Sang tháng tư rồi. Hàng phượng vĩ trên sân trường loé lên vài ngôi sao đỏ. Đầu tuần tôi bỗng trượt chân ngã. Trán sưng một cục to bằng quả ổi và đầu gối bị trầy rớm máu. Điều đó cũng chưa tệ hại bằng chiếc quần âu ka ki xanh mẹ tôi vừa may cho bị rách ngay trước gối. Lỗ thủng to bằng đồng xu, thịt hở ra trắng phếu. Đi tới trường ngay thì không được, mà quay về nhà thì sẽ trễ giờ. Nghĩ một lát, tôi mở cặp xé mẩu giấy nháp, lấy bút tô cho màu giấy xanh đen lại, tôi xin bà Tô béo sợi bún dán vào quần.
- Con bé kia, dạo này còn ra sông chơi không hả?
Bà bún riêu gẩy vào tay tôi mấy sợi bún, miệng quát to.
- Thưa bà, dạo này cháu không dám đi nữa ạ.
- Liệu hồn, con nam nhận xuống nước thì không ai cứu nổi đâu con ạ. Bố mày ở tít tắp mù khơi, mà mẹ mày chỉ có một mụn con gái hiếm hoi… Nghịch vừa chứ…
Bà quát oang oang rồi dứt thêm cho tôi mấy sợi bún nữa. Tôi cảm ơn bà, chạy ra một góc dán mẩu giấy vào lỗ thủng nơi đầu gối. Xong xuôi, tôi yên tâm rảo bước tới trường.
Giờ đầu là giờ hoá. Tôi đọc kỹ lý thuyết, làm bài tập trên bảng, lĩnh gọn một điểm năm của bố Thế rồi trở về chỗ. Bất đồ, mẩu giấy dán rơi xuống. Lạy trời, khi nằm trơ trên nền đá hoa, trông nó mới buồn cười làm sao. Tôi ngượng ngùng cúi lom khom che lỗ thủng nơi đầu gối. Cả lớp cười ồ lên. Bố Thế ngơ ngác nhìn lũ học sinh. Khi vỡ lẽ, bố cũng bật cười. Tiếng cười hiền lành như tiếng cười của một ông lão nông dân, vẫn đem chổi lúa hoặc rổ rá vào thị trấn bán. Hết giờ học, bố Thế gọi tôi:
- Bê!
- Dạ.
- Đi đâu thế?
- Con ra chơi ạ.
- Hừm… Ăn mặcthế mà ra sân chơi hả?... Học bao nhiêu giờ nữ công rồi mà còn lấy giấy dán vào quần rách?... Con gái đoảng. Phải phạt cho mày một trận thôi.
Bao giờ bố Thế cũng xưng bố và gọi chúng tôi bằng mày hoặc cô, cậu. Khi nào bố xưng tôi và gọi các em theo đúng phép thường là lúc đó bố đang cực kỳ giận dữ trước những khuyết điểm của lũ chúng tôi.
Thấy tôi nghếch mắt nhìn. Bố Thế vẫy tay:
- Xuống đây với bố.
Chúng tôi đi tới khu nhà tập thể của giáo viên trong trường. Bố Thế xin một mảnh vải vá bằng vải xanh, một cây kim và sợi chỉ dài. Đoạn bố dẫn tôi trở lại căn buồng nhỏ sát phòng thí nghiệm, nơi bố cùng ở với thầy Bách dạy toán.
- Đóng cửa vào, vá quần cho nghiêm chỉnh – bố nói.
- Nhưng… sắp đến giờ sinh rồi ạ… - tôi rụt rè đáp.
- Giờ nào cũng bỏ. Chép bài, tự học sau. Lớn rồi, không được phép cẩu thả trong sinh hoạt. Một lần này phải nhớ đến già nghe chưa?
Nói xong, thầy vớ hộp thuốc lào trên bàn, bỏ vào túi, đi ra. Tôi đóng chặt của, cởi quần dài, trùm chăn ngồi vá. Đó là lần đầu tiên tôi thấy bố Thế tỏ ra nghiêm khắc với mình.
Chiều hôm đó, lớp tôi cùng cả khối đào mương giúp một hợp tác xã kết nghĩa với trường. Trời oi ả khó chịu. Chừng nửa buổi, mưa ập xuống tưới xối xả lên đầu tóc, mặt mũi mọi người. Lũ con trai reo hò, nhảy cẫng lên dưới dòng nước trắng xóa. Lũ nhóc như tôi cũng vậy. Đứa nào đứa nấy thi nhau há miệng, thè lưỡi nếm nước mưa, chạy đuổi, té nước vào nhau và la hét ầm ĩ. Chỉ có các chị lớn tuổi là khổ sở. Các chị đứng túm tụm vào nhau, cố sức lấy nón che lớp áo quần lướt thướt dính chặt vào người. Chị Bội lớn nhất đám. Người chị nở nang, khỏe mạnh. Lớp áo phin ướt dính vào da khiến chị giống như một bức tranh khỏa thân thời Phục hưng mà thầy dạy vẽ cho chúng tôi xem trong giờ ngoại khóa. Chị ngượng ngùng vì đám học sinh khối trên đứng đen đặc xung quanh. Trong số đó hẳn có nhiều anh chàng đang theo đuổi, tán tỉnh chị. Lẽ thứ hai là ông giáo thể dục mới cũng ở đây. Đứng trong đám giáo viên bộ môn nhưng cặp mắt hẹp và dài của ông ta dán vào tấm thân ướt đầm của cô nữ sinh một cách miệt mài. Tụi con trai trong lớp nhận ra điều đó trước tiên. Chúng nhấp nháy nhau, thì thào:
- Kìa, xem ông Gia “tia” chị Bội… Khiếp quá, đứt mất đuôi mắt rồi.
- Tụi mày chú ý nhé… Sắp rồi, sắp rồi… Đấy, tao nói có sai đâu. Ông ấy giả vờ hỏi chuyện bố Thế nhưng mắt cứ nhìn chòng chọc vào bà Bội nhà ta…
Tôi nhìn bố Thế. Đúng là bố đang nói gì đó với ông Gia thật, nhưng quay mặt đi nơi khác. Bố già biết hết mọi chuyện… Bố già biết hết – tôi thầm nghĩ
Mưa vừa tạnh, trời lại nắng ngay. Chúng tôi lao vào xắn đất. Đang làm, Ly bỗng lảo đảo, ngã quỵ xuống. Chúng tôi xúm lại đỡ lấy nó. Tất cả đều luống cuống chưa biết xử trí ra sao thì bố Thế tới. Bố áp má vào trán Ly nghe ngóng rồi lẩm bẩm:
- Thằng bé sốt cao quá. Có lẽ nó bị ốm trước khi đi làm.
Ngước nhìn chúng tôi, bố hỏi”
- Không đứa nào biết nó ốm hay sao?
Chúng tôi nhìn nhau, đáp lí nhí:
- Thưa bố không ạ.
- Gọi ngay y tá công trường tới đây.
Bố ra lệnh. Trưởng lớp ba chân bốn cẳng chạy ngay. Nhưng y tá công trường nào thấy… Chị ta đã tót lên huyện từ lúc hai giờ. Đám người chạy về lã chã mồ hôi, lắc đầu ngao ngán. Trong lúc đó, bố Thế đã xoa dầu cao lên hai thái dương, sống mũi, cổ họng và ngực cho người bệnh. Ly nằm trên tay bố, mắt nhắm nghiền, mặt đỏ như trái cà chua chín. Bố Thế nhìn không dứt hai mí mắt tím xanh, run giật từng hồi của cậu ta. Nghe nói y tá lên huyện rồi, bố lẳn lặng xốc Ly lên lưng cõng chạy về phía đường nhựa. ruộng lổn nhổn đất, bờ cao bờ thấp mấp mô, bước chân bố Thế đôi lúc loạng choạng như muốn ngã. Dù sao bố cũng đã bước tới tuổi già.
- Bố để tụi con khiêng cho… Bố không cõng được mãi đâu…
Lũ chúng tôi lếch thếch chạy theo, nài nỉ.
- Võng đâu mà khiêng?... – bố quay lại nói – Chúng mày quay lại làm kẻo lớp vắng nhiều quá. Hai đứa đi theo bố.
Chẳng ai phân công nhưng tôi cùng lớp trưởng ra đi, còn mọi người trở lại công trường. Lớp trưởng nhiều tuổi nhất, chững chạc nhất, lo toan việc lớn. Tôi bé nhưng láu lỉnh, nhanh nhẹn, sẽ đóng vai đầu sai. Vả lại xưa nay bố Thế vẫn có ý chiều tôi hơn mọi người tí chút, nên tôi đi theo bố cũng là lẽ thường tình.
Tới đường, may sao chúng tôi gặp một chiếc com-măng-ca của bộ đội. Thấy đứa bé ốm trên lưng một người đàn ông, các anh tự động dừng xe lại, đón chúng tôi lên bệnh viện.
Ở phòng cấp cứu của viện, người ta tiêm cho Ly ba ống thuốc liền, rồi cho nó thở bằng ống cao su dẫn tới một bình kim khí sáng choang, đồ sộ. Sau đó, họ đưa nó sang buồng khác, có sáu chiếc giường sắt nhỏ sơn trắng. Ly vẫn nóng như chiếc bánh mì trong lò, mắt nhắm nghiền, những đường gân xanh phập phồng trên cổ. Bố Thế bảo chúng tôi:
- Thằng bé bị thương hàn.Trong hai đứa mày, phải có một ở lại đêm nay với nó.
Lớp trưởng đáp:
- Thưa bố, con ạ.
Nhưng sau đó anh im lặng ngay, gương mặt hiện rõ vẻ bối rối. Tôi biết nhà anh nghèo, và đêm đêm anh thường đóng gạch xỉ để lấy thêm tiền giúp mẹ. Tôi nói:
- Anh về đi, em sẽ ngủ lại đây. Qua phố, báo cho mẹ em một tiếng nhé.
Lớp trưởng không trả lời, đứng tư lự. Bố Thế gật đầu, vuốt tóc tôi:
- Con Bê giỏi lắm.
Bố móc túi, rút ra chiếc ví da to phồng những giấy tờ, vét tất cả ngăn lớn, ngăn nhỏ mới được bốn đồng:
- Chiều nay ăn bánh chưng với phở thay cơm nhé. Mai bố sẽ liệu sau…
Đưa tiền cho tôi xong, bố và lớp trưởng ra về. Tôi đứng giữa sân bệnh viện, nhìn hút theo chiếc áo xi ta bạc màu và dáng lù khù quen thuộc của người thầy cho tới khi khuất hẳn. Rồi tôi quay vào phòng, ngồi cạnh Ly. Ly ngủ. Tôi nhìn quanh phòng. Năm giường khác đều có người. Nhưng họ đều ở trạng thái hôn mê hoặc tê liệt mọi hoạt động tinh thần khiến tôi rờn rợn. Mặt người nào người nấy nhợt nhạt như nặn bằng sáp, mắt nhắm nghiền hoặc mở thao láo nhưng bất động như mắt cá chết. Tôi tưởng những ánh mắt vô hồn của họ như dính vào mặt tôi. Ánh mắt trắng đục của họ như những sợi dây vô hình trói chặt tôi vào nỗi sợ hãi. Bên ngoài căn phòng là một rặng cây tối om. Rồi xa hơn nữa là trái đồi đất đỏ. Trên trái đồi đó, những ngôi mộ nằm rải rác với những nắm chân hương và tàn tro, những chiếc bát cắm hương nghiêng ngả và những vòng hoa đen lại. Dưới chân đồicó một căn nhà nhỏ, quét vôi trắng toát. Đó là nhà xác của bệnh viện. Trong ánh chiều, tôi nhìn rõ hai người hộ lý mặc bờ lu trắng đang khiên một chiếc băng ca phủ vải đi vào. Dưới làn vải, thò ra đôi chân vàng khè…
Càng ngồi lâu, càng nhìn những cảnh vật xung quanh, nỗi sợ hãi trong tôi càng tăng lên. Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực. Mắt tôi căng ra nhìn. Lúc nào tôi cũng chờ đợi một cái xác gầy đét trên giường bỗng vùng dậy, túm chặt lấy tôi. Giá không vì Ly đang nằm đó, không vì nghĩ tới bố Thế và lời hứa danh dự của mình, tôi đã bỏ chạy. May sao chừng hai mươi phút là cô y tá trực tới. Cô mũm mĩm, hồng hào khiến tôi cảm thấy như được sưởi lửa và nỗi sợ hãi cùng không khí lạnh lẽo trong phòng tan biến đi. Cô nhìn tôi:
- Sao cháu tái xanh đi thế, đói à?
Tôi khẽ gật đầu không nói.
Cô lại bảo:
- Cô trông cho. Đi ăn kẻo tối sập xuống bây giờ.
Tôi cám ơn cô, đi nhanh như chạy khỏi phòng. Bầu trời và không gian bên ngoài như một thế giới thần tiên sau nửa giờ ngồi trong căn phòng nồng nặc mùi thuốc sát trùng và mùi người ốm. tôi ra ngay cửa bệnh viện. Ở đây có một dãy quán cơm bình dân, phở, bún, bánh cuốn và các thứ bánh gói lá lẫn hoa quả. Cơm phở ở đây nổi tiếng bẩn và đắt. tôi ăn hai chiếc bánh chưng. Hồi đó, năm hào một chiếc bánh chưng to bằng miệng bát cơm, nhân đậu xanh thịt nạc thịt mỡ hẳn hoi. Tôi ăn hai chiếc bánh xong đã no căng bụng. Mua thêm hai chiếc kẹo bột lớn nữa mới hết đồng mốt. Còn hai đồng chín, tôi giữ lại, vào bếp ăn bệnh viện uống nước nhờ. Nghĩ tới cảnh vào lại phòng bệnh nặng tôi sởn gai ốc… Nhưng dẫu sao, cũng không thể để Ly nằm đó một mình. Tôi thu hết can đảm, không nghĩ tới những cặp mắt trắng như mắt cá chế nhìn mình nữa, bước vào. Trong phòng, cô y tá trực béo tốt, hồng hào vẫn ngồi đan. Thấy cô, tôi sung sướng hơn cả khi thấy mẹ tôi về chợ. Tôi buông màn, rúc vào nằm cạnh Ly ngủ đi lúc nào không biết.
Sớm hôm sau, người đánh thức tôi không phải là cô y tá má đỏ mà là một người đàn ông đeo kính gọng đồi mồi.
- Này, con búp bê nhà ai rơi vào phòng bệnh thế?
Ông hỏi. Bàn tay trắng nõn như tay thiếu nữ vuốt má tôi. Tôi ngồi dậy, ngơ ngác nhìn gương mặt nửa hiền, nửa nghiêm của ông.
- Cháu lạc từ tủ kính nào đến đây vậy?
Người đàn ông đeo kính trắng nhắc lại? Tôi giụi mắt cho tỉnh ngủ rồi trả lời ông rằng tôi là bạn cùng lớp với cậu bé đang nằm mê mệt trên giường. Tôi đã nhận ở đây trông cậu ta trước thầy chủ nhiệm. Vì thế tôi phải thực hiện đúng điều đó…
- Ô ô ô…
Người lạ - tôi đoán là ông bác sĩ kéo dài tiếng ô ngạc nhiên rồi vỗ vai tôi:
- Cô bé kỳ diệu… Khá lắm… Bằng tuổi cháu, giá có thuê vàng, chú cũng không dám ngủ qua đêm ở một phòng bệnh như thế này. Khá, khá thật…
Tôi nóng bừng mặt lên. Tôi không thích người ta khen ngợi tôi như thế, nhất là trước đám đông. Những người bệnh trong phòng giương mắt nhìn trừng trừng vào mặt tôi. Còn hai cô y tá đi theo ông bác sĩ thì cứ tủm tỉm cười. Tuy nhiên, vẻ mặt ông ấy thật đôn hậu nên tôi không nỡ ác cảm. Ngược lại, tôi thích đôi mắt đen long lanh của ông sau cặp kính dày, những ngón tay hồng hồng sạch sẽ, và chiếc cổ áo sơ mi kẻ ô nhô lên trên cổ áo bờ lu. Vì thế, sau khi khám bệnh và cho đơn thuốc, ông gọi tôi tới phòng ông chơi, tôi liền đi ngay.
Phòng ông ở cũng sạch sẽ như ông vây. Tường quét vôi màu cẩm thạch non, trưo những bức tranh phong cảnh và dây vạn niênthanh lá lốm đốm trắng.
- Cháu ăn kẹo nhé. Khi nào trực đêm, chú phải có hộp kẹo trên bàn… Nào, ăn đi cô bé, đừng làm khách như người lớn thế, chẳng đúng điệu tí nào đâu…
Ông bác sĩ dốc những viên kẹo đủ màu sắc lên một chiếc đĩa sứ trắng trên bàn. Kẹo thật ngon. Bên trong lớp vỏ đường, ruột kẹo trong suốt, dai và thơm như múi quất vậy. Ông bác sĩ ngồi đối diện với tôi, cũng nhón kẹo ăn ngon lành như tôi và uống nước chè từng ngụm nhỏ. Mắt ông rất sáng và tràn ngập niềm trìu mến. Chúng tôi nói chuyện thật dễ chịu. Câu chuyện đang vui, tôi chợt nhớ đến Ly và ân hận đã để nó một mình. Biết đâu, khi tôi ngồi đây nó đã chẳng tỉnh cơn mê, thức dậy. Tôi bỏ rơi viên kẹo trên tay xuống đĩa.
- Cháu về đây.
Ông bác sĩ ngước nhìn tôi ngạc nhiên:
- Sao vậy?
- Cháu xin phép chú… có thể bạn cháu thức dậy rồi.
Tôi giải thích và không kịp chờ ông đáp lại, chạy luôn. Ông bác sĩ đứng dậy đi theo tôi. Tới chỗ ngoặt, tôi còn thấy bàn tay trắng nõn của ông giơ lên:
- Chào cô bé…
Tiếng ông vang tới tận cuối hành lang, ấm và êm dịu. Sau này, tôi không bao giờ còn gặp lại ông. Nhưng tôi vẫn nhớ ông với một ấn tượng hoàn hảo. Và tôi cứ tin rằng, tất cả những bác sĩ thật sự trên đời đều có gương mặt đẹp, tâm hồn dịu dàng, đôi mắt đen long lanh sau kính và hai bàn tay thiếu nữ…
Tôi vừa bước vào phòng bệnh đã thấy Ly mở mắt thao láo nhìn mình. Nó đã tỉnh. Chưa kịp hỏi han cậu bé thì một người đàn ông béo sồ sề như người đàn bà chửa, đầu hói, tóc lưa thưa bước vào. Một tay ông ta cầm cuốn vở kẻ ô, tay kia cầm bút chì gõ gõ vào tấm bảng treo đầu giường Ly nằm:
- Giường số 6, bệnh nhân mới ăn gì?
Giọng ông ta cấm cửu. Tôi và Ly nhìn nhau:
- Ăn gì?
Ông ta nhắc lại, nghe khó chịu hơn. Ly thì thầm:
- Cháu… ăn cháo ạ…
- Ăn mấy ngày?
- Dạ…
Quả tình chúng tôi cũng không hiểu phải báo ăn mấy ngày ở đây. Ông to béo nhăn mặt gõ cây bút chì cành cạch mạnh hơn nữa:
- Ăn mấy ngày thì phải báo mau để tôi ghi sổ.
Tôi đáp liều:
- Ba ngày ạ…
- Ba tám hai mươi tư. Mỗi ngày tám hào, ba ngày hai đồng tư, nộp tiền mau.
Người đàn ông vừa nói vừa hí hoáy ghi những con số vào cuốn sổ. Mặt Ly bỗng tái mét lại. Nó có đồng xu nào trong túi đâu… Tôi vội vã mở kim băng, lấy tiền giao cho người quản lý. Ông ta đút ngay vào trong may ô rồi đi ra. Lúc ấy tôi mới ngồi lo. Gia tài còn vẻn vẹn năm hào. Cả tôi và Ly đều đói. Thằng bé nhịn ăn, nhịn uống cả ngày qua, mà cháo viện thì tới mười một giờ trưa mới có. Suy đi tính lại, tôi ra cửa bệnh viện mua cho Ly một túm chuối ba hào, mua cho mình một hào sắn luộc. Còn lại một hào, tôi giao cho Ly giữ.
- Ăn chuối rồi ngủ đi nhé. Tớ ra đằng này một chốc. Muốn tè, cúi xuống lấy bô. Đừng ra gió mà ngã chết…
Ly gật đầu ngoan ngoãn.
Tôi ăn sắn xong, hăm hở lên đường. Tôi đã nghĩ được kế rồi. Bệnh viện này nằm trên ngọn đồi, xung quanh là đồng lúa. Từ đây về thị trấn mười bảy cây số, về trường mười lăm cây số, nhưng tới chùa Đông Na chỉ hơn ba cây. Chùa Đông Na là nơi chúng tôi thường rủ nhau ra chơi ngày chủ nhật. Ở đó có một khu vườn um tùm, không biết cơ man nào là ổi.Ngoài ra còn hai cây khế ngọt, hơn một chục gốc na và hai chục cây đu đủ. Bà vãi chùa ngoài bốn mươi tuổi, mặt tròn trặn, phúc hậu. Lần nào chúng tôi đến chơi, bà cũng thổi cơm cho chúng tôi ăn, hái quả chín cho chúng tôi đem về làm quà. Cơm của bà dẻo như bún, thơm phức. Chỉ ăn với tương, với dưa cũng thật là ngon. Mà miệng bà cười thì tươi ơi là tươi:
- Các cháu lên chơi vui quá. Mọi ngày quanh đi quanh lại chỉ có một mình. Ra quét sân chùa, vào nhặt hoa lan rụng, buồn như chấu cắn…
Bà nói với chúng tôi như vậy, kèm theo một lời mời: “Hai tuần nữa lại lên đây chơi với bà các cháu nhé…”
Về phần chúng tôi, mỗi lần lên chùa, chúng tôi đem theo những món quà lặt vặt: những cây nến thắp, vài bao hương sạ, một cuộn chỉ với bao kim khâu, những bộ khuy áo dài lẫn mấy chiếc cúc bấm, một lít dầu thắp đèn, một gói bánh… Bà vãi nhận những món quà đó với môt nụ cười chân thật, khiến lũ tôi vui sướng lâng lâng. Và chúng tôi ríu rít quanh vạt áo nâu của bà, gần gũi với tất cả những gì có trên trái đồi ấy: ngôi chùa nhỏ cũ kỹ, những bức tường loang lổ rêu, cái cánh cổng gỗ kêu cọt kẹt, khu vườn loang loáng ánh nắng chen bóng lá và những con chim nhảy nhót trên cành cao, thinh thoảng lại vắt đuôi ỉa toẹt xuống, nhiều khi đúng vào đầu chúng tôi…
Hăm hở lên đường, tôi vui sướng khi nghĩ tới ngôi chùa thân yêu sắp tới: “Mình sẽ ăn cơm chay với bà vãi. Rồi mình hái đem về cho Ly vài trái đu đủ chín. Nếu trong chum gạo có na rấm nữa thì tuyệt…”
Tôi đến chùa, vừa lúc trời nắng gắt.Mồ hôi thấm vào lưng áo, nhớp nháp. Hai cánh cổng chùa mở toang nhưng không thấy bóng người. Tôi vào sân, cất tiếng gọi:
- Bà ơi, bà vãi ơi…
Tiếng gọi đập vào tường, ngân nga. Không có tiếng ai trả lời, ngoài lũ chim kêu lích nhích trên cành. Tôi vào nhà, sục khắp vườn cũng chẳng thẩy bà vãi đâu. Trước cửa dãy nhà ngang, có hai nong bột phơi trắng xóa, một chum tương mới ngả đậy vải màn và một túm tỏi treo trên dây song căng sát hàng hiên. Đã hơn ba tháng chúng tôi không lên chùa, kể từ ngày xảy ra vụ mất tích Dũng còm, rồi chuyến phiêu lưu kỳ dị trên đảo Hoa Vàng mà dân thị trấn xôn xao bàn tán mãi… Tôi cất tiếng gọi thêm vài lần nữa. Sau cùng không còn hy vọng, tôi tìm hòn gạch viết lên sân chùa:
Cháu đến chơi người bà đi vắng. Cháu hái mấy quả đu đủ chín cho đứa bạn ốm. Khi nào rỗi cháu sẽ lên thăm bà.
Ký tên: Cháu Bê
Bà vãi chùa biết đọc quốc ngữ. Bà sẽ hoàn toàn yên tâm rằng không phải trẻ chăn trâu hái trộm đu đủ trong vườn chùa. Tôi ngắm nghía, chọn mấy quả đu đủ chín nhẩt rồi trèo lên hái. Đu đủ ở chùa đã già, thân nhỏ quắt nhưng cao lêu đêu. Phải bạo gan lắm mới trèo nổi. Nếu run tay,ngã xuống gạch thì ít cũng vỡ đầu hay què cẳng. Lâu không trèo, thoạt tiên cũng run. Nhưng khi đã lên đến lưng chừng, tôi vững dạ trở lại và hái được trái đu đủ tít ngọn cây một cách nhẹ nhàng. Xong xuôi, tôi thong thả tụt xuống. Chân tôi vừa chạm đất, có tiếng quát the thé bên tai:
- A, mày chết với ông…mày chết với ông…
Hai cổ tay tôi bị thít chặt trong gọng kìm. Trước mặt tôi là một ông già mắt đục ngầu, đầu cạo nhẵn, trán thấp và quai hàm bạnh ra dữ tợn. Tôi hoảng sợ lắp bắp:
- Ông ơi, cháu…
- Mày chạy đằng trời, ông bắt được quả tang nhé… Vào đây…
Không chờ tôi nói hết câu, ông ta lôi tuột tôi vào gian buồng đầu dãy nhà ngang, ẩy tôi ngã chổng kềnh rồi đóng sập cửa, cài cái then gỗ lim to tướng bên ngoài vào.
- Ông ơi cho cháu nói hết đã… Cháu quen thân với bà vãi chùa, thỉnh thoảng lại lên đây chơi hái quả. Ông không tin ra sân gạch xem sao, ông ơi…
Tôi cố gắng phân trần. Mặc, lão già đã đặt quả đu đủ sang một bên ngồi đảo bột. Tôi kêu to, thảm thiết:
- Ông ơi, hãy xem dòng chữ cháu viết trên sân… ông ơi…
Nước mắt trào ra, lăn trên mặt tôi, ấm nóng. Tôi vừa liếm những giọt nước mắt mằn mặn vừa cố sức van nài. Nhưng lão già kỳ quái vẫn bình thản ngồi đảo bột, như câm điếc. Tiếng khóc của tôi vang lên giữa các bức tường, rồi lắng dần trong không gian tĩnh mịch. Giờ này mẹ tôi đang dạy học, bố Thế chắc cũng lên lớp, và lũ bạn thân thiết ngồi trong căn phòng đầy ánh nắng nghe bài giảng… Không ai biết tôi bị cầm tù ở đây. Không ai nghe tiếng tôi khóc.
Bỗng có ai đó cào chân tôi. Tôi vùng dậy. Một con chuột to xù chạy xuôi chạy ngược bên người tôi lục lạo. Sau rốt, nó dừng lại gặm lớp da dày dưới chân gót chân tôi một cách ngon lành. Tôi tung chân đá. Con chuột bay bổng lên, kêu chít một tiếng rồi rơi bộp xuống đất, biến ngay. Tôi định thần nhìn kỹ những viên gạch nhớp nháp, mốc meo lát nhà. Khóc mệt quá, tôi đã gục xuống đó ngủ đi lúc nào không rõ. Gian buồng bốc lên mùi chua của men rượu hỏng lẫn mùi ẩm ướt của những đám rêu bám dọc chân tường. Đã từ lâu không ai ở đây. Bà vãi chùa xếp một chồng thúng mủng và đổ đống khoai sọ nơi góc nhà. Mỗi năm một lần, vào ngày lễ chính, người đi lễ từ các nơi xa tới đây thì căn phòng này mới được quét dọn, kê bục, trải chiếu cho họ nằm. Còn lại, nó chỉ là kho chứa đồ lặt vặt. Nhưng cái then gỗ lim bên ngoài thì chắc chắn tới mức không thể nào nghĩ tới chuyện vượt ngục được. Tôi ngồi khoanh tay đặt lên gối, nhìn ra ngoài. Qua ô cửa bé bằng cái tráp đựng trầu, tôi thấy một cành ổi trắng ngà đung đưa trong ánh nắng. Chiều rồi. Chắc đã hơn ba giờ. Bụng tôi đói cồn cào réo lên ùng ục. Tưởng như có bàn tay vô hình nào đó vặn thắt từng khúc ruột, khiến tôi đau quặn lên từng hồi. Nghĩ tới cái đói, lập tức cái đói như bị nhân trăm lần, hành hạ tôi thậm tệ. Mồ hôi tôi vã ra ướt lạnh sau lưng, rồi mắt tôi hoa lên như có muôn ngàn con đom đóm đang nhảy múa. Cái đầu bống nhiên như hóa đá, đè nặng trĩu lên cần cổ. Tôi trào nước mắt, bóp chặt bụng trong lúc đầu óc vẩn vơ mơ tưởng tới những bữa cơm ngon lành ở nhà… Trời ơi, sao những bữa cơm thường nhật đó lại hiện về trong trí nhớ của tôi rõ ràng đến thế? Nào cá rô nướng, dầm nước mắm tiêu, nào canh cua khoai sọ rau rút, nào thịt kho cùi dừa, nào cá quả om sốt cà chua… Lại còn đậu phụ luộc chấm mắm tôm, bánh đa vừng đường ăn lẫn chè kê, đậu đãi…
Ước gì có chiếc đũa thần của một bà tiên phúc hậu ở đây! Chỉ cần gõ nhẹ vào tường, những mòn ăn ngon lành đó sẽ hiện về… Nhưng mơ màng mãi, cũng không có bà tiênnào xuất hiện. Đói quá, rôi đành ao ước một bát bún riêu của bà Tô béo hoặc vài củ khoai luộc. Bụng tôi không réo lên ùng ục nữa mà óc ách như nước suối chảy, rồi nó sôi âm ỉ như nồi cơm sắp cạn. Và sau cùng, nó xẹp xuống một cách thảm hại, không còn dám kêu gào, đấu tranh nữa.
Trời đã tắt nắng. Lão già đi lại lọc cọc ngoài sân. Lúc sau. Mùi cơm chín thơm nức bay tới. A, ra lão thổi cơm. Mùi lúa mới làm tôi hình dung lại những bữa cơm ngon lành với bà vãi chùa. Cứ nhắm mắt cũng thấy được vị đậu dầm tương, nõn khoai xào dầu lạc. Cơn đói vừa dứt lại dấy lên cồn cào. Nhưng giờ tôi đã chịu được. Tôi lắng nghe tiếng lão già ăn cơm bên ngoài. Lão nhai thật to, chóp chép, choạp chạo như lợn tợp cám. Tôi không còn thấy sợ mà chỉ coi thường lão. Mặc dầu đang đói, nhưng giá lão có đem cơm vào, rôi cũng sẽ quay mặt đi… Tôi nghĩ đinh ninh như vậy.
Đêm hôm đó, khi ánh đèn dầu bênngoài tắt phụt và bóng tối mênh mông trùm lên trái đồi Đông Na cũng như căn phòng hôi hám giam tôi, những ý nghĩ ghê rơn chợt ập tới:
- Lão già ác độc có bộ óc ngu độn kia sẽ bỏ quên mình trong gian buồng này. Bà vãi chùa Đông Na không về đây nữa. Và mình sẽ chết một cách thảm thương…
- Điều đó có thật không?
- Có chứ… Rất nhiều khả năng là nó sẽ xảy ra…
Tôi sẽ lả dần trong căn phòng này, áo quần, thịt da đen xám lại. Từng đàn chuột to xù sẽ từ hốc tường bò lên. Thoạt đầu, chúng gặm mười ngón chân tôi. Kế đó, đến mười ngón tay. Sau cùng là bộ lòng và hai lá phổi… Vũ Thị Bê, con gái độc nhất của cô giáo Hạnh, trò yêu nhất của bố Thế, diễn viên xuất sắc trong các buổi biểu diễn văn nghệ và vận động viên số một về thể dục tự do lẫn cầu thăng bằng sẽ biến thành bộ xương trắng giống hoàn toàn bộ xương trong phòng thí nghiệm. Rồi tới kỳ nghỉ phép, bố tôi đeo ba lô bước vào nhà:
- Con Bê của bố đâu? Bố đem cho con chiếc túi thổ cẩm với cái vuốt hổ đây này… Cả mật on và đào Sa Pa nữa…
Lúc đó, mẹ tôi từ trong buồng bước ra, khóc nức nở và nói:
- Còn đâu nữa anh! Con gái mình bị chuột gặm chết rồi. Bộ xương nó treo trong phòng thí nghiệm ấy…
Nghĩ tới đó, tôi khóc òa lên. Nức nở hồi lâu, tôi ngủ thiếp đi. Tới nửa đêm, chuột bò lên găm sột soạt. Tôi quờ tay, đập lia lịa, rồi lại ngủ. Được ít phút, đám chuột già táo tợn lại kêu chít chít xông tới… Cứ thế cho đến khi trời sáng bạch. Mắt díp lại, đầu óc nặng trĩu, tôi ngồi dựa vào tường gà gật ngủ thêm. Chợt thấy tiếng then gỗ lạch cạch ở buồng bên. Rồi nghe giọng bà vãi chùa ngọt ngào vang tới:
- Mau tay lên hộ nào… Thúng đồ lễ nặng quá.
Tôi tỉnh ngủ hoàn toàn, giỏng tai lên nghe ngóng. Bà vãi chùa vui vẻ nói tiếp:
- Ông nhẹ tay cho tôi kẻo gãy hết chuối… Khiếp, đường xa ơi là xa…Ở nhà ông có nhớ cho hai con sáo ăn không đấy?
Lão già đáp lại bằng một giọng cục cằn:
- Nhớ.
Bà vãi tiếp:
- Oản lộc đây, ông ăn buổi sớm cho tốt lành. Qua đêm, vỏ hơi khô nhưng xôi còn dẻo lắm.
Sau đó, có tiếng quạt nón lạch phạch. Rồi lão già nhai oản chóp chép. Hồi lâu, lão thủng thẳng nói:
- Ở nhà, tôi bắt được một con bé ăn cắp đu đủ.
Bà vãi chùa bình thản hỏi:
- Đu đủ đã chín rộ kia à?... Trẻ chăn trâu có thèm, chia cho chúng ít lộc. Vườn tược nhà chùa mà chặt chẽ sao được.
Lão già thủng thẳng nói:
- Tôi giam vào rồi.
Bà vãi hốt hoảng:
- Ông bảo sao cơ?
Lão già nói:
- Tôi giam nó lại.
Bà vãi kêu:
- Chết thật. Có quả đu đủ, sao ông nỡ giam con người ta? Nó ở đâu rồi?
Lão già ho một tiếng:
- Đấy…
Tiếng chân bà vãi bước hối hả trên hàng hiên. Cái then gỗ kêu lách cách bên ngoài cánh cửa. Tôi rùng mình, người nóng rần rật và nước mắt tự dưng trào ra đầm đìa hai má:
- Mô phật! … - bà vãi kêu to rồi chạy vào. Cháu Bê đấy à? Khổ thân quá, ông ấy giam cháu từ bao giờ?...
Nỗi uất ức và căm giận dâng lên khiến tôi nghẹn họng. Tôi quay mặt vào tường. Bà vãi chùa quay lại mắng lão già đứng sau lưng:
- Đứa bé thế này mà ông nỡ giam vào buồng tối. Ông là người hay quỷ thế? Ông không sợ bị ném vạc dầu hay sao?
Lão già đứng thần ra.
Bà vãi chùa ôm vai tôi, khóc:
- Bà xin lỗi cháu nhé, bà xin cháu…
Vì bà khổ tâm thực sự nên tôi mủi lòng. Tôi quay ra.
- Khốn khổ cho bà, bà xin cháu…
Bà vãi nói, rút chiếc khăn nhuộm nâu trong túi lau nước mắt. Tôi nhìn bà, lòng trào lên nỗi xót xa: Vì sao một người đàn bà đôn hậu nhường này lại phải chung sống với một lão già ngu độn, độc ác nhường ấy? Ở đời thật lắm chuyện trớ trêu. Tâm hồn thơ dại của tôi xao động và sửng sốt mãi vì điều đó.
Và vãi chùa khẩn khoản, dỗ dành mãi, tôi mới ăn chút oản và chuối cho bà yên tâm. Chờ tôi ăn xong, bà xếp nào oản, nào chuối, nào oản ngọt bọc giấy kính xanh đỏ vào chiếc thúng con rồi cắp nách, đi theo tôi tới tận của bệnh viện mới quay về.
Mẹ tôi và bố Thế đón tôi ở phòng thường trực. Hai người nhớn nhác vì sự vắng mặt của tôi đêm qua. Tôi kể lại câu chuyện đáng buồn ở chùa Đông Na rồi đem oản, đem chuối vào cho Ly. Nó ăn hết ngay hai cỗ oản, mặt tươi tỉnh ra nhiều. Tôi hứa sẽ trở lại thăm nó rồi theo mẹ về thị trấn. Nhưng tôi đã không thực hiện được lời hứa với Ly vì tai ương đã bất chợt gieo xuống cuộc đời học sinh tươi sáng của tôi, giống như một cành cây gãy bỗng dưng rơi xuống đầu kẻ qua đường xấu số.