Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Hoa Tầm Xuân Của Mùa Thu

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 13473 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hoa Tầm Xuân Của Mùa Thu
Dương thu Hương

Chương 4

Thành đã quay về Hà Nội sau khi hoàn tất bức chân dung sơn dầu cho cô Huyến. Ông già Ớt đưa anh ra tận ga. Họ không nói một lời suốt dọc đường, mặc con ngựa kéo xe gõ móng lộp cộp. Rồi, tới trước những bậc tam cấp bằng đá hộc của nhà ga, ông già làng biển chìa tay cho họa sĩ:
- Chú đi khỏe nhá. Về với tôi nữa chớ?
- Nhất định cháu sẽ về.
Thành đáp, tay xách túi du lịch, lưng đeo ba lô tiến vào phòng đợi. Anh nhìn thấy chiếc xe kéo ông già đi qua đoạn đường vòng lẹ làng gần như lướt trên mặt nước, túm lông ngũ sắc cắm trên mũ ngựa bắt nắng óng ánh. Thành còn đứng một lúc lâu, theo dõi đám bụi trắng di chuyển trên quốc lộ, tiếng lục lạc mỗi lúc một xa dần và con ngựa chỉ còn nhỏ như con sơn dương chạy giữa những dải đồi thoai thoải. Tàu đến chậm, anh phải chờ bốn giờ rưỡi đồng hồ. Non hai ngày sau, Thành mới về tới Hà Nội. Việc đầu tiên anh làm là tìm tới ngôi nhà có người đàn bà anh tưởng nhớ. Ngôi trường tầm thường như mọi ngôi trường khác trong thành phố. Một tấm bảng thông báo tin tức, mấy hàng quà rong, cây cột điện có treo hộp thư đã hai gỉ vì mưa gió. Họa sĩ chăm chú nhìn những chi tiết cũ kỹ của một góc phố cũ được xây dựng từ thời trước cách mạng. Anh đã qua lại đây hàng trăm lượt nhưng bây giờ nó mới trở thành cảnh trí được ghi nhận trong ký ức. Người đàn ông chợt thấy tim đập dồn lên, thắc thỏm khi hai cánh cửa ngôi trường hé mở và một tốp giáo viên đi ra. Hai chàng trai, một phụ nữ tóc hoa râm, một cô gái má bánh đúc, tóc cắt ngắn. Không có người đàn bà đó… Thành đi đi lại lại trước cánh cổng đã khép, chờ đợi. Thỉnh thoảng, người thường trực lại mở cửa cho các giáo viên đã hết giờ giảng về nhà. Cứ như thế, những tiết học lần lượt nối nhau qua. Mười hai giờ trưa, trống đánh dồn rã, hai cánh cửa sắt mở toang, học sinh ùa ra nhốn nháo, ầm ĩ. Người đàn ông cố sục tìm trong đám đông, nhưng anh đành thất vọng trở về. Hôm sau, Thành lại tới trường lần nữa. Cũng không gặp người đàn bà đó. Họa sĩ nổi cáu, vừa đi vừa tự rủa sả mình:
- Trò ngớ ngẩn. Tìm kiếm, chờ đợi một người đàn bà, trong khi bất cứ lúc nào ta cũng vẫy dược một cô gái trẻ măng xinh đẹp, ăn mặc như các diễn viên màn ảnh mô- đéc nhất…
Anh tìm một quán cơm bình dân, ăn cho qua bữa và trở về phòng vẽ. Ngồi giữa đống phác thảo, giấy bút ngổn ngang, Thành nhìn những hạt bụi ngũ sắc nhảy nhót trong làn nắng hiếu qua khe cửa. Đã mấy lần anh cầm bút lên nhưng lại bỏ xuống vì biết trước dẫu có vẽ cũng chẳng thành công. Người ta không thể cầm bút đứng trước giá vẽ đều đặn ngày nọ qua ngày kia như anh thợ chữa đồng hồ cầm tuốc- nơ- vít, như cô thư ký gõ máy chữ. Khi anh không có ngọn lửa say mê, đốt cháy mọi thú vui khác và áp đảo anh bằng chính hơi nóng ngột ngạt chết người của nó, anh đừng hòng tìm được nguồn cảm hứng siêu việt dẫn đến thành công… Người đàn ông thở dài, ném những phác thảo vào góc tường rồi mặc áo, đi ra phố.
Giữa thu, vào lúc trời chiều, hơi lạnh se se thấm vào da thịt. Những chiếc lá xanh thẫm, gần như đen lại, chen trong bóng hoàng hôn. Một làn khói mỏng lơ lửng giữa khung trời thành phố. Tiếng chim kêu trong các vòm cây trở nên vang động hơn. Khuấy đảo tâm hồn con người nhiều hơn vào lúc trở mùa. Họa sĩ bước mải mốt, người qua đường có thể lầm tưởng anh đi tới một cuộc hẹn hò vội vã hay một công việc cần thiết nào đó. Thành không thích lối đi nhênh nhang, vừa đi vừa ngơ ngẩn ngắm nhìn phố xá của lũ trai trẻ. Giữa cuộc sống hối hả này, nó dị hợm quá chừng. Lang thang lúc lâu, anh chợt thấy mình đến trước ga Hàng Cỏ. Một đám đông đang nối đuôi nhau qua cửa vào ga. Một đám đông khác, đứng túm tụm chờ giữa khoảng sân lấm bụi. Thành loanh quanh vòng qua sân ga, bộ như người đón tàu. Anh thấy một người đàn ông trạc tuổi mình, đứng cạnh chiếc xe Hon- đa 50 nữ. Anh này đưa mắt nhìn Thành ba bốn lần, vẻ thăm dò. Sau một lúc lâu, người đàn ông kia cất tiếng:
- Xin lỗi anh…
Họa sĩ quay lại. Người đàn ông nói e dè:
- Xin lỗi, tôi muốn phiền anh tí chút.
Thành gật đầu:
- Được thôi.
- Chắc anh cũng đang đợi tàu Thống Nhất như tôi – Người đàn ông nói và không đợi Thành trả lời, tiếp tục – Phải nửa giờ nữa tàu mới vào ga, vậy mà tôi đã đứng chờ ở đây từ lúc hai giờ chiều. Phiền gửi anh chiếc xe, tôi đi ăn bát phở. Xe khóa rồi nhưng vẫn phải có người trông mới dám bỏ đi. Tụi ăn cắp liều lĩnh lắm.
Thành nhìn người đàn ông, anh ta có vẻ hiền lành. Một gương mặt cân đối nhưng hơi khắc khổ, mái tóc đã có sợi bạc nơi thái dương. Họa sĩ gật đầu:
- Tôi nhận lời, nhưng nhanh nhanh lên nhé.
- Rất nhanh.
Người đàn ông đáp rồi vội vã băng qua đường. Anh ta mất hút vào đám đông ngay tức khắc. Hai mươi lăm phút sau, anh ta quay lại, hồ hởi cảm ơn họa sĩ. Rút trong túi ngực ra hai điếu thuốc đầu lọc loại sang tự châm lửa mời Thành một điếu và hút điếu còn lại. Vẻ mặt người đàn ông mãn nguyện. Thỉnh thoảng, anh ta đưa mắt liếc đồng hồ. Tự dưng, Thành tò mò. Anh muốn biết người đàn ông ngày đón chờ ai mà kiên gan nhịn đói, đứng giữa khoảng sân lầm bụi suốt buổi chiều. Anh làm bộ vô tình, hỏi:
- Anh đón chị nhà?
- Vâng.
Người đàn ông gật đầu tức khắc, rồi sau đó ngượng nghịu nói thêm: À, cũng gần gần như thế…
Trên môi anh ta ngưng đọng một nụ cười rụt rè và tràn trề hạnh phúc. Vừa lúc đó, loa phóng thanh cất tiếng thông báo tàu vào ga. Gương mặt người đàn ông bừng lên. Niềm vui đó làm giãn những nếp nhăn dưới đuôi mắt, phủ lên dàn da một màu sắc tươi tắn. Trông anh ta trẻ lại đến dăm tuổi. Họa sĩ ngạc nhiên vì sự biến đổi ấy. Anh ngơ ngẩn nhìn.
- Còi rồi. Tàu đang vào ga…
Người đàn ông bảo Thành.
- Tàu vào ga…
Họa sĩ lặp lại như cái máy rồi không chào người đàn ông, anh đi sang bên kia đường.
- Đấy là tình yêu… Một người đàn bà có thể làm một người đàn ông xao xuyến đến như vậy. Đấy là phép màu nhiệm mà những ai không còn tin ở tình yêu không bao giờ tìm thấy. Mình đã biến thành một kẻ bệnh hoạn, một gã đàn ông cao ngạo và thù ghét đàn bà… Không bao giờ mình còn có niềm vui như người đàn ông kia đã có…
Từ ngày Vượng phản bội Thành, anh đã chung đụng với nhiều cô gái khác. Mỗi cuộc chung đụng ấy đem lại cho Thành một chút ít thú vui, một vài khoản tốn kém và những hối tiếc, những khinh ghét chất chồng. Anh đọc thấy những ham muốn trụi trần sau các gương mặt son phấn mĩ miều kia:
- Em cần chiếc áo lông màu gì?… Anh sẽ gửi cậu bạn mua cho em trước khi mùa rét tới.
- Anh sẽ vẽ cho em một bức chân dung mà các bạn trai em phải yêu em thêm năm lần mỗi khi ngắm nhìn nó.
- Em cần một đôi giày da mới phải không?… Chờ anh vài hôm nữa nhé…
Chỉ có những cô gái chịu đựng được vẻ ngạo mạn của Thành, cái điệu cười mỉa mai và những cử chỉ tưởng chừng lịch sự nhưng thực chất lại thô lỗ mới lai vãng tới căn phòng anh ở. Đôi khi chán ngán, anh thẳng tay tống khứ các cô ra ngoài. Và rồi ngồi một mình trong căn phòng tối om không buồn bật điện, anh hối tiếc tuổi trẻ của anh, hối tiếc tình yêu chưa kịp đến đã tan biến như bọt xà- phòng. Anh thấy tâm hồn mình đang ngấm dần chất độc dược mà không có cách nào tẩy uế…
- Tại sao chứ? Tại sao…
Con người có thể cắt nghĩa được dễ dàng cỏ cây, sấm chớp nhưng lại vô cùng khó khăn khi muốn tự cắt nghĩa mình.
- Tại sao?…
Họa sĩ trở lại căn phòng quạnh quẽ của anh, nơi nhiều người đàn bà đi qua nhưng không một gương mặt nào gởi gắm lại. Bốn bức tường trơ trọi. Cả những giá vẽ, những bức tranh anh hài lòng nhất cũng tẻ nhạt vào lúc này. Có lẽ anh muốn một bức vẽ mới, một dòng sông, cánh buồm, đàn chim nghiêng xuống bọt nước, rặng cây tươi thắm như những ngọn lửa xanh… một bức vẽ với lòng trìu mến, giống như một gương mặt mà anh muốn được nâng niu…
Sáng hôm sau, Thành trở lại ngôi trường. Anh gặp ông già gác trường, dò hỏi về người đàn bà mặc quần jean nhung màu xám nhạt, áo sơ mi xanh da trời.
- Tôi biết, tôi biết… chị Vân. Chắc anh ở trên Bộ xuống mời chị ấy dự hội nghị khoa học giáo dục phải không? Anh ngồi đây chờ, tôi vào văn phòng gọi…
Ông già thường trực đáp lại vồn vả. Thành ngỡ ngàng trước vẻ nồng nhiệt ấy, anh ngồi im chờ đợi. Khoảng mười phút sau, ông ta quay lại với người đàn bà. Hôm nay, chị mặc quần lụa đen với chiếc áo sơ- mi hoa rực rỡ. Trông chị trẻ trung và xa lạ hơn buổi chiều mưa tại nhà bảo tàng. Vừa đi, chị vừa chuyện trò với người gác cổng, khẽ lắc mái đầu, miệng cười tươi tắn:
- Nụ cười ấy là nụ cười của một đứa trẻ…
Họa sĩ thầm nghĩ và anh bắt đầu tháy bối rối, không biết nên ngồi im hay đứng lên. Sau cùng, chị đã tới, đưa mắt nhìn anh ngạc nhiên nhưng không hề sửng sốt:
- Chào chị Vân…
Họa sĩ đứng lên. Người đàn bà khẽ cúi đầu:
- Vâng, chào anh… Chắc anh có việc cần gặp tôi?… Mời anh vào văn phòng…
Ngập ngừng một chút, chị nói thêm: Ở đây, chúng tôi không có phòng khách riêng, nên…
Thành vội vã nói ngay, sợ bỏ lỡ một cơ hội may mắn:
- Xin mời chị tới một quán trà nào đó gần đây… Như thế tiện hơn.
Thiếu phụ suy nghĩ vài giây rồi đáp: - Cũng được.
Thành chào ông già gác cổng, với cái vẻ hấp tấp mà anh chưa từng có. Hai người đi dọc phố. Họ im lặng suốt quãng đường đó, cho tới khi Thành tìm được một quán giải khát sạch sẽ và vắng khách:
- Ta vào đây được không?
Anh hỏi.
- Tùy anh.
Người đàn bà trả lời.
- Chúng ta có thể nói được nhiều chuyện ở nơi này.
Thành đáp lại. Anh chờ thiếu phụ vào quán trước nhưng chị dường như không mảy may chú ý tới điều ấy. Chị chọn chỗ ngồi, vén mái tóc bên tai một cách tự tin rồi hỏi anh:
- Xin lỗi, có lẽ anh là người của Bộ? Chúng tôi chưa chuẩn bị xong bản báo cáo các anh yêu cầu.
Thành im lặng lắc đầu, thay vì trả lời chị, anh gọi chủ quán lấy đồ giải khát rồi hạ giọng:
- Chẳng lẽ chị không nhận được tôi sao?
Người đàn bà nhíu mày:
- Thôi, đừng chơi trò ú tim ấy nữa. Anh cứ nói thẳng cho tôi biết xem sao. Chúng ta đâu còn ở cái tuổi đánh đố nhau thua được.
Gương mặt chị bình thản nhưng hơi nghiêm khắc. Và Thành thấy hai mang tai nóng lên vì chạm lòng tự ái. Tuy vậy, anh hiểu rằng anh không có quyền bực chị. Anh gượng nhẹ:
- Chị có nhớ buổi chiều ở Nhà bảo tàng không. Lúc cơn mưa đến bất chợt và chúng tôi phải tháo gỡ những tấm bảng trang trí đưa vào trong hành lang. Lúc đó, chị ngồi chờ học sinh tham quan…
- A… a… tôi nhớ rồi…
Người đàn bà trẻ kêu lên.
- Tôi còn nhớ chị đang đọc một cuốn sách. Đó là cuốn Jađic của Von- te.
Người đàn bà nhìn anh, thay cho một lời tra vấn. Thành nói tiếp.
- Lúc ấy, tôi đã buông những lời rất bất nhã…
Người đàn bà gật đầu, ngắt lời anh:
- Bây giờ tôi dã nhớ lại tất cả. Đấy là những lời lẽ…
Thành tiếp:
- Những lời lẽ tầm bậy, lố bịch nữa… Vì thế, tôi muốn tìm gặp lại chị để xin chị cảm thông.
Thiếu phụ lắc đầu:
- Không cần.
Ngừng lại ít giây, chị thêm: Có lẽ điều đó cần cho anh hơn là cho tôi. Tôi đã quên hoàn toàn nếu như anh không gợi lại.
- Tại sao chứ? Chẳng lẽ chị không có một chút bất bình?
Thành gặng hỏi. Người đàn bà ngước nhìn anh, và họa sĩ thấy rõ những rạch sáng lấp lánh trong mắt chị:
- Tôi bất bình làm gì? Chúng ta không thể bất bình được với hàng vạn người buộc phải gặp gỡ, phải quan hệ trong đời sống. Bởi có những người bình thường, và những người khác rơi vào trong trạng thái bất thường nào đó.
Người đàn ông bật cười:
- Chị cho tôi là một thằng khùng.
- Không hẳn thế – Thiếu phụ trả lời – Nhưng có lẽ anh cũng không được quân bình lắm về mặt tâm lý. Chỉ vì ân hận mà anh tìm gặp tôi thanh minh hay sao?…
Chị cười, hồn nhiên như một cô bé cười trước những trò chơi ngộ nghĩnh, rồi nói tiếp: Vậy thì mọi chuyện đã xong. Anh không cần áy náy nữa… Bây giờ, tôi phải trở lại trường. Chúng tôi đang bận bịu đôi chút vì công việc, xin anh cảm thông…
Không chờ anh trả lời, chị đứng lên, nghiêng đầu chào rồi bước ra. Thành ngồi sững trước hai cốc nước giải khát còn nguyên vẹn, rồi anh hối hả chạy theo:
- Vân… chị Vân…
Người đàn bà dừng lại.
- Chị Vân… Họa sĩ tìm lời: Ít nhất, chị cũng xem như là… chị cũng xem hành động của tôi là một thiện ý. Chúng ta có thể trở thành những người bạn… như những người bạn bình thường trong cuộc sống. Xin chị hãy cho tôi địa chỉ.
Người đàn bà nhìn Thành một lượt như để thẩm định lại một cách chắc chắn những ý tưởng chị đã có. Rồi chị cất tiếng cười:
- Nhưng anh là ai chứ?…
- Tôi… tôi…
Người đàn ông bỗng nhiên trở nên luống cuống: Tôi là Thành, họa sĩ, giảng viên trường…
Anh hối hả lục trong túi áo tấm danh thiếp in sẵn trao cho Vân. Và chị, liếc nhìn tấm danh thiếp mỉm cười: Tôi không có danh thiếp để trao đổi với anh đâu…
Mặt Thành đỏ bừng, anh hối hả nói:
- Xin chị thông cảm, nghề chúng toi cho phép in những thứ này một cách dễ dàng… Tôi chưa đến nỗi… là kẻ hợm mình.
Vẻ thành thật của Thành khiến người đàn bà dịu lại. Chị thôi cười, hạ giọng nói:
- Anh Thành ạ, chắc chắn tôi không có thời giờ tới nhà anh chơi. Còn nếu anh muốn, xin mời tới chỗ chúng tôi. Địa chỉ của tôi là…
Họa sĩ lấy bút, ghi vào lòng bàn tay. Khi người đàn bà thoăn thoắt đi về phía cổng trường, anh còn đứng sững sờ một lúc nữa. Bà chủ quán giải khát ló đầu ra. Thành trả tiền rồi đi như bay tới góc đường lấy xe, phóng về nhà. Hăm hở như chàng thiếu niên lần đầu được tham dự buổi dạ hội dành cho những kẻ trưởng thành.

<< Chương 3 | Chương 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 596

Return to top