Đôi bạn ôm nhau thân thiết, dù người đi xe hơi bóng lộn, kẻ quần trắng chân không, lấm lem đất cát.
- Anh Bảy thấy sao?
- Khá lắm. Bước đầu vậy là ổn. Thú thiệt với chú, lúc đầu thấy họ, anh lo quá.
Ông Đăng cười cười:
- Anh Bảy lo cứu đói chớ gì?
Họ băng qua vườn cây ăn trái, qua những thửa rau xanh um, đi về phía khoảnh đất nhà Nhân. Vừa đi, vừa trò chuyện.
- Họ chịu khó lắm. Bà mẹ làm chẳng kém một ai. Cô chị, tính hơi thô tục, hút thuốc tối ngày nhưng tiếp thu nhanh kỹ thuật trồng hoa màu, một tay giỏi đấy. Cô em, mảnh mai như liễu, nhưng quần quật suốt ngày. Hai đứa nhỏ cũng siêng lắm. Yên tâm đi. Họ trụ ở đất này là đúng chỗ rồi.
Ông Đăng thở phào:
- Coi như mình trả được món nợ cho gia đình họ rồi.
Bảy Mễ đứng lại chỉ tay qua khu vườn dài ngoằn ngoèo đã xanh màu cuộc sống, đắc chí nói:
- Ghê không. Làm ngày làm đêm mới được vậy đấy. Còn cái chòi kia chỉ đủ một người ở. Họ sợ cất to sẽ choán đất. Chú mày biết hôm qua ai ở lại không? Bà Hiền đấy.
Bảy Mễ cười buồn, lắc đầu:
- Hôm qua anh đem mô-tơ qua, bắt ống bơm nước tưới vườn, thấy hai nhỏ gánh nước cực quá mà. Bà Hiền khóc, cảm ơn mãi. Bà ta không nhớ gì đến đôi chân tàn phế vì lỗi của anh, chỉ nói mãi điều ơn nghĩa.
- Thật ra là do anh em mình muốn gánh vác thôi. Giờ có anh giúp đỡ mọi bề, chắc rằng lại có thêm một gia đình an cư lạc nghiệp.
Cả hai nép vào sau cây nhãn khi thấy bóng bà Hiền "bước" đi quanh khoảnh vườn nhìn ngắm bằng vẻ say mê, sung sướng.
Hoàng hôn xuống nhanh, bóng bà Hiền lờ mờ nhìn không rõ. Hai người đàn ông quay vô. Ông Đăng nói:
- Em lên vì còn một chuyện muốn nhờ anh giúp đỡ. Anh nhớ thằng Thời không? Tay trùm thầu tư, bẩn nhất thành phố.
- Còn một điều chú chưa biết. Cái giàn giáo bà Hiền leo lên, té ngã, gây tai nạn, là do hắn mướn mới đem trả. Cái giàn giáo mất sườn chắn an toàn bên hông.
- Nghĩ đến thời làm ăn trước, em ớn lạnh. May mà qua rồi. Đi! Vào nhà em kể anh nghe chuyện thằng Thời muốn giở trò con Nhân.
Lúc ấy, Nhân đang thanh thản lẫn vui sướng tựa đầu vào vai Thành, ngồi trước hiên nhà, kể anh nghe chuyện trồng rau, tưới nước, bón phân. Cô chợt hỏi:
- Hôm nay có chuyện gì hả anh? Phải bà Linh từ chối, không nhận anh chơi đàn?
- Đúng vậy. Nhưng anh không quan tâm. Nhân nè! Anh muốn kể em nghe một câu chuyện.
- Chuyện về anh. Đúng không?
- Em chưa khi nào hỏi.
Nhân nói giản dị:
- Em biết đời anh nhiều gian nan, đau khổ, nên không dám khơi lại mà thôi.
- Thật ra, nó cũng chẳng có gì, nếu đoạn cuối cùng đừng xảy ra bi kịch. Chuyện ham sang phụ khó thôi. Người đàn ông muốn có vợ giàu, đã làm chuyện bỉ ổi thuê một tên mặt người lòng thú tới giở trò với vợ mình rồi cho chụp hình để ép vợ ly dị.
Nhân bàng hoàng nắm tay Thành:
- Ổng tệ vậy sao anh?
- Sau đó, mẹ con anh đưa nhau lên Sài Gòn sinh sống. Năm anh chín tuổi chơi với một thằng nhỏ con nhà giàu nhưng thiếu tình thương. Nó là em khác mẹ với anh, mà anh không hề biết.
- Vì nó, nên anh bỏ nhà đi phải không? Nó độc ác lắm sao anh?
- Ngược lại, nó rất thương anh, từng vì ước mơ của anh, lấy vàng nhà định mua bàn piano cho anh. Chính vì vậy, má nó tìm tới nhà ...
Nhân xót xa nhìn mặt Thành đầy u tối, ảm đạm. Cô ôm anh, thì thầm:
- Đừng nhắc lại nữa anh.
Giọng Thành rời rạc:
- Mụ đánh chửi má anh, còn ông ta thì bất lực. Thằng em vui sướng khi biết đến tình ruột thịt, càng làm mẹ nó điên cuồng, thêm ông ta thậm thụt tới nhà ...Mụ đàn bà ấy, đêm về, tới nhà anh đập phá, khiến má anh lên cơn tim đột ngột. Khi anh tới nhà, căn nhà đã phát hoả, anh xông vào lửa, tìm má, má nằm gục trên nền, quần áo cháy xém ..rồi anh không biết gì nữa.
- Đừng nói nữa anh - Nhân chảy nước mắt.
- Anh không còn nhìn thấy má anh nữa. Người nghe được lời trăn trối sau cùng của má là thằng em khác mẹ. Con mụ đàn bà đã đốt nhà giết chết má anh. Nó khóc mãi, khóc mãi, khóc vì anh mù loà trong lửa đỏ, khóc cho tội ác mẹ nó và cho người nó yêu thương nhất không còn.
- Bà ta không ở tù ư?
- Đồng tiền có thể tẩy hết mọi dấu vết tội lỗi, kể cả những vết cháy trên gương mặt anh. Nhưng không thể làm mắt anh sáng lại và cứu sống lại mẹ. Từ đó, anh sống trong bóng tối, đánh đàn làm kế sinh nhai. Đứa em bỏ nhà đi hoang tìm anh, nhưng anh không muốn gặp.
Nhân nhìn chằm vào Thành, há miệng:
- Em anh tên Đạt, phải không?
Thành nghiêng đầu, ngạc nhiên:
- Sao em biết? Đạt nói cho em nghe rồi ư?
Nhân ngẩn ra:
- Không. Có một lần anh ta kể em nghe. Thì ra, hai người là anh em. Có phải vì như vậy, nên Đạt đã hết lòng giúp đỡ gia đình em?
Thành nhíu mày, Đạt là đứa kín đáo ít lời, tại sao chuyện này đem kể Nhân nghe?
Nhân nói vẻ buồn:
- Thì ra hai người hùa nhau dấu em.
Thành không cải chính, anh hỏi ngược lại:
- Em cũng có điều dấu anh đó thôi.
- Không có.
- Một gã đàn ông tên Thời.
- Thời. Sao anh biết tên chủ thầu già dê đó?
Câu nói lọt vào tai Hiếu đang bước ra. Cô giật mình nép sau cửa lắng nghe.
- Hắn lúc xưa, hùa với "ông ta" làm nhục má anh. Giờ muốn hại đến em - Thành nghiến răng, rít lên đầy thù hận, căm hờn - Hắn sẽ phải trả giá.
Nhân run bắn, đàng sau cánh cửa, Hiếu cắn chặt môi, cũng run. Thằng khốn nạn ấy giờ muốn chiếm đoạt con Nhân nữa sao? Nó phải chết.
Bên ngoài, Nhân day tay Thành, nói như van:
- Anh biết chuyện gì, nói em nghe? Em cần phải biết để tự bảo vệ mình chớ.
- Không cần đâu em - Giọng Thành dịu lại - Đạt và anh lo được rồi. Em cứ đi làm bình thường.
- Đến đầu tuần, em về công trình làm lại, sẽ phải gặp hắn.
- Không sao cả. Có điều công việc em giờ sẽ nhẹ nhàng hơn.
Hiếu rón rén bước lui ra sau nhà, đến chỗ con Hậu ngủ, ngồi thụp, ngơ ngẩn như mất hồn. Bên ngoài, đôi người yêu tựa vào nhau im lặng. Mỗi người một suy nghĩ, lo âu.
oOo
Ông Đăng dựa ngửa ra chiếc ghế bành mắt lim dim suy nghĩ. Ông vụt ngồi thẳng lên, nói dứt khoát.
- Chú đồng ý giao chi nhánh dưới Đồng Nai cho mày, thành lập công ty xây dựng hạch toán độc lập. Mày được toàn quyền. Ngoài ra, chú không xen vào, hoặc đồng ý với mày chuyện gì nữa. Coi như chú không nghe, không biết.
- Cảm ơn chú. - Đạt đứng lên.
Có tiếng gõ cửa.
- Mời vào - Ông Đăng nói lớn.
Nhân bước vô, rụt rè liếc Đạt, tới gần ông Đăng.
- Thưa ông giám đốc.
- Gọi chú Đăng được rồi, Nhân. Sao, người ta không cho làm chớ gì?
Nhân gật đầu, nói nhanh, giọng nhỏ xíu:
- Dạ, họ biểu lên gặp chú. Chú đã hứa cho con đi làm khi rảnh mà. Con đã hết ...tiền mua gạo rồi.
- Thằng Đạt sẽ thu xếp cho con. Vậy nghe.
- Chị theo tôi.
Cả hai đi dọc hành lang của công ty, đến văn phòng của Đạt. Ánh chạy tìm anh, gặp ngay lối rẽ, mừng rỡ, nắm tay anh rối rít:
- Anh thiệt là ...hư. Tới hôm nay mới về tổng công ty, làm Ánh tìm muốn chết - Cô phụng phịu - Lại còn tắt cả phone cầm tay, em phải phạt anh.
Nhân quay mặt đi. Đạt bối rối trước thái độ Nhân, giựt tay lại gắt:
- Cô làm gì vậy? Đang giờ làm việc đó, tôi bận lắm.
Chưa bao giờ Đạt cáu gắt với một người nữ nào trong cơ quan dù đó là bà ...lao động quét dọn. Hôm nay Đạt thật khó chịu khiến Ánh chưng hửng, đờ ra nhìn anh. Đạt liếc Nhân, Ánh gặp ánh mắt ấy, cô nhíu mày, chú tâm ngay qua người con gái trước mặt. Cô ta thường quá, nhưng công bằng mà nói, gương mặt khá dễ nhìn. Tại sao anh ấy gắt mình? Có phải vì cô ta? Hai lần mình gặp, lần nào họ cũng bên nhau, chẳng lẽ ...
Ánh nhìn Nhân soi mói, nghi ngờ. Đạt nói:
- Nếu không có chuyện gì. Ánh về đi. Tôi còn nhiều việc phải làm. Nhân! Chị vào đây.
Ánh quắc mắt nhìn Nhân, nện mạnh gót giày bỏ đi. Cô áy náy nói với Đạt:
- Sao ông gắt cổ vậy? Cổ thấy anh rất mừng.
Đạt buột miệng:
- Còn tôi thấy cô mới vui được.
Biết lỡ lời, Đạt nín ngay, lầm lì. Nhân bối rối vặn vẹo đôi tay. Đạt ngồi vào thế, nói không nhìn Nhân:
- Chắc anh Hai nói rõ với chị rồi?
- Ảnh ...a ...mới kể hồi hôm.
- Chị bất ngờ chớ gì? - Đạt cười buồn - Tôi nhớ lần ấy say, kể cho chị nghe tâm sự mình. Chị đã nhìn tôi bằng ánh mắt ghê sợ.
Nhân xua tay:
- Là tại ông không nói rõ thôi. Giờ hiểu ra, tôi thấy thương ông lắm. Anh Thành cũng rất thương ông.
Nhân bẽn lẽn thấy mình dùng chữ "thương" với Đạt hơi tuỳ tiện. Má cô đỏ lên. Đạt bất giác nhìn sững cô, lòng bồi hồi rung động, để rồi đau đớn hiểu rằng cần phải giết chết cái tình cảm đang nhen nhúm trong tim mình, bởi nàng sắp làm vợ anh mình, người mà Đạt sẵn lòng hy sinh tất cả để có được.
Hít mạnh hơi vào buồng ngực, Đạt nói lớn:
- Sức khoẻ chị không thích hợp với công việc cũ, còn sức học lại không thể ngồi văn phòng. Vầy đi. Tôi giao cho chị phần điều phối vật tư, chạy hàng cho từng công trình dưới quyền tôi.
Đạt nhỏ giọng:
- Việc này dễ làm, ngoài lương tháng chị được ăn hoa hồng ở các đơn vị cấp vật tư cho mình. Thủ kho, kế toán đều là người của tôi, chuyện sổ sách, giấy tờ có họ lo. Chị thấy sao?
Nhân mừng quá, nhưng còn ngần ngừ:
- Tôi có biết gì về vật tư đâu. Xe không có.
Đạt cười, anh đã bình tâm lại:
- Phòng vật tư có xe cơ quan cấp để đi chạy hàng. Còn loại hàng gì thì đã có tên, có mã số, có thứ hạng. Chị chỉ cần dấu cái dốt của mình với người cung cấp, loại nào cũng giả đồ dọ giá vài ba nơi là khoản tiền hoa hồng sẽ nhiều hơn trong túi chị. Còn về khối lượng, đã có tôi và KCS kiểm nghiệm. Hiểu không?
- Dạ hiểu - Mặt Nhân tươi lên.
- Giờ tôi gọi phòng vật tư lên đưa chị về làm quen. Đừng lo thằng vật tư ghen ăn với chị. Nó được làm phó cho tôi, là phước của nó đấy.
Đạt nhấn máy, một lúc sau, có gã thanh niên độ ngoài ba mươi chạy lên, hớn hở đưa Nhân đi. Đạt nhìn theo, thở dài, rút thuốc châm hút, mắt lim dim.
Đạt vụt dụi nửa điếu thuốc vào gạt tàn. Quay số điện thoại gọi đi:
- Alô. Đạt đây. Nguồn tin cung cấp khá lắm. Sẽ thưởng xứng đáng. Giờ có việc khác giao cho anh.
- Sẵn sàng.
- Chuyện này chắc anh phải qua trung gian, vì nó hơi bỉ ổi một chút. Nhưng với lão, tôi thề không bỏ qua một cơ hội nào để cho lão bài học.
- Được. Anh cứ nói. Tôi sẽ cho anh em bên ngoài thu xếp.
- Tôi muốn biết tất tật chuyện mụ Đào, vợ lão ấy, coi mụ có tỳ vết gì không? Tôi không tin người như lão lại có người vợ đàng hoàng, tiết hạnh.
- OK. Trong hai bốn giờ, tôi sẽ có câu trả lời.
- Cảm ơn.
Đạt gọi cuộc gọi khác.
- Tư hả? Đạt đây. Tôi gọi chỉ để hỏi anh một câu. Anh có muốn từ nay, quân của anh có việc ở công ty tôi không?
- Anh còn phải hỏi.
- Tốt lắm. Vầy đi. Hiện tôi có công trình lớn, sắp hoàn thành, tôi cần đôi quân tinh nhuệ nhất của anh, về nội thất và mộc, nhôm, inox, cả phần trang trí và điện nước.
- Không được đâu anh Đạt. Sớm nhất phải một tuần nữa.
- Hoặc là ngày mai, hoặc không bao giờ. Về phần thiệt hại, nếu có, tôi sẽ đền bù.
- Ít ra, tôi phải có lý do để rút quân đội xuất chớ. Bằng không, lão có thể bỏ tù tôi.
- Có đấy. Hôm nay ngày anh nhận tiền giai đoạn hai. Đúng không? Liệu rằng không có tiền ...
- Dĩ nhiên không được rồi. Quân tôi lấy gì ăn để làm chớ?
- Tốt lắm. Anh có một cái đầu tuyệt vời và một đội quân tinh nhuệ nhất nhì cả nước, một cơ quan đỡ đầu lớn nhất nữa là đủ cho anh phất lên, đúng không? Tôi nghĩ đến giá thành phẩm mỗi mét vuông anh nhận, sẽ tăng giá mười phần trăm đó.
- Đồng ý. Với điều kiện lão sẽ không có tiền.
- Sẽ không có, tôi hứa với anh. Tạm biệt.
Đạt gọi một cuộc gọi khá, mặt anh giờ lạnh lùng.
- Ba à! Ta làm một giao dịch nhé.
- Nói đi.
- Nếu anh Hai chịu nhìn nhận ba, ba phải làm dùm con một việc.
- Con chắc chớ?
- Chắc. Con vừa nghĩ ra.
- Được.
- Con muốn trong vòng nửa tháng tất cả mọi tài khoản lão Thời bị đóng để kiểm tra. Bắt đầu từ bây giờ.
- Mày điên à? Làm vậy để làm gì?
- Lão phải lãnh mọi hậu quả thay cho ba mà. Anh Hai muốn lão chết.
- Mày ...mày ...biết rồi à?
- Ảnh cũng biết. Sao, ba đồng ý không?
- Tao có bản lãnh ấy sao?
- Có thừa đấy. Thí dụ như ở tài khoản bên Ý chẳng hạn. Tài khoản không tên ấy mà. Ba cho nhập về một số tiền vào tài khoản lão. Người nhà nước sẽ đặt dấu hỏi ngay. Có phải tiền rửa không? Vậy là alê, vài tuần ngồi chơi ở phòng điều tra kinh tế.
Nói tới tiền là ông Lợi đứt ruột:
- Vậy là tao phải huỷ bỏ luôn tài khoản đó sao?
- Tôi biết nó chỉ còn gần trăm ngàn USD, tiền ba dấu mẹ để ra nước ngoài tự do ăn chơi ấy mà. Huỷ nó được một công đôi ba việc đó.
- Được rồi. Thì ra con khá hơn ba nghĩ. Đạt ...
- Ấy! Không cần thắm thiết với con đâu ba. Và ba biết đó. Bản lãnh này con không học từ ba, mà từ những năm lăn lộn ngoài đời kiếm sống tìm anh Hai. Điều khác nữa là, con không dùng đến nó với người tốt. Chào ba.
Đạt tắt máy, đặt xuống bàn. Đến lúc này, mặt anh mới lộ rõ vẻ buồn, chống tay lên vầng trán, Đạt nhớ về tháng ngày lang thang khắp nơi tìm Thành. Nhớ những đêm dài ám ảnh về đêm diễn biến đau thương ấy ...