...Hắn vào một nhà hàng quen cực sang, mở máy gọi lũ đàn em đến. Một tá rượu đắt tiền và đủ loại cao lương mỹ vị được hăm hở dọn ra. Đám tiếp viên túa vào phòng lạnh theo lệnh ông chủ. Dãy bàn dài ngồn ngộn thức ăn và da thịt đàn bà. Bữa tiệc dâm loạn này diễn ra suốt buổi chiều cho đến tối mịt. "Đây sẽ là cú lừa đảo ngoạn mục cuối cùng". Hắn còn nghĩ thế trước khi khóc rống lên rồi gục xuống bàn như một người say thật sự. Chủ nhà hàng tái mặt, nghĩ đến việc ai sẽ thanh toán bữa tiệc có một không hai này? Đám đệ tử khoát tay, lè nhè: "Lo gì! Anh Hai sẽ "cân" tất. Mai!"
Quá quen với cách xài sang như công tử Bạc Liêu của anh Hai, ông chủ tự trấn an mình, thét người lên dọn dẹp. Đám khách ô hợp kia dìu "đại ca" đang ngoẹo đầu sang bên, chảy cả rớt dãi ra chiếc sơ mi hàng hiệu, lên chiếc tắc xi. Xe nổ máy. "Ê, kêu nó lái về Rừng Đêm", hắn mở mắt tỉnh rụi nói với thằng đệ tử và chiếc xe lao vút đi...
Giờ đây hắn đang ngồi bên bàn, ghi ghi, chép chép. Đầu hắn nhức như búa bổ, nhưng hắn không ngừng bút. Hắn không viết di chúc cho vợ con mà viết thư cho các vị chủ nhà khốn khổ. Hắn thấy mình hệt như con dã tràng, mê man xăm xe từng hột cát để rồi một cơn sóng đi qua, lại xóa trôi tất cả. Khi còn ăn nhậu liên miên trên bờ biển, hắn đã từng dùng ngón chân dậm lên, di nát cơ man những con dã tràng như thế. Hắn trút mọi thất bại của hắn lên đầu các gia chủ. Hắn căm thù những người đã từ chối không ứng tiếp tiền cho hắn. Hắn hận cả những người đã thanh lý hợp đồng trước thời hạn dù họ đã xí xóa cho hắn những khoản nợ khó đòi. "Vì chúng mày mà tao ra nông nỗi này!" Hắn đọc lại những bức thư cay nghiệt sẽ được công an phát hiện sau khi hắn chết. Họ sẽ gặp bao rắc rối phiền hà, bị bắt bớ, bị khảo tra vì những lời vu cáo này của hắn. "Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn!" Hắn cảm thấy hả hê sau tràng cười độc địa. Hắn muốn xóa đi cái mặc cảm bị vợ lừa và biến hắn thành con dã tràng nát bấy dưới ngón chân ả. Bi hài kịch này này hắn không sao chấp nhận nổi!
Tóm lấy chai rượu Bầu đá trên 50 độ, hắn ngửa cổ tu ừng ực. Cái thứ rượu sắn này ngon đáo để. Mỗi lần đi nhậu về chưa thấy đã, hắn thường chêm thêm loại rượu xuất xứ từ Bình Định này cho đủ đô. Cảm thấy mình sắp chìm trong cõi hồng hoang, hắn lôi trong túi ra chai Vôn pha tôc, quả quyết uống cạn. Ngay lập tức, cổ họng và dạ dày hắn như chảy ra, xoắn lại, cháy thành than. Thứ thuốc trừ sâu cực độc này hòa với rượu mạnh xé ruột, xé gan hắn. Hắn quằn quại, lăn từ trên ghế xuống sàn, miệng sùi bọt trắng lẫn máu tươi. Cha mẹ ôi! Đau quá!!! Sao hắn ngu dại thế? Sao hắn không trốn biệt đi? Chỉ vì hắn hận Vân. Hắn muốn làm cho ả đau khổ với cái chết của mình! Việc gì mà phải chết? Liệu Vân có đau khổ thật không? Hay chỉ một mình hắn khổ? Trong giây phút nguy kịch này hắn ngộ ra rằng hắn thèm sống biết chừng nào. Không! Hắn không muốn chết khổ chết sở. Nỗi ân hận muộn màng tràn ngập từng đường gân thớ thịt đang vật lộn giữa cõi sống và cái chết. Hắn muốn tha thứ tất cả, muốn làm lại cuộc đời dẫu có phải bắt đầu bằng kiếp phu hồ. Nỗ lực cuối cùng của hắn là lôi chiếc máy di động ra gọi tên thằng đệ tử ruột, cầu xin hãy cứu lấy mình.
Khi người ta đưa được hắn tới bệnh viện thì hắn đã hôn mê. Kíp trực đêm ấy phải một phen vất vả. Súc ruột, thông tiểu xong, họ đưa hắn vào phòng hồi sức. Hắn nằm đó, mặt mày tím tái. Các lỗ chân lông ứa máu. Bác sĩ lắc đầu. Hắn cầm chắc cái chết rồi! Tên đệ tử ngủ gà ngủ gật trên chiếc ghế nhựa, không nhận ra người đàn bà xinh đẹp thoáng xuất hiện qua cửa sổ. Người đó nhìn Linh với vẻ mặt chăm chú không biểu lộ cảm xúc gì. Chỉ đơn thuần là tò mò, như thể muốn biết hắn đã chết chưa? Người đó chính là Vân! Phải, ả đã trở về, và biết tin hắn tự tử qua nhân viên khách sạn. Nếu hắn chết, ả sẽ bán được ngôi nhà, nhưng chủ nợ quá đông, làm sao để không ai dám đòi tiền của ả. Ả suy tính và đi đến một quyết định độc nhất vô nhị...
Trái với dự đoán ban đầu, hắn mới vừa tỉnh lại. Tên đệ tử mừng lắm, chạy ra kêu bác sĩ. Nhưng hắn phải chờ khá lâu. Trong lúc ấy Vân bước vào phòng, lại gần giường, mỉm cười nhìn thẳng vào mặt hắn. Vừa nhận ra ả hắn như bị điện giật. Nụ cười của ả khiến hắn tức uất lên. Một ước muốn điên rồ là dùng hai bàn tay mình xiết chặt lấy cổ ả làm hắn ngồi dựng lên. Ả hoảng hồn lùi lại. Nhưng rồi hắn gãy gập, co rúm người lại trong một cơn suy tim cấp tính. Vân vội vã bỏ đi. Khi bác sĩ trở vào thì hắn đã chết, vẻ mặt cực kỳ thảng thốt.
Xác hắn được đưa về nhà. Điều này thật lạ. Những người chết tại bệnh viện thường được thân nhân làm tang lễ tại đây và chở đi mai táng ngay. Nếu đưa xác chết vào quá giọt gianh nhà mình thì ma ốm sẽ bắt người thân về cõi âm trong vòng hai tháng. Người ta tin thế. Nhưng Vân chả cần. Ả đâu có cần đến hai tháng để bán căn nhà và đi khỏi xứ này. Khi nghe tin anh Hai chết tức tưởi, số công nhân đã bảo nhau rời căn nhà bởi "nghĩa tử là nghĩa tận". Mất mát của họ thấm vào đâu so với sự đau khổ của chị Hai? Ả không bị họ quấy quả nữa. Thế là đội quân đông đảo nhất đã tự nguyện rời khỏi chiến trường, nhường chỗ cho những chủ cung cấp vật liệu. Họ lui tới, hỏi han, nhưng cũng để thăm dò xem khi bán nhà, chị Hai sẽ tính sao đây với những hợp đồng hàng trăm triệu chưa hề được anh Hai thanh toán. Tội tình nhất là những chủ nhà, họ vừa rủ nhau tới viếng đã nghe tin công an đang giữ đám giấy tờ oan nghiệt mà anh Hai để lại. Họ lo sợ, xót của, oán hận nhưng ai cũng đưa đến một đôi triệu để chia buồn vì ả luôn than vãn không còn một đồng nào để lo ma chay. Đang bán tín bán nghi thì một người đàn bà tự xưng là mẹ ả xuất hiện. Bà ta to tiếng đay nghiến ả đã lấy trộm tiền nhà, đem đi "nuôi cái thằng chồng hờ để đến bây giờ đã sướng chưa?" Ả khóc lóc, quỳ xuống lạy mẹ tha thứ đã trót dại yêu thương hắn và làm khổ mẹ già. Các chủ nhà cảm thấy tội nghiệp ả, họ lặng lẳng ra về, hối hả mượn thêm tiền xây nốt cái nhà để Tết này có chỗ mà chui. Chỉ còn các chủ vật liệu xây dựng là không dễ dàng bỏ cuộc. " Biết có phải là mẹ chị Hai thật không? Đã có ai thấy bà ấy bao giờ đâu mà biết!", họ thì thào vào tai nhau. Kinh nghiệm thương trường đã dạy họ, không phải bao giờ cũng nên tin vào nước mắt. Nhất là nước mắt đàn bà! Họ kiên nhẫn chờ bà chủ tuyên bố điều gì đó. Trong cặp táp và túi xách, họ mang theo từng xấp chứng từ, hợp đồng, phiếu bán hàng để hy vọng bà chủ ký cho một chữ, hứa hẹn một lời, đại loại như là: "Ra giêng tôi sẽ lo" trước khi bà chở xác ông về Nam mai táng.
Và cuối cùng để xóa sổ mọi thắc mắc, một màn kịch thượng thặng đã diễn ra với những vai diễn để đời mà các nghệ sĩ lớn cũng chưa bao giờ dám mơ đến. Trước những cặp mắt thất thần của quan khách, ả đã túm lấy xác chồng vẫn chưa kịp khâm liệm mà nhồi lắc, gào thét: "Khổ cho tôi chưa hở trời cao đất dày ơi! Tao đã phải lấy thằng chồng vai u thịt bắp, lùn tịt, đen sì như mày chưa đủ cực hay sao mà mày còn nỡ lừa tao, lừa người ta, mày đem tiền cho gái nào ăn để lại cả đống nợ đời. Bây giờ tao phải làm sao đây hở thằng chồng khốn nạn kia?" Mẹ của ả (?), một bà già có khuôn mặt dài mỏng lét chả giống “con gái” tý nào xô vào, gỡ tay ả. " Mầy điên hay sao con? Có đau đớn mấy cũng cố mà nén lại, con ạ!" Cái xác có khuôn mặt tím ngắt vì ngộ độc thuốc sâu kia bị giật dậy, lắc lư một hồi giữa đôi tay điên dại của ả rồi đờ ra, cứng ngắc không duỗi thẳng ra nữa khi đã được trả lại tự do. Người ta kinh hãi xúm vào, lấy rượu Bầu Đá (lại Bầu Đá!) trộn với gừng giã nhỏ, chà xát các khớp tay và sống lưng xác chết hồi lâu mới kéo thẳng ra được. Đám đệ tử nhanh chóng khâm liệm cho cái xác chả kịp làm vệ sinh, đặt vào hòm gỗ, chuyển ra chiếc xe đòn đã thuê sẵn. Thế là giải tán! Chả có nhà kinh doanh nào, dù lạc quan đến mấy, hy vọng đòi được món nợ của mình từ cô ả điên rồ kia, người không ngán ngại hành hạ cả xác chồng. Trước khi xe chuyển bánh, ả còn làm dữ, đập tất cả bát nhang, lư đèn, chân nến... xuống thềm nhà cho cả phố chứng kiến rồi mới chui vào xe. Cơ man người đổ ra đường, đưa mắt dõi theo chiếc xe đòn và người đàn bà quái vật đang giấu mặt vào hai tay, thở phào đắc chí.
Bà già ở lại giữ căn nhà cho đến ngày ả quay lại tìm được người mua. Lấy tiền bán nhà xong ả cùng bà già dông thẳng, để lại cho xứ này một câu chuyện cửa miệng khó tin nhưng có thật. Chỉ khổ cho những gia chủ, tuy không bị ra tòa vì cái chết của ngài giám đốc Công ty TNHH Thành Thực nhưng trong những ngày cuối cùng của tháng chạp họ vẫn còn chạy xuôi chạy ngược để hoàn thiện căn nhà mơ ước. Hàng đống những phiền toái đang chờ họ. Nhiều nhà cung cấp vật liệu vì của đau con xót, chả cần biết mình đã ký hợp đồng với ai, cứ bôi mặt kéo nhau đến các căn nhà vừa xây xong đòi tháo dỡ, nếu chủ nhà không thanh toán tiền vật tư cho họ. Kiện tụng - tranh chấp - đe dọa - gọi điện - nhắn tin ... để miệt thị nhau và đòi nợ. Thành phố năng động này càng náo động thêm lên bởi Tết đã gần kề. Có những "chủ nợ" lỳ lợm, hai năm sau vẫn còn chửi cạnh, chửi khóe "con nợ" là những người chả bao giờ ký một chữ nào với họ để mua vật liệu cả. Thế mới biết ở đời câu "mềm nắn rắn buông" vẫn phát huy tác dụng!
Trong khi ấy, Vân cùng người anh họ đã xuất ngoại. Đứa con ả được bà già nọ trông nom với giá thỏa thuận ba trăm Đô một tháng. Mức lương hậu hĩnh này chắc không chỉ để trả công nuôi thằng bé mà còn là món nhuận bút dài kỳ cho vai diễn độc đáo của mụ già. Đâu đó bên trời Tây, tại nơi có cộng đồng người Việt sinh sống, người ta đọc được trên báo vài vở kịch cuộc đời với những vai diễn na ná như thế. Những vai diễn mang cái mác "hàng nội nhưng chất lượng ngoại", có xuất xứ "Made in Viet nam" của cặp nhân tình tai tiếng ấy.
Hết