M arill ngồi trên một bục xi măng, đang phe phẩy quạt với một tờ báo. Trước mặt ông ta có một vài quyển sách.
- Lại đây, Kern. Sắp tới rồi. Đây là lúc những con thú đi tìm sự cô đơn và loài người đi tìm bạn. Còn được mấy ngày lưu trú?
Kern ngồi bên cạnh Marill:
- Còn một tuần.
- Một tuần, trong tù thì dài. Ngoài tự do thì quá ngắn – Marill chỉ vào mấy quyển sách- Trong thời kỳ di trú mình có thể học thêm. Tôi đang học Pháp và Anh văn.
Kern bỗng nói một câu bâng quơ:
- Bây giờ nghe thấy hai tiếng di trú tôi đã hết thấy đau xót.
Marill cười:
- Lầm rồi! Cậu đang có bạn đồng hành dễ thương đó thôi. Dante phải di trú. Schiller chịu lưu đày. Heine, Victor Hugo cũng vậy. Đó là chỉ mới kể một vài người thôi. Mặt trăng trên kia cũng phải xa lìa trái đất. Và trái đất lìa xa mặt trời – Ông ta nháy mắt – Ước mong là cuộc di trú này sẽ không biến chúng ta thành một vầng hơi trong không gian hay những vẩn thạch. Cậu có tin mình cũng như thế không?
- Không.
Marill lại phe phẩy tờ báo:
- Nếu trời kông mưa đó là lỗi của người Do Thái.
- Không phải.
- Một mảnh trái phá trong bụng sẽ là hạnh phúc tuyệt vời của người Do Thái.
- Cũng không phải.
- Người Do Thái là bôn-sơ-vích bởi vì họ thâu tiền quá nhiều.
- Cũng khá. Và sao nữa?
- Rằng Jesus là người ở phía Đông Địa Trung Hải và là đứa con vô thừa nhận của Đức…
- Không phải. Đoán sai rồi. Tôi vừa đọc “ nhịp cầu tri âm”. Nghe đây: Ai là người đàn ông đa cảm sẽ làm cho đời tôi hạnh phúc? Thiếu nữ dễ thương, nhạy cảm, quý phái và tế nhị, thích tư tưởng và điều đẹp, rất rành về ngành cho nhà trọ, tìm một người từ ba mươi lăm đến bốn mươi, hoàn cảnh tố t – Ông ta ngước mắt – Như vậy nghĩa là bốn mươi mốt thì bị loại. Và đây nữa: Tìm một người đàn ông xứng hợp. Phụ nữ vui vẻ trẻ trung, thích sống nội tâm, nhiệt thành, mau thông cảm, biết thưởng thức tình bạn, cần một người đàn ông có lợi tức tương đương, yêu nghệ thật và thể thao – ngon lành quá, phải không? Và đây là: Đàn ông năm mươi tuổi, cô độc, nhảy cảm, người trẻ hơn tuổi. Mồ côi cha lẫn mẹ… Marill ngừng lại nhìn Kern – Năm mươi tuổi! Mồ côi cha lẫn mẹ! Tội nghiệp ghê! Đây, cậu cầm lấy tờ báo. Hai trang mỗi tuần, chỉ có báo này mới có thôi. Cứ đọc những lời rao ấy là thấy đầy dẫy những tấm lòng tốt, sự yêu thương và tình bạn. Đúng là một thiên đàng! Một khu vườn Eden giữa rừng già chánh trị. Tươi mát và yên tĩnh quá! Mình như thấy như giữa thời đại bi thảm nầy vẫn còn quá nhiều tâm hồn cao cả…
Maill ném tờ báo về phía Kern:
- Tại sao không có lời rao: Chỉ huy trưởng trại tập trung, bản chất nhạy cảm, tinh thần cao cả?
Kern chua chát:
- Đừng quên rằng, hạng người đó vẫn ngỡ mình như thế.
- Đúng vậy. Càng ơ khai, người ta càng tưởng mình tốt, cậu sẽ thấy rõ trong những lời rao tâm tình. Muốn làm được như vậy phải có một sự tin tưởng mù quáng. Thái độ nghi ngờ và lòng vị tha chỉ trong những người thật sự văn minh. Và cũng chỉ vì hai thứ đó mà con người văn minh chịu thiệt thòi.
Ngay lúc đó, gã bồi phòng tới báo tin:
- Ông Kern, có người tìm ông. Chắc không phải là Cảnh sát.
Kern vội vàng đứng lên:
- Cám ơn, tôi tới ngay.
Anh có thể nhận ra ngay con người có vẻ thảm hại ấy. Đối với anh, người tới tìm giống như bức ảnh mờ, một bức ảnh mà người ta phải từ từ nhận dạng từng nét một mới thấy được toàn diện sự quen thuộc. Kern hoảng hốt kêu:
- Ba!
- Chính ba đây! Ludwig!
Người cha lau mồ hôi trán, cười gượng gạo:
- Trời nóng quá.
- Dạ, dạo nầy trời nóng. Ba vào phía trong nầy mát hơn.
Sau khi mời cha ngồi, Kern đi tìm một ly nước chanh cho cha. Lúc trở lại, anh dè dặt nói:
- Lâu quá con không gặp ba.
Người cha gật đầu:
- Con còn ở đây lâu không?
- Dạ chắc không được. Họ khá tử tế nhưng sau thời hạn mười lăm hôm, có thể họ chỉ cho thêm một vài ngày nữa là cùng.
- Sau đó con có định lưu trú lâu không?
- Dạ không . Ở đây có quá nhiều di dân. Trước đây con hông biết. Con sẽ cố quay lại Vienne. Ở đó dễ trốn hơn. Còn ba, ba tính sao?
- Ba bị bịnh, Ludwig. Cúm. Ba chỉ dậy được có mấy ngày nay.
Kern thở ra nhẹ nhõm:
- Vậy à?… Chắc bây giờ ba đỡ nhiều?
- Như con thấy đây, chẳng sao cả.
- Rồi ba sống bằng cách nào?
- Ba có một chỗ ẩn náu.
Kern cảm thấy vui vui:
- Và được canh gác cẩn mật.
Người cha nhìn con với ánh mắt hơi bối rối ngượng nghịu. Kern hơi ngạc nhiên:
- Ở đó có gì phiền phức không, ba?
- Tạm được, Ludwig. Đối với mình thì có gì đâu? Một chút yên tĩnh là đủ. Ba cũng làm việc chút ít, làm kế toán cho một nhà buôn than củi.
- Hay quá! Họ trả bao nhiêu?
- Chẳng ra gì cả, chỉ vừa tiền túi. Nhưng ba được nuôi ăn ở.
- Vậy là tốt quá rồi. Mai con đến thăm ba.
- Cũng được, nhưng để ba đến đây cũng vậy thôi.
- Không ba đi làm gì cho mệt. Để con đi.
- Ludwig… - Người cha nuốt nước miếng - Ba thích lại đây thăm con hơn.
Kern không khỏi ngạc nhiên. Và đột nhiên anh hiểu cả… Người đàn bà vạm vỡ canh cửa. Tim anh bỗng đập mạnh. Anh muốn nhảy phốc tới, vồ lấy cha mình rồi hai người cùng tẩu thoát. Và trong khoảng khắc, Kern liên tưởng tới mẹ, ở Dresde, vào những chủ nhật sống bên nhau. Bây giờ, trước mắt anh, một người cha gẫy gập dưới ngọn roi định mệnh đang thảm khổ sợ sệt con.
Hết rồi! Hỏng cả rồi! Tự nhiên, toàn thân Kern như rã rời từng mảnh và một sự thương hại pha lẫn chua xót dâng lên.
- Họ đã trục xuất ba đến hai lần, Ludwig. Ba chỉ cần tới đó một lần nữa là vào tù. Kể ra họ cũng chẳng ác độc gì nhưng họ không thể lưu giữ tất cả. Vả lại, ba bị bịnh… mưa dầm dề, Ludwig. Ba bị sưng phổi. Và, bà ấy lo chạy chữa, nếu không thì ba đã chết mất rồi. Bà ta không phải là người xấu…
Kern đã bình tĩnh lại:
- Con cũng nghĩ vậy.
- Ba có làm việc chút ít. Vừa đủ xài vặt. Ba không muốn nói thế… nhưng ba không thể ngủ tiếp tục ở ghế đá công viên, và trốn chui trốn nhủi mãi, Ludwig…
- Dạ, con hiểu.
Người cha nhìn vào khoảng không:
- Theo cha thì mẽ con nên làm đơn xin ly dị. Có như thế, mẹ con mới có thể trở về Đức.
- Ba muốn vậy sao?
- Không, không phải vì ba mà là vì mẹ con. Tất cả tội lỗi đều do ba. Nếu ba không cưới mẹ con thì đâu có chuyện bị kết tội có chồng Do Thái. Lỗi của ba. Và ba cũng có lỗi với con. Chính vì ba mà con mất quê hương.
Kern xúc động đến tột cùng. Hình ảnh một người cha vui sống lúc còn ở Dresde đã biến mất. Chỉ còn lại hình ảnh một người già nua, đơn độc, bi thảm, có liên hệ huyết thống với anh. Trong cơn bối rối, Kern bỗng đứng lên và chuyện chưa bao giờ xẩy ra trong đầu anh bỗng chợt nhớ tới, anh ôm choàng lấy đôi vai gầy yếu của người cha.
Siegmund cúi mặt:
- Con hiểu cho ba, Ludwig.
- Dạ, con hiểu lắm. Lỗi không phải do ba. Hoàn toàn không phải.
Anh vuốt nhẹ đường lưng xương xẩu của cha.
- Thôi, ba đi.
- Dạ.
- Để ba trả tiền ly nước chanh. Ba có mang một gói thuốc cho con. Dạo nầy, con lớn ra và khoẻ mạnh.
Kern nghĩ phải, còn ba thì già đi và mất hết tự tin. Chỉ cần con nắm được trong tay kẻ nào đó đưa ba tới thảm cảnh này, con sẽ đập nát mặt nó ra. Anh cố cười:
- Ba ráng giữ gìn sức khoẻ. Tiền ly nước, con trả rồi. Lúc nầy, con cũng kiếm được một ít. Nhờ mấy sản phẩm của nhà mình. Có một nhà buôn ở đây còn khá nhiều nước hoa hiệu Farr. Con lấy ở đó.
Mắt Siegmund Kern sáng lên. Ông cười buồn bã:
- Bây giờ con phải đi gõ cửa từng nhà bán dạo. Ludwig, tha lỗi cho ba.
Kern cố nuốt trôi một vật gì đó vừa trào lên cổ:
- Có gì đâu ba! Đó là trường học tốt nhứt thế giới. Người ta học cách sống từ chỗ thấp nhứt.
- Nhớ giữ đừng để bịnh.
- Con khỏe lắm, ba đừng lo.
Cả hai cùng đi ra.
- Con còn nhiều hy vọng, Ludwig…
Kern không khỏi nghĩ, thế nầy mà còn nhiều hy vọng hay sao? Anh an ủi cha:
- Tất cả rồi đâu vào đó. Tình trạng nầy không thể kéo dài.
Siegmund nhìn thẳng phía trước, giọng ông ấm lại:
- Phải Ludwig. Chúng ta rồi sẽ đoàn tụ, lúc đó có mẹ con… tất cả những gì ở đây đều qua đi, chẳng còn nhớ tới nữa…
Ngừng một lát, ông tiếp giọng đều đều của một kẻ sám hối:
- Nếu không phải lỗi tại ba thì con vẫn còn tiếp tục học.
- Nhưng, không có con?
- Con cố giữ sức khoẻ. Con không lấy thuốc hút sao? Dầu sao ba cũng là ba của con. Ba muốn cho con một vật gì.
- Dạ, ba cho con.
- Đừng quên ba. môi người cha run run, ba không hề có ý nghĩ xấu. Dầu không đủ sức làm nhưng ba vẫn lo về sự sống của con. Thôi, ba đi, con của ba.
Anh nhìn theo cha mình. Anh đã hứa là sẽ viết thơ và sẽ tới thăm nhưng anh biết rằng đây là lần gặp nhau cuối cùng. Anh đứng đó nhìn theo, nhìn theo cho tới khi người cha đi khuất. Trước mắt anh là một khoảng trống.
Kern quay vào. Marill vẫn còn ngồi đọc báo với nét mặt vừa khinh bỉ vừa chán chường. “Năm mười tuổi, mồ côi cha lẫn mẹ…” Vậy mà vẫn có người đủ can đảm nói lên, dường như tới năm mươi tuổi vẫn chưa thành nhân, nếu cha mẹ đã qua đời.
Ba hôm sau, Ruth Holland đi vienne. Ruth nhận được điện tín của một người bạn gái cho biết có thể cho nàng ở đậu. Ruth nuôi hy vọng tới đó kiếm việc làm để tiếp tục học.
Đêm lên đường nàng và Kern tới quán ăn Porcelet Noir. Từ lâu rồi, họ chỉ được ăn có món súp bình dân.
Pacelet Noir là một quán ăn nhỏ, giá cả vừa phải nhưng thức ăn ngon. Chính Marill đã giới thiệu nơi nầy cho Kern. Anh định sẽ dùng món thịt trừu, và nhẩm tính khoản tiền trong túi, anh biết còn đủ để gọi thêm bánh kem tráng miệng. Anh nhớ có lần Ruth đã nói rằng thích bánh kem.
Nhưng lúc tới quán, Kern được cho biết là đã hết thịt trừu. Kern dò dẫm từng thức ăn
trên thực đơn. Phần lớn đều mắc tiền. Trong khi đó, gã hầu bàn không ngớt miệng giới thiệu:
- Thịt xông khói với su, sườn heo chiên ăn sà-lách, gà giò quay, gan tươi.
Kern hỏi Ruth:
- Em định dùng món gì thay thế thịt trừu?
Tuy hỏi nhưng Kern đã thầm tính là sẽ gọi món sườn heo, và như thế sẽ không còn dủ tiền để gọi món tráng miệng bánh kem.
Ruth nhìn vào thực đơn:
- Xúc xích với sà-lách và khoai tây rẻ tiền hơn.
- Không được. Không đúng với một bữa ăn giã biệt.
- Em thích món ăn này lắm. Cứ ăn súp bình dân hoài, bây giờ được ăn thế nầy là sang quá rồi.
- Em thích sườn heo chiên không?
- Đắt lắm.
Kern gọi:
- Cho hai dĩa sườn heo chiên, thứ sườn to.
Gã hầu bàn mặt như sáp:
- Dạ chỉ có một cỡ thôi.
Kern lại Ruth:
- Em muốn dùng món gì trước?
- Không. Chỉ món sườn là đủ rồi.
Kern gọi thêm một chai rượu chát rẻ tiền. Gã hầu bàn khinh khỉnh rút lui vì thừa biết hạng khách nầy chẳng bao giờ thừa tiền để thưởng.
Quán ăn gần như trống vắng vì giờ ăn tối đã qua lâu.Chỉ còn một người khách duy nhất ngồi ở một bàn trong góc. Người khách đơn độc nầy đeo kính một tròng. Ông ta ngồi với một ly bia và nhìn chăm chú đôi bạn trẻ.
Kern bực mình:
- Sao ông ta không đi cho khuất mắt.
Ruth gật đầu:
- Ông ta có vẻ…
- Chắc không phải dân tỵ nạn đâu. Có thể là ngược lại.
- Mình đừng thèm nhìn về phía ông ta…
Kern cố dằn được vài phút rồi lại nhìn sang. Người khách vẫn còn nhìn họ như dò xét. Kern tức tối:
- Ông ta muốn gì mà nhìn kiểu đó…
- Có thể là nhân viên mật vụ Gestapo. Em nghe nói, chúng có mặt ở nhiều nơi.
- Có cần anh sang hỏi hắn không?
Ruth vội vàng chụp tay Kern:
- Đừng!
Hai dĩa sườn được mang ra. Sườn vừa chín tới vừa mềm vừa béo đượm lại them có xà lách tươi trông đến thèm chảy nước miếng. Thế nhưng, cả Kern và Ruth đều chỉ ăn lấy lệ vì đang hồi hộp bởi sự ngồi lì của ông khách kỳ lạ. Kern trấn an Ruth:
- Chắc không phải theo dõi mình. Đâu có ai biết mình tới đây.
- Cố nhiên là không phải đặc biệt theo dõi mình. Có lẽ vì tình cờ. Hắn thấy lạ và chú ý…
Thức ăn được dọn đi. Kern nhìn mau ra phía sau. Anh muốn cho Ruth vui trước giờ chia tay nhưng bây giờ sự có mặt của con người kia đã phá hư tất cả. Anh bực bội đứng lên, trong đầu vừa nảy sanh một ý định.
- Đợi anh một chút.
Ruth sợ hãi:
- Anh định làm gì? Ngồi đây đi.
- Không, không, anh không làm gì hắn đâu. Anh muốn nói chuyện với chủ quán.
Luôn luôn phòng xa nên lúc đi Kern mang sẵn theo hai lọ nước hoa nhỏ nhỏ. Bây giờ, anh muốn đổi hai chai dầu thơm đó để lấy hai đĩa bánh kem. Sự thực hai chai nước hoa của Kern trị giá gấp mấy lần hai đĩa bánh nhưng lúc nầy chẳng còn gì có giá trị hơn là sự vui lòng của Ruth, nhứt là sau khi đã khổ sở nếm món sườn chiên. Nếu được, Kern sẽ kỳ kèo thêm cho mỗi người một tách cà phê.
Vừa nghe Lern trình bày xong, người chủ quán trợn mắt:
- Định ăn quỵt hả? Không có tiền sao vác mặt tới ăn? Không có đổi chác gì hết. Để rồi Cảnh sát giải quyết.
Kern cố dằn giận:
- Tôi có thừa tiền đây.
Anh ném tiền lên mặt bàn. Người chủ quán vừa lấy tiền vừa hỏi:
- Cậu là thực khách hay bán dạo?
Kern không thể dằn hơn nữa:
- Bây giờ tôi là khách. Còn ông, ông là…
- Khoan đã, xin cho tôi nói.
Tiếng người bất thần chen vào từ phía sau làm Kern giựt mình quay phắt lại. chính là người khách mang kính một tròng. Người đàn ông kỳ lạ nói với Kern:
- Tôi có thể nói với cậu vài câu chớ?
Kern theo ngay ông ta tới một cái bàn trống. Anh đang giận sôi nên đã tới mức liều. Người lạ hỏi:
- Có phải cô cậu là di dân Đức không?
Kern nhìn thẳng vào mắt ông ta:
- Chuyện đó có liên hệ gì tới ông?
Người lạ vẫn thản nhiên:
- Không. Tôi chỉ nghe cậu đề nghị đổi chác với người chủ quán. Tôi muốn mua chai nước hoa đó.
Kern nghĩ là mình đã nghi ngờ đúng. Nếu bán chai nước hoa bây giờ, anh sẽ bị người lạ bắt quả tang về tội buôn bán bất hợp pháp và sẽ bị bắt tức khắc.
- Không. Tôi không bán.
- Sao vậy?
- Tôi không hành nghề thương mãi.
- Như vậy thì mình trao đổi với nhau. Cậu trao tôi chai dầu thơm, tôi xuất tiền trả cậu bánh kem và cà phê.
Kern vẫn đề phòng:
- Tôi không hiểu ông muốn nói gì.
Người lạ cười hiền:
- Tôi biết là cậu nghi ngại tôi. Đây, tôi xin nói rõ cậu nghe. Tôi là người ở Bá Linh và tôi sẽ trở về đó trong một tiếng đồng hồ nữa. Còn cậu thì không về được…
- Phải, nhưng có sao đâu!
- Chính vì vậy mà tôi muốn giúp cậu một việc nho nhỏ. Trước kia tôi đã từng là Đại đội trưởng và một trong những binh sĩ can đảm của tôi là người Do Thái. Cậu bằng lòng chớ?
Kern đưa chai dầu thơm cho ông ta:
- Xin lỗi. Tôi cứ ngỡ ông là…
Người Bá Linh cười:
- Tôi biết. Thôi, cậu trở lại với cô bạn đi, kẻo cô ấy sợ. Chúc cả cô cậu đều may mắn.
Kern bắt lấy bàn tay ông ta vừa chìa ra:
- Cám ơn. Cám ơn ngàn lần.
Kern đi trở về bàn, sung sướng gần như lảo đảo:
- Ruth, chuyện huyền hoặc như ông già Noel hay là anh đang điên?
Gã bồi bàn khệ nệ bưng tới một cái dĩa bằng bạc bên trên là một chiếc bánh kem ba tầng. Trên mâm lại còn có cả cà phê. Ruth ngạc nhiên đến lạnh người:
- Ủa, cái gì vậy?
Kern vừa rót cà phê ra tách vừa nheo mắt:
- Mỗi đứa có quyền lấy một phần. Em chọn đi.
Thấy cả hai chỉ ăn có phần đã lấy ra thôi, gã hầu bàn hỏi:
- Dạ có cần tôi gói lại không?
Kern nhíu mày:
- Gói lại? Gói cái gì?
Gã hầu bàn chỉ cái bánh ba tầng:
- Tất cả cái này là của ông.
Kern hiểu ra. Anh quay người về phía sau:
- Ủa, ông hồi nãy đâu?
- Dạ, ông ấy đi rồi.
Kern xoay người lại, bảo Ruth:
- Aên đi em, lấy thêm phần có mứt đi.
Sau khi đã dồn đầy hai đĩa, Kern bảo:
- Đủ rồi. Gói phần còn lại hai gói. Ruth, em mang theo một gói đi đường.
Một lúc sau gã hầu bàn lại mang ra một cái mâm bạc lớn, bên trên có một chai săm-banh. Kern cười:
- Săm-banh? Tôi có gọi đâu?
Gã hầu bàn chỉ ra phía cửa:
- Chính ông khách lúc nãy dặn.
Ngay lúc đó, người chủ quán tới cười vã lã:
- Cậu đừng giận… Lúc nãy tôi đùa nhưng không khéo…
Mắt Kern mở trừng trừng chiếu thẳng vào chai săm-banh. Gã hầu bàn giải thích:
- Ông hồi nãy trả tiền rồi.
Kern dụi mắt:
- Mình có ngủ mê không, Ruth? Em đã uống săm-banh lần nào chưa?
- Chưa, em chỉ thấy người ta uống trên màn ảnh.
Kern cố bình tĩnh lại, thừa cơ hội mắng xéo, người chủ quán:
- Ông thấy không, chỉ có một chai nước hoa hiệu Farr của nhà máy sản xuất Kern là đã được như thế nầy rồi. Loại nước hoa nầy phải có người sành điệu mới hiểu nổi giá trị.
Chủ quán cười gượng:
- Tôi chỉ giỏi về rượu thôi.
Nói xong, ông ta trở về quầy. Kern bảo Ruth:
- Anh bắt đầu tin ở phép lạ rồi. Ngay bây giờ nếu nếu có hai con bồ câu trắng từ ngoài bay vào, miệng ngậm thẻ thông hành có hiệu lực năm năm hay một giấy phép hành nghề vô thời hạn, anh cũng không ngạc nhiên.
Uống hết chai săm-banh, hai người đã ngà say. Họ đứng lên định ra về thì người chủ quán ngăn lại:
- Cậu còn chai nước hoa nào loại đó không? Tôi muốn… cho vợ tôi…
Kern tỉnh táo ngay. Anh mò mẫm các túi:
- À, có đây. Không ngờ lại bỏ túi hai chai. Nhưng bây giờ thì không phải với điều kiện lúc nãy. Hai mươi cua-ron.
Người chủ quán tính nhẩm thật mau. Với tất cả các món ăn và chai sâm-banh mà người kia chịu, đúng giá là ba chục cua-ron. Như vậy, nếu trả hai mươi, ông ta còn lời tới mười cua-ron. Tuy nhiên, ông ta vẫn trả giá:
- Mười lăm.
- Hai chục.
Kern làm như sắp cho chai nước hoa vào túi.
- Thôi cũng được.
Người chủ quán móc ra một tờ giấy bạc nhầu nát trao cho Kern. Hắn định sẽ nói với cô nhân tình của hắn là đã phải trả đến năm mươi cua-ron. Như thế hắn khỏi phải may cho cô ta cái nón tốn tới năm chục cua-ron. Lợi gấp đôi.
Kern và Ruth trở về lữ quán và đi ra nhà ga với chiếc vali của Ruth. Dọc đường, Ruth hoàn toàn im lặng.
- Đừng buồn, Ruth. Anh sẽ tới đó tìm em. Trong vòng tám hôm hay trễ lắm là chỉ một hay hai ngày sau là anh phải rời nơi đây. Anh sẽ tới Vienne. Em có muốn anh tới đó không?
- Anh phải tới. Nhưng cố làm sao thu xếp cho tiện.
- Tại sao không chỉ bảo thế nầy thôi: Anh phải tới.
Ruth nhìn Kern:
- Có lẽ tại em lo ngại cho anh.
Một lúc sau, Kern lại an ủi:
- Đừng buồn nữa, Ruth. Lúc nãy em còn vui mà.
Ruth bỗng lộ vẻ bối rối:
- Em sẽ kể cho anh nghe một chuyện nhưng để ý gì cả. Lắm lúc em tự cảm thấy không còn biết đầu đuôi gì nữa. Bữa nay, chắc là tại rượu. Mình lại đằng nầy. Chỉ còn mấy phút nữa thôi.
Cả hai ngồi trên một ghế đá công trường. Kern ôm vai người yêu:
- Vui lên, Ruth. Ngoài niềm vui ra chẳng còn có gì đáng kể. Nói như thế là sai. Nhưng với những kẻ như mình, chỉ cần một chút vui là gần như đủ cả.
Ruth nhìn thẳng trước mắt:
- Em cũng muốn vui lắm nhưng cảm thấy nặng nề làm sao ấy. Em muốn nhẹ nhàng thanh thoát. Thế mà bất cứ việc gì em làm cũng vụng về, nặng trĩu.
Nghe giọng nói hơi khác lạ, Kern nhìn vào mặt người yêu bắt gặp toàn nước mắt. Ruth tiếp tục khóc trong câm lặng. Nàng hất tóc ra sau:
- Em không biết tại sao lại khóc, nhứt là trong lúc nầy. Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa…
Kern vỗ về:
- Ruth đừng nói vậy.
Ruth kề sát mặt tới, đặt tay lên vai Kern. Không tự chủ nổi, Kern kéo nàng vào, ôm lấy và hôn như mưa lên đôi mắt nhắm nghiền, lên vành môi khép kín… như từ khước…
Nhưng rồi đột nhiên, Ruth như người chợt tỉnh:
- Anh, anh không hiểu em…
Và nàng gục đầu vào vai Kern, mắt vẫn nhắm nghiền nhưng môi mở hé ra dịu ngọt như trái chín.
Tới nhà ga, Kern chạy đi mua một bó hoa hồng. Anh thầm cám ơn người lạ, mang kính một tròng và ông chủ quán Porcelet Noir.
Ruth tỏ ra xúc động khi Kern quay lại với bó hoa:
- Anh mua hoa. Trời, hoa hồng! Người ta tiễn đưa tôi như một nữ minh tinh.
Kern kiêu hãnh bảo:
- Như vợ của một nhà doanh thương mới đúng.
- Nhưng các nhà doanh thương không hề biết tặng hoa, Ludwig.
- Biết chớ. Thế hệ mới mà.
Kern đặt va-li và gói bánh vào lưới đựng hành lý. Ruth nhìn Kern ra đứng chỗ vắng người. Nàng ôm lấy đầu Kern, nhìn vào mắt người yêu:
- Được anh tiễn đưa, em sung sướng lắm. Nhưng bây giờ, anh về đi. Về đi để em lên xe. Em không khóc nữa đâu. Thôi, về đi anh.
Kern vẫn đứng yên:
- Anh không sợ những cuộc chia tay. Anh đã chứng kiến quá nhiều rồi.
Xe lửa chuyển mình. Ruth lên xe và Kern đứng nhìn theo cho tới khi mất hút. Trên đường về, anh có cảm tưởng như cả thành phố Prague đều trống vắng.
Tới trước lữ quán, Kern gặp Rabe đứng một mình. Anh chìa gói thuốc mời. Rabe nhảy lùi lại và đưa tay thủ thế. Kern nhìn ông ta với tất cả ngạc nhiên. Rabe lắp bắp:
- Xin lỗi cậu… Tôi bị ám ảnh mãi nên… Phản ứng thất thường.
Ông ta chậm chạp rút một điếu thuốc.
Từ mười lăm ngày qua, Steiner làm hầu bàn cho quán”cây xanh”. Đêm đã khuya, người chủ quán đã đi ngủ cách đó hai tiếng đồng hồ, trong quán chỉ còn vài người khách.
Steiner khép các cửa sổ lại:
- Quán đóng cửa.
Một khách buôn đồ gỗ, mặt như trái dưa chuột phản đối:
- Còn uống một ly nữa mà.
- Được. Mikolash hả?
- Không. Không uống rượu chát Hung-ga-ri nữa, cho thứ nào ngon và mạnh hơn.
Steiner mang tới một chai Quetsche. Người khách mời:
- Uống với bọn nầy một ly.
- Cám ơn. Sợ uống nữa là say luôn.
- Cứ say luôn. Đêm nay tôi cũng phải say. Bạn biết không: Một đứa con gái thứ ba! Sáng nay cô đỡ đến cho hay “xin chúc mừng ông Blau, bà vừa mới sanh một cháu gái rất khoẻ mạnh”. Thế mà mình cứ tính lần nầy phải có con trai. Ba đứa con gái, không người nối giòng. Có tức không? Bạn hiểu chớ?
Steiner đưa đẩy:
- Phải rồi. À, ông có cần mang một ly lớn ra không?
Nhà buôn gỗ đập mạnh tay lên bàn:
- Má nó. Bạn đề nghị hay lắm. Ly lớn mới phải…
Steiner và mấy người khách uống chung nhau một tiếng đồng hồ. Tới lúc đó, nhà buôn đồ gỗ đã quên đầu , quên đuôi. Ông ta phàn nàn là vợ đã sanh luôn ba đứa con trai…
Khách đã ra về, Steiner nghe đầu nặng như chì. Anh ngồi lại một lúc, dọn dẹp đồ đạc rồi về phòng riêng lấy ảnh vợ ra nhìn ngắm. Anh nghĩ là vào khoảng những ngày sau nầy người vợ đã xin ly dị theo lời anh. Tự nhiên, anh xé tấm ảnh ra làm đôi, ném xuống đất, anh lẩm bẩm:
- Mình điên mất, Phải đi một vòng giải khuây. Bây giờ mình đã là Johann Huber chớ đâu phải Steiner.
Anh uống thêm một ly nữa, đóng cửa phòng và ra đường. Một cô gái cặp kè anh:
- Về nhà nghe cưng?
- Ưø.
Cả hai đi bên nhau. Cô gái điếm thỉnh thoảng nhìn trộm anh ta. Một lúc sau, cô ta hỏi:
- Sao không nhìn em?
- Có chớ, nhìn đây.
Anh vừa đáp, vừa ngước mắt lên.
- Bộ em xấu lắm hả?
- Không. Đẹp lắm.
- Sao anh nói ít quá vậy?
- Tại có tật không nói nhiều.
- Anh tặng em cái gì?
- Không biết. Muốn tặng gì?
- Ơû suốt đêm hả?
- Không.
- Vậy thì hai mươi Đức kim?
- Mười thôi. Nghèo lắm.
- Anh không có vẻ gì là nghèo cả.
- Có nhiều người không có vẻ gì là thủ tướng nhưng vẫn làm Thủ tướng.
Cô điếm cười:
- Anh nói chuyện có duyên quá. Được, mười thôi. Em có căn phòng đẹp lắm. Nhứt định anh sẽ vừa lòng.
Steiner vẫn nhát gừng:
- Thiệt hả?
Về tới phòng riêng ả điếm, Steiner cứ ngồi nhìn chòng chọc khiến cô ta kêu lên:
- Làm gì nhìn người ta dữ vậy? Mắt anh dễ sợ như mấy tay sát nhân. Chắc lâu lắm anh không gần đàn bà?
- Tên gì?
- Tên Elvira. Đừng cười nghen, tại má em thích những cái tên vĩ đại. Lại nằm với em đi.
Steiner lắc đầu:
- Kiếm cái gì uống trước đã.
Ả điếm hỏi ngay:
- Nhưng còn tiền không?
Steiner gật đầu. Elvira tới cửa gọi mụ chủ chứa vào. Steiner không thèm nhìn bà ta:
- Cho rượu mạnh. Quetsch, Kirsch hay cái gì cũng được.
Mụ chủ chứa và ả điếm láy mắt nhau. Elvira nói lớn:
- Lấy Kirsh đi. Nhưng tới mười đồng nghe cưng.
Steiner lẳng lặng móc tiền ra trả. Mụ chủ nói vài câu nịnh bợ và rút lui. Steiner bảo cô gái điếm:
- Đưa ly nước uống đây.
Hắn rót rượu đầy ly rồi uống cạn một hơi.
Elvira lo ngại:
- Chúa ơi! Uống vậy là điên luôn.
Steiner nhìn ả điếm:
- Lại ngồi gần đây.
Aû điếm vẫn chưa hết sợ:
- Hay là mình đi dạo một lúc. Vào rừng tốt hơn.
Steiner ngẩng đầu lên:
- Vào rừng?
- Vào rừng hay tới đồng lúa, mùa hè mà.
- Đồng lúa… mùa hè? Sao lại nghĩ tới đồng lúa?
Elvira không yên tâm nhưng cố làm dịu:
- Tại mùa hè mà cưng. Ai cũng thích đi dạo ở đồng lúa vào mùa hè, cưng biết mà.
- Đừng giấu chai! Có phải mình vừa nói tới một cánh đồng lúa và mùa hạ?
- Phải rồi cưng. Mùa đông lạnh lắm. Thôi, đi nằm đi cưng.
Steiner bỗng hỏi:
- Sống như thế nầy có hạnh phúc không?
- Phải có mới sống nổi chớ.
- Ah, vậy thì câm miệng lại. Tắt đèn đi.
Elvira tắt đèn. Steiner rót thêm rượu vào ly, bàn tay hắn run run. Hắn tới bên cửa sổ:
- Lại đây.
Cô gái điếm áp mình vào hắn. Trông cô ta chín mùi như đồng lúa, mùi da thịt đàn bà cũng như hàng vạn người đàn bà khác nhưng đối với Steiner thì chỉ có một thôi. Hắn thì thầm gọi tên của vợ:
- Marie.
Ả điếm cười hưng hức:
- Cưng say rồi. Em tên là Elivra mà…