Ngày đầu năm 1954, Tomoko nhấm nháp tô cháo gạo tẻ truyền thống của năm mới. Cô vừa được tin mẹ qua đời. Cô không còn lòng dạ nào nữa để ăn những chiếc bánh ngọt mềm dịu từ Hananoya đưa đến.
Cuối tháng hai thì cô mới được ra viện. Hôm qua tuyết rơi nhiều. Cô trùm kín chăn, và khi bước xuống xe, anh đầu bếp đứng đón ở cổng liền chạy đến, ôm xốc cô lên và bế cô vào tận nhà. Cô bực bội đẩy anh ra, lông mày nhíu lại.
– Bây giờ tôi đã bình phục rồi, sẽ tốt thôi, tốt thôi, đừng lo lắng quá!
Bước vào phòng mình, Tomoko đưa mắt đờ đẫn nhìn bàn thờ bằng gỗ bạch đàn trên có pho tượng nhỏ đặt ở giữa, hai bên là những thanh tang, phía trước là hai bọc trắng, có lẽ là những đồ cúng, cô nghĩ thầm.
Mọi người đã tề tựu đông đủ, đứng thành hàng chật ních trong phòng để chào mừng cô chủ trở về, khỏe mạnh.
– Xin chúc mừng cô đã ra viện.
– Xin đa tạ. Tôi cám ơn các bác và các anh chị đã làm việc rất tốt trong thời gian tôi vắng mặt. Nhà hàng vẫn tiếp tục hoạt động được như trước cũng là nhờ các bác, các anh chị đã làm việc chăm chỉ và có hiệu quả. Xin cảm ơn, cảm ơn nhiều.
Và cô trao ngay cho mỗi người một phong bì đựng năm trăm yên, trừ anh đầu bếp thì được nhiều hơn. Sau nghi lễ, Tomoko đi cảm ơn các kỹ nữ và khách hàng. Cô nhác thấy Yasuko trong đám đầy tớ nhưng cô không nói gì. Từ hôm người ta đến tìm em ở Nakano, Yasuko đã trở về Hananoya ở, mang theo đứa con trai lên bảy, như không có chuyện gì xảy ra ở đây. Maejima vắng mặt trong buổi lễ tang bà Ikuyo, và hình ảnh Yasuko ăn mặc tiều tụy khi đến bệnh viện khiến Tomoko hiểu rằng em mình đã bị chồng bỏ.
Trước cái chết đột ngột của Ikuyo, Hachirô như người mất hồn; còn Yasuko thì xưa nay vốn vụng về, không biết xử sự ra làm sao. Cuối cùng u già phải đứng ra tổ chức tang lễ rất đơn giản.
Bà Ikuyo đã qua đời một cách lặng lẽ, không làm phiền hà gì cho con gái, và giờ đây bà chỉ còn là một nắm tro tang đựng trong một bình sứ nhỏ, tựa như bà muốn, bằng cái chết của mình, chuộc lại mọi khổ đau mà bà đã gây ra cho con gái trong suốt cả đời mình.
Mẹ và con, chúng ta đều có cùng dòng máu, Tomoko thầm thì với bình tro, hai tay chắp lại. Nếu con mà biết được tin mẹ chết thì không bao giờ con lại để mẹ từ giả cõi đời với một lễ chia tay đơn giản như thế. Con sẽ tổ chức cho mẹ một lễ tang cực kỳ to để mọi người phải ngạc nhiên, một lễ tang tương xứng với mẹ của bà chủ Hananoya.
Khói trắng và thơm bay lên từ những cây hương màu xám làm Tomoko nhớ lại hương thơm tỏa từ áo kimono của mẹ ....
Nước mắt cô tuôn trào, tựa như khói hương đã ngấm sâu vào mắt, lặng lẽ, âm thầm mà không bật ra tiếng khóc.
– Cô ...
Một giọng nói dè dặt, sợ sệt cất lên sau lưng cô.
– Lỗi tại tôi, xin tha lỗi cho.
Tomoko quay người lại nhìn Hachirô. Trông thấy cô giàn giụa nước mắt, ông liền chạy đến phủ phục dưới chân cô và rụt rè xin lỗi.
– Không, chú Hachirô, chú không có lỗi gì trong cái chết của mẹ tôi. Đó là định mệnh ...
Không biết nói gì thêm nữa, Tomoko đành im lặng. Trong thâm tâm, cô muốn nói lên lòng biết ơn chú Hachirô đã chịu đựng cho đến cùng tính khí đồng bóng của mẹ mình.
– Thưa cô!
Giọng của Hachirô bỗng trở nên rắn rỏi.
– Tôi nghĩ rằng đã đến lúc tôi phải trở về Osaka, và hôm nay tôi đến để từ biệt cô.
– Chú nói gì thế, chú Hachirô? Chú là chồng của mẹ tôi. Nếu chú đồng ý thì tôi sẽ rất sung sướng được mời chú ở lại đây mãi mãi. Tôi không có ý định để chú làm gác cổng suốt đời.
– Không đâu, thưa cô. Tôi đã quá lạm dụng lòng tốt của cô. Ở Osaka tôi còn nhà cửa và con cái; tôi cần phải về đó, còn bây giờ không còn bà nhà nữa nên tôi chẳng có lý do gì ở lại đây. Tôi xin phép cô cho tôi mang lọ tro tang của bà về ...
– Tro tang của mẹ tôi?
– Vâng, ngay từ đầu tôi đã có ý định đó, bởi vậy tôi đã đề nghị người ta cho tro vào hai bình. Lúc còn sống, bà nhà vẫn luôn luôn nói với tôi là nếu như bà lâm chung thì tôi chỉ được giữ có một nửa tro tang của bà ...
– Mẹ tôi đã nói như vậy ư? Rõ ràng là bà ấy vẫn còn đồng bóng cho đến lúc chết.
– Đúng vậy đấy ạ. Nhưng dù sao thì tôi cũng chẳng hối tiếc gì. Tôi đã có một cuộc sống đúng với ước mơ thời trai trẻ của tôi, và tôi cảm thấy rất mãn nguyện.
Cô rất tốt với tôi, còn tôi thì chẳng ra gì ...
Bác Hachirô vừa nói vừa thở mạnh, giọng đầy nước mắt.
Bây giờ thì Tomoko đã hiểu vì sao lại có hai bình tro tang để trên bàn thờ.
Cô cầm lấy một bình đưa cho bố dượng:
– Mẹ tôi là vợ của chú nên đồng thời là thành viên của gia đình Kuwata, bởi vậy tro tang của bà đưa về gia đình chú là lẽ dĩ nhiên.
– Nhưng bà nhà vẫn luôn nói rằng một nửa là của cô. Đến lúc này Tomoko mới nhìn thấy chiếc phong bì màu xám đặt dưới bình tro mà cô vừa cầm lên. Cô ngập ngừng cầm lấy chiếc phong bì và buồn bã tiễn chân bác Hachirô ra đường cái. Khi bác Hachirô đã đi khuất, Tomoko lấy bức thư ra và đọc:
Hài cốt của năm mươi bốn binh sĩ Nhật bị kết án tử hình ở Sugamo đã được mai táng sau lễ cầu siêu cho linh hồn họ được yên nghỉ ở nơi hỏa táng của Yokohama. Xác họ vừa được khai quật lên và tro của họ sẽ được phân phối cho gia đình những người quá cố.
Kỳ họp tới của phòng giải ngũ sẽ diễn ra vào ngày hai mươi lăm tháng mười hai, lúc mười ba giờ tại chùa Gokokuji, Tôkyô. Hôm ấy, tại đây sẽ tổ chức lễ tưởng niệm cầu xin cho vong linh của họ được yên nghỉ tháng mười hai 1953 Kameijiro Fujiwara, quản trị trưởng.
Tomoko nặng nề ngồi xuống chiếu trải trước bàn thờ và ngước nhìn pho tượng nhỏ, tay vẫn mân mê lá thư. Một nỗi buồn xé gan, xé ngực làm cô bật lên một tiếng rên rỉ thê lương.
Cái khoảng trống bên cạnh bình tro tang của mẹ là chỗ của Fumitake Ezaki!
Ý nghĩ này đã đột ngột lóe lên trong đầu óc cô. Tomoko liền vồ lấy ống nghe và gọi cho ông Murata.
– Về việc phân chia tro ... tro của đại tá Ezaki ... ông có nghĩ rằng ... tôi có thể được nhận một phần không?
– Này, cô nghe tôi nói đây, về việc đó thì khó có thể nói đầy đủ qua điện thoại, ông Murata dằn mạnh từng tiếng.
– Có phải đã quá muộn không?
– Đâu có, thật ra thì vẫn còn tro để phân phát, và không hẳn là chỉ dành cho các gia đình, mà tất cả những ai muốn nhận, chẳng hạn các nhà tu hành muốn làm lễ cầu siêu cho linh hồn người quá cố được yên tịnh, tóm lại là tất cả mọi người đều có thể nhận được tro tang, tuy nhiên ...
Hình như có điều gì đó đã khiến ông không nói tiếp được.
– Chắc là gia đình ông Ezaki đã từ chối không cho tôi một phần tro của ông ấy? Họ có ác cảm với tôi phải không?
– Không, không, tuyệt đối không. Thật là khó nói ... chúng tôi không ...
không có tro từng phạm nhân, tất cả họ đều bị thiêu chung.
– ...
– Chúng tôi đã giải thích điều này trong cuộc họp ở Gokokuji trước hơn ba trăm người. Chúng tôi có thể khẳng định được trong đống tro chung này có tro của những phạm nhân nào vì chúng tôi biết ngày giờ họ bị hành hình. Bởi vậy chúng tôi đoan chắc với cô là trong đống tro này có tro của đại tá Ezaki.
Tomoko nghe nói mà rùng mình hoảng sợ. Cô có cảm tưởng như đang nghe tiếng xương bị đốt cháy đen và tro rơi lả chả xuống hố vang dội vào tai. Cô nghe thấy chúng va vào nhau làm tung lên cuồn cuộn những cột khói trắng.
– Cô Sunaga, cô còn ở đầu dây không?
– Vâng, tôi đây, Tomoko nói một cách nặng nhọc, tôi muốn được nhận một ít tro tang, nhưng hiện giờ tôi còn yếu lắm, không thể đi lại được, tôi có thể cử một người khác đến nhận được không ạ?
– Được, được. Cô chỉ cần cho người đến lò thiêu Yokohama, mang theo bức thư của Ủy ban trợ giúp các gia đình. Lò thiêu cách nhà ga Hobogaya khoảng năm trăm mét, ở bên trái, cô sẽ gặp ông Kato ở đó. Tôi sẽ gọi điện thoại báo trước cho Ủy ban.
Trong vườn, suốt từ trưa đến giờ tuyết rơi liên tục phủ trắng cả các cây con và bồn hoa. Tomoko tiếc là không có một cành hoa nào để dâng lễ trước bình tro của Ezaki. Cô đành chỉ thắp nến và đốt nhang. Mùi thơm phảng phất quanh cô trước bàn thờ lâm râm cầu nguyện.
– Dì ơi!
Tiếng gọi của đứa cháu nhỏ kéo cô về với thực tại.
– Có chuyện gì không, cháu yêu của dì. Cháu không ngủ à?
– Cháu còn muốn chơi nữa cơ.
– Khuya rồi, cháu phải đi ngủ thôi. Giờ này không phải là giờ của trẻ con chơi.
– Ư hự, cháu chưa ngủ đâu.
Nó gật đầu mà không phản ứng nhưng cũng không ra khỏi phòng. Nó ngồi xổm trong một góc, hai tay ôm lấy đầu gối, trông như một đứa bé khốn khổ. Nó không giống Maejima lẫn Yasuko với cái mắt và đôi môi phồng như môi con gái. Những người làm công trong nhà hàng Hananoya có nhận xét là nó giống dì hơn là nó giống cha mẹ nó.
Cái tên Joji mà Maejima đặt cho nó phát âm gần giống với tên Mỹ “George”.
để sùng bái bọn Mỹ. Tomoko chúa ghét cái thói nịnh bợ người nước ngoài nên đã gọi cháu là Tsune.
– Cháu chưa ngủ à?
– Có ạ!
Câu trả lời thẳng thắn và ngây thơ nói với một giọng ngái ngủ làm Tomoko thích thú.
– Nếu cháu buồn ngủ thì về phòng cháu đi. Giường cháu đã được chuẩn bị chưa?
– Vâng ạ, cháu luôn luôn chuẩn bị lấy giường của cháu cả giường của mẹ cháu nữa.
– Cháu ngoan lắm. Hôm nay cháu cũng đã chuẩn bị giường rồi?
– Nhưng mà ...
– Sao?
– Trước đây còn có ông Hachirô, nhưng bây giờ thì chỉ có mình cháu.
– Cháu buồn à?
Tsune hai tay vẫn ôm lấy đầu gối, không ngẩng đầu lên. Yasuko làm việc ở nhà bếp và đi ngủ rất muộn, sau khi nhà hàng đã đóng cửa. Khi cô về đến phòng mình thì Tsune đã ngủ rồi.
Dạo còn ở Nakano, Tsune có một cuộc sống hồn nhiên vô tư với nhiều bạn bè để chơi đùa, điều này đã giúp nó quên đi đã làm nó quên đi sự bất hòa xảy ra thường xuyên giữa cha mẹ nó. Nhưng từ khi gia đình dọn đến Hananoya ở khu phố buôn bán giàu có của Tsukiji thì trẻ con không có chỗ vui chơi, giải trí. Cô đơn đè nặng lên đứa bé mới bảy tuổi mà tối nào cũng phải chuẩn bị giường chiếu cho mẹ và cho nó rồi ngồi thức đợi mẹ nó đi làm về. Bởi vậy nó đã quyết định sang phòng dì Tomoko mà nó chưa quen biết lắm.
– Cháu lại đây với dì nào, Tsune. Cháu để chân dưới chiếc lò sưởi của dì cho ấm trong khi chờ mẹ cháu xong việc trở về nhé. Cháu có muốn ăn bánh bích quy mặn không?
– ...
– Hay là cháu ăn bích quy ngọt nhé?
– ...
Tomoko mở hộp bánh lấy ra mấy chiếc đưa cho Joji, nó chìa tay ra nhận và ăn ngấu nghiến. Cô pha chè và nhìn gương mặt ngây thơ xinh xinh của đứa cháu mà lòng thấy dậy lên một cảm giác thanh bình, hạnh phúc.
– Tsune ơi!
– ...
– Cháu có thể đến đây tùy thích. Dì có nhiều thì giờ rảnh rỗi, chẳng phải làm gì ngoài việc nghỉ ngơi an dưỡng.
– ...
– Cháu thích gì nào? Cháu muốn gì thì cứ nói, dì sẽ mua cho cháu.
Sự im lặng rụt rè dễ thương của đứa bé sau mỗi lần cô hỏi đã làm cho Tomoko thích thú.
Cô thường nói, sống là để thấy những người khác quanh ta chết. Mỗi người sinh ra từ một người mẹ, sống rồi chết, người nào cũng vậy, chỉ có thời gian sống là khác nhau. Sống có nghĩa là vĩnh biệt những người thân, là nhìn thấy họ biến mất trong cái chết.
Hay sống phải chăng là che chở những ai đã lớn lên quanh ta? Cô đột ngột tự dấn lòng mình. Trong khi đó thì tiếng răng gặm bánh yếu dần, và Tsune đã thiu thiu ngủ, đầu gục trên bàn, tay còn cầm chiếc bánh ăn dở.
Nhìn thấy cái tư thế ngủ thơ ngây đó thì ai lại nghĩ đến sự cáo chung của đời mình, có ai lại nghĩ rằng một ngày nào đó rồi ta cũng sẽ vĩnh viễn ra đi?
Tomoko tắt lò sưởi, tắt đèn rồi nằm xuống bên cạnh cháu.
“Ta đã đau khổ khi phải nói những lời vĩnh biệt với người thân”, cô thì thầm tự nói với mình. “Bây giờ thì ta sẽ sống để nhìn thấy đứa bé này lớn lên. Thân thể của Tsune êm dịu hơn, ấm áp hơn bất cứ người đàn ông nào mà ta từng chung chăn, chung gối. Và với nó ta sẽ không bao giờ bị phản bội; giữa hai bà cháu sẽ chỉ có tình yêu mà thôi.”.
Đêm hôm đó, lần đầu tiên kể từ ngày ra viện, Tomoko đã có được một giấc ngủ thanh bình, ngon lành.
Sáng hôm sau, Tsune thức dậy, đưa hai tay lên dụi mắt, ngơ ngác nhìn dì bẽn lẽn cất tiếng cười mừng rỡ, còn Tomoko thì đang ngây ngất tận hưởng những giây phút hạnh phúc vô biên không chờ mà đến.
– Tsune, chúc cháu một buổi sáng tốt lành!
Rồi Tomoko cất tiếng cười ran với tất cả sức mình để ngăn những giọt nước mắt tuôn trào.