Chưa đầy hai ngày sau, chúng tôi đã được gọi đến Bộ Tổng tham mưu để trình bày nguyện vọng của mình.
Ngay từ lúc ngồi trên tàu, tôi đã nói với Koca Popovic và M. Todorovich rằng ước mong của họ có vẻ cao vời và không thực tế. Tôi hoàn toàn không tưởng tượng được rằng người Nga có thể đồng ý khôi phục nền công nghiệp quốc phòng trong khi họ không thực sự muốn giúp khôi phục nền công nghiệp dân sự của chúng ta. Việc họ cho chúng ta hạm đội hải quân trong khi chính họ cũng không có còn khó tưởng tượng hơn. Lập luận rằng hạm đội của Liên Xô hay của Nam Tư ở biển Adriatic không phải là quan trọng vì hai nước đều là thành viên của thế giới cộng sản thống nhất, theo tôi, là không có sức thuyết phục vì trong khối này đã có rạn nứt, chưa nói đến tính đa nghi của Liên Xô, họ không tin bất cứ cái gì nằm ngoài tầm với của họ, chưa nói đến việc họ công khai bảo vệ trước hết quyền lợi của đất nước mình. Nhưng những nguyện vọng này đã được thảo luận kĩ và thông qua ở Belgrad rồi, tôi phải có trách nhiệm ủng hộ.
Bulganin điều khiển cuộc họp, xung quanh là các chuyên viên quân sự cấp cao, trong đó có cả nguyên soái Vasilevski, Tổng tham mưu trưởng.
Đầu tiên tôi trình bày những nét chính về nhu cầu của chúng tôi, rồi để Todorovich và Popovich đi vào giải thích chi tiết.
Các đại diện Liên Xô không phát biểu gì, họ hỏi kĩ và ghi chép tất.
Chúng tôi rời Bộ Tổng tham mưu, một ngôi nhà kiểu cách, rẻ tiền, được che đậy bằng những đồ nội thất xa hoa, những chiếc rèm loè loẹt và vật dụng mạ vàng, với tâm trạng hài lòng và tin rằng vấn đề đã được khởi động, công việc cụ thể sẽ thực sự bắt đầu trong một thời gian tới.
Đúng như thế, chẳng bao lâu sau, Todorovich và Popovic được mời tham gia mấy cuộc họp. Nhưng rồi mọi sự bỗng giẫm chân tại chỗ và các đại diện Liên Xô nói bóng gió với chúng tôi rằng "có một số phức tạp", cần phải chờ.
Chúng tôi hiểu là đã có chuyện giữa Moskva và Belgrad, chuyện gì thì chúng tôi không biết, nhưng không thể nói rằng chúng tôi đã bị bất ngờ. Dù thế nào thì việc kéo dài các cuộc thương lượng cũng chỉ làm cho chúng tôi càng thêm bất mãn đối với hiện thực của xã hội Liên Xô và quan điểm của Moskva đối với Belgrad mà thôi. Hơn nữa, chúng tôi coi như bị thất nghiệp và phải giết thời gian trong các bữa liên hoan và các nhà hát ở Moskva, tuy cũ nhưng phải nói khó có nơi nào vượt qua được.
Không một công dân Liên Xô nào dám đến thăm chúng tôi vì mặc dù chúng tôi đến từ một nước xã hội chủ nghĩa nhưng là người nước ngoài, công dân Liên Xô không dám tiếp xúc với những người như thế. Tất cả các tiếp xúc của chúng tôi đều qua con đường công vụ: Bộ Ngoại giao và Ban chấp hành trung ương. Chúng tôi cảm thấy khó chịu và bị xúc phạm, ở Nam Tư không có những hạn chế kiểu đó, đối với các công dân và cán bộ Liên Xô thì lại càng không. Chuyện này càng làm chúng tôi bất mãn thêm.
Sự bất mãn của chúng tôi chưa có tính chất khái quát, nhưng có rất nhiều thí dụ thực tế. Vukmanovich-Tempo nói công khai về những thiếu sót trong các nhà tập thể dành cho bộ đội. Để cho đỡ buồn, tôi và Koca Popovic xin chuyển sang một phòng chung trong khách sạn Moskva nhưng người ta nói phải đợi "thợ điện" sửa, chúng tôi hiểu là anh ta đang lắp máy nghe trộm. Mặc dù Moskva là khách sạn mới và là khách sạn lớn nhất nhưng không có một cái gì ở đây hoạt động đúng chức năng cả: phòng thì lạnh, vòi nước thì chảy suốt ngày, bồn tắm mặc dù được nhập từ Đông Đức nhưng không dùng được vì nước thải chảy ngay xuống nền nhà. Phòng tắm không có chìa khoá, Koca Popovic khẳng định rằng người kiến trúc sư đã biết là thế nào chìa khoá cũng bị mất và đã để bồn rửa mặt cạnh cửa ra vào để có thể dùng chân chặn lại. Tôi thường nhớ lại thời ở khách sạn Metropol vào năm 1944, đấy là một khách sạn cũ nhưng mọi thứ đều hoạt động rất tốt, các nhân viên phục vụ có tuổi đều nói tiếng Anh hay tiếng Pháp, rất ý tứ, lịch sự.
Một hôm, tôi nghe có tiếng thở mạnh trong nhà tắm. Hoá ra có hai công nhân, một người đứng dưới công kênh người kia để anh ta sửa ống nước phía trên trần.
"Các anh làm gì thế", tôi hỏi, "sao không mang thang đến?"
Hai người công nhân phàn nàn:
"Nói bao nhiêu lần rồi, có ăn thua gì đâu; cứ hễ có hỏng hóc là chúng tôi lại khổ thế này đấy".
Đi dạo vài vòng xung quanh, chúng tôi thấy "người đẹp Moskva" đa phần vẫn là vùng nông thôn lạc hậu, hoang vu và được xây dựng chưa đâu vào đâu. Anh lái xe tên là Panov, tôi có quan hệ rất thân mật với anh ta và đã gửi từ Nam Tư cho anh một chiếc đồng hồ đeo tay, không thể nào tin rằng New York và Paris có nhiều ô tô hơn Moskva, mặc dù anh không che giấu thái độ bất mãn với chất lượng ô tô do Liên Xô sản xuất.
Chúng tôi được dẫn đi xem quan tài của các Sa hoàng trong Điện Kremli, cô hướng dẫn viên du lịch đầy tinh thần ái quốc đã nói "các Sa hoàng của chúng ta". Ưu thế của người Nga được đem ra trưng bày một cách lộ liễu, đầy vẻ khôi hài một cách bệnh hoạn.
Như vậy là khắp mọi nơi, trên từng bước chân đều hiện rõ những khía cạnh chưa được biết tới ở đất nước Liên Xô: lạc hậu, cục mịch, sô-vanh nước lớn, và dĩ nhiên là những cố gắng đầy tinh thần anh dũng nhằm khắc phục các nhược điểm đó cũng như khuất phục dòng chảy bình thường của cuộc sống.
Biết rằng trong những hộp sọ rắn chắc của các nhà lãnh đạo và các tổ chức chính trị Liên Xô, mọi lời nhận xét có tính phê phán đều bị coi là quan điểm bài Xô cho nên chúng tôi, tuy không hẹn trước, đều co cụm lại với nhau. Vì chúng tôi đến đây với một sứ mệnh chính trị nên chúng tôi bắt đầu chỉ cho nhau thấy những cử chỉ "vụng về" hoặc những lời nói thiếu thận trọng. Sự cách li bắt đầu mang tính tổ chức. Tôi nhớ vì sợ có thiết bị nghe trộm, chúng tôi đã bắt đầu thận trọng trong việc nói năng trong khách sạn, trong phòng làm việc và khi nói chuyện thì mở radio thật to.
Các đại diện Liên Xô chắc chắn đã nhận thấy chuyện đó. Sự căng thẳng và nghi kị ngày một gia tăng.
Thi hài Lenin được đưa trở về trong thời gian này, thời chiến người ta đem ông đi giấu ở đâu đó. Chúng tôi đến viếng ông vào buổi sáng. Việc viếng cũng không có gì đặc biệt nếu nó không tạo ra trong tôi và những người khác một sự phản kháng mà đến lúc đó chúng tôi chưa hề biết tới.
Trong khi bước chậm rãi vào lăng, tôi nhận thấy những bà nông dân choàng khăn làm dấu thánh giá, như thể họ đang đến gần tượng Chúa vậy. Mà chính tôi cũng có cảm giác bí hiểm, một cảm giác đã quên từ thuở thiếu thời. Hơn thế nữa, tất cả đều được sắp đặt để tạo ra trong người ta cảm giác như thế: các khối đá cẩm thạch, hàng vệ binh im lặng, nguồn ánh sáng bí ẩn bên trên và thi hài Lenin, đã khô và trắng như vôi với vài sợi tóc như được cấy vào đầu. Dù rất kính trọng thiên tài của Lenin, tôi vẫn thấy một cái gì đó phi tự nhiên và cái chính là những cuộc tụ tập bí hiểm xung quanh thi hài ông là trái với chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa Lenin.
Ngay cả dù rất bận, chúng tôi vẫn muốn đi thăm Leningrad, hiện thân của cái đẹp và cách mạng. Tôi đã ghé thăm Zhdanov nhờ ông giúp đỡ, ông vui vẻ nhận lời. Cuộc nói chuyện chỉ kéo dài chưa đến mười phút. Nhưng ông cũng không quên hỏi tôi nghĩ thế nào về tuyên bố của Dimitrov trên tờ Sự thật (ngày 21 tháng 1 năm 1948) khi ông ở Bucarest, trong chuyến đi, ông đã tuyên bố ủng hộ việc phối hợp kế hoạch và thành lập hải quan chung giữa giữa Bulgaria và Rumania. Tôi bảo rằng tôi không thích tuyên bố đó: quan hệ của Bulgaria - Rumania sẽ trở thành biệt lập và quá sớm. Zhdanov cũng không hài lòng dù không nói lí do, nhưng rồi chẳng bao lâu người ta cũng biết vì sao, tôi sẽ nói cụ thể hơn trong những đoạn sau.
Khoảng thời gian này, đại diện của Bộ Ngoại thương Nam Tư là Bogdan Srnobrnhia cũng có mặt ở Moskva; vì không thể giải quyết một số vấn đề quan trọng với các cơ quan Liên Xô nên ông ta nài nỉ tôi cùng đi gặp Mikoian, Bộ trưởng Ngoại thương.
Mikoian tiếp chúng tôi một cách lạnh lùng, không giấu vẻ sốt ruột. Một trong những vấn đề cần thảo luận là chúng tôi muốn người Nga trả lại những toa tầu hoả mà họ đã lấy từ các vùng chiếm đóng cũ, đằng nào họ cũng không sử dụng được vì đường ray của chúng tôi rộng hơn.
"Thế các đồng chí nghĩ thế nào, điều kiện hoàn trả ra sao, giá bao nhiêu?", Mikoian hỏi.
Tôi đáp:
"Các đồng chí tặng cho chúng tôi".
Ông ta trả lời ngắn gọn:
"Tôi không quan tâm đến tặng phẩm, tôi quan tâm đến vấn đề thương mại".
Tôi và Srnobrnhia nói đến khan họng về việc sửa lại hợp đồng mua phim của Liên Xô, vừa thiếu bình đẳng vừa bất lợi cho Nam Tư, cũng vô ích. Lấy cớ các nước Đông Âu khác sẽ coi đây là tiền lệ, Mikoian từ chối xem xét vấn đề ngay từ đầu.
Nhưng vừa bàn đến mỏ đồng của Nam Tư là lời lẽ của ông ta thay đổi ngay, ông ta đề nghị trả cho chúng tôi bằng bất cứ ngoại tệ hay hàng hoá nào, mà trả trước, số lượng không hạn chế.
Thế là chúng tôi chẳng thu được gì, chỉ kéo dài những cuộc đàm phán vô ích và vô bổ mà thôi. Sự việc đã rõ: các bánh xe hướng về nước Nam Tư của cỗ máy Liên Xô đã bị người ta phanh lại rồi.
Chuyến đi Leningrad có làm cho tâm hồn thanh thản hơn.
Trước khi thăm Leningrad, tôi tin rằng sự hi sinh và chủ nghĩa anh hùng của các tỉnh khởi nghĩa và các chiến sĩ du kích Nam Tư là cao cả nhất, không ai có thể vượt qua được. Nhưng Leningrad đã vượt Nam Tư, có thể không chỉ về mặt anh hùng mà còn về tinh thần hi sinh của cả một tập thể nữa. Trong một thành phố có một triệu dân, bị cắt rời khỏi hậu phương, không có lương thực và nhiên liệu, lại thường xuyên bị máy bay và pháo binh bắn phá, chỉ trong mùa đông 1941-1942 đã có 300 ngàn người chết vì đói và rét, người ta ăn cả thịt người, nhưng ý nghĩ đầu hàng chưa bao giờ hiện diện. Bức tranh chung là như thế.
Nhưng chỉ khi chúng tôi va chạm với thực tế, với những trường hợp hi sinh và anh hùng, với những con người bằng da bằng thịt cụ thể, những người đã thực hiện hoặc chứng kiến những hành động anh dũng đó, chúng tôi mới cảm thấy hết sự vĩ đại của bản anh hùng ca Leningrad, mới thấy hết khả năng vô cùng tận của con người, của nhân dân Nga khi nền tảng tinh thần, nền tảng nhà nước của họ bị tấn công.
Cuộc gặp gỡ với những người lãnh đạo Leningrad càng làm cho lòng cảm phục của chúng tôi thêm ấm áp tình người. Đa số họ là những người lao động động bình thường và có học vấn, họ không chỉ gánh trên vai mà mang cả trong tim sự vĩ đại bi hùng của thành phố. Nhưng cuộc sống của họ khá đơn điệu và họ rất mừng khi được gặp những người từ những vùng đất khác, những nền văn hoá khác. Chúng tôi, những người có số phận tương đối giống nhau, đã tìm được tiếng nói chung một cách nhanh chóng và dễ dàng. Và mặc dù không nghĩ đến chuyện phê phán lãnh đạo Liên Xô trước mặt họ, chúng tôi cũng nhận ra rằng những người này có quan niệm về thành phố và đời sống của các công dân ở đây một cách tự nhiên và có tình hơn là những người ở Moskva.
Tôi nghĩ rằng sẽ dễ dàng tìm được tiếng nói chung về chính trị với họ hơn vì đã tìm được lòng cảm thông ấm áp tình người nơi họ.
Thực lòng, hai năm sau đó, tôi hoàn toàn không ngạc nhiên khi biết rằng họ đã không thoát khỏi chiếc cối xay thịt người của chế độ toàn trị, đơn giản vì họ đã dám là những con người thực sự.
Trong chuyến đi Leningrad buồn vui lẫn lộn này, dù sao cũng còn một vết đen, đấy là người đồng hành của chúng tôi tên là Lesakov. Lúc đó, ở Liên Xô, có thể bắt gặp những viên chức xuất thân từ công nhân và tầng lớp cùng khổ. Nhìn vào trình độ học vấn và cách cư xử, ta có thể nghĩ rằng Lesakov xuất thân từ công nhân. Điều đó cũng không có gì là xấu nếu như anh ta không cố tình che giấu và không đòi hỏi một cách lộ liễu những cái vượt quá tầm của anh ta. Sự thật là anh ta đã leo lên không phải bằng sức lực và trí tuệ của mình mà do người ta kéo lên, người ta đưa vào bộ máy của Ban chấp hành trung ương và giao cho phụ trách các vấn đề về Nam Tư. Anh ta đóng một lúc hai vai, vừa là cán bộ đảng vừa là nhân viên tình báo; khi đóng vai cán bộ đảng anh ta lại tiến hành thu thập thông tin về Đảng cộng sản Nam Tư và những người lãnh đạo của nó, nhưng cách làm phải nói là khá vụng.
Người tầm thước, mặt chữ điền với những chiếc răng nhọn màu vàng xỉn, chiếc cà vạt vắt chéo một bên, áo sơ mi tuột ra ngoài quần, lúc nào cũng sợ bị cho là thiếu văn hoá, nếu là một người lao động bình thường, nếu không giữ chức vụ quan trọng đến thế, nếu không gọi chúng tôi, chủ yếu là tôi đến thảo luận những chuyện chán phèo thì Lesakov có thể được coi là đáng yêu. Anh ta khoe rằng "đồng chí Zhdanov đã đuổi hết bọn Do Thái khỏi Ban chấp hành trung ương!", nhưng đồng thời cũng lại ca ngợi Bộ chính trị Hungaria, lúc đó gồm toàn người Do Thái nhập cư. Tôi nghĩ rằng theo quan điểm của ban lãnh đạo Liên Xô, dù họ có che giấu thái độ bài Do Thái, thì người Do Thái nắm quyền ở Hungaria lại càng tốt, nhất là khi những người này không có nguồn gốc Hung, họ càng phụ thuộc vào Liên Xô hơn.
Tôi đã được nghe và nhận thấy rằng ở Liên Xô, khi người ta muốn loại một người mà không có lí do rõ ràng thì họ thường cho các nhân viên mật vụ rỉ tai tuyên truyền một chuyện đê mạt nào đó. Lesakov "bí mật" kể cho tôi nghe rằng nguyên soái Zhukov bị hạ bệ vì đã ăn cắp nhiều tài sản có giá trị ở Berlin. "Đồng chí Stalin không chịu nổi những kẻ vô đạo đức!", anh ta bảo thế. Còn tướng Antonov, Tổng tham mưu trưởng "thì hoá ra có nguồn gốc Do Thái!".
Rõ ràng là tuy có hạn chế về trí tuệ, Lesakov biết rất rõ quan hệ trong Ban chấp hành trung ương Nam Tư và phương pháp làm việc của nó. "Không có một đảng ở Đông Âu nào", anh ta nói, "lại có tứ nhân bang hoạt động hữu hiệu như ở Nam Tư".
Anh ta không nói tên tứ nhân bang, nhưng tôi biết đấy là Tito, Kardelj, Rankovic và tôi. Tôi chợt nghĩ: đối với những người lãnh đạo Liên Xô, tứ nhân bang này cũng là một trong những "củ lạc" chăng?