Vừa lúc ấy, có hai đôi trai gái ăn vận trẻ trung, sặc sỡ, gái váy ngắn, trai quần thụng đúng mođen 90 phóng Dream ve ve vào ngõ.
- Có khách – Tám Tính nói rồi đứng dậy – Cứ nhậu đi! Hết bia chuyển sang đế. Bia hoài, mắc đái thấy mồ.
Dáng bộ rất khoan thai ông chủ, hắn hắng giọng đi ra dẫn khách lách sâu vào khu vườn rậm lá. Tôi còn kịp nhìn thấy đôi cặp giò trắng nuột, thon thả của cô bé vận soọc đen bước sau cùng. Trước khi khuất sau vòm lá, cô bé còn ngoắt đầu nhìn chúng tôi một cái vừa nghi ngại, vừa thăm dò lại vừa thách thức.
Lát sau Tám Tính trở ra, mặt tỉnh như không, có pha thêm một chút phiền muộn nơi khoé mắt.
- Cái gì thế? – Ba Thành hỏi – Không phải đám bạn của con mày à?
- Bạn mẹ gì. Dân chơi. Trai gái từ thành phố, từ thị xã lên đây mướn phòng chơi.
Tới đây thì cái vẻ sồn sồn và cái điệu bộ làm ra vẻ sành sỏi của anh bác sĩ già biến mất, đành phải nhường cho tuổi trẻ lên tiếng.
- Thuê ngày hay thuê giờ anh Tám? – Tuấn hỏi thản nhiên.
- Ngày giờ như nhau, ráo trọi đều hai mươi đồng. Thang giá ngoại thành vậy thôi.
- Mấy chòi?
- Mười. Đang tính phát triển thêm năm cái nữa.
- Hết công suất chớ? – Tuấn vẫn hỏi xoắn.
- Hết. Ngày nghỉ, ngày lễ, ngày... nói chung là ngày động tình, thường là thiếu. Có khi một chòi phải gối ba, bốn lượt người ra vào.
- Xin lỗi hỏi thêm anh Tám: trong chòi có trang bị gì?
- Trống trơn. Một cái bàn uống nước tay tao đóng lấy, một cái giường xếp, một cái xô, nếu có khách tao sẽ cho mấy đứa nhỏ xách nước đổ đầy.
- Xem nào! - Tuấn lôi chiếc máy tính chạy pin nhỏ xíu ở trong túi ra, sự khôn ngoan chạy rần rần trên trán. Cứ cho là cả 15 chòi đều có sử dụng trong một ngày đi. Mỗi chòi hai chục, mười lăm chòi là 450, tức gần nửa triệu. Trung bình mỗi tháng nhét túi 15 triệu, chưa kể ngày lễ, ngày nghỉ rồi đồ ăn thức uống bán thêm, mua thêm cho khách, rồi lại còn thứ khách sộp, khách sang hào phóng puộc - boa thêm. Tóm lại là món kinh doanh này ít vốn mà lãi dữ quá, bền nữa, khỏi cạnh tranh chơi xấu, chơi xỏ nhau. Móc tiền lên từ chính đất đai vườn tược của mình. Anh Tám! – Con mắt hấp háy của nó sáng lên – Ta thử bàn cách làm ăn chung đi. Em sẽ bỏ vào đây chừng năm trăm triệu để mở rộng vườn, thiết kế cam-pinh nửa dân tộc nửa hiện đại, có bể bơi, có sân chơi tennis, có suối có rừng và có cửa hàng ăn đặc sản. Trời ơi! Con người càng ngày càng có nhu cầu đòi hỏi được sống hết cái phần người của mình, đã vào tới đây thì đều là dân giàu rửng mỡ hay bọn thanh niên con nhà tham nhũng, không tranh thủ rút ruột chúng còn rút ruột ai? Làm đi? Không thất thu đâu. Năm trăm triệu! đảm bảo sau sáu tháng lấy lại vốn. Từ đó về sau lãi chia đôi, anh Tám chịu không?
- Ờ... ờ! – Tám Tính gật đầu nhưng không nói gì.
- Tao có ý kiến – Ba Thành giơ cao tay y như một cuộc họp Đảng ở trong rừng – Thêm cả dịch vụ mát xa nữa để như bọn Tây. Sắp tới, cứ cái đà này, chúng sẽ lũ lượt kéo vào như quân viễn chinh Mỹ ngày xưa cho coi. Cả khách Việt kiều nữa. Nếu chúng mày ưng, tao xin tình nguyện làm chân bác sĩ da liễu kiêm bảo vệ mà không cần lương, chỉ cần cơm ăn ba bữa thuốc hút cả ngày, rượu mỗi lần mười ly thôi. Sao? Tao nói vậy nghe được không Hai Hùng.
Tôi gật đầu cười gượng gạo. Chả lẽ cuộc sống hôm nay nó xiết chảy đến nỗi gạt hẳn tôi ra khỏi dòng rồi chăng mà mới chỉ nghe hai tiếng cam-pinh đã thấy lòng dạ tui tủi. Hình ảnh dây cam-pinh rung bần bật bên dòng hoài niệm khổ đau ở khúc sông hôm nào lại hiện lên, nắn bóp trái tim tôi đau thắt. Song chả lẽ lại cứ giữ bộ mặt đưa đám trong lúc bạn đang vui vẻ dường kia. Tôi nói mà biết rằng điều nói ra sẽ lạc lõng:
- Cho mình hỏi một câu, Tám Tính! Hai Hợi thế nào? Còn sống hay đã chết? Nếu sống, hiện giờ ở đâu?
Bàn nhậu ắng đi một chút như có một phát súng nổ đột ngột dưới gầm bàn. Tuấn nhìn lên ngọn cây, nhả khói thuốc. Tám Tính hạ cốc bia định uống xuống, mắt buồn hẳn đi. Riêng Ba Thành nhìn sang tôi, khe khẽ gật đầu. Thì ra từ đầu đến giờ, mọi sự ồn ào cười nói của nó chỉ là giả vờ, chỉ là che đậy cái điều hắn nóng lòng muốn hỏi nhưng lại không tiện hỏi, cái điều mà nó chắc mẩm trước sau gì tôi cũng phải bộc lộ ra.
Uống một hơi hết nửa ly bia còn lại, Tám Tính đưa mu bàn tay nhăn nhúm quết bọt ngang miệng, nhìn xuống mặt bàn một lúc lâu rồi mới ngẩng lên nói:
- Sau khi thoát chết, tao được người ta điều về phòng hậu cần Quân khu. Thì tụi bay lạ gì, cứ thằng nào thương tật, thằng nào bể bai hết xài được là lập tức được đưa về đó. Thời gian ấy, không hiểu sao Hợi lại biết tao còn sống nên tìm mọi cách móc ráp để lên thăm tao được một lần. Vừa nhác thấy tao, cô đã khóc ầm lên rồi ôm lấy tao kể lể đủ chuyện. Thương quá, tao cũng khóc. Tới lúc đó tao mới hiểu vì sao, chỉ vì tưởng tao đã chết nên cô mới bỏ vào ấp chiêu hồi. Hai Hợi bữa đó đẹp dữ dằn, dòm như một ả tư sản thường vào rừng buôn bán với Việt Cộng. Cổ mặc một bộ bà ba nâu bằng cải xoa, tóc chải bồng theo kiểu dân thành thị, gò má có thoa một chút phấn nên mặt mày cứ hồng rực lên như đào xi-nê, đặc biệt chân tay da dẻ trắng nõn mịn màng, chả còn một chút nào cái cô Hai Hợi ngày trước nữa và lời ăn tiếng nói xem ra đã rất mực dịu dàng. Cổ nói không biết tại sao, chỉ trở về làm dân có chưa đầy một năm mà người ngợm thay đổi đi nhiều đến thế? Hỏi cổ bây giờ làm gì sống? Hợi không trả lời nhưng tao biết, với cái tính khí ấy, cổ nhất dịnh không chịu cam phận làm cái anh lam lũ kiếm miếng ăn nhọc nhằn. Tao có hỏi về bọn mày và địa bàn bên sông. Hợi bảo trước đó thỉnh thoảng còn biết tin, thỉnh thoảng có cơ hội lại tranh thủ gửi thực phẩm, thuốc men vào trỏng, kể cả một vài tin tức quân báo cần thiết nữa. (Tôi lặng lẽ gật đầu). Nhưng sau năm 73, hổng biết các cha ở trên ký kết trật giuộc thế nào mà các địa bàn nơi ấy bị đánh tróc gần hết. (Tôi lại gật đầu) Và từ đó Hợi bặt tin luôn.
Nghĩ cổ cũng tội! Chỉ có hai sợi dây ràng níu với cách mạng, với cuộc đời chiến đấu là cô em bà con tính nết như thiên thần, lời của cổ, và tao. Cô em mất tin không hiểu chết hay sống, cổ dồn cả tình thương vào tao; kêu tao ra ngoài sống và dưỡng bệnh, cổ sẽ nuôi, nuôi suốt đời. Tao lắc đầu. Làm sao mà không lắc đầu được. Cổ cáu, nói tao là cuồng tín, đánh giặc đến thân tàn ma dại, đủ rồi, anh hùng lắm rồi, thoả chí trai và hết phận sự rồi, lúc này hoàn toàn có quyền nghỉ. Quốc gia nào, chính thể nào cũng không nỡ bắt thương phế binh phải ở mãi nơi hòn tên mũi đạn. Tao lắc đầu nữa. Bí bách quá! Cổ nói bừa: hay là cổ lại bỏ ráo trọi như dạo nào, cùng vô rừng chịu cực lần nữa, sống chết có nhau? Không thể lắc cái đầu lần thứ ba và trong ruột cũng không muốn làm khổ cổ thêm nữa, thu hết can đảm, tao nói thiệt mọi chuyện, từ chuyện tại sao tao thoát chết, đến chuyện từ đó mang nặng cái ơn cứu tử ra sao. Nghe xong, cổ thầm lặng khóc và cũng thầm lặng ở lại với tao cho tới sáng hôm sau. Trời ạ! Đêm đó, chúng mày biết máu tao rồi đó, tao mò sang giường Hợi. Cổ đẩy ra và nói: “Đời em bị phản bội nhiều rồi. Em không muốn một ai khác chịu cảnh ngộ như em, nhất lại là một người như chị y sĩ ấy. Nhớ cho em hỏi thăm chỉ...”. Sớm hôm sau Hợi đi luôn, đi một mạch. Không ngờ đó lại là lần cuối cùng tao còn nhìn thấy cổ. Nghe nói lại rằng thời gian đó, cô bỏ quê lên thị xã mần ăn phát đạn lắm nhưng rồi bị bạn hàng hãm hại. Sau 75, tao có đi hỏi thăm nhiều nơi nhưng không một ai biết gì hơn. Chuyện chỉ có vậy, biết thế nào tụi bay cũng hỏi nên tao đã có ý nhớ và sắp xếp lại cho khỏi lộn xộn.
Ba Thành đứng dậy lẳng lặng bỏ đi. Nhìn đằng sau thấy cái đầu to tướng có vầng trán hói của hắn chúi xuống... Chúi xuống... Tôi hiểu nó vừa trải qua một cú sốc khá mạnh, đang cần sự trấn tĩnh.
- Vợ mày bây giờ làm ở đâu?
Tôi cũng tự trấn an mình bằng câu hỏi thừa thãi và nhạt thếch ấy. Câu chuyện về Hai Hợi có tác dụng xoáy sâu trở lại cái hình ảnh cô em họ còn đang sống sờ sờ kia mà tôi đang cố quên đi, cố bứt ra nhưng chưa được. Càng cố bứt, nó càng bám dính nhằng nhằng, cái nỗi bám dính chẳng có đầu mút để có thể sờ thấy, ngửi thấy, nếm thấy mà tháo gỡ cho xong một sớm một một chiều. “Không! Chúng mày lầm rồi! Tất cả lũ chúng mày, cả tao, cả Hai Hợi đều lầm thảm hại, đều bị lừa dối đến tột cùng. Cô ta không chết, chưa bao giờ chết cả” Giây phút ấy, giữa bàn nhậu đặt trong bạt ngàn cây lá, tôi muốn hất đổ tất cả mà gào lên như thế. Nhưng rồi lại đâu dám mở miệng, đành để tiếng gào tụt trở lại lồng ngực, quậy phá ê ẩm ruột gan mình.
Khốn nạn chưa? Một cái chết giả dẫn đến những cái chết thật, đến những giày vò đau khổ thật. Thế là thế nào? Chết cũng là đùa? Đau cũng chỉ là đùa thôi ư? Phải chăng, nếu cuộc đời hiện tại bớt khắc nghiệt đi một chút, những phi lý trái ngang đừng lộng hành như một đạo lý hiển nhiên và bản thân cuộc sống của tôi, của từng thằng không đến nỗi thống khổ dường này thì cái sống hay chết của người đàn bà ma trơi kia đâu có tạo nổi một sức dội nặng nề trong cái đầu đã quá rộc rạc của tôi như thế!
- Vợ tao làm bác sĩ sản khoa ở bệnh viện huyện – Tám Tính trả lời. – Lương không đủ cho tao hút thuốc lá một ngày nhưng bù lại là tính tình nhân ái, phúc đức, cái mà lúc này tao đang cần.
- Chán nhỉ? – Tuấn góp chuyện vẫn bằng cái giọng hơi cụ non của nó – Có ba cái nghề cao quý nhất là dạy người, cứu người và giết người, tức là thằng lính thì lại là hẩm hiu nhất.
Lát sau Ba Thành từ ngoài vườn đi vào, mặt mày cô hồn như vừa ở chỗ đâm chém trở về. Đến trước mặt Tám Tính, hắn dừng lại:
- Mày... Mày là một thằng tồi Tám cọp ạ! Đáng lẽ mày không nên nói như thế, không được để cổ ra đi như thế. Mày chỉ biết ăn sống nuốt tươi con người ta thôi chứ trong cái đầu đặc sệt tinh trùng của mày không còn khoảng hở nào để mày hiểu rằng, khi người đàn bà tuyệt vọng thì họ có thể làm được ráo trọi mọi điều như thế nào. Thằng khốn!... Tao... Tao...
Toàn thân Ba Thành rung lên, hai mắt xám xịt. Tám Tính bất giác lùi lại không hiểu, đưa mắt nhìn sang tôi dò hỏi và cầu cứu.
- Coi như xong – Tôi buộc phải đứng dậy, to giọng – Tuấn dọn dẹp đi! Ba Thành nhảy xuống sông trầm mình một cái cho tỉnh. Thằng Tám Tính chắc sắp đến giờ đi đón con? Đi đi! Chà mười hai đứa? Đón bằng xe ca hả mày?
May mắn, bằng câu nói vô duyên đó, tôi đã kéo được những cái đầu đang nóng giãy dòng nham thạch ký ức mau chóng trở về với đời thường lắm vặt vãnh lo toan.
- Ừ, dẹp cha nó đi! – Ba Thành chợt xẹp xuống như một trái bóng xì hơi – Xong rồi. Có cà phê ngon, thằng Tám cho mỗi đứa một ly rồi lên đường.
Tuấn bỗng kêu khẽ:
- Ai như bà chị đã về?
Tất cả nhìn ra cổng. Một người đàn bà không còn trẻ nhưng nở nang, đường hông vống ra hơi thái quá, khuôn mặt hồng hào tươi tắn đang nhẹ dắt chiếc Hon đa 50 vào cổng. Tự dưng, tôi dừng mắt vào cái miệng cười khá tươi và bộ ngực vẫn còn căng tròn hơi quá cỡ ấy. Chao, bộ ngực của một người đàn bà có mười hai con, bộ ngực đã cứu sống một thằng đàn ông ngắc ngoải và ghê gớm hơn, đã làm thay đổi hoàn toàn tâm tính của một con thú hoang dã đó ư? Tự dưng, không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều đứng dậy kính cẩn chào chị như kính cẩn đứng trước một tượng đài vĩnh cửu về lòng nhân hậu và sức sống bất diệt của người đàn bà đi qua trận mạc.
Bà chủ nhà hé mở hàm răng đều và trắng chào chúng tôi rồi bước vào sân trong. Tám Tính vội vàng chạy theo đỡ cái xe cho vợ rồi quay lại nhìn chúng tôi, lắc đầu cười...
Thưa bạn đọc! Chắc tôi cũng như các bạn, đang đều cùng chung một nỗi sốt ruột hết sức chính đáng rằng, vậy thì người đàn bà bí hiểm kia tại sao lại không chết?
Vâng. Tôi sẽ xin trả lời ở những dòng sau đây, dẫu rằng ngay từ những trang đầu tiên, tôi cũng đã có thể thoả mãn các bạn được điều khúc mắc ấy. Bởi lẽ, mong bạn đọc thông cảm, ở đây thực lòng tôi không có tham vọng làm một nhà tiểu thuyết hình sự chuyên đi đào bới những xác chết rồi đem chứng nghiệm pháp y. Tôi ao ước khôn nguôi rằng, đằng sau cái chuyện hồn ma sống lại đó, tôi sẽ nói được một điều gì đó ngoài chứng lý hình sự. Và rủi có đôi chỗ sa vào hình sự thì mong bạn đọc cũng thông cảm cho.
Vâng! Sau khi tạm biệt đôi vợi chồng có mười hai và khả năng là mười bốn con ấy ra đi, chẳng ngờ chỉ có mỗi mình tôi tiếp tục được cuộc hành trình. Tuấn xuôi luôn Vũng Tàu như lời cậu ta nói, còn Ba Thành đột ngột lên cơn đau đầu dữ dội phải nằm lại bệnh viện Long Khánh. Cả hai dường như ý nhị tìm cớ thoái thác để tôi được tự nhiên sống lại với phần hồn của mình mà họ đoán hiểu sẽ buồn nhiều vui ít nếu không muốn nói trắng ra rằng, đó chỉ là một hành động ném đá lên trời.
Kệ! Tôi ra đi một mình như thể số phận đã luôn luôn sắp xếp tôi phải đi một mình, phải chứng kiến cái kết cục bi thảm của màn kịch cuộc đời ấy chỉ một mình, đúng thế.
Phải lận đận suốt ba ngày trong cái chòm xóm nằm sâu dưới chân núi cách xa đường quốc lộ ấy, tôi mới đón gặp được viên đại uý kia. Anh ta trốn, không muốn tiếp ai hết. Đến ngày thứ tư, tôi đành phải sục vào phòng ngủ của anh ta giấc giữa trưa, khi biết chắc rằng con người ở ẩn này đang có mặt tại nhà.
Đó là một người đàn ông chừng bốn mươi lăm tuổi, dáng nho nhã, luôn luôn đeo kính trắng, nói bằng một cái giọng Bắc lai tạp, nhỏ nhẹ mặc dù trên thân hình vẫn còn khoác nguyên bộ quần áo làm vườn lấm lem đất cát. Lại làm vườn? Vườn tược đất đai trong này sao sẵn quá! Vài trăm gốc điều, mấy trăm gốc cà phê, buổi sáng chim hót, tối về tắc kè kêu... Tất cả những cái đó sẽ cho anh một cõi sống yên hàn, no đủ và thoát tục. Chỉ cần thế thôi chứ kiếp đời còn đòi hỏi cái gì hơn nữa. Người đàn ông này sau một đoạn đời chật vật chắc cũng đang sống trong hoàn cảnh điền viên thơi thoáng mà lợi tức hàng năm bật ra từ điều, từ rặng cà phê lúc lỉu trái đỏ trái vàng kia. Chao, tuổi trẻ, con người ta hay nghĩ đến bầu trời và biển cả, về già lại chỉ hun hút thâu tóm cảm xúc mình vào mấy miếng đất hắt hiu màu cỏ dại thế này thôi sao?
Mải nhìn ngắm lòng mình qua mảnh vườn mát rượi, tôi không để ý thấy đôi mắt cận queo nằm sau cặp kính trắng đang ngó tôi trừng trừng.
Tôi cũng ngó lại và... thoáng chốc bỗng nhợn người! Quen lắm!
Quen quá! Dường như đã gặp, đã nghe ở đâu rồi? Trong rừng? Ngoài Hà Nội? Vùng Tây Đô sông nước hay trên đường phố Sài Gòn?
- Thưa... Xin hỏi - Anh ta rụt rè - Ông có phải là ... ông Hùng? Chỉ huy đội đặc nhiệm ở vùng tây nam sông Sài Gòn?
Một vệt sáng loé lên trong đầu tôi:
- Có phải anh là... là cái người đã trốn trong số bảy người hôm ấy?
- Dạ!
Tiếng dạ trầm trầm đó đã đục toang tất cả. Tôi đưa bàn tay ra cho anh ta nắm lấy... Trời đất! Tay đàn ông gì mà mềm ẹo, dấp dính mồ hôi?
- Chà! Một khoảnh khắc nhập nhoạng ấy mà anh vẫn còn nhớ được. Giỏi!
- Người chịu ơn nhớ người ra ơn chứ mấy khi ngược lại, huống hồ đây lại là một cái ơn cứu tử, thưa ông.
- Cám ơn! Nhưng thực ra bữa ấy anh chỉ ăn may thôi.
- Tôi hiểu. May hay không nhưng ít nhất nó cũng bộc lộ cái con người thật của ông.
- Thôi bỏ qua chuyện cũ – Tôi cười gượng – Sao, khoẻ chứ?
- Dạ! ... Ông Hùng khác đi nhiều quá! Duy đôi mắt và cặp lông mày rậm là không thay đổi mấy. Hồi đó ông khoẻ và mạnh như một dũng sĩ da đỏ, gặp một lần nhớ mãi, phục mãi. Khi trở về thành, thỉnh thoảng kể lại cho mấy đứa bạn ruột nghe, họ nói “Việt Cộng cỡ vậy, làm sao ta thắng?”. Và riêng tôi, sau lần gặp và được ông vô tình giải thoát ấy, hình như bên trong mình cũng bỗng nhiên cảm thấy cần phải thay đổi đi một cái gì đó.
- Cám ơn! – Tôi lại buông ra một tiếng cám ơn chua chát – Tuy vậy, cái bận anh trốn thoát đó, ở lại, tôi chịu bao nhiêu phiền phức, cũng rầy rà lắm, nói lại nghe vui. Rồi sau đó anh đi đâu?... May mà không dính đạn của nhau.
- Dạ! Tôi vẫn ở đó. Sau đấy có gặp lại ông một lần nữa...
- Gặp tôi? Lần nào?
- Dạ!... Nhắc tới thêm buồn. Cái lần ông và một người đàn bà vừa nhảy lên khỏi căn hầm mật đang bị đánh mìn ở giữa ấp...
- Thôi đừng nói nữa!
Tôi vội xua tay và thấy lồng ngực mình nóng hực lên. Vệt sáng thứ hai chém thẳng vào ngực tôi, khuấy đảo. Tôi quay đi khỏi phải nhìn vào cặp mắt cận lúc này đang tỏ ra rất hiền lành ở ngay trước mặt. Có một cái gì đó mơ hồ nhưng cũng lại rất rõ ràng như những vụn sáng lấp lánh ở tất cả mọi chuyện vụt lả tả rơi xuống dòng cảm nhận của tôi.
Tôi nhè nhẹ thở ra để giọng nói của mình khỏi rung lên:
- Thế anh là người chỉ huy trận ấy?
- Dạ!...
- Sao? – Tôi tiến lên một bước – Chính anh là người cho mìn đặt ở miệng hầm và cũng chính anh đã bắn bỏ...
- Xin ông bình tĩnh – Anh ta cúi xuống - Đúng là chỉ huy nhưng tôi chỉ là cố vấn chỉ huy. Ra những mệnh lệnh trực tiếp khi ấy là người khác. Hoàn toàn khác.
- Phải chăng... – Mắt tôi dịu lại – Anh là cái người tôi nhìn thấy vào giây phút chót cùng khi quay đầu lại?
- Dạ!...
- Thế đấy! Chà, trận ấy mấy anh làm dữ quá! Chút nữa thì banh xác cả một đơn vị chúng tôi – Tôi nói để làm chùng không khí xuống – Nghĩa là trận ấy anh chỉ giữ vai trò cố vấn.
- Dạ! Không được như cố vấn – Anh ta cười nhẹ – Nói vậy, dễ thường ông nghĩ rằng tôi đang cố tình chạy tội. Sau hơn chục năm đi cải tạo về, tôi còn gì nữa đâu để chạy. Tôi đã trả giá đủ bằng sự trắng tay của mình hiện giờ. Chỉ huy trực tiếp bữa đó là một trung uý nổi tiếng hung tàn, có thể tôi sẽ có dịp nói đến con người dã thú này sau. Còn tôi, lúc ấy, trước đây và mãi mãi sau này, tôi chưa bao giờ được họ tin dùng để một lần cầm gậy chỉ huy trong khi phía các ông lại luôn luôn ấn tượng rằng thành phần cố vấn bao giờ cũng nguy hiểm hơn thành phần trực tiếp giết chóc, nên cần phải cải tạo kỹ càng hơn. Oan! Nhưng thôi, không nên nói lại chuyện cũ. Bây giờ tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình tuy vợ tôi không chờ đợi nổi đã bỏ đi lấy chồng, chồng cách mạng, làm to hẳn hoi. Thôi, cũng mừng cho cô ấy dẫu rằng, biết tin tôi về, cô ấy đã khóc xin được trở lại. Tất nhiên tôi không thể chấp nhận. Sang năm, nếu ông có dịp vào đây, mời ông dự đám cưới tôi, một đám cưới muộn mằn. Tôi cưới một người đàn bà goá, vợ một chiến sĩ cách mạng. Cuộc đời đan chéo, hạnh phúc đan chéo, ông thấy số phận sắp xếp lạ không?
Không để cho anh ta nói tiếp, tôi cắt ngang:
- Người đàn bà lên khỏi hầm cùng với tôi có chết không?
Mặt anh ta bất thần sựng lại, có một chút chấp chới ẩn sâu trong đáy mắt. Một lát...
- Dạ!... Chết!
- Không đúng! Anh trả lời không đúng!
Anh ta nhìn tôi một lúc lâu như thăm dò, như nắm bắt, như không nhìn gì cả rồi kéo tôi vào nhà, lặng lẽ lôi vò rượu rắn ra...
- Ông vẫn giữ được cái lối hỏi thẳng băng, ghê gớm như hai mươi năm về trước. Bây giờ tôi xin kể hết với ông như tư cách hai người đàn ông, hai người lính, hai con người ít gặp may trong cuộc đời này – Giọng anh ta chậm rãi, buồn buồn - Ông dùng với tôi một ly! Rượu tôi nấu lấy, rắn tôi tự bắt trên rừng, uống cũng được. Mời ông! Dạ, ngay từ hôm đầu ông tới, thoạt nhận ra ông, tôi đã giật mình lo ngại nên tôi tránh. Vì tôi dư biết ông tìm đến đây là vì cái gì. Tôi muốn ông phải thất vọng trở về. Nhưng nhìn dáng điệu tội quá, lại trạnh nhớ đến con người và đức độ của ông ngày xưa nên tôi cầm lòng không đặng. Vâng! Ông làm ly nữa? Tuổi tác chúng ta bây giờ không thể thiếu được cái thứ này. Đáng lẽ tôi sẽ im lặng, im lặng đến lúc chết nhưng riêng với ông, tôi lại có nhu cầu thổ lộ như một lời bộc bạch với chính mình. Cuộc đời đã xô đẩy cho tôi và ông giống nhau, gặp nhau ở một điểm nào đó mà nếu thiếu nó thì con người ta chẳng nên sống làm gì nữa. Đó là tình yêu. Dạ, cứ gọi trắng ra như thế dù cho đối với tôi lúc này hai tiếng đó nghe xa vời, lạc lõng dữ lắm rồi. Tôi sẽ kể, thà tôi mang lỗi với người kia còn hơn mang tội với ông. Duy có điều này ông nhớ hộ: ngoài tôi ra, chuyện này chỉ có một mình ông biết. Thì cũng là một cách tôn trọng lời hứa với người ta. Nhưng điều hệ trọng hơn là tôi không thể xúc phạm đến hương hồn người quá cố – Cô Hai Hợi.
Bạn đọc thân mến! Từ đây trở đi cho đến lúc cái thảm kịch kia xẩy ra, tôi không còn việc gì để kể với các bạn nữa. Câu chuyện của người đàn ông này sẽ nói giúp cho tôi mọi điều. Mời các bạn!
Thưa ông, tôi xin được bắt đầu từ Hợi, người đàn bà đã tạo cho tôi một tình yêu quá nhiều thống khổ nhưng cũng không thiếu ngọt ngào.
Như ông đã biết, tính tình của Hợi thật là kỳ quặc. Như thể ở cô ấy hội tụ hết thảy những đen trắng, xấu tốt, tàn bạo vị tha, cứng cáp yếu mềm, thánh thiện và quỷ sứ của một người đàn bà. Tôi vốn là dân Bắc di cư, học hết tú tài và võ bị Đà Lạt. Thú thật, ngay từ phút đầu gặp cô ấy, tôi đã như kẻ bị hớp mất hồn. Mà cũng khỗng hiểu tại sao nữa? Đẹp thì cũng không phải là đẹp, tài cũng chưa ra tài, cách thức đưa tình gợi cảm còn kém các cô gái sành điệu xa. Mãi về sau, khi Hợi không còn nữa, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, toàn bộ sức quyến rũ đối với cánh đàn ông của cô ấy là cách sống và yêu hết mình, yêu tận đáy, yêu tận tuỷ, cho hết, yêu không giữ lại cho mình một cái gì cả. Có thể vì thế mà khi bị phản bội, cô ấy cũng trả lại sự hận thù cũng bằng một cường độ không kém, có khi còn tàn bạo hơn. Tôi nghĩ cái tâm hồn đó là dấu vết của một vùng đất hoang sơ, bạo liệt in hằn lên, vùng đất ở cực tây Nam Bộ. Xin lỗi ông, tôi đâu có muốn luận bàn về đàn bà cho dù tôi cũng khá tường tận về họ và từng bị họ làm cho điêu đứng khốn khổ. Sĩ quan Đà Lạt ga-lăng có tiếng và chịu chơi ngất trời, chắc ông không lạ. Còn tôi, vì một nguyên cớ nào đó mà bản thân tôi cũng chưa ý thức hết được, tôi đã may mắn, hay bất hạnh khi lọt được vào mắt Hợi. Sau này, sau một đêm thức trắng với nhau. Hợi đã nói: “Tường biết không? Dạ tên tôi là Tường, bọn đàn ông bâu quanh em đâu thiếu, cứ vo ve suốt ngày đêm như nhặng vàng nhưng em chỉ thương một mình Tường. Tường có đôi mắt lạ lắm! Nhìn vô lâu có thể khóc được. Giống đôi mắt của con nai con lạc mẹ trong vườn thú. Con đàn bà như em có thể ngủ với cả chục thằng, khoái với vài trăm thằng nhưng thương thì chỉ có một thôi. Vì thương còn mạnh hơn yêu. Thương là vợ thương chồng, mẹ thương con, thương vô điều kiện, miễn là người được thương thấy hạnh phúc”. Tôi tin điều Hợi nói mặc dù biết em nói chưa đủ. Những giờ khắc có được ở bên nhau, tôi bị cái tình thương ấy trào ra đến ngạt thở, không còn biết mình là ai, ở nơi nào, đang làm gì nữa. Mạnh mẽ, nghệ thuật, thô rám như gỗ nhưng lại mềm như tơ, từng nhịp thở, từng tế bào đều tận cùng dâng hiến. Hợi đã tạo cho tôi một cảm giác lần nào cũng như lần đầu, đói khát, ngấu nghiến như chưa hề một lần biết mùi đàn bà. Xác thịt và linh hồn của cô ấy hoà quyện vào nhau nhuyễn như một. Nói thật, tôi đã đi qua đời không ít các thiếu nữ và cũng khá nhiều các thiếu phụ nhưng lúc gặp Hợi, tôi mới chưng hửng: Hoá ra mình chưa biết một tí gì về đàn bà cả.
Ông đừng cười tôi dài dòng tâng bốc. Tôi có tâng bốc nữa thì cũng chưa thể nói hết được những gì Hợi có đâu. Có Hợi rồi tôi không màng đến một cái gì khác. Phẩm hàm tướng tá, công danh địa vị, tất cả đối với tôi đều không bằng một cái cười đắm đuối của cô ấy. Tôi đã tính vất bỏ hết thảy: xe hơi, nhà lầu, bỏ những trận đánh không mục đích và, cái này mới tệ hại, tôi sẵn sàng bỏ luôn cả cô vợ lộng lẫy, văn hoá cao, vốn là con gái rượu một vị tướng ở Bộ Tổng tham mưu và nhờ có cô, tôi đã được thăng cấp tước trước thời hạn, cũng như sẽ hứa hẹn cho tôi một tương lai hết sức sáng sủa. Bỏ hết, để được ngày ngày ở bên cạnh Hợi. Đàn bà lạ lắm, ông thấy không? Đối với chúng ta, giá trị của họ không phụ thuộc bao nhiêu vào sự danh giá, kiến thức và dòng dõi. Thậm chí họ dốt một tí, ngơ ngơ, đêm tối một tí càng hay, càng có cớ để ta chống gậy đi thăm dò.
Biết tính Hợi quyết liệt và sòng phẳng, tôi đâu dám nói vụ vợ con. Nhưng rồi cô ta cũng biết, biết qua một tay thượng sĩ dưới quyền tôi. Chính hắn, để tâng công và để tìm đường lọt vào cõi lòng đang trống rỗng đau khổ của vợ tôi, đã lén chụp được toàn bộ những cảnh yêu đương, ân ái, dạo chơi của hai đứa tôi đem cống nạp cho cô ấy. Một màn đối chất độc địa theo kiểu Hoạn Thư được dàn dựng. Tất nhiên Hợi không bao giờ để mình rơi vào vị trí bẽ bàng của nàng Kiều nhưng thế cũng là đủ. Từ đó Hợi hoàn toàn cự tuyệt tôi, cho tôi là xảo trá, hèn hạ, không xứng đáng với tình yêu của Hợi. Mặc cho tôi van xin khóc lóc, cả đập đầu xin lỗi nhưng cô ấy đuổi thẳng tôi ra khỏi cửa. Mấy ngày sau, Hợi cuốn tém các thứ đi vào rừng, chẳng để lại cho tôi lấy một chữ gọi là.
Đó cũng là thời kỳ bị chuyển sang làm đặc phái, làm cố vấn của tôi. Nói theo cách nói của các ông thì có nghĩa là tôi bị treo giò, bị mắc-kê, bị theo dõi, cần thử thách thêm. Lý do rất đơn giản: Không có Hợi, tôi chả còn thiết gì nữa, kể cả phận sự đao binh. Đời tôi bắt đầu tuột dốc. Vợ tôi công khai đi lại với gã thượng sĩ bò đực để trả thù tôi nhưng vẫn không chịu bỏ tôi vì có lẽ... vẫn còn yêu tôi. Nói thêm một chút về gã thượng sĩ này: Thằng cha cao to như lính Mỹ nhưng lại mang trái tim của lính Đại Hàn, một loại lính khát máu chắc ông đã biết. Gã nói năng bặm trợn, trên dưới chả nể sợ ai, rất vũ phu nhưng cũng rất mềm mại tuỳ lúc và có niềm say mê diệt Việt Cộng... xin lỗi, diệt đối phương khét tiếng. Sức vóc trận mạc cũng như vóc làm tình của hắn chắc dữ dằn lắm nên mỗi lần hắn đi chém giết trở về, tôi để ý thấy người ngợm cô vợ tôi cứ gầy rạc đi. Tôi thây kệ. Ả trả thù vậy chứ trả thù nữa, tôi cũng coi như không. Vậy mà oái ăm, chúng tôi vẫn phải là vợ là chồng, vẫn không dám đả động tới chuyện ly hôn. Không hiểu bằng cách nào đó, cũng có thể do thằng người tình vâm con kia cung cấp, vợ tôi nắm được tư tưởng phản chiến của tôi trên tất cả những bằng chứng cụ thể nhất. Nếu tôi giở trò, ông bố vợ có cái nhìn lạnh như tiền nhất định cho điệu cổ tôi ra toà án binh ngay.
Tưởng làm vậy sẽ khiến tôi đau khổ nhưng thấy tôi vẫn trơ ra, ả giận điên lên và nói thẳng vào mặt tôi: “Anh chỉ là một thằng đàn ông liệt dương khốn nạn!”. Đúng, tôi liệt thật nhưng ả đâu có biết rằng toàn bộ ngọn lửa tâm sinh lý của tôi đã bị hút vào cụm rừng bên kia sông cả rồi. Ả ta vẫn yêu tôi. Càng bị lạnh lùng, càng bị phản bội càng yêu, đàn bà họ kỳ thế. Và nói cho cùng, đối với vợ con, tôi là một thằng đàn ông khốn nạn, chả ra gì, cô ấy phỉ nhổ tôi là phải. Cuối cùng, không chịu nổi thằng cha bò mộng kia nữa, ả chán nản chấm dứt cuộc trả thù tôi bằng cách máy móc ráp tống cổ gã xuống đơn vị với chức phận trung đội trưởng thám kích.
Rồi một thời gian khá lâu sau đó, tôi bị bắt và may mắn được gặp ông. Chắc ông sẽ nghi ngờ mà nghĩ, đang trong tâm trạng ủ ê thế mà sao tôi vẫn có thể chỉ đạo tốp thám báo đánh phá rừng ác liệt như vậy?
Dạ! Bao nhiêu lý do tế nhị khó kể ra một lúc nhưng chỉ biết rằng chiến tranh luôn có những niêm luật khắt khe vượt ra ngoài mọi ý muốn của con người.
Đau nhất là thời gian này tôi lại không hề biết Hợi đã bỏ rừng ra ấp. Cái đêm trốn khỏi tay các ông, tôi chưa dám trở về tiểu khu ngay. Chắc cũng giống như bên các ông thời ấy thôi: đã bị bắt rồi mà còn dẫn xác ra được là hết độ tin cậy, không còn ra người nữa, huống hồ một người dù không bị bắt cũng đã quá ít độ tin cậy như tôi. Tôi ghé qua nhà má nuôi tôi ở cùng một xã với Hợi để nghỉ ngơi, vừa là để thử nghe ngóng động tĩnh ra sao. Chẳng ngờ tôi lại gặp chính cô ấy ở đó. Kinh ngạc và xúc động đến ứa nước mắt nhưng cũng lại thấy thật buồn! - Xin phép cho tôi nói thật: không hiểu cuộc sống ở rừng thế nào, cũng không hiểu các ông rèn luyện con người ta theo lối ép xác ra sao mà Hợi đổi thay nhiều đến dễ sợ, không còn nhận ra nữa, đến khi nhận ra rồi, lại cứ mong là không phải cô ấy. Nhưng tôi vẫn đem lòng yêu. Yêu cái cô Hợi óng ả, đắm đuối này xưa đang còn tiềm ẩn trong cái cô Hợi đầy vẻ phong trần, bụi bặm hôm nay. Tôi yêu một người rừng.
Vậy mà trớ trêu thay, Hợi lại vẫn hoàn toàn dửng dưng với tôi, như thể mọi chuyện trước đây giữa hai người chỉ là trong mộng. Ngay từ phút đầu gặp lại, Hợi đã không muốn chuyện trò, nhắc tới cái gì hết. Cô ấy bảo mình đã có chồng rồi, một người chồng tuyệt vời, tìm cả gầm trời này không có. Hơn nữa, cô ấy bực mình nói thêm: “Trong mọi điều chán ngán ở đời, cái trò yêu lại là chán ngán nhất”. Tôi biết thế là không còn hy vọng gì nữa. Cô ấy là đàn bà nhưng tính khí nam nhi, không khi nào nói hai lời.
Tình cảnh hai đứa lúc đó lại rất nguy nan. Hợi thì bị chính quyền gọi lên gọi xuống, đe doạ, thẩm tra, dụ dỗ, kêu sẽ đưa lên cục an ninh quân đội, lên Tổng nha cảnh sát, Tổng nha chiêu hồi để xác minh thêm. Hợi trả lời: “Mời! Cứ đưa lên ông Thiệu luôn cho gọn một lần”. Cuối cùng viên trung uý chi khu trưởng yêu cầu cô vẽ sơ đồ căn cứ bên sông và dẫn lính đi. Ông biết Hợi trả lời sao không? Cô ấy đứng giữa công sở nói to: “Tôi chán chiến tranh, chán cách mạng, chán luôn cả Quốc gia nên tôi mới vứt súng trở về làm người mần ăn bình thường. Bây giờ mấy ông tính sử dụng tôi vào trò chém giết nữa thì tiểu nhân quá! Vậy thì cứ mổ bụng, moi gan tôi ngay đi cho rảnh nợ - Tôi đang muốn chết mà chưa tìm cách nào chết cho lẹ đây”. Nói rồi cô ấy xé toang ráo trọi quần áo, xé cả đến nịt ngực và mảnh quần lót cuối cùng, đổ người nằm ngửa giữa nhà, mắt nhắm lại tỉnh bơ... Thế là họ ngán, họ bỏ qua luôn. Chính thể nào cũng chẳng dại gì xô đẩy người đàn bà đến bước đường cùng, nhất lại là một người đàn bà nổi tiếng liều lĩnh và táo tợn như cô ấy, phải không ông? Về phần tôi, sau khi ra trình báo với tất cả những bằng chứng không mấy thuyết pục, cơ quan an ninh quân đội cũng tạm tin mà không nỡ hành lên hành xuống gì nhiều. Chắc cũng do cái tạng người của tôi, họ nghĩ rằng dù ở bên này hay bên kia, tôi cũng chả làm nên trò trống gì. Chỉ có bên các ông sau này lại đánh giá tôi hơi cao nên... xin lỗi, giam giữ kỹ quá!
Mời ông uống thêm một ly nữa! Thứ rượu này chỉ tạo ra sự ngây ngất chứ không nhức đầu, sảng khoái lắm. Dạ, đã lâu lắm rồi tôi mới lại có được một buổi nói chuyện thành thật như thế này, lại nói chuyện trước ông, một nhân cách tôi hằng kính trọng từ lâu. Sau Paris, có lẽ cả hai bên đều đã thấm mệt nên mọi nguyên tắc sắt thép có phần phi nhân được áp dụng trước đây bỗng trây ra, mềm èo trở lại. Tất mhiên ông tiểu khu trưởng, tức tỉnh trưởng, nguyên là thầy học của tôi cũng góp một lời bảo lãnh. Ông này cũng đã được ra khỏi trại và hiện đang sống với vợ con ở Sài Gòn. Ông ta có tiêu chuẩn bảo lãnh đi Mỹ nhưng không đi, trong khi đó, nói cái chuyện này ra cứ thấy tức cười; rất nhiều người trước đây tìm mọi cách để không phải đi cải tạo, để không bị liệt vào diện ác ôn nhưng từ khi có chế độ bảo lãnh chính trị này, ai cũng kêu to lên rằng mình trước đây có nợ máu, có mối thù thâm căn cố đế với Cộng sản, có vào diện cải tạo lâu dài... Mục đích chỉ để được người Mỹ gọi đến tên. Lố bịch!
Trở lại cái chuyện tôi tạm thời không bị nghi vấn. Lắm lúc tôi bạo nghĩ: giá như dân mình đánh lộn nhau chừng mươi năm nữa thì dám vừa ngáp vừa nổ súng quá, và rồi cuối cùng tự ôm lấy nhau dàn hoà.
Được tự do nhưng Hợi càng hắt hủi tôi, có bận hắt hủi rất sỗ sàng, đúng với tính khí của cô ấy, vậy mà tôi không nản. Trong cái chuyện trai gái này, nó phải duyên phải số, nó bắt tinh bắt thóp, nó được tiền định xếp đặt thế nào ấy, lạ lắm, càng bị khước từ, tôi càng lao tới.
Giai đoạn này Hợi không ở quê nữa mà lên hẳn thị xã lập nghiệp. Ông có mường tượng ra cô ấy lập nghiệp thế nào không? Mở quán bán bar. Cuộc chiến đang vào giai đoạn cuối, thanh niên bị bắt lính càng nhiều, và đã mang áo lính rồi thì hầu hết đều lao vào cờ bạc, rượu chè, trai gái để đốt cháy những ngày tháng hãi hùng, đốt cháy nỗi chán chường. Quán bar của Hợi lại nằm gần sân bay nên khách khứa ra vào dữ lắm. Chả mấy hồi mà cả quân khu, cả tỉnh, cả vùng đều nức tiếng cô chủ quán Việt Cộng chịu chơi hết sẩy! Quán mang tên Đêm rừng. Tôi hiểu chắc không thể là ngẫu nhiên mà Hợi đặt cái tên ấy cho quán của mình. Đến với Đêm rừng có đủ các loại người. Tướng tá có, dân thường có, nhà giàu nhà nghèo, kẻ lưu manh, người đứng đắn, dân trí thức, đứa vô học... có hết. Và trong số khách đến quán thường xuyên, tôi thấy có cả gã thượng sĩ nữa mà hắn đã đeo lon trung uý, nghe đâu sẽ còn lên nữa. Vùng tiền đồng ác liệt đã không giết chết được hắn mà chỉ tôi rèn thêm cái chất tàn bạo, đểu giả trong hắn mà thôi. Sau một số công trạng gần như đã trở thành một huyền thoại người hùng, hắn được trở lại vùng này để tiếp tục đánh phá. Hắn thường lai vãng ở quán không phải vì ba cái đồ nhậu bình dân khô khan lại chẳng có món đực cái này. Hắn đến chính là vì cô chủ quán. Ngay từ buổi đầu chợt nhìn thấy đôi mắt ngầu ngầu của hắn dòm như muốn dứt tung quần áo của cô ấy ra, tôi đã dự cảm có điều gì đó không tốt lành.
Xin lỗi đã làm ông mệt đầu vì tôi cứ đi kể lể mãi về người đàn bà này trong khi tôi biết ông đang muốn tường tận về người đàn bà khác. Thực chất nó là một mà tinh một chút, ông sẽ đoán ra phần chót của câu chuyện.
Thấy tôi tội nghiệp quá, và cũng chân thành quá, dần dần Hợi không xua đuổi tôi nữa nhưng từ trong gan ruột, cô vẫn chỉ coi tôi là bạn. Bạn để tâm tình. Một lần ghé lại, tôi ngạc nhiên thấy Hợi đang thầm lặng làm đám giỗ một mình. Trên bàn thờ không thấy hình ai, chỉ có một tấm võng ni lông đã cũ được gọi gọn trong giấy bóng kính đặt trên đó, tôi hỏi, cô không trả lời. Mãi mười ngày sau, vào một buổi tối mưa tầm tã, nhân quán bar phải tạm đóng cửa để sang sửa đồ đạc do bọn lính biệt động dù thất trận về đây phá phách, ăn nhậu, bắn lộn nhau, Hợi đã kể lại cho tôi nghe trọn vẹn mối tình của cô với một người thứ tám tên gì đó tôi không nhớ hồi ở trong rừng. Vừa rồi là giỗ đầu của con người ấy. Tin tôi và vẫn còn đôi chút quý tôi, cô tâm sự: “Nhớ rừng quá! Nhớ con nhỏ em và bạn bè ở trỏng quá! Dù thế nào, những ngày ở rừng vẫn là những ngày đàng hoàng nhất. Nhiều phen muốn trở lại nhưng trót lỡ rồi. Trở lại lúc này, lúc tình thế cách mạng đang lên, nhục lắm!”.
Hợi có kể rất nhiều về Ba Sương, cô em bà con cùng ở miền tây dắt díu nhau lên đây mần ăn từ hồi nhỏ. Cô ấy bảo Ba Sương là một cô gái dễ thương nhất trong tất cả các cô gái sinh ra trên đời này. Vừa kể cô ấy vừa khóc, nói không hiểu bây giờ cô em ấy sống chết ra sao. Tất nhiên có kể cả về ông. Về mối tình lãng mạn giữa ông và cô em ấy. Tôi không dám nói lại cái lần gặp ông và Ba Sương ở trong rừng, sợ cô trạnh lòng, thêm chán ghét tôi. Thú thật, phải đến lúc ấy tôi mới chợt nhớ ra hai chị em có những nét giống nhau đến lạ lùng, mặc dầu nhìn kỹ lại hoàn toàn khác, mặc dù tôi mới thoáng nhìn thấy Ba Sương đôi lần vào cái đêm rùng rợn ấy.
Thưa ông! Cuộc đời của Hợi sẽ cứ trôi chảy trong sự làm ăn ngày một khá giả, trong nỗi nhớ rừng và cô em gái âm thầm cho tới tận ngày ngừng bắn nếu như không có một biến cố xảy ra.
Ấy là cái lần Hợi đột nhiên đóng cửa quán bỏ đi đâu tới ba, bốn ngày trời, khiến thiên hạ đã quen ăn hàng xôn xao cả lên. Khi trở về, người ta thấy cô buồn rũ rượi, buồn rầu hơn cả cái đận cô ấy mới ở rừng ra. Hợi như người mất hồn, mặt mày phờ phạc, hai tròng mắt trống lỗng, suốt ngày đêm không bước chân ra khỏi nhà. Khi tôi đến, mà cũng chỉ mình tôi có thể đến, đã không còn thấy cái bàn thờ dựng ở sát tường nữa. Tấm võng ni lông cũng bị quăng vào góc nhà, mặc cho mạng nhện chăng đầy. Linh cảm mách bảo cho tôi hay một cái gì đó đã xẩy ra với Hợi nhưng không dám hỏi, không tiện hỏi.
Ngày hôm sau, như cô ấy kể, gã trung uý mò tới. Lâu nay gã đã nhằng nhẵng theo đuổi cô bằng tất cả những trò gì gã có thể có được. Lúc ngọt dịu, lúc dữ dằn, tuần này đau đớn ủ ê, tuần sau đã lại gầm gào, giơ móng giơ vuốt, khi thì kêu nghèo, kêu bất hạnh, lúc lại đổ lên người cô hàng lạng vàng, lạng đá quý... Tất thảy đều bị Hợi gạt bỏ trong cái nhìn khinh bỉ, căm ghét, thậm chí có lần còn hất cả một chậu nước hành kinh vào mặt gã khi nửa đêm gã dám đường đột trèo qua cửa sổ vào giường ngủ của cô. Ai đó còn nói, cô thường có súng phòng thân và không ít lần bằng tay không đã đánh gục những thằng đàn ông ngứa nghề như gã. Hợi bảo tôi: “Anh là bạn của Hợi, tình nguyện làm vệ sĩ cho Hợi, vậy mà anh lại nhắm mắt làm ngơ cho cái thằng khốn nạn đã cướp vợ của anh ngày nào cũng vác mặt tới quấy rối à?”. Vốn tính nhu nhược từ bé, càng đi sâu vào trận mạc càng nhu nhược, lại tự biết rằng dính tới bọn côn đồ vô học như gã là rất mệt, thường là thất bại ê chề nên tôi đành cúi mặt làm thinh, dù biết thế là nhục, là đào sâu thêm cái hố ngăn cách tình cảm giữa cô và tôi.
Chẳng ngờ cái triết lý phủ nhận bạo lực làm thinh hèn yếu đó đã góp phần đẩy cô ấy đến một bi kịch không cách nào cứu chữa được.
Tôi nói tiếp cái chuyện ngày hôm sau gã trung uý mò đến quán đêm rừng. Lần này hắn đến với một bộ dạng hoàn toàn khác - vẫn lời của cô ấy - Quân hàm, quân hiệu, sao gạch, súng ống, mũ mãng đầy đủ. Hắn đến để thực thi công vụ, để toan tính làm một cái cú áp-phe ái tình. Không cần biết thái độ của Hợi ra sao, vào một cái, hắn gài ngay cửa lại rồi độp luôn: “Thế nào? Tôi đến đây để nói một lần cuối cùng là tôi thương em, thích em, muốn ăn đời ở kiếp cùng em và chờ câu trả lời của em ngay tại đây, ngay bây giờ!”.
“Cút đi!” Cô ấy quát. Hắn cười: “Lần khác thì có thể đấy nhưng lần này thì không!” Nói rồi hắn xỉa ra giữa giường một tập ảnh, toàn những bức hình chụp gọn chuyến đi vào rừng vừa rồi của cô ấy. Cô gặp ai, nói chuyện với người nào, cô khóc, cô cười, ngồi trong lán, ngồi bên suối... đều có. Đặc biệt bức hình nào cũng dính đến cái con người mang thứ Tám kia. Tám... Hoà? Không, Tám... Tính, vâng Tám Tính, tôi nhớ ra rồi!
Để cho Hợi sững sờ nhìn chán tập ảnh, gã mới quật ngửa lá bài: “Một là em sẽ bị bắt ngay bây giờ giao cho bọn an ninh quân đội, sẽ bị tra khảo, bị nhốt chuồng cọp, bị rắn độc chui ống quần, chui cửa mình, bị đánh đến tắt kinh, đến tuyệt đường sinh đẻ, bị hãm hiếp hội đồng... Hai, em sẽ là của tôi, mãi mãi và cũng ngay bây giờ. Chọn đi!”.
Lúc ấy là vào buổi sáng. Cô ấy thẫn thờ rất lâu rồi quay đi trả lời: “Anh khốn nạn và đê tiện lắm nhưng thôi được rồi! Tối nay anh quay trở lại đây. Ai lại làm cái trò đó giữa ban ngày ban mặt, kỳ lắm!” “Ô kê! - Gã nói - Buổi tối. Nhưng cô Việt Cộng trớ giở trò gì và nhất là đừng có bỏ đi đâu. Quanh nhà đã có người của tôi canh chừng, động dạng gì là bị bắn bỏ ngay, bắn bỏ như bắn bỏ một phần tử nguy hại đối với Quốc gia có đầy đủ tang chứng!”. Và hắn đi.
Lát sau thì tôi đến và đấy là tất cả những gì Hợi kịp kể cho tôi nghe. Không ngờ rằng đấy lại là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy cô, được nghe cô ấy nói!... Tôi hỏi: Em tính sao? Chả lẽ lại đành... Hợi nhìn thẳng vào ánh mắt tôi rất lâu rồi hỏi lại: "Anh có dám mạng đổi mạng để cứu thoát em ra khỏi vòng tay của hắn không?”. Tôi gật đầu mặc dù chưa biết cứu cách nào? Hợi cười buồn: “Nói giỡn thế thôi. Anh không làm gì nổi đâu. Và nếu có định làm thì anh cũng không phải đối thủ của nó. Ôi, ông đại uý chuyên ngồi văn phòng của tôi!”. Thằng đàn ông trong tôi dẫu có èo uộc thế nào đi nữa thì lúc ấy cũng phải chồm dậy: “Tất nhiên, không ai có thể là đối thủ của bọn lưu manh, nhưng – Tôi rút khẩu ru-lô ra khỏi vỏ vung lên – Nếu cần, tôi cũng sẵn sàng vì em mà làm kẻ lưu manh hơn hắn. Tôi quyết định sẽ ở đây cùng em dến tối!”. Em cười, tiếng cười vang lảnh lói, cười rất lâu cho đến tận bây giờ bên tai tôi vẫn văng vẳng tiếng cười kinh dị và đau lòng đó. Khi em không cười nữa thì nước mắt bắt đầu chảy ra. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến em khóc nên đầu óc tôi muốn tan chảy thành bèo bọt luôn. Hợi bảo tôi ra đóng cửa lại rồi lên giường nằm với cô ấy. Và cũng là lần đầu tiên tôi được nghe từ em một giọng nói rất đỗi dịu dàng: “Tường ơi! Nếu trước kia em thương Tường được là vì anh là người Bắc. Anh tế nhị, dịu dàng, anh biết yêu biết chiều em. Trái tim nổi loạn và thô rám của em nghĩ rằng có thể ngủ bình yên trong tâm hồn đôn hậu, mềm mại của anh, của hầu hết những người con trai xứ Bắc mà đàn ông trong này không có được. Nhưng nay cũng chính vì anh là người Bắc, chất người hay đắn đo sau trước, chất người ít dám quyết định một cái gì ngoài bản thân mình, chất người không hợp với chiến tranh, với những hoàn cảnh bạo liệt nên em buộc phải xa anh, em không thể thương anh được nữa mà cái chuyện anh dối em rằng chưa có vợ có con kia chỉ là một biểu hiện. Cũng vì thế mà em không muốn anh dính vào cái chuyện trung uý này, nó làm hư anh đi, nó làm anh không còn đúng là anh nữa. Em muốn ít nhất trong một vài chuyện đục ngầu, anh có quyền được đứng ngoài với cái vẻ hiền hoà, trong trắng vốn có ở anh, cái vẻ mà em đã hằng yêu thương. Thế nghen! Quên em đi! Dính đến em làm gì cho cực thân. Có thể ngày mai mỗi người mỗi ngả, có thể hổng bao giờ gặp nhau nữa, em cho anh được hưởng lại tất cả những gì còn có ở em. Anh nằm xuống đi. Lẹ lên! Lần cuối và chẳng bao giờ nữa...”.
Ông bảo, đến nước ấy thì tôi còn có lòng dạ nào làm cái chuyện ấy nữa. Tôi có cần cô ấy sự thoả mãn nhục dục đâu? Càng không cần chấp nhận tình cảm nhất thời của em bằng một hành vi làm tình tức tưởi, làm lấy được, làm cho xong, làm để chết, làm cho đỡ tủi. “Này anh!” Hợi nói và lật mình ôm siết lấy tôi, hôn tôi thật lâu. Trong cái hôn nóng rát và mềm oặt đó, tôi nghe tiếng Hợi thì thào: “Vĩnh biệt cuộc đời! Vĩnh biệt tình yêu! Vĩnh biệt tất cả những người đàn ông xấu tốt đã yêu ta và ghét ta. Vĩnh biệt anh... Đêm rừng!...”.
Chính hai tiếng cuối cùng đó khiến tôi lạnh giá người lại trong nỗi tự ái ùa vào bất chợt mà không kịp để ý đến chiều sâu câu nói. Khổ quá! Cho đến tận phút cuối cùng cô cũng vẫn chỉ yêu có một người. Vì người đó mà cô bỏ rừng, vì người đó mà cô âm thầm cúng giỗ, mà lặn lội đi tìm và nay cũng vì người đó mà cô vứt bỏ cuộc đời. Người đó là ai? Hắn là người nào? Là người nào mà có được tình yêu ghê gớm của người đàn bà cũng ghê gớm này? Tôi ghen kinh khủng và cũng tò mò kinh khủng với cái sinh vật đàn ông vô hình vô ảnh kia. Trong đầu tôi thoáng hiện ra một người con trai cao lớn, tóc bồng bềnh, mắt sáng rỡ hay nhìn lên bầu trời mơ mộng, có tiếng nói thật ấm và mỗi khi vào trận thì chớp sáng như thiên thần hay ít nhất con người đó cũng phải được như ông cái năm tôi gặp. Có đúng vậy không ông...? Kìa sao ông lại cười? Ôi, giá mà tôi được gặp con người đó, dù chỉ một lần!
Tôi là một con người nhu nhược, một sĩ quan bất đắc chí nhưng khi cần thiết, mà một đời người hy hữu cũng chỉ cần đôi ba lần cần thiết như vậy, tôi cũng biết hành động thế nào để đạt được ý định của mình.
Tôi hối cậu xế nhấn mạnh ga. Biết đâu vào giờ phút chót, gã trung uý quỷ quái kia sẽ thay đổi thái độ, cho xe phóng đuổi theo để cướp lại con mồi, đặng có hình hài cụ thể chứng minh công trạng với thượng cấp? Nhưng không, đằng sau xe chỉ có bụi đường vẩn lên cuồn cuộn và xa nữa, cái ấp vừa xảy ra chết chóc kia vẫn đang nằm im lìm sau hàng dừa xanh ngắt. Sau này tôi mới được biết đám thám báo hùng hổ kia không săn thêm được một con mồi nào nữa. Người ta bảo trước khi đám này ập được tới thì căn hầm ấy và cả những căn hầm khác đã được bà con hay cơ sở nội gián gì đó của các ông gài ngay trong đội hình bảo an đánh tháo được rồi. Còn ông, tôi biết ông chắc chắn sẽ thoát. Với cái sức vóc và độ chạy như con thú hoang đó, không có một luồng đạn nào, một lực lượng nào có thể đuổi theo được. Tôi chỉ áy náy có một điều: không hiểu lúc đó ông có biết gì về người bạn gái của ông bị vấp ngã phải nằm lại không? Và nếu biết thì chắc ông cũng đành phải chịu thôi. Tôi hiểu, dù can đảm thế nào, lanh lợi đến mấy, ở trường hợp đó, nếu nói theo khái niệm quân sự đơn thuần thì cũng chỉ có thể bó tay, trừ trường hợp trong lòng đang ngự trị một thứ tình cảm siêu nhiên nào đó như tình mẹ con, tình vợ chồng. Bản năng tự vệ và khát vọng tồn tại bao giờ cũng mạnh hơn quan hệ cộng đồng. Kìa!... Ông sao thế?... Dạ, xin ông bỏ quá cho những nhận định có thể là rất hàm hồ, thiếu tế nhị của tôi. Chà, trước sau gì rồi tôi vẫn chỉ là một gã đàn ông bạc nhược không hơn không kém. Mong ông...
Xin trở lại câu chuyện
Xe phóng được một đoạn dài thấy có vẻ ổn, tôi kêu cậu lái giảm bớt tốc độ lại, cần hết sức tránh những ổ gà. Tôi sợ cô gái đang nằm kia bị chấn động mạnh sẽ tử vong mất. Cách đây mươi phút, trong nanh vuốt của gã trung uý, tôi thầm mong cô cứ hôn mê bất tỉnh, thậm chí có chết thật đi cũng được, giờ đây tôi lại muốn cô cụ cựa, kêu to lên, rên la thật dữ để chứng tỏ sự sống trong cái cơ thể ấy vẫn chưa tắt hẳn. Song cô vẫn nằm thoi thóp, hai mắt nhắm nghiền. Trong lòng tôi bỗng trào lên một nỗi thương cảm lạ lùng. Thương cảm một thiếu nữ gầy yếu long đong trận mạc để rồi cuối cùng phải nằm quằn quại trong vũng máu, thương cảm vì cô gợi nhớ đến Hợi, gợi nhớ đến sự xâu xé vô nghĩa của con người, thế thôi. Tôi không thế nói dối lòng rằng, ít nhất cũng đã có một lần mình tỏ ra thương cảm chân thành một con người đứng ở chiến tuyến bên kia. Nói thế không ổn. Tình thương đồng loại đâu có phụ thuộc vào chính trị và những chủ thuyết khô cằn, phải không ông?
Đặt tay lên mũi cô vẫn còn thấy hơi nóng phả nhẹ ra, ghé sát tai vào ngực vẫn nghe tiếng tim đập rời rạc, mừng quá, tôi vội kê cho đầu cô cao lên, rút tất cả bông băng dự phòng của tôi, của cả cậu tài xế quấn bịt vết thương cho cô ấy. Xe tròng trành khiến cái lưng nhỏ như lưng con nít của cô hơi lật nghiêng, để lộ ra ở chỗ đó một vũng máu đã đông lại. Thú thực với ông, ở rừng ăn uống kham khổ như vậy, tầm vóc lại quá nhỏ bé, không hiểu cô ấy lấy sức lực đâu ra để cầm súng, để chịu đựng được những vết đau kinh khủng đến người khoẻ cũng phải tử vong như thế?
Nhấp xong một chút nước đường, cô ấy khẽ chuyển người rên lên một tiếng rồi từ từ mở cặp mắt sưng húp ra... Sống rồi! Tôi thầm reo lên và kêu xe gia tăng tốc độ. Khi đó, bên kia sông, trời đã chuyển sang chiều.
Thưa ông! Tôi mạn phép nhận xét rằng, ông có vẻ mệt. Tôi hiểu, để nghe trọn được câu chuyện này, ông đã phải cố gắng nhiều lắm. Để kể xong được câu chuyện này, sức lực tôi cũng quá tải. Nhưng thôi, nghe một lần và kể một lần để không bao giờ phải nghe, phải kể nữa, như hoàn tất một thủ tục không muốn hoàn tất nhưng phải hoàn tất.
Tôi nói đến đây, có thể ông đã đoán ra đoạn kết câu chuyện, một đoạn kết gay cấn, như xi-nê-ma, như không có thật phải không ông? Tuỳ! Người ngoài cuộc họ muốn nghĩ sao tuỳ họ, cơ bản những người trong cuộc chấp nhận nó đúng là nó, ví như tôi với ông.
Cái đoạn kết có thể nói gọn lại một câu: ngay tối hôm ấy, với sự trợ giúp của anh lái xe vốn là người thân tín và anh bạn cùng quân trường, tôi đã đánh tráo xác hai người đàn bà, hai chị em cô ấy. Xác Hai Hợi được đưa về tiểu khu với lý do: đã chết dọc đường vì những vết thương quá nặng, tất nhiên sau khi đã cải trang chút đỉnh, thay quần áo và thực hiện những chi tiết tương tự. Còn xác Ba Sương nhanh chóng được chở về Sài Gòn, gửi gắm cho một anh bạn bác sĩ có danh tiếng vốn tốt nghiệp ở Pháp về. Một phép hoán vị đơn giản vậy thôi nhưng tôi đã làm tròn lời trăng trối của cô ấy ở một góc độ khác. Hợi đã chết cho người em gái vô cùng thân thiết có cơ hội sống lại. Và suy cho cùng đến nhẽ, xác cô ấy cũng được chôn ở bìa rừng, cạnh Sương, cạnh những kỷ niệm một thời và cạnh... Buồn cười! Tôi đã tránh không muốn nhắc đến tên cái người đàn ông ấy nhưng rồi vẫn cứ phải nhắc, lại vẫn như một định mệnh, một nghiệp chướng. Khác một điều, cái điều khiến tôi khổ tâm suốt những tháng năm sau này, xác của Hợi ngay sáng hôm sau được người ta đem phơi giữa ngã ba xa lộ, gần chợ, mặc nắng mặc mưa, mặc dòng người, dòng xe qua lại suốt ngày đêm nhìn ngó. Họ muốn dựng một bài học sống động bằng thân thể đàn bà. Thân thể đàn bà... Ông có thể tưởng tượng được ra cái thân thể ấy chỉ cần đến ngày thứ hai thì biến dạng phồng tấy, ruồi nhặng đêm ngày vo ve như thế nào?...
Cám ơn Hùng đã tế nhị không ngắt lời tôi trong suốt buổi chuyện trò, trong khi tôi biết trong mắt ông luôn luôn vẩn lên những câu hỏi nhức nhối, những đau buồn nặng nề. Bởi lẽ, nếu như ông tìm đến tôi ngay sau những ngày ngưng bắn đầu tiên, khi tôi chưa phải đi tập trung thì có nghĩa là ông đã biết cái xác đó không phải của Ba Sương. Tôi được biết chính ông và chiến hữu của ông đã làm một vụ cướp xác động trời có đèn pha rọi sáng, có ổ phục kích tầm xa và có lính gác nằm dày đặc vòng trong vòng ngoài mà báo chí Sài Gòn đã đua nhau đăng tải, họ cho rằng hành vi ấy mang tính huyền thoại, rất ít có khả năng thực hiện. Còn bây giờ, sau hơn mười sáu năm ông mới tìm đến tôi thì có nghĩa là ông vẫn đang trên đường tìm sự thật. Đúng thế không? Kể ra như thế cũng là quá muộn nhưng dù sao ông cũng đã đến. Mười sáu năm qua, nói thật lòng, tôi vẫn có ý chờ, dù ở ngoài hay ở trong trại tù. Chờ chả để làm gì, vô nghĩa nhưng vẫn không thể không chờ, như một sự bàn trao, một món nợ còn đang mắc. Nói cho cùng, trong chuyện này, chỉ có tôi với ông mới là hai người mất mát thật sự, mất mát một người đàn bà mà suốt đời đi tìm cũng không có nữa. Ông có hiểu ý tôi không?
Tóm lại là cô ấy, cô Ba Sương của ông ấy vẫn còn sống. Sau cả nửa năm chạy chữa ở Sài Gòn với những phương pháp tân kỳ nhất, Sương đã gượng dậy được, duy vết thương nơi đỉnh đầu là vẫn còn nguy hiểm. Động mạnh một chút hoặc trái gió trở trời, bị xúc động mạnh một chút là có thể lăn ra ngất xỉu.
Thời gian qua, tôi chỉ được gặp cô ấy có hai lần. Một lần trước khi đi cải tạo và lần gần đây nhất, cách đây ba năm, khi tôi từ trại cải tạo về. Lần thứ nhất cô khuyên tôi cứ bình tĩnh mà đi và tỏ ý tiếc là trong hoàn cảnh cô hiện nay, cô không có cách nào bảo lãnh cho tôi được. Hoàn cảnh gì? Tôi hỏi. Cô ấy không trả lời, chỉ nói phức tạp và tế nhị lắm. Mãi sau cô ấy mới cầm tay tôi, nói như khóc: “Cuộc đời khổ quá! Đáng lẽ anh Tường để yên cho tôi chết ngày ấy có khi lại đỡ nặng nề hơn. Nhưng thôi, anh Tường đã cứu tôi một lần, lúc này anh Tường hãy cứu tôi một lần nữa bằng cách quên tôi đi, coi như tôi đã chết thật rồi, trong mọi câu chuyện, nếu có ai hỏi, có ai muốn biết về tôi, anh hãy im lặng, im lặng tuyệt đối, kể cả cái người...”. Nói đến đó thì cô ấy dừng lại nhưng tôi biết là cô ấy muốn nhắc đến ông. Nhìn trong mắt cô, tôi thấy cô vẫn còn nặng nợ với ông lắm, thấy hình ảnh ông vẫn còn in rõ. Hồi đó mới giải phóng, tôi không thật hiểu về con người cũng như về đặc điểm tư tưởng, tổ chức bên phía các ông lắm nhưng tôi cũng mường tượng ra cô ấy muốn làm lại tất cả từ đầu, làm ở nơi khác, vô danh và vô hình. Cô ấy muốn sửa lại những lỗi lầm của người chị họ và đồng thời lại muốn đáp đền tấm lòng của người chị họ ấy. Có thể như thế, và cũng có thể không phải như thế. Nói gọn lại, dường như tôi cảm thấy cô ấy đã quyết định tự đặt mình vào chiều trái cuộc đời để yên ổn hướng tâm hồn về chiều phải.
Lần thứ hai cô cũng tự tìm đến tôi, chính trong căn nhà này, lúc biết tin tôi được trở về. Lần này nhìn cô ấy khác lắm! Khác hẳn với những dự đoán của tôi. Khác thế nào, tôi chắc rằng ông cũng đã biết. Cô đến tỏ ý chúc mừng tôi đã hoàn tất thời hạn cải tạo trở về tốt lành. Và cảm ơn tôi về sự thật của cô cho đến nay vẫn hoàn toàn được giữ kín. Sau đó cô ngượng nghịu đưa tôi một cục tiền, nhiều lắm, bảo rằng để tôi làm vốn sinh nhai mà nuôi vợ con. Trời đất! Vợ con nỗi gì nữa! Trước khi về, cô ấy còn hứa mỗi quý sẽ gửi cho tôi một số tiền cố định khoảng năm, sáu trăm ngàn gì đó gọi là tri ân nghĩa cũ tình xưa. Tất nhiên là tôi không nhận. Đời tôi tuy nghèo thật, tuy lắm bất hạnh thật nhưng làm sao tôi có thể ngửa tay đi nhận cái tiền trả công cứu tử ấy. Tôi nói: “Thưa chị – Vâng, với dáng bộ sang giàu và vầng trán nhiều suy tư đó, tôi không thể gọi cô được nữa – Chị lầm rồi chị Ba ạ! Hôm ấy tôi không chủ đích cứu chị mà tôi chỉ thực hiện lời trối trăng của Hai Hợi thôi. Đối với chị, tôi không có công cán gì và đối với tôi, chị cũng không có nợ nần gì hết. Coi như xong! Chỉ xin chị ở đâu, làm gì, cũng thỉnh thoảng trở về hương khói cho Hợi để hương hồn cô ấy đỡ trống trải”.
Cô ấy cúi đầu nhìn xuống chân, mắt rất buồn. Trong cái nhìn buồn đó, tôi đọc thấy cuộc sống hiện tại của cổ, dù vẻ ngoài có bề viên mãn, vẫn có điều gì đó bất ổn. Cái cười, cái nhìn, cách nói của cô có vẻ thảng thốt, nó không thật tương xứng với cái vẻ bên ngoài. Tôi mạnh dạn khuyên cô ấy nếu có điều kiện, có nhiều tiền nên bỏ ra một ít tu tạo lại phần mộ của Hai Hợi. Ba Sương gật đầu nhưng mấy tháng sau, khi có việc phải đi qua đó, tôi vẫn thấy nấm mộ ấy y nguyên, sạt lở một góc. Ông thấy đấy, ngay cái chuyện ai đang nằm dưới mộ ghi tên cô ấy kia cũng là một lý do sâu xa và bất cập để cô ấy tự chối bỏ mình.
Gần đây có một sự kiện gây cho tôi sự kinh ngạc lạ lùng đến nỗi cho đến tận lúc này, tôi vẫn không hiểu được hoặc đổ tại mắt mình nhìn nhầm. Đó là bữa tôi về Sài Gòn – Xin lỗi cho tôi dùng tên cũ, gọi thành phố Hồ Chí Minh nghe dài dòng quá, gọi không khéo lại dễ xúc phạm đến Cụ – thăm hai cháu. Vừa chạm đầu đường Phan Thanh Giản, ý, đường Điện Biên Phủ chứ, thì một chiếc Lađa vụt qua ngang mặt với một tốc độ khá lớn, tí tẹo nữa thì hất tôi vào vỉa hè. Vừa gượng dậy được, định cự lại anh lái xe mấy câu cho bõ giận thì tôi chợt nhìn thấy khuôn mặt sang trọng, đẹp đẽ của cô ấy sau cửa kính xe. Điều kỳ dị hơn, ông có thể hình dung ra nổi không, người ngồi bên cạnh có dáng điệu rất ông chủ, một tay khoác qua vai cô ta lại chính là... gã trung uý giết người năm ấy. Thời gian qua lâu rồi, tuy gã có béo tốt, bộ điệu quý tộc hơn nhưng tôi vẫn nhận ra gã qua bộ ria mép cứng quèo để theo kiểu người hùng và cặp mắt cô hồn đang trờn trợn nhìn về phía trước. Chắc cả cô ta lẫn hắn đều không nhận ra tôi vì còn đang bận nói cái gì đó với nhau nên chiếc xe chỉnh lại đường lượn rồi vút đi ngon lành. Trời! Ông lại đang làm sao thế? Chân tay ông đang run lên kia kìa! Lại còn mồ hôi tháo ra đầy trán nữa! Cảm mất rồi. Thôi ông vào nhà nằm nghỉ đi, để tôi kêu bà thím nhà bên cạnh sang đánh gió giùm cho, khỏi liền. Sao?... Không phải cảm ạ? Vâng! Có thể ngồi lâu quá, những vết thương cũ của ông nó hành? Nhìn ông lúc này yếu quá! Khổ! Không còn lại một chút gì ngày xưa cả. Chiến tranh...
Dạ chắc không nhận ra tôi nên chiếc xe ấy vẫn đi. Còn tôi thì đứng lặng trên vỉa hè, ngơ ngác. Thế là thế nào nhỉ? Tại sao lại có thể như thế được nhỉ? Đùa hay thật đấy? Đúng hắn hay tôi quáng mắt? Và nếu đúng là hắn thật thì tôi không còn hiểu cuộc đời này nó ra làm sao nữa! Quỷ ngồi với người, kẻ sát nhân ngồi với người bị sát hại, tội ác khoác vai nạn nhân, bình thản, tình tứ... Hay chính là cô ta cũng đã trở thành quỷ rồi?...
Sau này tôi được biết gã giết người đó không hề phải trải qua một ngày cải tạo. Giải phóng xong, gã được một người bà con nào đó làm lớn lắm trên thành phố bảo lãnh hoặc chính hắn khôn khéo thoát được vòng cương toả để được nhận vào làm ở một công ty quan trọng ngay từ những ngày hỗn độn ban đầu. Rồi sau đó là cái gì nữa thì tôi chịu, không sao biết được. Bỗng thấy buồn. Buồn ghê gớm. Buồn vì cái quan hệ bí hiểm giữa gã và cô ta một phần, phần khác là buồn cho chính tôi. Rút cuộc, ở đâu, cuộc đời nào, thể chế gì đi nữa thì kẻ độc ác khôn ngoan vẫn có chỗ dung thân. Chỉ tội tình cho những kẻ thật thà không biết một mảy may tự vệ như tôi. Thôi, cái gì đã qua. Tôi chỉ nhức nhối không hiểu tại sao gã biết cô ấy còn sống? Và tại sao gã lại biết chỗ cô ấy mà tìm đến trong khi chính tôi, ân nhân của cô ấy như chính cô nói, lại không hề biết cô ấy ở đâu, làm gì? Tôi linh cảm thấy có một cái gì khuất tất ghê gớm lắm bên trong cái khoác vai đó, dẫu rằng nó chưa lên hình lên nét, vẫn đang còn nằm trong dự cảm thôi, song dứt khoát là có.