K ern ký tên vào giấy trục xuất lần thứ hai ra khỏi nước Aùo. Đây là lần trục xuất vĩnh viễn. Anh không thấy có gì cần nghĩ ngợi. Anh chỉ nghĩ là ngày mai mình lại sẽ có mặt tại khu hội chợ Prater.
Người công chức hỏi:
- Anh còn gì ở đây để mang theo không?
- Dạ, không.
- Anh có biết là sẽ bị ba tháng tù nếu trở lại Vienne không?
- Dạ, biết.
Người công chức nhìn Kern một lúc khá lâu. Ông cho tay vào túi và lấy ra một tờ giấy năm Đức kim.
- Đây, cầm lấy. Tôi không có quyền thay đổi luật lệ. Nếu có uống thì uống Gumpoldskirchner. Dạo nầy ngon lắm. Thôi, đi đi.
Kern hết sức ngạc nhiên:
- Cám ơn ông – Đây là lần đầu tiên anh được một viên chức Cảnh sát cho tiền – Cám ơn ông thật nhiều.
- Được rồi, được rồi. Người dẫn đường đang chờ ở ngoài.
Kern nhận tiền. Với món tiền nầy chẳng những anh có thể trả hai ly rượu chát mà còn vừa đủ để mua vé xe để trở lại Vienne. Như vậy ít nguy hiểm hơn.
Họ đi cùng một con đường mà Kern đã đi với Steiner lần đầu tiên. Kern có cảm tưởng như đã cách xa tới mười năm. Ra khỏi nhà ga họ còn phải đi bộ thêm một quãng. Họ ghé vào một quán nước. Trước sân nhà có một vài bàn ghế. Kern nhớ tới lời khuyên của viên chức Cảnh sát tốt bụng. Anh nói với người đưa đường:
- Mình uống Gumpoldskirchner đi. Dạo nầy tốt lắm.
- Cũng được. Trời chưa tối hẳn.
Cả hai ngồi trong khoảnh vườn nhỏ. Quanh họ, tất cả đều yên tĩnh. Nền trời cao và trong. Một chiếc phi cơ bay vù qua về phía nước Đức trông như một con chim ưng. Người chủ quán đặt lên bàn một chiếc đèn bão. Đây là một buổi chiều đầu tiên Kern được ngồi ngoài trời. Suốt hai tháng qua anh không hề nhìn thấy đất trời mút mắt. Anh có cảm tưởng như vừa được thở lần đầu tiên. Anh cố tận hưởng những giây phút thần tiên. Khoảng một hay hai giờ đồng hồ sau, cuộc chạy trốn, lẩn tránh lại tái diễn.
Người có số phận áp giải bỗng lên tiếng:
- Buồn nôn quá.
Kern ngước mắt:
- Đó cũng là ý của tôi.
- Không phải như cậu nghĩ đâu.
- Tôi cố tưởng tượng cho phù hợp.
Người đưa đường nhìn trời:
- Tôi muốn nói với các người. Chính những kẻ di trú như các người làm hạ giá nghề nghiệp của bọn nầy. Ngày tối, cứ phải lo đưa mấy người đi. Từ Vienne tới biên giới. Chán quá! Phải chi áp giải những đoàn tù chính cống có còng tay!
- Biết đâu trong vòng một hay hai năm nữa các ông sẽ có dịp áp giải chúng tôi, bị còng tay đàng hoàng.
Người đưa đường nhún vai:
- Trên phương diện Cảnh sát, các người chẳng là cái thá gì cả. Đã có lần tôi áp giải mấy tên cướp của giết người, lúc nào cũng sẵn sàng nổ súng. Một lần nữa lại phải áp giải một tên chuyên mổ bụng xác chết, thằng Teddy. Như vậy mới đáng kể. Bây giờ… với các người… chán quá!
Ông ta uống cạn ly:
- Kể ra thì anh cũng rành về rượu chát. Mình uống một tua nữa. Lần nầy để tôi trả.
- Tùy ông.
Cả hai uống cạn cùng một lúc và lên đường. Dơi và bướm đêm bay lượn chung quanh họ.
Ngôi nhà quan thuế sáng choang. Cũng vẫn những nhân viên cũ. Một người bảo Kern:
- Chờ một chút. Hãy còn sớm.
Kern cười:
- A, bộ rành lắm rồi, hả?
- Vâng. Biên giới là quê hương của chúng tôi.
Qua sáng hôm sau, Kern đã lại có mặt tại khu Prater. Anh không dám đến thẳng căn nhà di động bằng bánh xe của Steiner, sợ phá giấc ngủ. Anh đi vơ vẩn trong rừng. Cây cối ướt đẫm sương. Mùa thu đã tới trong thời gian Kern ở tù. Kern nhấc lá phủ của trại kỵ mã lên và chui vào trong. Như vậy là anh không còn phải sợ Cảnh sát …
Kern giựt mình thức giấc vì có tiếng cười. Trời đã sáng tỏ. Các lá phủ đã được vén lên. Anh nhảy chồm dậy. trước mặt anh là Steiner.
- Steiner! Cám ơn Thượng đế!
- Xong rồi, cậu bé! Đứa con hoang đã trở về. Lại đây coi. Ốm và xanh xao lắm. Sao không tới đằng đó?
- Biết anh còn ở đó không.
- Cũng phải. Nhưng dẹp hết, đi ăn cái đã và thế giới đổi khác ngay – Anh hướng về phía nhà du mục – Lilo, thằng bé trở về đây. Nó đang đói – Anh lại quay về Kern – Lớn lắm rồi, có học hỏi thêm được gì không?
- Có chớ, học được là phải cứng rắn nếu không muốn chết mòn. Biết may và nói chút ít tiếng Pháp. Quan trọng hơn cả và hữu ích hơn cả là phải biết ra lịnh chớ không phải van xin.
Steiner cười khoan khoái:
- Vậy là khá lắm rồi, bé con!
- Ruth đâu anh?
- Ở Zurich. Bị trục xuất. Ngoài ra chẳng có gì đáng ngại. Lilo còn giữ cho cậu mấy cái thơ. Cô ta lãnh vai trò hộp thơ có giấy tờ hợp lệ.
- Ở Zurich…
- Chớ còn gì nữa! Bộ chưa nghe rõ sao?
Kern lơ đãng lắc đầu:
- Chưa…
- Ruth ở với mầy người bạn. Cậu cũng phải đi Zurich. Ở đây coi bộ bắt đầu khó sống.
- Chắc phải vậy.
Lilo tới. Nàng chào tự nhiên như Kern vừa mới đi dạo đâu đó trở về. Đối với nàng, việc vắng mặt trong hai tháng chẳng có gì đáng kể. Nàng đã rời xa đất nước Nga gần hai mươi năm và cũng đã từng gặp lại những người tưởng đâu đã biệt tích ở Tàu hoặc Xi-bê-ri hằng mười mấy năm trời.
Vẫn bình thản, Lilo đặt mâm đựng tách và bình cà phê lên mặt bàn. Steiner bảo:
- Đưa mấy cái thơ cho Kern, Lilo. Cậu ta không ăn nổi nếu chưa được đọc thơ.
Lilo chỉ vào mâm. Mấy bức thơ tựa nghiêng vào một cái tách. Kern xé bao ra. Anh bắt đầu đọc và quên tất cả. Đây là những bức thơ đầu tiên được nhận từ Ruth. Và cũng là bức thơ tình đầu tiên của đời anh. Tất cả đột nhiên biến mất, nỗi thất vọng không được gặp lại Ruth, sự lo sợ; cuộc sống cô đơn. Anh càng đọc được những nét chữ càng như chiếu sáng ra. Thì ra, trên đời nầy cũng còn có người lo nghĩ tới anh. “Yêu anh. Ruth của anh”, sung sướng quá. Ruth của anh. Nhưng anh là gì của Ruth? Phải chăng anh chỉ là một vài chai nước hoa, một ít xà bông mà Ruth mang theo? Anh là một con người. Một con người nguyên vẹn. Và em cũng là một con người. Tóc em đen, mắt em ngời sáng…
Kern ngước mắt lên. Lilo đã vào trong. Steiner hút thuốc:
- Không có gì, chớ?
- Ruth bảo tôi đừng tới. Sợ nguy hiểm.
Steiner cười:
- Phụ nữ ai cũng thế. Thôi uống cà phê và ăn đi.
Anh ta dựa vào ngôi nhà lăn, nhìn Kern ăn. Aùnh nắng xuyên qua màn sương bạc, vờn trên mặt Kern. Anh có cảm tưởng như đang thở trong hơi rượu. Mới sáng qua, giữa căn phòng hôi hám, anh còn quậy muỗng trong một cái ga-men nhôm móp méo đựng đầy súp loãng như nước rữa dĩa, trong khi gã du thủ du thực đánh rắm một tràng dài. Bây giờ, gió nhẹ ban mai vuốt má anh, anh được ăn bánh mì trắng, uống cà phê ngon, trong túi có mấy bức thơ của Ruth và bên cạnh có Steiner.
- Bị bắt đôi khi cũng có lợi. Nhờ có vậy, sau đó mình mới thấy đời xinh đẹp.
Steiner gật đầu:
- Có tính đi ngay tối nay không?
- Tôi vừa muốn đi mà cũng vừa muốn ở lại. Phải chi mình được đi chung…
Steiner đưa Kern một điếu thuốc:
- Vậy thì ở tạm đây một vài hôm. Coi bộ chưa khỏe lắm. Cần phải đủ sức mới có thể đi đường. Ở Thụy Sĩ không phải là chuyện đùa. Tới một xứ lạ, cần nhứt là sức khỏe được đầy đủ.
- Còn việc gì để làm không?
- Cậu có thể trông coi gian hàng bắn bia và ban đêm giúp thêm vài xuất biểu diễn mắt thần.
- Anh có lý. Tôi sẽ ở lại đây vài ngày để lấy lại sức trước khi lên đường. Không biết tại sao đói quá. Không những chỉ dạ dày trống rỗng mà đói cả mắt, cả đầu. Phải sắp xếp lại trước đã.
Steiner cười thông cảm:
- Lilo mang đồ ăn tới rồi kìa. Cứ ăn cho no. Tôi đi gọi lão Potzloch dậy.
Lilo hỏi Kern. Giọng Đức nàng còn cứng:
- Cậu ở lại, hả?
Kern gật đầu.
- Đừng lo nhiều. Ruth vẫn mạnh khỏe. Tôi có tài coi tướng mà.
Kern muốn bảo là anh không phải lo như thế mà chỉ sợ Ruth bị bắt trước khi anh tới Zurich… Nhưng khi nhìn thấy nét trầm buồn trên khuôn mặt người thiếu phụ Nga, anh không nói. Tất cả đều bé nhỏ so với nỗi đau khổ triền miên ấy.
Chuyện xảy ra buổi chiều hai hôm sau đó. Một vài người tới gian hàng bắn bia. Lilo bận với đám trẻ nên Kern tiếp đón các người kia.
Kern trao súng cho người đứng trước. Họ bắn trúng nhiều điểm và nhắm bắn những hòn bi đang nhảy múa trong tia nước. Sau cùng, họ đòi xem danh sách các thành phần thưởng và bắt đầu bắn thật sự.
Hai người đầu tiên bắn được bốn mươi ba và bốn mươi bốn điểm. Họ lãnh được một con gấu nhồi bông bông và một hộp đựng thuốc mạ bạc. Người thứ ba, thấp bé râu mép màu nâu, tỏ ra là một tay thiện xạ. Ông ta bắn được bốn mươi tám điểm. Hai người bạn vỗ tay khen. Lilo đưa mắt ra hiệu với Kern.
Nhà thiện xạ đầy nón ra phía sau:
- Năm phát nữa.
Kern nạp đạn. Ba phát đầu ông ta bắn trúng mười hai điểm. Kern nhìn cái rỗ đựng dĩa bạc chạm, vật gia truyền của Potzloch. Nếu tiếp tục bắn trúng như thế hai phát nữa, ông ta sẽ chiếm được lô độc đắc nầy.
Kern nạp đạn vào súng một viên đạn”quỉ quái” phát súng chỉ trúng sáu điểm. Nhà thiện xạ đặt súng xuống:
- Cái gì vậy? Có một cái gì không ổn. Không bao giờ tôi bắn sai cả,
Kern đỡ lời:
- Dạ chắc tay ông run một chút. Cũng cây súng đó mà.
Ông ta quắc mắt:
- Run thế nào được. Một sĩ quan Cảnh sát kỳ cựu không bao giờ run. Bắn là nghề của tôi mà.
Kern hơi thất sắc. Một nhân viên Cảnh sát mà lại mặc thường phục thì càng đáng ngại hơn. Người Cảnh sát nhìn Kern đăm đăm:
- Phải có một cái gì không ổn.
Kern không đáp. Anh trao cây súng đã nạp đạn cho ông ta. Lần nầy, anh cho vào một viên đạn thông thường. Viên đội trưởng nhìn Kern trước khi nhắm bắn. Phát đạn trúng số mười hai. Ông ta đặt súng xuống hất đầu về phía Kern:
- Thấy chưa?
- Đó là chuyện tự nhiên.
- Chuyện tự nhiên? Không tự nhiên được, bốn lần mười hai và một lần sáu. Không thể tin được.
Kern không trả lời. Viên đội trưởng kề sát mặt tới:
- Dường như tôi có gặp anh ở đâu đó?…
Mấy người bạn ông ta chen vào. Họ la ó đòi phải đền một phát khác.
Lilo bước tới:
- Chuyện gì vậy? Có gì xin quí vị cứ nói với tôi. Cậu nầy mới tập sự thôi.
Hai người kia nói chuyện với Lilo. Riêng người Cảnh sát vẫn tiếp tục nhìn Kern để cố nhớ ra. Kern không nháy mắt:
- Tôi sẽ cho ông giám đốc hay để ông ấy quyết định.
Kern muốn để ông ta bắn một phát nữa nhưng nhớ tới lời dặn tha thiết của Potzloch, anh im lặng. Anh cố trấn tĩnh, từ từ đến thay chỗ cho Lilo.
Lilo đề nghị với Cảnh sát một giải pháp dung hoà. Ông ta sẽ bắn lại năm phát. Dĩ nhiên là không tốn tiền. Hai người kia không đồng ý. Lilo liếc sang chỗ Kern. Thấy mặt anh tái mét, nàng quyết định tự mình xoay sở ngay. Nàng cười với tên đội trưởng:
- Người như ông thì có bắn bao nhiêu phát nhứt định cũng vậy thôi. Đấy, nhà thiện xạ hãy trổ tài một lần nữa cho mọi người thưởng thức.
Được khen, người Cảnh sát cười hãnh diện. Lilo sờ vào bàn tay lông lá của ông ta:
- Một bàn tay như thế nầy thì chắc chắn không bao giờ run.
- Run? Không bao giờ!
Lilo trao khẩu súng. Viên đội trưởng bình tĩnh bắn. Tất cả được năm mươi tám điểm. Lilo tươi cười:
- Chúng tôi chưa bao giờ hân hạnh gặp được một người có tài thiện xạ như ông. Như thế là bà nhà khỏi phải sợ ai cả.
- Tôi chưa có vợ.
Lilo nhìn thẳng vào mắt ông ta:
- Chắc tại ông chưa thấy cần.
Viên đội trưởng cười tự mãn. Lilo lấy rổ đựng các bộ dĩa bạc trao cho ông ta. Trước khi đi, ông ta còn nhìn Kern một lần nữa:
- Tôi sẽ trở lại đây với sắc phục và chắc chắn là sẽ có chuyện vui nói với anh.
Họ vừa đi khỏi, Lilo đã hỏi Kern:
- Hắn có biết cậu không?
- Không hiểu. Dường như tôi chưa gặp ông ta lần nào. có thể là ông ta đã nhìn thấy tôi một nơi nào đó.
- Cậu nên nói lại với anh Steiner để anh ấy định liệu.
Người Cảnh sát không trở lại buổi chiều nhưng Kern nhứt định phải đi ngay đêm hôm ấy. Anh nói với Steiner:
- Tôi phải đi. Ở đây coi bộ không được an toàn nữa.
Steiner nhìn ra xa:
- Ừ, đi thì đi. Vài tuần nữa là tôi cũng sẽ đi. Đất Aùo càng ngày càng khó khăn. Tin tức mấy lúc sau nầy không còn lạc quan. Mình tới gặp lão Potzloch một chút.
Pothzloch đang giận dữ vì bị mất cái rổ bạc gia truyền.
- Cậu biết không, vậy là mất toi ba chục Đức kim. Cậu hại tôi quá!
Steiner phân giải:
- Đó là trường hợp bất khả kháng. Vả lại, đằng nào thì cũng đã mất rồi. Kern đến chào ông để đi.
Potzloch sửng sốt:
- Ủa! Vậy hả?
Ông ta móc tiền trả cho Kern rồi kéo anh tới gian hàng bắn bia.
- Cậu bé, cậu sẽ biết nhà từ thiện Leopold Potzloch nầy là ai. Đây, cậu cứ tự nhiên chọn lấy một vài món kỷ niệm. Aø không, cậu có quyền bán lại. Cứ chọn đi, món nào cũng được.
Ông ta bỏ đi thật mau, không ngoảnh lại. steiner cười:
- Cứ chọn đi. Mấy món lặt vặt này coi vậy mà dễ bán. Nên lựa mấy thứ nhẹ. Mau đi, kẻo ông ta hối hận quay trở lại.
Potzloch không nuốt lời. Lúc ông ta trở lại, Kern đã chọn xong, mấy cái gạt tàn thuốc và lược chải tóc. Potzloch còn lấy thêm cho Kern mấy pho tượng nhỏ bằng đồng. Ông ta cười khinh mạn:
- Dân tỉnh lẻ rất thích những thứ nầy. Kern, xin Thượng đế phò hộ cho cậu! Tôi phải đi bây giờ để dự một cuộc họp chống thuế hí cuộc. Thời đại chúng ta lại có thêm một thứ thuế… thuế hí cuộc. Mọi nguồn vui đều phải đóng thuế.
Kern chuẩn bị hành trang rồi dùng bữa với Steiner và Lilo. Steiner bảo:
- Tha hồ buồn, cậu bé. Những người anh hùng Hy Lạp thời cổ cũng khóc không thua các bà đa cảm thời nay. Cứ buồn, và cứ khóc, nếu cần. Sau đó, hãy mạnh dạn tiến lên.
Lilo chuyển sang Kern một dĩa kem:
- Đôi khi… buồn cũng có nghĩa là hạnh phúc.
Steiner vuốt tóc Kern:
- Hạnh phúc của một tay tứ chiến là một bữa ăn ngon. Đừng quên mình cũng là một chiến sĩ. Một chiến sĩ tiền tuyến. Một hướng đạo viên. Một kẻ khai phá tinh thần công dân thế giới. Chúng ta có thể bay qua mười biên giới trong một ngày. Quốc gia nầy cần tới quốc gia khác, nhưng hầu hết biên giới đều bọc sắt và nhiều nước đã chìm ngập trong thuốc súng. Phải biết hãnh diện vì mình là một trong những công dân khia phá.
Kern cười buồn:
- Hãnh diện là phải. Nhưng tôi sẽ làm gì đêm nay khi chỉ còn lại một mình?
Kern đi chuyến xe đêm. Anh mua vé hạng rẻ tiền và sau một vài lần quanh co, anh tới Inrsbruck. Từ đó, anh đi bộ với hy vọng đón xe đi nhờ. Kern không gặp xe nào cả. Đêm ấy, anh ghé vào một quán cóc, ăn đỡ đói một dĩa khoai tây chiên. Aùp dụng kỹ thuật đã được tên trộm dạy lúc trong tù, anh lẻn vào một trại rơm ngủ qua đêm.
Sáng sớm, Kern lên đường. Anh đi nhờ một chiếc xe tới Landeck. Anh kiếm được năm Đức kim nhờ bán cho người lái xe một pho tượng nhỏ mà lão Potzloch đã tặng. Đến tối thì trời mưa. Kern lại tạt vào một quán cóc kiếm thức ăn và chơi bài Tarot với một vài tiều phu. Anh thua mất ba Đức kim. Kern trằn trọc mãi. Đã vậy anh còn phải trả cho chủ quán hai Đức kim về đêm ngủ trọ. Cuối cùng, anh ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, Kern tiếp tục hành trình. Anh đón một chiếc xe, nhưng người lái đòi phải trả năm Đức kim.Đó là chiếc xe hiệu Austro-Dainler trị giá đến mười lăm ngàn Đức kim. Kern từ chối. Một lúc sau, anh được người nông dân cho đi nhờ trên xe bò, lại còn cho anh một khúc bánh mì thịt. Đêm đến, anh ngủ trong ổ rơm. Trời mưa. Kern lắng tai nghe tiếng mưa buồn giữa mùi rơm sắp sửa lên men.
Buổi sáng, anh qua đèo Arlberg. Giữa lúc Kern gần mệt lả thì bị một cảnh binh bắt gặp. Thế là anh lại phải cố đi bộ ngược lại bên cạnh chiếc xe đạp của người cảnh binh, cho tới Sankt-Anton. Anh bị nhốt đêm ấy và không tài nào ngủ được vì sợ nhà chức trách biết được là anh đã từ Vienne tới. Nếu họ trả anh về đó, nhứt định là sẽ bị tù. Tuy nhiên, ở đây người ta nghĩ rằng anh chỉ muốn vượt biên giới tại chỗ thôi nên thả anh ra. Kern gởi va-li đi trước bằng đường xe lửa tới Feldkirch rồi đi bộ sau với dụng ý không để cho người cảnh binh hôm qua nhận ra anh. Sáng hôm sau, Kern tới Feldkirch lấy va-li. Đến tối, anh lội bộ qua sông Rhin với chiếc va-li và quần áo đội trên đầu. Thế là anh đã vào lãnh địa Thụy Sĩ.
Kern tiếp tục đi luôn hai đêm nữa để qua khỏi khu vực nguy hiểm. Anh gởi va-li trước và đi nhờ một chiếc xe tới Zurich.
Kern tới nhà ga trung ương buổi chiều. Anh gởi va-li lại.Tuy đã có địa chỉ trong tay nhưng Kern không dám tìm tới Ruth ban ngày. Anh đi vơ vẩn ở nhà ga và tìm đến một tiệm tạp hoá Do Thái hỏi thăm xem uỷ ban cứu trợ dân tỵ nạn ở đâu. Kern được chỉ tới một nơi chuyên lo cứu trợ người Do Thái.
Kern trình bày hoàn cảnh với người thơ ký và cho biết mới vượt biên giới hôm qua.
- Hợp pháp, hả?
Kern lắc đậu.
- Có giấy tờ gì không?
- Nếu có,tôi đã không tới đây.
- Dân Do Thái?
- Không. Lai Do Thái.
- Theo đạo gì?
- Tin lành.
- Tin lành hả? Vậy thì chúng tôi không thể giúp được nhiều. Phương tiện chúng tôi rất eo hẹp. Vả lại, đây là một cơ sở tôn giáo nên chúng tôi chỉ chú trọng đến những người cùng đạo thôi.
Kern chua chát:
- Vâng, tôi hiểu. Người ta tống cổ tôi ra khỏi nước Đức chỉ vì cha tôi là Do Thái. Và ông không thể cứu giúp tôi vì mẹ tôi là người theo đạo Tin Lành.
Người thơ ký nhún vai:
- Rất tiếc là ở đây chúng tôi đã nhận được phẩm vật của những người đồng đạo.
Kern hỏi:
- Như vậy ít ra ông cũng có thể chỉ giúp tôi một nơi nào để tạm trú vài hôm mà không cần phải khai báo?
- Rất tiếc, tôi không thể thẩm quyền. Quy lệ ở đây rất chặt chẽ, chúng tôi bắt buộc phải tuân theo. Chỉ còn cách là đến trình Cảnh sát và xin giấy lưu trú.
Kern cười chán nản:
- Tôi đã có một ít kinh nghiệm về vấn đề nầy.
Người thơ ký nhìn kỹ Kern rồi bảo:
- Cậu đợi một chút.
Ông ta vào một lúc rồi quay ra với tờ giấy bạc hai chục quan:
- Cậu cầm đỡ một ít, chúng tôi không còn cách nào hơn.
- Cám ơn. Tôi cũng không dám mong nhiều hơn thế.
Kern cẩn thận xếp tờ giấy bạc cho vào bóp. Đây là khoản tiền Thụy Sĩ duy nhứt mà anh có.
Ra tới đường, anh đứng lại và không biết phải đi đâu.
- A, ông Kern.
Một giọng nói pha lẫn đôi chút chế nhạo vang lên phía sau Kern. Anh giựt mình, quay phắt lại. Một thanh niên ăn mặc khá chỉnh tề mỉm cười Kern:
- Đừng sợ. Tôi cũng từ trong đó ra – hắn chỉ tay về phía uỷ ban cứu trợ – chắc đây là lần đầu tiên anh tới Zurich?
Kern đo lường thái độ của hắn trước khi đáp:
- Vâng tôi tới đây lần đầu.
- Tôi đoán thế mà đúng. Anh trình bày có phần, xin lỗi, hơi vụng về. Cần gì phải khai đạo tin lành. Tuy nhiên, dầu sao họ cũng giúp anh chút đỉnh. Nếu anh không cho là vô phép, tôi xin được phép giúp anh một vài chỉ dẫn. Tên tôi là Binder. Chúng mình đi kiếm cà-phê, anh vui lòng chớ.
- Rất sẵn sàng. Ở đây có quán nào dành riêng cho những người di trú hay cùng loại như vậy không?
- Có quá nhiều. Tốt hơn là tới quán Greif, cách đây không xa. Cảnh sát cũng khônh hề tới đó.
Họ tới quán Greif. Quán nầy giống với quán Speeler ở Vienne như hai giọt nước. Binder hỏi:
- Anh từ đâu tới?
- Từ Vienne.
- Vậy thì nên kiểm soát lại các thói quen. Phải cẩn thận lắm mới được. Anh có thể xin lưu trú vài ngày không mấy khó nhưng sau đó là phải đi ngay. Hiện thời anh chỉ có hai phần trăm xin được giấy nhưng lai còn tới chín mươi tám phần trăm bị trục xuất.
- Đó không phải là vấn đề.
- Đúng vậy. Và anh có thể bị cấm trở lại trong thời hạn từ một đến năm năm tuỳ theo trường hợp. Bị bắt được sẽ ở tù.
- Thì ở đâu cũng vậy.
- Tốt lắm. Bây giờ vấn đề là phải khéo léo trốn tránh như thế nào cho tới khi bị lộ tung tích.
Kern gật đầu:
- Nhưng còn việc làm?
Binder cười:
- Hoàn toàn không. Thụy Sĩ là một nước quá nhỏ lại có sẵn không biết bao nhiêu người thất nghiệp.
- Lại vẫn một tiểu luận: Hoặc là chết đói hợp pháp hay bất hợp pháp hoặc là bất cần luật lệ.
- Chí lý – Binder thẳng thắn nhìn nhận – mòn thêm một vấn đề là đặc tính của mỗi địa phương. Zirich thì quá tệ. Cảnh sát ở đây có quá nhiều nhiệt tâm. Vùng nào chịu ảnh hưởng Pháp có vẻ dẽ thở hơn như Genève chẳng hạn. Vùng Tessin cũng khá nhưng chỉ có những thị trấn quá nhỏ. Anh định sanh sống ra sao? Công khai hay bí mật?
- Tôi chưa hiểu…
- Nghĩa là anh định chỉ hoàn toàn sống nhờ vào đồng tiền cứu trợ hay buôn bán lặt vặt?
- Tôi thích buôn bán hơn.
- Nguy hiểm lắm. Họ coi đó là một nghề. Bị xử phạt gấp đôi. Lưu trú bất hợp pháp và hành nghề lậu, nhứt là khi bị tố cáo.
- Bị tố cáo?
Binder cười chua chát:
- Chính tôi đã bị tố cáo bởi một người Do Thái triệu phú. Ông ta nổi sùng vì bị tôi xin tiền để mua vé xe đi Bâle. Nếu có bán, chỉ nên bán những món nhỏ như viết chì, dây giày, nút áo, bàn chải đánh răng v.v… Đừng bao giờ mang va-li, hộp hay xách cặp. Tốt hơn hết là cho cả vào túi. Mùa nầy lại càng thuận tiện vì đã vào thu, nhiều người mặc áo choàng. Anh thường bán những gì?
- Xà bông, nước hoa, lược, kẹp tóc và mấy món nho nhỏ khác.
- Vậy là tốt. Món đồ càng ít giá trị lại càng dễ kiếm lời. Phần tôi thì chẳng bán buôn gì cả. Tôi sống hoàn toàn như một ký sinh trùng của các cơ sở từ thiện. Thế là tôi khỏi bị bắt về tội hành nghề lậu nhưng vẫn bị tội du thủ du thực và hành khuất. Bạn có địa chỉ nào đó không?
- Địa chỉ gì?
Binder ngả người ra lưng nghế, trố mắt nhìn Kern:
- Chúa ơi ! Đây chuyện quan trọng hơn tất cả. Phải có địa chỉ của những người mà định tới gặp chớ. Không lẽ cứ trốn chui trốn nhũi hết nhà nầy sang nhà kia. Được ba hôm là cùng.
Hắn mời Kern một điếu thuốc và nói tiếp:
- Tôi sẽ cho anh một lô địa chỉ của những người tin cậy được. Có ba hạng: những người Do Thái mộ đạo, ít mộ đạo và những người công giáo. Tôi cho không anh. Trước đây, tôi đã phải trả hai chục quan mới mua được một ít địa chỉ đầu tiên.
Hắn quan sát Kern:
- Quần áo anh còn tốt. Đó là điều kiện thích hợp ở Thụy Sĩ. Cảnh sát họ tinh mắt lắm. Aùo choàng cũng phải tươm tất để nếu cần thì che giấu bộ đồ rách ở trong. Tuy nhiên, vẫn có chỗ trở ngại là nhiều người nhứt định không chụi bố thí khi quần áo của mình còn tốt. Anh có chuyện gì hay hay không?
Hắn ngước mắt và bắt gặp cái nhìn thẫn thờ của Kern:
- Tôi biết anh đang nghĩ chuyện gì. Trước đây, tôi cũng vậy. Nhưng, tin tôi đi, chỉ một việc làm thế nào để sống được trong cảnh khổ cũng đã làm một nhệ thuật rồi. Lòng từ thiện là một con bò sữa khó vắt mà lại quá ít sữa. Tôi đã gặp một số người dự bị sẵn ba mẩu chuyện khác nhau thuộc loại tình cảm, tàn bạo hay hiện thực. Tùy trường hợp, họ kể lể ra để kiếm vài quan. Nhưng nền tảng của tất cả các chuyện đó vẫn cứ là: nhu cầu, chạy trốn và dạ dầy trống rỗng.
- Vâng, tôi biết nhưng có điều là chưa nghĩ tới. Tôi rất ngạc nhiên về những hiểu biết chính xác và thiết thực của anh.
- Có gì đâu. Đó chỉ là những kinh nghiệm gạn lọc sau ba năm chiến đấu để sống còn. Tôi thì quỷ quyệt, thật vậy, nhưng thằng em tôi thì lại quá chất phát. Nó đã tự vẫn cách nay một năm.
Nét mặt Binder biến đổi trong giây lát rồi trở lại bình thường. Hắn đứng lên:
- Đêm nay nếu không biết ngủ ở đâu thì đến với tôi. Tình cờ tôi tìm ra một chỗ trú ẩn được tới tám ngày. Phòng của một người quen đang nghỉ phép. Tôi sẽ trở lại đây khoảng mười một giờ. Đến nửa đêm là Cảnh sát đi tuần. Nên cẩn thận, nhứt là với những nhân viên mặc thường phục.
- Thụy Sĩ coi vậy mà nguy hiểm. Nhờ trời được gặp anh, nếu không, có lẽ tôi bị bắt ngay đêm nay. Xin cám ơn anh.
Bider khoác tay:
Những người đã ở tận dưới bùn đen đều phải biết yêu thương nhau.Tình bằng hữu của bọn mình cũng giống như của giới bất lương. Mỗi người chúng ta có thể lâm nguy một ngày nào đó, phải giúp đỡ lẫn nhau. Nhớ trở lại lúc mười một giờ.
Hắn trả lại tiền và ung dung ra khỏi quán.
Kern ngồi lại cho tới lúc trời tối. Anh đã mua được một bản đồ thành phố và ghi nhớ con đường tới chỗ ở của Ruth. Anh đi dọc theo các lề đường, chân bước gấp, đầu óc nóng ran. Khoảng nửa giờ sau, anh nhìn thấy ngôi nhà tại một khu phố hoàn toàn yên tịnh. Ngôi nhà trắng xóa dưới ánh trăng. Tới trước cửa, Kern bỗng dừng lại. nhìn nắm cửa to lớn bằng đồng, anh do dự. Anh không itn rằng sau khi mở cửa và đi thẳng lên lầu là sẽ gặp lại Ruth ngay. Từ lâu rồi, anh có thói quen hay sợ những gì quá giản dị. Anh ngước mắt nhìn lên các cửa sổ. Rất có thể là Ruth vắng nhà. Hoặc nàng không còn ở Zurich nữa.
Kern đi qua trước nhà và ghé vào một tiệm bán thuốc hút. Anh hỏi mua một gói. Người đàn bà vẻ mặt cau có đứng sau quầy đẩy gói thuốc và một bao diêm tới:
- Năm mươi xu.
Kern vừa trả tiền vừa hỏi:
- Bà có điện thoại không?
- Có. Ở trong góc, bên trái.
Kern lật niêm giám tìm tên Neumann. Hàng trăm tên Neumann hiện ra. Cuối cùng anh tìm ra số nhà và tên đường. Người đàn bà đứng ở quầy theo dõi Kern. Khó chịu, anh quay lưng lại phía bà ta. Một lúc lâu mới có tiếng người ở đầu dây kia.
Kern cố giữ giọng khỏi run:
- Tôi xin được gặp cô Holland.
- Xin cho biết ai ở đầu dây.
- Ludwig Kern.
Tiếng nói ở đầu kia im bặt một lúc lâu rồi tiếng thở hổn hển vang rõ trong ống nghe của Kern.
- Ludwig… Anh đó sao, Ludwig?
Tim Kern đập thật mau:
- Anh đây. Ruth đó hả? Anh không nhận ra giọng nói.
- Anh đang ở đâu? Ở chỗ nào?
- Ở tại đây, Zurich. Trong tiệm bán thuốc lá. Ở đây. Cùng một đường với em.
- Uûa, sao anh không tới? Có chuyện gì không?
- Không. Anh muốn biết chắc là em còn ở đó không. Mình gặp nhau ở đâu cho tiện?
- Tới đây. Lại đây với em, mau đi. Lầu hai.
- Anh biết, nhưng có tiện không? Sợ người nhà…
- Không có ai cả. Em ở có 1 mình. Họ đi nghỉ cuối tuần hết rồi. Lại đây với em.
- Anh tới ngay.
Kern đặt máy xuống. Anh nhìn quanh. Cảnh vật trong tiệm dường như đã thay đổi. Anh trở ra quầy.
- Điện thoại bao nhiêu?
- Mười xu.
- Có bao nhiêu đó thôi, hả?
- Đủ rồi – người đàn bà lấy tiền – còn gói thuốc đằng kia.
- Vâng, vâng.
Kern ra tới đường. Anh tự bảo “Đừng chạy. Đừng làm cho người khác nghi ngờ. Phải làm chủ thần kinh. Nên đi chậm chậm. Mà không, vẫn có thể đi mau hơn…”
Ruth đứng sẵn ở đầu thang lầu. Trời tối nên Kern không thể thấy rõ người yêu. Anh vội vàng bảo:
- Coi chừng, anh chưa tắm rửa gì cả. Vali còn để ngoài ga.
Ruth không trả lời. Nàng hơi nghiêng người tới, dáng đợi chờ. Kern bước lên từng ba nấc một và… Ruth đã ở trong vòng tay anh, nóng ấm và hiện thực còn rõ ràng hơn sự sống.
Ruth đứng yên. Kern nghe rõ hơi thở của nàng. Anh cũng đứng yên. Bóng tối vây quanh họ dường như lay động. Kern bỗng nhận ra người yêu đang khóc. Anh sửa bộ nhưng Ruth lắc đầu, vẫn dựa sát vào anh.
Có mở cửa tầng dưới. Kern nhính người qua một bên để nhìn xuống thang lầu. Anh nghe tiếng bước chân. Đèn bật sáng, Ruth chợt tỉnh:
- Vào đi anh.
Họ ngồi trong phòng khách của gia đình Neumann. Đây là lần đầu tiên từ khá lâu rồi, Kern được ngồi trong một căn nhà thật sự. Đồ đạc trong nhà hầu hết được làm bằng gỗ đào hoa tâm. Ngoài ra còn có một tấm thảm Ba Tư, mấy chiếc ghế bành, vài ngọn đèn có chụp ánh sáng may bằng lụa màu. Đối với Kern, khung cảnh chẳng có gì sang quý nầy lại là hình ảnh của thái hòa, một hòn đảo bình yên.
Kern hỏi:
- Giấy thông hành của em hết hạn hồi nào?
- Gần bảy tuần rồi.
Ruth lấy từ trong tủ ra hai cái ly và một chai rượu.
- Em có xin gia hạnh không?
- Có. Em tới Tòa lãnh sự ở Zurich. Họ từ chối.
- Anh cũng vậy. Chỉ còn chờ phép lạ. Họ coi mình như là kẻ thù của quốc gia. Những kẻ thù nguy hiểm. Đúng ra, mình phải cảm thấy mình là những nhân vật quan trọng, đúng không?
- Em không cần gì cả. Bây giờ thì em cũng như anh.
Kern cười. Anh ôm vai Ruth và chỉ vào chai rượu:
- Chai gì vậy? Cognac hả?
- Dạ. Cognac loại quý của nhà nầy. Em cũng uống vì có anh. Nghe tin anh ở tù, em muốn điên lên. Bọn nó đánh anh, quân ăn cướp. Tất cả chỉ tại em.
Nàng nhìn Kern, mỉm cười. Kern nhận thấy tay nàng run run khi rót rượu.
- Em sợ quá. Nhưng bây giờ có anh là đủ cả.
Hai người cùng uống. Ruth đặt ly xuống. Nàng đã uống cạn một hơi. Quàng cổ Kern với cả hai tay, Ruth nũng nịu:
- Bây giờ em sẽ không để cho anh đi đâu nữa, không bao giờ.
Kern nhìn Ruth. Anh chưa thấy nàng như thế lần nào. Một cái bóng mờ đã đi qua, Ruth không còn tự khép kín nữa và anh chợt hiểu ra, lần đầu tiên, nàng đã hoàn toàn thuộc về mình.
- Ruth, anh muốn mái nhà bị hất tung lên rồi một chiếc phi cơ tới đưa chúng mình ra một hòn đảo xa xôi ở đó có san hô và những hàng dừa, ở đó không một ai nghe nói tới thẻ thông hành và chứng chỉ lưu trú.
Ruth hôn Kern:
- Em sợ không được vậy đâu. Ngay bên cạnh san hô và những hàng dừa chắc họ đã bố trí những dàn đại bác và tàu chiến. Ở đó, họ còn kiểm soát gắt gao hơn ở Zurich.
- Có lẽ đúng. Mình uống một ly nữa… Nhưng Zurich cũng nguy hiểm. Mình không thể lẩn trốn lâu.
- Vậy thì mình đi.
Kern nhìn quanh phòng. Anh khoát tay chỉ bao gồm tất cả bàn ghế, đèn, màn:
- Ruth, ở với em tại một nơi như thế nầy là chẳng gì bằng. Tuy nhiên, em cần phải nhớ rằng tất cả những đồ vật mà chúng ta đang nhìn thấy sẽ không còn nữa. Lúc đó chỉ có những con đường dài hun hút, những cuộc lẩn tránh, những ổ rơm, hoặc một gác trọ tồi tàn… và cũng có thể là tù ngục.
- Em biết nhưng em không sợ. Đừng lo. Bằng mọi cách em phải rời khỏi nơi nầy. Người trong nhà đang lo ngại vì em ở không khai báo. Họ sẽ hài lòng khi em đi. Em còn chút ít tiền để dành. Em sẽ giúp anh mua bán. Vả lại, em cũng không tốn kém gì nhiều cho anh đâu.
- Vậy à? Em còn tiền và sẽ tiếp anh mua bán? Thôi, đừng nói nữa, anh khóc bây giờ. Đồ đạc có gì nhiều không?
- Em gởi lại đây những gì không cần thiết.
- Tốt. Còn sách vở. Mấy cuốn hóa học to tổ bổ ấy?
- Bàn hết rồi. Em nghe theo lời anh lúc ở Prague. Đừng nên mang theo những gì dính dáng tới cuộc sống trước kia.
Kern cười:
- Vậy là đúng. Em có óc thực tế rồi. George Binder, một thổ công của Thụy Sĩ, đã khuyên anh như thế. Chừng nào mình đi?
- Sáng mốt. Từ bây giờ tới đó mình ở lại đây.
- Tốt quá. Lại có chỗ ngủ rồi. Aø, anh phải tới quán Grief trước mười hai giờ đêm để gặp Binder.
- Đừng đi đâu cả. Anh phải ở đây với em cho tới lúc hai đứa lên đường. Nếu không, em lo lắm.
- Nhưng có tiện không? Còn người giúp việc hay một ai đó có thể… tố cáo mình không?
- Người làm nghỉ cho tới trưa thứ hai. Cô ta sẽ trở về bằng chuyến xe lửa mười một giờ bốn mươi. Gia đình Neumann thì về khoảng ba giờ chiều. Mình còn đủ thì giờ.
- Chúa ơi! Chúng mình làm chủ cả một căn nhà như thế nầy à?
- Chớ sao.
- Mình làm chủ căn nhà. Mình tự do ngồi ở phòng khách, vào nằm trong buồng ngủ, ăn uống có khăn trải bàn trắng muốt, tô dĩa bằng sứ tráng men, muỗng nĩa bằng bạc, lại còn cà phê và nghe máy thu thanh…
- Và em sẽ nấu nướng theo sở thích của anh, rồi em sẽ mặc áo đẹp của Sylvia Neumann.
- Và anh sẽ mặc áo đuôi tôm của Neumann dầu có rộng thùng thình đi nữa.
- Chắc vừa mà.
- Vậy là tuyệt diệu.
Kern nhảy cẫng lên, nói tiếp:
- Anh sẽ tắm nước nóng và gội rửa thật nhiều xà bông. Lâu quá, chưa hề tắm với xà bông.
- Phải rồi, mình sẽ cho vào bồn nước vài giọt nước hoa hiệu Farr của nhà sản xuất Kern, nổi danh thế giới.
Kern buồn thiu:
- Anh bán hết rồi.
- Em còn một chai của anh cho trong rạp hát ở Prague. Đó là đêm đầu tiên. Em giữ là kỉ niệm.
Kern ngửa mặt lên:
- Xin Thượng đế ban phước lành cho Zurich. Ruth, em đem lại cho anh quá nhiều hạnh phúc. Hay quá, mình bắt đầu với toàn những điềm lành.