Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Hương Và Hoa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21243 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hương Và Hoa
Ariyoshi Sawako

Chương 14

Ngồi không chẳng làm gì nhưng Tomoko vẫn nhễ nhãi mồ hôi. Cô không khỏi nghĩ tới chuyện đi đến một nơi nào đó có khí hậu ôn hòa hơn để tránh cái nóng khủng khiếp của mùa hè ở Tôkyô, nhưng cái chết của bá tước Kônami đã đặt cô vào một hoàn cảnh hơi khó khăn về kinh tế. Gió nóng thổi từ biển vào đến tận trung tâm thủ đô Tôkyô làm cho cái nóng ở đây trở nên hừng hực.
Tomoko bâng khuâng liên tưởng tới những lời xì xào đã đến tai cô. Như mùi của biển mà gió nóng mùa hè đã thổi đến tận bờ sông Tsukiji, ngọn gió tình cờ đã mang đến cho cô cái tin về đám cưới của Fumitake Ezaki.
Thế là cô con gái ngót nghét ba mươi và người mẹ quá tứ tuần, cả hai đều góa bụa, đã sống những ngày vô vị với cùng một nỗi buồn và cùng một cảnh cô đơn, người thì cấm cung trong nhà, kẻ thì lân la hết nhà này đến nhà khác. Nghĩ như vậy mà Tomoko cảm thấy tim mình nhức nhối, nhưng mặt khác khi cô nhớ lại sự chân thật của mình trong lần tâm sự với Nôzawa, cô lại cảm thấy mình mạnh hẳn lên. Sống độc thân ít ra cũng có cái lợi và tránh được cái nhục là người tình của một kẻ đã có vợ.
Nôzawa từ giã khách sạn Hanaya được ít hôm thì bỗng nhiên Ikuyo chạy vào phòng con gái, mặt mày rạng rỡ.
– Tomoko, Tomoko!
Tomoko đang bận kiểm tra sổ sách, ngẩng đầu lên, cau có:
– Chuyện gì vậy?
Vừa lúc đó cô trông thấy người đàn ông đi sau bà Ikuyo.
– Chào cô, mong cô thứ lỗi cho tôi.
Người vừa chào cô không ai khác ngoài Hachirô. Đã bảy năm rồi kể từ ngày họ sơ tán về Wakayama sau trận động đất lớn ở Tôkyô. Cho dù thời gian xa cách khá lâu song cô cũng nhận ra được ngay chú, nay đã ngoại tứ tuần rồi.
– Chú Hachirô đấy, Ikuyo khẽ nhắc.
– Con biết ạ. Chỉ có chú ấy mới gọi con là “cô”.
Tomoko sốt sắng mời khách vào nhà và lấy đệm mời bác ngồi. Nhưng Hachirô, với một ý thức cứng rắn về bổn phận, cực lực từ chối không dùng đệm mà ngồi lên chiếu.Có lẽ ông nhớ đến cái tôn ti trật tự ngày xưa.
– Cháu nghe nói vợ chú vừa mới qua đời?
– Vâng ạ, tôi vừa cúng giỗ thứ ba cho nhà tôi, Hachirô trả lời.
– Chú được mấy đứa con?
– Chỉ có hai thôi, chúng nó đều đã trưởng thành và bây giờ chúng có thể sống tự lập được rồi, và vì bà có nhã ý mời tôi đến thăm Tôkyô ... Bà vừa nói với tôi là cô làm ăn khấm khá lắm và ở đây bà thực sự cảm thấy tốt lắm đấy ạ.
Vừa nghe nói đến chuyện mời mọc, Tomoko đã thấy khó chịu, nhưng nghĩ lại thì chú ấy đã quan tâm chăm sóc cho mẹ cô trong suốt thời gian họ tạm lánh về quê. Bây giờ có mời chú ở lại đây thì cũng là điều phải đạo thôi.
– Rất hân hạnh được đón tiếp chú! Như chú thấy đấy, đây là khách sạn, phòng thì chẳng thiếu. Cháu không thể giúp chú được nhiều, nhưng nếu chú thấy không có gì phiền toái thì chú có thể ở lại đây bao nhiêu ngày tùy chú.
– Rất cảm ơn cô, nhưng tôi còn có cửa hàng ...
– Một cửa hiệu đồng hồ?
– Vâng. Việc kinh doanh tiến triển tốt, nên tôi không thể vắng nhà lâu, bởi vậy, nếu cô cho phép thì tôi xin lưu lại đây dăm hôm thôi ạ.
– Ít thế ư? Tiếc quá! Đành vậy thôi, biết làm sao được? Nếu chú muốn tiêu khiển thì cạnh nhà có rạp hát, tiện lắm. Này mẹ, mẹ có thể đưa chú Hachirô đi nhà hát nhạc kịch ở Asakusa đấy.
Tomoko đưa ra ý kiến này một cách hững hờ nhưng Ikuyo thì lại cho đây là một đề nghị nghiêm túc.
– Tao cũng có ý định như vậy.
Những ngày sau đó, Tomoko thất họ thường đi với nhau. Cô đưa mẹ một ít tiền vì thấy tiền của bà không đủ để đưa khách đến những nơi giải trí.
Một hôm Tomoko đến phòng mẹ. Khi gần đến nơi bỗng cô khựng lại. Cô tưởng là hồi sáng mẹ và chú Hachirô đã đi xem hát, thế mà bây giờ cô lại nghe họ đang tranh cãi nhau rất sôi nổi.
– Tôi thì thế nào cũng được.
– Nhưng bà hãy nghe ...
– Vậy là anh không muốn chứ gì? Hachirô?
– Tôi không muốn? Bà nói vậy? Bà không biết rằng trước khi bị trưng vào quân đội, tôi đã bao lần khóc, cắn chặt gối mà khóc, vì tôi không thể nào quên được bà, kể cả sau khi bà tái giá với con trai ông trưởng thôn. Thời kỳ này là một cơn ác mộng đối với tôi. Và vì vậy mà tôi đã bỏ đi Osaka cho xa hẳn bà.
– Anh cứ nhắc đi nhắc lại hoài quá khứ để làm gì; tôi chỉ muốn hỏi bây giờ anh định làm gì?
– Tôi luôn luôn chỉ có một ý định. Nhận được thư bà là tôi hối hả đi đến đây, bỏ mặc cửa hiệu, đúng thế không nào?
Tomoko nhanh chóng định thần và tủm tỉm cười vì đã nhảy dù đúng vào chỗ đang diễn ra cảnh yêu đương của một mối tình già. Nhưng một lát sau, lời đáp của Ikuyo làm cô nghẹt thở.
– Vậy thì anh hãy đưa tôi về Osaka với anh!
– Không, không thể được!
– Đúng như tôi đã nói mà, anh không muốn cho tôi đi cùng!
– Tôi không dám nói một điều như vậy. Nhưng như bà biết đấy, tôi góa vợ, bà nhà tôi vừa mới mất! Còn tôi thì chỉ mới bốn mươi! Tôi không thể bảo đảm được gì hết nếu như người đàn bà tôi hằng yêu tha thiết trong thời trai trẻ sẽ đến sống dưới cùng một mái nhà với tôi.
– Nhưng tôi đã nói với anh là tôi cóc cần gì hết!
– Ơ kìa bà!
– Hachirô, anh không thèm muốn tôi à?
– Vậy bà sẽ lấy tôi?
Tomoko không thể dẹp việc sang một bên để đứng đây mà nghe họ chuyện trò, vừa định bỏ đi thì câu hỏi của Hachirô khiến cô loạng choạng suýt ngã nhào ở hành lang.
– Họ sẽ lấy nhau?! Mẹ đã bốn lăm, còn chú chỉ xấp xỉ bốn mươi thế mà chú lại cầu hôn mẹ! Những chuyện thật khó tin thế mà lại đương diễn ra trước mắt cô.
Đám cưới ... Đó là điều cô từng mong ước từ lâu nay. Cô đã mơ tưởng đến chuyện này, và nửa cuộc đời cô đã bị kéo theo chiều ngược lại, buộc cô phải làm người tình của một lão già đã gần đất xa trời, một cuộc tập sự cam go, chẳng mấy hào hứng mà cô chỉ mới được giải thoát cách đây chỉ mới hai năm.
Cô từng khát khao được gặp một người đàn ông yêu cô và muốn lấy cô làm vợ.
Và kìa, gần đây, ngay trước mắt cô, sau tấm vách này, một người đàn ông đang ngỏ lời cầu hôn với mẹ cô!
Im lặng. Ikuyo đã gật đầu đồng ý, đơn giản thế ư?
Một lúc sau Tomoko nghe Hachirô hỏi:
– Ý kiến của bà thế nào?
– Anh muốn tôi nói gì? Tôi chỉ có một đứa con gái, và nó chẳng quan tâm gì đến tôi cả.
– Tôi chỉ sợ là bà sẽ gặp khó khăn khi từ giã nơi ở tuyệt vời này để đến cái nhà xoàng xỉnh của người thợ đồng hồ ở Osaka.
– Hachirô, cái nhà này to thật, nhưng ở đây, trong cái phòng bé nhỏ này, tôi bị mất hết cả tự do. Tôi sống trong cô đơn, cả đến bọn đầy tớ gái cũng chế giễu tôi, thực là buồn! Hachirô, tôi muốn anh đưa tôi đi xa khỏi nơi đây, muốn anh giải thoát cho tôi.
– Xin bà đừng nói vậy, tôi không xứng đáng đâu!
– Hachirô ...
Cho đến lúc này giọng nói của bà vẫn đầy nghị lực, nhưng bỗng nhiên thay đổi và tiếng bà trở nên khàn khàn.
– Anh không thèm muốn tôi à?
– Bà thử nghĩ mà xem, nếu tôi không thèm khát bà thì sao tôi lại tức tốc đi từ Osaka đến đây? Nhưng tôi nghĩ đến sự khác biệt của chúng ta, và tôi tin chắc là tôi yêu mà không hy vọng gì được yêu lại, bởi vậy tôi rất hoang mang, cảm thấy bị xáo động hết tất cả!
– Hachirô!
– Bà ...
– Bà có chắc là ...
– Ồ, im đi nào anh!
Cả hai, tay quấn vào nhau, đều nghe rõ mồn một tiếng chân lướt nhẹ rồi bỏ chạy xa dần ra ngoài hành lang.
Hachirô giật mình và rút bàn tay ra, nhưng Ikuyo vẫn giữ chặt các ngón tay sần sùi có khấc trên làn da xù xì, và nói với một nụ cười thỏa mãn:
– Có gì đâu, con Tomoko đấy mà!
Chỉ có màu đỏ thẫm của những quả mận lủng lẳng ở các cạnh là chọc thủng không gian mù mịt của vườn cây và cái nhìn của chúng đã giáng xuống Tomoko trong lúc cô đang ráng hết sức chạy về khu nhà chính. Chạy chậm lại, cô mới nhận ra là toàn thân cô đang run bần bật. Cô muốn ra khỏi Hanya và tiếp tục chạy dọc theo bờ Tsukiji cho đến tận bờ biển.
Khi Ikuyo cùng với Hachirô đến thăm cô vào cuối năm và báo với cô về lễ cưới của họ, mặc dù cô đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận tin này, nhưng cô vẫn bị choáng một lúc không nói được nên lời.
– Thưa cô, nếu cô thấy không có gì bất tiện thì như bà đã đồng ý với tôi, chúng tôi dự định tổ chức lễ cưới vào một thời gian sớm nhất ạ.
– Chú Hachirô, chú có biết mẹ tôi bao nhiêu tuổi không?
– À, à ..., có ạ ....
– Chú nói cho tôi nghe nào.
– Bà nhiều hơn tôi năm tuổi ...
– Mẹ tôi đã bốn mươi sáu rồi và sắp bước sang tuổi bốn bảy, cứ cho là năm mươi đi.
– Vâng ạ.
– Tôi không biết chú đã đề nghị gì, nhưng chú thấy thế nào nếu cần phải cân nhắc thêm một thời gian nữa? Tôi không bình luận gì, nhưng chú Hachirô, chú nên trở lại Osaka một mình và suy nghĩ kỹ thêm, chúng ta sẽ nói chuyện lại với nhau sau.
Từ nãy giờ Ikuyo vừa chằm chằm nhìn con, vừa bĩu môi có vẻ không bằng lòng. Và cuối cùng, không chịu đựng được đã nói xen vào:
– Tomoko, tại sao mày lại ngăn cản đám cưới của chúng tao hả? Chúng tao không còn bé bỏng nữa, và quyết định này là của cả hai người. Bây giờ mày lại còn ca cẩm gì nữa, lại còn bảo chú ấy hãy trở về Osaka một mình để suy nghĩ!
Tao là mẹ mày, mày phải nhớ điều đó.
Tomoko lại càng điên tiết khi nghe Ikuyo nhắc nhở cô về trật tự kỷ cương.
Nhưng mặc, cô vẫn hăng máu tiếp tục cuộc khẩu chiến.
– Chú Hachirô! Mẹ tôi không còn là cô chủ nhỏ của nhà Sunaga mà xưa kia chú đã từng hầu hạ, cũng không còn là bà góa trẻ đã tái hôn với con trai ông trưởng thôn mà chú đã từng yêu say đắm. Ngoài tôi ra, bà còn có hai đứa con nữa chú có biết không?
– Tôi biết bà ấy còn có bé Yasuko với con trai ông trưởng thôn, nhưng ...
– Khi bà ta sống trong một lầu xanh ở Shizuoka, bà đã ...
– Tomoko, sao mày lại dám ...
Ikuyo muốn cắt ngang câu chuyện, liền xen vào với một giọng the thé, nhưng Tomoko vẫn tiếp tục:
– Chắc chú ấy không biết bà sống trong một nhà chứa ở Shizuoka bốn năm và đã sinh hạ được một bé trai mà tôi không biết là của ông nào và đã từ bỏ nó khi nó vừa chào đời. Còn tôi thì bà đã bán cho nhà chứa đó như tập sự nghề kỹ nữ. Chú Hachirô, vì lợi ích của chú, tôi đề nghị chú suy nghĩ kỹ trước khi quyết định lấy một bà vợ đã cập kề năm mươi. Chú cũng phải nghĩ đến việc giáo dục các con chú nữa chứ.
– Tomoko!
Ikuyo nổi đóa, hét tướng lên:
– Tao là một con điếm đấy, thế mày thì là gì nào? Mày chỉ là một người vợ hầu, ha ...ha ... Mày là người tình của một lão già đã có vợ. Mày xây khách sạn này là tiền của ai? Mày tiến thân như thế đó. Hachirô, cho dù nó có cố làm ra vẻ ta đây thì nó bao giờ cũng chỉ là một con hầu của một lão già!
Vợ hầu! Những từ này làm Tomoko vừa tủi thân vừa tức điên lên. Trong khi cô lăng mạ mẹ mình thì cô không nhận thấy là bà Ikuyo đã lấy lại được bình tĩnh và trông rất dữ tợn. Cảnh hai mẹ con bêu xấu nhau ắt là đã làm cho Hachirô kinh ngạc. Ý nghĩ này đã giúp Tomoko tự đánh giá bản thân và nghĩ lại thái độ của mình. Cô ngơ ngác vì hổ thẹn. Cô cắn môi và im lặng một lúc, rồi ngẩngđầu lên và nói với Hachirô bằng một giọng khàn khàn:
– Chú Hachirô, xin chú về Osaka cho, và sau này chúng ta sẽ trao đổi lại chuyện lại chuyện đám cưới.
Ikuyo nghe đến đây liền đứng phắt dậy:
– Hachirô, anh vào phòng tôi, hơi đâu mà nói chuyện với một đứa con bất hiếu, coi mẹ nó không ra gì cả!
Cả hai rút lui vào phòng Ikuyo. Tối hôm đó, như Tomoko đã đoán trước, Hachirô không về phòng mình mà ở lại trong phòng Ikuyo. Tomoko đã trải qua một đêm khó khăn, ra sức tự kiềm chế mình để không nhảy xổ vào phòng của đôi tình nhân. Tại sao cô lại cảm thấy nhục nhã đến mức muốn xé nát hết, đến cả chính áo quần của mình? Hồi tưởng lại cảnh mẹ trong đôi tay của Hachirô làm cô buồn nôn. Những ý nghĩ và hình ảnh tiếp theo làm cô khó chịu đến mức muốn lấy kim cài tóc chọc thủng sọ và bới óc ra để vứt bỏ khỏi đầu. Mặt nhấn sâu vào gối, các ngón tay ấn mạnh vào hai mi mắt nhằm xóa sạch những hình ảnh tởm lợm do trí tưởng tượng vẽ ra. Tại sao việc mẹ có tình nhân đối với cô lại có vẻ quá tục tĩu như vậy?
Nhưng trên những ý nghĩ của cô và những hình ảnh do cô tưởng tượng ra là nỗi đau âm thầm trong lòng. Những kỷ niệm của thời thơ ấu xa xưa lại hiện ra:
Bà ngoại nguyền rủa mẹ, bà treo cổ ở cây thị trong vườn, cái cười điên loạn của bà ... những hình ảnh đó đã làm cô thức trắng đêm.
Ngày hôm sau, Hachirô đến trước phòng của Tomoko, quỳ xuống và nói:
– Xin cảm ơn cô đã cho phép tôi ở lại đây được nhiều ngày. Theo lời cô khuyên, tôi sẽ trở lại Osaka một mình.
Sau một vài câu chào hỏi xã giao, Hachirô ra về, có vẻ như đã hoàn toàn quên khuấy là mình đã lưu lại qua đêm trong phòng của Ikuyo.
Về phần Tomoko, cô có vẻ tư lự nghĩ rằng cơn sóng gió đã qua, cuộc xung đột đã kết thúc. Cô tự nói với mình là chú Hachirô, với sự khờ dại của một nông dân, trong một lúc si tình đã sa ngã trước những mưu mô chước quỷ của mẹ cô, nhưng cuối cùng cũng đã tỏ ra hiểu biết hơn, có lương tri hơn.
Năm mới đã qua, Tomoko sắp đến cái tuổi hai chín thì vào một ngày đẹp trời, cô nhận được thư của chú Hachirô:
“ ... Từ ngày tôi trở lại Osaka vào cuối năm ngoái, tôi đã có nhiều dịp tranh cãi về ý định tái hôn của tôi với gia đình, với các bạn bè, và người nào cũng tán thành, bởi vậy tôi mong cô vui lòng cho tôi được kết hôn với mẹ cô. Tôi biết rằng tuổi của cô dâu tương lai làm cô bận lòng, nhưng tôi sẽ tổ chức lễ thành hôn theo đúng nghi thức, có đăng ký ở tòa thị chính, điều này sẽ cho phép các con tôi gọi người vợ chưa cưới của tôi bằng “mẹ”, cho nên tôi cũng xin cô yên tâm. Rất mừng là công việc làm ăn của tôi tiến triển khá tốt, tôi không có khó khăn gì về tài chính. Vả lại tôi cũng xin cô vui lòng bỏ qua cho sự thất thường này. Và tôi mong rằng hôn lễ sẽ được cử hành tại nhà tôi, ở Osaka, vào ngày mười một tháng ba là ngày tốt. Mong cô vui lòng chấp nhận cho ngày đó.”.
Vậy là ý định kết hôn với Ikuyo của người đầy tớ cũ không bị phủ nhận ngay cả sau khi biết quá khứ xấu xa, tội lỗi của bà, ngay cả khi biết bà đã bỏ rơi các con của bà!
– Tomoko, mày nhận được thư của Hachirô đấy à?
– Vâng.
– Thế nào, Tomoko, mày đã đồng ý chưa hả, nói đi!
– Như vậy mẹ muốn ấy.
– Vậy à, hay quá!
Ikuyo biểu lộ sự vui mừng một cách ngây thơ mà không nhận thấy, hoặc giả vờ không thấy tâm trạng bực bội của con gái.
Những ngày sau họ không nhìn thấy mặt nhau, không gặp nhau tuy là ở cùng dưới một mái nhà.
Một hôm Tomoko bắt gặp mẹ đang tiếp gã bán vải giữa một đống các sấp lụa và kimono sang trọng.
– Mẹ! Chuyện đó có thật không đấy?
– Chuyện gì?
– Chuyện đám cưới của mẹ và chú Hachirô ấy.
– Thật chứ lị, có phải chuyện đùa đâu.
– Vậy còn bao lần cưới mới vừa lòng mẹ?
Nói tới đây nước mắt cô tuôn trào.
– Con đã kiên trì chờ đợi nhiều năm, vâng nhiều năm để được cưới Fumitake Ezaki! Và cuối cùng thì anh ấy đã bỏ con, vì một kỹ nữ thì có thể làm vợ một quân nhân, còn con, một gái điếm thì không! Nếu con là kỹ nữ và là người tình của một người đã có vợ thì đó là lỗi của mẹ! Mẹ thì lấy chồng, rồi lại tái giá, chính vì vậy mà con chẳng bao giờ làm được như vậy, cho dù là chỉ một lần thôi. Mẹ đã lấy mất đám cưới của con, mẹ đã lấy mất của con tất cả những gì có thể đem lại hạnh phúc cho một người con gái bình thường!
Có lẽ đây là cơ hội duy nhất để Ikuyo an ủi con gái. Nhưng người đàn bà đó không có một tý nào bản năng của một người mẹ nên đã giội một gáo nước lạnh vào một người con gái khốn khổ:
– Mày ghen với tao ư?
Tomoko tưởng chừng như tim ngừng đập, nhưng rồi cô đã trấn tĩnh lại được khi trấn tĩnh lại được khi ngắm nhìn các cây liễu rủ lá lướt thướt trong gió chiều đìu hiu, cô hiểu được nhiệm vụ và vai trò của mình trong đám cưới sắp tới của mẹ. Cô chủ của Hanaya cung cấp mọi thứ:
chăn gối, nệm giường, kimono, bàn trang điểm v..v.. nhưng cô không đến dự lễ cưới.
Sau khi tiễn mẹ đi Osaka, Tomoko đã trải qua nhiều ngày đắm mình vào những nghĩ suy buồn bã, chán chường.
Tuy nhiên, người mẹ mà cô ít yêu thương, người mẹ đó khi ra đi để lại cho cô một cảm giác cô đơn khủng khiếp.
Mùa xuân đã đến - Tuyết vẫn còn rơi và tinh thần của Tomoko thì vẫn còn bạc nhược. Ba tháng trước và sau khi mẹ tái giá, thần kinh Tomoko căng thẳng đến mức ăn không ngon, ngủ không yên, và mỗi ngày soi gương cô lại thấy mình già hơn ngày hôm qua. Má cô cóp lại, cổ cô dài ra.
Đúng vào lúc này Shuichi Nôzawa lại xuất hiện trong cuộc đời cô.
– Hình như em có gầy đi?
– Em lo nghĩ nhiều ...
– Cũng lạ là gầy lại làm cho em đẹp hơn.
Tomoko, em đã có lần nói là sẽ không yêu người nào mà không cưới em. Có thật thế không?
– ...
– Ở tuổi của tôi thì lẽ ra không nên tán tỉnh em, nhưng chúng ta đã quen biết nhau từ hơn mười năm nay rồi. Tôi nghĩ rằng em đã quá biết tôi, còn về phần tôi thì luôn luôn yêu em, có lẽ em chẳng bao giờ nhìn thấy điều này, nhưng quả thực là tôi luôn luôn yêu em.
– ...
Nôzawa nhìn thẳng vào mắt cô và nói:
– Em muốn có con với anh không?
Sau một lúc im lặng và chờ đợi, Nôzawa lại khẩn khoản hỏi:
– Thế nào, nói đi em.
Tomoko hơi lùi lại sau một tí rồi lễ phép trả lời ông:
– Em vô cùng cảm ơn về sự quan tâm của ông.
Ba ngày sau họ lên tàu thực hiện một chuyến hành hương năm ngày đến chùa ở Kansai, “Đóa hoa sen của Luật Pháp”. Các phụ nữ đến đây để cầu xin một đứa con, hoặc sinh đẻ được dễ dàng, và tin đồn là những lời thỉnh cầu của họ luôn được toại nguyện.

<< Chương 13 | Chương 15 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 215

Return to top