Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Kịch, Kịch Bản >> Bà mẹ can đảm

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 10869 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bà mẹ can đảm
Bertolt Brecht

Màn 1

Mùa xuân 1624. Ở Dalarna[1] viên tư lệnh Oxenstjerna[2] tuyển quân cho chiến dịch bên Ba Lan. Một người con trai của bà Anna Fierling, người đi theo các đoàn quân viễn chinh buôn bán mà ai cũng biết dưới cái tên “Bà mẹ can đảm”, đã trốn mẹ đăng lính[3].


Trên con đường liên tỉnh gần thành phố.
Một viên đội và một tay tay mộ lính đứng co ro vì lạnh.

TAY MỘ LÍNH: Ở cái xó này làm sao mà tuyển nổi một đạo quân chứ? Anh đội ạ, đã có lúc tôi định tự tử rồi đấy. Tới ngày mười hai này tôi phải mộ được cho quan tư lệnh những bốn cơ lính[4]. Thế mà lũ dân vùng này gian trá đến nỗi chẳng đêm nào tôi chợp mắt nổi. Này nhé: vớ được gã nào tôi cũng đều nhắm mắt cho qua, tôi lờ đi chuyện ngực gã lép, tĩnh mạch ở chân gã nổi đùm như giun, tôi cho gã nốc đến say sưa để gã ký giấy đăng lính, tôi chỉ còn trả tiền rượu nữa thôi. Thế rồi gã ra khỏi quán, tôi sinh nghi chạy theo: quả như rằng, gã biến mất tiêu như con chí khi mình gãi ngứa. Thật chẳng còn tín nghĩa, danh dự gì ráo. Nơi đây tôi đã mất lòng tin vào con người rồi, anh đội ạ.
VIÊN ĐỘI: Rõ ràng là ở đây lâu rồi không xẩy ra chiến tranh. Thế thì đào đâu ra đạo lý cơ chứ? Thanh bình chỉ tổ sinh bê bối, chỉ có chiến tranh mới tạo lập trật tự. Thời bình người ta sinh sôi như cỏ dại. Người và vật ăn ở chen chúc bẩn thỉu như chuyện đương nhiên. Toàn hốc cho sướng miệng: một tảng pho mát trên khoanh bánh mì trắng chưa đủ, phải thêm một lát thịt mỡ hơ khói trên tảng pho mát nữa cơ. Chẳng ai biết cái thành phố phía trước kia có bao nhiêu trai tráng, bao nhiêu ngựa khoẻ. Có bao giờ đếm đâu. Tớ đã từng đi qua những vùng mà chắc bẩy chục năm nay không có chiến tranh, thành ra lũ dân ở đó hoàn toàn không có tên họ, nghĩa là không biết mình là ai nữa kìa. Chỉ nơi nào có chiến tranh thì ở đấy mới có danh bạ đàng hoàng, giầy dép mới đóng thành bánh, ngũ cốc mới đóng vào bao, người và vật mới được đếm nghiêm chỉnh trước khi đem đi. Thật quá rõ: không có trật tự thì không thể có chiến tranh được!
TAY MỘ LÍNH: Chí lý quá!
VIÊN ĐỘI: Chiến tranh mới đầu cũng chẳng dễ dàng gì đâu, như hết thảy mọi chuyện đem lại tốt lành khác trên đời này thôi. Nhưng một khi đã khởi sự rồi thì nó dai dẳng; bấy giờ người ta mới sợ có lại thanh bình, hệt như mấy tay đánh bạc sợ phải ngừng chơi, vì lúc ấy sẽ phải tính xem thua lỗ bao nhiêu. Nhưng trước tiên họ cứ sợ chiến tranh đã. Vì đối với họ thì chiến tranh là cái gì mới mẻ mà.
TAY MỘ LÍNH: Này, một chiếc xe thồ tới kìa. Hai mụ đàn bà với hai gã thanh niên. Chặn mụ già lại đi, anh đội. Lần này mà cũng công cốc nữa thì tôi sẽ không tiếp tục phơi xác trong cái gió tháng tư này nữa đâu, tôi nói thật đấy.     
Có tiếng đàn môi[5]. Chiếc xe thồ được hai chàng trai kéo tới. Ngồi trên xe là Bà mẹ can đảm và cô con gái câm Kattrin. 
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Chào[6] ông đội!
VIÊN ĐỘI: (chắn đường) Chào tất cả! Các người là ai?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Chúng tôi là dân buôn bán.
(hát):
Hỡi các ngài tư lệnh, xin ngừng gióng trống thúc quân
Hãy để lính của các ngài dừng bước:
Bà mẹ can đảm đem giầy đến đây
Có giầy họ sẽ đi, sẽ chạy nhanh hơn.
Vác theo chấy rận và những sâu những bọ
Hành trang, đại bác, ngựa xe
Nếu phải xông pha trận mạc
Thì cần giầy tốt.
Mùa xuân đến rồi. Dậy đi thôi, hỡi giáo đồ Cơ đốc!
Tuyết đã tan rồi. Người chết yên nghỉ.
Kẻ nào còn sống
Hãy chuẩn bị lên đường.


Hỡi các ngài tư lệnh, lính của các ngài nếu thiếu dồi ngon
Sẽ không xông pha vào cõi chết.
Hãy để Bà mẹ can đảm chữa trị họ
Bằng rượu vang mọi chứng bệnh thể xác lẫn tinh thần.
Đại bác bắn vào bao tử trống trơn


Thưa các ngài tư lệnh, điều này thật hại cho sức khoẻ.
Còn khi họ no say rồi thì các ngài được tôi ban phước lành
Các ngài cứ thế mà dẫn họ xuống hỏa ngục.
Mùa xuân đến rồi. Dậy đi thôi, hỡi giáo đồ Cơ đốc!
Tuyết đã tan rồi. Người chết yên nghỉ.
Kẻ nào còn sống
Hãy chuẩn bị lên đường.
VIÊN ĐỘI: Ngừng lại, mấy người thuộc đạo quân nào?
CON TRAI LỚN: Trung đoàn Phần Lan[7] thứ hai.
VIÊN ĐỘI: Giấy tờ đâu?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Giấy tờ gì?
CON TRAI KẾ: Đây là Bà mẹ can đảm mà!
VIÊN ĐỘI: Chưa hề nghe. Sao lại gọi là “can đảm”?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Can đảm bởi vì hồi đó tôi sợ bị tán gia bại sản, ông đội ạ, thành ra tôi đã đánh xe chở năm mươi ổ bánh mì xông qua lửa đạn ở Riga[8]. Tôi không có cách nào khác, vì bánh mì đã bắt đầu mốc rồi, phải liều thôi.
VIÊN ĐỘI: Này mụ, đừng có đùa. Giấy tờ đâu?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: (moi trong hộp thiếc một mớ giấy rồi xuống xe): Tất cả giấy của tôi đây, ông đội ạ. Cả một quyển sách lễ, mang từ Altötting[9] để gói dưa chuột, một tấm bản đồ vùng Mähren[10], chỉ Chúa mới biết tôi sẽ có ngày đến tận đó nổi không, nếu không thì thật là công toi[11], còn đây là dấu triện chứng nhận ngựa của tôi không bị bệnh lở mõm và móng, tiếc rằng nó đã chết rồi, mua nó hết mười lăm Gulden[12] đấy, nhưng đội ơn Chúa, còn hơn là tôi chết. Thế này đủ giấy chưa?
VIÊN ĐỘI: Mụ định giỡn mặt à? Ta sẽ trị cho chừa thói lếu láo. Mụ biết là mụ cần phải có môn bài chứ.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông hãy ăn nói cho nghiêm chỉnh. Trước mặt mấy đứa con trẻ dại của tôi đừng có mà giở giọng bảo rằng tôi định ẵm[13] ông; thế là không được đâu đấy, tôi chẳng có định gì hết thảy. Môn bài của tôi ở Trung đoàn hai chính là cái gương mặt đứng đắn của tôi đây này, nếu ông không đọc ra nổi thì ráng mà chịu. Còn tôi sẽ không để ai đóng triện lên mặt tôi đâu đấy.
TAY MỘ LÍNH: Anh đội này, tôi cảm thấy mụ này thật không vừa. Mà trong doanh trại mình cần kỷ luật sắt.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi tưởng là cần dồi chứ.
VIÊN ĐỘI: Mụ tên gì?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Anna Fierling.
VIÊN ĐỘI: Nghĩa là các người cùng một họ Fierling hết chứ gì?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Sao vậy? Họ của tôi là Fierling, còn lũ kia họ khác.
VIÊN ĐỘI: Ta tưởng chúng đều là con của mụ?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Chứ sao! nhưng nào phải vì thế mà cùng một họ đâu? Chỉ con trai lớn: chẳng hạn thằng này là Eilif Nojocki, tại sao, vì bố nó vẫn bảo rằng y họ Kojocki hay Mojocki gì đấy. Nó vẫn còn nhớ rõ về bố nó, có điều người nó nhớ lại là một lão khác, một ông Tây có bộ râu nhọn hoắt. Ngoài chuyện ấy ra thì nó được thừa hưởng trí thông minh của bố nó; y có thể tụt quần một gã nông dân mà đương sự không hề hay biết. Vì thế mà mẹ con chúng tôi mỗi người mang một họ.
VIÊN ĐỘI: Sao cơ, mỗi người một họ à?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông cứ làm như thể lạ lắm vậy.
VIÊN ĐỘI: Thế anh chàng này người Trung Hoa chứ gì? (Chỉ người con thứ.)
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Sai. Người Thụy Sỹ[14].
VIÊN ĐỘI: Kế thằng Tây?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Thằng Tây nào? Tôi chẳng biết thằng Tây nào cả. Ông đừng có lộn tùng phèo như thế, kẻo đến chiều vẫn chưa xong mà chúng tôi sẽ còn phải đứng đây. Nó người Thụy Sỹ, nhưng mang họ Fejos, một cái họ chẳng ăn nhập gì với bố nó cả. Bố nó họ khác, hồi đó làm nghề xây thành lũy, say sưa tối ngày.
(Schweizerkas tươi tỉnh gật đầu, cả cô bé Kattrin câm cũng tỏ vẻ thích thú).
VIÊN ĐỘI: Làm sao mà nó lại mang họ Fejos?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi không có ý miệt thị ông đâu, nhưng quả là ông kém óc tưởng tượng. Tất nhiên nó mang họ Fejos vì khi sinh nó thì tôi sống với một ông người Hung, y chẳng quan tâm gì chuyện này, y bị bệnh teo thận dù không hề đụng tới một giọt rượu, một người rất chính trực. Nó giống tính y.
VIÊN ĐỘI: Nhưng y đâu phải bố nó?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nhưng nó giống tính y. Tôi đặt tên nó là Schweizerkas, tại sao, tại vì nó kéo xe khoẻ. Chỉ con gái. Con này tên là Kattrin Haupt, lai Đức[15].
VIÊN ĐỘI: Thật là một gia đình hay ho.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Phải, tôi đã đi khắp thế giới với cái xe thồ này đấy.
VIÊN ĐỘI: Sẽ ghi biên bản hết. (Ghi chép). Mụ gốc gác Bamberg tuốt dưới vùng Bayern[16] sao lại tới tận đây?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi đâu thể nào chờ chiến tranh tự nguyện lan tới Bamberg được.
TAY MỘ LÍNH: Bay nên lấy tên là Jakob Ochs với Esau Ochs[17] thì hơn, vì bay kéo xe mà. Chắc chẳng bao giờ bay thoát được kiếp ngựa thồ đâu nhỉ?
EILIF: Mẹ ơi, con được phép tống vào mõm hắn chứ? Con rất muốn đấm hắn một quả.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tao cấm, mày đứng yên đấy. Còn bây giờ, thưa các quan, các quan không cần một khẩu súng ngắn tốt hay khóa thắt lưng sao, khoá thắt lưng của ông đội mòn vẹt rồi kìa.
VIÊN ĐỘI: Ta cần thứ khác. Ta xem hai thằng này cao lớn như cây phong, ngực nở, giò cẳng chắc nịch thế kia, sao lại trốn lính, hả?
BÀ MẸ CAN ĐẢM (vội vàng): Không được đâu, ông đội. Lũ con tôi không phải để phục vụ chiến tranh.
TAY MỘ LÍNH: Tại sao không? Vừa có lợi, vừa vinh quang. Bán giầy dép là chuyện của đàn bà. [Với EILIF:] Lại đây để ta nắn coi chú mày có bắp thịt bắp thiếc gì không hay chỉ là gà con thôi.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nó là gà con thôi. Chỉ cần quắc mắt nhìn là nó ngã lăn quay ngay.
TAY MỘ LÍNH: Nhưng nếu có một con bê đứng cạnh thì khi ngã nó đè chết con bê đấy. (Định kéo Eilif đi.)
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông có để nó yên không? Nó không theo mấy người được.
TAY MỘ LÍNH: Nó nhục mạ tôi, gọi mồm tôi là mõm. [Với EILIF:] Nào, hai ta ra cánh đồng kia giải quyết chuyện này, giữa đàn ông với nhau.
EILIF: Mẹ cứ yên trí. Con sẽ sửa hắn một trận cho mà xem.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Đứng lại! Đồ ăn hại! Tao biết mày chỉ giỏi gây gổ thôi. [Với tay mộ lính:] Nó dấu dao trong giầy và sẽ lụi ông cho mà xem.
TAY MỘ LÍNH: Tôi sẽ lấy dao của nó dễ như nhổ răng sữa; nào ra đây, chú lỏi.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông đội, tôi sẽ báo vụ này lên đại tá. Ngài sẽ tống mấy người vào ngục. Ông thiếu úy vẫn theo đuổi con gái tôi đấy.
VIÊN ĐỘI: [Với tay mộ lính:] Chớ dùng bạo lực, người anh em. [Với BÀ MẸ CAN ĐẢM:] Sao mụ lại chống việc đi lính? Chẳng phải bố nó từng là lính và đã anh dũng hy sinh ư? Chính mụ đã nói thế mà.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nó còn con nít. Mấy người muốn đưa nó vào lò mổ, tôi rành mấy người quá mà. Tuyển được nó thì mấy người lãnh năm Gulden tiền thưởng.
TAY MỘ LÍNH: Còn nó được phát một cái mũ đẹp và giầy ống cao cổ, đúng không nào?
EILIF: Nhưng không phải của ông.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Đừng có mà rủ rê, dụ khị[18]. [Với SCHWEIZERKAS:] Mày hãy chạy đi và hô hoán lên rằng người ta định bắt anh mày. (Bà rút dao). Cứ thử bắt nó xem. Bà lụi ráo, đồ khốn. Muốn bắt nó vào lính thì bà cho biết tay! Bà đây với lũ con là những người chân chất, hiền lành buôn bán vải vóc, giăm bông.
VIÊN ĐỘI: Nhìn con dao trong tay mụ cũng đủ biết mấy người hiền lành tới mức nào rồi. Mụ phải xấu hổ mới đúng! Quẳng dao đi, mụ già bẩn thỉu! Hồi nãy mụ thú nhận đã sống nhờ chiến tranh, nếu không thì mụ sống cách nào, lấy gì ăn? Nhưng làm sao có chiến tranh được khi không có lính?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Đâu phải chuyện của tôi.
VIÊN ĐỘI: Ra thế, chiến tranh cứ việc gặm lõi quả táo rồi nhả trái lê ra cho mụ[19]! Mụ nuôi lũ con béo tròn nhờ chiến tranh mà chẳng đóng góp gì. Mặc cho chiến tranh tự xoay xở chứ gì? Mụ xưng là Bà mẹ can đảm, đúng không? Thế mà lại sợ chiến tranh là nguồn lợi nuôi sống mình à? Mấy đứa con trai mụ không sợ chiến tranh đâu, ta nhìn là biết.
EILIF: Tôi cóc sợ chiến tranh.
VIÊN ĐỘI: Việc quái gì phải sợ? Nhìn ta này: đời lính có hại gì ta đâu? Mười bẩy tuổi ta đã vào lính rồi nhé.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nhưng ông chưa tới bẩy mươi.
VIÊN ĐỘI: Ta chờ được mà.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Phải, biết đâu lại nằm chờ dưới lòng đất.
VIÊN ĐỘI: Mụ rủa ta, bảo ta sắp chết hay sao đây?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nếu đó là sự thật thì sao? Nếu như tôi thấy ông quả đã tới số thì sao? Nếu vẻ mặt của ông không khác một cái xác đang đi phép thì sao?
SCHWEIZERKAS: Người ta bảo mẹ tôi có khuôn mặt thứ hai đấy, vì bà thấy trước được tương lai.
TAY MỘ LÍNH: Vậy mụ nói thử tương lai ông đội đi, biết đâu ông ấy sẽ khoái tỉ.
VIÊN ĐỘI: Ta chẳng tin gì chuyện vớ vẩn ấy.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Đưa tôi mượn cái mũ sắt.
Viên đội đưa mũ cho bà.
VIÊN ĐỘI: Ngồi ị ngoài đồng còn thú hơn nghe mụ đoán. Thôi thì có chuyện cười chơi.
BÀ MẸ CAN ĐẢM (xé một miếng giấy ra thành nhiều mảnh nhỏ): Eilif, Schweizerkas và Kattrin, mẹ con ta cũng sẽ tan thây như miếng giấy này nếu để mình lún quá sâu vào cuộc chiến tranh. [Với viên đội:] lần này ngoại lệ, tôi không lấy tiền ông. Tôi vạch chữ thập đen trên mảnh giấy. Màu đen là màu của thần chết.
SCHWEIZERKAS: Những mảnh kia bà không gạch, ông thấy chưa?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi gập lại rồi xáo lên, như tất cả chúng ta ngay từ lúc ở trong bụng mẹ cũng đã thế rồi, bây giờ thì ông rút đi và sẽ thấy.
Viên đội ngần ngại.
TAY MỘ LÍNH: [nói với EILIF:] Không phải bạ ai ta cũng nhận đâu, ta nổi tiếng là kén chọn, nhưng chú mày bừng bừng nhiệt huyết khiến ta rất ưa.
VIÊN ĐỘI (thò tay vào mũ móc giấy): Vớ vẩn! Chỉ lừa bịp.
SCHWEIZERKAS: Hắn rút phải mẩu giấy có chữ thập đen. Thế là đời hắn tiêu rồi.
TAY MỘ LÍNH: Anh đội chớ có sợ, đạn đâu sẵn thế mà dành cho mỗi người.
VIÊN ĐỘI (khàn khàn): Mụ chơi khăm ta.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông đã tự chuốc lấy số mạng từ cái ngày ông vào lính đấy chứ. Giờ thì chúng tôi phải đi tiếp thôi, đâu phải ngày nào cũng đánh nhau thành ra tôi phải khẩn trương mới được.
VIÊN ĐỘI: Có quỉ thần chứng giám, ta không mắc hỡm mụ đâu. Bọn ta phải bắt thằng con hoang của mụ theo làm lính cho bọn ta.
EILIF: Con muốn vào lính, mẹ à.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Câm cái mõm, đồ quỷ Phần Lan.
EILIF: Thằng Schweizerkas cũng muốn vào lính nữa.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Thế mà tao không biết đấy. Phải cho cả ba đứa chúng mày rút thăm mới được.
Chạy ra sau để vạch gạch chữ thập lên giấy.
TAY MỘ LÍNH: [nói với EILIF:] Người ta bảo rằng trong doanh trại Thụy Điển của bọn ta ai cũng cực kì ngoan đạo, thật là vu khống trắng trợn để hại bọn ta. Chỉ hát kinh lễ vào chủ nhật, một khúc thôi, mà phải người có giọng tốt cơ.

BÀ MẸ CAN ĐẢM: (quay lại với những mẩu giấy trong mũ sắt của viên đội): [nói với mình] Hai thằng quỉ muốn trốn mẹ đi lính như lũ bê con thèm muối. Nhưng tôi sẽ cầu hỏi mấy mẩu giấy và rồi lũ chúng nó sẽ thấy rằng thế giới này không phải là một thung lũng hoan lạc, được người ta rủ rê đại loại như “con trai ơi, theo ta, chúng ta đang cần thêm nhiều tư lệnh nữa”. [Với viên đội] Ông đội ơi, tôi rất lo cho lũ chúng nó, sợ rằng chúng không sống sót qua cuộc chiến tranh. Ba đứa đều tính tình đáng sợ cả. (Chìa cái mũ cho Eilif). Đây, lấy số của mày đi. (Eilif móc rồi mở mẩu giấy. Bà giật lấy). Thôi rồi, một gạch chữ thập! Ôi, tôi người mẹ khốn khổ, mang nặng đẻ đau. Nó sẽ chết ư? Nó sẽ phải chết đang lúc tuổi xuân. Nếu vào lính thì nhất định nó sẽ chết, rõ ràng. Nó gan liền như bố nó. Nếu ngu ngốc thì nó biết tìm đường dễ sống mà đi, mẩu giấy rành rành đây này. (Nghiêm khắc): mày có khôn ngoan không?
EILIF: Sao lại không?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Khôn ngoan nghĩa là mày phải ở bên mẹ, dù họ có chế nhạo, nhục mạ mày là gà con thì cứ cười thôi.
TAY MỘ LÍNH: Nếu chú mày chết nhát thì ta túm thằng em của chú mày vậy.
BÀ MẸ CAN ĐẢM:[với Eilif]: Tao đã bảo mày cười mà. Cười lên! Còn bây giờ đến phiên mày gắp thăm, Schweizerkas. Về phần mày tao đỡ sợ hơn vì mày thật thà trung hậu. Schweizerkas bốc thăm). Ơ kìa, sao mày nhìn mẩu giấy lạ lùng thế kia? Nhất định phải là mẩu giấy trắng. Không thể cũng chữ thập đen được. Mẹ không thể mất mày được. (Cầm mẩu giấy). Một vạch chữ thập ư? Nó cũng thế! Có phải tại vì nó khù khờ quá không? Ôi, Schweizerkas, mày cũng sẽ chết mất thôi, nếu mày không giữ tính thật thà như mẹ đã dạy bảo từ khi mày còn thơ dại rằng đi mua bánh mì thì phải đem đủ tiền người ta thối lại về đưa mẹ. Chỉ như thế mày mới sống sót thôi. Ông đội này, ông xem thử có phải là vạch chữ thập không?
VIÊN ĐỘI: Đúng là vạch chữ thập. Ta không hiểu làm sao mà lại rút phải một cái có vạch chữ thập. Ta luôn đi cuối đoàn quân mà. [Với tay mộ lính:] Mụ không bịp đâu. Chính lũ con mụ cũng bốc thăm ra y vậy mà.
SCHWEIZERKAS: Tôi cũng bị. Nhưng tôi nghe lời mẹ tôi khuyên.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: (với Kattrin): Bây giờ mẹ chỉ còn yên tâm với mỗi mình con thôi, bản thân con là một vạch chữ thập[20] rồi vì lòng con quá nhân hậu. (Nâng mũ lên xe cho Kattrin nhưng lại tự mình bốc mẩu giấy). Mẹ chịu không hiểu nổi. Không thể nào lại thế được, có lẽ mẹ nhầm lẫn khi trộn chăng. Đừng quá tốt bụng, Kattrin ạ, đừng bao giờ nữa, nghe chưa! Trên đường đời của con đã dựng sẵn một thập tự giá rồi đấy. Cứ lặng thinh thôi, có gì khó đâu vì con vốn câm sẵn rồi. Đấy, mấy đứa bay biết hết cả rồi nhé. Nhớ mà cẩn trọng. Giờ ta lên xe tiếp tục đi. (Trả mũ cho viên đội rồi leo lên xe).
TAY MỘ LÍNH: Anh phải làm gì đi chứ!
VIÊN ĐỘI: Tôi thấy người không khoẻ.
TAY MỘ LÍNH: Có lẽ anh cảm lạnh vì đã đưa mũ cho mụ trong lúc gió mày thế này đấy. Anh hãy giả vờ gạ mua bán đánh lạc hướng mụ đi. (Nói to): Anh đội à, cứ ngó qua cái khóa dây nịt xem sao. Họ sống nhờ buôn bán mà lại! Này, mấy người kia, ông đội muốn mua cái khóa thắt lưng.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Nửa Gulden. Giá một cái khoá thế này đúng ra những hai Gulden cơ đấy. (Xuống xe.)
VIÊN ĐỘI: Đâu phải đồ mới. Gió quá thể! Ta phải thong thả coi kỹ mới được. (Cầm khoá ra sau xe).
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Tôi có thấy gió máy gì đâu.
VIÊN ĐỘI: Có lẽ đáng giá nửa Gulden thật, bằng bạc đây mà. BÀ MẸ CAN ĐẢM (đi theo ra sau xe): Bạc thật chứ, sáu Unze[21] đấy.
TAY MỘ LÍNH: nói với EILIF: Rồi hai ta sẽ cụng ly thoả thuận, đúng kiểu đàn ông với nhau. Ta sẵn tiền ứng trước đây này. Đi thôi!
Eilif do dự.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Vậy thì nửa Gulden.
VIÊN ĐỘI: Ta thật chẳng hiểu gì ráo. Ta luôn đi cuối đoàn quân mà. Thật không còn chỗ nào an toàn hơn cho một viên đội như ta. Chỉ việc đẩy bọn khác lên trước cho chúng kiếm hai chữ vinh quang. Thế là bữa trưa nay coi như tiêu. Ta biết sẽ không thể nuốt nổi.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Ông đừng quá lo đến nỗi không ăn không uống nổi. Cứ việc yên trí theo sau đoàn quân thôi. Đây, làm một ngụm đi. (Cho hắn uống rượu).
TAY MỘ LÍNH: nắm cánh tay Eilif kéo ra phía sau: Đưa chú mày mười Gulden ứng trước nhé! Chú mày là một kẻ can trường, chiến đấu cho Đức vua[22], đàn bà con gái sẽ bu lại tranh nhau chú mày cho mà xem. Còn chú mày được quyền tống vào mõm ta vì ta đã lỡ nhục mạ chú mày. (Cả hai đi ra).
Kattrin nhẩy xuống xe, giọng ú ớ khàn khàn.
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Mẹ xong ngay, Kattrin à, xong ngay. Ông đội còn đang trả tiền. (Cắn đồng nửa Gulden). Tôi nghi ngờ mọi thứ tiền. Tôi đã từng bị lừa rồi[23], ông đội ạ. Nhưng đồng tiền này thật. Bây giờ mẹ con ta lại đi. Thằng Eilif đâu rồi?
SCHWEIZERKAS: Anh ấy đi với tay mộ lính rồi.
BÀ MẸ CAN ĐẢM (đứng lặng đi, rồi nói): Mày thật vô tích sự. [Với Kattrin:] Mẹ biết, con không nói được, con không có lỗi. VIÊN ĐỘI: Mụ cũng nên làm một hớp đi thôi. Đời là thế. Làm lính chưa phải là tệ nhất đâu. Mụ muốn kiếm sống nhờ chiến tranh nhưng lại muốn cùng với lũ con đứng ngoài cuộc ư?
BÀ MẸ CAN ĐẢM: Bây giờ thì con phải kéo xe với anh con thôi, Kattrin ạ.
Hai anh em quàng dây kéo xe. Bà mẹ can đảm đi bên cạnh. Chiếc xe chuyển bánh.
VIÊN ĐỘI (nhìn theo:) Muốn kiếm sống nhờ chiến tranh. Thì cũng phải cống hiến gì cho nó chứ.


Chú thích:


[1] Dalarne: một vùng ở Thụy Điển.

[2] Bá tước Oxenstjerna (1583 – 1654), tể tướng Thụy Điển (từ 1612), nhiếp chính sau khi vua Thụy Điển Gustav Adolf tử trận (1632).

[3] Nguyên văn: bà mẹ can đảm mất một người con trai [vì nó trốn mẹ đăng lính].

[4] Cơ: một đội quân với khoảng 300 đến 400 lính.

[5] Tạm dịch "Maultrommel": một loại đàn ngậm ở miệng, dùng ngón tay gẩy.

[6] Lời chào cho thấy lúc này là buổi sáng.

[7] Vào thế kỉ 17 Phần Lan thuộc Thụy Điển.

[8] Riga: thủ đô Lettland bây giờ.

[9] Altötting: một thành phố cổ, nơi hành hương nổi tiếng ở Bayern (Bavaria).

[10] Mähren: bấy giờ thuộc Áo, nay thuộc Séc.

[11] Für die Katz sein: hoài công, công toi.

[12] Gulden: một loại tiền kẽm thời bấy giờ.

[13] "Jemanden auf den Arm nehmen" nghĩa thường hiểu (bóng) là "giỡn mặt ai đó" (như viên đội nói), song Bà mẹ can đảm, do thất học, lại hiểu theo nghĩa đen: "bồng, ẵm, nâng" nên mới yêu cầu viên đội "ăn nói cho nghiêm chỉnh" trước mặt lũ con bà.

[14] Trong cái tên Schweizerkas có chữ "Schweizer", nghĩa là người (đàn ông/con trai) Thụy Sĩ.

[15] Nhiều nhà bình giảng cho rằng việc cho mỗi đứa con của bà mẹ can đảm một ông bố khác chủng tộc là sự đả kích của Brecht đối với chính sách "thuần chủng" của Hitler.

[16] Bamberg: một thành phố cổ ở Bayern, nay là một bang lớn ở đông nam Đức.

[17] Ochs: bò đực thiến. Jakob và Esau là hai anh em (Cựu ước, sách Moses).

[18] Nguyên văn: "Nào, ta đi câu, người câu nói với con giun".

[19] Ý nói: bà mẹ can đảm chỉ biết kiếm lợi qua chiến tranh mà không chịu "đóng góp" con mình ...vào đó!

[20] Kreuz: vạch chữ thập; cũng có nghĩa thánh giá (đóng đinh Chúa Jesus).

[21] 1 Unze bằng khoảng 30g (xưa).

[22] Vua Thụy Điển Gustav Adolf.

[23] Nguyên văn: Tôi là đứa trẻ bị phỏng.

<< Sơ lược | Màn 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 171

Return to top