Đoạn kết một bộ phim
Phan Thị Thu Loan
Năm giờ sáng, Quyên nhận được cú điện thoại của người vợ: Ông đang hấp hối! Giờ này, cô không thể báo với cơ quan xin máy và người quay phim... Quyên nhìn chiếc camera bán chuyên dụng ở góc phòng. Cô đã mượn nó để ghi lại buổi lễ kỷ niệm ba mươi năm ngày cưới của bố mẹ. Cô quyết định sẽ tự mình quay những thước phim cuối cùng đó.
Quyên gặp thần tượng văn chương của mình khi ông đã ngoại lục tuần. Cô là một sinh viên năm cuối khoa đạo diễn truyền hình, còn ông đã là một nhà văn nổi tiếng. Khi còn là học sinh trung học, cô đã đọc tác phẩm của ông với lòng thán phục. Gần chục năm trôi qua nhưng nhiều chi tiết trong những cuốn tiểu thuyết của ông, cô vẫn còn nhớ như in.
Cuối đợt thực tập tốt nghiệp, được phân công thực hiện bộ phim tài liệu về nhà văn mình yêu quý, Quyên tràn đầy hứng khởi. Cô hồi hộp tìm đến nhà ông. Căn nhà xinh xắn nằm lọt giữa những bụi hoa tigôn đỏ thắm. Vợ ông - một phụ nữ duyên dáng, lịch thiệp ra đón cô. Và ông hiện lên trong khuôn cửa, bằng xương bằng thịt. Người đàn ông đã viết những chuyện tình sắt son và lãng mạn, từng làm xúc động trái tim bao chàng trai, cô gái - nay là một ông già gầy guộc, ốm yếu. Cô nén lòng thương cảm chợt dâng lên, rồi nhanh chóng bắt tay vào công việc.
Qua cuộc trò chuyện với vợ chồng ông, cô có thêm nhiều tư liệu mới cho bộ phim của mình. Khi kịch bản phân cảnh đã hoàn thành, cô cùng người quay phim ngày ngày dốc sức, chăm chút từng khuôn hình của bộ phim. Những cảnh ghi hình ông làm việc, sinh hoạt với gia đình, gặp gỡ bè bạn, Quyên đều không bỏ sót. Họ còn quay được khá nhiều kỷ vật thời trai trẻ mà ông vẫn cẩn trọng giữ gìn. Ông hài lòng với sự tận tình của cô mà không biết rằng cô làm việc với cả lòng ngưỡng mộ một tài năng, chứ không đơn thuần chỉ là lương tâm nghề nghiệp.
Vài tuần trôi qua, những cuốn băng tư liệu về ông vẫn nằm trong tủ, chưa được dựng thành phim. Quyên còn mải miết lần theo dấu vết những nguyên mẫu nhân vật của ông ở ngoài đời. Cô muốn tìm ra ngọn nguồn cảm xúc mà họ đã khơi gợi lên trong tâm khảm và tác phẩm của ông. Trở về thành phố, Quyên nghe tin ông ốm nặng, phải nhập viện.
Theo kế hoạch được duyệt, cô cùng người đồng nghiệp vào bệnh viện, quay thêm một buổi nữa. Ông gượng ngồi dậy, để người quay phim ghi hình ông cùng vợ ngồi trò chuyện, cảnh bà đọc sách cho ông nghe và săn sóc ông. Đôi chân run rẩy, ông đi lại khó khăn. Khuôn mặt khắc khổ của ông lại hằn thêm những nếp nhăn mới do đớn đau và bệnh tật. Khi Quyên và đồng nghiệp về rồi, ông bảo với vợ: “Không biết tôi còn sống để mà xem bộ phim về mình nữa không?”. Ông không hề biết rằng, Quyên đã được giao nhiệm vụ quay những giờ phút cuối cùng của đời ông để làm đoạn kết cho bộ phim...
Và ngày đó đã đến. Năm giờ sáng, Quyên nhận được cú điện thoại của người vợ: Ông đang hấp hối! Giờ này, cô không thể báo với cơ quan xin máy và người quay phim... Quyên nhìn chiếc camera bán chuyên dụng ở góc phòng. Cô đã mượn nó để ghi lại buổi lễ kỷ niệm ba mươi năm ngày cưới của bố mẹ. Cô quyết định sẽ tự mình quay những thước phim cuối cùng đó.
Quyên đến nhà ông. Hai tay và đôi vai cô trĩu nặng những máy quay, chân máy, hộp pin, đèn chiếu... Cô được đưa vào phòng khách. Ông nằm đó, gầy sọp đi, khuôn mặt gần như bị lấp kín dưới chiếc mặt nạ ôxy. Chỉ còn đôi mắt tinh anh ngày nào là vẫn còn chút sinh khí, chứng tỏ ông còn sống. Ngực ông khẽ phập phồng theo nhịp co bóp của chiếc máy thở. Khi các bạn văn đến gần, thì thầm bên tai ông lời giã biệt, từ trong đôi mắt đã mờ đục của ông lại ứa ra những giọt nước mắt...
Cầm chiếc máy quay trong tay, Quyên nén xúc động, cố nín thở cho khuôn hình khỏi rung. Cô thận trọng ghi lại từng cảnh đặc tả khuôn mặt, đôi mắt của ông. Trong đời mình, cô chưa hề chứng kiến một người đang hấp hối nhưng cô không thấy sợ hãi, bởi đã để hết tâm trí vào công việc. Người đàn ông bé nhỏ trong bộ quần áo màu trắng này là thần tượng của cả thế hệ sinh viên trạc tuổi Quyên. Trước ngưỡng cửa cõi vĩnh hằng, ông không hề gây cho cô nỗi ghê rợn về cái chết. Trái lại, cô ý thức được rằng, mình đang làm phận sự thiêng liêng của một nhà báo tương lai. Ông tắt thở trong tiếng thổn thức của vợ con và bè bạn. Quyên nhìn đồng hồ, cố ghi nhớ khoảnh khắc này.
Minh họa của Ngô Xuân Khôi.
Buông chiếc máy quay xuống, Quyên thấy mệt mỏi rã rời. Cô đã làm việc liên tục ba tiếng đồng hồ. Khi người quay phim đến, cô vội vã bàn giao công việc cho anh. Quyên phóng về nhà, thảy hết đồ lề xuống, ngồi ngay vào bàn, viết kịch bản phân cảnh cho đoạn kết của bộ phim. Cảm xúc dâng trào, cô kết thúc công việc chóng vánh. Lên cơ quan nộp văn bản để chờ lãnh đạo duyệt, rồi cô trở về nhà, định bụng sẽ nghỉ ngơi đôi chút.
Vừa mở cửa dắt xe vào, Quyên bỗng thấy đầu óc choáng váng. Cô nằm vật xuống giường. “Mình đang đói, lại quá căng thẳng vì công việc, nghỉ một lúc là đỡ ngay thôi...”. Nhưng bất ngờ cô lên cơn sốt cao, người nóng ran như lửa. Cô nằm liệt hai ngày đêm không dậy nổi. Trong cơn mê sảng, cô lại nhìn thấy khuôn mặt của ông với những giọt nước mắt ứa ra bên khóe. Hẳn ông đau đớn lắm! Mọi người cố kéo dài sự sống cho ông, để thân nhân và đồng nghiệp được quây quần bên ông đông đủ. Có mấy ai nghĩ rằng, để sống thêm vài tiếng đồng hồ trên trần thế, đã bao nhiêu lần ông gồng mình lên vì nghẹt thở, và lại cảm nhận nỗi đau thể xác chẳng lúc nào buông tha bởi căn bệnh ung thư ác tính?
Có giây phút nào trong hơn ba giờ đồng hồ khổ ải đó, ông oán giận cô vì cứ soi mãi chiếc ống kính máy quay vào mình, ghi lại hình ảnh thống khổ nhất của một con người trong phút giây sắp xa rời cõi thế? Những cơn co giật của ông dưới bàn tay lạnh như băng của thần chết bị phơi bày ra dưới ánh đèn sáng rực. Có lẽ ông muốn gạt chiếc máy quay ra, muốn hất đổ ngọn đèn đáng ghét ấy, nhưng tay chân ông tê liệt, chỉ có nỗi đau câm lặng vò xé lòng ông?!...
Hai ngày sau Quyên hết sốt, cũng đột ngột như khi cơn bệnh khởi đầu. Cô cặm cụi dựng bộ phim về nhà văn yêu quý. Đến đoạn phim Quyên đã quay trong buổi sáng hôm ấy, cô chợt nhớ đến những gì đã trải nghiệm trong cơn sốt mê man. Nhìn kỹ từng khuôn hình, lòng cô quặn thắt. Những giọt nước mắt của ông không chỉ ứa ra khi nhìn thấy người quen. Đôi mắt đẫm lệ của ông ánh lên dưới ngọn đèn, hướng về phía ống kính như một lời trách cứ. Linh cảm của Quyên đã đúng! Ông đau lòng... Rất đau lòng khi cô chỉ để tâm chọn từng góc máy, từng bố cục của khuôn hình mà không nhận ra nỗi thống khổ của ông, sự bất lực của ông - một con người vô cùng đa cảm! Từ đáy mắt ông như bật lên tiếng kêu: “Hãy tôn trọng nỗi đau riêng của con người! Tôi không muốn hậu thế nhìn thấy mình trong sự tàn tạ và khổ não. Hãy để tôi hoá thân vào các nhân vật. Tôi sẽ sống trong lòng người đọc như họ vẫn thường nghĩ về tôi!”.
Quyên nhớ lại một bức ảnh rất ấn tượng cô từng xem trong tạp chí Kiến thức. Bức ảnh chụp một con cá sấu to đang ngoác cái miệng khổng lồ đớp ngang mình một cô bé khoảng năm, sáu tuổi. Cô bé quằn quại, cố gắng thoát khỏi những hàm răng khủng khiếp, nhưng vô hiệu! Nước bắn tung tóe quanh mình cô và con cá dữ...
Quyên càng kinh hãi hơn khi đọc lời chú thích: Người chụp bức ảnh đó là một nhà báo nước ngoài - cha ruột của cô bé!
Làm sao ông ta có thể bình tâm giơ máy lên chụp bức ảnh rất chuẩn về khuôn hình, độ nét và bố cục như thế khi con gái ông đang giơ hai tay cầu cứu một cách tuyệt vọng? Nỗi khiếp sợ vô hạn còn đọng lại trong đôi mắt mở to của nạn nhân làm Quyên chợt rùng mình.
Ông ta đã không làm gì để cứu con mình mà còn nhẫn tâm ghi lại hình ảnh ấy rồi trao cho một tờ báo nổi tiếng, đổi lấy hai triệu đôla. Dư luận kết án sự vô liêm sỉ của ông ta và luật pháp đã vào cuộc. Ông ta bị bắt giam và xét xử với tội danh: “Không giúp người bị nạn! Lợi dụng cái chết của người khác để mưu cầu danh lợi!”.
Trước tòa án ông ta tự bào chữa rằng: Ông hành động theo thói quen nghề nghiệp. Ông giơ máy lên rồi chụp, không kịp điều chỉnh gì. Khuôn hình mẫu mực của bức ảnh chỉ chứng tỏ tay nghề vững vàng của ông! Ông không thể giúp được gì cho con gái vì đã quá muộn rồi... Nhưng khi tòa hỏi vì sao lại bán tấm ảnh ấy để lấy tiền thì ông ta không sao giải thích nổi!
Hỡi ôi! Từ bao giờ người ta trở nên những cái máy - tàn nhẫn, vô lương ngay cả với nhúm ruột của mình? Từ khi xem bức ảnh ấy, Quyên luôn bị ám ảnh về sự độc ác của con người khi bị đồng tiền và danh vọng chi phối.
Thế mà hôm nay, trước cái chết của một nhà văn mà Quyên kính trọng, cô vẫn vô tâm đến mức không hề nhận ra nỗi đau xót của ông. May là cô chỉ quá say sưa với công việc chứ chưa bị lợi danh lôi cuốn! Mọi việc xảy ra mỗi mình Quyên hay biết, nhưng cô vẫn bị lương tâm giày vò. Quyên cảm thấy vô cùng ân hận...
Trong lúc dựng phim, Quyên lược bỏ nhiều cảnh quay đặc tả mà theo các bạn học là khá thành công. Cô giữ lại cuốn băng tư liệu ấy để ghi nhớ bài học đầu đời: “Đừng nhân danh công việc mà trở nên vô cảm trước nỗi đau của đồng loại!”.
Bốn mươi chín ngày từ khi ông mất, Quyên gặp lại người vợ. Nghe xong câu chuyện của Quyên, bà bảo: “Cô sẽ thắp nhang, cầu an lành cho cháu!”. Qua làn khói hương nhạt nhòa, cô ngước nhìn lên tấm ảnh nhà văn mình hằng ngưỡng mộ. Trong ánh mắt chân thành của ông, Quyên cảm nhận được lời tha thứ...