Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> NHỮNG TỘI ÁC TRỨ DANH

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9574 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

NHỮNG TỘI ÁC TRỨ DANH
Alexandre Dumas

MURAT

Ngày 18 tháng 6 năm 1815, vào đúng giờ mà số phận châu Âu đang được quyết định ở trận Waterloo, một người đàn ông ăn mặc như kẻ ăn mày, lặng lẽ đi theo con đường từ Tulông đến Macxây. Đi đến khe núi Oilivules, người đó dừng lại trên một mô đất nhỏ, tại đây ông phát hiện thấy tất cả phong cảnh xung quanh. Do đó trước khi tiến vào con đường hẻm tối tăm và gồ ghề mà người ta gọi là “Cửa nóng” của tỉnh Provence, ông còn muốn được ngắm cảnh tuyệt diệu đang diễn ra ở chân trời phía Nam, ông đến ngồi lên một thảm cỏ bên vệ đường cái. Phía bên kia cánh đồng vàng rực lên bởi những tia nắng cuối cùng là biển cả và trên mặt nước lướt nhẹ một chiếc thuyền nhỏ độc nhất, nó lợi dụng cơn gió mát mở hết hai cánh buồm tiến nhanh về phía biển Ý. Người ăn mày háo hức nhìn theo chiếc thuyền đó cho đến khi nó mất hút giữa mũi Gien và hòn đảo đầu tiên của quần đảo nhỏ Hyères. Rồi, sau khi cái bóng trắng đã biến mất, người đó thốt lên một tiếng thở dài sâu xa, gục trán xuống hai lòng bàn tay và lặng im suy nghĩ cho đến khi bị giật mình vì có tiếng động của một nhóm kỵ mã. Người đó vội ngẩng đầu lên, lắc bộ tóc dài đen và trừng mắt nhìn về lối vào khe núi, phía phát ra tiếng động. Một lát sau thấy có hai kỵ mã đi ra. Hẳn là có quen biết nhau nên vội vàng người đó đứng thẳng người lên, bỏ rơi chiếc gậy cầm tay, khoanh hai tay trước ngực và quay mặt về phía hai người kỵ mã. Hai kỵ mã vừa trông thấy đã dừng ngay lại và người đi trước xuống ngựa, ném dây cương cho bạn, bỏ mũ ra cầm tay và mặc dù còn cách người ăn mày đến năm mươi bước, kính cẩn tiến đến trước mặt người đó. Người ăn mày để yên cho người đó lại gần, vẻ đường hoàng và ủ rũ, rồi lúc chỉ còn cách mấy bước mới lên tiếng:
- Thế nào ông thống chế, đã có tin tức gì chưa?
- Tâu bệ hạ rồi ạ! - Người kỵ mã buồn rầu trả lời.
- Như thế nào?...
- Đúng như tôi muốn không ai khác ngoài tôi được bệ kiến với bệ hạ...
- Vậy là hoàng đế đã từ chối đề nghị của tôi. Người đã quên mất những chiến thắng Aboukir, Eylau và Matxcơva?
- Tâu bệ hạ không đâu ạ! Nhưng người lại nhớ đến hiệp ước Naples, đến cuộc chiếm đóng Reggio và đến việc tuyên chiến với phó vương Ý.
Người ăn mày vỗ tay vào trán đáp:
- Phải, phải. Đối với ông ấy có thể là tôi đáng trách. Nhưng ông ấy cũng cần phải nhớ là ở tôi có hai người, một là người lính mà ông ấy đã biến thành anh em, và hai là người em mà ông ấy đã biến thành ông vua. Phải, là anh em tôi có những khuyết điểm vì sai lầm lớn đối với ông ấy. Nhưng là một ông vua, tôi nói thực, tôi không làm khác được... Tôi cần phải lựa chọn giữa thanh gươm và ngôi báu của tôi, giữa một đạo quân và một dân tộc... Brune này, ông chưa biết vấn đề đã diễn biến như thế nào. Có một hạm đội Anh nổ đại bác trong bến cảng, có một dân tộc Naples hò hét trong các phố. Nếu chỉ có một mình tôi, tôi sẽ đi với một chiếc tàu vào giữa hạm đội, với thanh gươm vào giữa dân chúng. Nhưng tôi còn có một vợ và mấy đứa con. Cuối cùng là ông ấy không cần đến tôi phải không? Ông từ chối tôi - một vị tướng, một sĩ quan, một người lính thường? Vậy còn gì mà tôi cần phải làm?
- Tâu bệ hạ, ngay bây giờ bệ hạ nên rời khỏi nước Pháp.
- Nếu tôi không nghe?
- Lệnh cho tôi là phải bắt giữ ngài và đưa ra một Hội đồng quân sự.
- Điều đó anh sẽ không thi hành, phải không anh bạn già của tôi?
- Tôi sẽ phải vừa thi hành, vừa cầu Chúa đập chết tôi lúc tôi giơ tay ra bắt bệ hạ.
- Brune, tôi nhận ra anh ở điều đó, anh có thể can đảm và trung thực. Người ta không tặng anh một vương quốc, người ta không đặt lên trán anh một vòng lửa mà người ta gọi là mũ miện và làm phát điên lên được. Người ta không đặt anh vào giữa lương tâm và gia đình. Vậy là tôi phải rời bỏ nước Pháp, bắt đầu một cuộc sống lang thang, vĩnh biệt Toulon, là nơi tôi có biết bao kỷ niệm. Không còn cách gì để được ở lại trong xứ sở nước Pháp nữa hả anh Brune?...
- Tâu bệ hạ, bệ hạ làm tôi khổ tâm lắm rồi!
- Đúng thế, ta sẽ không nói đến đây nữa. Tin tức như thế nào nào?
- Hoàng đế đã rời khỏi Pari để tham gia vào quân đội. Giờ này phải là đang chiến đấu...
- Người ta chiến đấu, thế mà tôi lại ở đây. Ôi! Tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy còn có ích cho Hoàng đế vào một ngày có chiến trận. Brune, hãy cấp cho tôi một tờ hộ chiếu, tôi sẽ phóng thẳng đến đấy, tôi sẽ tới nơi có quân đội, tôi sẽ làm cho một viên tá nào đó nhận ra tôi, tôi sẽ nói: Hãy giao cho tôi quân đội của anh, tôi sẽ cùng với nó xung phong, và đến buổi tối nếu hoàng đế không chìa tay ra cho tôi, tôi sẽ tự tay bắn vỡ óc mình, xin nói danh dự như vậy... Anh Brune, hãy giúp đề nghị của tôi, và mặc dù kết quả ra sao, tôi sẽ cám ơn anh suốt đời.
- Tâu bệ hạ, tôi không thể...
- Thôi được, ta không nói đến đấy nữa.
- Và bệ hạ sẽ rời khỏi nước Pháp chứ?
- Tôi không biết, anh cứ việc hoàn thành nhiệm vụ của anh. Nếu anh đã gặp tôi, cứ bắt tôi đi. Đó còn là biện pháp làm được vấn đề gì cho tôi...
Và người ăn mày đưa tay ra cho viên thống chế. Thống chế muốn hôn bàn tay ấy, nhưng Murat giang hai tay ra và hai người bạn già ôm chặt lấy nhau, ngực phồng lên những thớ dài, mắt đẫm lệ, sau đó hai người từ biệt nhau. Brune lại lên ngựa. Murat nhặt chiếc gậy và hai người từ biệt nhau, mỗi người đi về một phía, người thì đến Avignon để bị ám sát, người kia đi về Pizzo để bị xử bắn.
Trong thời gian đó, như Richard III, ở Waterloo Napoléon đổi ngai vàng của mình lấy một con ngựa.
Sau cuộc hội kiến mà chúng tôi vừa kể, cựu vương Naples rút về nhà người cháu tên là Bonafoux, trung úy hải quân. Nhưng về đây chỉ là tạm thời, người cháu phải tránh những mối nghi ngờ của nhà chức trách. Vả lại Bonafoux cũng muốn tìm cho chú mình nơi ẩn náu bí mật hơn. Anh ta để ý đến một trạng sư bạn anh mà anh biết rõ lòng trung thành. Tối hôm đó anh đến nhà bạn.
- Marouin này, tôi có vấn đề quan trọng muốn nói với anh.
- Anh cứ nói, anh cũng biết ngoài cha nhận xưng tội, không ai kín đáo hơn chưởng khế, và sau chưởng khế là trạng sư.
- Anh cũng biết là tôi đến đây không phải để rủ anh đi chơi. Có một vấn đề khá quan trọng, một trách nhiệm trọng đại đang đè nặng lên tôi, và trong các bạn thân thiết, tôi đã chọn anh, nghĩ rằng anh đủ tận tình giúp tôi một việc lớn.
- Anh làm vậy rất đúng.
- Tôi xin trình bày cụ thể và nhanh chóng. Ông chú tôi, Joachim - ông vua bị trục xuất đang trốn trong nhà tôi. Nhưng không thể ở đấy được vì tôi là người đầu tiên người ta sẽ tìm đến. Nơi ở của anh cách biệt, do đó rất thuận lợi làm nơi trú ẩn cho chú tôi. Mong anh chấp thuận đề nghị của tôi để cho ông ấy ở cho đến khi nào có những sự kiện cho phép một ông vua có được một quyết định nào đó.
- Anh có thể tin ở tôi.
- Tốt lắm. Ông chú tôi sẽ tới đây ngủ ngay đêm nay.
- Nhưng nên để cho tôi có thời gian dọn dẹp nhà cửa cho xứng là nơi ở của một vị đế vương.
- Anh bạn thân mến ạ! Làm như vậy phí công vô ích. Bắt chúng tôi phải có một cuộc chờ đợi không lành một chút nào. Vua Joachim đã mất thói quen lâu dài và cẩn thận, ngày nay Người rất sung sướng được ở một túp lều tranh và có một người bạn tốt. Vả lại tôi cũng báo cho Người rồi vì đã biết trước câu trả lời của anh. Người đã dự tính sẽ ngủ đêm nay ở nhà anh. Nếu bây giờ tôi thay đổi một chút gì trong dự kiến của Người, Người sẽ cho là một sự từ chối và sẽ mất hết giá trị hành động tốt đẹp của anh. Vậy vấn đề xong xuôi rồi nhé. Mười giờ tối nay ở “Công trường tháng ba”.
Mười giờ tối như đã thỏa thuận, Marouin tới “Công trường tháng ba” ngổn ngang những cỗ pháo trận của thống chế Brune. Lúc ấy chưa có ai đến. Anh đi dạo giữa những chiếc hòm. Một người lính gác tới hỏi anh làm gì ở đây. Câu trả lời khá khó khăn. Không ai đi dạo lúc mười giờ đêm giữa công trường pháo binh. Do đó anh phải đề nghị được gặp vị chỉ huy. Viên sĩ quan đến, Marouin tự giới thiệu là một trạng sư, phụ tá cho ông tỉnh trưởng thành phố Toulon và nói là anh có cuộc hẹn đến đây mà không biết là vấn đề đó bị cấm. Kết quả của sự giải thích đó là viên sĩ quan cho phép anh ở lại và trở về đồn. Còn người lính gác, một cấp dưới trung thành với việc quan sát, cứ tiếp tục đi dạo đều không thắc mắc về sự có mặt của một người lạ.
Mấy phút sau, một tốp nhiều người xuất hiện ở phía Lices. Trời rất tuyệt, trăng sáng vằng vặc. Marouin nhận ra Bonafoux liền tiến đến. Bonafoux nắm lấy tay anh dẫn đến vua và lần lượt nói với mỗi người.
- Tâu bệ hạ, đây là người bạn mà tôi đã nói. Còn anh Marouin, đây là vua Naples, người đã bị trục xuất và phải trốn tránh mà tôi muốn giao cho anh. Tôi không nói đến khả năng một ngày kia Người sẽ trở lại ngôi báu, nó sẽ làm mất giá trị hành động tốt đẹp của anh. Bây giờ đề nghị anh dẫn đường cho Người. Chúng tôi sẽ đi theo phía xa. Ta đi nào.
Vua và trạng sư lập tức bước đi. Murat lúc đó mặc một áo rơđanhgốt màu xanh, nửa dân nửa binh và cài khuy đến tận cổ. Ông mặc một quần trắng và chân đi bốt có đinh thúc ngựa. Ông có bộ tóc dài, ria mép rộng và bộ râu rậm quấn vòng xung quanh cổ. Trên suốt dọc đường đi, ông hỏi chủ nhà về tình hình nơi ông sắp đến ở và khả năng có thể thoát ra trường hợp có báo động.
Nửa đêm, vua và Marouin về đến Bônette. Mười phút sau đoàn tùy tùng tới.
Sau khi đã dùng giải khát xong, nhóm người nhỏ bé ấy, triều thần của ông vua thất bại, rút lui để phân tán vào thành phố và các vùng lân cận. Marouin ở lại một mình cùng với nhóm phụ nữ, chỉ giữ lại có một người hầu phòng tên là Le Blanc.
Murat ở lại gần một tháng trời trong cảnh cô đơn ấy, suốt ngày bận vào việc trả lời những bài báo đã kết tội ông là phản bội hoàng đế. Lời kết tội ấy làm bận tâm ông, là con ma, con quỉ ám ảnh ông. Ngày và đêm ông cố gắng đẩy xa nó ra và tìm mọi lý lẽ trong tình cảnh khó khăn này để giải thích hành động của mình.
Trong khi đó những tin tức thảm hại về cuộc bại trận đã lan rộng. Hoàng đế vừa mới ký lệnh trục xuất, cũng tự trục xuất mình, và đến đợi ở Rochơfort, như Murat ở Toulon, lệnh của kẻ thù sẽ quyết định số phận mình.
Vua Luy XVIII lại lên ngôi, vậy là Murat mất hết hy vọng ở lại nước Pháp, cần phải ra đi. Cháu ông là Bonafoux thuê một con tầu sang châu Mỹ với danh nghĩa là Hoàng thân Rôca Romana. Tất cả tùy tùng đều ra bến và người ta bắt đầu chuyển ra đó những đồ vật quý giá mà người bị trục xuất đã cứu vớt được trong cuộc đắm vương quyền của mình. Trước tiên là túi đựng vàng cân nặng khoảng một trăm livrơ, một cái đốc gươm có khắc hình ảnh vua và hoàng hậu, những giấy tờ hành chính về gia đình. Còn bản thân Murat, ông chỉ giữ trên người chiếc thắt lưng, trong đó giữa những giấy tờ quí, có đính hai mươi kim cương đáng giá tới bốn triệu.
Tất cả chuẩn bị đó đã được quyết định, thỏa thuận với nhau là hôm sau 1 tháng 8 vào lúc năm giờ sáng, tàu sẽ đến tìm vua trong một vịnh nhỏ, cách xa nơi ở mười phút.
Mười phút sau, Murat và ông chủ nhà chờ đợi trên bãi biển làng Bonette, chiếc canô sẽ đến đón để lên tầu. Hai người chờ đợi như vậy mãi đến trưa cũng chẳng thấy canô đâu. Tuy nhiên họ trông thấy ở đường chân trời, con tàu cứu tinh, nó không bỏ được neo vì biển sâu, cứ phải loanh quanh. Tình hình đó dễ gây nghi ngờ cho lính gác trên bờ biển.
Buổi trưa, vua mệt quá và còn bị nắng thiêu, đang nằm xuống cát để nghỉ, có một người hầu mang giải khát đến, bà Marouin lo ngại cứ gửi tiền ra cho chồng. Vua uống một cốc nước đó, ăn một quả cam rồi đứng lên một lát để nhìn trong cảnh bao la của biển cả, có chiếc canô nào đang mong đợi không. Mặt biển hoang vắng, chỉ có mình con tầu cúi mình ở đường chân trời sốt ruột muốn ra đi như một con ngựa đợi chủ.
Vua thốt lên một tiếng thở dài rồi lại nằm xuống cát. Người hầu quay trở về Bonette với lệnh gọi em trai ông chủ ra bãi biển. Mười lăm phút sau người em ra rồi lập tức phi ngựa về Toulon để tìm hiểu xem tại sao Bonafoux lại không cho thuyền đến đón vua. Tới nơi, anh ta thấy nhà Bonafoux tràn đầy những sen đầm. Người ta đang mở một cuộc khám xét nhà mà Murat là mục tiêu. Liên lạc viên lần được tới gần Bonafoux giữa cảnh ồn ào đó và được biết là canô đã được cử đi đúng giờ qui định, có lẽ nó đã bị lạc trong vũng nào đó. Quả đúng thế, lúc năm giờ chiều, liên lạc viên báo cáo tình hình đó với anh và với vua.
Thật là lúng túng. Vua không còn có can đảm để bảo vệ tính mạng mình nữa, ngay cả chạy trốn. Đây là một trong những lúc nản lòng, nó làm cho ngay cả những người mạnh nhất đôi khi cũng không còn ý kiến để tự vệ nữa, đành phó mặc cho ông Marouin muốn làm gì thì làm.
Vừa lúc đó có một người đánh cá đi vào bến, vừa đi vừa hát. Marouin ra hiệu cho anh ta đến, anh tuân theo. Bước đầu Marouin mua hết số cá mà anh ta đã đánh được. Rồi sau khi đã trả tiền xong, Marouin giơ những đồng tiền vàng óng ánh trước mắt người đánh cá rồi điều đình trả anh ta ba đồng Luy nếu anh bằng lòng chở một người ra đến con tầu đang bập bềnh ở ngoài khơi, đường chân trời. Người đánh cá đồng ý. Sự may mắn cứu tinh bất ngờ ấy lập tức đem lại sức lực cho ngài Murat. Ngài vội vàng đứng ngay lên ôm hôn Marouin rồi lao vào trong thuyền, nó rời bờ ngay lập tức.
Thuyền đã ra xa được một quãng, bỗng nhiên thấy vua bảo người chèo thuyền dừng lại và ra hiệu cho Marouin biết mình bỏ quên thứ gì. Quả nhiên trên bờ biển còn có một cái túi đựng hai khẩu súng ngắn tuyệt đẹp do hoàng hậu tặng và Murat rất quí. Tới tầm có thể nghe tiếng nói, ngài cho Marouin biết ngay nguyên nhân phải quay trở lại. Marouin lập tức xách túi lên, và không đợi cho thuyền chạm vào bờ, đã vội ném nó xuống thuyền. Lúc rơi xuống, miệng túi mở ra và một khẩu súng thòi ra ngoài. Đưa mắt nhìn qua, người đánh cá cũng nhận ra khẩu súng đế vương và hắn bắt đầu nghi ngờ, tuy nhiên hắn vẫn tiếp tục chèo về phía tầu.
Trạng sư Marouin thấy thuyền đã ra xa, chào vua lần cuối cùng, để em trai ở lại bờ biển rồi quay trở về nhà để an lòng vợ và cũng để nghỉ ngơi mà trạng sư đang rất cần.
Hai giờ sau trạng sư bị đánh thức dậy bởi một cuộc khám nhà. Nhà trạng sư lại tràn ngập những lính sen đầm. Người ta lùng sục khắp nơi mà không thấy dấu vết của Murat. Vào lúc cuộc lùng tìm đang mãnh liệt nhất, em trai Marouin trở về. Marouin nhìn em mủm mỉm cười vì cho là vua đã được cứu thoát. Nhưng nhìn vẻ mặt em, anh thấy ngay đã có tai biến gì xảy ra. Do đó, ngay lúc đầu tiên được rảnh tay trạng sư lại gần em hỏi:
- Thế nào, vua đã lên tàu rồi chứ?
- Vua đang ở cách đây năm chục bước, trốn trong một túp lều.
- Tại sao Người quay lại?
- Tên đánh cá lấy cớ là trời xấu, đã từ chối không chịu chở đến tầu.
- Thằng khốn nạn.
Những người sen đầm đi vào. Suốt đêm diễn ra cuộc lùng sục không kết quả trong ngôi nhà chính và các nhà phụ. Nhiều lúc sen đầm chỉ đi cách vua có mấy bước và vua có thể nghe thấy những lời đe dọa và nguyền rủa của chúng. Sau cùng, nửa giờ trước lúc trời rạng sáng, bọn chúng rút lui.
Marouin để cho họ đi xa và ngay sau khi chúng đi khuất, trạng sư vội chạy đến nơi vua ẩn nấp. Ông thấy Người nấp trong một cái hốc, mỗi tay lăm lăm một khẩu súng. Người không chống lại được mệt mỏi và đang ngủ gật.
Trạng sư đánh thức Người dậy. Lập tức hai người lại đi ra bãi biển. Sương mù buổi sáng đã bao phủ khắp mặt bể, cách hai trăm bước không trông thấy gì. Họ buộc phải chờ đợi. Con mắt háo hức của vua nhìn sâu vào mỗi thung lũng ẩm ướt trước mặt nhưng chẳng nhìn thấy gì. Tuy nhiên Người vẫn hy vọng nhìn thấy đằng sau bức mành di động kia con tầu cứu tinh. Dần dần chân trời sáng lên. Những làn hơi nước nhẹ trông như khói, còn chạy trên mặt biển, và trong mỗi làn hơi nước, vua lại tưởng như trông thấy cánh buồm trắng của con tầu. Cuối cùng màn sương tan dần và biển xuất hiện với tất cả cảnh mênh mông và hoang vắng của nó. Con tầu không dám đợi chờ lâu, đã đi trong đêm tối.
Vua quay lại phía chủ nhà nói:
- Thôi, số mệnh đã định rồi, tôi sẽ sang Corse vậy.
Cùng ngày hôm đó thống chế Brune bị ám sát ở Avignon. Murat ẩn nấp trong nhà Marouin cho đến 22 tháng 8. Không phải là Napoléon đe dọa Murat nữa mà là Lui XVIII trục xuất Người. Người đã biết vụ tàn sát những người Mamelouk ở Marseille, vụ ám sát Brune ở Avignon. Người đã được trưởng đồn cảnh sát ở Tulon báo cho biết hôm trước đã có lệnh chính thức bắt Người. Vậy là không còn biện pháp nào để ở lại Pháp lâu hơn nữa.
Đảo Corse với những phố mến khách, những ngọn núi hữu tình và những khu rừng rậm không thể vào được ở cách đây năm mươi dặm. Cần phải đến đảo Corse và trong các thành phố, trong đồi núi hoặc trong các khu rừng chờ đợi điều mà các ông vua sẽ quyết định về số phận kẻ mà họ đã gọi là anh em trong bảy năm trời.
Mười giờ tối vua đi ra bãi biển. Con tàu được giao nhiệm vụ mang Người đi chưa đến chỗ hẹn. Nhưng lần này không sợ lỗi hẹn. Ban ngày đã có ba người trung thành đi thăm dò vịnh. Đó là các ngài Blancard, Langlade và Donadieu, cả ba đều là sĩ quan hải quân, những người có đầu óc và trái tim, họ đã ký gửi thân mình để đưa Murat ra đảo Corse và đang thực hiện lời hứa đó.
Vậy là Murat đi ra bãi biển hoang vắng, lòng thảnh thơi. Trong lúc đang suy nghĩ, Người bỗng giật mình và thốt lên một tiếng thở phào. Người vừa nhận thấy trong đêm tối trong trẻo của phương Nam, một cánh buồm trắng đang lướt trên sóng như một con ma. Một lát sau, một giọng hát thủy thủ nổi lên. Murat nhận ra dấu hiệu đã hẹn. Người trả lời bằng việc đốt một kíp đạn, lập tức con thuyền tiến vào bờ, nhưng chỉ dừng lại cách đất chừng chục bước. Hai người đàn ông nhẩy xuống biển và đi vào bờ. Người thứ ba khoác áo măng tô ở lại thuyền và nằm gần bánh lái.
Vua tiến đến đón Blancard và Langlade, cho đến khi thấy chân mình giẫm vào nước mới dừng lại và lên tiếng:
- Chào các bạn dũng cảm của tôi. Thời cơ đến rồi phải không? Gió tốt, biển lặng, ta ra đi luôn chứ?
- Vâng, Langlade đáp, - Tâu bệ hạ vâng? Ta phải ra đi. Tuy nhiên có thể khôn ngoan hơn, ta nên hoãn đến ngày mai.
- Tại sao? - Vua hỏi.
Langlade không trả lời ngay, nhưng quay về phía Tây, ông giơ tay lên và theo tục lệ thủy thủ, ông huýt sáo gọi gió, Vua nói:
- Càng hay, càng có gió chúng ta càng đi nhanh. - Phải, - Langlade đáp: - Chỉ có điều là Chúa mới biết nơi sẽ dẫn ta đến, nếu Người cứ xoay như thế này.
- Tâu bệ hạ, không nên đi hôm nay: - Blancard nói và thống nhất ý kiến với hai bạn.
- Nhưng tại sao? - Tại vì, bệ hạ có nhìn thấy đường đen kia không? Lúc mặt trời lặn, nó còn hơi trông thấy, bây giờ đã phủ một phần chân trời. Chỉ một giờ nữa sẽ không còn một ngôi sao nào trên bầu trời.
- Ông sợ à? Murat hỏi. - Sợ? Langlade đáp: - Và sợ gì? Sợ giông tố? - Ông nhún vai. - Cũng gần như tôi hỏi bệ hạ, bệ hạ có sợ một viên đạn trái phá không?... Nhưng chính tôi đã nói, đó là dành cho bệ hạ. Nhưng đối với những con sói biển như chính tôi, giông tố làm gì được?
- Vậy chúng ta cứ đi: - Murat kêu lên và thốt ra một tiếng thở dài. - Vĩnh biệt Marouin, chỉ có Chúa mới bồi thường được cho bạn những gì bạn đã cung cấp cho tôi. Thưa các ông, tôi xin chấp hành lệnh các ông.
Nghe thấy mấy câu đó, hai người thủy thủ liền nắm lấy hai đùi vua nâng lên vai và đi ra biển. Một lát sau họ đã lên thuyền. Langlade và Blancarde lên sau. Donadieu nắm tay lái, còn hai sĩ quan kia phụ trách buồm. Lập tức như con ngựa thấy đinh thúc vào sườn, con thuyền nhỏ chồm lên.
Một buổi tối, khi Marouin kể lại tôi nghe ở ngay nơi sự kiện đã xảy ra mặc dù đã hai mươi năm, ông còn nhớ được từng chi tiết nhỏ buổi xuống thuyền ban đêm ấy. Từ lúc đó ông bảo đảm với tôi là ông có một linh cảm về một tai họa sẽ xảy ra, nên ông không thể rời bờ biển ngay lúc đó được và đã nhiều lần ông có ý định gọi vua hãy trở lại. Nhưng giống như một người đang mơ ngủ, miệng ông mở ra mà chẳng thốt nên lời.
Còn về những người mạo hiểm ra biển, họ lao vào con đường biển rộng từ Tulon đến Bastin, và đầu tiên vua thấy yên tĩnh chứ không như tiên kiến của các bạn. Gió lẽ ra phải tăng lên thì lại giảm đi dần dần và sau hai giờ khởi hành, con thuyền lắc lư không tiến mà cũng chẳng lùi trên những làn sóng mỗi lúc một thấp xuống.
Murat buồn rầu nhìn tan rã vệt đường phát quang mà con thuyền kéo theo và cũng không hỏi các bạn cùng đi thắc mắc của mình. Người nằm xuống sàn thuyền, trùm áo khoác lên người và nhắm mắt như ngủ. Vua lao vào làn sóng suy nghĩ còn ồn ào và sôi động hơn của biển cả.
Sau đó hai sĩ quan thủy thủ tưởng vua đã ngủ, đến ngồi với nhau cạnh bánh lái và bàn bạc. Dônadieu nói:
- Langlade, ông nhầm đấy! Ông hãy dùng một con thuyền hoặc quá lớn hoặc quá nhỏ không có boong không chống cự được với giông tố, không có chèo không tiến được lúc lặng gió.
- Có Trời chứng giám, tôi có được chọn đâu! Tôi đã buộc phải dùng con thuyền mà tôi gặp và nếu không phải là mùa câu cá thu, đừng hòng có được con thuyền dù là bần tiện này, và dù tôi có vào được bến để tìm kiếm, cũng chẳng thể nào ra được vì kiểm soát gắt gao lắm.
- Ít ra nó cũng được chắc chắn chứ? - Blancard hỏi. - Mẹ kiếp! Ông cũng thừa hiểu ván gỗ và đinh ngâm nước mặn mười năm rồi là thế nào. Trường hợp bình thường, người ta cũng chẳng buồn dùng nó để đi từ Macxây đến lâu đài If. Trong trường hợp này của chúng ta, người ta có thể làm được một vòng thế giới trên một chiếc vỏ hạt dẻ.
- Suỵt - Donadieu nói và hai người lắng tai nghe, có tiếng ì ầm từ phía xa, nhưng rất nhỏ, phải thính tai lắm mới nhận thấy.
- Chúng ta có cách xa các đảo không? - Donadieu vội hỏi.
- Khoảng một dặm.
- Cho quay mũi thuyền vào đấy. - Để làm gì? - Murat nhổm lên hỏi. - Tâu bệ hạ, để nghỉ, nếu chúng ta có thể... - Không, không. - Murat kêu lên: - Tôi sẽ chỉ đặt chân lên Corse mà thôi. Tôi không muốn lại phải rời nước Pháp một lần nữa. Vả lại biển rất lặng. Gió đang trở lại đây này...
- Hạ tất cả buồm xuống. - Donadieu kêu lên. Lập tức Langlade và Blancard lao đi thực hiện. Cánh buồm tuột xuống dọc theo cột và nằm dạt dưới sàn thuyền.
- Các người làm gì thế? - Murat hét lên. - Các người quên mất tôi là vua và tôi ra lệnh...?
- Tâu bệ hạ: - Donadieu nói: - Ở đây còn có một ông Vua mạnh hơn bệ hạ nhiều, đó là Chúa trời. Có một tiếng nói bao trùm lên tiếng nói của bệ hạ, đó là Giông tố... Hãy để chúng tôi cứu bệ hạ, nếu vấn đề có thể được, và xin đừng đòi hỏi gì hơn...
Lúc đó một tia chớp sáng lóe đường chân trời, một tiếng sét gần hơn tiếng trước gầm lên, một làn bọt nhẹ nổi lên trên mặt nước, con thuyền chồm lên như một con thú bị thương.
Murat bắt đầu hiểu nguy cơ đang đến. Thế là Người mỉm cười đứng lên, hất mũ ra đằng sau, lúc lắc bộ tóc dài, hít thở giông tố như hít thở khói.
- Tâu bệ hạ: - Donadieu nói.- Bệ hạ đã từng nhìn thấy nhiều cảnh chiến đấu, nhưng có thể là chưa thấy trận bão nào. Nếu người tò mò muốn biết cảnh tượng đó, xin cứ bám vào cột buồm và quan sát, bởi vì trận này sẽ ra trò đấy.
- Tôi phải làm gì nào? Tôi không giúp gì được các ông sao?
- Không, lúc này thì chưa. Lát nữa bệ hạ sẽ tham gia vào việc tát nước.
Trong lúc vua đang nói chuyện, cơn bão đã tiến triển, nó lao đến thuyền như một con ngựa đua, phì gió và sóng ra đằng mũi, hí ra tiếng sét và làm bắn bọt xuống chân. Donadieu áp người vào bánh lái. Con thuyền chịu nhún như nó hiểu cần thiết phải tức khắc tuân lệnh và hướng đuôi ra hứng gió. Thế là trận gió qua đi, để lại đằng sau nó mặt biển run rẩy và tất cả như lại nghỉ ngơi. Cơn bão lại lấy hơi.
- Thế là chúng ta thanh toán xong trận này phải không? Murat hỏi.
- Chưa đâu ạ! Donadieu đáp. Đó mới chỉ là trận mở màn. Lát nữa chủ lực quân mới tới.
- Thế chúng ta thanh toán xong trận này phải không? Murat hỏi.
- Chưa đâu ạ! Donadieu đáp. Đó mới chỉ là trận mở màn. Lát nữa chủ lực quân mới tới.
- Thế chúng ta không chuẩn bị gì để đón tiếp nó à? Vua vui vẻ hỏi.
- Chuẩn bị gì ạ? - Donadieu hỏi lại. - Chúng ta không còn một tấc vải để gió có thể ngoạm vào, và chừng nào thuyền chưa đầy nước, chúng ta cứ nổi trên mặt nước như một cái nút bấc. Xin bệ hạ hãy thận trọng.
Quả nhiên trận gió thứ hai ập tới nhanh hơn trận đầu, kèm theo mưa và chớp. Donadieu cố gắng vận hành bánh lái như lần trước, nhưng không thể nhanh kịp với trận gió đã ập xuống thuyền. Cột buồm cong xuống như một cây lan, con thuyền hứng phải một đợt sóng...
- Tát nước. Donadieu kêu lên. - Tâu bệ hạ, đây là lúc giúp chúng tôi.
Blancard, Langlade và Murat cầm lấy mũ và bắt đầu tát nước. Tình thế của bốn người này thật là khủng khiếp, phải cực nhọc suốt ba tiếng đồng hồ. Lúc trời hửng sáng gió mới yếu đi. Tuy nhiên biển vẫn động. Vấn đề ăn uống đã bắt đầu thấy cần. Tất cả lương thực đều bị ngấm nước mặn, trừ có rượu còn nguyên vẹn. Vua cầm lấy một chai, tu vài ngụm đầu tiên, rồi đưa sang cho các bạn. Vấn đề cần thiết không cần đến lễ nghi. May sao trong túi Langlade lại còn vài thanh sôcôla, bèn dâng lên vua. Người bèn chia làm bốn phần đều nhau rồi buộc mọi người phải nhận. Øn xong họ hướng về phía đảo Corse tiến tới, nhưng con thuyền bị trận bão vừa rồi tàn phá nặng nề, khó có thể tới được Bastia.
Suốt ngày hôm đó bốn người không tiến được mười dặm. Họ chỉ đi bằng một cánh buồm tam giác nhỏ đằng mũi, không dám giương cánh buồm lớn vì gió thay đổi luôn.
Buổi chiều đáy thuyền bị nước rỉ vào chỗ giữa hai tấm ván ghép. Những khăn mùi xoa tập trung lại đủ để nhét vào lỗ hổng.
Đêm buồn bã và tối tăm lại bao phủ họ một lần nữa. Murat mệt mỏi nằm ngủ. Blancard và Langlade thay chỗ cho Donadieu, và ba người đó như không còn cảm giác với giấc ngủ và mỏi mệt, họ thức canh cho giấc ngủ của vua được yên lành.
Ban đêm, bề ngoài có vẻ yên lặng, tuy nhiên vẫn có tiếng răng rắc thỉnh thoảng nổi lên. Thế là ba người nhìn nhau với vẻ kỳ lạ, rồi họ đưa mắt nhìn vua đang ngủ dưới đáy thuyền, trong chiếc áo khoác thấm nước biển, cũng được say sưa như ngủ trên bãi cát Ai Cập hoặc trong đống tuyết ở nước Nga. Thế là một trong bọn họ đứng lên đi lại mũi thuyền miệng huýt sáo qua kẽ răng một bài ca của tỉnh lẻ... Rồi sau khi đã quan sát bầu trời, biển cả và thuyền, ông quay lại chỗ bạn ngồi xuống và lẩm bẩm:
- Không thể được, trừ khi có phép lạ, chúng ta sẽ không tới nơi được.
Đêm trôi qua trong cảnh tuần hoàn như vậy.
Vào lúc hửng sáng, mọi người trông thấy một cánh buồm. Donadieu reo lên:
- Một con tầu. Một con tầu.
Nghe tiếng kêu, vua thức giấc. Quả nhiên có một chiếc thuyền buồm nhỏ xuất hiện, nó đi từ Corse tới Toulon.
Donadieu lái thuyền vào nó. Blancard giương buồm lên và Langlade chạy về đuôi thuyền, lấy một thứ gọi là con sào, treo chiếc áo khoác của vua lên một đầu và giương cao nó lên. Chẳng bao lâu sau họ thấy thuyền kia cũng lái về phía mình. Mười phút sau, hai thuyền chỉ còn cách nhau dăm chục bước. Thuyền trưởng xuất hiện đằng mũi. Vua gọi ông ta và hứa sẽ tặng một món tiền lớn nếu ông ta bằng lòng đưa bốn người này đến đảo Corse. Viên thuyền trưởng nghe xong lời đề nghị rồi quay lại đoàn tùy tùng khẽ nói câu gì, Donadieu không nghe được nhưng hiểu được qua cử chỉ, cho nên ông lập tức ra lệnh cho Langlade và Blancard phải tránh xa con thuyền buồm ngay. Hai ông này tuân lệnh và vận hành nhanh nhẹn của thủy thủ. Nhưng vua giậm chân hét lên:
- Ông làm gì thế, Donadieu? Ông không thấy là người ta đang tiến đến chúng mình à?
- Vâng, xin thề, tôi có thấy... Tuân lệnh ngay Laglade. Báo động ngay Blancard. Vâng, họ đến chúng ta và có thể là tôi đã nhận thấy thế quá chậm rồi. Thôi được, bây giờ để tôi.
Nói xong ông liền nắm lên cần lái và thực hành một động tác thật nhanh và thật mạnh, làm con thuyền đột ngột thay đổi hướng đi. Một làn sóng khổng lồ do thuyền lớn gây nên mang nó đi như mang một chiếc lá. Thuyền lớn lướt qua đuôi nó chỉ cách vài ba bước chân.
Lúc này vua mới thấy được ý định của thuyền trưởng bèn kêu lên:
- A, đồ phản bội! Đồng thời Người rút khẩu súng ngắn ở thắt lưng ra và nhằm vào thuyền buôn bóp cò. Nhưng thuốc súng bị thấm nước nên không nổ. Vua nổi giận và liên tục kêu:
- Húc thuyền. Nó định húc thuyền. - Vâng, vâng, tên khốn kiếp. - Donadieu nói. - Đồ chó má thì đúng hơn. Nó tưởng chúng ta là cướp biển và muốn đánh đắm chúng ta như thể chúng ta cần đến nó làm việc đó.
Quả thật lúc nhìn vào thuyền mình, mọi người nhận thấy nó đang bắt đầu thấm nước. Lúc Donadieu mạo hiểm cứu thuyền, ông đã làm nó bị tổn thương nặng và nước đang chảy vào qua nhiều kẽ nứt. Lại phải dùng mũ tát nước ra. Việc làm này ròng rã mười giờ liền.
Cuối cùng Donadieu lại nghe thấy lần nữa hai tiếng kêu cứu tinh.
- Có thuyền. Có thuyền.
Vua và hai người bạn lập tức ngừng công việc. Người ta lại giương buồm lên, lại hướng mũi thuyền vào con tầu đang đi tới. Và người ta thôi không quan tâm đến nước nữa, không người chống đỡ, nó tràn vào thuyền rất nhanh.
Bây giờ chỉ còn vấn đề thời gian, phút, giây, có thế thôi. Cần phải đến được tầu kia trước khi thuyền chìm. Về phía con tầu, hình như hiểu được tình trạng tuyệt vọng của những người đang cầu cứu, nó lướt tới với tốc độ tối đa.
Đầu tiên Langlade nhận ra nó. Đó là chiếc tầu lớn của chính phủ làm nhiệm vụ chuyển thư giữa Toulon và Bastia. Viên thuyền trưởng là bạn của Langlade, ông lên tiếng gọi bằng tên với giọng nói mạnh mẽ của kẻ đang hấp hối, và người ta nghe được. Vừa kịp thời gian. Nước vẫn cứ tuôn vào. Vua và ba người đã có nước đến đầu gối. Chiếc thuyền run lên như kẻ sắp chết thở hắt ra. Nó không tiến lên được nữa và bắt đầu xoay quanh. Vào lúc đó, hai hoặc ba chiếc dây từ trên tầu ném xuống rơi vào trong thuyền. Vua nắm lấy một sợi leo lên và nắm được dây thang. Người được cứu thoát, Blancard và Langlade cũng làm được như vậy. Donadieu ở lại cuối cùng như thể đó là nhiệm vụ của mình, và vào lúc ông đặt được một chân lên dây thang, chân kia ông cảm thấy con thuyền chìm xuống. Ông quay lại với vẻ bình tĩnh của người thủy thủ và trông thấy vực thẳm há hốc cái mồm rộng phía dưới ông, lập tức con thuyền bị nuốt chửng, xoay quanh rồi biến mất. Chỉ năm giây thôi. Bốn người lúc này đã được cứu sống, nếu không sẽ vĩnh viễn biến mất(2).
Murat vừa lên đến boong tàu, đã có một người đến phủ phục dưới chân, đó là một người Mamelouk mà trước đây ông đã đưa từ Ai Cập về, và từ khi lấy vợ ở Castellamare đã ở lại Marseille để kinh doanh. Tại đó, do phép thần kỳ, anh đã thoát được cảnh tàn sát các người anh em. Mặc dù Murat đã cải trang và đang còn mệt mỏi, anh cũng nhận ra chủ cũ. Những tiếng hò reo vui vẻ của anh. Vua không còn giữ được bí mật nữa, thế là nghị sĩ Casabianca, thuyền trưởng Oletta, một người cháu của Hoàng thân Bacioochi, một người tên là Boerto, bản thân họ cũng chạy trốn khỏi cảnh tàn sát ở miền Nam, cũng có mặt trên tàu, họ chào Murat với danh hiệu hoàng thượng và tổ chức thành một triều đình nhỏ trên tàu. Sự chuyển hóa rất đột ngột, người ta tiến hành một cuộc thay đổi rất nhanh, không còn là Murat kẻ bị trục xuất nữa, mà là Jaochim Đệ nhất, vua Naples. Tuy nhiên vua vẫn còn chưa biết người ta sẽ đón chào mình ở Corse như thế nào, nên lấy tên là bá tước Campb Melle, và dưới tên đó, ngày 25 tháng 8 ông đổ bộ lên Bastia. Nhưng sự thận trọng đó không cần thiết. Ba ngày sau khi ông tới, không ai không biết sự hiện diện của ông ở tỉnh đó. Lập tức có những cuộc tụ tập, những tiếng hô “Joachim muôn năm!” vang dậy và vua sợ là rối loạn sự yên tĩnh công cộng, ngay buổi tối hôm đó ông ra khỏi thành phố cùng với ba người bạn và người Mamelouk. Hai giờ sau ông đi vào Viscovato qua cửa của tướng Franchescetti là người đã phục vụ ông suốt thời gian ông trị vì, và cũng đã rời Naples cùng thời với ông và tới Corse ở với vợ tại nhà bố vợ Colona Cicaldi.
Tướng Franchescetti đang ăn bữa tối, bỗng có người vào báo có khách lạ muốn gặp. Ông đi ra và thấy Murat choàng kín trong chiếc áo choàng lính, đầu đội chiếc mũ thủy thủ, chân đi ghệt và giầy lính. Viên tướng dừng lại ngạc nhiên. Murat nhìn trừng trừng vào ông và khoanh hai tay lại nói:
- Franchescetti, bàn ăn có còn thừa chỗ cho vị tướng của ông đang bị đói đây không? Dưới mái nhà ông có còn chỗ trú chân cho vua của ông đã bị trục xuất không?
Franchescetti reo lên một tiếng ngạc nhiên, chỉ biết trả lời bằng phủ phục xuống chân và hôn tay vị khách quí. Từ đó ngôi nhà của viên tướng dành cho Murat.
Tiếng đồn vua đến vừa mới lan ra trong các vùng xung quanh, người ta đã thấy kéo đến Viscovato, những sĩ quan các cấp, những cựu chiến binh đã chiến đấu thời Murat, những dân săn bắn Corse mà tính chất mạo hiểm của Người quyến rũ họ. Ít ngày sau nhà của viên tướng biến thành cung điện, làng biến thành hoàng cung và đảo thành vương quốc.
Nhiều tiếng đồn kỳ lạ về ý định của Murat: Một đạo quân chín trăm người góp phần làm ông vững vàng. Chính lúc đó Blancard, Langlade và Donadieu từ giã ông. Murat muốn giữ họ lại, nhưng họ tận tâm cứu tính mạng ông vua bị trục xuất, chứ không để gây dựng cơ đồ cho ông.
Chúng tôi đã nói, Murat gặp trên tầu bưu chính của Bastin một trong những người Mamelouk cũ tên là Othello và đã theo ông đến Viscovato. Cựu vua Naples nghĩ đến việc dùng người đó làm viên chức cho mình. Nhưng mối quan hệ gia đình thường gọi anh ta về Castellamare. Murat lệnh cho anh trở về đây và giao nhiệm vụ mang thư tín về cho những người mà ông tin ở lòng tận tâm với mình. Othello ra đi, sung sướng tới được nhà bố vợ, tưởng có thể nói với ông được hết. Nhưng ông bố vợ hốt hoảng vội đi báo cho cảnh sát. Một cuộc khám xét nhà Othello ban đêm và giữ hết thư tín.
Hôm sau tất cả những người có tên trên địa chỉ gửi thư đều bị bắt và nhận được lệnh phải trả lời cho Murat như thể họ vẫn được tự do và ấn định với Murat: lấy Salerne làm nơi đổ bộ thích hợp nhất.
Năm người trên bẩy hèn nhát tuân lệnh, còn hai người kia là những anh em Tây Ban Nha kiên quyết từ chối, họ liền bị ném vào ngục tối.
Ngày 17 tháng 9, Murat từ giã Viscovato, cùng với tướng Franchescetti và nhiều sĩ quan tùy tùng người Corse, ông lên đường đi Ajaccio qua Cotone, qua những ngọn núi của Serra, Bosco, Venaco Vivaro, những đường hẻm của khu rừng Vezzanovo và Bogognone. Tới đâu ông cũng được đón tiếp linh đình như một ông vua thực sự. Tới cửa các thành phố, ông tiếp nhiều đại biểu, các vị tung hô ông, cổ vũ ông với nghi thức đế vương. Cuối cùng, ngày 23 tháng 9, ông đến Ajaccio. Toàn thể dân chúng đón chờ ông bên ngoài những bức tường. Cuộc nhập thành của ông là một đại thắng. Ông được đưa đến tận quán trọ đã được các đội chỉ định trước. Murat kiêu hãnh tiến vào quán trọ, ông đưa tay ra cho Franchescetti và nói:
- Hãy nhìn vào cách mà những người Corse đón tiếp tôi, những người Naples chắc cũng sẽ như vậy.
Đó là câu đầu tiên Murat để lộ ra kế hoạch sắp tới của mình. Và từ ngày đó ông ra lệnh chuẩn bị tốt và chu đáo cho chuyến ra đi của mình.
Người ta tập trung mười tầu buồm nhỏ, một người ở Malte tên là Barbara, cựu sĩ quan hải quân Naples được chỉ định làm chỉ huy trưởng phái đoàn. Hai trăm năm mươi người đăng ký và được mời sẵn sàng ra đi khi nào có dấu hiệu đầu tiên.
Murat chỉ còn đợi trả lời cho những bức thư mà Othello đã mang đi. Chúng đến vào ngày 28, Murat mời tất cả các sĩ quan tới dự một buổi tiễn lớn, trả tiền gấp đôi và khẩu phần gấp đôi cho khách ăn.
Murat đang ngồi ăn tráng miệng, bỗng người nhà vào báo có ông Maceroni tới. Đó là một phái viên của những cường quốc nước ngoài mang đến cho Murat câu trả lời mà ông đã chờ đợi từ lâu ở Toulon. Murat đứng lên, vào buồng bên cạnh. Maceroni tự giới thiệu có nhiệm vụ chính thức trao cho vua tờ tối hậu thư của vua Áo, nội dung như sau:
“Ông Maceroni được phép của những người hiện diện, báo trước cho Joachim biết là Hoàng đế Áo đồng ý cho ông được cư trú trong quốc gia Áo với những điều kiện sau đây:
“1- Vua phải có một biệt hiệu riêng. Hoàng hậu đã chọn tên là Lipano. Người ta đề nghị vua cũng lấy tên đó.
“2- Vua sẽ được phép chọn một thành phố ở Bohême, ở Moravie hoặc ở Thượng Áo để quyết định nơi ở. Ông cũng có thể không gặp trở ngại khi đến ở một nông thôn cũng trong tỉnh ấy.
“3- Vua phải hứa danh dự với hoàng đế là sẽ không bao giờ rời bỏ nước Áo mà không có sự thỏa thuận của hoàng đế và sẽ sống cách biệt một cách đặc biệt nhưng phải tuân theo những luật pháp hiện hành ở vương quốc Áo.
“Với lòng tin tưởng và được sử dụng thích đáng, người ký tên sau đây đã nhận được lệnh của hoàng đế ký vào bản này.
“Ký tên: Hoàng thân Metternich”.
Đọc xong Murat mỉm cười và ra hiệu cho Maceroni đi theo mình lên sân thượng, ở đây có tầm nhìn bao quát khắp thành phố, và có một lá cờ bay phấp phới như một hoàng cung. Từ trên đó người ta có thể nhìn được khắp Ajaccio tưng bừng đầy ánh sáng, nhìn thấy bến tàu trong đó đang đung đưa một hạm đội nhỏ, và những phố phường đông đúc như một ngày hội. Vừa nhìn thấy Murat, công chúng đã hô to: “Joachim muôn năm!”, “Người anh em của Napoléon muôn năm!” Murat chào lại và những tiếng hô lại tăng lên gấp đôi và ban quân nhạc dâng lên những bài quốc ca.
Maceroni không biết có nên tin vào tai và mắt mình không? Tới khi vua đã hể hả về vẻ ngạc nhiên của viên sứ thần, mới mời ông ta xuống phòng khách. Bộ tham mưu mặc binh phục đã tập trung. Người ta tưởng như là ở Caserte hoặc ở Capôdiminie, những thành phố của nước Áo.
Cuối cùng, sau một hồi lưỡng lự, Maceroni lại gần Murat nói:
- Tâu bệ hạ, tôi phải trả lời hoàng đế của tôi như thế nào ạ?
- Thưa ông, ông sẽ kể với người anh Francois của tôi những gì ông đã trông thấy và nghe thấy. Thế rồi ông cũng sẽ nói thêm rằng tôi đi ngay đêm nay để thu hồi vương quốc Naples của tôi.
Những bức thư quyết định Murat rời Corse được mang tới bởi một người ở tỉnh Calabre tên là Luidgi, đến trình diện với Murat dưới danh nghĩa là một phái viên của người Ả Rập Othello. Thật ra ông này đã bị tống vào ngục như chúng tôi đã nói. Những bức thư trả lời này, do ông bộ trưởng cảnh sát ở Naples viết, ấn định cho Joachim bến cảng thành phố Salerne là nơi đổ bộ thích hợp nhất. Tại đấy, vua Ferdinand(3) đã tập trung ba nghìn quân đội Áo, vì không dám tin tưởng vào quân đội Naples là những người còn giữ được những kỷ niệm tốt đẹp về Murat.
Vậy là hạm đội nhỏ của Murat hướng về vịnh Salerne tiến quân. Nhưng khi vừa nhìn thấy đảo Captée, một cơn bão mạnh đã đẩy quân đội đến tận Paola, một bến cảng nhỏ cách Cosenca mười dặm.
Vậy là đêm mùng 5 rạng ngày mùng 6 tháng mười những con thuyền đi vào một vũng nhỏ không xứng đáng gọi là cảng, Murat để tránh mọi nghi ngờ cho những quân lính gác bờ biển, đã ra lệnh tắt hết lửa và đi vắt gió cho đến sáng. Nhưng vào khoảng một giờ đêm, một cơn gió mạnh từ đất liền nổi lên đẩy lùi hạm đội ra khơi, đến nỗi tảng sáng ngày 6, con thuyền vua ngự chỉ còn có một mình.
Sáng hôm đó Murat liên lạc được với thuyền của thuyền trưởng Cicconi, và hai thuyền bỏ neo vào khoảng bốn giờ chiều tại nơi trông thấy Santo-Lucido. Buổi tối, vua ra lệnh cho tiểu đoàn trưởng Ottaviani lên bờ để thám thính tình hình. Luidgi tình nguyện đi theo, Murat đồng ý.
Ottaviani cùng với người hướng dẫn lên bờ, còn thuyền trưởng Cicconi cùng với thuyền của ông lại ra khơi với nhiệm vụ tìm các thuyền kia.
Vào khoảng mười một giờ đêm, viên sĩ quan trực ban của tầu Murat trông thấy ở giữa các làn sóng có người đang bơi tiến về thuyền mình. Lúc đến tầm nghe, viên sĩ quan hô lên và được người bơi trả lời; đó là Luidgi. Lập tức người ta thả canô xuống. Hắn kể là tiểu đoàn trưởng Otraviani đã bị bắt và hắn đã phải nhẩy xuống biển mới thoát thân. Hành động đầu tiên của Murat là đi cứu Otraviani, nhưng Luidgi ngăn lại và cho biết như thế là nguy hiểm và vô ích. Murat bồn chồn và bất định đến hai giờ sáng. Cuối cùng ông ra lệnh lại ra khơi. Trong lúc đang vận hành để chấp hành mệnh lệnh đó, một thủy thủ rơi xuống biển và biến mất trước khi có đủ thì giờ để cứu anh ta. Tất nhiên đó là triệu chứng xấu.
Trong lúc còn đang bàn bạc cách tiến hành, một chiếc canô tới áp vào thuyền của Murat. Trên canô có thuyền trưởng Pernice và một sĩ quan tùy tùng. Họ đến xin phép vua được lên thuyền của vua, họ không muốn ở lại thuyền của Courrand, vì theo họ là phản bội. Murat liền phái Pernice đi tìm thuyền đó. Và mặc dù những cam kết trung thành, vua cũng bắt anh ta cùng với năm mươi người khác xuống một chiếc xà lúp và ra lệnh buộc thuyền vào xà lúp dắt về. Lệnh được thực hành ngay, xà lúp đi dọc theo bờ biển Calabre. Nhưng lúc mười giờ đêm, tới vịnh Xanh Euphémie, thuyền trưởng Courrand cắt dây buộc thuyền ông ta kéo theo xà lúp và dùng bơi chèo rời khỏi hạm đội.
Lúc được tin đó, vẫn mặc nguyên quần áo nằm trên giường, Murat lập tức nhẩy xuống và lao lên boong và đến kịp để còn trông thấy chiếc xà lúp chạy trốn về phía đảo Corse rồi biến vào trong đêm tối. Ông đứng lặng im, không giận không kêu, chỉ thở dài và gục đầu xuống.
Tướng Franchescetti lợi dụng lúc nản lòng đó để khuyên vua không nên đổ bộ ở Calabres và nên đi thẳng đến Trieste yêu cầu được cư trú theo như hoàng đế Áo đã thỏa thuận. Vua đang ở một trong những tình trạng cực kỳ chán nản, lúc đầu ông còn phản kháng nhưng rồi cũng phải chấp thuận. Lúc đó viên tướng trông thấy có một thủy thủ nằm trong những cuộn dây có thể nghe thấy được, liền ngừng lại và chỉ tay cho Murat biết. Vua liền chạy đến xem và nhận ra là Luidgi, hắn mệt quá nên nằm ngủ trên boong. Vua yên tâm vì cho là hắn ngủ thật, vả lại cũng tin tưởng vào hắn. Thế là cuộc nói chuyện đã bị đứt quãng lại được tiếp tục. Kết cục thỏa thuận với nhau là sẽ vượt qua eo Essine và mũi Spartiveno, đi vào vịnh Adriatique. Sau đó vua và viên tướng đi xuống khoang dưới.
Hôm sau ngày 8 tháng 10, Barbara hỏi Joachim cần phải làm gì, Joachim ra lệnh tiến đến Messine. Barbara trả lời sẵn sàng tuân lệnh, nhưng cần phải có nước và lương thực, vì thế ông đề nghị được sang thuyền của Cicconi để vào bờ mua lương thực. Vua đồng ý, Barbara liền hỏi những tờ hộ chiếu do các cường quốc đồng minh cấp, mục đích là để làm cho những nhà chức trách địa phương khỏi nghi ngờ. Những giấy tờ đó rất quan trọng, khó mà Murat rời chúng được. Cũng có thể là vua có chút nghi ngờ nào chăng, vì thế ông từ chối. Barbara cố nài. Murat ra lệnh cho ông ta lên bờ không cần giấy tờ. Barbara dứt khoát từ chối. Vua quen được mọi người tuân lệnh, liền giơ roi lên định đánh người Malte đó. Nhưng rồi ông lại thay đổi ngay, ông ra lệnh cho binh sĩ chuẩn bị vũ khí, cho sĩ quan mặc quân phục đại lễ, bản thân vua cũng làm gương. Cuộc đổ bộ được quyết định và Pizzo phải là vịnh Juan của Napoléon mới. Các chiếc thuyền tiến vào đất liền. Vua xuống một xà lúp với hai mươi tám lính và ba đầy tớ, trong số đó có Luidgi. Đến gần bờ, tướng Franchescetti định đổ bộ nhưng Murat ngăn ông lại và nói:
- Phải là tôi xuống đầu tiên.
Và vua tiến lên bờ. Ông mặc một bộ đồ cấp tướng, quần trắng với đôi giầy ống đi ngựa, một thắt lưng trong đó có giắt hai khẩu súng ngắn, một mũ thêu vàng với phù hiệu đính mười bốn viên kim cương. Cuối cùng ông đeo dưới cánh tay lá cờ hiệu. Đồng hồ ở Pizzo điểm mười tiếng.
Murat lập tức cùng đoàn tùy tùng đi về phía thành phố cách xa đấy chừng một trăm bước trên con đường lát đá tảng như những bậc thang. Hôm đó là ngày chủ nhật. Người ta sắp bắt đầu buổi lễ nhà thờ, tất cả dân chúng đều tập trung trong công viên lúc ông đi tới. Không ai biết ông cả và ai nấy đều kinh ngạc nhìn ông tướng bóng lộn ấy. Lúc ông trông thấy trong đám dân chúng một viên đội cũ trước kia đã phục vụ dưới quyền ông ở Naples, ông đi thẳng đến người đó, đặt tay lên vai rồi nói:
- Tavella, anh không nhận ra tôi à? - Thấy anh ngơ ngác không trả lời, ông nói tiếp - Tôi là Joachim Murat vua của anh. Tôi muốn anh có vinh dự được là người đầu tiên hô: “Joachim muôn năm!”.
Đoàn tùy tùng đi theo Murat lập tức hô vang. Nhưng Tavella im lặng, các bạn anh cũng vậy, chẳng một ai nhắc lại câu mà chính bản thân vua đã ra hiệu. Trái lại tiếng ồn ào nổi lên trong đám đông. Murat hiểu là sự rung động của cơn giông tố, bèn quay lại bảo Tavella.
- Này Tavella, nếu anh không muốn hô “Joachim muôn năm”, ít ra cũng đi kiếm cho tôi con ngựa, và từ đội như anh hiện nay, tôi sẽ đưa anh lên quan ba đại úy.
Tavella đi không trả lời, nhưng đáng lẽ chấp hành lệnh mà anh ta đã nhận được, anh lại về nhà mà không xuất hiện nữa. Trong khi đó, công chúng cứ tập trung đông mãi lên và không có một dấu hiệu hữu nghị nào tỏ ra với Murat như ông mong đợi. Ông cảm thấy ông sẽ thất bại nếu không có một giải pháp thật nhanh, ông liền kêu lên: “Đến Montelone!” và ông là người đầu tiên lao lên con đường dẫn đến thành phố ấy. Những tùy tùng và binh lính của ông cũng làm theo ông “Đến Montelone!”. Đám đông lặng lẽ giãn ra để họ đi.
Nhưng ông vừa rời khỏi công viên thì bùng lên một sự náo động. Một người tên là Georges Pellegrino trong nhà ra mang theo một khẩu súng, chạy qua công viên, vừa chạy vừa kêu: “Báo động, báo động!”. Anh ta biết là đại uý Tranta Capelli, chỉ huy quân sen đầm ở Cozenca, lúc này đang có ở Pizzo, anh đi báo cho ông ấy biết.
Tiếng kêu “Báo động” có nhiều tiếng vang trong công chúng hơn tiếng “Hoan hô Joachim!”. Tất cả mỗi người dân ở Calabre đều có một khẩu súng, mỗi người đều chạy đi kiếm cho mình, và lúc Tranta Capelli và Pellegrino quay trở lại công viên, họ thấy đã có tới gần hai trăm người vũ trang. Họ liền cầm đầu bọn đó và lao lên đuổi theo vua. Mười phút sau họ đuổi kịp, ở nơi mà ngày nay là cái cầu. Murat trông thấy bọn họ tới liền dừng lại đợi.
Tranta Capelli, tay cầm gươm, tiến đến trước mặt vua. Vua nói:
- Thưa ông, ông có muốn đổi cầu vai đại úy của ông lấy cầu vai tướng không? Ông chỉ việc hô “Joachim muôn năm!” và cùng với những người dũng cảm kia theo tôi đến Montelone.
- Thưa ngài - Tranta Capelli trả lời, - chúng tôi là những bầy tôi trung thành của vua Ferdinand và chúng tôi đến để chiến đấu chống ngài chứ không phải để cùng đi với ngài. Vậy xin ngài hàng đi nếu không muốn phải đổ nhiều máu.
Murat nhìn viên đại úy sen đầm với một vẻ không thể hàng được, rồi chẳng thèm trả lời, giơ tay ra hiệu cho ông ta bước đi, còn tay kia sờ vào báng một khẩu súng của mình. Georges Pellegrino nhìn thấy thế liền hô.
- Đại uý, nằm xuống. Nằm xuống!
Tranta Capelli nghe lời, lập tức một viên đạn bay qua đầu anh ta và sượt qua bộ tóc của Murat.
- Bắn. - Franchescetti ra lệnh.
- Vứt súng đi.- Murat hô và tay phải phất chiếc khăn mùi xoa và bước lên một bước để tiến về phía những người đối địch. Nhưng cùng lúc đó một loạt súng nổ vang, một sĩ quan và hai ba người lính ngã xuống. Trong trường hợp như vậy, máu đã đổ không thể ngừng được nữa. Murat biết được sự thật tàn nhẫn ấy. Do đó ông phải có một quyết định nhanh và dứt khoát. Ông có trước mặt ông năm trăm người vũ trang, và sau lưng ông là một vực sâu cao ba mươi piê (khoảng ngót mười mét.ND); ông liền lao từ trên tảng đá thẳng đứng và rơi xuống mặt cát, ông dậy được ngay và không bị thương. Tướng Franchescetti và người phục vụ cũng nhẩy được như vua, và cả ba đều tiến nhanh ra bể, đi qua một cánh rừng nhỏ, nó trải ra đến cách bờ biển một trăm bước và che lấp được một lát mắt kẻ thù. Ra khỏi cánh rừng, một loạt đạn nữa đón tiếp họ, những viên đạt rít xung quanh nhưng không ai bị trúng, và ba người tiếp tục chạy ra bãi biển.
Chỉ đến lúc đó vua mới nhận thấy chiếc canô đã đưa họ vào bờ không còn đây nữa. Ba chiếc thuyền trong hạm đội của họ, không ở lại để bảo vệ vua lên thuyền, đã căng buồm chạy ra khơi. Barbara đã không những mang đi tài sản của vua mà còn cả tính mạng và hy vọng. Không ngờ có sự phản bội như vậy. Do đó vua coi việc bỏ rơi đó chỉ là một sự thao diễn bình thường. Trông thấy một thuyền đánh cá kéo để trên bờ, vua kêu gọi hai người bạn: “Cho thuyền xuống biển”.
Cả ba người bắt tay vào đẩy nó xuống mặt nước. Bọn kẻ thù của họ không ai dám nhảy từ trên tảng đá xuống để đuổi theo họ nên buộc phải chạy một đường vòng và mất một số thời gian để họ tự do. Nhưng chẳng bao lâu sau những tiếng kêu lại nổi lên, cả một đám đông lính, đi đầu là Georges Pellegrino và Tranta Capelli xuất hiện.
Cách 150 bước chỗ Murat, Franchescetti và Campana đang dùng hết sức đểđẩy thuyền ra bể. Những tiếng kêu đó lập tức được kèm theo một loạt tiếng súng nổ. Campana ngã xuống, nhưng lúc đó thuyền đã xuống nước.
Tướng Franchescetti nhảy được vào trong thuyền. Murat cũng muốn như thế, nhưng những chiếc đinh thúc ngựa đã mắc vào những chiếc lưới đánh cá phơi ở thành thuyền. Mất đà, vua ngã xuống, mặt úp xuống biển, chân để trên bờ. Trước khi ông có thì giờ đứng lên, dân chúng đã xô vào ông. Chỉ một thoáng người ta đã giật hết những cầu vai, lá cờ và quần áo của ông và có thể là xé cả xác ông ra nếu như Pellegrino và Capelli không can họ lại.
Thế là Murat là tù binh đi qua công viên mà trước đây một giờ ông là ông vua. Những người dẫn ông đưa ông đến pháo đài và đẩy ông vào nhà tù công cộng. Tại đây ông thấy mình ở giữa những tên ăn trộm và giết người. Chúng không biết ông là ai, tưởng cũng là đồng bọn tội lỗi, đón tiếp ông bằng những tiếng la ó và chửi rủa.
Mười lăm phút sau, cánh cửa buồng giam mở ra, thiếu tá Mattei bước vào thấy Murat đứng, hai tay khoanh trước ngực, đầu nghểnh cao kiêu ngạo. Có một vẻ gì vĩ đại khó hiểu toát lên từ con người cởi trần, mặt mũi nhem nhuốc bùn và máu. Thiếu tá cúi mình trước Murat.
- Thiếu tá! - Murat nói và nhận ra cấp bậc ở cầu vai. - Ông hãy nhìn xung quanh ông xem đây có phải là nhà tù để giam một ông vua không?
Thế là một điều kỳ cục xẩy ra. Những tù nhân tội lỗi đã tưởng Murat cũng như mình, đã đón tiếp ông với những tiếng la ó và chửi rủa, bỗng nhiên cúi rạp người trước vị đế vương ấy mà Pellegrino và Capelli chẳng chút kính trọng, họ lặng lẽ rút lui vào trong các xó xỉnh của hầm ngục. Nỗi bất hạnh lại vừa mới tặng cho Joachim một lễ đăng quang mới.
Thiếu tá Mattei lẩm bẩm lời xin lỗi và mời Murat đi theo vào trong một buồng vừa mới chuẩn bị cho ông. Nhưng trước khi đi ra, Murat móc trong túi ra một nắm vàng và để rơi như mưa xuống sàn ngục, ông quay lại nói với các tù nhân:
- Đây, để người ta khỏi nói là các anh đã đón tiếp một ông vua, mặc dù bị bắt và bị truất ngôi, mà không được hưởng ân lộc gì?
- Joachim muôn năm! - Các tù nhân hô.
Murat mỉm cười chua chát. Những lời tung hô đó, cùng với số lượng như thế này, nếu đã được vang lên trước đây một giờ ở công viên đã đủ để tôn ông lên làm vua Naples.
Murat đi theo thiếu tá Mattei vào một căn phòng nhỏ trước đây là của người gác cổng đã nhượng lại cho vua. Mattei sắp sửa rút lui thì Murat gọi lại:
- Ông thiếu tá, tôi muốn được tắm nước thơm.
- Thưa bệ hạ, vấn đề ấy rất khó khăn.
- Đây là năm mươi đồng ducat, bảo người ta mua cho tôi tất cả số nước hoa Côlônhơ mà người ta gặp. À, mà còn bảo những người thợ may đến đây nữa.
- Ở đây không thể tìm được những người có khả năng làm được gì khác ngoài quần áo dân thường.
- Vậy bảo người ta đến Montelone, dẫn tất cả những ai người ta có thể tập trung được.
Thiếu tá cúi đầu và đi ra.
Murat đang tắm thì người ta báo có hiệp sĩ Alcala - tướng quân của hoàng thân Infantado, thống đốc thành phố đến thăm. Ngài cho mang những tấm chăn gấm, những chăn trải giường và những ghế bành đến. Murat cũng hơi thấy xúc động về sự quan tâm đó.
Ngày hôm đó, vào quãng hai giờ trưa, tướng Nunziante từ Sainttropen đến với ba nghìn người. Murat thấy vui sướng được gặp lại bạn cũ, nhưng với câu nói đầu tiên ông cũng nhận thấy mình đứng trước một quan tòa. Sự có mặt của ông ta có mục đích không phải là cuộc đến thăm bình thường mà là để chính thức lấy khẩu cung. Murat trả lời là ông từ đảo Corse đến Trieste theo như tờ hộ chiếu của hoàng đế Áo cấp thì bị bão và thiếu lương thực nên buộc phải vào Pizzo. Với tất cả những câu hỏi khác, Murat đều ngoan cố không trả lời. Cuối cùng, mệt vì bị hỏi quá nhiều, Murat nói:
- Ông đại tướng, yêu cầu ông đưa quần áo cho tôi để tôi thôi không tắm nữa.
Viên tướng hiểu là không còn được trả lời gì thêm nữa liền chào vua ra về. Mười phút sau Murat nhận được toàn bộ đồng phục, ông liền mặc vào và yêu cầu giấy bút, viết cho tướng chỉ huy quân đội Áo ở Naples, cho sứ thần Anh và cho vợ ông để báo cho họ biết cuộc giam giữ ông ở Pizzo. Viết xong ông đứng lên, đi dạo trong buồng một cách kích động. Sau đó thấy cần không khí, ông mở cửa sổ. Quang cảnh diễn ra là bãi biển ngay nơi ông bị bắt.
Có hai người đàn ông đang đào một cái lỗ trong cát, Murat nhìn họ một cách vô tình. Khi hai người đó xong việc, họ đi vào trong căn nhà và sau đó khiêng ra một xác chết. Vua cố nhớ lại và ông thấy hình như giữa cảnh ghê gớm ấy có một người ngã xuống bên cạnh ông, nhưng ông không biết là ai. Xác chết hoàn toàn trần truồng, nhưng bộ tóc dài đen, hình dáng trẻ trung làm vua nhớ lại là Campana. Đó là một sĩ quan tùy tùng mà ông ưa nhất. Cảnh tượng đó, nhìn vào lúc hoàng hôn, nhìn từ một cửa sổ nhà tù, cuộc chôn cất đó trong cô tịch, trên bãi biển kia, trong cát, làm Murat cảm động sâu sắc mà tình cảnh không may của ông cũng không bằng. Những giọt nước mắt trào ra và lặng lẽ chảy xuống gò má sư tử của ông. Vào lúc đó, tướng Nunziante bước vào buồng giam, ngạc nhiên thấy bộ mặt Murat đẫm nước mắt, hai tay giơ ra. Murat nghe thấy tiếng động quay lại, thấy vẻ ngạc nhiên của người lính già, ông nói:
- Thưa tướng quân, vâng, vâng, tôi khóc. Tôi khóc trên xác người thanh niên hai mươi bốn tuổi kia mà gia đình anh ta đã phó thác cho tôi, và tôi đã gây ra cái chết cho nó. Tôi khóc cho cái tương lai bất hạnh, phong phú và sáng lạn vừa mới tắt đi trong một cái hố không ai biết đến, trên một mảnh đất thù và trên một bãi biển hung ác. Ôi, Campana? Campana! Nếu như tôi trở lại ngôi báu, tôi sẽ xây cho anh một nấm mồ đế vương.
Viên tướng đã cho chuẩn bị một bữa ăn tối trong buồng bên cạnh, Murat đi theo ông ta, ngồi vào bàn nhưng không thể nào ăn được. Cảnh tượng mà ông vừa chứng kiến làm tan nát lòng ông, thế mà con người đó đã từng đi qua mà không chau mày những trận địa Aboukir, Eylau và Matxcơva.
Sau bữa ăn, Murat về buồng trao cho tướng Nunziante những bức thư mà ông đã viết và đề nghị để ông được ở một mình. Viên tướng đi ra.
Buổi sáng ngày mùng 9, những người thợ may mà Murat yêu cầu đã đến. Ông đặt cho họ nhiều bộ quần áo và chịu khó giải thích cho họ những chi tiết về những thói ngông xa hoa của mình. Ông đang bận làm việc đó thì tướng Nunziante bước vào. Ông buồn rầu lắng nghe những chỉ thị của vua, ông vừa nhận được những công văn điện tín lệnh cho ông xét xử vua Naples như một kẻ thù của quần chúng qua một hội đồng quân sự. Nhưng tướng Nunziante thấy vua đang rất tin tưởng, rất bình tĩnh và hầu như vui vẻ thế kia làm sao ông có can đảm báo cho ông ta biết tin phải mang ra xét xử. Ông tự nhủ phải hoãn việc mở hội đồng quân sự cho đến khi nào nhận được mệnh lệnh viết tay. Nó đến vào buổi tối ngày 13, cụ thể như sau:
 “Naples 9 tháng mười 1815 “Ferdinand, nhờ ơn sáng của Chúa, v.v... hạ lệnh như sau:
“Điều 1. Tướng Murat sẽ bị đưa ra trước một Hội đồng quân sự mà các thành viên sẽ được Bộ Chiến tranh chỉ định.
“Điều 2. Sẽ chỉ chấp nhận cho tội phạm nửa giờ để nhận sự cứu giúp của tôn giáo.
 “Ký tên: Ferdinand”.
Hội đồng họp trong đêm ngày 13 tháng mười vào sáu giờ sáng. Đại uý Stratti đành đi ra. Nhưng lúc ra đến cửa thì vấp phải chiếc ghế làm vua tỉnh dậy.
- Đại úy cần gì tôi thế? - Murat hỏi.
Stratti muốn nói, nhưng nói không nên lời. Murat hỏi tiếp:
- Chắc là ông vừa nhận được tin tức từ Naples phải không?
- Vâng, tâu bệ hạ - Stratti thều thào.
- Tin gì thế?
- Đưa bệ hạ ra xét xử.
- Đề nghị cho biết ai sẽ xét xử? Tìm đâu ra những vị Đại thần để xét xử tôi? Nếu người ta coi tôi như một ông vua, phải tập hợp một tòa án các vị vua. Nếu người ta coi tôi như một thống chế Pháp, cần phải có một tòa án các vị Thống chế. Nếu người ta coi tôi như một viên tướng, đó là điều tối thiểu người ta có thể tiến hành và phải có một bồi thẩm đoàn các tướng lĩnh.
- Tâu bệ hạ, bệ hạ bị tuyên bố là kẻ thù của dân tộc. Và như vậy, bệ hạ có thể bị đưa ra một hội đồng quân sự. Đó là luật mà chính bệ hạ đã đề ra để chống lại những kẻ phản nghịch.
- Luật đó đề ra để cho những bọn kẻ cướp chứ không phải để cho những cái đầu có vương miện, thưa ông - Murat nói một cách khinh miệt - Thôi được, tôi sẵn sàng để cho người ta ám sát. Tôi không thể ngờ vua Ferdinand lại có thể có một hành động như vậy. Để tôi có thể thừa nhận được những vị tòa mà người ta đã chỉ định cho tôi, tôi phải xé không biết bao nhiêu trang lịch sử. Một tòa án như vậy không có thẩm quyền và tôi lấy làm xấu hổ phải ra trước tòa án đó. Tôi biết là tôi không thể cứu vãn được tính mạng tôi, nhưng ít ra cũng để tôi cứu được phẩm cách đế vương.
Lúc đó thiếu úy Francesco Freio bước vào để hỏi tên tuổi và quốc tịch tù nhân. Nghe thấy những câu hỏi đó, Murat đứng lên với một sự khiếp đảm:
- Tôi là Joachim Napoléon, vua của Hai-Siciles(4). Tôi lệnh cho anh bước khỏi nơi đây.
Thế rồi Murat mặc quần và hỏi Stratte có thể viết những lời vĩnh biệt cho vợ và con không. Stratte không nói được nữa mà chỉ biết gật đầu. Lập tức Joachim ngồi vào bàn và viết thư sau đây(5):
“Caroline thân yêu của anh.
“Giờ định mệnh đã đến. Anh sắp chết, hình phạt cuối cùng. Trong một giờ nữa em sẽ mất chồng, các con mất cha. Hãy nhớ đến anh và đừng bao giờ quên kỷ niệm về anh.
“Anh vô tội, và cuộc đời anh đã mất do một tòa án bất công.
“Vĩnh biệt Achille của cha, Lactitia của cha, vĩnh biệt Lucien của cha, vĩnh biệt Louise của cha!
“Hãy tỏ ra xứng đáng với cha. Cha để cho mẹ và các con ở lại trên một mảnh đất và một vương quốc thù địch. Hãy tỏ ra hơn hẳn kẻ thù và đừng có tưởng mình đang là gì mà phải nhớ mình đã là gì.
“Vĩnh biệt em và các con. Hãy nhớ rằng nỗi đau khổ lớn nhất mà cha phải chịu đựng trong hình phạt là phải chết xa vợ, xa các con và không có người bạn thân nào bên cạnh để vuốt mắt cho mình.
“Vĩnh biệt Caroline của anh. Vĩnh biệt các con. Hãy nhận lời chúc lành của cha, những giọt nước mắt yêu thương và những cái hôn cuối cùng.
“Vĩnh biệt. Vĩnh biệt. Đừng quên người cha tội nghiệp.
“Pizzo 15 tháng 10 năm 1815.
 “Joachim Murat”
Thế rồi ông cắt một nắm tóc của mình bỏ vào phong bì. Lúc đó tướng Nunziante bước vào. Murat ra đón và giơ tay cho ông:
- Thưa tướng quân, ông là cha, ông là chồng. Một ngày nào đó ông sẽ biết thế nào là vĩnh biệt vợ và các con. Xin ông hãy thề với tôi là bức thư này sẽ được giao đến nơi.
- Xin thề danh dự. Viên tướng nói và chùi mắt.
- Thôi nào, hãy can đảm lên tướng quân. Chúng ta là những người lính, chúng ta biết thế nào là cái chết. Chỉ xin ông một đặc ân riêng: hãy để cho tôi chỉ huy cuộc hành hình tôi. Được chứ?
Viên tướng gật đầu ra hiệu đề nghị cuối cùng này của Murat sẽ được chấp thuận. Lúc đó một liên lạc viên bước vào với bản phán quyết trong tay. Murat đoán biết nội dung, liền bảo liên lạc viên:
- Đề nghị anh đọc to lên, tôi xin nghe.
Liên lạc viên tuân lệnh. Murat đã không lầm: chỉ trừ có một phiếu, toàn thể đồng thanh tội tử hình.
Nghe đọc bản phán quyết xong, vua quay lại Nunziante nói:
- Tướng quân, hãy tin tưởng rằng tôi tách bỏ trong tư tưởng tôi công cụ giáng vào tôi do bàn tay của kẻ đã điều khiển nó. Tôi không ngờ rằng Ferdinand lại đem bắn tôi như bắn một con chó, hắn không lùi bước trước sự ô nhục ấy. Ta không nói đến đấy nữa. Tôi đã không thừa nhận các quan tòa, chỉ thừa nhận các đao phủ của tôi. Ông định mấy giờ hành quyết tôi?
- Xin bệ hạ định lấy.
Murat rút trong túi ra chiếc đồng hồ trong đó có chân dung vợ ông. Tình cờ bức chân dung đó quay về phía ông chứ không phải mặt đồng hồ. Ông nhìn nó một cách âu yếm rồi giơ nó ra cho tướng Nunziante xem và nói:
- Đây là chân dung hoàng hậu, ông cũng đã biết. Giống lắm có phải không?
Tướng Nunziante quay đầu đi. Murat thốt lên một tiếng thở dài và bỏ đồng hồ vào túi. Liên lạc viên lên tiếng nhắc:
- Tâu bệ hạ, xin bệ hạ cho biết Người định lúc mấy giờ.
- Ừ nhỉ - Murat mỉm cười nói. - Nhìn thấy chân dung vợ tôi, tôi đã quên mất tôi lấy đồng hồ ra để làm gì. Vậy thì - ông nhìn lại đồng hồ một lần nữa, lần này vào mặt đồng hồ - Vậy thì, sẽ vào lúc bốn giờ nếu ông đồng ý. Bây giờ hơn ba giờ rồi. Tôi chỉ yêu cầu ông có năm mươi phút nữa, có nhiều quá không?
Liên lạc viên nghiêng mình và lui ra. Tướng Nunziante cũng muốn ra theo.
- Nunziante, - Murat nói. - Tôi có còn gặp tướng quân nữa không?
- Lệnh cho tôi là phải chứng kiến cuộc hành quyết bệ hạ, nhưng tôi không đủ lực.
- Thôi được, thôi được, tướng quân ạ! Tôi miễn cho ông khỏi phải ở đây vào lúc cuối cùng, nhưng tôi muốn được vĩnh biệt ông một lần nữa và ôm hôn ông.
- Tôi sẽ gặp bệ hạ trên đường đi.
- Cám ơn. Bây giờ xin để tôi một mình.
- Tâu bệ hạ, ngoài kia có hai giáo sĩ, bệ hạ có tiếp không ạ?
- Có, đưa họ vào đây.
Viên tướng đi ra. Một lát sau hai giáo sĩ xuất hiện ở ngưỡng cửa, một người tên là Francescô Pellegrino và một tên là Antonio Masdes.
- Các ông muốn làm gì ở đây? Murat hỏi.
- Muốn hỏi bệ hạ, bệ hạ có muốn chết như người đạo giáo không?
- Tôi sẽ chết theo như người lính. Hãy để tôi yên.
Francescô Pallegrino rút lui, còn Antonio Masdes ở lại trên ngưỡng cửa.
- Ông không nghe thấy tôi nói à?
- Có chứ ạ! Ông già đáp. Nhưng xin phép bệ hạ cho tôi được cho rằng đấy không phải là câu nói cuối cùng của bệ hạ. Đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp bệ hạ và cầu xin bệ hạ, tôi đã có dịp được gặp Người và cầu xin Người một ân hụê.
- Gì thế?
- Khi Người đến Pizzo vào năm 1810, tôi đã xin Người hai mươi nhăm ngàn Frăng để xây dựng nhà thờ của chúng tôi. Bệ hạ đã gửi cho tôi bốn mươi nghìn.
- Bởi vì tôi thấy trước là tôi sẽ được chôn ở đấy, - Murat mỉm cười nói.
- Vậy thì, tâu bệ hạ, tôi tin rằng Người sẽ không từ chối lời thỉnh cầu thứ hai của tôi cũng như trước kia Người không từ chối lời thỉnh cầu thứ nhất. Tâu bệ hạ, tôi xin quì xuống đất để thỉnh cầu bệ hạ.
Ông già quì xuống chân Murat và nói tiếp:
“Hãy chết như một giáo dân”.
- Điều đó sẽ làm ông sung sướng sao?
- Tâu bệ hạ, tôi xin dâng số ít ngày còn lại của đời tôi để cầu xin đức Chúa trời sẽ tới thăm bệ hạ vào giờ phút cuối cùng của bệ hạ.
- Nếu vậy, - Murat nói. - hãy nghe lời thú tội của tôi. Tôi kết tội tôi hồi còn bé đã không vâng lời cha mẹ. Từ đó, từ khi tôi trở thành người, tôi chẳng có gì khác để mà tự trách mình.
- Tâu bệ hạ, bệ hạ có ban cho tôi tờ chứng chỉ là bệ hạ sẽ chết theo đạo Cơ đốc không?
- Tất nhiên.
Murat nói và cầm bút viết: “Tôi, Joachim Murat, tôi chết theo đạo Cơ đốc, tin tưởng nhà thờ Tôn giáo và Giáo hội La Mã”, và ông ký tên rồi nói tiếp:
- Thưa cha, bây giờ nếu cha còn muốn có một yêu cầu thứ ba nữa, xin nói nhanh lên, vì trong nửa giờ nữa sẽ không kịp. Lúc này đồng hồ của lâu đài đã điểm ba rưỡi.
Giáo sĩ ra hiệu không còn gì nữa. Murat nói tiếp:
“Vậy hãy để tôi một mình”. Ông già đi ra. Murat dạo những bước dài trong buồng, rồi ông ngồi xuống giường, hai tay ôm lấy đầu. Có lẽ trong mười lăm phút còn lại của đời mình, ông mải mê suy nghĩ, ông nhìn thấy lướt qua trước mặt ông toàn bộ cuộc đời mình, từ quán trọ mà ông đã đi ra đến lâu đài mà ông đã vào; hẳn là cuộc đời phiêu lưu của ông đang diễn ra, giống như một giấc mộng vàng, như một câu chuyện trong “Nghìn lẻ một đêm”, như một chiếc cầu vồng mà hai đầu chìm trong đám mây lúc ông sinh và lúc ông chết. Sau cùng ông tỉnh lại và ngẩng trán lên, mặt tái xanh nhưng bình tĩnh. Thế rồi ông lại gần cái gương, chải lại mớ tóc. Là vị hôn phu của cái chết, ông làm đẹp vì nó.
Bốn giờ điểm.
Murat tự mình ra mở cửa. Tướng Nunziante đang đứng đợi ông. Ông nói:
- Cảm ơn tướng quân, ông đã giữ lời hứa với tôi. Hãy hôn tôi, nếu ông muốn, sau đó ông rút lui.
Viên tướng lao mình vào hai cánh tay vua rồi khóc và không nói nên lời.
- Hãy can đảm lên, - Murat nói. - Ông thấy tôi đang rất bình tĩnh.
Chính sự bình tĩnh đó đã bẻ gẫy lòng can đảm của viên tướng. Ông ta lao ra khỏi hành lang, ra khỏi lâu đài và chạy như một người mất trí.
Thế rồi vua bước ra sân, tất cả đã sẵn sàng cho cuộc hành quyết. Chín lính và một viên đội đã xếp thành hàng gần cửa ra vào của Hội đồng. Trước mặt họ là một bức tường cao mười hai piê. Ba bước trước bức tường đó là một chiếc bục chỉ có một bậc. Murat lên đứng trên bục đó, nó làm ông cao hơn những người lính một piê. Ông giở đồng hồ ra, hôn chân dung vợ, và cặp mắt vẫn nhìn vào vợ, ông chỉ huy cuộc hành trình. Đến tiếng ông hô: “Bắn!” năm trong chín người bắn, Murat vẫn đứng nguyên tại chỗ. Những người lính đã xấu hổ phải bắn vào vua của mình, họ đã nhằm lên trời qua đầu ông.
Có lẽ đó là lúc biểu hiện một cách tuyệt diệu lòng can đảm của một con sư tử, đó là đức tính đặc biệt của Murat. Không một nét mặt thay đổi, không một bắp thịt nào trong người ông yếu đi, ông chỉ nhìn những người lính với một vẻ biết ơn chua chát. Ông nói:
- Cám ơn các bạn. Nhưng vì sớm hay muộn các bạn cũng sẽ buộc phải nhằm trúng đích. Vậy xin đừng kéo dài cảnh hấp hối của tôi. Tất cả những gì tôi yêu cầu các bạn là nhằm trúng tim và tha cho bộ mặt. Chúng ta bắt đầu lại.
Và cũng với giọng ấy, cũng bình tĩnh như vậy, với cùng bộ mặt, ông nhắc lại từng câu trước sau, không chậm chạp, không vội vã, như thể ông chỉ huy một chiến dịch đơn giản. Nhưng lần này, may mắn hơn lần trước, đến câu “bắn” ông ngã xuống vì trúng tám viên đạn, không một cử động, không một tiếng thở, không rời bỏ chiếc đồng hồ cầm trong lòng bàn tay trái(6).
Những người lính nhặt xác ông lên, đặt nằm trên giường mà mười phút trước đây ông còn ngồi và một đại úy gác ở cửa.
Buổi tối có một người đàn ông đến xin vào buồng người chết, lính gác từ chối. Nhưng người đó yêu cầu được gặp chỉ huy lâu đài. Đến trước mặt vị chỉ huy, người đó đưa ra một mệnh lệnh. Vị chỉ huy đọc, vừa ngạc nhiên vừa ghê tởm. Rồi sau khi đã đọc xong, ông dẫn người đó đến bốt gác lúc nãy đã từ chối.
- Hãy để cho chúa công Luidgi đây vào.
Lính gác bồng súng chào vị chỉ huy và Luidgi vào. Mười phút trôi qua, lúc Luidgi đi ra, tay cầm một gói bao tải đẫm máu. Trong chiếc gói đó người lính gác không biết là vật gì.
Một giờ sau người ta mang áo quan đến để liệm xác vua. Người thợ mộc vào buồng, nhưng ngay lập tức người đó kêu gọi lính gác với một vẻ sợ hãi khiếp đảm. Lính gác hé mở cửa buồng để nhìn xem điều gì đã làm người thợ mộc sợ hãi đến thế. Người thợ lấy tay chỉ một xác chết không đầu.
Lúc Ferdinand chết, người ta tìm thấy trong một tủ bí mật trong buồng ngủ của ông, chiếc đầu ấy ngâm trong rượu(7).
Tám ngày sau cuộc hành quyết ở Pizzo, mỗi người đều nhận được phần thưởng của mình: Tranta Capelli được đề bạt thiếu tá, tướng Nunziante được phong hầu tước, còn Luidgi bị đầu độc chết.
* * *
(1) Murat: em rể Napoleon I, lấy Caroline Bonaparte, thống chế Pháp. Vua Naples, đã bị buộc phải rời khỏi vương quốc của mình, ông tìm cách chiếm lại, nhưng bị bắt ở Pizzo và bị xử bắn (ND).
(2) Những chi tiết này rất được nhiều người ở Toulon biết và kể cho bản thân tôi nghe tới vài chục lần trong hai lần tôi đến đấy vào những năm 1834-1835. Một số những người nói với tôi, được nghe từ chính miệng Donadieu và Langlade (TG).
 (3) Vua Ferdimend; vua Naples và Secile năm 1759 dưới danh hiệu Ferdinand IV, vua PlaiSicile 1815 bị truất ngôi vua Napoles năm 1806, khôi phục lại vương quyền năm 1815 (T.G).
(4) Sicile là môt hòn đảo lớn ở Địa Trung Hải, đầu tiên là thuộc địa của Phénicien rồi đến Hy Lạp. Nước Sicile là vật tranh giành giữa La Mã và Carthage, nó chuyển từ chế độ bảo hộ của Hoàng
 (5) Chúng tôi có thể bảo đảm sự chính xác vì chúng tôi đã tự tay chép lại ở Pizzo trên đảo Sao do hiệp sĩ Aleala giữ được (T.G).
đế rồi sang của nhà Anjou rồi đến Tây Ban Nha. Thế kỷ 18 hợp nhất với Naples gọi là vương quốc Hai-Sicile (N.P).
 (6) Chiếc đồng hồ này bà Murat đã mua lại với giá tiền là 200 đồng Luy.
 (7) Vì tôi không tin được tàn khốc lại không có mục đích tôi bèn hỏi tướng T... Ông ta trả lời, vì Murat bị xét xử và bị bắn tại một nơi hẻo lánh của Calabre, Ferdinand vẫn cứ sợ sẽ có một kẻ liều lĩnh nào đó, xuất hiện mạo nhận là Joachim, lúc đó người ta chỉ việc đưa cái đầu lâu ra để trả lời (T.G).

<< NỮ BÁ TƯỚC ĐỜ XANHGIERĂNG | VANINKA >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 933

Return to top