Tôi phải đi Moskva là vì có sự khác biệt trong chính sách giữa Nam Tư và Liên Xô về vấn đề quan hệ với Albania.
Cuối tháng 12 năm 1947, chúng tôi nhận được một bức điện nói rằng Stalin yêu cầu tôi hoặc một ủy viên nào đó trong Ban chấp hành trung ương Nam Tư phải đến Moskva để thống nhất chính sách của hai chính phủ đối trong quan hệ với Albania.
Sự khác biệt biểu hiện rõ nhất sau vụ tự sát của Spiru Naku, ủy viên Ban chấp hành trung ương Albania.
Quan hệ giữa Nam Tư và Albania phát triển trong tất cả các lĩnh vực. Nam Tư càng ngày càng gửi nhiều chuyên gia, thuộc đủ các ngành nghề, sang Albania. Nam Tư còn cung cấp cho Albania lương thực thực phẩm, mặc dù chính Nam tư cũng đang thiếu thốn. Về nguyên tắc, cả hai chính phủ cùng có chung quan điểm cho rằng Albania phải hợp nhất với Nam Tư, như thế cùng một lúc sẽ giải quyết được vấn đề nhóm dân thiểu số Albania ở Nam Tư.
Các điều kiện trợ giúp của Nam Tư cho Albania có phần thuận lợi và công bằng hơn các điều kiện của chính phủ Liên Xô đối với Nam Tư. Nhưng có vẻ như vấn đề không phải là lẽ công bằng mà là thực chất của các mối quan hệ. Một số nhà lãnh đạo Albania ngấm ngầm chống lại các mối quan hệ như thế.
Spiru Naku, một người nhỏ nhắn, yếu đuối về mặt thể lực nhưng là một trí thức sâu sắc và cực kì nhạy cảm, lúc đó đang lãnh đạo lĩnh vực kinh tế trong chính phủ Albania là người đầu tiên công khai phản đối Nam Tư và đòi cho Albania được phát triển một cách độc lập. Quan điểm của ông gặp phải phản ứng tiêu cực không những ở Nam Tư mà còn bị phản đối ngay trong Ban chấp hành trung ương Albania. Koci Xoxe, Bộ trưởng Nội vụ, sau này bị tử hình vì tội ủng hộ Nam Tư, là người phản đối dữ dội nhất. Xuất thân là công nhân, một người cách mạng lão thành, Xoxe được coi là đảng viên trung kiên nhất, mặc dù Enver Hoxha là Tổng bí thư Đảng và là người đứng đầu chính phủ, ông này là người có học hơn và khôn ngoan hơn. Enver Hoxha cũng phê phán Naku, mặc dù không ai biết quan điểm thực sự của ông là gì. Bị kết án là theo chủ nghĩa sô vanh và bị cô lập, đứng trước nguy cơ bị khai trừ khỏi đảng, Naku đã tự bắn một viên đạn vào đầu mà không biết rằng cái chết của ông đã khơi mào cho sự căng thẳng trong quan hệ giữa Nam Tư và Albania.
Người ta đã giấu nhẹm biến cố này, chỉ mãi về sau, khi xung đột giữa Nam Tư và Albania đã trở thành công khai, Enver Hoxha mới biến Naku thành anh hùng dân tộc. Nhưng sự kiện này đã gây ra cho lãnh đạo hai bên ấn tượng rất nặng nề, những câu chữ chung chung mà người cộng sản vẫn dùng trong những trường hợp như thế như: tiểu tư sản, hèn nhát… không thể nào tẩy xoá được ấn tượng nặng nề nêu trên.
Chính phủ Liên Xô biết rõ nguyên nhân cái chết của Naku cũng như quan hệ giữa Nam Tư và Albania. Các cơ quan đại diện của Liên Xô ở Tirana phình lên nhanh chóng. Nói chung, chính phủ Albania và Nam Tư không giấu diếm Liên Xô các vấn đề của mình, mặc dù Nam Tư không tham khảo Liên Xô về các chính sách cụ thể.
Các đại diện Liên Xô càng ngày càng tỏ ra bất mãn với những công việc cụ thể do Nam Tư thực hiện tại Albania. Nhóm lãnh đạo của Enver Hoxha ngày càng tỏ ra thân mật hơn với phái đoàn Liên Xô. Lúc thì một đại diện nào đó của Liên Xô trách: Tại sao Nam Tư tổ chức các công ty hợp doanh với Albania mà không muốn thành lập các công ty như thế với Liên Xô? Có khi lại hỏi: Tại sao chúng tôi lại cử cố vấn sang giúp quân đội Albania trong khi người Liên Xô làm cố vấn cho Nam Tư? Làm sao chúng tôi có thể cố vấn cho Albania về vấn đề phát triển trong khi chính Nam Tư lại cần cố vấn nước ngoài? Tại sao một nước Nam Tư vừa nghèo vừa lạc hậu lại đi giúp Albania phát triển?
Càng ngày càng thấy rõ xu hướng của Moskva muốn thay thế vị trí của Nam Tư ở Albania. Thật là bất công đối với Nam Tư vì không phải Liên Xô sẽ hợp nhất với Albania, hơn nữa, Liên Xô cũng không phải là nước có biên giới chung với Albania. Đồng thời, người ta cũng thấy rõ xu thế ngả về Liên Xô của ban lãnh đạo cấp cao Albania, điều đó thể hiện rất rõ trong công tác tuyên truyền của họ.
Đề nghị của chính phủ Liên Xô về việc giải quyết bất đồng trong vấn đề Albania được phía Nam Tư đón nhận bằng cả hai tay nhưng cho đến nay, vẫn không rõ là tại sao Stalin lại muốn chính tôi phải đi Moskva.
Tôi nghĩ rằng có hai lí do.
Không nghi ngờ gì rằng tôi đã để lại cho ông ta ấn tượng là một người bồng bột và thẳng thắn, những người cộng sản Nam Tư cũng nghĩ rằng tôi là một người như thế. Như vậy, tôi là người phù hợp cho những cuộc đối thoại cởi mở về những vấn đề phức tạp và nhạy cảm.
Nhưng tôi còn cho rằng Stalin muốn lôi kéo tôi để gây chia rẽ và khuất phục Ban chấp hành trung ương Nam Tư. Trước đây, ông ta đã lôi kéo được Hebrang và Giuovik rồi. Nhưng Hebrang đã bị khai trừ khỏi Ban chấp hành trung ương và đang bị theo dõi vì những liên hệ mờ ám với cảnh sát Hoàng gia trước đây. Giuovik là một người lỗi lạc, nhưng mặc dù là ủy viên Ban chấp hành trung ương, ông lại không phải là người thuộc nhóm thân cận Tito từ thời thành lập Đảng và trong thời kì diễn ra cách mạng. Trong chuyến viếng thăm đến Moskva vào năm 1946, khi Tito nói rằng tôi bị bệnh đau đầu thì Stalin đã mời tôi đến nghỉ ở Krym. Tôi không đi vì sau đó, không thấy họ gửi lời mời qua sứ quán và tôi cho rằng đấy chỉ là lời nói có tính xã giao.
Tôi lên đường đi Moskva, nếu tôi nhớ không lầm, vào ngày 8 tháng 1 năm 1948 hoặc gần ngày đó với tâm trạng nửa mừng nửa lo. Tôi mừng vì được Stalin mời nhưng trong đáy sâu tâm hồn, tôi ngờ rằng đây không phải là vô tình và không phải là việc tử tế đối với Tito cũng như Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Nam Tư.
Trước khi lên đường, tôi không nhận được hướng dẫn hay chỉ thị cụ thể nào. Vì tôi nằm trong ban lãnh đạo tối cao và quan điểm chung cũng đã được xác định rồi, mà quan điểm chung lúc đó là các đại diện Liên Xô phải kiềm chế trong việc đưa ra ý kiến thiếu tế nhị liên quan đến chính sách hợp nhất giữa Nam Tư và Albania, cũng như họ không được thực thi những đường lối đặc biệt nào khác.
Nhân dịp này, một phái đoàn quân sự Nam Tư cũng lên đường đi Moskva cùng với tôi. Họ có nhiệm vụ trình bày nhu cầu trong lĩnh vực trang thiết bị quân sự và khôi phục nền công nghiệp quốc phòng. Trong đoàn đại biểu quân sự có Koca Popovic, Tổng tham mưu trưởng và Todorovic, Tổng cục trưởng tổng cục công nghiệp quốc phòng. Cvetozar Vukmanovok-Tempo, Tổng cục trưởng tổng cục chính trị cũng đi với chúng tôi để làm quen với kinh nghiệm của Hồng quân trong lĩnh vực này.
Chúng tôi đi bằng tàu hoả, mọi người đều phấn khởi, lòng tràn đầy hi vọng. Nhưng đồng thời quan điểm của chúng tôi cũng rất rõ ràng: Nam Tư phải giải quyết các vấn đề bằng lực lượng và theo cách của mình.