36.
Rất lâu sau, khi Quỳnh nhớ lại, cô cảm thấy rất khó hiểu. Cô không phân biệt được đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả. Thậm chí cô ngờ rằng, từ khi nhà sách tìm cô để đặt hàng, đến khi cô viết xong, rồi bị Lâm Diệu Nghị cướp mất, rồi cô dù biết không có kết quả vẫn đến nhà tìm Diệu Nghị vừa đúng vào hôm Diệu Nghị tổ chức tiệc mừng... Từng sự việc một đều như được sắp xếp. Điều quan trọng hơn cả, không phải là cô bị cướp mất cuốn sách, mà là cô được đưa tới trước mặt người đàn ông đó, anh ta là Trầm Hoà.
Trầm Hoà khác rất nhiều so với tám năm trước. Ít nhất là tóc ngắn đi nhiều. Hồi trước anh ta để tóc dài, dáng vẻ của một nghệ sĩ trẻ bất cần. Giờ đây, anh trở nên sáng sủa rõ ràng, hơi béo, làm giảm bớt đi tính cách sắc sảo của tuổi hai mươi chín. Anh tỏ ra khoan hoà hơn rất nhiều. Quỳnh quên mất dùng logic vận động để nhìn nhận vấn đề, ngoài Trác ngày ngày ở bên cạnh cô ra, mọi người đều không có ai ở lâu trong cuộc sống của Quỳnh. Người nào cũng đến rồi đi, không kịp để cho Quỳnh kịp cảm nhận sự thay đổi không ngừng.
Khi Quỳnh biết được người trước mặt chính là Trầm Hoà, cô thấy nhớ Dật Hán vô cùng. Ông ra đi đã rất lâu rồi, nhưng trong lòng cô vẫn trống trải không sao lấp đầy. Cô luôn như bị thiếu một thứ gì đó thật quan trọng. Chúng dường như đã trở thành lý do để cô trốn tránh và tự tha thứ cho mình.
Ngoài sự nhớ thương đối với Lục Dật Hán, Quỳnh còn một chút an ủi, bởi Trầm Hoà chính là người biên tập cuốn sách Nụ cười như hoa của Lâm Diệu Nghị. Anh bảo, anh rất thích cuốn sách đó.
"Có gì đó rất gần với sự sắc sảo của Tùng Vy trẻ tuổi năm nào". Trầm Hoà đã bình luận như thế. Mặc dù bản thảo không còn thuộc về mình nữa, nhưng mấy lời nói đó đã khiến Quỳnh thấy hài lòng. Cô cảm ơn Trầm Hoà.
"Cảm ơn tôi làm gì? Tôi cũng bị lừa, giúp cô ta xuất bản một cuốn sách ăn cắp".
"Không, anh đã thật sự thích cuốn sách đó, bất kể nó rơi vào tay ai. Điều đó với em là quá đủ".
Trầm Hoà nhìn cô gái trước mặt với vẻ xót xa. Cô thật hiểu biết, và đối xử với tác phẩm một cách chân thành. Hóa ra cô ấy là Lục Nhất Quỳnh. Nếu Quỳnh không nói, anh nhất định không thể nhận ra. Tám năm trước Quỳnh còn là một cô bé ngây thơ, mập mạp, hình như rất thích hỏi tại sao. Trầm Hoà cố gắng nhớ lại, nhưng không còn rõ lắm. Đám tang của Dật Hán là lúc anh đang đi du lịch Quảng Tây và biên giói Việt Nam. Khi anh quay về, chỉ nghe nói Dật Hán đã chết. Anh đã từng ghé qua nhà số 3 phố Đào Lý, lòng thấy vô cùng cảm khái. Dĩ nhiên anh không hề biết bao nhiêu thăng trầm bên trong đình ấy, dĩ nhiên cũng không biết Quỳnh đã sống vất vả và cô độc đến thế nào.
Sau khi Quỳnh và Trầm Hoà "nhận ra" nhau, hai người vẫn trầm ngâm. Trầm Hoà hỏi Quỳnh: "Em đang nghĩ gì vậy?".
Quỳnh nói: "Em bỗng nhớ đến tám năm trước anh đến nhà em. Anh và ba em ngồi trong phòng khách. Hai người cũng không nói năng bao nhiêu. Nhưng không nói cũng không thấy không khí gượng gạo. Em thấy rất thú vị, lúc nhìn anh, lúc nhìn sang ba. Em cảm thấy thực ra hai người rất hiểu nhau, và rất quý nhau. Nhưng hai người dường như không biết nên nói gì".
"Sau đó đã nói gì?" Trầm Hoà cười hỏi.
"Anh nói chuyện anh đi du lịch. Anh đi Tây Tạng còn nhìn thấy cả thiên táng".
"Em nhớ tốt thật. Anh đã không nhớ rõ nữa rồi". Trầm Hoà thành thực, rồi hào hứng hỏi tiếp: "Còn gì nữa không?".
"Anh còn nói là sẽ đem em đi du lịch nữa, chờ khi nào em lớn lên". Quỳnh nói. Thời gian bỗng như quay trở về tám năm trước.
"A? Thật à? Anh còn nói thế à?" Trầm Hoà cười khanh khách.
"Đúng thế. Rõ như trước mắt". Quỳnh khẽ thở dài.
Quỳnh và Trầm Hoà chậm chạp nói chuyện như năm nào anh trò chuyện với Dật Hán được hơn một tiếng đồng hồ. Quỳnh thấy không khí trầm lặng nhưng ăn ý giữa Trầm Hoà và Dật Hán khi xưa. Bởi giữa họ có Tùng Vy. Nếu nhắc đến đề tài Tùng Vy, Dật Hán sẽ tự nhiên kể lại câu chuyện trước đây của hai người. Nhưng ông luôn có ý cưỡngg lại điều đó. Trầm Hoà rất hiểu và tôn trọng ông, bèn không hề nhắc tới. Hai người vì vậy không biết nói gì. Nếu quen nhau vì một lý do khác, chắc là họ sẽ nói với nhau về tất cả mọi chuyện.
Giờ đây, là Quỳnh không muốn tự tiện nhắc chuyện Tùng Vy. Người tò mò về tình hình gần đây của Tùng Vy không chỉ một mình cô. Nhưng nếu Trầm Hoà nói tới thì đã sớm nói rồi, không nên làm khó cho anh.
Khi Quỳnh đứng dậy ra về, Trầm Hoà nói với cô, anh sẽ giúp cô nói chuyện với nhà sách kia để giải quyết vấn đề. Nói rồi, anh lại thở dài ngao ngán: "Hôm qua anh vẫn còn hài lòng vì mình vừa xuất bản được cuốn sách ưng ý nữa đấy, giờ đây anh lại thấy rất hổ thẹn, chẳng biết còn giúp đỡ em được gì không. Em viết cuốn sách này vất vả lắm phải không...".
Nghe anh hỏi thăm, mắt Quỳnh lại đỏ hoe. Cô phẩy tay, ra ý anh đừng nhắc đến nữa. Nếu không xảy ra những chuyện vừa rồi, sách của em xuất bản ở chỗ nhà sách kia chắc gì anh đã thấy. Nếu vậy mình đã không gặp mặt. Có thể sự gặp lại đối với anh không có gì đáng nói, nhưng với em là cả một chuyện lớn. Những năm qua em đi tới đâu mất mát tới đó, giờ đây người thân và bạn bè mất mát gần hết cả rồi. Quỳnh mỉm cười, kết thúc câu chuyện, đi ra khỏi cửa.
Mặc dù Quỳnh vào ngay thang máy, nhưng Trầm Hoà vẫn đứng trước cửa nhà một lúc nữa mới như chợt tỉnh giấc mộng, quay lưng vào trong nhà.
Trầm Hoà ngồi trở lại ghế sôpha hút thuốc. Căn nhà này còn mới, mùi vị trang hoàng nội thất còn chưa hết. Lúc nãy Quỳnh ở đây anh còn chưa nhận ra, nhưng bây giờ ngồi một mình, bỗng thấy lạnh ngắt. Sự việc luôn vòng vèo rắc rối, không hề nhạt nhẽo như tiểu thuyết. Quỳnh khiến anh lại nhớ tới Lục Dật Hán. Đối với con người chỉ gặp vài lần, vài lần nói qua điện thoại và nói với nhau chẳng mấy câu, có lẽ hoài niệm là một từ quá nặng. Nhưng khi nghĩ tới ông, Trầm Hoà vãn thấy có gì đó không thoải mái. Trong mắt anh, Dật Hán thật đáng quý, cử chỉ mực thước, nhìn nhận vấn đề sâu sắc, nhưng không được ông trời thương, rõ ràng là một sự đáng tiếc. Trầm Hoà lại nghĩ tới mình. Công bằng mà nói, việc của Quỳnh không hề có trách nhiệm của anh, nếu anh mặc kệ cũng là điều bình thường. Nhưng giờ đây anh rất muốn đền bù cho cô chút gì đó. Không phải hoàn cảnh của Quỳnh khiến anh thương hại, cũng không phải cảm thấy thiếu nợ cô ở đâu đó, mà là một cảm giác về một sứ mạng. Nó khiến anh muốn giúp đỡ cô. Nhưng điều khiến Trầm Hoà thấy tiếc là, sứ mạng đó không bắt đầu từ đạo đức nghề nghiệp của một người biên tập, nó đến từ cuộc sống. Anh quyết định đi cùng cô một đoạn đường, nhưng anh lập tức nhắc nhở mình: chỉ là đi một đoạn.
37.
Quỳnh từ từ đi bộ về nhà. Cuối cùng cũng phải trở về. Tính ra cũng chỉ vắng một ngày. Nhưng một ngày đó đã xảy ra quá nhiều chuyện. Dường như cô đã cố gắng trải qua tám năm thêm một lần nữa. Mùa thu đén rồi. Trời ngả tối trở nên rất lạnh. Quỳnh co rúm hai vai. Cô vẫn mặc áo ngắn tay, da tay khô đi trong khí trời thu sắc lạnh. Gió thổi vào nổi da gà, như gieo hạt lên da cô. Cô muốn nhanh nhanh về nhà. Cô mừng thầm vì trên đời này còn có một chốn như thế, để lúc vô vọng như thế này mình có thể tìm về. Nhưng cô bỗng nhận ra mình đang ở một nơi rất xa lạ.
Quỳnh về đến nhà đã rất khuya, cô đi bộ liền mấy tiếng đồng hồ. Mệt mỏi leo lên lầu, trong lòng cô dần dần bình thản trở lại. Cô sẽ giải thích với nhà sách, hy vọng ông ta sẽ "nương tay". Sắp phải nộp học phí cho Trác. Cô sẽ vừa làm thêm mở quán cà phê vừa bắt đầu viết lại. Đã đến lúc đi thăm Ưu Di, lâu rồi không đi, chỉ sợ cô ấy lại hỏi chuyện cuốn sách mới. Câu chuyện sẽ làm cô ấy thất vọng. Cô cần thêm vài tháng, lần này cô sẽ viết nhanh hơn.
Quỳnh về tới trước cửa. Lấy chiếc chìa khoá lạnh ngắt ra khỏi túi, cô mở cửa vào.
Đêm, trong nhà đen như mực. Phòng khách không có ai. Cửa phòng Trác đóng kín. Quỳnh thấy nhớ cậu, muốn lập tức gặp cậu. Quỳnh đẩy cửa, mò tay lên tường tìm công tắc.
Tiếng động như tiếng thở dài êm dịu. Âm thanh đó ong ong trong đầu Quỳnh, cô bật đèn lên và nhìn thấy họ. Không phải chỉ có Trác. Đó là lần đầu Quỳnh nhìn thấy cơ thể Trác trần trụi kể từ khi Trác lớn lên. Hồi nhỏ hai đứa từng chui vào buồng tắm tắm chung. Quỳnh còn nhớ lúc đó đầu Trác rất to và cổ lại rất mảnh, giống như một con vịt con nghểnh cổ. Cô thích từng động tác của Trác, cô tin rằng con người đó sẽ trở nên lấp lánh sáng ngời, và thời gian đã chứng minh điều đó. Trác bây giờ là một thiếu niên đẹp trai, có thể sánh với những bức tượng Hy Lạp đẹp đẽ.
Tiểu Nhan đang nằm trong lòng Trác, nũng nịu dịu dàng như cánh hoa quyến rũ. Mái tóc đẹp của cô quấn quanh cổ, xoã ra trên ngực. Hai người quấn quýt bên nhau, ôm chặt nhau không rời.
Trong một tích tắc Quỳnh thấy chóng mặt. Đã rất lâu cô không nghĩ đến chuyện trai gái. Cô cùng Trác sống với nhau lâu như thế, lúc nào cũng như bị băng giá bao trùm. Họ chẳng hề đến gần sát nhau, chẳng hề rung động. Cô đối xử với cậu hơi giống như một đứa trẻ.
Quỳnh chợt nhớ tới những hình ảnh nhìn trộm ở nhà số 3 phố Đào Lý của Mạn với Dật Hán. Đó là một tiếng sét giữa bầu trời ngây thơ của cô, nó quá sáng, khiến người ta không mở nổi mắt. Giờ đây lại là một rạch sét khác, rạch qua bầu trời hiện tại của cô. Chẳng lẽ đây là sự giày vò dẳng dai, đeo đẳng mãi hay sao?
Quỳnh lui ra khỏi phòng. Động tác đó như một sự hạ màn thật sự. Cánh cửa cót két đóng lại, khiến cô cách biệt với thế giới đã làm cô hoa mắt bên trong kia.
Quỳnh lui về phòng mình với tốc độ nhanh nhất có thể. Không lâu sau Trác gõ cửa. Quỳnh ở trong phòng nói vọng ra mình quá mệt, có việc gì để hôm sau hẵng nói. Cô lắng nghe tiếng dép của Trác nhỏ dần, cậu đã đi khỏi cửa.
Đêm đó, Quỳnh ngỡ mình cả đêm sẽ không ngủ được. Nhưng thật kỳ lạ, vừa đặt lưng xuống cô đã thiếp đi, thẳng một giấc tới sáng. Khi tỉnh dậy, hồi tưởng lại xâu chuỗi sự việc, cô tự nhủ mình phải vui mới đúng, từ nay về sau, chuyện của người khác sẽ không còn ảnh hưởng tới cô nữa. Không còn ai khiến cô phải lo lắng. Cuối cùng mình cũng đã có thể sống cho chính mình rồi. Không hề bận tâm lo lắng bất cứ điều gì là một cuộc sống ở cấp độ cao. Điều đó rất đáng để chúc mừng.
Quỳnh đẩy cửa bước ra, bỗng thấy Trác ngồi ngay ở cửa, đang ôm gối ngủ. Trác lập tức tỉnh lại, ngẩng đầu nhìn Quỳnh. Cô định nói rồi lại thôi, đi ra ban công. Trác đi theo cô ra ngoài. Quỳnh đẩy cửa ban công, đã nhìn thấy bao nhiêu là hoa trúc đào, từng chậu từng chậu tươi, xếp kín một vòng ban công. Chắc chắn là Trác đã mua để mừng sinh nhật cô. Ở giữa đó còn đặt một chiếc ghế mây, nằm ngửa ra đó nhất định rất khoan khoái. Quỳnh chợt thấy thắt lòng, mắt nhìn không chớp. Đêm qua mưa giông, nhưng cô không hề hay biết. Giờ đây mỗi bông hoa đều long lanh những giọt nước, trông càng xinh đẹp. Chỉ có bông nào không đủ cứng mới bị gãy gục. Quỳnh nhắm mắt nghĩ, một buổi sớm thế này chắc chắn không đến hai lần. Ánh nắng vẫn còn dịu mắt, có thể nghe rõ tiếng chim hót từ phương nào vọng đến. Có tiếng người ở tầng dưới đang chăm sóc hoa, phàn nàn về trận mưa giông lúc đêm.
Quỳnh tự châm một điếu thuốc. Thời đó Quỳnh còn rất ít hút thuốc, thỉnh thoảng buồn cô mới hút một điếu. Cô chậm rãi ngồi xuống chiếc ghế mây, lim dim đôi mắt, đung đưa chiếc ghế.
- Quả là dễ chịu, sợi mây không hề chọc vào da. Quỳnh nói nhẹ nhàng.
- Ghế mua lại chị ạ, rất rẻ. Trác lập tức trả lời. Cậu vẫn lo lắng trông chừng Quỳnh ngồi lên đó.
- Trác lớn thật rồi, đã biết tiết kiệm tiền. Quỳnh cười, vẫn không mở mắt.
- Chị nhỏ, có phải chị vẫn đang giận không... Em biết sai rồi. Em không nên chưa xin phép chị mà yêu Tiểu Nhan... Giọng Trác như đôi trẻ trốn nhà đi thời phong kiến đang nhận tội với cha mẹ. Quỳnh lắc đầu, giọng cay đắng:
- Đó là quyền của em, em đã lớn rồi.
- Không, đáng lẽ em phải hỏi ý kiến chị trước. Em xin lỗi. Trác thất vọng buồn rầu.
- Chị không phải là cha mẹ em. Quỳnh trả lời căng thẳng. Cô mở mắt ra ngồi dậy, không còn đong đưa chiếc ghế nữa. Cô thở dài: "Trác à, quyết định của em là đúng. Có điều chị nghĩ là chị sẽ chuyển đi chỗ khác. Em trông đấy, em cũng đã lớn lắm rồi, đã biết tự lo cho mình". Quỳnh không hề làm bộ giận với Trác. Nhưng cô cảm thấy không sao tỏ ra bình thản vô tư được. Lòng đố kỵ là một thứ quan trọng của phụ nữ.
- Đừng chị nhỏ, xin đừng bỏ chúng em. Trác đi vòng ra trước mặt Quỳnh, cầm lấy tay cô. Nghe thấy Trác nói "chúng em", Quỳnh trong lòng bật cười. Cô liền nghĩ sao mình vẫn còn so đo với cái chữ đó nữa. Mắt cô đỏ hoe, giọng buồn tủi:
- Chị còn nhớ hồi nhỏ em hỏi chị là có phải lớn lên rồi sẽ không bị yêu quỷ bắt nạt nữa. Chị bảo là đúng thế và em đã sợ. Em sợ chị lớn lên trước, bỏ lại một mình em. Bây giờ có lẽ không phải vậy, hoá ra em đã lớn lên trước rồi.
- Không đâu, chị nhỏ. Chị đã lớn từ rất lâu rồi, chị đã đi rất xa rồi, em nhìn chị không còn rõ mặt nữa. Trác quỳ xuống bên chân Quỳnh, ôm lấy chân cô thật chặt.
Thấy Quỳnh không nói gì, cậu lại nói tiếp:
- Hồi nhỏ, em nghĩ sẽ ở bên chị suốt cả đời, em sẽ không yêu một ai khác. Sau khi ba mất, chị em mình đã nượng tựa nhau qua ngày, là người thân duy nhất của nhau. Nhưng mà, chị em mình không thể nào gần nhau như trước nữa. Chị cao quá, xa quá, lạnh lùng nữa, không sao với tới được. Làm sao có thể đến với trái tim chị? Em lúc nào cũng tự hỏi như vậy.
Quỳnh hoang mang nhìn Trác: "Thật thế sao?".
- Chị giống như bức gương của em, để em nhìn thấy chính mình - nhu nhược, bất lực. Em không thể giúp chị san sẻ buồn đau, vất vả, chỉ biết nhìn chị tiều tuỵ, trầm mặc. Điều duy nhất có thể làm là không được khiến chị phải bận lòng thêm. Chị nhỏ, chị biết không, ngày nào em cũng lo lắng, lo mình sẽ đổ bệnh. Em biết như thế sẽ rất tốn kém, và làm cho chị càng vất vả.
Quỳnh se thắt cả lòng:
- Em đã làm được rồi Trác ạ. Từ khi chú Dật Hán ra đi, em không ốm một lần nào. Nhưng chưa bao giờ chị thấy em là vô dụng cả. Em chính là nguồn động lực để chị tiếp tục cuộc sống.
- Nhưng em không phải là người chị cần thực sự. Chị yêu ba em, đúng không ạ? Ông khiến chị thấy thực sự an toàn, ấm áp, đúng không? Hồi ở nội trú chị trốn không gặp ông, chị cố gắng là mọi việc đều là vì ông, đúng không? Sau khi ba mất, em rất buồn, nhưng ông không hề xa chị em mình. Ông ở giữa chị và em, vì thế chị thường nhìn em như ba. Giọng Trác rất bình thản, nhưng khiến Quỳnh sững cả người. Cô và Trác chưa bao giờ đề cập tới chuyện này. Cô không biết phải trả lời cậu ra sao, nhưng cô buộc lòng thừa nhận, khi cô ở thật gần Trác, thì Dật Hán cũng rất gần. Nhưng cô vẫn phủ nhận.
- Không, không phải vậy. Trác à, chị không coi em là người thay thế cho ông ấy, hai người khác nhau chứ.
- Em không phải là người thay thế, nhưng em cũng không có tình yêu của chị. Chị nhỏ, em thích chiếc áo xanh da trời chị mua cho em, nhưng chị không hề biết rằng em không thích màu xanh da trời. Người thích màu da trời là Ba. Chị tưởng em thích hoạ sĩ Edvard Munch nhưng ba mới là người thích hoạ sĩ đó. Em cảm thấy chúng ta đang sống trong một gia đình hoài cổ, những đồ vật xung quanh đều là những thứ mà ba ưa thích... Chị không hề biết em thích cái gì. Trác nói rồi gục đầu chua xót.
Trác vốn định tổ chức cho Quỳnh một lễ sinh nhật thật đẹp. Hôm đó cậu đã cắt tóc cho Quỳnh, giao hẹn với Quỳnh hãy mở cửa tâm hồn, để mọi người xung quanh có thể đến gần hơn. Quỳnh đã nhận lời khiến cậu hết sức vui mừng. Thế mà chiều hôm ấy cô bỗng nhiên mất tích. Không có điện thoại gọi về, không có bất cứ lời nhắn nào để lại. Họ không hiểu vì sao chỉ có đi dạo mà lại lâu như thế. Họ đã chuẩn bị một bữa ăn trưa ở ngoại ô, có bánh xăng uých kẹp thịt bò và cá thu, đặt trong một chiếc giỏ mây. Tiểu Nhan còn chuẩn bị một tấm khăn trải bàn kẻ ô vuông, khi trải ra giống như một chiếc thuyền.
Trác gọi đó là thuyền Nô-ê, khiến Tiểu Nhan bật cười. Cô ghé sát người thơm lên mặt Trác, nhỏ nhẹ: Vậy mình lên thuyền đi lánh nạn đi.
Họ còn mượn về một chiếc máy ảnh, chuẩn bị chụp ảnh kỷ niệm. Trong tay họ đã có vé xe ra ngoại ô. Thế mà chờ đến tận đêm khuya mới nhận được điện thoại của cô, giọng lè nhè, chỉ nói không về nhà rồi cúp máy. Trác và Tiểu Nhan quay lại nhìn thuyền Nô-ê của họ, cảm giác cô độc, đồng bệnh tương lân càng sâu sắc hơn. Họ gọi điện thoại trở lại, mới biết đó là quán bar, đã đóng cửa.
Chủ nhà đến đòi tiền, tiền học phí đầu năm phải nộp, lại còn tự nhiên có một ông ở nhà sách đến đòi bản thảo gì gì đó... Hai người đối mặt với những yêu sách thẳng thừng và thô lỗ. Sự bơ vơ và an ủi lẫn nhau khiến hai người đến gần với nhau hơn nữa.
Trên thực tế, Tiểu Nhan là một cô gái sớm trưởng thành. Tình cảm của cô lại nồng nàn ráo riết. Vì thiếu vắng tình yêu nên cô biết tính toán. Cô biết phải bày tỏ, không che đậy. Cô cần sự đáp trả, như cần một bức tường giữa thảo nguyên hoang dã, giúp cô nghe thấy tiếng vọng của chính mình, giúp đẩy lùi nỗi sợ hãi trong lòng, đẩy lùi cảm giác lạnh lẽo cô độc.
Tối hôm đó, họ xem ti vi, lại là phim kinh dị. Nhưng lúc này, Trác không còn sợ nữa, cậu đã là một chàng trai. Ngược lại, cậu còn bảo vệ Tiểu Nhan, dùng bờ vai mình cho Tiểu Nhan nép vào. Xem xong phim hai người chào nhau, trở về phòng mình đi ngủ. Đột ngột Tiểu Nhan nắm lấy tay Trác: "em có thể sang phòng anh không, em sợ lắm".
Cô chui vào chăn của Trác, cười khúc khích. Trác nghe tiếng cười đó thấy hơi chếch choáng. Sự chếch choáng đó chính là thứ mật ngọt nhất trên trần gian, không ai có thể cưỡng lại. Khi Tiểu Nhan đẩy lưỡi mình vào miệng Trác, cậu không còn nhìn thấy gì nữa, chỉ còn suối tóc đen dày của cô, như cánh rừng rậm ngào ngạt hương thơm mê say.
- Tiểu Nhan khác chị. Cô ấy trông thật mềm yếu, khiến người ta không thể không che chở. Cô ấy cũng là một cái gương soi. Nhưng hình bóng em trong đó mới chính là em, một người đã lớn. Không có hình bóng của ba lồng vào đó. Trác nói.
Quỳnh cảm thấy tất cả những gì mình đã làm lâu nay, cứ ngỡ là rất đẹp đẽ, hoá ra đều là sai cả. Cô đã cố gắng để mang lại cho cậu điều tốt nhất, sao cho cậu cảm thấy hài lòng nhất. Nhưng đó lại không phải là điều cậu muốn nhất. Cô đã liên tục áp đặt mọi thứ cho cậu, cho đến khi Tiểu Nhan xuất hiện, cứu Trác thoát ra, không phải sống bởi vì người khác muốn thế. Điều đó giúp Trác vui.
Trác vui, đó là điều tốt, còn mình thì tự do rồi, giải thoát rồi, cũng không còn phải sống vì người khác nữa... Quỳnh nhắm hai mắt, tiếp tục đẩy cho ghế mây đung đưa.
Cô loáng thoáng nghe thấy tiếng tầng dưới mở bài côn khúc "Du viên kinh mộng". Giọng ca nữ như tiếng va chạm của đồ sứ, sắc nhọn, nhưng ý tình triền miên không dứt. Cô bất giác nhớ tới nhiều năm trước, bà nội đã thích nghe những thứ này. Bà nội ngồi bên đèn khâu áo bông mùa đông cho Quỳnh, đài thu thanh nhỏ phát bài côn khúc này. Giờ nghĩ lại, mới thấy đó là thời khắc mà bà thấy tình cảm dâng trào, trong lòng đang bừng lên những niềm hy vọng còn chưa tắt. Cô nhớ lại bà nội trầm lặng, ở goá từ trẻ, cô đơn cả nửa cuộc đời. Chắc trong lòng bà có rất nhiều nỗi buồn. Người bị tỉnh giấc mơ sớm sẽ khắc khoải với đêm dài vô tận, nhưng vẫn cố làm ra sắp ngủ trở lại. Chi bằng thức hẳn dậy, ít ra cũng còn một nửa đêm tự do tự tại trong tỉnh táo. Giờ thì Quỳnh cảm thấy giấc mộng của mình đã tỉnh. Vậy cô nên thoải mái mới đúng.
Quỳnh đưa hai tay ra, nói với Trác:
- Ôm chị một lần nữa đi.
Trác ôm cô thật lâu. Trong không gian nồng nàn hương hoa trúc đào, Quỳnh bật khóc. Cô vẫn loáng thoáng nghe thấy "Du viên kinh mộng" hát đến đoạn ai oán nhất. Trác nhẹ nhàng vuốt tóc Quỳnh:
- Chị nhỏ, em yêu chị nhiều lắm. Nhưng tình cảm này như sợi dây leo núi không bao giờ tới đỉnh. Em đứng ở dưới nhìn lên đã quá lâu, không nhìn thấy nổi hình ảnh thực sự của chị. Cuối cùng em đành phải bỏ cuộc. Xin tha thứ cho sự nhu nhược của em.
Quỳnh chỉ khóc. Cái độ cao lên thấu mây xanh ấy, chỉ có cô mới biết nó thật nực cười, thật giả dối. Cô thuộc về những nơi thấp bé, cô đang đi tìm những tình cảm thật dung dị. Nhưng rốt cục cô đã không có được.
Côn khúc ở tầng dưới đột ngột dừng lại, tựa như đang nhắc nhở Quỳnh, cần phải đi thôi. Quỳnh thấy tim lạnh buốt, thấy thế gian như bỗng trôi qua mấy năm trời. Bài ca bà nội nghe năm nào, giờ đã tới lượt cô nghe. Sự lơi tay buông dần đối với số mạng kia, thực ra đã đến từ khi sự sống bắt đầu, và tiếp tục truyền sang cho đời sau.
Quỳnh kiên quyết ra đi, khiến cho Trác và Tiểu Nhan rất khó xử. Nhưng không còn cách nào khác, họ đành nhìn cô ra đi. Quỳnh sắp xếp đồ đạc mới phát hiện ra, hầu như chẳng có thứ gì thuộc về riêng mình. Chẳng có mấy áo quần hay sách vở. Thật buồn cười, Quỳnh của chúng ta. Khi chuyển nhà tới đây đã từng nghĩ sao đồ đạc nhiều thế, chuyển mãi chẳng hết. Đến lúc ra đi mới thấy chẳng có gì mang theo.
Quỳnh chỉ lấy chiếc ba lô to dùng để đi học, nhét vào đó sách vở, quần áo và đôi dép, cuối cùng cô thả thêm vào đó mấy cuốn sách của Tùng Vy. Chỉ chừng đó. Quỳnh đi ra cửa, quay đầu nói với Trác đang ra theo:
- Chị đi đây. Tiền điện nước của chủ nhà chị sẽ trả giúp em. Tiền sinh hoạt hằng ngày chị sẽ gửi vào tài khoản của em. Có chuyện gì em có thể viết thư cho chị qua toà soạn tạp chí, chị sẽ nhận được. Cô cố ý để lại cách liên lạc ngoắt ngoéo như vậy, hy vọng họ sẽ không liên lạc nhiều, nhưng lại lo lắng cho mấy đứa, nếu có chuyện gì cô vẫn có thể giúp đỡ chúng. Điều cần dặn dò đã dặn dò xong, "người ra đi" đã có thể "đầu không ngoảnh lại". Nếu tất cả có thể cứu vãn trở lại chỉ bằng một vài sự việc nào đó, cô nhất định sẽ cố hết sức thực hiện. Quỳnh lại nói với Trác:
- Khi nào chị lại chuyển đến một căn nhà có ban công rộng, em lại giúp chị trồng hoa móng tay nhé.
Quỳnh cười buồn, bước ra khỏi cửa.
38.
Hôm đó, Quỳnh rời khỏi nhà đi lên núi viếng mộ Dật Hán. Trầm Hoà cũng đã ở đó đợi cô. Hai người đứng trên mỏm núi đầy gió hồi lâu mới xuống. Trầm Hoà nói:
- Anh đã giúp em giải quyến ổn thoả chuyện nhà sách. Ông ta chưa đọc bản thảo của em nên không biết em viết tốt như vậy. Vì thế chỉ cần đưa cho ông ta một chút tiền là xong.
- Cảm ơn anh. Em sẽ mau chóng trả anh đầy đủ. Quỳnh cảm thấy chữ "mau chóng" thật mong manh, nhưng vẫn phải nói vậy.
- Nếu em muốn báo đáp gì đó thì cứ việc chuyên tâm viết sách đi. Anh đảm bảo với em là, chúng ta sẽ thay đổi hoàn toàn tình cảnh khó khăn hiện nay. Trầm Hoà nói một cách quả quyết.
- Anh tin em đến thế à? Quỳnh khẽ hỏi.
Xuống chân núi, Quỳnh và Trầm Hoà chia tay. Trầm Hoà hỏi cô có phải sẽ về nhà, anh có thể chở cô, thuận tiện thăm Trác. Quỳnh bảo không. Em muốn tìm một chỗ khác để ở. Trầm Hoà hỏi tại sao. Quỳnh bảo Trác đã lớn thật rồi, đã có bạn gái, em đã trở thành một người thừa ở đó. Quỳnh nói xong nhún vai chế giễu mình. Trầm Hoà nói, tạm thời em cứ ở căn nhà đó của anh. Bây giờ không có ai ở đó. Quỳnh lắc đầu: Không cần đâu, cảm ơn. Cả đời em dường như chưa bao giờ được như những ngày này, không chịu bất kỳ một sự ràng buộc nào cả. Lúc nãy đứng trên đỉnh núi hoang, nếu em tìm một chỗ nào thật vắng rồi chết đi, sẽ chẳng ai quan tâm là em đã biến mất, chắc chắn phải rất rất lâu sau mới bị tìm ra. Thôi, để cho em đi, chưa bao giờ em thử sống những ngày hoàn toàn tự do.
Quỳnh quay lưng lại phía Trầm Hoà bước đi.
Quỳnh lang thang trên đường, không mục đích. Cô cảm thấy được Trầm Hoà đang theo sau mình nhưng cũng chẳng buồn quay đầu lại hỏi tại sao. Đêm đó, Quỳnh như một nữ hiệp giãi dầu sương gió. Trước hết, cô lang thang qua quán "Manđôlin" của Mạn. Cô nghĩ mình chưa bao giờ vào đây, bèn đẩy cửa bước vào, tựa như cái lò xo kéo quá độ đàn hồi, không bao giờ trở lại được trạng thái ban đầu.
Cánh cửa trong Quỳnh giờ đây đang hoàn toàn mở rộng, không dè chừng, không căng thẳng. Chưa bao giờ cô nhàn tản như vậy, cô vui vẻ uống rượu mạnh, ăn bánh pho mát.
Buồn nôn. Quỳnh nhanh chóng rơi vào trạng thái ăn cuồng. Cô giam mình trong toa lét quán bar để nôn rất lâu, cô muốn nôn ra tất cả những gì đã ăn. Nhưng trong khung cảnh xa lạ, dưới ánh đèn rực rỡ, sự hổ thẹn cũng tăng lên. Nắm đấm cửa bị người bên ngoài xoay vặn nhiều lần - có người muốn vào toa lét. Quỳnh im thin thít, cô sợ mình sẽ phát ra tiếng động, sợ cửa chưa đóng chặt. Khi đó sẽ lại là một lần bị bắt quả tang trước đông người - vô phương cứu vãn. Cô càng sợ sẽ gặp Mạn ở đây. Có lẽ vì đã lâu không nôn, Quỳnh cảm thấy hết sức khó khăn. Cổ họng như cái van rỉ sét lâu ngày, không sao tuôn qua được, mặc cho cô ra sức dồn nén. Quỳnh cảm thấy chóng mặt chưa từng thấy, máu dồn cả lên trán, lên đỉnh đầu, khiến cô gần như mất hết tri giác. Cô cảm thấy mắt sưng đau, nước mắt trào ra như phản xạ máy móc.
Một số khách không mở được cửa, đứng ở ngoài phàn nàn to nhỏ.
Cuối cùng Quỳnh cũng không nôn ra được thêm nữa, cô tựa vào góc tường trên bệ xí nghỉ lấy hơi, một lát sau mới đứng dậy rửa mặt. Cô úp mặt xuống nước, rửa liên hồi. Khi ngẩng mặt nhìn, Quỳnh suýt hét lên khi thấy mình trong gương. Một con mắt của cô có máu. Không phải tụ máu, không phải những tia máu vằn đỏ mà cô đã quen thuộc. Mắt cô chảy máu thực sự. Quỳnh sợ hết hồn, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Quỳnh chưa bao giờ thấy mắt mình như vậy, tựa hồ như tròng đen của mắt đã bị châm một bó lửa.
Quỳnh hứng nước rửa mắt. Cô lập tức nhận thấy muốn làm nhạt cái màu đỏ kia là điều vô ích. Máu chảy bên trong võng mạc dù tầm nhìn còn tương đối rõ ràng. Thậm chí cô còn dùng tay định gạt cái lớp đỏ ấy ra nhưng chẳng tác dụng gì. Quỳnh bỗng thấy thú vị. Đây là "địa bàn làm ăn" của mẹ. Cô đúng là không nên tới đây. Mạn chắc chắn đã có lời nguyền rủa nào đó.
Cùng lúc quyết định bỏ cuộc, Quỳnh nghĩ tới chữ "báo ứng". Đã nhiều lần cô cảnh cáo bản thân không được ăn cuồng rồi móc họng cho nôn. Thế rồi lần nào cô cũng nghĩ đó sẽ là lần cuối cùng. Điều đó không khác gì một kẻ cai nghiện bất thành. Nhưng lần này, cô đã bị trừng phạt. Cô không biết mắt mình rốt cuộc bị làm sao, có thể bình phục được không, liệu có bất thần chảy máu không.
Quỳnh lảo đảo mở cửa toa lét đi ra, đi qua giữa hai người phụ nữ đang đứng chờ ở ngoài cửa. Cô ra sức cúi thấp đầu xuống, chỉ nhìn thấy từng đôi chân đi qua mình. Tóc Quỳnh xoã ra, che lấp khuôn mặt, khuôn mặt với con mắt đỏ máu đầy hổ thẹn. Cô chạy thẳng ra khỏi cổng. Bỗng bị người phục vụ gọi lại: Cô gì ơi, cô vẫn chưa trả tiền...
Quỳnh bàng hoàng đứng lại, vội vã rút tiền ra, đầu vẫn cúi gằm. Bỗng có một bàn tay to lớn khoẻ mạnh từ bên phải ngăn cô lại. Bàn tay kia trả tiền một cách nhan chóng, rồi dắt cô nhanh chóng đi xa khỏi quán "Manđôlin".
Ra khỏi cổng, Trầm Hoà hỏi cô, "Tại sao em lại hoang mang như vậy, đã xảy ra chuyện gì?".
Quỳnh ngẩng mặt lên, nhìn anh bằng con mắt đỏ lòm. Bất kỳ ai nhìn vào con mắt ấy đều phải thót tim. Trầm Hoà lập tức hỏi "Sao lại nên nông nỗi này? Em đánh nhau với người ta hay sao vậy?".
Quỳnh lắc đầu vô vọng, nói lí nhí: "Em bị mụ phù thuỷ đó niệm chú".
Trầm Hoà thấy cô không tỉnh táo, bèn không hỏi thêm. Anh gọi tắc xi đưa cô đến bệnh viện. Quỳnh không chịu đi, nhưng Trầm Hoà vừa dỗ vừa doạ, cuối cùng cô cũng lên xe.
Quỳnh được chẩn đoán là xuất huyết kết mạc. Nguyên nhân do huyết áp ở não quá cao, làm vỡ mạch máu trong mắt. Máu chảy ra khỏi những mạch máu li ti trong mát, tràn ra nhãn cầu, nhưng không có lối chảy ra ngoài nên chúng tập trung lại ở giác mạc. Nhưng vì Quỳnh không chịu nói gì, nên bác sĩ không sao kết luận được nguyên nhân xuất huyết, có khả năng do ẩu đả, cũng có thể do uống rượu quá nhiều, do nôn oẹ.v.v... Chỗ máu đó không thể làm sạch được, chỉ có thể chờ cho chúng tiêu dần. Muộn rồi. Bác sĩ kết luận.
Quỳnh tỉnh dậy, khắp người đau nhức, cô thấy mình lại nằm trong căn hộ của Trầm Hoà. Nhớ ra chuyện mắt mình, Quỳnh bật dậy chạy ra chỗ gương soi, mong sao đó chỉ là giấc mơ. Nhưng con mắt bên phải giống như y quả cầu thuỷ tinh màu đỏ máu khảm vào hốc mắt. Vừa lúc đó Trầm Hoà đẩy cửa bước vào. Trông thấy cô đã dậy bèn nói:
- Anh nghĩ, con mắt em bị như vậy là sự trừng phạt cho sự phóng túng liều lĩnh của em. Hơn nữa, anh nghĩ rằng nó cũng hy vọng em sẽ ở lại đây điều trị cho khoẻ, chứ không vác con mắt đỏ lòm này ra đường doạ mọi người.
- Nhưng em còn nhiều việc phải làm, không ở lại đây được. Quỳnh thấp giọng. Lúc này cô đã quyết định lưu lại, nhưng trong lòng vẫn thèm được anh sẽ nài níu thêm một lần.
- Những việc gì, nói với anh, anh sẽ làm hộ em. Trầm Hoà nói.
- Sắp vào học rồi, em phải đi ghi danh, nhận sách, đi toà soạn lĩnh nhuận bút, rồi gửi đồ cho một người thân. Cô ấy thích hạnh đào. Loại có vỏ. Ừm... còn cả hạt dẻ, ô mai... loại có hột. Ngoài ra còn mua cho cô ấy sữa bột và sữa mạch. Chút nữa em sẽ cho anh địa chỉ của cô ấy, anh gửi đi giúp em. Nếu anh còn thời gian, đi thăm Trác giúp em. Quỳnh nói không chút khách khí. Nhìn Trầm Hoà đang cố gắng ghi nhớ, cô thấy xúc động.
Quỳnh lưu lại trong căn hộ chung cư mới tinh ở tầng mười một của Trầm Hoà. Cô lại bắt đầu viết sách. Trầm Hoà buổi chiều đến, buổi tối đi, ăn cơm với cô, đem cho cô rất nhiều sách. Trầm Hoà còn mua cho cô một chiếc kính đen. Cô dùng nó để che con mắt đỏ, buổi chiều tà có thể cùng Trầm Hoà ra ngoài đi dạo. Có lúc hai người hai cái điều khiển chơi điện tử trước ti vi màn ảnh rộng. Cả hai đều rất say sưa, như hai tên cướp tả xung hữu đột, không kiêng dè bất cứ điều gì. Mỗi lần qua màn, hai người lại đập tay vào nhau một cách ăn ý. Trò chơi điện tử đơn giản nhưng khiến cho cả hai hết sức vui vẻ. Khi xem phim đĩa, trong phòng tối om, hai người mượn ánh sáng của màn hình để nhìn trộm nhau. Dường như Quỳnh chưa bao giờ biết "giải trí". Cuộc sống đối với cô, tựa như "giải quyết" hết "vấn đề" này sang "vấn đề khác".
Viết lách đối với Quỳnh, duờng như không còn là một việc căng thẳng nữa. Không hề có giới hạn thời gian, thoát ra khỏi cái khung "chuyện tình", Quỳnh cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Thậm chí, Quỳnh có một thói quen mới, mỗi khi trong đầu xuất hiện ý tưởng mới, cô lại rất muốn kể cho Trầm Hoà nghe. Không phải cô muốn Trầm Hoà góp ý, chỉ là rất muốn san sẻ với anh. Dần dần, bất kể lúc nào, mỗi khi sắp xếp ý tưởng xong, nếu Trầm Hoà không ở bên cạnh cô lập tức gọi điện thoại cho anh. Có lúc đêm đã rất khuya, cô cũng không chần chừ gọi cho anh. Trầm Hoà đã ngủ, nói năng thều thào, hỗn độn. Quỳnh không chắc là anh có thể nghe hết, nhưng cô rất muốn kể. Chỉ đơn giản có vậy. Có ngày gọi cho anh rất khuya, Quỳnh cứ thế tự kể rất nhiều, đầu dây bên kia Trầm Hoà mơ màng ậm ừ. Quỳnh nói xong im lặng một lúc lâu rồi hỏi: "Trầm Hoà xin lỗi anh, em đã can thiệp quá sâu vào cuộc sống của anh. Đó không phải là ý định của em". Cô thở dài ngắt điện thoại.
Liên tiếp mấy buổi chiều Trầm Hoà không thấy Quỳnh đâu. Anh ngồi chờ trong căn hộ, không bật đèn. Gần nửa đêm Quỳnh mới trở về. Cô mặc một chiếc váy hai dây màu hồng, không trang sức, cổ trống trơn. Quỳnh rất ít ăn mặc như vậy. Dưới lớp váy, cô thấy cả người không thoải mái, để lộ sự vụng về của cô gái nhỏ. Giày cao gót cũng không hợp với cô, chúng khiến cô nghiêng ngả, lúc nào cũng như muốn ngã. Nhưng trông cô thật hấp dẫn, Trầm Hoà nghĩ vậy. Nhưng anh trách móc: "Biết trước là để tiền cho em, em sẽ đi uống rượu thì anh đã không để".
Trong bóng tối, Trầm Hoà nhìn thấy màu máu ở mắt Quỳnh đã gần hết, con ngươi mắt sáng như ngọc được mài. Cô đã hơi say, ngồi xuống cởi giày, cười nói: "Anh biết không, đây là lần đầu tiên em ăn mặc kiểu này, lần đầu tiên em đi khiêu vũ. Anh biết không, Trầm Hoà, hồi nhỏ em thường nhìn thấy mẹ trang điểm rất đẹp để đi khiêu vũ. Em nhìn qua cửa sổ tầng hai nhìn thấy mẹ đi xa dần. Bà ấy đẹp lắm, như một con hồ ly, thoắt một cái không thấy đâu nữa... Em đã mặc trộm quần áo của bà ấy, cả áo lót nữa. Bởi vì em không có, mà cũng không chịu mở miệng xin bà. Thế là em đã lén mặc thử...".
Trầm Hoà nhìn thấy Quỳnh chảy nước mắt, lặng lẽ bước tới, ôm lấy Quỳnh, nhẹ nhàng vỗ về lưng cô. Anh ép đầu Quỳnh lên ngực mình. An ủi như với một đứa trẻ: "Ừ, anh biết rồi. Đây là lần đầu tiên của Quỳnh, không trách Quỳnh nữa!".
Quỳnh vùng thoát ra: "Anh và em đến gần nhau quá, sẽ phải hối hận đấy".
Trầm Hoà không nói gì, nhưng vẫn giữ chặt Quỳnh và kéo cô lại. Ôm lấy cô. Quỳnh vẫn vùng vẫy và nói: "Em không như những người bình thường khác, có cha có mẹ, có nhiều bạn bè, có tình yêu chia làm nhiều phần. Nhưng em thì không. Em chỉ có một tình yêu, vì thế nếu cho đi, em sẽ tóm cặht lấy người ấy, dựa dẫm vào người ấy. Tình yêu nặng như thế, anh có gánh nổi không?".
"Anh không biết". Trầm Hoà thành thực. "Anh đã hết tuổi nói những lời dỗ ngọt các cô gái. Anh cũng không mãnh liệt như thời thiếu niên xông xáo. Trước những việc không chắc chắn, anh sẽ nói là không". Lời nói thật luôn có gì đó tàn nhẫn, khiến Quỳnh thấy lạnh ngắt. Cô quay lưng đi về phòng ngủ, đóng cửa lại.
Trầm Hoà châm một điếu thuốc, ngồi xuống sô pha. Xung quanh là bóng tối dày đặc, không thể xuyên qua.
39.
Quỳnh nói thực ra mình vẫn thường mơ thấy Tùng Vy. Cô và Trầm Hoà gần nhau đã lâu, dường như luôn tránh nói tới Tùng Vy, nhưng cuối cùng cô đã nhắc tới. Ngay từ đầu Trầm Hoà đã biết Quỳnh rồi sẽ nói đến Tùng Vy, giữa hai người này dường như có rất nhiều sợi dây liên hệ nho nhỏ, đi mãi thể nào cũng gặp nhau.
- Mơ thấy cô ấy làm sao?
- Mơ thấy bà ấy kể cho em nghe chuyện của Dật Hán với bà.
- Chuyện thế nào?
- Không nhớ nữa. Lúc đó em còn cố gắng để ghi nhớ nữa, nhưng chẳng nhớ được gì.
- Ừ.
- Bà ấy đang ở đâu, cho em đi thăm đi! Quỳnh bỗng chợt van xin.
- Tại sao lại muốn gặp bà ấy? Hiếu kỳ à?
- Đương nhiên là không. Bà là thần tượng thời thiếu nữ của em. Em biết chú Dật Hán thích kiểu người như thế, nên cũng muốn được giống bà.
- Để cho chú Dật Hán thích em à?
- Vâng.
- Em và bà ấy quả là có nhiều điểm giống.
- Thật không?
- Thật, nếu Lục Dật Hán không chết, có thể ông sẽ rất thích em đấy! Trầm Hoà cảm động.
Quỳnh bỗng nhớ tới đêm cuối cùng hôm ấy, ánh mắt của Dật Hán mơ màng. Ông nhìn Quỳnh rồi nói: "Chú cảm thấy thật quen thuộc". Hóa ra là như vậy. Cô đã trở nên rất giống Tùng Vy, đúng với mơ ước của mình. Nhưng chỉ là thứ "đồ nhái". Quỳnh thở dài. Đó chỉ là một giấc mơ.
Quỳnh bỗng lại hỏi:
- Anh có tình cảm thế nào với Tùng Vy?
- Là bạn tốt rất nhiều năm.
- Nhất định là anh rất thích bà ấy. Vì thế anh đã cưu mang em. Quỳnh nửa đùa nửa thật.
- Bà ấy hơn anh bảy tuổi, anh rất kính trọng bà, cũng rất nâng niu tài năng của bà. Trầm Hoà không hề giận, trả lời bình thản.
- Bà ấy là giấc mơ anh không thực hiện được.
Dần đến mùa đông. Thành phố này ô nhiễm rất nặng. Sương mù dày đặc buổi sáng khiến người ta tuyệt vọng. Quỳnh thỉnh thoảng mới đến trường. Đã là năm cuối, mọi người đều đang tự tìm lấy đường đi cho mình. Quỳnh cũng nhìn thấy Lâm Diệu Nghị. Có một đám con gái năm dưới xúm xít đến xin cô ta chữ ký, khuôn mặt cô ta thật thanh thoát, nói năng khoan hoà nhẹ nhõm. Mấy cô bé trò chuyện với cô ta về tình tiết trong "Nụ cười như hoa". Họ nói họ rất thích Hỉ Nhiên, dù là ở trong nghịch cảnh, nhưng lúc nào cũng bình thản, chân thành, trong lòng không chút oán hận. Quỳnh từ từ đi ngang qua, cô mỉm cười đứng lại một bên. Chờ cho các cô bé đi hết, Diệu Nghị lập tức chuyển sang dữ dằn, hỏi Quỳnh: "Rốt cục cô định làm gì?". Quỳnh cười đáp: "Thực ra tôi chỉ muốn nghe xem mấy cô bé đó nhận xét thế nào về các nhân vật trong truyện. Cô biết không, đó là một cảm giác hạnh phúc, đáng tiếc là cô không bao giờ hiểu được". Quỳnh nói xong thủng thẳng bỏ đi.
Còn Quỳnh và Trầm Hoà, ngoài chuyện viết lách, giữa họ chỉ còn chuyện của Dật Hán và Tùng Vy. Cả Quỳnh và Trầm Hoà đều cảm nhận được sự ngăn cách khiến họ không thể lại gần nhau. Giữa họ lúc nào cũng là Lục Dật Hán và Tùng Vy. Trầm Hoà luôn cảm thấy Quỳnh lúc nào cũng túm chặt lấy mọi thứ liên quan đến Lục Dật Hán không buông. Còn Quỳnh cảm thấy bất luận là Dật Hán hay Trầm Hoà, cô đều chỉ là một vật thay thế đáng buồn. Niềm kiêu hãnh khiến họ coi nhẹ tình cảm của nhau. Vì thế có lúc, họ vì sự so đo ấy mà thành ra cãi nhau.
Chẳng hạn như vào một buổi tối đẹp đẽ. Quỳnh đọc đoạn tiểu thuyết viết mấy hôm trước cho Trầm Hoà nghe. Trầm Hoà khen "Hay lắm, đoạn này viết rất hay, khiến anh nghĩ tới Tùng Vy viết...".
Quỳnh cắt ngang, lạnh lùng: "Anh chỉ thích những tiểu thuyết rất giống với tiểu thuyết của Tùng Vy, có phải không?".
Trầm Hoà sững người. "Đây có, anh chỉ nói ra cảm giác của anh thôi".
Quỳnh nói, "Phải, cảm giác đó là thực. Điều anh nghĩ tới đầu tiên chính là Tùng Vy".
Trầm Hoà nói "Em hơi vô lý. Chẳng phải em cũng thích Tùng Vy à?".
"Hàng nhái không có quyền thích hàng thật, phải vậy không?".
Trầm Hoà cảm thấy nói tiếp chỉ làm tổn thương nhau thêm. Anh đứng dậy đi ra khỏi cửa. Liền mấy ngày anh không quay lại. Quỳnh ít khi ra khỏi nhà. Quỳnh tự nhủ: Quỳnh, mày phải viết cuốn sách này hay hơn cả Tùng Vy... Nhưng khi ngồi trước máy tính, cô không viết nổi dù chỉ một chữ, dần dà cô ngủ gục luôn trên bàn. Đến chiều, cô ra cầu thang ngồi hút thuốc một mình. Trên mặt đất là những mẩu thuốc dài dài ngắn ngắn, trông như một đám nấm độc mọc lên sau mưa.
Vài ngày sau Trầm Hoà quay lại, Quỳnh không có nhà. Anh ngồi đợi cô về. Một lát, Quỳnh xách rất nhiều thức ăn đi vào nhà. Tựa như cô biết anh sẽ đến. Cô cũng muốn quên đi chuyện cãi vã, cười hì hì nói với Trầm Hoà định làm món gì cho bữa tối. Những lúc như vậy, Trầm Hoà cảm thấy như chưa hề xảy ra chuyện gì, tôi hậm chí Dật Hán hay Tùng Vy hay bản thảo tất tật đều không tồn tại. Họ như một đôi vợ chồng trẻ bình thường nhất trên đời. Cuộc sống đầy hương vị bếp núc và những tranh cãi nho nhỏ.
Nhưng Quỳnh không làm tình với anh. Mỗi lần anh hôn cô đều rất sâu rất dài, tựa như muốn bồi thường tất cả mọi thiếu thốn của cô trước đây. Anh dìu cô đến chốn chân mây, và đòi hỏi cô, khao khát cô. Nhưng khi họ vừa đến bên giường, Quỳnh chợt thấy cực kỳ sợ hãi. Trong đầu cô như có từng rạch chớp, những hình ảnh Mạn làm tình với Dật Hán, Trác với Tiểu Nhan, tất cả lớp lớp hiện về. Niềm đam mê từ sự tiếp xúc thể xác kia chỉ mang lại cho cô sự đau khổ. Mắt cô từng bị thương vì thứ ánh sáng trắng ấy. Vết thương sâu hoắm không thể lấp bằng. Cô bỗng như vừa bị giáng một đòn chí mạng, vùng thoát khỏi vòng tay Trầm Hoà. Cô liên tục thụt lùi, rồi co rúm người ở chân tường, cô khóc. Trầm Hoà hết sức dịu dàng, anh chỉ đưa tay cho cô, đỡ cô đứng dậy. Sau đó anh cùng cô ngồi xuống bên giường. Anh nhẹ nhàng vuốt ve tóc cô, động viên cô. Quỳnh nép đầu vào ngực anh thút thít. Suốt đêm họ chỉ ôm nhau, sưởi ấm cho nhau rồi đi vào giấc ngủ.
Tính khí của Quỳnh ngày một u ám khó lường. Có lẽ vì thời niên thiếu luôn sống trong ức chế, nay bỗng hoàn toàn không còn mục đích, cảm xúc của Quỳnh mặc nhiên phát triển. Trầm Hoà thừa nhận rằng, sự bất thường đó có chỗ khiến người khác thấy say mê, nhưng quá đỗi lộn xộn, không thể kiềm chế. Có lần cãi nhau, Trầm Hoà nhìn thấy Quỳnh dùng dao khắc dấu lên da thịt. Anh đau lòng hỏi cô vì sao, Quỳnh chỉ cười hì hì mà rằng, Tùng Vy hồi trẻ cũng từng làm như thế. Ấy là cô ám chỉ tiểu thuyết của Tùng Vy có chỗ kể cô dùng dao khắc tên mình lên cánh tay. Trầm Hoà rất lo lắng, anh cảm thấy Tùng Vy và Quỳnh ngày càng giống nhau, không chỉ giống ở những điểm khiến người khác say mê, còn giống ở những chỗ khiến người ta thấy sợ hãi. Cuối cùng Trầm Hoà nói với Quỳnh: "Anh nghĩ là anh nên đưa em đến thăm Tùng Vy, đợi khi em viết xong cuốn này, mình sẽ đi ngay".
40.
Tháng Mười hai, cuối cùng Quỳnh đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết "đầu tiên" của cô, Cảnh đẹp sớm mai. Nam nữ nhân vật trong đó đều lấy chữ từ tên của cô và Trầm Hoà.
Trầm Hoà cũng bỏ nhiều tâm huyết cho cuốn sách. Anh luôn chỉ ra các khuyết điểm của nó một cách sắc sảo. Quỳnh tuy miệng nói không chịu, nhưng trong lòng thừa nhận rằng, người hiểu cô nhất chính là Trầm Hoà. Mãi đến khi bản thảo được gửi tới nhà in, hai người mới thở phào nhẹ nhõm. Hôm đó hai người ăn mừng lớn. Đêm đến họ về qua nhà số 3 phố Đào Lý. Quỳnh và Trầm Hoà đứng bên ngoài cổng sắt. Ngôi nhà đã qua thời gian, phần nào cũ kỹ. Quỳnh nhìn thấy đèn sáng ở tầng hai, đó từng là phòng của Dật Hán và Mạn. Quỳnh nói với Trầm Hoà, anh có tin không, linh hồn của một người sẽ bị trồng ở một chỗ nào đó, vòng đi vòng lại không sao rời xa được. Quỳnh lại nói "Sớm muộn gì em cũng mua lại ngôi nhà này!". Quỳnh bỗng nhớ tới chỗ vỡ trên bức tường phía sau nhà. Nơi đó đã chôn vùi tương lai của Ưu Di. Quỳnh thấy lòng đau thắt, cô nhặt lên một hòn đá to, lấy sức ném mạnh về bức tường màu trắng. Kính vỡ rào rào xuống mặt đất. Quỳnh kéo tay Trầm Hoà nói, chạy mau. Hai người cắm cổ chạy như hai tội phạm. Lúc này Quỳnh mới chú ý thấy trên phố dã dựng lên rất nhiều các toà cao ốc thương lại Trường trung học của cô bị kẹp ở giữa trông thật thấp bé.
Quỳnh cảm thấy chạy như vậy thật là quen thuộc như vài năm trước đây. Dường như cô vẫn chạy không ngừng, chỉ có cảnh vật xung quanh là thay đổi dần, nhưng bàn tay đang dắt theo cô đã không còn là của cùng một người.
Cuốn sách gây được tiếng vang, mặc dù nằm trong dự đoán của Trầm Hoà, nhưng sự nhiệt liệt của nó vẫn khiến anh bất ngờ. Cảnh đẹp sớm mai kể về một đôi nam nữ "thanh mai trúc mã", cùng lớn lên bên nhau. Tuổi thơ của họ trải qua những chuyện bất thường, để lại trong họ những vết thương lòng sâu sắc. Vết thương vẫn luôn âm ỉ, cho đến khi họ đã trưởng thành vẫn không khỏi bị nó hành hạ. Hai người chăm sóc vết thương ch nhau, từ nhỏ cho đến sau khi lớn lên. "Có thể đó không phải là tình yêu diệu kỳ nhất, nhưng đối với những người từng bị tổn thương trong thời thơ ấu, đó là một tình yêu có tác dụng kỳ diệu nhất!". Trầm Hoà biết cuốn sách thực ra ẩn chứa một giấc mơ của Quỳnh: cô từng ngỡ rằng chia sẻ với Trác tình yêu bù đắp vết thương, họ sẽ cùng lớn lên bên nhau, không có bất kỳ một khoảng cách nào. Quỳnh viết về hai đứa trẻ bị tổn thương khi còn thơ trẻ để rồi thay đổi tính cách khi lớn lên một cách chi tiết, chân thực, xúc động lòng người. Mỗi một rung động nho nhỏ, mỗi một niềm thổn thức của trái tim đều hết sức cuốn hút. Nếu không từng trải qua những điều đó, chắc chắn không thể viết tinh tế đến như vậy. Trầm Hoà nghĩ, nếu coi Tùng Vy là hoa thuỷ tiên cô độc kiêu hãnh thì Quỳnh chính là hoa trúc đào, mọc lên giữa hoang sơ. Dù không ai chăm sóc cũng vẫn nở hoa rực rỡ.
Độc giả và các nhà bình luận đều hết lời khen ngợi cuốn sách. Chỉ sau một ngày, Quỳnh trở thành cây viết trẻ được nhiều người chú ý. Báo chí khắp người có bài nói về cô. Nhiều nhà xuất bản đến tìm cô, đề nghị hợp tác với cô xuất bản cuốn truyện tiếp theo . Quỳnh trở nên bận rộn, cô trả lời phỏng vấn, tham gia toạ đàm, ký tên vào sách.v.v...
Cuối cùng Quỳnh đã có thể mang món quà đó đến cho Ưu Di, cô biết Ưu Di nhất định rất vui mừng.
Quả thực Ưu Di rất vui, cô sờ tay lên từng góc của cuốn sách không biết bao nhiêu lần. Quỳnh lúc đó chỉ muốn nói cho Ưu Di biết cảm giác thành công to lớn của mình, về danh dự của mình. Quỳnh bỏ qua mất cảm giác của Ưu Di. Cô đưa ra những tờ báo, tạp chí, kể cho Ưu Di nghe mình đã tham gia những hoạt động, những dạ hội tưng bừng, hoành tráng như thế nào. Quỳnh háo hức chia sẻ những điều đó, mà quên mất nói với Ưu Di cuộc sống của mình trước đó đã như thế nào, đã xảy ra bao nhiêu chuyện. Họ đã rất lâu không gặp nhau. Ưu Di không hề biết, cuốn sách đầu tiên của Quỳnh bị đánh cắp và sự tuyệt vọng của Quỳnh lúc đó, cô cũng không biết Quỳnh rời bỏ Trác với tâm hồn nguội lạnh. Cô ấy không biết gì cả về những gì Quỳnh đã trải qua. Cô chỉ biết Quỳnh đã quá bận rộn, không có thời gian đến thăm cô. Bao nhiêu ngày tháng đó, Ưu Di đã lo lắng cho Quỳnh biết bao. Quỳnh quên mất một cô gái bị mất hết tự do, luôn coi cô là điểm xuất phát của tinh thần kia, đã mong muốn được biết tin tức của cô như thế nào. Giờ đây, Quỳnh đã trở nên thật cao xa, tựa như dứng trên nóc một toà tháp, nhìn lên đó người ta không khỏi bị chói mát, hơn nữa không có đường nào trèo lên tới đó. Ưu Di chỉ có thể ngước mắt lên nhìn, cô không biết gì về cô gái đã nổi tiếng đó cả, điều duy nhất có thể xác định chỉ là Quỳnh từ nay không còn cần đến cô nữa. Đó là lần cuối cùng Quỳnh gặp Ưu Di ở trong tù. Ưu Di ngồi đối diện Quỳnh, tóc cắt ngắn đến vai, vẫn gầy nhỏ, mặc đồng phục xanh, bên trong là áo len màu vàng đất. Chiếc áo len rất cũ, thô cứng. Quỳnh cảm thấy xót xa, cô nói: "Lần sau đến mình sẽ mua cho bạn một chiếc áo len mới". Ưu Di lắc đầu cười: "không cần đâu, chỉ là mặc bên trong thôi mà". Nếu ấy muốn mua thì cho mình len sợi thôi. Ở đây rất rảnh rỗi, tự đan lấy để giết thời gian.
Quỳnh bảo được. Cô lại hào hứng nói: "Bây giờ mình ở một căn hộ rất tốt, tầng mười một, có thể nhìn ra chân trời rất xa. Chờ bạn ra tù, mình đón bạn về đó ở. Sớm muộn gì mình cũng sẽ mua lại nhà số 3 phố Đào Lý. Còn nữa... mình sắp được gặp Tùng Vy rồi, mình đã có thể đến thăm một nhà văn nữ với tư cách cũng là một nhà văn nữ rồi".
Ưu Di mỉm cười gật đầu, cô nói: "cuối cùng đã chờ được đến lúc sau cơn mưa trời lại sáng".
Phải đấy, Ưu Di, mình nhất định sẽ cho bạn ở nhà thật to, sống cuộc sống thoải mái, dễ chịu, chẳng lo chẳng nghĩ gì cả. Ưu Di trả lời: tốt quá".
Lúc ra về, Ưu Di chợt gọi Quỳnh: "Quỳnh ơi!".
Họ vẫn cách nhau một cái bàn, nhưng có thể chạm vào nhau. Hai người đứng dậy. Ưu Di đưa hai tay, lướt nhẹ qua tóc Quỳnh: "Cuộc sống của ấy có thể chậm lại rồi đấy, đừng "máu lửa" quá như là chiến tranh nữa. Ấy xem, tóc rối cả lên đây này".
Trái tim Quỳnh thắt lại khi thay Ưu Di lướt qua tóc cô. Cô nhớ tới lúc trước Ưu Di đã chải tóc cho mình. Ưu Di đứng sau lưng cô, những chiếc răng lược nhè nhẹ lướt xuống tóc, như ngọn gió nhẹ nhàng nhất. Quỳnh bỗng cảm thấy, cảm giác đó đã bị lãng quên rất lâu, cảm giác thật xa lạ.
Hai đứa ở đó, nhưng trăm ngàn sợi tơ liên kết dường như đã đứt. Về sau họ ngày càng xa nhau, cuối cùng thuộc về hai thế giới riêng biệt.
Quỳnh nói với Trầm Hoà, bây giờ anh nên đưa em đi gặp Tùng Vy rồi.
Trầm Hoà nói: "Được. Nhưng em phải biết là, anh đưa em đi gặp bà ấy, không phải vì điều gì khác, chỉ là vì giữa em và bà ấy có vô vàn những mối liên hệ. Có thể em đang đi theo con đường giống như bà ấy trước đây. Bà ấy có thể giúp em lĩnh hội được nhiều hơn, biết đâu, rất nhiều việc nhờ đó sẽ được kết thúc".
Quỳnh hỏi: "kết thúc việc gì?".
Trầm Hoà nhẫn nại: "Kết thúc quá khứ. Em không thấy là, em vẫn ôm khư khư lấy quá khứ không chịu bỏ xuống đấy sao? Em mệt mỏi và cũng không hạnh phúc".
Quỳnh nói: "Và còn liên luỵ đến những người xung quanh nữa, đúng không? Anh chẳng hạn".
Trầm Hoà nói: "Khi anh quyết định ở bên em, động viên em viết sách, anh đã biết là như vậy. Nhưng anh không ngại, anh chỉ xót cho em thôi".