Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Hương Và Hoa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 22482 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hương Và Hoa
Ariyoshi Sawako

Chương 7

Cối xay chè quay chầm chậm và phát ra những tiếng kêu kẽo kẹt. Trục đá có chu vi khoảng năm mười phân quay mãi không ngừng dưới sức đẩy của cánh tay khẳng khiu trắng muốt của Ikuyo. Nàng đang nghiền dập lá chè, mặt đờ đẫn, nhễ nhại mồ hôi, không son phấn. Mặt nàng xanh xao, hom hem với cái cổ quá ngắn, tương phản với cái bụng quá to.
Trong cái xó xỉnh mà từ nay Ikuyo sẽ sống ở đấy, một bên chất đầy đồ đạc bằng gỗ, một chiếc lò sưởi và một cái bàn thờ nhỏ, còn bên kia là đống chăn nệm và một chiếc chiếu cũ. Ikuyo lặng lẽ ngồi đó, nặng nhọc đẩy tay trục cối xay. Nàng không có ai để trò chuyện, không có gì để tự nói với mình mà chỉ có cái nóng khủng khiếp.
Cái bụng to của Ikuyo phình ra dưới cặp vú, lại không có gió, khiến mồ hôi nàng vãi ra như tắm. Đương mang thai lại phải lăn cối xay chè trong một xó nhà kín như bưng vì sợ gió lùa vào sẽ làm bay hương chè, là một việc làm cực kỳ gian khổ. Tuy nhiên nàng không hề hé răng than vãn.
– Mẹ!
Tomoko nhẹ nhàng bước lên cầu thang và lách vào cái xó nơi mẹ ở. Không khí ẩm ướt và oi bức cùng với mùi nồng nặc của chè khiến nó khó thở, khó nói.
Ikuyo chẳng buồn ngoái cổ lại, lặng lẽ quay chiếc cối xay kẽo cà kẽo kẹt đơn điệu.
Tiếng kêu âm vang đến tận xương tủy nó cho dù nó còn ở xa, đã làm tim nó nhức nhối. Tiếng kêu đó phải chăng đã chứa đựng mọi đau buồn và than thở thầm lặng của Ikuyo?
– Mẹ, mẹ có muốn nghỉ một lúc không?
Nghe gọi đến lần thứ hai, cuối cùng rồi Ikuyo cũng ngừng lại và quay cái mặt nhợt nhạt về phía Tomoko.
– Mẹ nhìn này, con mang cho mẹ món sushis (Sushis là bánh bột tẻ cuốn trong một lát cá sống) đây. Toàn là những lát cá thịt trắng. Và con sẽ mang đến ngay cho mẹ nước chè để mẹ uống.
– Không, đừng có cho chè vào, tao van mày! Nước là được rồi. Rót vào ấm.
Vâng mẹ ạ ....
Tomoko vội vã đi xuống cầu thang để không ai trông thấy nó và một lát sau đã quay trở lại. Ikuyo đã cất gần hết các sushis.
– Mẹ không ăn sushis ạ?
– Không, dở quá, tao không nuốt nổi.
Buồn rầu, Tomoko lặng lẽ rót nước vào chén của mẹ.
Thời gian đầu, mỗi ngày Ikuyo xuống nhà ăn ba lần, hai tay đỡ ngang cái bụng to của mình, nhưng Tomoko không chịu nổi cái cảnh mẹ mình bị các bạn cũ chỉ trỏ, dè bỉu, hoặc không thể nhìn mẹ vừa dùng các món ăn dân dã vừa nhăn mặt, bởi vậy nó đã sử dụng hết các phiếu có được để mua cho mẹ những thức ăn ở các tiệm ăn của khu phố.
Nhưng việc Tomoko mang thức ăn đến cho mẹ rồi cũng bị lộ và đến tai bà chủ.
– Tao không để mẹ mày chết đói đâu. Hãy chấm dứt những chuyện dại dột của mày đi!
Tomoko bị la mắng một trận ra trò và còn bị trừng phạt nữa.
Những ngày tiếp theo, Ikuyo không đụng đến một tí gì ở nhà ăn nên nó đâm lo và lại lén đi mua thức ăn ở các quán cơm bên cạnh. Nhà Kanô từ lâu nay đã biết Ikuyo và Tomoko là hai mẹ con nhưng không phải vì thương Tomoko mà lại rủ lòng thương cả Ikuyo. Đã gieo gió thì phải gặt bão.Thỉnh thoảng những kỹ nữ lớn tuổi và các tay cò mồi đã bí mật chuyển đến nàng qua, Tomoko những thức ăn thừa của các bữa tiệc. Có hôm, gã cò mồi đã tận tâm phục vụ nàng lúc cô còn là ái phi bí mật mang lại cho nàng một bữa ăn thịnh soạn nhưng Ikuyo không thèm dừng cối xay chè để cảm ơn anh ta. Chuyện này được truyền khẩu nhanh chóng trong đám gái điếm và càng làm tăng thêm mối ác cảm đối với nàng. Họ ghê tởm khi phải ngồi ăn cơm chung với Ikuyo do da nàng có vẻ dơ bẩn và xanh xanh của mồ hôi trộn lẫn bụi chè dính chặt ở các móng tay, cánh tay và cổ. Không có ai muốn ngồi chung bàn với nàng, nhưng lại không có ai sẵn sàng mang bữa ăn đến cho nàng, cuối cùng thì Tomoko lại phải đi đi, về về mang cơm cho mẹ vất vả, cực nhọc lắm để cung cấp những bữa ăn vừa ý cho mẹ.
Ikuyo không hay biết gì về những cực nhọc của con gái mình, hay nàng vả vờ như không nhận ra điều đó, và ngày càng có nhiều yêu sách đối với Tomoko.
Ikuyo nói huyên thuyên với con gái về những thèm muốn của nàng:
– Từ ngày tao phải sống trong cái xó xỉnh này, tao thèm bánh ngọt quá chừng, tao luôn mơ thấy ăn bột đậu đỏ trộn đường của Surugaya, hoặc những chiếc bánh ngọt to tròn, nhét đầy nhân bột đậu trắng.
Dù rất muốn thỏa mãn cơn thèm của mẹ nhưng Tomoko lấy đâu ra tiền để mua những chiếc bánh ngọt nổi tiếng của Wakayama mà mẹ đòi ăn!
Sau khu phố Nichômachi là đồng quê. Tomoko lần theo con đường gồ ghề chạy qua các thửa ruộng dưới trời nắng chói chang và đi đến tận chân cầu Abegawa để mua những chiếc bánh ngọt bằng bột gạo của địa phương ở cửa hàng Sekibeya, rồi cho tất cả vào một cái hộp và trở về nhà Kanô trong tâm trạng bực bội.
Cuối cùng rồi Ikuyo cũng ăn hai hoặc ba chiếc bánh ngọt một cách chán ngán, vừa ăn vừa chê bánh dở, mùi vị không đúng với những thứ mà nàng thèm.
Rồi nàng đặt chúng lên chiếu, không ngó ngàng gì đến chúng nữa.
Tomoko giàn giụa nước mắt, do bực bội nhiều hơn là buồn phiền. Nhưng nó không thể nào diễn đạt được tâm trạng của mình và nó chuyển sang chuyện khác.
– Mẹ nhìn kìa, núi Fuji mới đẹp làm sao!
– Khi mà ngày nào người ta cũng nhìn nó thì thấy nó cũng như bất kỳ cái gì, Ikuyo trả lời với một giọng quả quyết rồi nàng lại tiếp tục xay chè.
Tomoko về đến phòng ông bà chủ mà tiếng cót két của cối xay chè vẫn còn vang vọng đến tai nó. Không phải tiếng vang của nỗi buồn mà nó cảm nhận khi nhìn thấy chính mẹ mình buộc phải xay chè trong một xó xỉnh tối tăm, cũng không phải tình cảm đau xót khi thấy hành động đầy tình mẫu tử của mình bị hắt đổ cùng với những chiếc bánh ngọt đang kêu kèn kẹt trong lòng, không phải, mà là một sự nhức nhối bị nén lại quá lâu đã làm bụng nó quặn đau. Chính nó cũng không biết cảm giác đột ngột đó ập đến từ đâu và như thế nào.
Từ hôm đó nó không tài nào ngủ được, lòng dạ rối bời; nó tự hỏi cái cảm giác đau đớn lạ lùng đó từ đâu đến và sẽ đưa nó đến đâu?
Sáng hôm sau Tomoko mới nhận ra là nó có kinh lần đầu tiên trong đời.
Nhưng nó đã không vì thế mà ngạc nhiên, hoảng sợ vì sống trong khu phố ăn chơi nó đã được báo trước về những hiện tượng này rồi. Giá như bà ngoại còn sống thì có lẽ bà đã tổ chức ăn mừng sự kiện trọng đại này với cơm gạo ngày hội, nhưng giờ đây nó chỉ là Ochobo đơn độc, là một con bé học nghề kỹ nữ mà đến ngay việc báo tin cho mẹ biết nó cũng không làm được, và Ochoma, người bạn cùng phòng với nó cũng không nhận ra được là từ nay Tomoko đã là một thiếu nữ dậy thì.
Sự thay đổi sinh lý của nó đã làm giảm bớt số lần nó đến thăm mẹ. Tại sao vậy? Chính Tomoko cũng không hiểu nữa.
Cuối cùng rồi mùa nóng gay gắt cũng qua đi, nhưng Ikuyo vẫn bị đày ải trong cái xó nhà, chỉ mặc một chiếc áo cũ rích trong khi mọi người trong nhà đã thay kimono hai lớp. Bụng nàng bây giờ to đến mức chạm cả vào cối xay, việc lên xuống cầu thang trở nên khó khăn. Tomoko thì không mấy khi đến giúp đỡ mẹ, có lẽ là để khỏi phải thấy cảnh đau lòng, vì trước kia mẹ đẹp thế mà nay trông tiều tụy, xấu xí kinh người. Tuy nhiên Ikuyo không hề nhận xét để khỏi làm mất lòng con gái mà chỉ lặng lẽ đẩy cần cối xay và trút mọi tủi nhục lên chiếc trục đá.
Ở tầng trệt người ta đã quen với tiếng kèn kẹt của cối xay âm vang suốt ngày, và họ đã dần dần quên bẵng sự có mặt của một gái điếm đang mang thai và sống trong cái xó nhà đó.
Vào một ngày đẹp trời, nhà Kanô đóng cổng chính và mọi người lặng lẽ đi xem kịch. Mỗi năm hai lần, vào dịp thu hay xuân, tất cả các nhà chứa đều tổ chức cho các cô phục vụ một ngày nghỉ ngơi, vui chơi giải trí.
Các cô chưng diện những đồ trang sức lộng lẫy và đi đến nhà hát theo nhóm ba hoặc năm người. Ochobo và Ochoma cũng được phép đi xem; chúng nắm tay nhau đi đến nhà hát, vẫn mặc quần áo như mọi ngày, vì không được báo trước nên không kịp thay quần áo đẹp.
Trên đường về, đi cạnh Ochoma mắt đỏ ngầu vì cảnh thương tâm người con đi tìm mẹ, Tomoko cảm thấy rất bực bội.
– Câu chuyện buồn quá Ochobo nhỉ?
– ...
– Mình không cầm được nước mắt. Các chị cũng khóc sướt mướt đấy.
– ...
Ochoma nhìn Tomoko nãy giờ vẫn cứ lặng thinh, rồi đột ngột nói:
– Đúng cậu là một đứa khô khan tình cảm, Ochobo à!
– Tại sao?
– Mình đã có lần nghe những người khác nói như vậy, mà thật là đúng thế.
Cậu chưa hề nhỏ qua một giọt nước mắt nào, kể cả khi xem vở kịch buồn như vậy, không phải ư?
– Không, nó chỉ làm mình thêm bực bội, thế thôi.
– Mình không thể hiểu nổi sao lại có người không khóc trước những đau khổ của Otsuru bất hạnh ấy!
– Mình không thích vở kịch đó!
– À ra vậy!
Xưa này Ochoma vốn dĩ là một cô bé không mấy lanh lợi bỗng nhiên có vẻ như vừa hiểu ra được điều gì mà mắt nó sáng lên:
– Có phải là vì bà Kokonoe, đúng thế chứ gì?
Tomoko im lặng. Và khi đi vào con đường quanh co giữa các cánh đồng mà từ đây người ta nhìn thấy thành phố, nó đột ngột quay người nhìn bầu trời phương bắc. Ngọn núi Fuji lại bị phủ một lớp tuyết dày, và Tomoko đã khám phá ra là về mùa thu nó không còn dáng dấp của một người mẹ nữa.
Mười ngày sau, Ikuyo ở cữ. Cái thai đã được chín tháng cho nên sự kiện này không có gì là bất ngờ. Nhưng khi Ikuyo bắt đầu cảm thấy nỗi đau đầu tiên và không thấy có ai đến, cho dù nàng đã kêu gọi nhiều lần, thì nàng liền vội vàng chạy xuống cầu thang, nhưng khi xuống được đến nơi thì đã bị vỡ nước ối. Lúc này trời vừa tối, là giờ mà khách đến đông, cả nhà cuống cả lên.
– Có chuyện gì thế?
– Một đứa bé vừa chào đời!
– Trai hay gái?
– Trai.
– Một bé trai mà mẹ là một gái điếm, lại đẻ ở một nhà chứa ắt sẽ là một kẻ ăn chơi đàng điếm đây!
Tomoko đã chuẩn bị để đến phòng khách và đang chỉnh lại dây đàn Shamisen thì một cô người ở đâm xổ vào phòng.
– Bà Kokonoe, khủng khiếp, khủng khiếp!
Không hiểu chuyện gì mà khủng khiếp như vậy, Tomoko lao đến cầu thang và leo bốn bậc một, và nhận ra được do đâu mà có sự náo động khác thường này. Nó lảo đảo, tự hỏi không biết có phải tấm thân nặng nề của mẹ đã ngã quỵ ở cầu thang không. Hốt hoảng, nó nhảy xổ vào phòng mẹ đúng vào lúc những tiếng oe oe của đứa bé mới sinh vang lên.
Phải ít phút sau thì những người có mặt ở đây mới nhận ra sự hiện diện của Tomoko, mặt mày tái mét.
– Mày làm gì ở đây thế hở? Chỗ này cấm trẻ con không được vào. Ra ngay!
một kỹ nữ thuộc lớp đàn chị quát to và gọi bà giúp việc. Tôkyô – Chị đưa Ochobo xuống nhà hộ.
– Này bé con, mày đã trông thấy hết hả? Bà ta hỏi và nắm lấy tay Tomoko dẫn đi, nhưng khi nhận thấy người nó cứng đơ như một thanh gỗ thì bà nhíu lông mày lại. Bà nhìn thấy trong sự im lặng của Tomoko một câu trả lời chính xác liền dìu nó đi xuống nhà dưới.
Tomoko có vẻ như người mất hồn. Một đứa em trai cùng máu mủ vừa chào đời, nhưng nó không mảy may vui mừng mà chỉ bị đảo lộn đến tận nơi sâu kín của tâm hồn. Điều nó vừa nhìn thấy làm nó bị choáng váng. Cảnh tượng vừa đập vào mắt nó to dần, to dần trong trí óc trẻ thơ của nó. Một sinh mạng chào đời như vậy ư? Các phụ nữ sinh con, đẻ cái như vậy ư? Mẹ ta đẻ ta đẻ ra ta cũng vậy ư?? Nhắc đi nhắc lại mãi sự khám phá mới mẻ này làm nó đau khổ ghê gớm. Ở lứa tuổi của Tomoko mà những hình ảnh về ngày chào đời và cảnh làm mẹ vẫn còn đầy thơ mộng thì thực tế sinh lý của sự kiện này đến với nó là một sự dã man, tàn bạo không thể chịu đựng được.
Lúc này Tomoko ở trong trạng thái gần như điên rồ, tựa như nó không còn là nó nữa.
Ikuyo sinh nở dễ dàng. Đứa bé bình thường, người mẹ bình phục nhanh chóng, tóm lại mọi việc đều diễn ra suôn sẻ, nhưng Tomoko không hề có ý định đến thăm mẹ và đứa em cùng mẹ khác cha. Chỉ nghĩ đến chuyện trông thấy mẹ hoặc em bé cũng đã làm nó sợ khiếp vía rồi.
Trong thời gian bảy tháng Ikuyo bị cấm trong cái xó tối tăm, những người sống trong nhà đã gần như mất hết mọi ý niệm về sự có mặt nàng ở nơi đây.
Nhưng nay đứa trẻ sơ sinh cứ khóc thét suốt ngày đêm làm cho cả nhà ai cũng bực mình khó chịu.
Tiếng khóc của đứa bé làm Tomoko nhớ lại cái ngày nó còn nhỏ khi nó nghe Yasuko khóc, khóc mãi ở nhà ông trưởng thôn, và cũng làm nó nhớ đến bà ngoại đã chết vì điên, chết trong hận thù và nguyền rủa người con gái đã quay lưng lại với bà:
“Đồ con bất hiếu, đồ bẩn thỉu, xấu xa!” Và Tomoko rùng mình.
Nó cũng là “đứa con bất hiếu” có phải không? Phải! Mẹ ở cữ mà con lại không đến thăm để trông nom giúp đỡ. Đúng là đồ bất hiếu rồi còn gì nữa!
Và nó nhận thức được là từ nay về sau nó phải năng đến thăm mẹ.
Rồi đến cái ngày nó ló đầu vào nhà bếp rụt rè nói:
“Hôm nay cháu sẽ mang khay cơm cho bà Kokonoe”.
Tay bưng khay, Tomoko chậm rãi, cẩn thận bước lên cầu thang. Khi đến trước cửa phòng ở cuối cầu thang, nó quì xuống bất động như nó đã từng làm khi mẹ còn ở cái phòng dành cho “ái phi”. Nó ngập ngừng định gọi nhưng trong phòng yên ắng dễ sợ. Có lẽ mẹ và em bé đã ngủ.
Nó bưng khay lên rồi lại đặt xuống và giỏng tai nghe.
– Ai ngoài ấy đấy? - Tiếng Ikuyo.
– Con đây ạ, Tomoko vội vàng trả lời và kéo cánh cửa.
– Mày dậy sớm thế?
– Giờ này đâu có phải để ngủ ạ?
Ikuyo vẫn không thay đổi tính nết. Nàng gầy dễ sợ và có lẽ như lấy lại thói quen làm đỏm.
– Mẹ có khỏe không ạ?
– Chà, chà, tao đã có thể đứng dậy được rồi nhưng vì chưa làm việc được nên tao thích nằm nghỉ ở đây hơn.
Tomoko cảm thấy nhẹ nhõm khi mẹ không trách móc gì nó vì tội không đến thăm nàng sớm hơn. Nó đảo mắt nhìn khắp phòng rồi ngạc nhiên hỏi mẹ:
– Mẹ ....
– Gì?
– Em bé đâu rồi ạ?
– À, bà chủ đã mang nó đi rồi.
– Mang đi rồi? Nhưng đi đâu?
– Úi chà, làm sao tao biết được? Mày đi mà hỏi bà chủ ấy!
Nó ngơ ngác nhìn mẹ “ Sao lại có thể như thế được?” Em tự hỏi mình. Còn Ikuyo thì có vẻ như hoàn toàn quên bẵng câu hỏi của con gái vừa nêu lên cho nàng.
– Mẹ.
– Hử?
– Em bé tên gì?
– Chưa đầy bảy ngày thì bà chủ đã cho người mang nó đi rồi, còn đi đâu tao cũng chẳng cần biết.
– Nhưng, mẹ ....
– Mày im đi! Ikuyo nhìn nó với đôi mắt hằn học. Nếu thằng bé còn ở đây thì chúng ta, cả mày lẫn tao, rồi sẽ ra làm sao? Mày thử nghĩ xem. Tách thằng bé ra khỏi tao là tốt hơn hết, nó sẽ sung sướng hơn ở đây với tao. Tao chẳng bao giờ yêu nó cả.
Nghe đến đây, Tomoko có cảm tưởng như là một con quái vật dữ dằn vừa bổ nhào xuống nó, xuống đứa em cùng mẹ, đứa em chưa có tên đã bị quắp đi xa trong những vuốt nhọn ... Nhìn mẹ dùng đũa xỉa vào các miếng bí đỏ một cách chán ngán, Tomoko không còn đủ can đảm để nói nữa. Hình ảnh người mẹ không mảy may mong muốn, đợi chờ đứa con mà bà vừa đứt ruột đẻ ra đã cho nó thấy bể khổ vô cùng tận của mẹ và làm nảy sinh trong lòng nó lòng thương xót người mà lâu nay nó không chút tình cảm nào.
Như vậy là đứa trẻ sơ sinh mà nó loáng thoáng trông thấy khi nó vừa mới chào đời đã được tắm rửa, mặc quần áo bảnh bao, rồi mang đi xa, đến cả việc gặp chị nó, người chị đang hồi hộp chờ đợi nó, lòng ngập tràn yêu thương, cungc không được. Chỉ còn lại với Tomoko một nỗi buồn man mác và một cảm giác bơ vơ. Điều an ủi duy nhất mà nó có thể mơ tới là được khóc cho nỗi bất hạnh này trong vòng tay mẹ cũng bị khước từ, và trước cái cảnh Ikuyo hoàn toàn dửng dưng đối với sự mất mát của đứa con mình, Tomoko chỉ còn có cách là dấn sâu hơn nữa vào nỗi cô đơn.
Chẳng bao lâu sau, Tomoko được biết là đứa bé không tên mà Ikuyo đẻ ra đã bị giao cho một đoàn kịch lưu động, nhưng nó không biết ai là cha mẹ nuôi của thằng bé. Trên đường đi đến trường, ngày nào nó cũng tạt qua Teramachi, tới khu đất trống mà trước đây các ngành hát thường đến đây dựng sân khấu để biểu diễn và nay lại vắng tanh. Nó muốn cất tiếng gọi em mình, nhưng không một âm thanh nào thoát ra từ cổ họng:
đứa bé không có tên. Nó đứng lặng rất lâu, lòng bùi ngùi luyến tiếc.
Thế rồi một hôm, khi nó trở lại Nichômachi, thúc đẩy bởi một trực giác đột ngột, nó đi vòng để vào cửa chính nhà Kanô và đưa mắt nhìn về phía trước.
Giọng chào mời khách của gã cò mồi có vẻ chối tai hơn ngày thường.
– Mời các vị hãy đến đây, đến đây, đến đây, các vị hãy nhìn kìa, hãy lại gần đây, hãy bước vào theo tiếng gọi của trái tim!
Đứng sau tấm lưới mắt cáo là người đẹp Kokonoe! Nhiều tháng nay vắng mặt, bây giờ nàng mới trở lại phô mình trước các khách hàng. Họ dừng lại, nín thở và ngạc nhiên. Không ai nghĩ rằng nàng vừa mới ở cữ. Nàng ngồi đó, trước pho tượng nữ thần Hạnh phúc, rạng rỡ, uy nghi và tự tin vào mình hơn bao giờ hết.
Tomoko cũng sửng sốt. Người mẹ đã từng xay chè trong cái xó xỉnh tối tăm ấy, người mẹ đã sinh hạ một đứa bé với một cử chỉ tục tĩu ấy giờ đây xinh đẹp trở lại, tựa như một ảo ảnh. Bà đã thay đổi hình dạng thành một phụ nữ trẻ đẹp, như chưa từng sinh con, chưa một lần đau khổ. Rõ ràng là những đồ nữ trang đẹp đã khiến mẹ nó vui mừng hớn hở. Nhưng giờ đây Tomoko đã hiểu ra rằng cuộc sống quá ư là phức tạp cho nên thật không đơn giản khi có một người mẹ đẹp đến như vậy. Hôm ấy, lần đầu tiên nó nghĩ đến chất phụ nữ của mẹ. Người đàn bà đó có thật là người đã đẻ ra nó không? Bà ta trông có vẻ như chưa bao giờ có con. Nó không tin rằng người phụ nữ lẳng lơ, với những đồ trang sức đắt tiền, bình thản và tràn đầy sức sống, có vẻ như đoán được tâm tính của khách hàng lại chính là mẹ nó.
Đúng vào lúc mẹ nó sắp sửa rời tấm lưới mắt cáo thì từ trong hàng rào những kẻ hiếu kỳ cất lên những lời nhạo báng:
– Ô. Ô. Bà già lại muốn làm ra vẻ gái tơ!
Câu nói đó nhắm vào ai vậy? Chỉ có Ikuyo là đã quá tuổi ba mươi. Vậy câu nói đó nhắm vào Ikuyo chứ ai nữa? Cánh phụ nữ thì hò hét, cười thích thú, còn cánh đàn ông thì nãy giờ bị người đẹp Kokonoe hớp mất hồn, nay mới hé cười gượng gạo.
Các khách hàng lần lượt bỏ đi, gã mối lái cố gắng một cách vô vọng giữ họ lại nhưng bất lực.
Tomoko đã chứng kiến toàn bộ cảnh tượng đó và nó đứng lịm như chôn chân tại chỗ. Nó thấy là không thể ở lại được, nhưng đồng thời cũng muốn nhìn mẹ mình chút xíu. Chắc chắn là mẹ đã nghe những lời phỉ báng, những tiếng cười bỉ ổi đó nhưng bà vẫn trơ như đá, lạnh như đồng.

<< Chương 6 | Chương 8 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 915

Return to top