân họ, nắng chiều gay gắt làm họ thấy người ngứa ngáy khó chịu. Hùng dẫn Dung bỏ con đường đá đỏ, cắt vào cánh rừng rậm theo lối mòn. Sờ sợ, Dung hỏi: - Sao vô lâm trường lại đi đường này? Hùng giải thích: - Nãy giờ thấy em mệt, anh phải dẫn em đi tắt cho nhanh. Dung vừa đi, vừa lo. Sao mình dễ tin người đến thế. Nhỡ anh ta dẫn mình vào rừng sâu rồi làm bậy thì sao. Nhưng đã trót rồi có quay lại cũng không được nữa. Rừng mỗi lúc một rậm, cây lớn hơn, âm u hơn. Tiếng chim râm ran. Thỉnh thoảng một chú sóc chuyền cành, vụt bay từ cây này qua cây khác. Những giò phong lan mọc bám vào thân cây cổ thụ. Phong lan ở đây tươi tốt làm sao. Có chỗ đã nở bông rực rỡ. Phong lan ở rừng đẹp hơn phong lan trồng trong vườn. Dung không còn tâm trí ngắm hoa, lắng nghe tiếng chim nữa. Mặt trời sắp lặn, đường tối rất nhanh. Cô phải bước sát vào người Hùng. Đêm trong rừng ghê rợn bởi mọi âm thanh ma quái. Có tiếng gì sôi ùng ục, ào ào, tựa tiếng gầm của cọp beo. Hùng nói: - Dung mệt lắm rồi phải không? - Dạ - Dung vừa thở vừa đáp. - Ta nghỉ một lát. Hùng ngồi lên một thân cây đổ. Đêm tối, Dung chỉ thấy bóng anh đen đen. Dung hỏi: - Tiếng gì ầm ào vậy? - À tiếng suối đấy. Chúng ta phải lội qua con suối cạn. - Ôi em… sợ quá! - Đừng lo. Có anh đây, không việc gì phải sợ. Chợt Dung nghe tiếng rào rào đều đều dậy lên mỗi lúc một lớn. Hùng kéo Dung đứng dậy: - Bọn mối đất đang tấn công về phía chúng ta đấy. Phải sang suối ngay thôi - Mối thì có gì nguy hiểm? – Dung hỏi. - Loại mối rừng nguy hiểm lắm. Chúng đi thành đàn cả triệu con. Một con bò nằm chết trong vài giờ là chúng thịt sạch, không còn cọng xương. Cái loại mềm mềm ấy còn ghê gớm hơn cả cọp beo. Con suối cạn lổn nhổn những viên đá trơn tuột. Hùng đưa tay cho Dung nắm. Nước dưới chân mát lạnh. Chỗ sâu nhất nước mới đến đầu gối. Khó nhọc lắm Dung mới qua được con suối. Sao trên đầu không đủ soi sáng cho họ trong cánh rừng âm u. Chợt Dung thấy phía trước một vầng sáng bàng bạc hiện ra. Càng đi, rừng càng thưa dần. Trước mắt đã là thung lũng nhấp nháy ánh đèn điện. Chân cô đã lại bước ra con đường đá đỏ bằng phẳng. Cô thở phào Cô nhìn Hùng đầy tin cậy và cảm thấy thương anh. Lâm trường thanh niên có đến vài chục ngôi nhà. Ở đây dùng máy phát điện chạy dầu, có ánh điện nên lâm trường đỡ buồn hơn. Điện ở núi rừng như sáng hơn. Anh em ở lâm trường đón tiếp Dung nhiệt tình. Họ nói, lâu lắm rồi mới gặp một cô gái. May mắn nữa là cô gái đẹp. Người ta xúm quanh cô để được ngắm cô. Ai cũng muốn làm một việc gì đó giúp cô. Dung bỗng quên đi lo lắng buồn phiền trong gia đình mình. Cô thấy vui trước tấm lòng cởi mở của các chàng trai ở nơi sơn cùng này. Bữa cơm ở lâm trường với món thịt rừng rất lạ. Dung thấy ăn ngon miệng hơn bao giờ hết. Có lẽ do cô rất đói. Sợ Dung mệt, người ta về sớm và sắp xếp cho Dung một phòng kín đáo, vốn trước đây là chỗ ở của một cô gái nay đã về xuôi. Đêm ấy Dung nằm trằn trọc nghe tiếng núi rừng rất lạ vẳng tới. Tiếng thở ào ào của con suối, tiếng mang tác xa xa, tiếng con chim gì da diết… rất nhiều âm thanh khác hòa thành lời ru của núi rừng đưa Dung vào giấc ngủ êm đềm. Trong mơ Dung thấy núi rừng bừng nở muôn ngàn đóa hoa rực rỡ. Rất nhiều bướm trắng, rập rờn như những dải lụa. Sau dải lụa mỏng ấy, con Kina hiện ra. Nó nhìn Dung với đôi mắt ươn ướt…Dung nhào đến ôm nó. Chợt lúc đó Thu xuất hiện, con Kina tuột khỏi tay Dung lúc nào không hay. Thu ôm choàng lấy Dung. Họ hôn nhau thắm thiết. Con Kina chạy tụt vào rừng sâu. Dung buông Thu. Cô đuổi theo. Dòng suối và thác nước trắng xóa chắn ngang trước mặt. Con Kina phóng xuống suối. Dòng nước cuồn cuộn cuốn nó trôi đi, xoay tròn. Con chó cố ngoi lên nhưng nước mạnh quá, nó vùng vẫy, tuyệt vọng. Dung định nhảy xuống cứu nó nhưng chân bị ríu lại, dính tại chỗ. Đôi mắt con Kina lạ lắm, như khẩn cầu, như trách móc… Rồi cô mơ thấy con Kina chết bên thân cây mục ven suối. Đàn mối đông hàng triệu con ào ào tiến về phía xác con chó, và bắt đầu tấn công con Kina. Một loáng, con Kina chỉ còn là một đống đất … Cái loài mềm mềm ấy mới đáng sợ làm sao…