Trước thành phố Ingolstadt[1] ở Bayern, Bà mẹ can đảm chứng kiến đám tang của Tilly, viên tư lệnh đạo quân Thiên Chúa giáo bị tử thương. Họ trò chuyện về vai trò những anh hùng trong chiến tranh và nó sẽ có thể kéo dài bao lâu. Tuyên úy than thở rằng tài năng của y bị mai một, còn Kattrin được mẹ cho đôi giầy đỏ. Đó là năm 1632.
Trong lều của Bà mẹ can đảm, người đi theo đạo quân bán hàng. Quầy bán rượu trông ra phía sau, đóng cửa. Trời mưa. Tiếng trống và nhạc đám ma từ xa vọng lại. Tuyên úy và viên thư lại Trung đoàn chơi cờ. Bà mẹ can đảm và con gái kiểm kê hàng hoá. TUYÊN ÚY: Bắt đầu đưa đám đấy.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Thật tiếc cho cái ông quan tư lệnh – hai mươi hai đôi vớ - bị tử trận, nghe nói là rủi ro. Hôm ấy sương mù kín đồng cỏ, chỉ tại sương mù. Quan tư lệnh còn kêu gọi trung đoàn hãy chiến đấu cảm tử mà, rồi quan phi ngựa về hậu tuyến, chẳng ngờ sương mù nên chạy lộn hướng, thành ra xông tới trước, quan trúng đạn ngay giữa trận tiền - chỉ còn có bốn cái đèn bão thôi.
Có tiếng huýt sáo phía sau. Bà đi tới quầy rượu. Mấy người trốn không đi đưa đám quan tư lệnh thì thật là dơ dáng quá!
Rót rượu.
THƯ LẠI: Lẽ ra không nên phát lương trước khi đưa đám. Bây giờ họ lo nhậu nhẹt, chứ chẳng thèm dự lễ tang lễ tiếc gì.
TUYÊN ÚY
với thư lại: Thế ông không phải đưa đám à?
THƯ LẠI: Tôi trốn, tại mưa.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông thì có khác, nhỡ mưa làm hỏng mất bộ quân phục thì sao. Nghe nói là họ định rung chuông trong lễ tang đấy chứ, nhưng lúc ấy mới té ra quan tư lệnh đáng thương đã lệnh bắt đóng cửa các nhà thờ
[2], thành thử quan không được nghe tiếng chuông khi hạ huyệt ngài. Thay vào đó họ tính bắn ba phát đại bác để đám tang không quá sơ sài - mười bẩy thắt lưng.
Tiếng gọi ở quầy rượu: Rượu đây, nhà hàng ơi! BÀ MẸ CAN ĐẢM: Trả tiền trước! Không được, mấy người không được tha giầy ống dơ bẩn vào lều tôi! Mấy người uống ngoài kia cũng được, mưa mặc mưa.
Với thư lại: Tôi chỉ cho chức sắc được vào thôi. Tôi nghe nói là thời gian gần đây quan tư lệnh có chuyện lo. Ở Trung đoàn hai nghe nói có lộn xộn vì ngài không trả lương, ngài bảo rằng đây là cuộc chiến tranh vì Đức tin, do đó họ phải chiến đấu không lương.
Nhạc đưa đám. Mọi người nhìn về phía sau. TUYÊN ÚY: Bây giờ thiên hạ đi diễu qua linh cữu.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi thấy tội nghiệp cho một vị tư lệnh hay hoàng đế; có thể ông ta nghĩ rằng mình làm cái việc cuối cùng khiến đời sau còn nhắc tới, được dựng tượng, chẳng hạn ông ta chinh phục thế giới, đó là cái đích lớn nhất của một vị tư lệnh, vì ông ta nào biết làm gì có ích hơn nữa đâu. Nói tóm là ông ta cố công cố sức, để rồi thất bại bởi đám dân đen, vì có lẽ họ thích được một vại bia hay một chút gái ghiếc, chứ không muốn gì cao xa hơn. Những kế hoạch tuyệt hay, tuyệt đẹp sở dĩ thành công cốc là do sự tầm thường của những kẻ phải thực hiện chúng, bởi vì các hoàng đế đâu có tự làm được, phải trông cậy vào sự ủng hộ của quân dân sở tại, tôi nói thế có đúng không?
TUYÊN ÚY
cười: Courage, tôi công nhận là bà đúng, trừ chuyện lính tráng. Họ chỉ có thể làm những gì họ làm được. Với những người lính đang đứng uống rượu ngoài mưa kia chẳng hạn, tôi dám tin là mình làm hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác, suốt một trăm năm, nếu cần thì hai cuộc chiến tranh một lượt luôn, mà tôi không phải là tư lệnh chính hiệu nhé.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nghĩa là ông không tin rằng cuộc chiến tranh sẽ kết thúc ư?
TUYÊN ÚY: Vì quan tư lệnh chết à? Bà chớ ngây thơ thế chứ. Có cả tá tư lệnh như thế, thời nào mà chả có anh hùng.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ấy, tôi không chỉ thành khẩn hỏi cho biết đâu, mà vì tôi nghĩ xem có nên tích trữ những thứ hàng hiện mua rẻ được không, nhưng lỡ hết chiến tranh thì tôi đến phải vất đi mất.
TUYÊN ÚY: Tôi biết là bà thật bụng tính chuyện này. Bao giờ chẳng có những kẻ đi rêu rao nơi này nơi kia rằng: “Sẽ có lúc chiến tranh chấm dứt“. Còn tôi nói rằng: chưa chắc đâu. Có thể chiến tranh phải nghỉ lấy hơi, phải, thậm chí nó có thể gặp chuyện không may. Có gì bảo đảm cho nó đâu, trên thế gian này đâu có gì toàn hảo. Có lẽ không bao giờ có một cuộc chiến tranh toàn hảo để người ta có thể nói là: không có gì phê phán được. Bỗng dưng nó có thể chựng lại, vì điều gì đó không lường trước, không ai có thể nghĩ hết được mọi điều. Chỉ cần một sơ sót, thế là xảy ra tai hoạ. Và người ta phải lo vực cuộc chiến tranh ra khỏi bãi lầy! Nhưng lúc nguy cấp sẽ có các hoàng đế, vua chúa và Giáo hoàng xúm vào cứu nó. Thành ra nói chung chiến tranh chẳng phải thật sự sợ cái gì hết mà nó có cả một cuộc sống trường thọ.
MỘT NGƯỜI LÍNH
hát trước quầy rượu: Một ly rượu, chủ quán, lẹ lên, hãy nhanh một chút!
Vì người kỵ mã đâu có thì giờ.
Hắn còn phải chiến đấu cho hoàng đế.
Cho hai phần rượu đi, hôm nay là ngày lễ mà!
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Giá mà tôi tin lời ông được nhỉ...
TUYÊN ÚY: Thì bà cứ tự nghĩ mà xem! Có lý do gì để chống đối chiến tranh nào?
NGƯỜI LÍNH
hát phía sau: Ngực em đâu, lẹ lên, hãy nhanh một chút!
Vì người kỵ mã đâu có thì giờ.
Hắn phải phi ngựa tới tận vùng Mähren.
THƯ LẠI
thình lình: Thế còn hòa bình thì sao? Tôi gốc gác vùng Böhmen
[3], đôi lúc muốn về thăm quê.
TUYÊN ÚY: Ông muốn về thăm quê à? Dào ơi, hòa bình! Khi đã chén hết pho mát rồi thì những cái lỗ biến đâu nhỉ
[4]?
NGƯỜI LÍNH
hát phía sau: Ngả quân bài ra, chiến hữu, hãy nhanh một chút!
Vì người kỵ mã đâu có thì giờ.
Hắn phải tới nơi tuyển quân để còn kịp đăng ký.
Đọc kinh đi, cha cố, hãy nhanh một chút!
Vì người kỵ binh đâu có thì giờ.
Hắn còn phải hy sinh cho hoàng đế.
THƯ LẠI: Về lâu về dài người ta không thể sống không có hoà bình.
TUYÊN ÚY: Tôi muốn nói rằng trong chiến tranh cũng có hoà bình, chiến tranh cũng có những chỗ yên bình chứ. Chiến tranh thoả ứng được mọi yêu cầu, kể cả yêu cầu hoà bình, chuyện này đã được trù tính rồi, bằng không nó đứng vững làm sao nổi. Trong chiến tranh anh cũng ị được như trong thời rất thanh bình, giữa hai trận đánh vẫn có bia uống, thậm chí trên đường tiến quân lúc nào anh cũng có thể gối đầu lên tay làm một giấc trong rãnh bên đường. Khi tấn công thì anh không chơi bài được rồi, mà anh cũng đâu chơi bài được trong thời bình khi cầy ruộng, nhưng sau khi chiến thắng thì tha hồ. Anh mà có bị bắn cụt một chân thì thoạt tiên anh gào toáng lên như chuyện gì kinh khủng lắm, nhưng rồi anh bình tâm, lại hay được cho uống rượu để rồi sau rốt anh lại nhẩy như con choi choi và cuộc chiến không hề vì thế mà kém đi. Cũng chẳng có gì cấm anh sinh con đẻ cái ngay giữa cuộc chém giết, sau một nhà kho hay đâu đó, suốt cuộc chiến tranh anh không bao giờ bị cản trở cả, rồi thì chiến tranh sẽ có được con cái của anh để tiếp diễn. Không, chiến tranh bao giờ cũng tìm ra được lối thoát, chắc chắn thế. Vậy thì tại sao nó phải ngừng chứ?
Kattrin ngưng tay làm việc, đăm đăm nhìn tuyên úy. BÀ MẸ CAN ĐẢM: Thế thì tôi sẽ mua hàng. Tôi tin vào lời ông nói.
Chợt Kattrin ném cái giỏ đựng chai lọ xuống đất rồi chạy ra ngoài. Kattrin!
Cười. Jesus Maria, nó cứ mong đến lúc thanh bình. Tôi đã hứa với cháu là khi hoà bình nó sẽ có một tấm chồng.
Chạy theo con gái. THƯ LẠI
đứng dậy: Tôi thắng ván này vì ông mải nói, ông phải trả tiền.
BÀ MẸ CAN ĐẢM
vào với Kattrin: Ngoan nào, cuộc chiến tranh sẽ kéo dài thêm chút nữa, mẹ con mình kiếm thêm ít tiền thì hòa bình lại càng vui hơn. Bây giờ con vào phố, chưa đến mười phút đâu, lấy hàng trong hiệu “Sư tử vàng”, những món có giá thôi, còn lại mình sẽ đem xe tới chở sau, mọi chuyện thỏa thuận cả rồi, ông thư lại của Trung đoàn sẽ đi cùng với con. Đa số lính tráng đã đi đưa đám ngài tư lệnh rồi thì mẹ chẳng có gì phải sợ cho con. Con đi đi, đừng để mất mát gì đấy, hãy nghĩ đến tư trang mai kia lấy chồng!
Kattrin quấn khăn lên đầu rồi đi với viên thư lại. TUYÊN ÚY: Bà dám để cô ấy đi với tay thư lại à?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nó không có nhan sắc, thành ra tôi không ngại có ai hại nó.
TUYÊN ÚY: Cái cách bà buôn bán thành công khiến tôi luôn ngưỡng mộ. Tôi hiểu vì sao người ta gọi bà là Can đảm.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Người nghèo cần can đảm. Tại sao, tại họ thua thiệt. Muốn dậy sớm thì tính nết họ phải thế nào chứ. Hay là chuyện họ phải cầy cuốc trong thời buổi chiến tranh! Chỉ riêng chuyện sinh con đẻ cái trong lúc tương lai mù mịt đã chứng tỏ họ can đảm. Làm đồ tể tàn sát lẫn nhau trong lúc vẫn nhìn mặt nhau, cái đó cần can đảm. Chịu đựng hoàng đế với giáo hoàng đè đầu cưỡi cổ chứng tỏ họ can đảm ghê gớm, vì các ngài này lấy mạng họ như chơi.
Ngồi xuống, móc túi lấy ra tẩu thuốc rồi hút. Ông làm ơn bổ cho chút củi.
TUYÊN ÚY
miễn cưỡng cởi áo khoác, chuẩn bị bổ củi: Tôi vốn là người chăn dắt linh hồn chứ không phải bổ củi.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nhưng tôi không có linh hồn, ngược lại tôi cần củi.
TUYÊN ÚY: Cái tẩu nào thế?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Thì tẩu thôi.
TUYÊN ÚY: Không, không phải “tẩu thôi” mà là một cái tẩu đặc biệt.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Thế à?
TUYÊN ÚY: Đây là cái tẩu của tay đầu bếp Trung đoàn Oxenstjerna.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông biết rồi sao còn vờ vịt hỏi?
TUYÊN ÚY: Vì tôi không rõ bà có biết mình đang hút chính cái tẩu ấy không. Cũng có thể bà chỉ tiện tay móc bừa trong đống hàng của bà rồi vô tình đem hút thôi.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nếu thế thì sao?
TUYÊN ÚY: Nhưng tôi nhầm. Bà hút nó một cách cố ý.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Cố ý thì đã sao nào?
TUYÊN ÚY: Này bà, tôi cảnh báo bà đấy. Đó là nhiệm vụ của tôi. Bà sẽ chẳng gặp lại hắn nữa đâu; không phải đáng tiếc mà là may cho bà. Tôi thấy hắn là người không đáng tin cậy. Ngược lại.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Sao? Ông ta tử tế đấy chứ.
TUYÊN ÚY: Chết thật, người như thế mà bà bảo là tử tế à? Tôi thì không rồi đấy. Tôi không hề muốn nói xấu hắn, nhưng bảo là hắn tử tế thì tôi thật không dám. Một tay Don Juan
[5] thì có, mà lại ranh ma nữa. Bà cứ nhìn cái tẩu mà xem, nếu bà không tin lời tôi. Bà phải thừa nhận rằng nó bộc lộ nhiều tính nết của hắn.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi chẳng nhìn thấy gì hết. Chỉ thấy nó cũ thôi.
TUYÊN ÚY: Nó bị cắn đứt tới một nửa. Rõ là một tay vũ phu. Đó là cái tẩu của một kẻ tàn nhẫn, bà phải nhận thấy điều đó nếu bà chưa mất hết khả năng phán đoán.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Khéo kẻo ông bửa mất thớt gỗ lót chẻ củi của tôi đấy.
TUYÊN ÚY: Thì đã bảo rằng tôi không phải là thợ bổ củi chuyên nghiệp mà lại. Tôi vốn học chuyện săn sóc phần hồn. Ở đây tài năng của tôi bị lạm dụng vào việc xác. Tài năng Chúa ban cho tôi hoàn toàn bị mai một. Thật là tội lỗi. Bà chưa nghe tôi thuyết giáo đấy thôi. Tôi có thể chỉ với một bài diễn văn kích động cả một Trung đoàn, khiến họ coi quân địch chẳng khác bầy cừu. Khi nghĩ tới chiến thắng cuối cùng họ sẵn sàng hy sinh đời mình như vất đi những tấm giẻ chùi chân hôi hám. Chúa đã cho ban tôi tài hùng biện. Tôi mà thuyết giáo thì bà mê mẩn đến quên nghe quên thấy luôn.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi đâu có muốn quên nghe quên thấy. Nếu thế thì tôi làm gì ở đó?
TUYÊN ÚY: Bà ạ, tôi vẫn thường nghĩ phải chăng bà không chỉ che dấu cái bản tính nồng nhiệt của mình qua lối ăn nói bỗ bã. Bà cũng là người và cần sự ấm cúng chứ.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Cách hay nhất mà chúng ta làm cho lều ấm là có đủ củi.
TUYÊN ÚY: Bà lại đánh trống lảng rồi. Tôi nói nghiêm chỉnh đấy, bà ạ, đôi khi tôi tự hỏi nếu chúng ta sắp xếp để mối quan hệ giữa bà và tôi được chặt chẽ hơn tí chút thì sao nhỉ. Ý tôi muốn nói là sau khi mà cơn giông tố của thời chiến tranh đã cuốn chúng ta lại với nhau một cách lạ kì như thế này.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi nghĩ là nó đủ chặt chẽ rồi. Tôi nấu ăn cho ông, còn ông làm việc, chẳng hạn như bổ củi.
TUYÊN ÚY
lại gần bà: Bà biết tôi muốn nói gì với mấy chữ “chặt chẽ hơn” mà, đó không phải là mối quan hệ trong ăn uống, chẻ củi và những nhu cầu tầm thường khác. Bà hãy để con tim của mình nói chứ đừng tự gò bó nó.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông chớ có vác rìu lại gần tôi. Quan hệ kiểu ấy tôi e chặt chẽ quá!
TUYÊN ÚY: Bà đừng coi thường chuyện ấy. Tôi rất nghiêm chỉnh nên đã cân nhắc điều mình nói.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông tuyên úy này, ông nên biết điều. Tôi thấy ông dễ mến nên không muốn nặng lời. Tôi chỉ nghĩ đến chuyện nuôi nổi mình và lũ con qua ngày với cái xe thồ thôi. Tôi không coi ông bếp là của mình và lúc này tôi không đầu óc đâu nghĩ chuyện riêng tư. Ngay bây giờ, khi quan tư lệnh tử trận và ai cũng nói tới hoà bình, tôi còn liều mua hàng. Nếu tôi sạt nghiệp thì ông sẽ đi đâu? Ông thấy chưa, ông không biết mà. Chẻ củi cho tôi đi thì tối tối chúng ta sẽ được ấm, thế cũng là nhiều trong thời buổi này. Sao thế?
Đứng dậy. Kattrin chạy vào, thở không ra hơi, cô bị một vết thương ở trán, phía trên con mắt. Cô tha về đủ thứ: nào hộp, nào đồ da, một cái trống ...v...v... BÀ MẸ CAN ĐẢM: Sao thế, mày bị hành hung à? Trên đường về à? [
Với tuyên uý] Nó bị hành hung trên đường về! Chắc là cái tay kỵ binh đã uống say ở đây rồi! [
Với Kattrin] Lẽ ra mẹ không bao giờ nên để con đi. Quẳng những thứ ấy đi! Không sao đâu, chỉ trầy da rách thịt thôi. Mẹ băng cho, chỉ một tuần sẽ khỏi. Chúng thật còn man rợ hơn thú vật.
Băng vết thương. TUYÊN ÚY: Tôi không trách họ. Khi còn ở quê hương bản quán họ đâu có bậy bạ như thế với đàn bà con gái. Tội lỗi ở những kẻ gây ra chiến tranh, họ làm đảo lộn hết thảy nơi con người ta.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Thế lúc về ông thư lại không đi theo mày à? Ấy cũng bởi vì mày đoan chính nên chẳng ai màng tới. Vết thương không sâu, không thành sẹo đâu. Thế, băng xong rồi. Mẹ có quà cho mày, cứ ngồi yên. Mẹ đã kín đáo cất giữ món này cho mày, rồi mày sẽ thấy.
Moi trong một cái bao lấy ra đôi giầy đỏ cao gót của cô nàng Yvette Pottier. Đấy, thấy chưa? Mày vẫn ao ước mà. Giờ thì được rồi nhé. Xỏ nhanh vào, kẻo mẹ đổi ý. Không thành sẹo đâu, mà nếu có đi nữa thì tao cũng chẳng buồn phiền gì. Số phận những ai vừa mắt chúng thì thật là khốn khổ khốn nạn. Chúng giày vò cho đến chết thôi. Không vừa mắt chúng thì được chúng tha cho sống. Tao đã từng thấy nhiều cô xinh lắm cơ, nhưng rồi chẳng bao lâu sau biến đổi đến chó sói còn phải khiếp. Họ kinh hoàng đến nỗi đi ra sau một gốc cây bên đường mà cũng sợ. Thì giống như cái cây thôi, cây nào cao thẳng thì bị đốn làm xà nhà, còn những cây cong quẹo được tiếp tục sống. Chỉ là chuyện may rủi thôi. Đôi giầy còn tốt, mẹ đã đánh xi rồi mới cất đi đấy.
Kattrin bỏ giầy ở đó, chui vào trong xe. TUYÊN ÚY: Mong là cô ấy không bị xấu đi.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Sẽ bị mang thẹo. Nó không cần chờ hòa bình làm gì nữa.
TUYÊN ÚY: Cô ấy không để bị cướp mất hàng.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Lẽ ra tôi không nên đe nẹt nó. Giá như tôi biết được đầu óc nó đang nghĩ gì! Có lần một buổi tối nó không về nhà, chỉ một lần trong bấy nhiêu năm. Sau đó tôi thấy nó vẫn như trước, nhưng làm việc nhiều hơn. Tôi không moi ra được nó đã gặp chuyện gì. Tôi đã nghĩ nát óc một thời gian dài.
Nhặt những món hàng Kattrin mang về, giận dữ phân loại ra. Chiến tranh đấy! Nguồn thu nhập béo bở đấy!
Nghe tiếng đại bác. TUYÊN ÚY: Họ đang hạ huyệt quan tư lệnh. Thật là một giây phút lịch sử.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Giây phút lịch sử đối với tôi là lúc chúng phang lên phía trên mắt con gái tôi. Nó đã tàn tạ hết một nửa rồi, không có chồng được nữa đâu, mà nó thích con nít lắm cơ; nó câm cũng vì chiến tranh, hồi nhỏ nó đã bị một tên lính nhét gì đó vào trong miệng. Thằng Schweizerkas tôi đã mất rồi, thằng Eilif giờ ở đâu chỉ có Chúa biết. Tổ bà chiến tranh.
Chú thích:[1] Ingolstadt: nay là một thành phố công nghiệp quan trọng ở bang Bayern (nam Đức).
[2] Ý nói các nhà thờ Tin lành.
[3] Xem “Sơ luợc bối cảnh lịch sử”.
[4] Nhiều loại pho mát có đầy những lỗ to bằng đầu ngón tay – như tổ ong, hình thành do bọt không khí trong quá trình chế biến. Ý câu này là: một câu hỏi ngớ ngẩn, đã chiến tranh thì hòa bình thế nào được.
[5] Một nhân vật tiểu thuyết nổi tiếng trăng hoa.