Tàu tới ga vào lúc hai giờ rưỡi sáng. Đám hành khách bừng tỉnh khi người phát thanh nhắc nhở:
- Tàu đã tới ga… Ai đi trước xuống trước, ai đi sau xuống sau, không nên chen lấn xô đẩy, phòng kẻ gian móc túi…
Giọng nói vang trong loa rất to, rè rè như người nói đang buồn ngủ. Con tàu chạy chậm lại rồi bỗng dưng phanh kít trên đường ray. Đám dân buôn đứng giữa hai hàng ghế bị xô ngã nháo nhào. Họ lầm bầm chưỉ rủa rồi lần lượt đi ra hai đầu toa. Chúng tôi chờ họ bớt chen chúc mới đứng dậy. Một thanh niên cùng chuyến tàu với chúng tôi bước tới nói:
- Đi xuống ga với anh. Chắc hai em không có họ hàng quen thuộc ở đây
Tôi nói:
- Vâng, cảm ơn anh.
Trong bụng, tôi phân vân chưa biết xử trí ra sao. Suốt chuyến đi, kể cả lúc thằng bế giả vờ khóc lóc, kể cả lúc chúng tôi bị mất cắp, anh đều không nói năng gì. Đôi mắt anh nhìn mông lung đâu đó. Mái tóc mềm gió đánh bay xoà xuống tận chân mây. Anh ngồi cách chúng tôi hai ghế nên chúng tôi cũng không để ý tới anh nhiều.
Khách đi tàu đã xuống ga vãn. Chúng tôi bước theo anh. Bậc lên xuống rất cao, anh lần lượt nhấc bổng từng đứa xuống. Rồi anh xách chiếc túi đựng thức ăn nhẹ tênh của chúng tôi, cười:
- Gia tài bây giờ nhẹ bỗng rồi, phải không?… Hồi còn bé, anh cũng bị mất cắp một lần. Nhưng không phải vì một thằng bé con mà là một con mụ rất dẻo mồm. Mụ ta dụ anh đi mua kẹo hồng, mua bánh ngọt, rồi tháo chiếc vòng bạc mẹ anh đeo ở cổ cho anh.
- Thế xong rồi sao cơ?
- Rồi anh bị một trận đòn nên thân và nhớ tới tận bây giờ…Này, nhưng đừng nói chuyện nữa, đi cẩn thận kẻo ngã xuống hẻm núi đấy.
Đường từ ga xuống gập ghềnh cheo leo thật. Nó hẹp chừng non hai thước, rải đá trắng nhưng lâu ngày mưa đã xói mòn, đá lở hết. Chỉ còn trơ những rễ cây cổ thụ và những tảng đá lớn nằm bám vào gốc cây. Nhà ga không có đèn. Người gác ghi cầm cây đèn hộp vuông kính chắn xanh, đỏ, vàng đánh tín hiệu cho tàu đi xong, liền bước vào phòng bán vé đóng sập cửa lại. Thế là tất cả tối đen. Mọi vật chỉ còn hiện lên lờ mờ ánh sao và ánh lửa hắt từ đám quán ăn tít dưới đường quốc lộ. Chúng tôi túm áo nhau, nắm chặt tay anh thanh niên tốt bụng mà đi. Những người dân buôn gánh hàng sát bên chúng tôi. Họ là dân địa phương nênhọ thuộc đường. Nhiều người nói chuyện với nhau bằng thứ tiếng riêng mà chúng tôi không hiểu.
- Người Hoa đấy – anh thanh niên giải thích – Các em có ngửi thấy mùi thơm không? Họ buôn thuốc từ dưới ga Đồng Mỏ lên đây…
Trong đêm, mùi thơm bốc lên thoang thoảng, lẫn với mùi mồ hôi và mùi lũ ngựa thồ hàng cũng đang lóc cóc đi xuống. Phía trước, đèn các quán đã sáng rõ. Quán lớn treo đèn măng sông. Quán nhỏ mắc hai, ba ngọn đèn dây. Những người bán quán bận áo quần đen, khuy vải tết. Họ mời khách liên tục bằng hai ba thứ tiếng:
- Vào ăn cơm kẻo di tàu đêm đói bụng. Phở ngọt, phở chua ngon lắm.
- Cơm tám có thịt kho đường, đậu rán, dưa chua… Nào, vào đi…
Nói tiếng Kinh xong, tiếp đến tiếng Hoa, tiếng Tày, tiếng Nùng. Anh thanh niên đi cùng bảo:
- Có khi họ còn nói được cả tiếng Lô Lô, tiếng Sán Dìu, Sán Chỉ. Dân bán cơm là dân giỏi ngoại ngữ nhất thế giới.
Anh dắt chúng tôi vào một quán cơm nhỏ, treo hai ngọn đèn dây. Chủ quán còn trẻ, mặc áo xanh kiểu cổ viền, khuiy vải tết, tóc cắt ngắn. Trông vẻ mặt cô ta hiền hiền.
- Cô Múi, cho chú cháu tôi ăn cơm với.
Chủ quán cười:
- Chào anh Cao, lâu ngày quá mới gặp. Anh lại có thêm hai đứa cháu nữa rồi à?
Anh Cao cũng cười:
- Ờ, chị tôi đẻ nhiều lắm. Hôm nay cơm có món trám đen không?
Cô bán hàng gật đầu:
- Có, có… Cho thêm hai bìa đậu nhồi thịt rán nữa nhé. Hôm nay tôi đãi khách tý hon.
Một tốp khách buôn đông đúc kéo vào, ngồi chật ba chiếc ghế dài, kiểu ghế băng của học sinh, quây xung quanh. Cô bán hàng nhanh nhẹn dọn đồ ăn cho chúng tôi rồi quay sang phục vụ đám khách mới.
- Nào, các cháu ăn tự nhiên đi. Giống như chúng ta ăn cơm ở nhà vậy… - anh Cao so đũa, đưa cho chúng tôi mời mọc ân cần – Đi đường xa, ăn cơm ngon hơn ăn cơm ở nhà… Thế nên người ta mới thích du lịch phải không?
Anh nheo mắt cười, trông hiền lành và hóm hỉnh. Tôi quên những buồn bực, lo âu đang đè nặng trong lòng, lây cái vui hồ hởi của anh. Chúng tôi ăn cơm ngon lành. Món trám đen nhồi thịt của cô hàng lạ miệng và hấp dẫn nhất. Đám khách buôn ăn uống xì xụp cạnh chúng tôi. Họ vừa ăn vừa uống rượu. Rượu không uống trng chén mà uống cạn từng bát đầy. Mùi rượu nông nặc phả ra khiến chúng tôi rờn rợn. Nhất là khi họ cười, những chiếc răng bọc vàng bọcbạc của họ loé lên dưới ánh lửa. Những người đàn bà giơ tay cào tóc, còn những người đàn ông gãi mái đầu cắt ngắn gần như trọc. Ăn cơm xong, chúng tôi uống nước ngay tại đấy. Những người khách ăn vẫn tiếp tục vào. Anh Cao đếm tiền trả chủ quán và bảo chúng tôi:
- Chú cháu ta kiếm chỗ ngồi cho họ bán hàng.
Chúng tôi xách túi bước ra đường. Kiếm chỗ nào ngồi bây giờ? Dãy phố kéo dài hun hút, tối đen, không bóng người qua lại. Thỉnh thoảng có những chiếc xe thồ lóc cóc gõ trên đường đá. Riêng khu quán ăn, đèn đuốc sáng trưng. Những quán ăn lớn có biển đề:
Ở đây có chỗ trọ
Năm đồng một giường
Ôi chao, đối với túi tiền của chúng tôi, năm đồng một chỗ ngủ qua đêm thì lớn quá. Nhất là khi chúng tôi vừa bị mất sạch sành sanh. Anh Cao bảo:
- Anh cũng không giàu có gì. Chúng ta không thể phí mười lăm đồng bạc để nằm mấy tiếng đồng hồ đợi trời sáng. Mà những quán trọ này khủng khiếp lắm. Không cẩn thận, mình có thể bị truyền bệnh thì nguy. Bây giờ, anh trải ni lông dưới mái hiên kia. Anh em mình ngồi dựa vào nhau ngủ một lúc. Các em bằng lòng chứ?
Cố nhiên, chúng tôi bằng lòng ngay. Anh Cao dắt chúng tôi tới một căn nhà gần đó, nơi ánh đèn khu quán ăn còn rọi tới, đủ soi rõ mặt người. Ngôi nhà này có mái hiên rộng, lợp ngói ống kiểu cổ.
Đối với chúng tôi lúc đó, nó là nơi trú thân tốt đẹp. Anh Cao rút trong túi du lịch mảnh ni lông, trải xuống thềm. Anh cởi thắt lưng buộc chiếc túi du lịch vào chân. Rồi anh lấy áo khoác trùm cho cả ba người. Xong, chúng tôi cùng tựa lưng vào cửa ngôi nhà mà ngủ. Giấc ngủ tới mau lẹ. Nhưng chừng hơn một giờ sau, tôi tỉnh dậy vì lạnh quá. Chiếc áo khoác của anh Cao không đủ giữ hơi ấm. Loan hạt mít ngôig giữa nên vẫn ngủ ngon lành. Anh Cao cũng vậy. Có lẽ vì bên trong sơ mi anh còn mặc áo dệt kim dày. Tôi rét run cầm cập. Khí núi đêm lạnh buốt. Khu quán ăn đã tắt hết đèn, đóng cửa. Trời đất đen như mực. Những ngôi nhà lô nhô trong đêm giống như hai hàm răng lởm chởm củ acon cá sấu. Phía sau dãy phố là những ngọn núi cao sừng sững, hiểm trở, bí ẩn và đầy đe doạ. Hơi gió lùa qua hẻm núi vang lên từng hồi còi dài, rên rỉ. Thỉnh thoảng một con chim buông tiếng kêu khàn khàn khiến tim tôi nhảy thót lên. Mắt mở thao láo, tôi nhìn vào bóng đêm, chờ đợi một con vật khủng khiếp nào đó bò tới, há cãi mõm đỏ lòm ra trước mặt mình. Trong cơn sợ hãi tôi nhớ lại hình ảnh conkhủng long ở phòng thí nghiệm nhà trường. Nó bước từ bức tranh xuống, khụng khiệng đi trên đường, lúc lắc cái cổ khổng lổ và dài hơn cả một chiếc cần cẩu. Rồi tôi hình dung ra những bày người vượn Nê an déc tan, người Crô ma nhông từ những hang sâu trong dãy núi hiểm trở kia đi tới, giơ cánh tay lông lá cho tôi:
- Mày tới đây làm gì? Có muốn đi cùng chúng tao không? Nào, đứng dậy đi…
Tay chân tôi tê cứng như bị ngâm trong thùng nước đá lạnh. Đúng lúc đó, có một bóng đen lừ lừ đi tới thật. Tim tôi muốn nhảy vọt khỏi lồng ngực. Tôi định thét lên gọi anh Cao nhưng lưỡi đã cứng như bị đóng băng giữa hai hàm răng. Cái bóng đen rất cao, lòng khòng, hơi gù gù. Gã đi khật khưỡng như môt kẻ say rượu, nhưng không nói lảm nhảm và bốc mùi men. Gã đi từng bước một, bước nọ nối bước kia, lặng lẽ tựa như bóng ma, hai cánh tay dài đung đưa như hai que củi buộc hững hờ, lủng lẳng cạnh sườn. Tôi định thét lên, định quát thaơ đuổi gã, nhưng rút cục, tôi cứ ngồi lặng người đi, hai mắt mở thao láo. Mùi hôi lùa vào mũi tôi. Nhờ ánh sao, tôi nhận ra những mảnh vải rách lả tả bay dưới hai cánh tay gã. Cái bóng đen đó đi tới tận nơi chúng tôi ngồi, lặng im ngắm nghía hồi lâu. Rồi gã cất tiếng hát:
Ta có một con mèo xinh thật là xinh.
Ta có một ngôi nhà cánh cửa sơn xanh, sơn xanh…
Vừa hát, gã lại vừa đủng đỉnh bước đi. Gã đi vào trong phố. Té ra, đó là một người điên. Tôi đặt tay lên ngực vẫn thấy tim đập thình thình.
- Thật là thần hồn nát thần tính…
Tôi tự mắng mỏ mình, đúng là cái câu bà ngoại vẫn mắng tôi ngày xưa, mỗi lần tôi sợ kêu ma, đòi bà dắt ra đầu hè để ị vào bô chứ dứt khoát không xuống chuồng tiêu vì sợ bóng cây sung già đứng gần đó. Tiếng gà trong phố nhất loạt gáy lên. Toi đoán chứng khoảng ba giờ sáng. Sau cơn hoảng sợ, tôi dần trở lại bình tĩnh. Tôi nhìn vào bóng đêm bịt bùng với con mắt tự tin hơn. Những viền răng cưa khủng khiếp màu đen in lên trời đêm cũng không hăm doạ tôi dữ tợn như những giây phút đầu tiên tôi đặt chân lên mảnh đất này. Sau cùng, tôi nghĩ rằng con người có thể quen được với tất cả mọi thứ, kể cả nỗi lo âu và sự sợ hãi. Tôi co hai chân lên, thu đầu gối sát ngực để đỡ rét. Rồi tôi ngủ lúc nào không rõ. Một giấc ngủ ngắn nhưng không còn mộng mị.
Khi anh Cao gọi tôi dậy, mặt trời đã lên khỏi dãy núi phía đông. Hơi sương giá chưa tan nhưng ánh nắng tràn ngập mọi nẻo. Cảnh vật bừng lên như một đoá hoa vừa chớm nỏ. Tất cả những hình thù quái dị, đen tối đe doạ tôi đêm qua giờ đây phơi bày dưới ánh nắng trở nên tươi đẹp lạ thường. Hai dãy phố đã mở cửa. Các hàng quán lau chùi bàn ghế, mời mọc người vào. Những chiếc đèn lồng bằng lụa đỏ từ Trung thu năm ngoái còn treo tới tận bây giờ. Màu lụa tuy đã cũ nhưng vẫn vui mắt. Những ông phỗng xanh, phỗng đỏ đứng trước các tủ bánh kẹo, thuốc trà. Người trong phố đi chợ. Đủ màu sắc, áo quần của dân Hoa. Nhưng nhiều nhất vẫn là màu chàm của người Tày, người Nùng xuống núi. Những con đường núi óng ánh vì mặt trời chiếu trên cỏ ướt. Hoa dại nở từng chùm đỏ khắp nơi. Cả những gốc cây um tùm dưới ánh nắng cũng xanh lại. Anh Cao dắt chúng tôi tới một hàng bánh bao mua ba chiếc bánh ăn sáng. Xong anh bảo chúng tôi chờ anh ra bến xe một lát. Chúng tôi uống hết chén chè xanh thì anh quay về.
- Anh phải đi ngay bây giờ. Nửa tiếng nữa xe sẽ chạy. Còn các em phải đợi ba ngày nữa mới có chuyến xe đi Cao Bằng. Những ngày này các em ở lại quán cơm tối qua, nói với cô Múi xin ngủ nhờ. Cô ấy cũng là người tốt bụng.
Tới đó, anh rút ví, đếm tiền đưa cho chúng tôi:
- Không may cho các em, là anh cũng chẳng giàu có gì. Các em cầm tạm ba chục mà chi tiêu thêm. Khi nào rỗi, nhớ biên thư cho anh. Cứ đề: Phạm Văn Cao, lớp… Trường đại học địa chất.
Tôi nhìn chiếc ví lép kẹp của anh, lắc đầu:
- Không, chúng em không nhận của anh. Anh nghèo hơn cả chúng em nữa.
Anh Cao cười, hàm răng lấp lánh:
- Anh tới nơi trong ngày nay. Các em còn phải đi nhiều ngày nữa. Thôi cầm lấy,… còn bé mà khái tính thể hả cô?…
Anh xoa đầu tôi rồi rút trong ví ra một mẩu giấy nhỏ, hí hoáy viết. Tôi tưởng anh ghi địa chỉ của anh cho chúng tôi. Nhưng anh lại viết cho cô Múi, người bán hàng cơm tối qua.
- Các em đưa cho cô ấy. Cô ấy sẽ giúp đỡ các em phần nào… Thôi, chúc các em may mắn nhé… Anh đi đây…
Không kịp để chúng tôi cảm ơn hoặc nói lời từ biệt, anh cầm chiếc xắc du lịch, đi vùn vụt về phía bến ô tô. Chúng tôi đứng tần ngần nhìn theo anh, mái tóc mềm gió thổi lật về phía sau, cổ chiếc áo sơ mi bay lật phật. Sau này, không bao giờ chúng tôi gặp lại anh nữa. Bởi vì, cái địa chỉ anh nói, chúng tôi không kịp ghi nhớ trongphút giây bối rối. Nhưng gương mặt anh với nụ cười rạng rỡ vẫn luôn hiện lên trong ký ức của tôi, như một khung trời mới lạ, như một dải núi non vời vợi mới hiện lên trước chân trời. Tôi đứng tần ngần mãi, cho tới khi Loan hạt mít gọi:
- Bê này, đi tới hàng cô Múi đi chứ. Anh Cao viết cho cô ấy đây này.
Tôi cúi xuống đọc những dòng chữ nhỏ, nét bay bướm và sắc:
Thân gửi A Múi,
Tôi không có thời giờ ở lại phố lâu. Nhưng tôi vvẫn giữ cảm tình tốt với A Múi. Chúng ta là những người bạn quý hoá nhau, có phải không? … Tiện đây, tôi nhờ A Múi một việc. Hai em nhỏ này tôi gặp trên tàu. Chúng bị mất cắp hết tài sản mà còn phải lên tận Cao Bằng. A Múi cố gắng giúp chúng ăn ở trong mấy ngày tới. Tôi mong A Múi vui lòng. Tôi cảm ơn A Múi và hẹn dịp sẽ tới chơi.
Tôi nắm mảnh giấy nhàu nát trong tay như nắm lá bùa hộ mệnh. Rồi tôi cùng Loan quay trở lại khu nhà trước cửa ga. Nơi đó, suốt ngày ồn ào người buôn bán, qua lại ăn uống. Dọc đường Loan kêu đói. Tôi biết nó đã no bụng nhưng con mắt còn thèm. Bánh bao ở đây quả thực ngon vì do người Hoa làm, khác hẳn thứ bánh bao cứng dèn dẹt dưới thị xã quê hương tôi. Tôi mua một chiếc cho Loan. Phần tôi, tôi nói rằng no rồi. Quả thực, tôi phải dè sẻn vì cuộc hành trình còn hứa hẹn nhiều trắc trở. Loan hạt mít ngượng. Nó bẻ cho tôi một nửa nhưng tôi không ăn. Cô nàng vật nài mãi, tôi mới ăn một mẩu cho nó vui lòng.
Chúng tôi đến cửa hàng cô Múi vừa lúc cô đang lau chùi quét dọn bàn ghế, hiên trước, sân sau. Tôi lễ phép chào cô, đưa mảnh giấy anh Cao viết. Cô bỏ chiếc chổi đang cầm trong tay xuống, kéo ghế ngồi đối diện nhìn chúng tôi với cặp mắt tò mò và hỏi:
- Các cháu mất hết đồ đạc hả? Các cháu không phải cháu chú Cao hả? Các cháu lên Cao Bằng thăm người nhà hả?…
Cô hỏi liền một hồi. Tôi trả lời từng điểm một. Xong rồi, cô bảo:
- Ở đây với cô mấy ngày cũng được nhưng phải thật thà, không được ăn cắp vặt, nghe chưa?…
Tôi thấy họng đắng lại. Tôi chưa từng bị nghe một câu nói thô lỗ và tàn nhẫn như thế bao giờ. Máu chảy rần rật trong huyết mạch tôi. Hai tai tôi có tiếng trống thình thịch. Mãi sau, tôi mới cất được tiếng nói:
- Cháu không phải con nhà ăn cắp. Chào cô…
Tôi xách túi quay đi. Hình như cô Múi cũng biết mình vừa làm một việc sai lầm. Cô đuổi theo tôi, gọi:
- Đấy là cô nói vậy thôi. Đừng có dỗi…
Tôi muốn đi ngay, nhưng lúc đó Loan hạt mít nài nỉ:
- Bê ơi! Bê ơi!!…
Hẳn là nó sợ cảnh bơ vơ giữa đường giữa chợ. Hẳn là nó sợ cảnh màn trời chiếu đất như đêm qua. Nhất là khi không còn một người nào đáng tin cậy như anh Cao ở bên mình. Tôi nghĩ thương Loan và hãi hùng nỗi bơ vơ nên đành xách túi quay lại.
Cô Múi bảo:
- Trông mặt mũi các cháu cũng con nhà tử tế đấy.
Trong bụng cơn uất vẫn trào lên. Tôi muốn nói: “Không phải chỉ là con nhà tử tế mà là con cô giáo Hanh chứ không phải con cô bán cơm hàng cho lái buôn…”. Nhưng tôi đành nuốt nước bọt như nuốt một viên thuốc đắng và lặng thinh bước vào nhà.
Ngày hôm đó cũng như những ngày hôm sau, tôi cùng Loan hạt mít giúp cô Múi quét dọn cửa nhà, lau chùi chén bát, tước măng, nhặt rau, nhổ lông gà lông vit… Để trả công, cô cho chúng tôi ăn ngày ba bữa cơm khá thịnh soạn và cho ngủ trong căn buồng xép sau nhà. Cô Múi sống một mình. Tôi hơi ngạc nhiên vì thường ở tuổi cô, người ta thường ở chung với bố mẹ hoặc với chồng con. Nhưng quan hệ cách biệt giữa chúng tôi không cho phép tôi hỏi điều đó. Duy chỉ có một lần, một người đàn ông tới đem theo chiếc xe máy với chiếc va li căng phồng. Ông ta vào thẳng trong buồng. Cô Múi đưa cho tôi với Loan hai đồng bạc, bảo:
- Cho hai đứa ra chợ mua sim ăn. Tối hãy quay lại.
Chúng tôi trở về đúng sáu giờ tối để đón khách tày xuôi. Người đàn ông kia đã đi. Ngoài ra, chúng tôi không biết gì hơn. Tôi không thể nghĩ cô chủ quán cơm đó lại là người bạn của anh Cao được. Mặc dù cô ta đối với chúng tôi cũng chẳng tồi tệ gì.
Xe đi Cao Bằng cứ ba ngày mới có một chuyến. Nhưng rủi cho chúng tôi, dịp đó đượng bị sụt vì lũ, xảy ra tai nạn giao thông nên phòng giao thông yết bảng báo tin các chuyến đi tạm dừng cho tới khi đường sửa xong. Đã sang tới ngày thứ bảy rồi. Tôi nóng ruột sôi gan. Ngày nào tôi cũng ra bến xe thăm hỏi tin tức. Chưa có hy vọng gì cả. Mà mùa thu đã tới từng ngày. Mùa thu ở đây ví như mùa đông ở dưới đồng bằng. Nhất là ban đêm, khí núi lạnh tê tái. Đã mấy lần, Loan giục mua áo rét nhưng tôi chần chừ vì sợ không đủ tiền mua vé và ăn đường lên tới Khậu Phai. Tôi mới mua thêm cho mỗi đứa một bộ áo quần thường nữa. Như vậy số vốn một trăm bảy mươi đồng cũ, cộng với ba mươi đồng anh Cao cho, hụt xuống còn một trăm năm mươi tư đồng. Nếu mua hai chiếc áo bông, mỗi chiếc ba mươi sáu đồng, nó sẽ hụt đi bảy mươi hai đồng nữa. Chúng tôi không thể nào nhịn đói để mua vé đi Cao Bằng rồi từ đó ăn rễ cây, uống nước suối mà lên tới đồn Khậu Phai. Có thể một chàng Thạch Sanh nào đó sẽ làm được điều đó, nhưng chúng tôi thì không. Bởi lẽ, chúng tôi vốn chỉ là dân cày đường nhựa, chưa biết phân biệt cây cà pháo với cây cà độc ra sao. Dầu là một đứa liều lĩnh, ưa mạo hiểm, tôi cũng không thể vượt ra ngoài những khả năng có thực của mình.
Sang ngày thứ tám, trời bỗng nổi gió heo may. Loan hạt mít lạnh quá, sụt sịt khóc. Chính tôi cũng nổi da gà và cảm thấy muốn ốm đến nơi. Tôi đành ra mậu dịch mua hai chiếc áo bông nền xanh chấm đỏ. Mặc hai chiếc áo đó, trông tôi và Loan chẳng khác gì các cô bé ở thị trấn miền sơn cước này. Giá như tôi cắt tóc trước trán nữa thì chúng tôi hoàn toàn khiến mọi người lầm lẫn là những Hoa kiều có gốc rễ lâu năm. Cô Múi khen chúng tôi mặc áo mới đẹp quá. Còn tôi buồn nẫu ruột vì số tiền còn lại không cho phép chúng tôi tiếp tục hành trình. Chẳng lẽ cứ ở đây làm một thứ người ở không công cho co chủ quán cơm phố Khách…
Ngày lại ngày, công việc nhàm chán của quán cơm càng khiến tôi bứt rứt. Cô Múi thì vui thích ra mặt vì từ ngày có chúng tôi giúp việc, cô bán được gấp đôi gấp ba số hàng và tiền lời nhiều lên. Loan vô tư. Nơi nào có tôi, tránh được bộ mặt lãi cai Cân là nó vui thích. Thỉnh thoảng, cô nàng cũng nhớ mẹ sụt sịt khóc một lúc, nhưng những trò vui khác lại làm nó quên đi rất mau. Ở đây cũng không thiếu trò chơi. Đám trẻ con quán ăn có tiền, chúng thường rủ nhau chơi bài, đánh chắn, có đứa mua cả khỉ về làm trò, có đứa dạy được mèo và chó biết đi xe đạp con, làm xiếc…
Loan ham mấy trò vặt đó. Chỉ riêng tôi, tôi tìm cách tháo gỡ khỏi tình cảnh này. Đã có lúc tôi định nói với cô Múi trả tiền công hàng tháng cho chúng tôi, Khi nào có đủ tiền ăn đường, chúng tôi sẽ đi. Nhưng suy đi tính lại, tôi ngượng ngùng không dám nói. Trẻ con trong phố vẫn kiếm được tiền bằng cách lên núi hái sim, trèo ổi, hoặc đun nước bán cho khách đi tàu. Tôi và Loan cũng không thể làm được điều đó vì chúng tôi bị trói buộc với những công việc của cô Múi… Rút cục, tôi thấy mình đang chui vào chiếc sừng trâu. Thế nhưng, vào lúc tôi buồn rầu vì hết hy vọng thì cuộc đời lại đột ngột rẽ sang ngả khác. Thật đúng câu ngạn ngữ của người đời: Cái rủi không báo tin, điều may không gửi dấu.