Mùi nước hoa đắt tiền thoảng mũi Thành và giọng nói ngọt dịu cất lên:
- Nhân hả em? Trời ơi! Mấy năm nay, em đi đâu không ghé thăm chị? Đây là ai vậy em?
- Dạ, anh Thành. Ảnh đàn ..đàn ...
- Piano, thưa bà - Thành lên tiếng - Nghe nói bà thiếu người, nên Nhân đưa tôi đến.
Người thiếu phụ trong bộ váy màu huyết dụ hở vai nhìn Thành từ trên xuống bằng đôi mắt đánh giá, đắn đo.
Bà ta không nói gì, quay sang Nhân:
- Sao Nhân biết tay đánh đàn ở đây nghỉ?
- Hôm rồi em gặp ảnh chỗ xây nhà, ảnh nói đã tự mở nhà hàng ca vũ nhạc. Em biết bà kỹ lắm trong việc ..
- Chọn nghệ sĩ biểu diễn dương cầm . Đúng lắm. Đã chơi đàn Piano thì phải là nghệ sĩ piano thực thụ. Vậy cậu có thể đàn cho tôi nghe thử không?
- Rất vui lòng, thưa bà.
Họ được đưa lên tầng trên cùng bằng thang máy. Thành ngồi vào trước chiếc piano bóng loáng, giữa một căn phòng sang trọng, với những bộ bàn ghế gỗ cao cấp.
Người thiếu phụ búng tay:
- Cho tôi nghe một bản xônát nào đó của Bettốven.
Mặt Thành nghiêm lại, tay anh lướt nhanh trên những phím đàn, suối âm thanh tuôn tràn.
- Được rồi. Dừng lại.
Thành đứng lên, người thiếu phụ ngắm anh, gật gù:
- Ngón đàn của cậu đủ để ngồi ở chỗ này. Người vào đây có thể rất rành âm nhạc, nhưng họ đã đến đây, có nghĩa là âm nhạc nằm vị trí thứ hai. Cậu hiểu ý tôi chớ?
- Thưa bà, tôi hiểu.
- Cho nên, nếu cậu thật sự là một tài năng thì tôi nhận. Mà cậu tệ hơn tôi cũng không nhận. Tóm lại, trên cơ bản, tôi đồng ý. Một tuần sau, trở lại đây gặp tôi.
Nhân thoáng thất vọng, Thành nắm tay cô, nhã nhặn nói lời từ biệt người thiếu phụ. Cả hai đi rồi, người đàn bà ngồi trầm ngâm. Người đàn ông bảo vệ nãy giờ đứng lặng sau bà ta, cất tiếng:
- Có chuyện hả chị Linh?
- Mày thấy sao?
- Con nhỏ Nhân hay gã nhạc sĩ? Chị chưa nhận gã, tất có lý do rồi.
- Mày hổng thấy con Nhân đẹp hơn cả con Hiếu hồi đó sao? - Người đàn bà châm thuốc hút, vẻ nghĩ ngợi đắn đo. Ngó bộ con nhỏ thương thằng mù này, mong kiếm việc làm cho nó. Nếu vậy, uổng đời nó quá. Mày coi nếu chị không nhận thằng nọ, nó sẽ ra sao?
- Ý chị muốn nó, chớ không phải thằng kia?
- Đúng vậy. Tay nghề cỡ thằng đó, thành phố này đổ xuống sông nghẽn nước, còn thừa. Còn nhan sắc cỡ con Nhân khó tìm.
Người bảo vệ nín thinh. Anh ta biết Nhân hồi cô mới mười bốn tuổi, vào làm tay phụ bếp của vũ trường. Cô nhỏ không giống chị ở tính bốc đồng, sợ nghèo đói nên dễ sa ngã. Cô nhỏ thương chị lắm, thường ngồi khóc một mình, nhìn chị uống rượu, nói cười với khách. Rồi chị nó đâm người ta, bị còng đi, anh nhớ rất rõ lời nó nói lúc chạy theo chiếc xe chở chị nó đi xa dần.
- Chị ơi! Đừng lo. Em sẽ nuôi má, nuôi bé Hậu thay chị. Em hứa đó. Nhưng không bằng cách của chị đâu.
Mới đó mà nhiều năm trôi qua rồi cô bé năm xưa giờ đã lớn, lời hứa kia cô giữ trọn bằng thân xác mảnh mai, gầy còm đến vậy. Nghĩa là cô không thay đổi cách nghĩ của tám năm trước rồi.
- Chị Linh à! Con Nhân không chịu đâu. Thôi kệ nó đi, mỗi người một chí. Chị đâu thiếu em út đẹp chớ.
- Là tao thương nó lam lũ cực khổ thôi. Mày ngó nó vậy, vừa nuôi con chị ở tù, nuôi bà mẹ què, thêm đứa cháu dại, sức nó làm phụ hồ được mấy lăm hơi? Tao quyết định giúp nó.
- Giúp?
- Cho nó ngồi ghisê, vậy được chưa?
oOo
Lúc ấy, Nhân, Thành vừa về đến nhà. Bà Hiền, anh em thằng Lượm ra ngồi chờ từ lúc nào. Thấy họ về, hỏi ríu rít:
- Được không? Nhận việc chưa?
Nhân buồn thiu, đáp:
- Bả hẹn một tuần.
Cô lầu bầu:
- Chị Hiếu nói đúng. Bả thương gì mình. Hồi xưa, lúc chị Hiếu bị bắt, bả hứa đủ thứ, nào là cần gì cứ nói, cần tiền có tiền, làm con ngỡ bả tốt.
Thành mỉm cười, ngồi xuống. Con Hậu a vào, anh xới tóc nó, để nó ngồi lên đùi, nói:
- Người ta nói thật đó, giờ em hỏi tiền và việc làm cho em, bả gật đầu ngay.
Nhân hiểu ngay. Cô "hứ" một tiếng:
- Đừng hòng. Em thà làm thợ đụng suốt đời, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo.
Thằng Tiến vọt miệng:
- Cơm cháo khỉ gì chị Nhân ơi. Chú Thành hết tiền rồi.
- Tiến! - Thành gắt.
Nhân lo lắng, bà Hiền than thầm. Trời ơi! Đói cả chùm rồi. Bà nhìn Nhân xót xa. Trời thiệt trớ trêu, nghèo cực vậy, giá nó ưng một thằng mạnh khoẻ làm lụng nương nhau, đây lại chọn kẻ mù, thiệt khổ càng thêm khổ.
Thằng Lượm lại vọt miệng:
- Mừng hụt xin được việc. Thôi, để con về trước, còn lon gạo đủ nấu cháo bữa trưa.
Thằng Lượm chạy ù, Thành trầm mặt, hỏi Nhân:
- Còn tiền mua gạo không em?
Cô lật đật xua tay về hướng bà Hiền ra dấu, nói:
- Dạ có. Tại lo xin việc, nên chưa mua thôi. Giờ em về, anh ăn cơm rồi nghỉ đi. Chuyện đi làm phải từ từ, đừng nôn nóng.
- Anh hiểu.
Nhân cõng bà Hiền trên lưng, lấy mo ra cầm tay, tay kia ngoắc bé Hậu biểu về. Con nhỏ sợ ăn cháo, biết Thành có cơm, bèn nói:
- Con ở với chú Thành, ăn cơm chú Thành.
Nhân nói gì nó cũng khư khư một câu, đành chào thua để nó lại ra về. Hai mẹ con tới nhà đã thấy Đạt đứng đợi. Bà Hiền nghĩ bụng: "Ngó bộ thằng nhỏ thích con Nhân. Giá mà .." Bà không nghĩ tiếp, bởi biết Nhân rất rõ. Thôi thì trong nhờ, đục chịu, phải toại nguyện lòng con.
oOo
- Bữa sau, ông đừng tới nhà tôi nữa. Có gì cứ nói ở đây không tốt sao?
- Nói ở nhà cô, có gì xấu nào? Luôn tiện nói chuyện và thăm gia đình không tốt sao?
Nhân thở ra:
- Nhà đến cái ghế không có ngồi, ông lân la đến làm gì cho bị tai tiếng.
- Chị ..à ...cô ừ một tiếng, để chú Đăng phụ cấp không tốt sao?
- Dĩ nhiên không tốt. Không công không nhận của. Tại sao ông giám đốc phải trợ cấp khi ...
Đạt ngắt lời:
- Cô đừng bướng được không? Coi như công ty trợ cấp khó khăn cho công nhân đi.
Nhân làm thinh, khoác áo lao động vô người, tém tóc cho gọn vào mũ, rồi nhìn Đạt, nói:
- Đâu thể trợ cấp cả đời. Đúng không? Cảm ơn ông và giám đốc đã có lòng. Chị tôi sắp về rồi, cả hai cùng làm, chắc sẽ khá hơn.
Cô kéo chiếc xe rùa chở cát ra chỗ làm. Đạt ngẩn ra, vụt gọi lớn, chạy theo:
- Khoan đã, Nhân.
Nhân nghiêm mặt:
- Thưa ông kỹ sư, đến giờ làm rồi.
Đạt định nói rồi thôi, quay đi:
- Vậy trưa ta nói chuyện.
Từ đó đến trưa, Đạt ở miết trong công trình ấy, không đi đâu. Giờ nghỉ trưa nửa buổi, anh lân la đến chỗ Nhân, thấy cô mặt nhợt nhạt, ngồi dưới gốc cây nhắm mắt, mồ hôi đẫm người, xót xa hỏi:
- Mệt lắm hả Nhân?
Phải. Cô mệt lắm vì đói. Hôm qua chỉ ăn bữa cháo, sáng nhịn. Cô đang chờ tiền lương tuần này, mà lương đến chiều mai, cuối tuần mới lãnh. Cô không dám hỏi mượn trước và nợ một tuần bốn chục ngàn của Đạt vẫn chưa trả hết.
Nhân mở mắt nhìn Đạt:
- Tôi quen rồi, nghỉ một lúc sẽ khoẻ.
Đạt biết Nhân khó khăn, chỉ không ngờ đến mức đói. Anh hỏi:
- Ban sáng cô nói chị nào về?
Nhân không dấu vì cô có dự định trong đầu.
- Chị tôi mãn hạn tù, tuần sau về.
- Chớ không phải chồng cô ở tù à? - Đạt buột miệng.
Nhân cười khổ:
- Không. Tôi làm gì có chồng - Nhân biết Đạt hiểu lầm như Thành, liền nói luôn - Hai đứa nhỏ, một đứa tôi lượm về, một đứa con chị tôi.
Mắt Đạt sáng tia kỳ lạ, lòng anh rộn rã chẳng hiểu vì sao. Nhân đau đáu nhìn Đạt, phân bua:
- Anh đừng tưởng chị tôi phạm tội gì nghen. Chỉ hiền lắm, tại người ta đánh chỉ, chỉ lỡ tay làm họ bị thương thôi.
Đạt như mơ, gật đầu lia lịa:
- Tôi hiểu mà. Hôm nào chỉ ra, tôi đưa Nhân đi đón nghe.
Có cho kẹo Nhân cũng không ngờ trong đầu Đạt nghĩ gì. Cô vô tư lắc đầu nói:
- Nếu anh thật lòng muốn giúp, làm ơn nói ông giám đốc một tiếng, nhận chị tôi vô làm ở đây.
Mới mãn hạn tù, dĩ nhiên tìm việc rất khó. Nhân sợ chị lại đi vào con đường cũ, mới nhờ Đạt. Dĩ nhiên công ty Đạt không ngoại lệ, người có tiền án khó vô làm. Đạt có chủ ý riêng, anh nói:
- Nếu chỉ vô làm, Nhân phải đi chỗ khác.
- Đi đâu cũng được, miễn không làm chỗ lão Thời.
Đạt cười:
- Lão là nhà thầu tư nhân, không dính gì đến công ty mình. Nhân đừng lo. Vậy là Nhân nhận lời rồi chứ?
Nhân cười nhạt:
- Kỳ không. Anh giúp tôi, tôi không cảm ơn, còn anh lại mừng đến vậy.
Cô đứng lên, lảo đảo, vội vịn gốc cây, thẳng người:
- Hết giờ nghỉ rồi, tôi làm việc đây.
Đạt gật đầu bỏ đi. Anh xách xe chạy quanh các công trình, đến mười giờ ba mươi, đột nhiên nóng ruột chạy về chỗ Nhân. Thấy mọi người tụ tập ồn ào, Đạt linh cảm chẳng lành, lao tới, la:
- Chuyện gì vậy? Tại sao...
Đạt nghẹn lời, mọi người dạt ra cho Đạt thấy, Nhân nằm trên tay người tổ trưởng, xanh mét không biết gì. Đạt ào tới, giật Nhân trên tay, hét:
- Tại sao cổ bị vậy?
Người tổ trưởng nói:
- Không biết. Cổ vừa ngất đi thì anh về.
- Gọi cấp cứu.
Mọi người nhao nhao:
- Gọi rồi.
Người Nhân lạnh, nhợt nhạt mồ hôi, gầy nhom trong tay Đạt, khiến anh càng cuống cuồng, xốc Nhân chạy đi. Vừa lúc xe cấp cứu hụ còi đến.
Người ta đặt Nhân vào băng ca, cho thở oxy. Đạt theo về bệnh viện, quên cả việc báo tin cho nhà Nhân.
Mãi đến giữa chiều, mọi xét nghiệm và bệnh án mới hoàn thành. Đạt đau thắt ruột khi nghe người bác sĩ nói:
- Cô ta ngất xỉu vì đói quá thôi. Dạ dày rỗng không, chứa toàn nước. Cơ thể suy nhược lắm. Cần nghỉ ngơi bồi dưỡng tối đa.
Ông bác sĩ đẩy kính, nhìn Đạt xét nét:
- Anh là gì của bệnh nhân?
- Cô ấy là công nhân của tôi.
Ông bác sĩ gục gặc cái đầu:
- Có thực mới vực được đạo. Uống nước lã đi làm, cô ta chịu sao nổi. Tôi đang cho bơm thức ăn nghiền vào dạ dày cô ta, hy vọng ổn cả.
Đạt vào phòng hồi sức, nhìn Nhân mê man, quanh mình đầy máy móc, dây nhợ, nhìn người ta bơm thức ăn cho cô qua đường ống dẫn, lòng như dao cắt. Tội tình gì hả Nhân, em ...
Đạt sực nhớ đến những người ở nhà lều, anh lạnh toát, chạy như điên ra ngoài, gặp cô công nhân cùng làm với Nhân mừng quýnh, dúi luôn vào tay cô ta xấp tiền:
- Coi chừng cổ cho tôi. Bác sĩ gọi mua gì, cứ mua, tôi sẽ quay lại.
- Anh đi đâu?
Đạt quay đi, nói nhanh:
- Mong rằng bà mẹ cổ với hai đứa nhỏ không chết đói.
Dĩ nhiên họ không đến nỗi. Buổi trưa, còn gạo nấu cháo, còn Hậu ở bên nhà Thành. Khi Đạt đến, nhà chỉ còn bà Hiền đang ngồi ngay cửa, ngóng ra đường vẻ bồn chồn, mắt đỏ hoe:
- Thưa bác - Đạt đâm bổ vào nhà nhìn quanh.
Bà Hiền oà khóc:
- Nó có sao không ông kỹ sư?
Ra bà biết rồi. Bà nói:
- Thấy nó không về, tôi biết có chuyện mà. Thằng Lượm tìm riết mới ra chỗ nó làm. Giờ anh em nó dắt thằng Thành lên nhà thương rồi. Tụi nó không cho tui đi.
Thành. Đạt gạt ngay ý nghĩ, trấn an bà Hiền:
- Nhân không sao. Đói xỉu thôi. Bác đừng lo. Và xin bác nói thật với con, có phải nhà hết tiền?
Bà Hiền khóc:
- Còn mấy lon gạo, nó nói đủ ăn cháo, tới mai sẽ lãnh được tiền. Biểu nó ăn, nó nói công trường có cho ăn nửa buổi. Thì ra nó nhịn từ hôm qua tới giờ.
Đạt đấm mạnh tay vào nhau, thương giận muốn phát điên, quay cuồng đi lại. Sực nhớ, ra xe xách túi cơm hộp đem vào đưa cho bà Hiền, nói:
- Con mua cơm đây. Bác ăn đỡ. Giờ con vô bệnh viện, coi thử hai đứa nhỏ tới chưa. À! Bác nói Thành nào dắt hai đứa đi?
- Thằng Thành, bạn con Nhân. Tội nghiệp! Nó cũng nghèo lắm, lại mù loà không có công ăn việc làm. Hôm qua, con Nhân đưa nó đi xin việc, đánh đàn gì đó ...
Đạt ngó sững bà Hiền. Tên Thành, mù, đánh đàn. Đạt run người. Có phải ...Má ơi! Má linh thiêng.
- Phải ảnh cao, hơi ốm, mu bàn tay phải có nốt ruồi đỏ to bằng hạt đậu?
- Ủa ! Ông kỹ sư gặp nó rồi hả?
Đạt ngồi thụp, anh cố trấn tĩnh, nhưng không trấn tĩnh được, người run lên. Đạt ôm đầu, dấu mặt vào đầu gối. Ta phải làm sao? Làm sao đây?
Một lúc, anh ngẩng lên, gặp ánh mắt bà Hiền nhìn anh nghi ngại. Anh gượng cười, đứng lên:
- Dạ, có lần vô đây, con gặp ảnh bên đường, không biết ảnh là bạn Nhân. Thôi, con đi đã. Có gì sẽ ghé lại.
Đạt phóng hết tốc độ đến bệnh viện. Lạy trời họ đi xe buýt chưa tới kịp.
Đúng là Thành và hai đứa nhỏ chưa tới. Đạt biểu cô công nhân về, vào gặp cô ý tá, nói:
- Nếu có ai đến tìm, nhờ chị nói, người ở công ty về hết rồi.
Đạt ra vườn hoa, ngồi khuất bụi ngâu, ngóng chờ. Đúng như anh chờ đợi, Thành với thằng Lượm, bé Hậu lần dò đến. Nhìn thấy anh, tim Đạt suýt ngừng đập vì mừng. Đúng là anh Hai, dù có gầy ốm hơn, duy vẻ mặt anh đầy lo âu, bồn chồn đến vậy, mình chưa lần thấy. Chẳng lẽ anh yêu Nhân?
Tim Đạt lần này nhói lên, anh linh cảm mình đoán đúng. Phòng hồi sức chỉ cho Thành vào. Hai đứa nhỏ chạy ra vườn hoa. Đạt lẻn tới cửa kính, nhìn vào chỗ Nhân nằm. Cô đã tỉnh, ống dẫn thức ăn rút bỏ, cô nằm nhìn Thành, mắt ướt đẫm. Thành ôm hai tay cô, áp vào mặt nói điều gì đó, nước mắt cũng chực tràn.
Đạt choáng người quay đi, tựa vào cửa. Rõ rồi. Hai tính cách trong Đạt hoà thành một mau lẹ, anh lắc mạnh đầu vài cái, trấn tĩnh, suy tính nhanh, mím môi, mắt lim dim.
Đạt đi vòng, tránh hai đứa nhỏ, anh đứng tựa trụ cổng khu cấp cứu, hút liền mấy điếu thuốc, dí tàn vào thùng rác, xong lấy xe chạy luôn về nhà.