|
Churchill (trái) và Roosevelt. |
Churchill cố gắng giữ thái độ tốt nhất. Ông nói: "Mặc dù là những người bạn lớn, sẽ thật vô ích nếu chúng ta tự dối mình rằng chúng ta đã xem xét kỹ mọi vấn đề. Thời gian và lòng kiên nhẫn là cần thiết". Churchill nghĩ vẫn còn hy vọng.
Có thể, cuối cùng, tốt nhất, ông có thể cứu vãn chiến lược của Anh khỏi Roosevelt và Stalin.
Vừa mới quay gà và nướng bánh bí đỏ ở Cairo, nhóm đầu bếp của Roosevelt làm bít tết cho bữa tối. Sau khi pha rượu martin, Tổng thống Mỹ đưa cho Stalin và chờ phản ứng. Nhà lãnh đạo Liên Xô không nói gì. Roosevelt lên tiếng hỏi ông suy nghĩ thế nào về đồ uống. Stalin trả lời: "Ồ, được đấy. Nhưng nó làm lạnh bụng". Hai nhà lãnh đạo trao đổi với nhau mà không có sự tham gia của Churchill.
"Khi vừa tới Tehran, Stalin đã gọi điện cho anh", Roosevelt viết thư cho bà Daisy sau đó. "Tất nhiên, anh không đứng dậy khi ông ấy bước vào phòng. Bọn anh bắt tay, và ông ấy ngồi xuống. Anh bắt gặp Stalin nhìn chân và mắt cá chân anh một cách tò mò. Sau đó, anh chiêu đãi ông ấy bữa tối, và ngồi ở bàn khi ông cùng cộng sự bước vào. Khi Stalin đã yên vị ở bên phải anh, ông quay sang phiên dịch và nói:
Nói với ngài Tổng thống rằng tôi đã hiểu ông ấy phải nỗ lực thế nào để thực hiện chuyến đi dài như vậy. Nói với ông ấy rằng lần sau tôi sẽ đến chỗ ông". Hai người đang cố gắng thiết lập mối liên hệ về văn hoá, tư tưởng, khí chất. (Mặc dù trong "lần sau", tại hội nghị Yalta năm 1945, Roosevelt thậm chí còn phải đi xa hơn).
Cuộc đối thoại trong bữa tối chuyển sang vấn đề mà Churchill không ưa thích. Tiếp tục những nhận xét trước đó với Roosevelt, Stalin lên án người Pháp. "Toàn bộ giai cấp cầm quyền Pháp đã mục nát tới tận xương tuỷ", nhà lãnh đạo Liên Xô nói. "Trao cả đất nước cho Hitler, Pháp đã chủ động giúp kẻ thù chung, và vì vậy, họ không đáng để được Đồng minh xem xét. Thật không công bằng và hết sức nguy hiểm nếu để Pháp cho chế độ cũ quản lý".
Churchill đề cập đến vấn đề bảo vệ đồng minh bị áp bức ở phía bên kia biển Măngsơ. Thủ tướng Anh cho rằng không thể tưởng tượng được một thế giới văn minh mà không có Pháp. Stalin không quan tâm. Từ cuộc gặp riêng với Tổng thống Mỹ, tất nhiên, ông đã biết rằng điều này va chạm với Roosevelt (trên thực tế, tại bàn đàm phán, Roosevelt nói "đồng ý một phần" với Stalin), làm Churchill, không phải lần đầu tiên hay cuối cùng, trở thành người lạc lõng.
Chuyển sang vấn đề Đức, Stalin có vẻ ủng hộ chia cắt và áp dụng biện pháp khắt khe nhất, nhằm ngăn chặn chủ nghĩa quân phiệt Đức tái diễn. Nhà lãnh đạo Liên Xô cho biết ông không nghĩ có thể tin tưởng đất nước này sẽ hoà bình. Ông nhắc lại vụ Leipzig năm 1907, khi 200 công nhân Đức không thể tập trung tại một cuộc tụ tập quan trọng, vì không có người kiểm soát ở ga xe lửa để dập vé lúc đến. Không có vé đã đục lỗ, những đại diện tích cực của giai cấp lao động Đức không dám rời khỏi sân ga. Stalin cho rằng không có hy vọng thay đổi trạng thái tâm lý hoàn toàn vâng lời nhà chức trách. Không ai trong phòng tỏ ra đủ táo bạo, hay đủ mất lịch sự để chỉ ra sự mỉa mai trong lập luận về một nước khác của nhà lãnh đạo Liên Xô. Tổng thống Mỹ cho rằng cả buổi tối thật "dễ chịu" với ông cho tới khi bất thình lình kết thúc.
Roosevelt chuẩn bị nói thì đột nhiên, mặt xanh lét, ông ôm trán. Tất cả mọi người đều ngạc nhiên vì trước đó, Tổng thống Mỹ không hề phàn nàn, cũng không ai thấy ông có dấu hiệu bực dọc hay lo lắng. Lúc đó là khoảng 10h30 tối. Mike Reilly, John Boettiger và Ross McIntire, bác sĩ riêng của tổng thống, đang ăn tối ở bên ngoài đại sứ quán thì nhận được tin xấu.
"Tôi cố gắng hỏi nhưng họ cứ đẩy tôi vào xe. Mike thì nói:
Chúng ta phải nhanh lên, ông chủ đang ốm", Boettiger kể lại sau đó. "Tim tôi se lại và chúng tôi nhanh chóng đến đại sứ quán Liên Xô... Chúng tôi lao vào toà nhà và vào phòng họp... Ross cũng vào ngay lập tức để xem chuyện gì xảy ra. Tổng thống thấy ổn cả ngày nhưng sau bữa tối, ông thấy hơi mệt. Ross cho biết dạ dày ông bị đầy hơi. Bác sĩ riêng cho uống vài viên thuốc và tổng thống thấy thoải mái. Tất cả nhẹ nhõm".
Nói chuyện với con rể trong 10 phút, Roosevelt tỏ ra hài lòng về mọi phương diện với ngày vừa qua, ngày mà Churchill cảm thấy ít bị giám sát và mâu thuẫn nhất. Nhiều vấn đề đã được thoả thuận.