Thời buổi thiên hạ đang tự thoát xác để lao vào làm ăn, rình rập, cạnh tranh, cuồng nộ, nắm bắt, lao lên, mọp xuống, náo động, âm thầm, bộc trực, độc địa, vấp ngã, vọt thẳng, nhà tù, vinh hoa… còn gầm gào dữ dội và chết chóc hơn cả những trận B52 rải thảm dạo nào, tìm được Tuấn, một chủ hãng tư nhân nắm trong tay ba, bốn tổ hợp sản xuất, kinh doanh như Ba Thành nói, đâu có dễ dàng gì.
Một vi-la kiểu điền trang nhưng có nhà tầng, có vườn cây râm mát bao quanh? Tất nhiên! Một biệt thự êm đềm có đàn chó nằm phục bên thềm đá, có vòm hoa giấy đủ màu phủ kín những ban công trang nhã? Tất nhiên! Và cũng tất nhiên luôn cả cái chuyện Tuấn không có nhà, đang bận đi ký một cái hợp đồng béo bở gì đó ở tận đâu, buộc tôi phải lủi thủi quay ra hẹn lúc khác trở lại mà tịnh không có một lời mời chào nán lại uống ly nước, ly trà hay dùng tạm bữa cơm dưa muối rau cà cái đã. Tất nhiên và ngẫu nhiên. Cuộc đời chả bao gồm một chuỗi những ngẫu nhiên cay đắng hay tất nhiên ngọt ngào, cũng có thể ngọt ngào đó là gì? Vả lại, biết đâu nhà người ta lại nghĩ đến mình đến nhờ vả, xin xỏ như bao kẻ thất cơ lỡ vận khác đã từng đến đây hoặc sẽ đến đây mỗi sáng mỗi chiều. Chả lẽ với bộ mặt rách rưới, bộ cánh hôi xì lại vô lối vỗ ngực nói rằng ngày xưa, ngày ấy, đã có một thời tôi là sếp của ông chủ ngôi biệt thự đây? Chưa đâu. Trong trái tim võ vàng bệnh tật của tôi vẫn còn một chỗ rắn câng không cho tiếng nhục chui luồn vào được. Nhục! Nói cho cùng, cũng là một thứ nguỵ biện thoi thóp thôi. Cuộc đời tôi kể từ ngày ra khỏi rừng, đã chịu nhục quá nhiều rồi, chịu đến nỗi thành quen. Thì đang không lại mở cuộc hành trình ngớ ngẩn đi tìm sự thật về người đàn bà đó chẳng là một hành vi quá ư nhẫn nhục quá nhiều rồi, chịu đến nỗi thành quen. Thì đang không lại mở cuộc hành trình ngớ ngẩn đi tìm sự thật về người đàn bà đó chẳng là một hành vi quá ư nhẫn nhục đó thôi? Lạ lùng! Giống như canh bạc về sáng, càng nhọc nhằn, càng cam chịu, ý muốn diễn đạt đến đích ở tôi càng thôi thúc.
Đã có lúc, vào những đêm khuya khoắt không ngủ được, chấp chới trong tôi một ám tượng: phải chăng sự báo oán của Sương (nếu như em chết thật) của bao nhiêu linh hồn vất vưởng khác thuộc bên này hay bên kia, do chính tay tôi hoặc mệnh lệnh của tôi gây nên đã khiến cho tôi giờ đây thành thân tàn ma dại dường này? Trong chục năm cầm súng, tôi đã giết bao mạng người? Mười ư? Không chắc. Mười lăm? Chưa phải. Hai mươi… Hai nhăm? Những mốc ngày tháng, mốc sự kiện, những trận đánh, những khuôn mặt trai có gái có, già trẻ đều có, chợt hiện lên, diễu hành như sương khói trong đầu… Cuối cùng tôi nổi gai người khi danh sách âm hồn ấy được ấn định ở con số 55! Năm mươi nhăm mạng người cả da vàng lẫn da trắng cho mười năm, cho hàng núi khổ ải kinh hoàng. Để rồi kết thúc bằng sinh vật người cuối cùng lại là em? Không! Không thể như thế dẫu rằng mọi chuyện khủng khiếp nhất vẫn có thể diễn ra như thế. Năm mươi lăm! Cứ mỗi người bên này đốn gục năm mươi lăm người bên kia và ngược lại thì con số sẽ lên đến bao nhiêu? Những linh hồn vất vưởng sẽ thực hiện hành vi báo oán cho tới tận bao giờ? Ai báo oán ai? Hay trận đòn thù chất ngất khí lạnh hờn căm lại tiếp tục xảy ra nơi địa ngục?
Tất nhiên, thưa bạn đọc! Khi trong người thấy khỏe, tôi cũng đủ tỉnh táo để nghĩ rằng, giết đi một lực lượng đại diện cho cái ác thì có nghĩa là anh đang làm điều thiện, vậy thì oán cái nỗi gì? Nhưng nhỡ ở dưới đó, ở đâu đó, nơi âm ty tăm tối hay vùng đất đai xa lạ, những linh hồn kia lại cãi họ mới chính là đại diện cho điều thiện thì sao? Không biết! Nhức đầu lắm. Tương đối hết! Kệ cho cuộc đời phân xử, cho thời gian chỉ rõ trắng đen. Lúc này tôi đang lận đận đi tìm cái mảnh linh hồn bé nhỏ của tôi đang ký gửi vào em kia mà.
Tuy vậy, năm mươi lăm mạng người… Thế cũng là nhiều, quá nhiều cho một đời cầm súng, nhiều tới nỗi, nói ra điều ấy xin những người cộng sản chân chính trong cuộc bỏ lỗi cho, tỉnh uỷ và tỉnh đội phát xót ruột. Chao ôi! Cũng xin một lần thể tất. Nồi da nấu thịt, kẻ ngã xuống dù ở tuyến này hay tuyến kia, đều là con dân của một vùng đất nào đó, có ai xót ruột giùm không? Câu chuyện này rồi đây sẽ gây phiền rất nhiều cho tôi mà nếu bạn đọc cho phép, tôi sẽ có dịp trở lại.
Còn bây giờ, trong khi chờ tối để trở lại nhà Tuấn theo lời hẹn rụt rè của một bà má nói tiếng nói tiếng Bắc có nét mặt hao hao giống ai mà tôi không tài nào nhận ra được, tất nhiên là không giống như Tuấn, trong dạ dày chỉ có mấy bắp ngô đỡ lòng, tôi lững thững ra bờ sông.
Dòng sông mùa này nước đục. Bên kia sông là một khu đất cao rộng chừng ba héc-ta mà trí nhớ tôi không đến nỗi tồi thì đó chính là căn cứ của Bộ tư lệnh chiến đoàn 52 Mỹ trước đây, hiện giờ được phủ kín bằng màu xanh mướt mắt của những rặng điều. Còn phía sau, lần này lại thuộc về con mắt quan sát của tôi chưa đến nỗi già nua cổ hủ lắm thì đó là vương quốc của ái tình được ngự trong những căn chòi dạng cam-pinh nằm kín hở trong xôn xao lá cành.
Một bên là rung giạt lịm hồn, một bên là chiến tranh đẫm máu, bên này là hiện tại rì rầm, bên kia dĩ vãng xa ngắt, phía trước là nỗi đau tột cùng, đằng sau lại là hứng cảm tột độ. Tôi chơ vơ đứng giữa, để mặc cho thân mình chìm nghỉm xuống vùng ký ức lạc lõng có lấm tấm những hạt nắng đang nhẩy nhót trên lá bèo lục bình…
… Mờ sáng hôm đó, chúng tôi đã có mặt ngay bên cạnh nách đối phương, trong một lùm bụi rậm rạp đầy gai mắc cỡ. Mắc cỡ gì nữa ơi loài hoa trinh nữ? Chỉ giây lát nữa thôi, tất cả sẽ rừng rực lửa khói, hoa có khép nép xiêm y lúc này cũng chả để làm gì.
- Sao anh không đưa chị Ba đi cùng? - Tuấn hỏi vào tôi nóng hổi - Lúc ra khỏi cửa rừng, chị ấy nhìn theo anh cái kiểu gì mà nếu là em thì dứt khoát hai giò sẽ dính lại.
- Sương cũng muốn đi nhưng Hai Hợi không cho - Tôi trả lời, đầu óc dịu đi trong ý nghĩa về Tuấn, về tình cảm đồng đội, huynh đệ đã được thiết lập trở lại - Cô ấy bảo chỗ của Sương là ở phía sau, ở hầm cứu thương, ở trong quả tim đàn ông chứ không phải ở ngoài cái bãi đầy cứt Mỹ và nước đái điếm ấy. Ghê chưa?
- Anh Hai…
- Gì nữa? Căng mắt mà nhìn đi!
- Em vẫn nhìn. Hồi đêm em…
- Biết rồi. Bỏ qua đi! Thằng lính nào chả có lúc khùng điên.
- Không!… Không phải chuyện ấy.
- Chuyện gì?
- Em… Em vừa được ngủ với đàn bà xong. Lạ lắm!
- Hả?… Ngủ với đàn bà?
- Vâng! Đàn bà.
- Khi nào?
- Khi đêm. Lúc chúng mình chuẩn bị xuất phát.
- Ai thế?
- Cô… Cô Thu giao liên.
- À, con nhỏ mới đưa công văn xuống khi tối. Trẻ trung, béo tốt, răng hơi hô một tí, ngực căng, mắt lúng liếng… Được đấy. Nhưng tại sao lại nhanh thế? Đã bao giờ tao nghe mày nhắc đến nó?
- Thì em cũng vậy. Cứ như là nằm mơ ấy. Đến bây giờ em vẫn chưa tin là thật. Năm thì mười hoạ mới gặp Thu một lần. Lúc ở địa bàn, khi ở hậu cứ, chỉ thấy con mắt hay hay, cái miệng có duyên, đường hông ngon ngon, vậy thôi. Cô ấy thiếu gì các bố sĩ bóng bẩy, nhiều tiền trên bộ tham mưu bám vào, sức ấy một thằng lính quèn, đang có án kỷ luật giết bạn, lại tròn ủng xấu xí như em dám mơ màng.
- Khẽ! Chúng nó bắt đầu lục tục trở dậy. Chuẩn bị đi!
- Chưa đâu. Mới có 4 giờ 30. Còn nửa tiếng nữa. Em kể nốt.
Tôi nhìn nhanh sang nó. Đúng là nó cần phải kể cho xong thật. Nếu không được nói, được kể, bằng vào đôi mắt ngây ngây cháy sáng kia, nó dám vỡ tim ra mà chết mất.
- Nói nốt đi! Nhưng nhanh lên. Miệng kể, mắt phải nhìn.
- Rõ! Cái lúc bới móc được anh lên, hai bàn tay sưng tấy, đau quá, không ngủ được, em bèn mò ra suối với ý định ngâm tay vào nước lạnh cho dịu đi. Bất ngờ lại gặp Thu đang tắm ở đó. Tắm truồng hoàn toàn. Chắc là vượt trên mười cây số đồng bưng tới đây nực nội quá, cô ấy phải tắm cho mát. Nhìn thấy em, cô ấy chết sững. Còn em, đang lẽ phải quay lên mới ra cái thằng đàn ông có học nhưng lại cũng chết sững luôn. “Lên đi! Ra đây làm gì! Dơ!”. Cô ấy nói cáu kỉnh. Tự dưng bị chửi, em cũng vặc lại luôn: “Ra ngâm tay. Ngày hôm nay cô có biết ở đây đã xảy ra cái gì không? Hai chết, hai bị thương, cũng sắp chết! Suối này của cô đấy à?” Cô ấy im lặng một chút rồi nói khẽ: “Xin… Xin lỗi! Vậy anh ngâm lẹ lên để tôi còn tắm. Sắp tới giờ chúng đánh pháo rồi”. Trời đất! Anh bảo lúc ấy còn thiết ngâm nga gì nữa. Mắt em cứ dán vào bả vai, bộ ngực đêm tối như thế mà vẫn cứ trắng sáng lên. Một cái pháo sáng oằn oèo rơi xuống khiến cho em thoáng thấy đôi mắt Thu nhìn em lạ lắm. Nhìn vào cái băng trắng trên đầu, vào bọ quần áo tơ tướp, vào hai bàn tay cong quèo, nhìn hết. Em lúc đó chắc giống một thằng ăn mày. Rồi đột nhiên cô nói nhỏ: “Sao cứ đứng thế? Kỳ giùm tôi cái lưng một chút có được không?”. Tất nhiên là… Em lội xuống liền, vấp ngã giúi giụi. Chà! Lần đầu tiên được đụng tay vào một cái lưng con gái, tay em run bắn, cứ kỳ trượt lung tung ra ngoài. Mà này, buồn cười lắm cơ! Hoá ra cái lưng của họ cũng chả khác cái lưng bọn mình bao lăm. Cũng xương sống, cũng xương sườn, cũng thịt da chỗ ráp, chỗ nhẵn, chỉ có cái khác là trắng hơn thôi. Thế mà cứ tưởng cái lưng họ mềm lắm, mịn màng lắm, sờ vào nóng bỏng tay? Hồi lâu, chắc bị nhột, cô ấy bỗng quay mặt lại… Thế là mắt em mù luôn, không còn trông thấy gì nữa, vội vơ quàng lấy cái màu trắng trắng tròn tròn ấy siết chặt… ướt quá!
- Thôi, biết rồi! - Vừa nóng ruột thực sự vừa pha một chút ghen ghen, tôi càu nhàu ngắt lời. Nhớ là phải nện ngay khi chúng vừa ló đầu ra khỏi hầm nghe chưa?
- Nghe rồi. Nện ngay! Nhưng còn tí nữa, nói nốt đã. Nhỡ chốc nữa không còn mồm mà nói thì sao? Thế Tuấn nuốt nước bọt khan - Lần đầu tiên… ấy, đúng là lần đầu, thề thần phật, em không còn biết xoay xở ra sao cả. Nhất là lại ở trong nước, Thu cứ trơn tuột, cứ giãy ra, em bế thốc Thu lên bờ. Đặt xuống cỏ. Nằm đè lên… Lúc này Thu không giãy đạp nữa, chỉ thì thào: “Dơ, dơ hết anh… Găng võng!”. Thế là chạy như điên về hầm lấy võng. Ra đến nơi, Thu không còn ở đấy nữa. Say máu rồi, em lao thẳng về hầm cô ấy. Cũng không có nốt! Nhưng lại ngửi thấy mùi xà bông Ba Bê quanh quất ở đâu đó. Như con hổ đói mồi, em sục vào từng gốc cây, bụi rậm… Và cuối cùng tìm thấy Thu đang đứng run như thằn lằn đứt đuôi ở một gốc săng máu. Em ào tới… Thu nhủn người ngã vào tay em, miệng lắp bắp: “Từ từ chớ anh!… Đừng làm em sợ!”. Tai ù đặc, còn nghe được cái gì nữa, em bế Thu trở lại võng…
- Xong chưa? - Tôi hỏi.
- Sắp xong. Chỉ tại cái võng, không thì xong rồi.
- Võng làm sao?
- Võng - đúng là …võng, cứ lùng nhà lùng nhùng không làm sao xoay xoả nổi, hết ngồi lên lại nằm xuống, mồ hôi mồ kê vã ra như tắm. Mà thân thể nóng bốc khói lên rồi. Cuối cùng em đã nghĩ ra được một cách, hay chính Thu, bằng mắt, đã gợi cho em cách đó. Chết mất thôi, nói anh đừng cười nhé! Em đã phải dùng cả hai tay nắm chặt đầu dây võng đu rướn người lên. Mỗi lần rướn là mỗi lần lôi cả thân hình Thu lên theo tới nửa mét. Rồi lại buông xuống. Cứ thế, rướn rồi buông, buông rồi lại rướn, hai đứa miết vào nhau, quay cuồng đảo lộn, thây kệ cho vải võng kêu như pháo rít. Mà pháo có rít thật lúc ấy cũng mặc, thậm chí nếu anh có đứng bên cạnh mà quát: “Đồng chí Tuấn! Tôi sẽ khai trừ Đảng đồng chí!” thì em cũng đành để bị khai trừ quá?
- Chà! Chúng nó có vẻ đông đấy.
- Đông chứ! Thằng Mỹ nào mà chả đông… Rồi mọi việc cũng kết thúc. Thu ngồi dậy, mặc quần áo, gục đầu xuống đầu gối khóc: “Tuấn đừng khinh tôi. Tôi không phải đứa con gái… Thấy Tuấn khổ quá, ngày mai lại lao vào chỗ chết nên… nên tôi không nỡ. Mà cũng tại Tuấn cơ. Người gì mà tàn bạo, tôi… tôi không thể cưỡng…”. Em cũng mếu máo lại: “Khinh gì? Sao lại khinh? Chính tôi là kẻ đáng khinh thì có. Nếu Thu khóc nữa, tôi nhảy xuống sông tôi chết để tin nhau”.
Khí… Khí! Nói là nói thế chứ xuống biển cũng chả chết nữa là xuống sông. Rồi em ngớ ngẩn hỏi tiếp: “Nhỡ … Nhỡ có chửa thì sao? Liệu… chửa không?”. Đến lúc ấy Thu mới gạt nước mắt, gượng cười: “Anh khoẻ quá! Cứ như đánh giáp lá cà với biệt kích Mỹ. Cạch đến già”. Em nói…
- Thôi, đủ rồi!
- Tí nữa. Em nói, Thu ơi, đây là lần đầu, đau đau thế nào ấy nhưng còn sống trở về, nhất định anh sẽ hỏi Thu làm vợ. Cô ấy không trả lời. Thế… Thế anh bảo Thu có yêu em không?
- Yêu - Tôi nói cho qua.
- Vậy thì xong rồi. Em nói đủ rồi. Anh ra lệnh đi! Cần thịt bao nhiêu thằng nào?
- Ngồi im tại chỗ, tạm dẹp hình ảnh con nhỏ sang bên, nghe nổ lệnh là quất hết cơ số đạn. Tao bò sang tổ thằng Vượng và tổ thằng Hân một chút.
- Khoan! Để em xem nào - Tuấn lầm bầm tính toán - Tất cả có 9 người tổng cộng 45 trái B40, 72 trái lựu đạn, 540 viên đạn nhọn, được, dư sức xoá sổ cái đầu con rắn da trắng này. Anh đi đi!
… Trận tập kích bằng hoả lực sáng hôm ấy chậm mất hai tiếng so với ý định ban đầu. Đối phương đã phá bỏ lệ càn vào giấc sớm. Tám giờ, nắng đã lên chói chang rồi mà trong chốt vẫn chưa có dấu hiệu gì là sắp hành quân, trừ vài thằng đi đái, đi ỉa. Một thằng lính da đen cao to tới thước tám, cởi trần, mặc quần vải lừ lừ tiến đến ngay trước mặt tôi, chỉ cách một bụi rậm. Nghĩ rằng nếu nó tiến tới nữa thì chỉ còn cách thọc một mũi dao vào cái bụng thây lẩy, đen nhễ nhại kia, nhưng không! Hắn chạng chân, vạch quần ra đái tồ tồ, vừa đái vừa ngáp như đứa trẻ nửa đêm bị bắt phải ra đái ở thúng tro đầu hè. Từ dòng nước vàng đục ấy, mùi rượu và mùi nước giải khai nồng xộc thẳng vào mũi tôi đến muốn hắt xì hơi. Tuấn chun mũi thì thào: “Mẹ nó! Đái như trâu đái. Cái dái gì mà to quá cỡ, căng chằng chằng, phải gấp đôi người mình”. Tôi không nhận ra cái gấp đôi ấy bởi lẽ tâm trí đang dồn cả ra bìa sông. Thằng này xuất phát chậm một chút không sao, càng chậm càng tốt nhưng còn hai thằng kia, thằng dưới sông và thằng trên trời có chậm theo không? Hay là nó cứ y kế hoạch nện trước thì cánh Hai Hợi, Ba Sương sẽ ứng phó ra làm sao? Chợt hận mình không phải là dân đặc công để khỏi phải nằm im ngửi nước đái, cứ lẻn vào quất rụi chúng ngay trong hầm.
- Chợt từ phía Biên Hoà có ba chiếc cán gáo đang è è bay lên, nặng và tròn như ba con nhặng no mồi vụt bay từ đống phân trâu. Tôi thốt lạnh xương sống. Vậy là chúng bắt đầu triển khai trò chơi huỷ diệt! Khốn nạn! Tự dưng lại bỏ trận địa ra đây để thúc thủ ngồi nhìn chúng nó tiêu diệt từng anh em mình trong cụm rừng đó!… Ơ! Nhưng sao chúng lại bay đến đây? Tính đổ thêm quân để quyết ăn gỏi đối phương một lần à? Tốt thôi! Một đống lúc nhúc chưa đủ sao mà lại còn phải thêm mới nếm? Giàu thế, các người anh em ngoại quốc? Tốt thôi! Để bọn này quạt cả thể cho đã tay. Ba chiếc trực thăng sà xuống thấp, nới rộng vòng lượn, chao cánh chuẩn bị hạ càng… Tôi thở phào. Dù sao cũng nhẹ đi một việc. Chỉ trách Hai Hợi ù lì, thích bám cứng lấy cụm rừng đó, nói rằng để tiện bắt liên lạc với người của Tám Tính bên kia sông khi có tình huống xấu xảy ra.
Ba chiếc cán gáo đã hạ càng, bụi đỏ bốc lên mù mịt như ở đó đang xuất hiện một cơn lốc máu, sức gió táp rát mặt những thằng lính đang lăm lăm đặt tay vào cò súng ở chiến tuyến bên này. Từ trong các lô cốt thép cơ động, những căn lều bạt trấn bao cát, những thằng người vâm vam to tát dường như đã cồn cào chầu chực từ lâu, chỉ đợi có thế là túa ra đủ màu trắng đỏ đen. Chắc những thằng con nhà giàu này chạy ra đón bia, rượu đồ hộp hay đón một viên tướng nào đó lên uý lạo chúng trước cuộc càn? Ngực tôi bỗng rung lên bởi một niềm vui gần như khoái trá sắp được nhả đạn hết cỡ tay vào một đối phương đích đáng đang sắp hiện ra bằng xương bằng thịt. Cái khoái trá bản năng của những sinh vật đã chịu đựng biết bao u uất, khổ ải đang cần được giải toả vào sự tiêu huỷ những hình bóng lờ mờ, xám đục, không rõ hình thù, không thành ranh giới chứ hầu như có rất ít tia sáng lý trí rọi vào. Giải toả xong là em, trở về với em, được tắm táp, được ăn một chén cơm thật nóng và sau đó là một giấc ngủ bên em, ngon lành. Thế thôi.
Nhưng không phải! Nhảy xuống từ ba cái lồng sắt dữ tợn chẳng hề có một thùng thực phẩm, một viên tướng hai sao, ba sao nào. Như cái trò đùa dớ dẩn, chỉ có một đống những đứa con gái Việt Nam da vàng, ăn mặc đủ kiểu, trắng hồng phấp phới, mini jupe phướn lên, ống quần loe xoạc rộng, rốn hở, đùi hở, ngực phây, mông mẩy bay ra, bị lôi ra, kéo tuột, xốc nách, vác lên vai, cắp ngang bụng, ngầy ngậy, nhốn nháo, phát rồ, biến mất tựa những con nhái đã lột trắng nhễu vào lều, vào hầm, vào bụi, vào sau gò đất, vào tất cả những nơi có thể hạ được cái lưng con gái xuống để làm trò đực cái… Tưởng chừng cả khu chốt rung giật từng cơn, bụi mù, nghiêng ngả trong cơn tình dục quá đỗi khát thèm của bầy vượn nhung nhúc, nhếnh nháng và đám gái đĩ trét bự phấn từ Sài Gòn bay lên. Tưởng chừng nghe trong ngọn gió tinh khiết có lẫn cả tiếng rên rỉ, cấu cào, hồng hộc của những con nái đi tơ, những con đực động mùa… Trước khi vào trận, chúng cũng đòi hỏi được sống tận cùng cuộc sống để biết đâu không trở về nữa? Tôi nhìn sang Tuấn. Mắt nó trợn trừng, gò má nó tái nhợt đi trong một vẻ u uất khó tả. Những con điếm nội địa và hình ảnh thằng da đen đái bậy vừa rồi có liên quan gì đến nhau trong suy nghĩ của nó không? Hay cái võng thần tiên đêm qua đã gợi cho nó sự nhức nhối trước cơn dục tình mù mịt này?
- Chuẩn bị nhé! - tôi nói - nện ngay vào những nơi chúng vừa ẵm nhau vào. Nện thật căng!
- Khoan đã anh - Tuấn thần mặt, nước miếng đặc quánh ở khoé miệng - Chậm lại một chút có được không? Chúng nó đang…
- Đang cái gì? Tôi quắc mắt nhìn nó - mày thương à? Không nỡ à? Diệt hết! Diệt luôn bọn điếm dơ dáy ấy. Chúng nó còn đáng chết hơn những thằng ngoại quốc đang nằm trên bụng chúng. Sẵn sàng chưa? Bắn!
Cùng một lúc, 45 trái 40, 72 trái tạc đạn US, 540 viên AK có đầu đạn phá… giội lửa xuống, đốt cháy, xuyên thấu, xé nát những thân thể trần truồng căng rướn, quấn chặt. Cơn động tình nghiền nát bản năng. Cái tỉnh táo tiêu diệt cái mê cuồng. Cái không có gì tiêu huỷ cái đáng có tất cả… Cuối cùng là đều không có gì. Cả khu chốt bỗng chốc bị san thành bình địa như nơi đây đã hàng ngàn năm chưa hề có dấu chân người qua lại. Một mảnh của khung cảnh đại hồng thuỷ, của ngày tận thế hiện ra trước mắt tôi: nhà bạt cháy rụi, lô cốt rách toang, máu đọng thành vũng bầm đỏ như tiết đông, xương thịt ngào trộn bùn đất, những thân người chết gục, những thân hình giật giật, cái mất chân, cái mất đầu, cái chỉ còn là một đống thịt băm có trộn cả hành răm, húng tỏi… Và ở đâu đây, như vọng lên từ địa ngục, có những tiếng rên rỉ đau đớn đang lịm dần, tạo nên cái vĩ thanh đối lập và tất yếu của những tiếng rên la đến tột cùng hứng khoái trước đó. Bầu trời trên cao cũng đỏ lòm, những áng mây phản ánh sắc máu chung chiêng dừng lại…
Cạnh tôi, Tuấn đã bắn hết đạn, bắn lên trời hay găm xuống đất, cái đó không quan trọng, miễn là đã bắn hết, đang ghì chặt cây súng như hoá đá, con mắt bạc đi nhìn vào trận địa.
- Sao thế Tuấn? Rút chứ! Muốn ăn phản pháo à?
- Kệ mẹ tôi. Anh rút trước đi.
Tôi nắm ngực áo nó đứng dậy:
- Lại định giở trò hả? Rút!
- Đồ dã man!
Nói thế nhưng nó cũng xách súng đứng dậy. Sự phẫn nộ của nó thật quá! Thật tới nỗi tôi chỉ còn cách nhìn vào mắt nó im lặng. Ngay bây giờ nó có thể gí súng vào giữa ngực tôi nếu tôi máy mồm nói thêm một điều gì lắm chứ. Tôi lao người xuống chân đồi.
Thằng Tuấn lao theo, bậm bạch, xiêu đảo, mũi AK lom khom chĩa về phía trước… Gáy tôi thoắt tê lạnh. Nó nổ này… Nó có thể nổ lắm… Biết đâu đấy. Cái gì chả có thể xảy ra với những cơ số đạn vô nghĩa đó sao? Thêm một vài viên cũng vô nghĩa nữa, có thấm tháp gì!…
Nhưng nó không bắn. Chúng tôi, những người lính miền Đông khoác áo giải phóng, dù thần kinh có hư hỏng đến như thế nào cũng chẳng bao giờ nã đạn vào lưng nhau như mấy vị cầm bút ở phía sau hay cố tình sắp đặt vào cho câu chuyện thêm vẻ lâm ly, trần trụi, nhân văn, nhân bản.
Nó không bắn nhưng khi trở về đến cửa rừng, cuộc đời đã bắn vào nó bằng một viên đạn chí tử. Cô gái của nó bị toán biệt kích Mỹ mai phục trên đường mòn dẫn về hậu cứ giết chết!
Khi chúng tôi bám ra đến nơi, Thu chỉ còn là một cái xác loã lồ, chân tay dẹo dọ nằm trong một tư thế kỳ dị. Rừng xanh, đất xanh, trời xanh… Da thịt sao trắng thế? Mái tóc xoải dài, chấm ngọn xuống suối, đen đến tức tưởi. Tưởng như cô đang nằm ngủ hớ hênh sau một đêm giao liên dẫn khách kiệt sức và sắp tỉnh dậy, cười thẹn thùng, vấn lại tóc nếu như giữa cặp đùi trắng muốt hơi chăng ra của cô, ở chỗ kín, không có một chiếc cọc sần sùi, vạt nhọn cắm sâu vào, xuyên tới đất… Máu đổ như sơn nhểu xuống tận bắp chân bắn từng giọt lên bụng, lên gò ngực vẫn no tròn cái sự sống mới nứt, tạo thành những cánh bằng lăng ma quái vừa ở đâu đó trên cao rụng xuống.
Tuấn lầm lì xua đi tất cả mọi người rồi còn lại một mình, nó cúi xuống, mắt mở trừng trừng, mặt cứng đanh, lặng lẽ và quyết liệt rút mạnh cái cọc ra khỏi thân hình cô gái quẳng xuống suối. Mặt suối loang ra một chút sắc hồng rồi trôi theo dòng nước. Vẫn lầm lì, nó tháo bỏ hết quần áo trên người đắp hờ lên da thịt cô gái, quỳ xuống, gục đầu rất lâu… Khi ngẩng lên, con mắt nó vẫn khô ráo, dài dại, không có một chút nước mắt. Cười lên một tiếng ghê rợn, nó chĩa khẩu AK lên trời siết một tràng dài sằng sặc.
… Cứ để cho nó ở lại một mình em ạ! Tôi nói thầm với Sương lúc ấy đang rũ người ra như một tàu lá héo. Về đi! Nếu thằng Tuấn biết trước được cảnh này, hồi nãy nó đã chẳng nhìn vào cơn dục tình của kẻ thù với đôi mắt như thế. Chiến tranh là một luật chơi tàn bạo. Biết làm sao khác được. Về đi… Về đi em! Đừng nhìn lâu vào đó.
Rừng xanh quá, sao thịt da trắng thế…
Thưa bạn đọc! Tôi đâu có biết rằng, màu trắng nhức nhối của thịt da người con gái giao liên nằm chết giữa rừng xanh hôm nay và hình ảnh búi giun đũa vấy máu ngoằn ngoèo bơi trong bể nước này hôm qua đã là lý do sâu xa để tôi ghi lại những dòng này chứ chưa hẳn vì người đàn bà bí hiểm chết đi lại sống lại kia. Hay cũng có thể do cả hai mà viết tới đây, chính tôi cũng chưa thật biết.
Cuộc càn đã được kết thúc tức tưởi ngay sáng hôm đó, tất nhiên không thể không kể đến phần trợ lực đáng kể của tiểu đoàn Tám Tính khi chính anh đã dẫn một thê đội cảm tử thọc vào giữa đội hình ba chục chiếc xe bọc thép của chúng. Vậy mà mãi đến tận nửa đêm, tôi mới tạm xong mọi việc để ngồi bên em. Sau dông bão, em càng bé nhỏ, đôi mắt đã to lại dường như mênh mông hơn, ngổn ngang, xao động chất chứa đủ điều. Con chim non ốm yếu sẽ còn chịu được bao mùa dông bão nữa? Thương em rời rã cả người, định kéo em vào lòng, ôm chặt lấy em, dùng tất cả sức lực còn lại sau một ngày đã tiêu huỷ đi gần hết để hà hơi, tiếp nhiệt cho em, có biết bao điều để nói nhưng em khẽ đẩy tôi ra, giọng nói toàn nước mắt:
- Chị Hai… bỏ đi rồi! Có lá thư chị để lại cho em…
Tôi vội cầm lấy tờ giấy học trò nhăn nhúm dính đầy đất cát, có những hàng chữ thô kệch ngoằn lên ngoằn xuống bấm đèn pin đọc:
“… Sương yêu của chị!
Chị đi đây! Anh ấy chết rồi, chị chả còn lý do gì để ở lại rừng nữa. Chỉ tiếc chị không kịp có một đứa con với ảnh. Ra đi lúc này, chị tự biết có trọng tội với mọi người, với em, với các chú các bác Cách Mạng. Nhưng dù còn ở lại, chị cũng chỉ là con vô tích sự thôi. Ba hiểu cho chị, chị đâu có ngán đánh đấm, ngán hy sinh, cực khổ cỡ nào cũng chịu được, cái chết đối với chị chả có nghĩa gì, vậy mà chị phải đi để ngày ngày khỏi phải nhìn thấy ảnh có mặt ở ráo trọi những gốc cây, bụi rậm, bến sông, đường mòn… Chị khổ lắm! Giả dụ chị có thể chết thay cho ảnh, chết theo ảnh được… Chị là tên phản bội, tên chiêu hồi, con đảo ngũ khốn nạn!… Em hãy chửi chị, nguyền rủa chị đi nhưng hãy thương chị với Ba nhé! Chán cuộc đời đen bạc, chị vô rừng. Tính ở rừng mãn kiếp, ở rừng tới chừng trúng đạn ngã xuống là rồi đời ai dè lại gặp ảnh! Bắt đầu chị chỉ chấp nhận ảnh để giúp ảnh ra khỏi căn bệnh ghê người. Miết rồi, con người thô bạo, bị mọi người sợ hãi xa lánh đó đã làm chị sống lại mọi ước mơ, hy vọng, làm chị dần dần tìm lại được cái tâm tính đàn bà tưởng đã vĩnh viễn chôn chặt đi với tay đại uý đó và cùng với những trận đánh dữ tợn sau này. Ngược lại, chị cũng tìm thấy ở ảnh một khí chất đàn ông toàn vẹn, hơi méo mó nhưng vẫn toàn vẹn. Ảnh cần có chị và chị cũng cần có ảnh. Vậy thôi. Bây giờ ảnh không còn nữa, chị phải lội trở lại với cõi đời đen bạc vậy. Ba ơi! Đừng cười chị, cho rằng vì chuyện đực cái mà nay vào mai ra. Hổng phải đâu. Trăm điều xấu xa hơn thế nhiều mà chị không biết cách diễn đạt thế nào cho trúng. Chị là đàn bà. Đã là đàn bà thì còn lắm nỗi đa đoan vượt ra ngoài mọi chuyện đâm chém chết chóc kia em ơi!
Cho chị Hai quỳ xuống tạ tội cùng em, cùng mọi người, cùng anh Hùng. Đừng để mất Hùng nghe em! Đó là người đàn ông ngon lành nhất chị chưa hề gặp kể cả bên này lẫn bên kia. Ra ngoài đó, nếu sống nổi, chị sẽ đêm đêm cầu nguyện cho hạnh phúc của em, cho sự anh toàn của mọi người và nếu có thể giúp được gì cho mấy em, chị sẽ không tiếc gì hết.
Chỉ mình em biết chị đi. Đối với thiên hạ, chị là kẻ mất tích, bị bắt, bị giết trong trận càn mà chị đã vĩnh viễn mất ảnh này…”.
- Tám Tính chết hồi nào vậy?
Tôi hỏi sau một phút chìm lắng ê ẩm. Sương nhìn lên, cái nhìn côi cút và đầm đìa nước mắt:
- Chết ngay từ loạt đạn đầu khi dẫn đội cảm tử đi trợ lực cho mấy anh. Từ bên kia sông, người ta báo qua đây bằng điện đài…
- Biết tin, Hai Hợi bỏ cuộc luôn à?
- Không! Chị chỉ chui xuống hầm khóc âm thầm một lúc rồi dẫn mọi người ra mặt lộ chặn đánh bọn bảo an sắp tràn vào. Trời! Chưa khi nào em thấy chỉ đánh giặc kỳ cục như vậy. Đánh để chết, đánh khơi khơi, đánh không cần biết ai vào ai, xài hết loại súng này tới loại súng khác, vừa bắn vừa gừ gừ cái gì trong cổ nghe sợ lắm!… Cả đại đội ác ôn gần trăm đứa rạp gần hết mà chỉ vẫn bắn, bắn đến kiệt sức, vấp mặt xuống sình, mọi người phải vực lên mới thôi. Và đến tối thì chị…
Sương khóc. Khóc nức nở như một đứa trẻ bị bỏ rơi giữa chợ. Khẽ khàng ôm em vào lòng, lau nước mắt cho em, tôi chợt thấy lòng buồn man mác…
- Thế là mất đi hai tay súng thiện chiến, hai con người trung hậu. Sương ơi!… Rồi mai đây cuộc chiến tranh còn ngặt nghèo hơn nhiều nữa, em có bỏ tôi mà đi không?
- Không!… Em ở lại với anh. Suốt đời… Đến chết!
Tuần lù lù đi tới, mặt mày đã có thần sắc hơn.
- Cái gì đó anh Hai?… Chị Ba?
- Hai Hợi bị chúng bắt mang đi rồi.
Tôi trả lời.
Ông Hùng bừng tỉnh dậy. Trời đã tắt nắng từ lâu. Bên kia sông, khu chốt Mỹ đang chuyển màu xám dịu, hiu hắt buồn, như thể câu chuyện diễn ra trong óc ông vừa rồi là không có thật, là chuyện cổ tích xa xưa mà không mấy ai còn nhớ.
Phía sau ông, những đôi trai giá vẫn tiếp chui ra và chui và cam-pinh.
Bất tận không mệt mỏi, không biểu cảm thái độ gì. Trong những đôi đó, đôi nào là tình nhân? Đôi nào là trốn chúa lộn chồng? Đôi nào là hợp đồng đĩ điếm? Và trước mặt ông, muôn vàn những con sóng ký ức đớn đau, nhọc nhằn, cả êm dịu không ngừng xô đập vào người.
Tối trời nên không một ai hay biết ông già vận áo quần nhàu nát, có bộ dạng thần kinh đó đang lặng lẽ đứng khóc một mình…