Trước khi chúng tôi lên đường mấy tháng, Moskva thông báo rằng ở Liên Xô đã thành lập một lữ đoàn quân Nam Tư. Trước đó là các đơn vị quân Ba Lan và Tiệp. Lúc đó, chúng tôi không thể nào hiểu được làm sao lại có nhiều người Nam Tư đến như vậy. Có một ít người tị nạn chính trị ở đó nhưng đa số đã bị giết trong các chiến dịch thanh trừng trước đây rồi.
Bây giờ, tại Moskva, thì tôi đã hiểu: quân số của lữ đoàn này chủ yếu lấy từ bộ đội của trung đoàn do Pavelich gửi ra mặt trận Liên Xô để tỏ tình đoàn kết với quân Đức. Nhưng Pavelich thất bại cả ở đây, trung đoàn bị đánh tan và bị bắt làm tù binh ở Stalingrad. Sau khi thanh lọc, nó được biên chế thành lữ đoàn quân chống phát xít Nam Tư, vẫn nắm dưới quyền viên chỉ huy cũ là Mesich. Một số người tị nạn chính trị từ khắp nơi được điều đến để làm công tác chính trị; các sĩ quan quân sự và an ninh Liên Xô chịu trách nhiệm huấn luyện và theo dõi về lí lịch.
Đầu tiên, các cán bộ Liên Xô muốn áp dụng trong lữ đoàn các phù hiệu như quân đội hoàng gia Nam Tư cũ, nhưng sau khi bị Vlakhovich phản đối, họ đồng ý dùng phù hiệu của Quân đội giải phóng nhân dân. Thảo luận về phù hiệu bằng điện tín quả là một công việc khó khăn. Vlakhovich đã làm mọi việc có thể, phù hiệu thành ra món hỗn hợp của trí tưởng tượng và nhượng bộ. Vấn đề đã được giải quyết dứt điểm theo yêu cầu của chúng tôi.
Đối với lữ đoàn thì không còn vấn đề quan trọng nào, ngoại trừ việc chúng tôi không muốn giữ viên chỉ huy cũ lại nữa. Nhưng anh ta được người Nga bảo vệ. Họ nói rằng anh ta đã cải tà qui chính và có tác dụng tốt đối với binh sĩ dưới quyền. Tôi có cảm giác là Mesich đã hoàn toàn suy sụp, anh ta cũng như nhiều người khác thay màu cờ sắc áo là để khỏi phải vào trại tù binh mà thôi. Chính Mesich cũng không thích địa vị hiện nay của mình vì mọi người đều biết là anh ta không có vai trò gì, chỉ có tính chất hình thức.
Lữ đoàn đóng ở khu rừng gần Kolomna. Dù mùa đông Nga lạnh giá, lữ đoàn vẫn ở trong hầm và tiếp tục luyện tập quân sự.
Kỉ luật quá nghiêm khắc của lữ đoàn đã thực sự làm tôi kinh ngạc; rõ ràng là có mâu thuẫn giữa mục đích mà đơn vị này phục vụ với cách thức mà người ta bắt mọi người phải tin vào những mục đích đó. Trong các đội du kích của chúng tôi, tinh thần đồng chí và tình đoàn kết giữ thế thượng phong, kỉ luật chỉ được áp dụng trong những trường hợp xảy ra hiện tượng cướp bóc hoặc tội lỗi nghiêm trọng. Ở đây, tất cả đều dựa trên sự tuân thủ một cách mù quáng, một tinh thần mà ngay người Phổ thời Frederic II cũng phải lấy làm ghen. Không một lời nào về kỉ luật tự giác mà chúng tôi đã học được và tiếp tục dạy người khác ở Nam Tư. Nhưng chúng tôi chẳng thể làm được gì, cả trong quan hệ với các chuyên gia Liên Xô nghiêm khắc, cả trong quan hệ với các chiến sĩ, những người mà hôm qua còn chiến đấu bên phía quân Đức. Chúng tôi có đi tham quan, nói chuyện và thảo luận một vài vấn đề và để nguyên mọi thứ như cũ. Cũng có một bữa liên hoan với các sĩ quan, mọi người đều say, mọi người đều nâng li chúc sức khỏe Tito và Stalin, chúc tình huynh đệ của người Slav, rồi ôm hôn nhau.
Chúng tôi còn có một nhiệm vụ nữa là soạn mẫu những chiếc huy chương đầu tiên cho nước Nam Tư mới. Việc này chúng tôi nhận được sự giúp đỡ tận tình, còn chuyện huy chương "Kỉ niệm năm 1941" xấu thì không phải lỗi tại nhà máy của Liên Xô mà chủ yếu là sự khiêm tốn của chúng tôi và do chúng tôi có ít tranh quá.
Jukov, một viên tướng của Bộ nội vụ chịu trách nhiệm theo dõi các đơn vị ngoại quốc. Ông ta trông vẫn còn trẻ, cân đối, tóc trắng, rất tháo vát, vui tính và có vẻ trắng trợn là đặc điểm thường thấy của các nhân viên an ninh. Ông ta nói với tôi về lữ đoàn Nam Tư như sau: "Không đến nỗi tồi, nếu xét đến đội ngũ mà chúng ta đang có".
Đúng như thế. Lữ đoàn này, trong cuộc chiến đấu với quân Đức sau đó, đã tỏ ra không thiện chiến lắm, bị thiệt hại rất năng nề, nhưng không phải vì khả năng chiến đấu của từng người mà chủ yếu là vì cách tổ chức quá kém, cũng như nó không có kinh nghiệm phối hợp với các đơn vị khác, đồng thời cũng vì cuộc chiến ở đây khác hẳn với cuộc chiến trên mặt trận phía Đông.
Tướng Jukov cũng tổ chức một buổi tiếp tân chào mừng chúng tôi. Tùy viên quân sự Mexico, trong lúc nói chuyện với tôi, có đề nghị giúp đỡ nhưng đáng tiếc là cả ông ta và tôi đều không nghĩ được cách đưa những vật phẩm này đến tay các chiến sĩ Nam Tư.
Trước khi rời Moskva, tôi còn được Jukov mời dùng cơm trưa với gia đình ông. Hai vợ chồng ông ở trong một căn hộ hai buồng. Căn hộ khá tiện nghi, đồ đạc tuy khiêm nhường nhưng nếu theo tiêu chuẩn của Moskva, lại là thời chiến, thì có thể nói là khá lộng lẫy nữa. Jukov là một viên chức mẫn cán; trên cơ sở kinh nghiệm, ông tin rằng không phải lí tưởng, mà sức mạnh mới là phương tiện thực thi chủ nghĩa cộng sản. Quan hệ của chúng tôi khá thân tình nhưng có phần giữ kẽ vì không gì có thể loại bỏ được sự khác biệt về thói quen và quan điểm của chúng tôi, mà thực ra, mối giao hảo về chính trị chỉ có giá trị khi mỗi người vẫn còn là chính mình.
Khi chia tay, Jukov tặng tôi khẩu tiểu liên dành cho sĩ quan, một tặng phẩm khiêm tốn nhưng phù hợp với hoàn cảnh lúc đó.
Tôi còn có một cuộc gặp gỡ nữa, đấy là gặp các cơ quan tình báo Liên Xô. Thông qua đại úy Kozlovski, một người ăn mặc giản dị nói rằng đại diện cho các cơ quan an ninh đến tận Khu tập thể trung tâm của Hồng quân để gặp tôi. Chúng tôi thoả thuận sẽ làm việc vào ngày hôm sau cùng với vô số những biện pháp bí mật mà tôi, một người đã có kinh nghiệm hoạt động ngầm trong nhiều năm, cho là thừa. Một chiếc ô tô đợi tôi tại một góc phố, sau khi đi vòng vèo một lúc, chúng tôi chuyển sang một chiếc khác, lại đi, chúng tôi bỏ nó ở một con phố rồi đi bộ đến một phố khác, một người vứt từ cửa sổ ngôi nhà cao tầng cho chúng tôi chìa khoá, chúng tôi phải dùng nó để mở một căn phòng trên tầng ba.
Chủ nhân căn phòng, nếu đây quả là chủ nhân, là một người tóc trắng miền Bắc với đôi mắt trong veo mà vẻ đẫy đà chỉ làm họ đẹp thêm và mạnh mẽ hơn mà thôi. Nhưng vẻ đẹp của cô không gây ảnh hưởng gì, ít nhất là cuộc gặp gỡ với tôi đã là như thế. Hoá ra cô ta có chức vụ cao hơn anh bạn đồng hành với tôi, cô ta hỏi còn anh chàng thì ghi. Mối quan tâm chính của họ là những người trong ban lãnh đạo Đảng cộng sản chứ không phải tin tức về những đảng khác của Nam Tư. Cách thẩm vấn làm tôi khó chịu nhưng là một người cộng sản, tôi biết rằng mình có trách nhiệm cung cấp các tin tức cần thiết. Nếu một người trong Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô hỏi thì tôi không nghi ngờ gì. Còn họ thì dùng những thông tin về đảng cộng sản và những người lãnh đạo cộng sản vào việc gì, trong khi nhiệm vụ của họ là đấu tranh với kẻ thù của Liên Xô và những tên khiêu khích trong các đảng cộng sản khác? Nhưng tôi vẫn trả lời, tôi chỉ tránh đưa ra các số liệu chính xác, các đánh giá tiêu cực và đặc biệt là các mâu thuẫn trong nội bộ Đảng. Tôi làm như thế là do quan niệm đạo đức, tôi không muốn nói về các đồng chí của mình khi chưa được họ đồng ý, thâm tâm tôi phản đối sự can thiệp vào thế giới nội tâm của mình, phản đối những người không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Đảng tôi. Họ cũng nhận thấy thái độ bất mãn của tôi cho nên cuộc làm việc chỉ kéo dài chừng một tiếng rưỡi, sau đó chúng tôi chuyển sang nói chuyện trên tinh thần đồng chí, uống nước trà và ăn bánh ngọt.
Tôi hay gặp gỡ với những nhà hoạt động xã hội và thấy gần gũi với họ hơn.
Lúc đó, ở Liên Xô, giao thiệp với người ngoại quốc trong phe đồng minh không bị cấm đoán khắt khe như sau này.
Vì đang có chiến tranh và chúng tôi, đại diện của một đảng duy nhất, một dân tộc duy nhất đứng lên kháng chiến chống Hitler, được nhiều người quan tâm. Rất nhiều người đến gặp chúng tôi: các nhà văn tìm ý tưởng mới, các nhà làm phim tìm câu chuyện hay, các nhà báo tìm tài liệu và thông tin, các thanh niên nam nữ đến nhờ giúp họ làm quân tình nguyện đi chiến đấu ở Nam Tư.
Sự thật - tờ báo lớn nhất - muốn tôi viết một bài về cuộc đấu tranh ở Nam Tư, trong khi tờ Thời mới thì đề nghị viết một bài về Tito.
Tôi gặp một số khó khăn khi biên tập cả hai bài báo.
Tờ Sự thật muốn xoá tất cả những gì liên quan đến tính chất của cuộc đấu tranh và những hậu quả chính trị của nó. Trong Đảng chúng tôi cũng thường tiến hành biên tập các bài báo cho phù hợp với đường lối. Nhưng đấy là trong trường hợp có những lệch lạc nghiêm trọng hoặc những vấn đề tế nhị. Đằng này, tờ Sự thật đòi cắt hết tất cả những gì có liên quan đến bản chất của cuộc đấu tranh, tức là liên quan đến chính quyền mới và những biến động xã hội của nó. Họ còn thay đổi cả cách hành văn của tôi, cắt bỏ những hình tượng độc đáo, rút ngắn câu văn. Bài báo trở thành nhạt và thiếu sinh khí. Sau khi tranh luận với biên tập viên, tôi đành phải đồng ý để họ cắt xén bài báo, không nên vì chuyện này mà làm hỏng quan hệ và thà công bố như thế còn hơn là không công bố gì.
Với tờ Thời mới thì phải chiến đấu quyết liệt hơn. Ở đây, người ta ít động chạm tới tinh thần và lời văn nhưng họ lại làm giảm nhẹ hoặc cắt bỏ gần như toàn bộ những đoạn nói tới vai trò đặc biệt quan trọng của Tito. Trong buổi gặp đầu tiên với biên tập viên, tôi chỉ đồng ý cho thay đổi những tiểu tiết. Nhưng trong buổi gặp thứ hai, khi tôi hiểu rằng ở Liên Xô người ta không được ca ngợi ai ngoài Stalin, khi người biên tập viên nói thẳng: "Không tiện lắm vì còn đồng chí Stalin, bên tôi vẫn thế!", thì tôi đồng ý cho sửa chữa nhưng tôi đồng ý như thế vì bản chất và tinh thần của bài báo vẫn được giữ nguyên.
Đối với tôi, cũng như đối với những người cộng sản Nam Tư khác, vai trò đầu tầu của Stalin là đương nhiên, không có gì phải tranh luận. Nhưng tôi thực sự không hiểu vì sao lại không được đề cao các lãnh tụ cộng sản khác, trong trường hợp này là Tito, nếu như họ xứng đáng như thế, theo quan điểm cộng sản.
Phải nói thêm rằng, Tito rất hài lòng và theo tôi biết, sinh thời Tito, trên báo chí Liên Xô, chưa có một nhà hoạt động nào khác được đánh giá cao như ông.