Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Hoa Tầm Xuân Của Mùa Thu

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 13475 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hoa Tầm Xuân Của Mùa Thu
Dương thu Hương

Chương 5

Vân ở trong một gian phòng hẹp chừng mười lăm thước vuông, chỉ bằng nửa phòng vẽ của Thành. Trong gian phòng nhỏ bé ấy, vừa đủ kê hai chiếc giường gỗ cá nhân, một tủ đựng quần áo, một tấm gương rời có giá đỡ gỗ cẩm lai vổi vân rát đẹp, một chiếc bàn thấp chắc xưa kia là bàn trang điểm và bộ bàn ghế mộc, hẳn là bàn ghế nhà trường phát cho giáo viên. Không thứ đồ vật nào khó coi, chúng tồn tại rất hợp lý trong cái khung cảnh cần có, dù nhiều hay ít giá trị kinh tế. Vân thích cây cỏ. Trên bàn chị cắm vài bông su si vàng trong đĩa sứ cao chân. Dọc tường, chị treo những bình đất nung hình trái bầu trồng cỏ tóc tiên hoa tím. Ngoài hiên, và trên bậu cửa sổ, la liệt các chậu cúc gấm, bạch lão mi, lan phi hồng diệp. Đứa con gái của Vân chừng sáu tuổi, xinh xắn. Nó rót nước trong tích mời Thành:
- Mẹ Van còn bận tắm. Cháu mời bác uống nước a.
Xong, con bé ngồi xuống ghế, đối diện với anh, trả lời mọi câu hỏi của anh đúng như một vị chủ nhân lịch sự. Khi nghe tiếng guốc của mẹ ngoài cửa, nó mới đứng lên:
- Mẹ Vân chút tắm xong rồi ạ. Cháu chào bác đi chơi.
Thành bảo người đàn bà:
- Cháu bé của chị chắc chắn sẽ trở thành nhà sư phạm mẫu mực. Nó trang nghiêm và rành rọt quá.
Vân cười:
- Bây giờ là như thế. Nhưng tương lai, còn phải chờ xem.
Chị ngồi xuống trước anh, rũ mái tóc ướt vừa gội. Hai cánh tay mịn và trắng phơi bên ngoài tấm áo xẻ vai, đường chỉ rua li ti như những hạt vừng. Thành nhìn rõ một mụn ruồi hơi trái tai Vân, những nếp nhăn mờ hằn dưới đuôi mắt chị và những sợi lông tơ phơn phớt trên hai má. Đã lâu lắm, anh mới nhìn một gương mặt không tô điểm, nó gợi cho anh cảm giác ngỡ ngàng nhưng tin cậy.
- Có lẽ điều người ta mong mỏi trước tiên ở người đàn bà chung sống với mình phải là miềm tin cậy. Quán có lý…
Thành nghĩ, thoáng một chút cay đắng thương thân, một chút ghen tị vớn người bạn có tâm hồn mạnh mẽ và khả năng quyết đoán hơn mình. Anh nhìn Vân, nói một câu vô nghĩa, cũ rích:
- Tôi có làm phiền chị nhiều không?
Thay vì trả lời, người đàn bà đẩy chén nước tới trước mặt anh.
- Mời anh xơi nước cho nóng. Mẹ con tôi thích uống nước vối ủ gừng. Đó là thói quen bà ngoại cháu còn để lại.
Ánh mắt chị gợn lên nét buồn. Họa sĩ ngắm nhìn những lằn sáng phản chiếu qua ô cửa đuổi nhau trên đôi mắt người đàn bà rồi anh chợt mong muốn mình cũng có phần chia sẻ niềm nhớ nhung trong đôi mắt ấy. Anh muốn anh được là bà lão đã quá cố thích uống nụ vối ủ gừng, thích được là đứa con gái bé bỏng của Vân, để rồi anh cũng sẽ được chia niềm trìu mến ấp ủ của chị. “Mình là một đứa trẻ bơ vơ…” Thành ngậm ngùi nghĩ. Thấy anh ngồi im lặng, người đàn bà nhắc anh lần thứ hai:
- Kìa, mời anh xơi nước.
Họa sĩ ngẩng lên. Anh định nói điều gì đó, nhưng đã có tiếng lao xao của một đám trẻ ngoài cửa:
- Cô ạ, chúng em chào cô ạ. Thầy hiệu trưởng mời cô lên văn phòng họp đột xuất. Ngày mai, có phái đoàn giáo dục Lào tới thăm trường ta.
Vân nhìn anh, với nụ cười ái ngại:
- Công việc của chúng tôi thất thường như vậy, anh thông cảm cho.
Chị tiễn anh ra tận cửa, ngập ngừng định nói thêm điều gì nứa nhưng lại thôi. Thành trở về nhà. Người ta đang chờ anh để bàn việc đưa sinh viên xuống các cơ sở sản xuất thực tập. Họa sĩ bận rộn mất hai tuần. Anh đi Hải Phòng, Hải Hưng, Vĩnh Phú làm việc rồi trở lại Hà Nội với chiếc cặp đầy ắp những quần áo bẩn. Khi mở cửa, Thành không vào nhà ngay mà đứng một lát, nhìn căn phòng của mình, những bức tranh những đồ đạc phủ bụi, chiếc bếp điện và đôi đũa lăn lóc một bên… Anh ngạc nhiên bởi mình đã sống nhiều tháng năm trong cái khung cản buồn tẻ ấy, cái cuộc đời tự do mà cánh mày râu có gia đình thường ca tụng là tuyệt diệu nhưng anh đã sợ hãi, đã muốn khước từ. Người đàn ông bước vào căn nhà của chính mình với cảm giác lạ lùng như vào quán trọ. Anh nhìn thấy người đàn bà có làn da nâu hồng rực rỡ đang ngồi trên giường, vừa ngáp vừa duỗi đôi chân dài như chân các vũ nữ da đen:
- Anh, anh đã về đấy a? Có quà gì cho em không hả?..
Xưa kia lúc còn chung sống với anh, Vượng luôn luôn hỏi anh câu hỏi ấy. Không có căn nhà nào bừa bộn hơn căn nhà anh chung sống với cô. Tất cả những gì dính líu tới bản thân Vượng đều sạch sẽ: Áo quần là lượt, lúc nào cũng phẳng nếp ly. Chiếc ví da luôn luôn chùi sạch bóng. Những đôi giày đôi guốc cô đi được thay mốt thường xuyên… Nhưng mọi vật không dính tới con người cô đều luộm thuộm, bừa bộn. Các bức tranh của chồng và những thứ hàng tạp phẩm cô tha lôi về, những bát đũa chưa rửa và mấy chiếc chén cáu bẩn nước chè, đôi giày rách gót của Thành và đám tài liệu làm việc của cô…
- Hãy tha thứ cho nàng, vì nàng đẹp…
Thành đã lao vào kiếm tiền như mắc chứng thần kinh hoang tưởng. So với bạn bè đồng nghiệp, mức chi tiêu của vợ chồng anh khủng khiếp qua. Anh từ bỏ những tác phẩm mong ước, những thứ buộc người ta phải bỏ vào đó một số vốn lớn về thời gian, sự tìm kiếm phương thức, vật liệu, và độ chín của các rung cảm. Không, đời sống gọi anh bằng những tiếng gọi gần gũi hơn, chói lói hơn: Chiếc xe mới cho Vượng, những chiếc áo cho mùa đông sắp tới của cô và của anh, loại đồng hồ vỏ vàng Tây vừa xuất hiện trong thành phố rất hợp với cổ tay tròn lẳn của người đàn bà đẹp… Vốn từ một cô bé quê sáng dậy súc miệng qua loa rồi bưng bát cơm ăn với muối vừng, giờ Vượng thích đi ăn hiệu, thích được ngồi chờ đợi ngươi phục vụ bưng tới những món ăn ngon lành, nóng hổi, thích được khoác tay chồng bước vào những quán ăn sang trọng nhất thành phố. Mỗi lần anh từ một cuộc triển lãm hay từ phòng trưng bày hội chợ nào đó trở về, lem luốc màu vẽ, mắt mũi hốc hác vì gắng sức, Vượng lại mỉm cười:
- Anh đã về, quà em đâu?
Và cô há miệng ngáp một cách khoan khoái, trong căm phòng bừa bộn những đồ dùng chờ thu dọn và lau rửa. Nhiều lần, Thành bực muốn điên lên. Tuy nhiên, mỗi lần anh há miệng định rầy la cô, một sức mạnh tăm tối lại kìm giữ. Mặc cảm về cuộc hôn nhân vội vã không thôi đầy ải người đàn ông, mặc dù anh đã không ngừng chạy trốn nó.
- Hãy tha thứ cho nàng, vì nhan sắc của nàng là của cải của anh.
Hãy tha thứ cho nàng, nàng đẹp quá…
Lần nào đó, sau một đêm gần gũi, cô nói với anh:
- Mọi sự ông Trời sắp đặt đều có lý. Giá như em và anh Quán sống với nhau, chưa chắc đã tốt đẹp như em sống với anh.
- Tại sao chứ?
Thành hỏi lai, cố ghìm giữ sự khó chịu.
- Hoàn cảnh gia đình anh nhẹ nhàng hơn. Và thể lực anh tốt hơn.
Vượng trả lời giản dị, rồi cô nghĩ tới một hình ảnh mĩ miều:
- Động cơ nào cũng cần nhiên liệu để vận hành. Anh là một thứ xăng tốt…
Chắc hẳn hài lòng vì tìm được một hình ảnh xác đáng, cô cất tiếng cười giòn giã.
Một buổi chiều tháng mười, Thành khoác ba lô từ bến ô tô về nhà. Anh gặp Vượng đang nằm cuốn tròn trong chăn ấm với một người đàn ông khác:
- Con người là một thứ động cơ. Bây giờ, em cần một loại xăng tốt hơn anh, phải không?…
Vượng không trả lời. Nhưng hôm ấy, cô thu dọn toàn bộ tư trang vào chiếc va ly lớn, xách tới nhà “thứ xăng hảo hạng”. Thành nằm vật ra giường, đau đớn tê liệt mọi cảm giác. Anh đã sống với cô năm năm trời, đã hủy hoại tài năng, sức khỏe. Giống như kẻ khát bạc, anh đã phung phí tiền của không thương tiếc, và giờ đây lảo đảo bước khỏi căn phòng của cuộc chơi đen đỏ, anh biết mình thua. Ngay sau hôm Vượng bỏ đi, Quán đã tới với ý định an ủi bạn. Nhưng mãi sau này, Quán sẽ còn ân hận vì điều đó. Thành khùng lên vì tuyệt vọng, vì tủi nhục, quằn quại như kẻ trọng thương không được hưởng viên đạn nhân đạo, đã đuổi Quán một cách lỗ mãng. Quán đành bỏ đi, nhưng anh bảo Thu, vợ mình tới giúp đỡ Thành lúc hoảng loạn. Trong giới hội họa, người ta gọi họ là Lưu Bình – Dương Lễ kể từ ngày ấy. Sự tận tâm của Quán hoàn toàn không thừa. Vượng chưa rời bỏ Thành ngay. Sau khi xách va ly đi được năm hôm, cô lại xách va ly trở về.
- Em chưa rời bỏ căn phòng này được. Về mặt pháp lý, chúng ta vẫn còn là vợ chồng.
Cô nói, vừa đặt va ly lên chiếc bàn thấy vừa cởi tấm áo khoác mỏng bằng len kẻ sọc ra. Thành đang sốt, anh ngồi dậy, giương đôi mắt đỏ ngầu lên nhìn cô:
- Thế em muốn gì?
Vượng nhìn anh, và thấy anh có vẻ ngạc nhiên, cô liền nói:
- Không phải em đòi làm vợ anh như xưa.
- Chắc em cần một chữ ký vào đơn ly hôn.
- Không chỉ một chữ ký, còn những thứ khác nữa.
- …
- Anh thiếu thực tiễn quá. Tất cả những cặp vợ chồng ly hôn đều phải ra trước tòa án để phân xử về mọi mặt: Con cái, tài sản, nhà cửa…
- A…
Thành thốt ra tiếng kêu, vỡ lẽ rằng mình ngớ ngẩn quá, rằng mọi khổ đau hay hạnh phúc của con người đều không tồn tại đơn phương mà nó còn kèm theo vô số những điều kiện cụ thể, trần trụi đến xót xa, chi tiết đến tàn nhẫn và họ buộc phải chấp nhận. Anh nằm vật ra giường, đầu óc nóng sực lên như lò than đang độ bốc. Người đàn bà có làn da nâu đồng rực rỡ của anh tiếp tục nói:
- Theo quy định của pháp luật, mọi thứ sẽ chia đôi. Ở đây chẳng có gì đáng giá, nhưng căn phòng này sẽ phải ngăn ra, cả phòng phụ bên trong cũng thế. Tụi em chưa có phòng riêng. Gia đình anh Thảo (chắc đó là xăng hảo hạng) những bảy anh em ruột lại thêm một cô con nuôi, chật chội quá. Nếu anh không muốn vậy, anh hãy đưa cho em một khoản tiền tương đương với giá trị mười tám mét vuông. Hai lạng rưỡi vàng ta.
- Anh làm sao có nổi một mảy bụi vàng cho em bây giờ?
Thành nói lắp bắp. Tai anh ù ù như có gió lùa. Quãng đời vừa qua hiện lên như cuốn phim trong trí não. Bỏ xó mọi dự định lớn trong sáng tạo nghệ thuật, chúi đầu vào kiếm tiền và nướng tất cả mớ giấy đã đổi bằng mồ hôi nước mắt ấy lấy những thứ đồ nữ trang óng ánh trên tay, trên cổ Vượng, những tấm áo mĩ miều khoác trên vai cô, những trận cười của cô và cái hạnh phúc phù du cô ban phát cho anh sau tất cả những thua thiệt ấy. Lúc này, gương mặt cô vẫn tươi tắn, vẫn điềm tĩnh như xưa. Đôi mày đen, cặp mắt như luôn luôn ngây ngất, mê mẩn, và làn da tràn trề sinh lực… Tại sao cái đẹp lại khắc nghiệt đến như vậy?…
Vượng không chú ý tới Thành. Cô cũng không thể đoán biết những ý nghĩ của anh và cô đang để tâm tới công việc của mình:
- Anh Thành này, cô nói, nếu anh không có tiền thì tụi em sẽ đưa anh
bằng đúng số tiền hoặc số vàng như vậy, với điều kiện tụi em sẽ sử dụng căn nhà này. Anh tìm nhà khác dễ hơn. Chúng ta thỏa thuận trước để lúc ra tòa mọi sự sẽ chóng vánh…
Ngừng lại vài giây, cô nhấn mạnh: Anh quyết định đi, chỉ được quyền lựa chọn một trong hai phương án đó thôi. Dù đây là nhà thuê của nhà nước và do ông bà anh để lại, cũng sẽ không có cách giải quyết nào khác đâu.
Cô nói rành mạch, chuẩn xác từng ý một. Thành biết Vượng có lý. Cô là con người của thực tiễn, cô là đứa con của đời sống trần trụi và bạo liệt, với sức mạnh trần trụi và bạo liệt mà một kẻ yếu đuối như anh không thể chống đỡ. Anh nhắm mắt lại, bảo cô:
- Cũng được. Nhưng em thư thư cho anh vài bữa, anh đang ốm. Lúc này, anh không đủ sức xách va ly bước khỏi cửa đâu.
- Được rồi – Cô đáp – Chúng mình cam kết với nhau thế là đủ. Một tuần nữa chắc anh sẽ khỏi ốm chứ? Lúc nào anh sẽ làm bản cam kết, em giao tiền…
Cô bước tới giường, sờ lên trán anh:
- A, anh sốt khá cao đấy. Nhà còn gạo đấy chứ? Em sẽ nấu cháo cho anh…
Đầu tuần lễ sau, khi Thành ngồi dậy và bắt đầu ăn cơm được, Thành viết giấy nhượng nhà. Chính lúc đó, Thu can thiệp quyết liệt, huy động toàn bộ bè bạn và đồng nghiệp giúp đỡ anh. Nhờ Thu anh thoát khỏi cảnh lang thang không nơi trú náu mà chút nữa số phận oan nghiệt xô tới, tuy vậy, Thành cũng phải vay mượn, nợ nần vài năm để trả Vượng đúng số tiền cô yêu cầu. Có vậy, cô mới để anh yên…
Người đàn ông vùng dậy vừa lúc trời tối. Anh bật đèn nhìn căn phòng trống trải của mình. Chưa bao giờ, dấu vết cuộc sống tạm bợ của anh với Vượng xưa kia rõ đến thế. Một bếp điện nhỏ bệ đất vỡ long lở, chiếc thùng gỗ đựng đồ ăn, đám bát đũa cọc cạch từ thời sinh viên cho tới hôm nay… Tất cả những gì cô để lại. Có người đàn bà đem tới cho người đàn ông yêu họ ngọn lửa ấm áp của đời sống và có người đàn bà đem tới ngọn cuồng phong của đam mê. Khi ngọn gió ấy đi qua, nó sẽ để lại phía sau cảnh hoang tàn đổ nát, những cát bụi phù du, những bọt bèo rác rến. Sự rủi ro nào trong số kiếp đã đẩy người đàn bà đó tới đời anh?…
Thành nhấc con chó đã sứt tai lên xem: bụi bám đầy những chiếc tăm còn sót lại. Anh đặt con chó xuống sàn. Từ góc bàn, chú rùa ngọ nguậy bò ra, có lẽ nó đã bị bỏ đói vài tháng nay. Chiều mai, anh phải đi kiếm cho con vật tội nghiệp ít vỏ chuối và tép đồng.
- Giờ phải đun nước tắm giặt đã. Cả một cặp áo quần đầy ghét và bụi chờ kia…
Họa sĩ nghĩ. Anh bỏ con rùa xuống, cầm chiếc siêu vào phòng phụ lấy nước. Bất chợt, anh dừng lại trước khoảng không tối om của căn phòng chưa kịp bật điện bên trong. Hơi gió lạnh mùa thu ập tới, khiến người đàn ông rùng mình. Và rồi, anh thấy cồn lên một ước mong gặp gỡ. Người đàn bà ấy, với đôi cánh tay trần mịn màng và mái tóc ròng ròng nước, những chậu cỏ tóc tiên hoa tím treo trên tường và những đóa cúc bạch lão mi…

<< Chương 4 | Chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 585

Return to top