|
Thủ tướng Anh Churchill. |
"Quốc hội và công chúng Anh sẽ không bao giờ chấp nhận hành quyết hàng loạt", Churchill nói. "Nếu điều đó xảy ra trong chiến tranh, bạo lực sẽ lại đến với những người chịu trách nhiệm ngay sau khi vụ tàn sát đầu tiên diễn ra. Liên Xô không nên ảo tưởng".
Stalin không suy suyển. "50.000 sĩ quan phải bị bắn", ông kiên quyết.
Churchill giờ thực sự tức giận và nói: "Thà tôi bị đuổi ra vườn và tự bắn mình còn hơn là bôi nhọ bản thân và quốc gia bằng điều ô nhục này".
Roosevelt thấy mắt Thủ tướng Anh long lên. Tổng thống Mỹ quyết định nêu vai trò là trọng tài trong phe Đồng minh và ủng hộ lập trường của Stalin. "Như mọi khi, dường như tôi có nhiệm vụ làm trung gian hoà giải khi tranh cãi xảy ra", Roosevelt nói. Ông đưa ra một nhượng bộ - chỉ 49.000 sĩ quan Đức bị bắn. Churchill nhớ lại, với con số này, Roosevelt hy vọng sẽ đưa toàn bộ vấn đề trở thành những câu nói đùa. "Trợ lý Eden cũng tỏ dấu hiệu để trấn an tôi rằng tất cả chỉ là trò đùa", Thủ tướng Anh cho biết.
Cuộc khủng hoảng sắp qua đi thì Elliott Roosevelt làm vấn đề tồi tệ hơn. Con trai Tổng thống Mỹ không được tham dự phiên thảo luận này, nhưng người ta phát hiện anh đang đứng bên cửa nên mời vào. Ngay sau khi cha phát biểu, Elliott, vốn đã uống rất nhiều sâm banh, khẳng định ông chân thành nhất trí với kế hoạch của Stalin và chắc chắn quân đội Mỹ sẽ ủng hộ đến mức nào.
"Sự xâm phạm" này, như Churchill mô tả, làm Thủ tướng Anh hết sức tức giận và ông quát tháo ngay ở bàn thảo luận. Churchill không thể không tức giận ngài tổng thống Mỹ và con trai. Thủ tướng Anh không còn cách nào khác là bộc lộ cơn giận về cách đối xử của người mà mình cho là bạn. Churchill bỏ sang phòng khác. "Đó là một căn phòng tranh tối tranh sáng", Thủ tướng Anh nhớ lại. "Tôi ôm trán, tưởng tượng ra Stalin cùng Molotov tuyên bố họ đang chiếm ưu thế".
Rồi Churchill cũng chấp nhận trở lại phòng họp cùng Stalin và Roosevelt, nhưng không bao giờ thừa nhận là đã sai. Phần còn lại của buối tối trôi qua êm ả.
Tuy nhiên, đó thật là một ngày đầy giông bão. Churchill thất vọng vì không được đồng minh quan tâm, rồi bị bạn là Roosevelt đặt ra xa. Nếu Tổng thống Mỹ thông cảm với cảm giác của Thủ tướng Anh, thì ông đã không làm như vậy. Roosevelt lại còn lấy làm thích thú. "Joe trêu Thủ tướng Anh như một đứa trẻ. Thật thú vị", Tổng thống Mỹ nói với nội các sau đó.
Sáng hôm sau, Churchill lại nhóm họp cùng hai nhà lãnh đạo Xô, Mỹ. Hai người có thể chơi trò này. "Thực tế Tổng thống Mỹ đã tiếp xúc riêng với Stalin và ngụ tại Đại sứ quán Liên Xô, ông cũng tránh gặp riêng tôi kể từ khi rời Cairo, bất chấp mối quan hệ mật thiết và cách hai bên cùng giải quyết những vấn đề sống còn, khiến tôi phải tìm cách gặp trực tiếp Stalin", Thủ tướng Anh nhớ về ngày 30/11/1943.
Một mình với Stalin, Churchill tự nhận là đã hết lòng với Mỹ. Rồi ông cho rằng Roosevelt có thể đang gây khó khăn cho Mặt trận thứ hai. Churchill thừa nhận rằng bản thân rất cảm mến người Mỹ. "Điều tôi sắp nói ra đây không nên được hiểu là làm mất thể diện người Mỹ và tôi vẫn hoàn toàn yêu mến họ, nhưng có những chuyện nên nói thẳng, giữa hai người", Thủ tướng Anh nói với Nguyên soái Liên Xô.
Khả năng trì hoãn chiến dịch xuyên biển Măngsơ, ông nói với Stalin, thuộc trách nhiệm về phía Liên Xô nhiều hơn Anh. Người Mỹ đang gây sức ép đòi tiến hành một chiến dịch chống Nhật ở vịnh Bengal và Churchill không nhiệt tình với ý tưởng đó. Nếu chiến dịch đó không xảy ra, thì sẽ có đủ nguồn lực để tấn công Địa Trung Hải và phát động chiến dịch xuyên biển Măngsơ như dự kiến. Rồi nhắc đến vấn đề chỉ huy tối cao cho chiến dịch xuyên biển Măngsơ, Thủ tướng Anh cho rằng "vấn đề cấp thiết là phải quyết định ai làm tổng tham mưu sớm". Churchill đảm bảo với Stalin là ông đã hối thúc Roosevelt quyết định trước khi tất cả rời Tehran. Nhà lãnh đạo Liên Xô bình luận việc đó thật tốt.
Với Churchill, Stalin nói thẳng lý do tại sao ông nhất quyết đòi tiến hành chiến dịch xuyên biển Măngsơ càng sớm càng tốt. "Nếu không có chiến dịch vào tháng 5/1944, Hồng quân sẽ cho rằng không có chiến dịch nào trong cả năm", nhà lãnh đạo Liên Xô nói. "Thời tiết sẽ xấu và chúng ta sẽ gặp khó khăn về đi lại, vận chuyển... Nếu không có thay đổi lớn nào trên chiến trường châu Âu năm 1944, thì người Nga sẽ gặp khó khăn. Chúng tôi sẽ mệt mỏi vì chiến tranh. Cảm giác bị cô lập có thể phát triển trong Hồng quân".
3 ông lớn cùng ăn trưa, và Roosevelt đọc to khuyến nghị của Đồng minh. "Chúng tôi sẽ tiến hành chiến dịch xuyên biển Măngsơ trong tháng 5, đồng thời với chiến dịch phụ trợ nhằm vào miền nam nước Pháp ở quy mô lớn nhất". Tổng thống Mỹ viết nhật ký: "Hội nghị đã diễn ra tốt đẹp mặc dù tôi thấy rằng mình hợp tác với Nga về kế hoạch quân sự. Sáng nay, người Anh cũng bắt tay và tôi thấy nhẹ nhõm".
30/11/1943 là sinh nhật lần thứ 59 của Churchill. "Tôi chủ trì bữa tối thứ 3 diễn ra ở công sứ quán Anh. Điều này là không thể tranh cãi. Anh và tên tôi đều ở vị trí đầu trên bảng chữ cái so với hai nước còn lại. Ngoài ra, tôi hơn Roosevelt và Stalin 4-5 tuổi", Churchill nhớ lại.