Lucerne
L uôn hai ngày Kenr dọ dẫm ngôi biệt thự của ông Cố vấn thương mại Arnold Oppenheim. Ngôi nhà trắng toát đứng sừng sững như một lâu đài kiên cố từ trên cao nhìn xuống hồ Quatre-Cantons. Trong số các địa chỉ của Binder cho, phần ghi chú về Oppenheim được Kern đọc lại nhiều lần: Đức – Do Thái. Chỉ chịu cho khi bị bắt buộc. Aùi quốc cực đoan. Đừng nói tới chuyện Do Thái tự trị.
Ngày thứ ba, Kern được đưa vào. Oppenheim tiếp Kern trong một khu vườn to lớn có nhiều hoa cúc và hướng dương. Trông ông ta khỏe mạnh và lịch sự. Điểm đặc biệt là các ngón tay đều quá lớn và râu mép quá dầy.
- Cậu vừa từ Đức quốc tới, phải không?
- Thưa không. Tôi đã rời xứ trên hai năm.
- Gia đình hồi đó ở đâu?
- Dạ, ở Dresde.
- Aø, Dresde – ông ta sờ vào cái trán sói bóng lưỡng rồi thở phào ra – Dresde là một thành phố tuyệt diệu. Một hòn ngọc. Cậu có nhận thấy thế không?
- Thưa, đúng vậy.
Trời đang nóng bức và Kern nhìn ly nước nho trên chiếc bàn đá trước mặt Oppenheim. Anh cố tự chủ để khỏi nuốt nước miếng. Oppenheim vẫn thản nhiên. Ông ta nhìn vào khoảng không êm ả:
- Ở đó có khu Zwinger, có lâu đài, có các phòng triển lãm nghệ thuật… Cậu biết tất cả chớ?
- Dạ, chỉ biết qua thôi.
Oppenheim ném một cái nhìn trách móc:
- Đâu được. Cả một công trình văn hoá đấy. Hoàn toàn phù hợp với dân tộc tính. Chắc cậu biết Daniel Poppelmann?
- Vâng.
Kern cố làm vừa lòng ông ta nhưng sự thật anh chẳng biết tý gì về cái ông kiến trúc sư tân kỳ ấy cả. Oppeheim ngửa người trên ghế dựa:
- Nước Đức xinh đẹp của chúng ta. Không một ai bắt chước nổi.
- Dạ, chắc chắn là không nổi. Như vậy đỡ hơn.
- Đỡ hơn? Cậu nói sao?
- Đỡ hơn cho những người Do Thái. Nếu nước nào cũng vậy thì chúng tôi chẳng còn một ai sống sót.
- A! Cậu nhìn theo nhãn quan chánh trị. Không một ai sống sót, đại họa,ï bi thảm… thời nầy người ta hay dùng những từ ngữ quá lớn. Thực ra thì cũng không đến nỗi nào, tôi biết mà.
- Thưa, thật vậy sao?
- Thật chớ – Oppeheim chồm tới và làm ra điều thân thiết – giữa chúng ta nói thật cho cậu biết, người Do Thái cũng có trách nhiệm về những gì đã xẩy ra. Phần lớn trách nhiệm, tôi biết mà.
Kern nghĩ “Không biết ông ta sẽ cho mình bao nhiêu? Có đủ để đi tới Berne không?”
Oppenheim hớp một ngụm nước nho và giải thích:
- Cứ lấy trường hợp người Do Thái miền đông, những di dân Ba Lan chẳng hạn. Có nên cho họ vào nước tất cả không? Họ đã làm gì cho nước Đức? Tôi chán ghét họ cũng như chán ghét chế độ. Người ta bảo Do Thái vẫn cứ là Do Thái. Có gì liên hệ giữa một gã bán hàng rong bẩn thỉu và một gia đình Do Thái trưởng giả đã lập cư từ bao nhiêu thế kỷ?
- Bởi vì một số thì ra đi trước còn một số thì chỉ mới tới sau.
Kern vừa nói xong đã biết lỡ lời. Anh sợ làm phật ý Oppeheim. Rất may là ông ta đang say sưa với vấn đề đã đắt ra nên không để ý.
- Những người kia đã được đồng hoá và trở thành công dân đắc dụng, hữu ích cho đất nước. Còn bọn họ thì chỉ là những di dân ngoại quốc. Đó chính là mấu chốt của vấn đề. Bọn mình có liên can gì tới chúng . Tốt hơn hết là chúng ở lại Ba Lan.
- Nhưng ở đó người ta không muốn có mặt họ.
Oppenheim đưa cả hai tay lên:
- Nhưng việc đó có dính líu gì tới nước Đức. Hoàn toàn khác xa. Mình phải khách quan mới được. Tôi tiếc là người ta đã vơ đũa cả nắm. Cậu thấy có phải thế không?
- Vâng.
Kern vừa đáp vừa tính thầm “Hai mươi quan, thế là đủ cho bốn ngày ở trọ. Biết đâu ông ta sẽ cho nhiều hơn”.
Hơi thở của Oppenheim nghe gấp rút:
- Cho dầu cả thế giới không được sung sướng, hoặc một vài nhóm phải chịu như vậy… cũng đành. Cần phải có những chính sách cứng rắn và mình phải chấp nhận.
- Dạ. Rất đúng.
- Cậu có thấy quân đội của chúng ta không? Độc nhứt trên thế giới. Chỉ trong một thời gian ngắn mình đã lấy lại tư thế đại cường. Một dân tộc mà quân đội chẳng ra gì thì đánh chác với ai?
- Vấn đề nầy, tôi không rành lắm.
Oppenheim lườm Kern:
- Phải biết chớ. Có lẽ tại cậu ở nước ngoài. Các nước khác đã bắt đầu nể sợ chúng ta. Và đó là cái sợ căn bản nhứt. Chỉ khi nào kẻ thù bắt đầu sợ, ta mới có thể thành công.
- Dạ, đó là vấn đề mà tôi được hiểu ít nhiều. Oppenheim uống cạn ly nước nho và đi vài bước. Phía dưới, mặt hồ phản chiếu trông như một cái mộc xanh khổng lồ từ trên trời rơi xuống. Oppeheim đột nhiên đổi giọng:
- Cậu có định làm gì chưa? Tính ở đâu?
- Dạ, Ba Lê.
- Tại sao lại Balê?
- Dạ, cũng không biết. Người ta bảo ở đó dễ sống hơn.
- Sao không ở lại Thụy Sĩ?
Kern gần như nín thở:
- Thưa ông Cố vấn, nếu được tôi xin ở lại ngay. Xin ông Cố vấn vui lòng giúp cho, hoặc một lời gởi gấm hay một chỗ làm… Nếu ông Cố vấn…
Oppeheim ngắt ngang:
- Tôi không làm được gì đâu. Hoàn toàn không được. Tôi chỉ muốn biết cậu định làm gì thôi, một câu hỏi thông thường. Tôi phải giữ hoàn toàn trung lập về chính trị. Không được dính vào đâu cả.
- Thưa ông Cố Vấn, đây không phải là vấn đề chánh trị.
- Thời đại nầy thì cái gì cũng là chánh trị. Thụy Sĩ là nước tiếp nhận tôi. Không, đừng đặt vấn đề đó… Cậu cần gì nữa không?
Kern lấy từ trong túi ra một vài món hàng:
- Thưa, không biết ông Cố vấn có cần những thứ nầy không?
- Đâu, để coi… Nước hoa? Thứ nầy không cần thiết. Xà bông? Được. Cho tôi một bánh. Khoan…
Ông ta cho tay vào túi, mò mẫn rồi lấy ra hai quan đặt lên bàn:
- Đây, như vậy là quá đủ rồi, chớ gì?
- Vâng giá chỉ có một quan.
Oppenheim làm một cử chỉ hào hiệp:
- Thôi cứ giữ luôn đi. Nhưng đừng nói lại với ai cả. Họ tới đây làm nhộn hoài.
- Thưa ông Cố vấn, chính vì vậy mà tôi không muốn nhận số tiền hơn giá cục xà bông.
Oppenheim trố mắt:
- Vậy à? Cũng được. Vả lại, đó cũng là một nguyên tắc chính đáng. Không nhận quà tặng. Tôi cũng thích như thế.
Buổi chiều, Kern bán thêm được hai cục xà bông, một cái lược và hai hộp kẹp tóc. Tất cả được ba quan. Sau cùng, anh tạt vào một nhà buôn vải.
Bà Grunberg, chủ tiệm vải, tóc rối bù, nhìn anh qua cái kính một tròng:
- Chắc không phải là nghề của cậu?
Kern hơi ngượng:
- Dạ. Tôi không được khéo lắm.
- Cậu có muốn làm việc không? Tôi đang liệt kê lại tất cả. Chắc phải mất một hai ba ngày. Mỗi ngày bảy quan và ăn uống đầy đủ. Nếu muốn, tám giờ mai cậu tới đây.
- Dạ, cám ơn bà, nhưng…
- Tôi biết lắm. Tôi không phải là người hay bép xép. Bán cho tôi một cục xà bông đi. Ba quan đủ không?
- Dạ, dư quá nhiều.
- Không có gì gọi là dư, cũng không có gì cho là đủ. Can đảm lên.
Kern nhận tiền:
- Nếu có can đảm không thôi cũng khó sống. Điều đáng khích lệ là thỉnh thoảng gặp được một dịp may.
- Vậy ngay bây giờ cậu sắp xếp giúp tôi hàng hoá lại, mỗi giờ một quan. Như thế đã phải là một dịp may chưa?
- Dạ, đúng là một dịp may. Nhưng không nên đánh giá quá thấp sự may mắn. Tham vọng càng nhỏ thì cơ hội gặp may càng nhiều.
- Chắc cậu đã học được điều đó trong khi đi đường?
- Thưa, không phải trong lúc đi đường mà là trong lúc nghỉ ngơi. Mỗi ngày chúng tôi học thêm được một điều mới lạ, ngay cả ở những ông cố vấn thương mãi.
- Cậu có biết chút gì về hàng vải không?
- Tôi chỉ mới biết loại vải xấu. Tôi đã học may luôn hai tháng trong một nhà tù. Coi bộ cũng không mấy khó.
- Biết thêm được cái gì cũng tốt cả. Chính tôi có lúc học nhổ răng. Cách nay hai chục năm rồi. Biết đâu, thỉnh thoảng nó lại chẳng đem lại cho tôi một vài niềm vui.
Kern làm việc tới mười hai giờ đêm và lãnh được năm quan, ngoài bữa ăn tối. Khoản tiền nầy cộng với mấy quan kia vừa đủ cho anh sống được hai ngày và khiến anh hài lòng hơn là được ông Cố vấn Oppenheim bố thí cho một quan.
Ruth đợiKern trong một nhà trọ mà Binder đã cho địa chỉ. Người ta có thể trú ngụ ở đây vài hôm không cần khai báo. Trước mặt Ruth, bên một cái bàn là một người đàn ông đứng tuổi, gầy ốm.
Vừa thấy Kern, Ruth đứng lên:
- Anh vừa về đúng lúc, em đang sợ…
- Sợ gì? Thường thường hễ khi mình quá lo thì lại chẳng có gì xẩy ra. Chỉ khi nào mình không cảm thấy gì cả thì tai nạn tới.
Người ngồi cùng bàn với Ruth cười:
- Đó là ngụy biện chớ không phải là triết lý.
Kern quay về phía ông ta. Người đàn ông lạ vẫn cười:
- Lại đây uống một ly rượu chát với tôi. Cô Holland sẽ cho cậu biết tôi không có gì nguy hiểm cả. Tôi là Vogt, trước đây làm giảng sư ở Đức. Xin mời cậu uống chai cuối cùng của tôi.
Kern nhìn sững ông ta:
- Sao lại là chai cuối cùng?
- Bởi vì sáng tôi sẽ đi ở trọ một thời gian. Mệt mỏi lắm rồi, tôi cần tĩnh dưỡng.
Kern không hiểu sao cả:
- Ở trọ là thế nào? Chớ ở đây…
- Tôi bảo là ở trọ, người ta bảo là ở tù. Sáng mai, tôi sẽ tới Cảnh sát khai là tôi đã lưu trú bất hợp pháp tai Thụy Sĩ hai tháng nay. Tôi sẽ bị giam vài tuần vì tôi đã bị trục xuất hai lần rồi.
- Ông có cần tiền không? Hôm nay tôi gặp vận tốt…
Vogt từ chối:
- Cám ơn, tôi còn mười quan đủ trả tiền rượu và ở trọ đêm nay. Tôi chỉ mệt mỏi thôi, và chỉ có vào tù mình mới được nghỉ ngơi. Năm mươi hai tuổi, sức khoẻ không còn… chẳng đủ sức lặn lội và trốn tránh mãi… Lại đây, mời cô cậu ngồi với tôi. Sống cô độc mãi cũng buồn.
Ông ta rót rượu vào ly:
- Đây là loại neufchatel, chát mà trong như nước băng.
Kern vẫn còn thừ người:
- Nhưng ở tù…
Vogt cười:
- Nhà tù Lucerne tốt lắm. Tôi biết rồi nên tôi tự cho mình có quyền chọn nơi bị giam. Chỉ sợ họ không chịu giam. Rủi gặp mấy ông Toà quá nhân đạo, họ đuổi trở lại biên giới thì khổ thân. Chúng tôi là dân miền Đông Địa Trung Hải nên còn rắc rối hơn người Do Thái. Chúng tôi không có cộng đồng giáo hội nên không có người giúp đỡ… Mà thôi, nhắc làm gì mấy chuyện đó…
Ông ta nâng ly:
- Chúng mình hãy uống cho cái gì được gọi là đẹp trên trái đất…
Cả ba người cùng cụng ly. Kern vừa uống vừa nhớ tới ly nước nho của lão Oppenheim. Vogt tươi cười:
- Tôi tưởng chỉ có một mình, không bao giờ lại có cô cậu chung vui. Trời mùa thu trong mát lạ!
Họ ngồi như thế khá lâu. Vài con bướm đêm thỉnh thoảng lại quăng mình chạm mạnh vào bóng đèn nóng cháy. Vogt ngã dựa lưng ghế, mắt nhìn ra xa, trầm lặng. Nhìn khuôn mặt xương và ánh mắt trong suốt của Vogt, cả Kern và Ruth đều có cảm tưởng như con người trước mắt họ đã sống trọn một thế kỷ và đang bình thản giã từ cuộc sống.
Vogt bỗng lên tiếng như nói với chính mình:
- Sự yên tĩnh… đứa con trầm lặng của lòng khoan dung đã biến mất trong thời đại nầy rồi. Nó đòi hỏi quá nhiều đức tánh: sự hiểu biết, sự suy tư, tánh khiêm nhượng và lòng nhẫn nại trước điều bất khả kháng. Tất cả những đức tánh đó đã chạy trốn trước chủ nghĩa của đồn trại… Những kẻ muốn cải tiến thế giới đã làm hỏng thế giới đi… Và những nhà độc tài không bao giờ tìm thấy sự yên tĩnh và niềm vui.
Kern phụ hoạ:
- Kể cả những kẻ gánh chịu ách độc tài cũng thế.
Vogt chậm chạp gật đầu và uống một ngụm rượu trong. Ông ta chỉ xuống mặt hồ đang soi bóng mảnh trăng non, giữa các ngọn núi bao quanh trông giống một cốc rượu khổng lồ:
- Đó là những vật mà không ai có thể áp dụng được chế độ độc tài. Những con bướm, những tàng cây cũng vậy… Holderlin và Nietzsche. Một người ca ngợi sự sống đặc biệt trong lành, và người kia tưởng tượng tới những vũ khúc thần tiên, sảng khoái. Cả hai đều chết vì điên, dường như tạo hoá đã ấn định sẵn giới hạn cho con người.
Kern chua chát chen vào:
- Nhưng các nhà độc tài không chết vì điên.
- Hẳn là không – Vogt vừa cười vừa đứng lên – nhưng họ cũng không phải là những kẻ bình thường.
- Ông vẫn giữ ý định tới Cảnh sát ngày mai?
- Không còn cách nào hơn. Giã biệt các bạn nhỏ và cám ơn đã chịu khó ngồi chung. Tôi phải ra bờ hồ chơi khoảng một giờ.
Ông ta đi từng bước chậm. Con đường vắng còn dội lại những tiếng chân, xa lần, xa lần.
Kern nhìn Ruth. Nàng cười.
- Em có sợ không?
Ruth lắc đầu. Kern nói giọng tin tưởng:
- Trường hợp chúng mình thì khác. Mình còn trẻ. Nhứt định mình sẽ vượt qua.
Hai ngày sau. Binder từ Zurich tới, bình thản, bảnh bao và đầy tự tin. Hắn hỏi Kern:
- Mạnh khoẻ chớ? Làm ăn ra sao?
Kern thuật lại cuộc gặp gỡ với ông Cố vấn Oppenhim. Binder chăm chú nghe. Hắn cười khi nghe Kern kể tới đoạn nhờ lão ta can thiệp cho mình ở lại.
- Đó là cái lầm lẫn chính yếu của anh. Tôi chưa hề thấy một người nào hèn cỡ lão ta. Rồi anh xem, tôi đã có cách trừng phạt lão…
Binder đi cho tới tối mới trở về với tờ giấy bạc hai chục quan trên tay. Kern nhìn nhận:
- Tôi phục anh sát đất.
Binder nhún vai:
- Cũng chẳng đẹp đẽ gì. Đồng tiền cướp mất của con người nhiều tánh tốt.
- Nhưng không có tiền thì lại cũng vậy.
- Rất đúng nhưng rất ít. Tôi đã làm cho lão ta điếng hồn về các tin tức khủng khiếp ở Đức. Lão cho là vì sợ. Lão muốn bảo đảm số mạng bằng cách ra điều mình có lương tâm. Tôi có ghi chú cho anh không?
- Không. Anh ghi: Chỉ cho khi nào bị bắt buộc.
- Cũng vậy thôi. Biết đâu rồi một ngày nào đó, lão Oppenheim sẽ chẳng là bạn đồng hành của mình trong cuộc sống lưu vong.
Kern cười:
- Dễ gì. Lão ta luôn luôn có lối thoát. À, anh đến Lucerne có chuyện gì không?
- Zurich dạo nầy quá nguy hiểm. Cảnh sát theo bén gót – mặt hắn thoáng nét buồn – với lại tôi cũng cần tới để xem có thư từ Đức gởi sang không.
- Của cha mẹ?
- Của mẹ tôi.
Kern lặng thinh. Anh nhớ tới mẹ mình. Thỉnh thoảng anh vẫn viết thơ cho mẹ. Nhưng anh không nhận được thơ trả lời vì không thể ở một chỗ.
Đột nhiên, Binder hỏi:
- Anh có thích bánh ngọt không?
- Thích chớ. Anh có hả ?
- Có. Đợi tôi một chút.
Binder trở lại với một hộp giấy bên trong có một cái bánh lớn trong giấy bóng.
- Mới vừa gởi tới hôm nay.
Kern bảo:
- Anh ăn đi chớ. Của mẹ anh làm cho anh mà.
- Phải, chính mẹ tôi làm. Nhưng cũng chính vì lẽ đó mà tôi không thề ăn, dầu chỉ ăn một miếng nhỏ.
- Tôi không hiểu gì cả. Nếu mẹ tôi gởi bánh cho tôi thì phải biết! Tôi ăn nhín cả tháng. Cứ mỗi đêm tôi ăn một miếng.
Binder nhăn mặt:
- Anh không hiểu. Mẹ tôi không phải gởi cho tôi mà là cho em tôi.
Kern tròn mắt:
- Nhưng anh bảo là em anh đã chết rồi mà.
- Đúng vậy. Nhưng mẹ tôi không biết.
- Sao vậy?
- Tôi không dám nói cho mẹ tôi biết. Bà có thể chết nếu được tin. Bà thương nó nhứt nhà, tôi thì chẳng được một góc nào cả. Chính là được cưng thái quá mà nó không chịu đựng nổi cảnh khổ.
Với một cử chỉ tức tối, hắn ném tờ bạc cửa Oppenheim xuống đất.
Kern lượm lên để trên bàn. Binder ngồi xuống ghế, rút thuốc ra hút. Hắn lấy ra một bức thơ:
- Đây là bức thơ gởi tới cùng một lượt với hộp bánh. Anh đọc đi rồi mới thấy tình cảnh bi đát của tôi.
Thơ viết trên giấy màu xanh lợt. Nét chữ tròn và nghiên như chữ của một cô gái:” Leopold của mẹ. Mẹ được thơ con hôm qua. Mẹ vui mừng đến nỗi phải ngồi yên một lúc lâu mới bình tĩnh lại. Mẹ xé bao thơ ra và đọc. Tim mẹ dạo nầy càng yếu hơn. Mẹ rất vui khi được tin con tìm được việc làm. Đừng lo quá về chuyện chẳng kiếm được bao nhiêu. Nếu con tận tuỵ với công việc thì đâu sẽ vào đó. Có thể sau nầy con phải tiếp tục học. Leopold nhớ nhắc nhở George. Nó nóng nẩy và vô tâm. Có con bên nó, mẹ cũng yên lòng phần nào. Sáng nay mẹ làm thứ bánh mà con ưa nhứt. Mẹ muốn làm bánh vương miện Francfort nhưng sợ đi đường nó sẽ hư mất. Hễ lúc nào rảnh thì viết cho mẹ. Sao không gởi cho mẹ một tấm ảnh của con? Mẹ mong gia đình mình sớm đoàn tụ. Mẹ của con. Nhớ nói mẹ thăm thằng George”.
Kern để lá thơ xuống. Anh không dám trả lời thẳng cho Binder.
Nhìn Kern với đôi mắt thần, Binder hỏi:
- Anh thấy chưa? Làm sao tôi có được tấm ảnh của nó?
- Mẹ anh có nhận được thơ của Leopold không?
Binder lắc đầu:
- Nó tự ngắm vào đầu năm ngoái. Từ đó, tôi phải viết thế nó, cách vài tuần một lần. Tôi bắt chước nét chữ của em tôi, phải cố nhái cho thật giống. Khổ quá!
Hắn nhìn Kern như van lơn:
- Anh thấy thế nào?
- Đành như vậy.
- Sáu mươi tuổi. Sáu mươi tuổi và bịnh đau tim. Chắc mẹ tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa. Tôi sẽ cố làm cho mẹ tôi không biết gì cả. Tự sát, mẹ tôi không thể nào chấp nhận một chuyện như thế.
Binder đứng lên:
- Bây giờ, tôi lại phải viết thơ thay nó. Nhưng còn tấm hình, biết làm sao đây?
Hắn lấy bức thư trên bàn:
- Anh ăn bánh dùm tôi đi. Nếu anh không thích thì cho Ruth. Đừng nói gì với cô ấy cả.
Kern do dự:
- Bánh ngon quá. Tôi chỉ muốn được ăn một miếng nhỏ…
Binder lấy con dao nhỏ trong túi ra, xẻ lấy một mảnh nhỏ bỏ vào bao thơ. Mặt hắn sa sầm:
- Anh biết không, thằng em tôi không bao giờ nó thương mẹ tôi cả. Nhưng tôi… kể cũng lạ, phải không?
Hắn đi sang phòng bên kia.
Mười một giờ đêm, Ruth và Kern còn ngồi trong sân. Binder từ trên đi xuống. Hắn đã lấy lại vẻ nhàn nhã, sang trọng như chẳng có gì xẩy ra. Hắn nói với Kern:
- Mình đi dạo một lúc đi. Tôi không tài nào ngủ được mà cũng sợ phải sống một mình. Đằng nầy có chỗ giải khát hoàn toàn an ninh.
Kern nhìn Ruth:
- Em có mệt không?
Ruth lắc đầu. Binder nài ép:
- Vậy thì cùng đi cho tôi vui. Chỉ mất một tiếng đồng hồ thôi.
Hắn đưa hai người tới một quán nước có khiêu vũ. Ruth nhìn thoáng qua, hơi ngại:
- Sang quá, không hợp với bọn mình.
Binder trả lời giọng chua chát:
- Họ lập quán là để tiếp đón bọn lảng du như bọn mình đó chớ. Nhìn kỹ thì cũng chẳng có gì đáng gọi là sang. Chỉ được một việc là Cảnh sát không để ý tới. Và rượu cognac không đắt như mấy nơi kia. Nhạc ở đây khá lắm. Vào đi, tôi mời mà.
Họ gọi thức uống sau khi tìm ra chỗ ngồi. Binder nâng ly:
- Buồn làm quái gì! Hãy vui lên! Cuộc sống quá ngắn ngủi và sự kiện vui hay buồn cũng chẳng thay đổi được gì.
Kern cũng nâng ly:
- Đúng lắm. Mình cứ tưởng như là công dân Thụy Sĩ, có nhà ở Zurich và tới Lucerne du ngoạn.
Ruth cười với Kern. Bindere nói thêm vào:
- Hay cứ kể như là những nhà du lịch sang giàu.
Hắn uống cạn ly và gọi ly khác rồi hỏi Kern:
- Thêm một ly nữa chớ?
- Từ từ thôi.
- Uống đi. Để hăng hái mà. Một ly nữa. Kern.
- Cũng được.
Cả ba ngồi nhìn người ta khiêu vũ. Khách lớn khách đều cùng một trạc tuổi với họ. Thế nhưng, họ ngồi đó như những đứa trẻ lạc loài. Có lẽ đó không phải là nỗi buồn mất quê hương mà chỉ là thiếu nguồn hứng khởi trước một cuộc sống chẳng hy vọng, không tương lai. Kern chợt nhận ra cơn buồn trầm mặc đó. Anh nhắc nhở:
- Cái gì vậy? Mình mới bảo là phải vui mà.
Anh hỏi Ruth:
- Em thấy thế nào?
- Tạm được.
Căn phòng tối sầm lại. Aùnh đèn rọi nhiều màu quét trên sàn nhảy, rồi một nữ vũ công xinh xắn bắt đầu nhảy múa. Binder vỗ tay:
- Tuyệt diệu.
- Nhạc hay quá.
Họ bắt đầu cảm thấy yêu sống nhưng trong niềm vui bất chợt đó có pha lẫn mùi vị như bụi như tro.
Binder hỏi:
- Sao hai người không nhảy ?
- Em chắc không biết nhảy đâu.
- Anh cũng không rành, vậy càng tiện.
Ruth ngập ngừng vài phút rồi cùng Kern ra sàn nhảy. Aùnh đèn nhiều màu chiếu qua những cặp khiêu vũ.
Cả hai thoạt đầu hơi ngượng nghịu nhưng lần đầu lấy lại bình tĩnh, nhất là khi thấy chẳng ai để ý tới mình. Kern thì thào:
- Được nhảy với em là cả một thích thú. Mỗi ngày anh khám phá thêm nhiều mới lạ về em. Em đã thay đổi và làm đẹp được những gì ở chung quanh.
Bàn tay của Ruth áp sát vào tai Kern. Họ bước chập theo nhạc điệu. Aùnh đèn màu đổ lên người họ từng đợt sáng óng ánh và chỉ trong khoảnh khắc họ quên tất cả.
Nhạc ngừng, họ trở về bàn. Kern nhìn Ruth. Mắt nàng ngời chiếu niềm vui. Kern nghĩ “ước gì người ta có thể sống như ý muốn”. Ý nghĩ đó bỗng khiến Kern chán chường hơn.
Binder thúc nhẹ khuỷu tay vào người Kern:
- Lão ta kìa!
Lão Cố vấn thương mãi Oppenheim đang đi ra cửa. Tới chỗ bàn họ, lão ta dừng sững lại, trố mắt:
- Lý thú chưa! Những con người có học!
Không cần ai trả lời.
- Thì ra người ta làm phước để được trả ơn trước mắt!
Binder thản nhiên đáp:
- Một chút khuây lãng đôi lúc còn cần thiết hơn một bữa ăn, thưa ngài Cố vấn.
- Toàn là nói cho trôi. Những người trẻ không nên có mặt những nơi nầy.
- Và cũng không nên dấn bước đường xa.
Kern nói với Ruth:
- Để anh nói rõ cho nghe. Cái ông đứng trước chúng ta đây là ngài Cố vấn thương mãi Oppenheim. Ông ấy mua của anh một cục xà bông và anh lời được bốn mươi xu.
Oppenheim sửng sốt nhìn Kern. Lão nói lầm thầm gì đó rồi bỏ đi. Ruth đứng dậy:
- Coi chừng ông ta kêu Cảnh sát. Mình nên về là hơn.
- Lão ta hèn lắm. Đừng lo. Lão sợ dây dưa tới lão.
- Nhưng mình cũng nên về cho rồi.
- Cũng được.
Binder trả tiền. Cả ba trở về nhà trọ. Gần tới nhà ga, hai người đang từ đầu kia đi lại. Binder bảo nhỏ:
- Coi chừng nhân viên an ninh. Cứ tự nhiên.
Kern huýt sáo nho nhỏ, nắm lấy tay Ruth và bước khoan thai. Anh cảm thấy là Ruth muốn bước mau. Anh kéo tay Ruth lại và cười cợt làm ra vẻ ăn chơi.
Hai người kia đi ngược ngang qua. Một người đội nón nỉ, miệng ngậm xì gà… một người là cựu giảng sư Vogt. Ông ta nhận ra họ và nháy mắt ra hiệu với tất cả sầu thảm.
Được một lúc, Kern quay nhìn lại. Họ đã khuất bóng.
Binder luôn luôn thành thạo:
- Họ đi về hướng Bâle. Xe chạy về biên giới đúng mười hai giờ mười lăm.
Kern thở dài:
- Rủi cho ông ta là gặp phải một ông tòa quá nhân đạo.
Họ tiếp tục đi. Ruth rùng mình:
- Tình trạng ở đây đột nhiên trở nên đe doạ.
Binder bảo:
- Sang Pháp đi. Tới Ba Lê. Ở một thành phố lớn dễ chịu hơn.
- Sao anh không đi?
- Tôi không biết một tiếng Pháp nào cả. Ở Thụy Sĩ tôi quen hơn. Vả lại…
Hắn không nói nữa. Cả ba đi trong im lặng. Một đợt gió từ mặt hồ đổ lên. Trên đầu họ, vòm trời màu xám thép, bao la và xa lạ.