Đ ang phập phồng lo sợ, sợ đủ trăm điều. Thế mà bỗng dưng lại có người lên tiếng hỏi, dù bằng một giọng hiền hòa, cũng khiến cho Văn Đức Chính phải xiêu hồn lạc phách. Điếng hồn, Văn Đức Chính gần như muốn khuỵu người xuống, nhưng nó đã cố hết sức trong khả năng cỏn con của nó để gượng người lại, và đảo mắt tìm xem ai là người vừa phát thoại. Đến khi nhìn thấy một lão niên thư sinh đang hiền hòa đưa đôi mắt dịu dàng nhìn nó, quyển sách đang đọc dở được đặt ngay ngắn trên đầu gối, do vị lão niên đang an tọa trên một hòn đá nhỏ, Văn Đức Chính mới thấy bớt sợ hơn và dè dặt ướm lời hỏi: - Lời nói vừa rồi là của bá bá? Bá bá là ai? Sao lại ngồi đây đọc sách? Người cao niên thường dễ dàng thân thiện với trẻ thơ, nhất là những người có bộ dạng bên ngoài nho nhã, hay đọc sách thánh hiền như vị lão niên này. Nên khi nghe Văn Đức Chính không đáp mà chỉ hỏi ngược lại như thể muốn dò xét thì vị lão niên nhoẻn miệng cười tươi tắn và đáp: - Nơi này nguyên chỉ có mỗi mình lão phu tìm đến để đọc sách cho khuây khỏa, vậy nếu lão phu không phải hỏi bé con vừa mới đến thì là ai vào đây? Còn ta là ai, thì có nói ra dẫu bé con không tin thì chỉ là vô ích thôi! Có phải thế không, bé con? Chỉ biết là... lão phu không làm hại gì bé con là được rồi! Văn Đức Chính ngẫm nghĩ thật nhanh lời nói của vị lão niên, và thấy vị lão niên đã nói không sai! Nếu lão ta cố tình che giấu thân phận bằng cách nêu lên một danh xưng bất kỳ nào đó thì Văn Đức Chính cũng vô phương kiểm chứng. Và dẫu lão ta có nói đúng tên tuổi của lão thì nếu Văn Đức Chính không thể nào biết là không đúng thì cũng chẳng có thể kiểm chứng và như thế cũng đúng là vô ích thật. Do nghĩ thế, nên Văn Đức Chính vội vàng hoành tay thủ lễ và nói: - Bá bá nói đúng! Tiểu sinh là Văn Đức Chính, cam bề thất lễ, bá bá tha thứ cho! Vị lão niên thư sinh gật đầu, vừa như tha thứ cho Văn Đức Chính, vừa như khen Văn Đức Chính còn bé mà đã biết giữ gìn lễ nghĩa đối với bậc trưởng thượng dù là hai bên còn xa lạ. Vị lão niên nói: - Chớ quá thủ lễ! Thế nào? Có việc gì mà tiểu thiếu hiệp xem chừng như sợ hãi quá vậy? Được vị lão niên thư sinh gọi chàng là tiểu thiếu hiệp, Văn Đức Chính phổng mũi, đâm ra thêm kính nể vị lão niên, nên nhanh nhẩu đáp: - Bá bá biết không, đây là việc của giới giang hồ, tiểu sinh thì không phải nói rồi, chỉ e cho bá bá một là không thích nghe, hai nữa là nghe xong thì liên lụy đến bá bá nên... - Không sao! Dù lão phu là người đọc sách nhưng cũng phải cần hiểu biết đến những việc bên ngoài. Có thể mới không uổng công đèn sách chứ. Còn vấn đề liên lụy thì... nếu đã đến số chết, thì trên đời này có mấy ai mà tránh được. Nào, nói nghe xem nào! Cảm phục lão niên tuy là văn nhân bạc nhược, nhưng can trường không kém gì những trang nam tử hán đang độ hoa niên nên Văn Đức Chính bèn nói: - Nguyên là thế này. — đằng kia đang có một bọn người đang giao chiến. Một bên là bọn người Nhất Thiên Bang đang tuân theo mệnh lệnh vị bang chủ của chúng ngăn cản tất cả mọi người không cho xuôi nam. - Không cho xuôi nam? Sao bọn... bọn nào đó ngang ngược quá vậy? Còn đối thủ của họ là ai? Tiểu thiếu hiệp có biết không? Xem chừng vị lão niên này không chút sợ hãi khi nghe nói đến việc đụng độ của bọn giang hồ võ biền. Vì thế Văn Đức Chính nói tiếp: - Đầu tiên là hai tay đại kiếm khách có tên là Quan Hữu Sang và Triện Cân. À, họ còn có danh hiệu là Hoa Sơn song kiệt. - Hoa Sơn song kiệt à? Thế rồi sao nữa? - Bọn bên kia đông người hơn, nhưng chỉ có một tên đầu lãnh có biệt hiệu là Phiên thiên nhất chưởng, xuất trận chỉ sau một chiêu thì Quan Hữu Sang đã phải thua trận. Kế đó, bọn Nhất Thiên Bang định ra tay giết luôn cả hai thì có một vị cứu tinh xuất hiện. Đây là một trang hào kiệt, tuy cũng có dáng dấp bên ngoài là một nho sinh văn nhã. Chàng ta có danh hiệu là Bạch phiến thư sinh Hàn Nhược Thuyên. - Hàn Nhược Thuyên? Tiểu thiếu hiệp biết rõ danh tự từng người như thế kia à? Do được nghiêm huấn từ tấm bé, Văn Đức Chính nào dám khoa trương, khoác lác, do đó nó cứ thật tình đáp: - Ngoài Bạch phiến thư sinh Hàn Nhược Thuyên tiểu sinh biết từ trước ra, còn kỳ dư là do tiểu sinh nghe lóm được mà thôi. Chưa hết đâu bá bá, tên Phiên thiên nhất chưởng đó còn dương dương tự đắc khoe là đệ tử chân truyền của Thủ thiết chưởng phi nào đó nữa. Không ngờ vừa khoe khoang xong thì vị nhân huynh họ Hàn liền xuất hiện. ‘i chà! Chỉ trong nháy mắt, Hàn Nhược Thuyên nhân huynh đã đánh ngã một loạt hơn tám, chín người Nhất Thiên Bang. Kế đó, Hàn nhân huynh chuẩn bị động thủ với tên Phiên thiên nhất chưởng... Vị lão niên chỉ mỉm cười khi nghe Văn Đức Chính huyên thuyên nói một hơi dài. Chỉ đến khi nó nói đến đây, vị lão niên mới ngắt lời nó và nôn nóng hỏi: - Thế hai người động thủ ra sao? Văn Đức Chính đỏ bừng mặt, đáp ấp úng: - Tiểu sinh... tiểu sinh vì có... vì có việc bên mình nên... nên không dám ở lâu hơn. Vì thế... vì thế kết quả thế nào thì tiểu sinh cũng không rõ. Vị lão niên nhẹ buông tiếng thở dài và trầm ngâm một lúc. Sau đó, vị lão niên văn nhân thư sinh nhớ ra liền hỏi: - Tiểu thiếu hiệp đã quen biết Hàn Nhược Thuyên trong trường hợp nào? Không chút ngần ngừ, Văn Đức Chính liền đem tự sự đầu đuôi kể ra cho vị lão niên nghe. Tuy nó vẫn nghĩ rằng vị lão niên dù có nghe cũng không hiểu được, và nó cũng tin rằng vị lão niên chỉ muốn hỏi cho biết đôi chút ngoài những điều đã đọc trong sách thánh hiền ra mà thôi. Do đó, Văn Đức Chính lượt thuật qua về sự đụng độ giữa hai cao đồ của hai bậc kỳ nhân đương đại là Liễu Hà Như, ái đồ của Âm phong tán nhân và Hàn Nhược Thuyên là con và là truyền nhân của Chưởng trung thư tán nhân. Nhân đó Văn Đức Chính cũng nói thêm: - Ngũ kỳ tán nhân năm người, trước sau tiểu sinh đã lần lượt gặp mắt được ba vị. Và bá bá biết không, ba vị tán nhân tiểu sinh đã gặp đều là khách khanh của Nhất Thiên Bang cả! Ngoài vị Chưởng trung thư tán nhân mà theo tiểu sinh biết là thuộc chính phái và vị đứng đầu Ngũ kỳ tán nhân mà tiểu sinh chưa biết rõ ra thì không ngờ ba vị tán nhân kia đều đang tâm phò trợ cho kẻ ác nhân là bang chủ Nhất Thiên Bang cả. Đúng là đạo cao một thước mà ma cao đến cả trượng. Gật đầu, vị lão niên văn nhân mỉm cười hỏi: - Té ra tiểu thiếu hiệp đã có dịp gặp gỡ với ba vị tán nhân kia à? Thế tiểu thiếu hiệp nhận xét thế nào về cả ba vị tán nhân đó? - Âm phong tán nhân thì dường như đã cam tâm khuất phục bang chủ Nhất Thiên Bang, Độc tửu tán nhân và Hoa điểm tán nhân thì lại ngấm ngầm bất phục, nhưng ngoài mặt thì không dám ra mặt chống đối với Nhất Thiên Bang như vị tán nhân Chưởng trung thư. Và cũng bởi vì thế nên tiểu sinh đã tìm mọi cách ly khai hẳn hai vị tán nhân này, nhất là khi Độc tửu tán nhân khăng khăng muốn thu nạp tiểu sinh làm đệ tử của lão... Nghe đến đây, vị lão nhân văn nhân dường như có vẻ để ý và nhìn lại Văn Đức Chính bằng cái nhìn quan sát tỉ mỉ. Thấy thế, Văn Đức Chính buộc phải ngưng lời và ngạc nhiên theo dõi nét mặt của vị lão niên văn nhân. Sau một lúc quan sát, sắc diện của vị lão niên càng lúc lão niên càng lúc càng biến đổi do quá kinh ngạc. Thật lâu sau đó, vị lão niên nói như muốn nói cho chính lão nghe thì đúng hơn: - Tỏa cân phong mạch đại thủ pháp! Sao lão Bạch lại làm thế? Chẳng khác nào lão Bạch đã hủy đi một tinh hoa của đất trời. Sao lạ vậy? Hay là lão Bạch đã thật sự biến tánh? Văn Đức Chính hồ nghi hỏi: - Bá bá lẩm bẩm gì thế? Ai là lão Bạch? Biến tánh là sao? Thở một hơi dài, vị lão niên không đáp mà lại nói sang vấn đề khác, cấp bách hơn đối với Văn Đức Chính: - Tiểu thiếu hiệp! Gặp nhau đây mà lão phu không giúp ích gì được cho tiểu thiếu hiệp. Thôi, tiểu thiếu hiệp có việc bận bên mình, lão phu không dám lưu tiểu thiếu hiệp lâu hơn. Nếu sau này có cơ duyên gặp lại, lão phu hy vọng sẽ làm được điều gì đó cho tiểu thiếu hiệp, để bù đắp lại sự khiếm khuyết ngày hôm nay. Tiểu thiếu hiệp đi đi, trời cũng đã trưa rồi. Không ngờ đang hàn huyên vui vẻ, vị lão niên văn nhân lại hạ lệnh trục khách. Văn Đức Chính có hơi bàng hoàng, nhưng nghĩ lại, nó đành gật đầu, vòng tay lại chào bái biệt vị lão niên văn nhân: - Bá bá ở lại, tiểu sinh đi đây! Nói xong, Văn Đức Chính vòng qua sau lưng vị lão niên văn nhân và bước theo con đường lổn ngổn đá, đi sâu vào rừng thẳm núi cao. Quên cả hỏi thăm vị lão niên đường đến Thiếu thất sơn. Nhìn Văn Đức Chính, một đứa bé, một thân chơ vơ lầm lũi đi về phương trời vô định mịt mù. Vị lão niên không khỏi sinh lòng cảm khái, ngồi trầm ngâm nghị ngợi một lúc lâu... Khoảng chừng một khắc thời gian sau đó, vị lão niên mới lẩm nhẩm thành tiếng: - Đạo cao một thước, ma cao một trượng. Lão Bạch ạ! Lão đã biến tánh thật rồi sao, lão Bạch? Liền ngay lúc đó, có tiếng khẽ khàng vang vào tai lão niên, loãng dần vào vùng không gian hoang vắng: - Phụ thân! Có điều gì khiến cho phụ thân phải xúc động thế? Quay thân lại, vị lão niên nói với trang thư sinh anh dũng tay cầm quạt trắng đang cung thân đứng hầu: - Nhược Thuyên! Trọng trách giang hồ bây giờ hầu như chỉ mỗi mình con gánh vác. Con có thấy nặng nề lắm không con? Thì ra đây là phụ tử Hàn gia, Chưởng trung thư tán nhân Hàn lão, một trong Ngũ kỳ tán nhân danh cao vọng trọng trong thiên hạ lúc bấy giờ. Hàn Nhược Thuyên bỗng dưng nghe phụ thân nói thế, liền kinh ngạc hỏi: - Sao chỉ còn mỗi một mình hài nhi, phụ thân? Thế còn Bạch thúc thúc Hoa điểm tán nhân thì sao? Và nếu hài nhi tìm được hạ lạc của Cầm đại bá thì không phải chúng ta đã có đủ lực lượng hùng hậu rồi sao, phụ thân? Chưởng trung thư tán nhân Hàn lão liền lắc đầu nói: - Mới vừa rồi đây ta đã gặp được một đứa bé, tên là Văn Đức Chính, có nói rằng đã từng quen biết con. - Văn Đức Chính? Y đâu rồi? - Hừm! Vậy là Văn Đức Chính không nói sai. Quả nhiên là y đã gặp con. Con có biết y nói thế nào không? ạch thúc thúc con tuy ngấm ngầm bất phục bang chủ Nhất Thiên Bang, nhưng vừa rồi Bạch thúc thúc con không hiểu vì sao lại thi triển Tỏa cân phong mạch đại thủ pháp, phong bế toàn bộ kinh mạch của Văn Đức Chính, khiến cho Văn Đức Chính sau này dù có gặp minh sư đi nữa, thì vẫn phải vô phương luyện công được. Con nghĩ xem thế là thế nào? Liệu gia gia còn tin tưởng được ở Bạch thúc thúc con không chứ? - Phong bế kinh mạch ư? Phụ thân, hay đây là việc làm bất đắc dĩ của Bạch thúc thúc? Và sau này Bạch thúc thúc sẽ giải khai nếu có điều kiện thuận tiện thì sao? Chưởng trung thư tán nhân Hàn lão lắc đầu cười gượng đáp: - Bạch thúc thúc con chỉ biết thi triển mà không thể giải khai được thủ pháp thượng thừa này, con có hiểu không? - Như thế có nghĩa là... - Có nghĩa là nếu Văn Đức Chính không có cơ duyên gặp chính người đã truyền dạy Tỏa cân phong mạch đại thủ pháp cho Bạch thúc thúc con, thì suốt đời Văn Đức Chính đừng trông mong gỉ luyện được võ công. Và như thế là phí phạm đi một kỳ hoa tuyệt thế. - Phụ thân, nếu hài nhi biết Văn Đức Chính là một kỳ tài thì ngày trước hài nhi đã đưa y về gặp phụ thân rồi, và sự tình đâu có xảy ra như vậy. Ngẩng mặt nhìn trời, Chưởng trung thư tán nhân than thở: - Cơ trời xoay chuyển làm sao chúng ta có thể lường trước được. Không riêng gì con, ta e trên võ lâm bây giờ không ai ngoài ta có thể nhìn được cốt cách tân kỳ tuyệt mỹ của Văn Đức Chính. Kinh mạch toàn thân Văn Đức Chính được sách cổ gọi là Tiềm long ẩn tướng. Nếu theo đường hoạn lộ thì Văn Đức Chính sẽ là bậc thiên tử, còn nếu theo con đường võ học thì y sẽ là một đại kỳ nhân, kỳ nhân của mọi kỳ nhân. Tiếc thay! Tiếc thay! Tiếc ngẩn tiếc ngơ, Bạch phiến thư sinh Hàn Nhược Thuyên thở dài đánh sượt, và chàng ta cũng thầm oán trách Bạch thúc thúc của chàng là Họa điểm Lan hoa phất huyệt thủ tán nhân sao nỡ tuyệt đường tiến thân của một đóa kỳ hoa võ lâm... Cả hai, Chưởng trung thư tán nhân và Hàn Nhược Thuyên đều lắng đọng tâm tư, ngẫm nghĩ theo mạch suy tư của mỗi người, không buồn trò chuyện với nhau nữa. x X x Nhắc lại, Văn Đức Chính sau khi cáo biết vị lão niên văn nhân và bỏ đi theo con đường lổn ngổn đá. Đường đá chông chênh càng lúc càng khó đi, đã mấy lần Văn Đức Chính toan quay lại, tìm đường khác bằng phẳng dễ đi hơn nhưng nghĩ đến sư đồ tên bang chủ Nhất Thiên Bang và toàn thể nhân số thuộc hạ Nhất Thiên Bang đang truy lùng nó, là người đã lẻn bước vào Âm dương động nghe được mưu đồ thầm kín của họ, thì Văn Đức Chính bắt rùng mình sợ hãi. Do đó, nó cố nén mệt nhọc, len lỏi qua từng kẽ đá, qua từng lùm cây gai góc chắng ngang đường, tiếp tục đi vào sâu hơn. Mãi miết đi cho đến lúc trời sập tối, Văn Đức Chính phần vì mỏi mệt, phần vì đói khát nên mắt hoa lên, không còn rõ đường đi nữa. Do đó, thay vì Văn Đức Chính tiếp tục men theo lối mòn thì nó đã vô tình đi sâu vào một động thất tối tăm sau khi đã đưa tay vẹt một lùm cây dại tương đối thưa thớt hơn là cánh cửa thiên nhiên dẫn vào động thất. Đến lúc nhớ lại vì địa hình tương đối đã phẳng phiu hơn lúc trước và do bóng tối dày đặc phủ kín, mà lúc mới tiến vào Văn Đức Chính đã ngỡ đấy là do trời đã vào đêm, Văn Đức Chính kinh hoảng, phải vội vàng quay đầu chạy trở lui. Tiếng chân của nó gõ xuống nền động vang lên ầm ầm đuổi theo phía sau khiến nó càng cuống cuồng hơn nữa. Càng luống cuống, càng hãi sợ thì Văn Đức Chính càng chạy nhanh hơn và chạy loạn xạ. Hễ thấy có đường đi lối rẽ là nó lao bổ chạy vào. Chạy một lúc đã lâu mà sao sao nó thấy nó vẫn còn ở trong lòng động thất, chưa ra đến được bên ngoài. Đến lúc này nó mới thật sự thất kinh hồn vía, nhưng vẫn còn đủ tĩnh táo để biết rằng do lúc vào đã vô tâm không để ý kỹ lối đi, nên bây giờ nó đã lạc lõng giữa những lối đi chằng chịt trong lòng động đá, vô phương tìm được lối trở ra. Không giống như lúc ở Tịnh thân động của Âm dương song lão quái hiệp, lúc đó, Văn Đức Chính cũng một thân một mình giữa hai bộ hài cốt, nhưng nhờ có ánh sáng mờ mờ của viên ngọc và nhờ vào không gian nhỏ bé nên nó không sợ hãi bằng bây giờ. Động thất rộng lớn, tối tăm, và muôn ngàn lối đi rối rắm, chằng chịt, chẳng khác nào một mê hồn trận. Hồn xiêu, phách lạc, Văn Đức Chính thẫn thờ bước đi như người mộng du. Cứ đi mãi mà không cần định hướng nữa. Đi được năm, ba trượng, theo hơi gió lạnh đưa vào từ mé tả, thì nó lại rẽ qua mé tả, hoặc hơi gió xuất phát từ phía hữu thì nó quành qua mé hữu... Đi đến lúc đã chồn chân, thì mắt đã nặng trĩu vì buồn ngủ. Văn Đức Chính cố thêm một lúc nữa và ngã tựa người vào một nơi khuất gió nhất trong lòng động đá ngủ mê mệt. Không biết có phải vì đã trải qua một thời gian dài đi đi lại lại không tìm được lối ra hay không, mà trong giấc nồng, Văn Đức Chính mơ hồ cảm nhận thấy nó đang là là bay đi lung tung trong lòng động thất tối đen, cũng rẽ tả, cũng quanh hữu và cuối cùng cũng gặp tình cảnh bế tắc trong lòng động. Bất chợt, Văn Đức Chính đang trong giấc ngủ say lại nghe trong người nóng bức, khó chịu. Hơi thở nó dồn dập, hỗn hễn, mồ hôi tươm đầy ướt đẫm y phục nó, khiến nó phải quẫy đạp lung tung. Mơ hồ, trong tai Văn Đức Chính nghe có tiếng người nói như vỗ về, trấn an: - Yên nào, hài tử! Không hiểu có phải là vì lời nói dịu dàng này hay không mà Văn Đức Chính cảm nhận thấy trong người hoàn toàn khỏe khoắn và nó lại tiếp tục ngủ vùi... Cũng vẫn trong lúc ngủ, trong người Văn Đức Chính bắt đầu phát sinh một luồng lãnh khí. Lạnh, lạnh từ trong xương tủy lạnh ra, lạnh đến cóng người. Văn Đức Chính theo phản ứng tự nhiên bắt buộc phải co rút toàn thân lại, chống chọi với cái lạnh buốt người. Lần này, trong tai nó nghe có tiếng người kinh ngạc kêu lên nho nhỏ: - Sao lạ thế này? Âm hàn từ đầu phát sinh thế nhỉ? Lạ quá? Và cứ co rút toàn thân, Văn Đức Chính vẫn tiếp tục ngủ say, mệt nhọc. Cho đến khi tỉnh giấc, Văn Đức Chính mới biết rằng những lời tai nó đã nghe, và những cảm giác nóng lạnh mà tri giác nó ghi nhận được trong lúc ngủ đều là sự thật hiển nhiên, chứ không phải là giấc chiêm bao, mộng mị. Vì vừa mở mắt, cảm nhận đầu tiên của nó là nó đang nằm trong một động thất nhỏ, ấm áp và có luồng ánh sáng dìu dịu tỏa ra từ một viên ngọc, không khác nào ở Tịnh thân động lúc trước. Nhưng khác hẳn ở Tịnh thân động là ở nơi đây không có bộ hài cốt nào cả. Trái lại có một đạo nhân râu tóc bạc phơ đang hiền hòa nhìn vào nó. Vẫn nằm yên, Văn Đức Chính tròn mắt ngắm nhìn trả lại lão đạo nhân với cái nhìn nhiều ý nghĩa: sợ hãi, kinh ngạc, dò xét, thoạt mừng, thoạt lo ngổn ngang trăm mối... Cuối cùng, lão đạo nhân phải lên tiếng trước: - Hài tử cứ yên tâm! Bần đạo không làm gì con đâu. Thế nào? Hài tử ngủ có ngon không? Văn Đức Chính lồm cồm đứng dậy, dáo dác ngó quanh lòng động một lần nữa, đoạn quay lại nhìn lão đạo, ngờ vực hỏi: - Vậy là lúc tiểu bối ngủ, những lời nói lọt vào tai tiểu bối là do đạo trưởng nói ư? Đây là đâu? Còn cái hang động tối tăm có trăm ngàn lối đi mà tiểu bối đã lang thang suốt đêm qua đâu rồi? Lão đạo nhân mỉm cười hiền hòa nhìn nó đáp: - Chúng ta vẫn còn đang ở trong lòng hang động rối rắm đó thôi hài tử. Nhưng hài tử cứ yên tâm, đã có bần đạo ở đây với hài tử thì không việc gì phải lo. Đến lúc nào hài tử muốn ra đi, bần đạo sẽ chỉ đường cho đi, đừng sợ nữa. Ngạc nhiên, Văn Đức Chính bèn hỏi: - Nói vậy là đạo trưởng đang cư ngụ tại đây? Sao đạo trưởng lại chọn nơi này làm chốn ẩn thân? - Có gì mà không được? Chẳng lẽ một đạo nhân như bần đạo lại phải cần đến một đạo am thì mới thanh tu được sao? Huống chi Hỗn nguyên loạn động này có ai dám đến mà bần đạo sợ quấy rầy sự thanh tu chứ? - Hỗn nguyên loạn động! Quả đúng là sự hỗn độn nguyên sơ thuở đất trời còn tối tăm mù mịt. nhưng bằng cách nào đạo trưởng tìm được đến đây? Hay là ai đó đã chỉ vẽ đường đi lối lại cho đạo trưởng? Lão đạo nhân không đáp, chỉ mỉm cười hỏi lại: - Việc đó bần đạo sẽ giải thích sau. Còn bây giờ hài tử hãy nói đi. Hài tử là ai? Có lai lịch thế nào? Đã gặp những việc gì? Và sao lại phải chạy lạc vào đây? Văn Đức Chính không khỏi do dự khi nghe đạo nhân hỏi thế. Sau khi đã suy nghĩ kỹ, nó đáp: - Tiểu bối là Văn Đức Chính. Song thân đã mất từ lúc ấu thơ. Trải qua bao năm dài, tiểu bối luân lạc mong tìm được minh sư để thọ giáo võ công, thì tiểu bối đã gặp nhiều cảnh ngộ khó có thể bằng đôi ba lời tiểu bối nói hết được. Cũng như việc tiểu bối lạc bước vào Hỗn nguyên loạn động này là một trường hợp cụ thể. Bắt gặp cái nhìn khuyến khích đầy ắp tình thương của lão đạo trưởng, Văn Đức Chính không kềm được ước muốn trút hết ra bao nỗi niềm cay đắng, dãi dầu đã gặp. Nên tuần tự Văn Đức Chính thuật lại tỉ mỉ từ khi đặt chân bước vào một phân đà của Nhất Thiên Bang cho đến tận bây giờ. Riêng có việc Văn Đức Chính đã học thuộc Lưỡng nghi chân quyết tam thức là Văn Đức Chính làm lơ, bỏ qua không nhắc đến mà thôi. Nghe Văn Đức Chính nói xong, lão đạo nhân hết gật đầu lại lắc đầu, đoạn từ tốn nói: - Hóa ra hài tử đã gặp phải không ít điều cay đắng. Nhưng hài tử đã được hóa công ân tứ ban thọ cho nhiều may mắn, hài tử có biết không? - May mắn? - Ừ! Và Họa điểm tán nhân đã có công gìn giữ mạng sống cho hài tử ít ra là hai lần. †t hẳn điều này hài tử không thể nào đoán biết được, phải thế không? - Họa điểm tán nhân đã cứu mạng tiểu bối ư? Khi nào? - Ừ! Có nhiều điều hài tử còn không thể biết được, kể cả những điều liên quan đến bản thân hài tử, mà ngoài hài tử ra, chỉ có mỗi mìng bần đạo đoán biết được mà thôi. - Đạo trưởng biết được ư? Đạo trưởng là thần nhân hay sao mà điều gì đạo trưởng cũng biết, mặc dù đạo trưởng chỉ mới gặp tiểu bối đây thôi? Lão đạo nhân mỉm cười, khiêm tốn nói: - Tuy bần đạo không dám tự hào là Vạn sự thông nhưng qua kinh nghiệm giang hồ đã nhiều, đọc đã trăm ngàn sách cổ thì việc ức đoán mọi điều qua vài chi tiếc vụn vặt cũng có thể tạm gọi là đúng hoặc không sai với sự thực là bao nhiêu dù không nhìn được tận mắt. Lần này là lần thứ hai, Văn Đức Chính đã gặp được một người dù tuổi đã cao, nhưng lại dễ dàng cởi mở trong chuyện trò. Lần trước là gặp vị lão niên văn nhân còn bây giờ là một lão đạo nhân. Càng nói chuyện lâu chừng nào, thì Văn Đức Chính càng thấy sinh thêm niềm kính phục. Bất giác, Văn Đức Chính hỏi vị lão đạo nhân: - Đạo trưởng là nhân vật giang hồ? Bắt gặp cái gật đầu thay lời đáp của lão đạo nhân, Văn Đức Chính hỏi tiếp: - Đạo trưởng có võ công thật sự ư? Lại gật đầu. - Võ công của đạo trưởng cao hơn Ngũ kỳ tán nhân không? Gật đầu. - So với bang chủ Nhất Thiên Bang thì thế nào? Gật đầu. - Nghĩa là cao hơn? Gật đầu. - Cao hơn Âm dương song lão quái hiệp? Lần này lão đạo nhân không gật đầu, mà lại hỏi: - Hài tử cần gì mà phải hỏi như thế? Đến bây giờ, Văn Đức Chính mới sụp người xuống trước mặt lão nhân, khấn cầu: - Đạo trưởng! xin hãy rộng lượng thu nạp tiểu bối làm đồ đệ. Hài nhi muốn được bái đạo trưởng làm sư phụ. Đồ nhi khẩn thiết van nài sư phụ rộng dung. Còn đang theo dõi sắc mặt của lão đạo nhân, Văn Đức Chính chỉ thấy chòm râu bạc của đạo nhân khẽ lung lay theo bàn tay tả của lão đạo nhân đang khe khẽ vẫy, thì liền có một luồng lực đạo xô nhẹ về phía nó, khiến nó không cưỡng nổi phải đứng ngay người lên. Đồng thời đã nghe lão đạo nhân nói: - Hài tử! Có một điều bần đạo không thể không nói đó là tuy bần đạo cũng muốn thu nạp hài tử làm truyền nhân, nhưng bần đạo vô phương hoá giải được hai luồng kình lực cương nhu đang cùng lúc hiện hữu trong châu thân hài tử. Và điều đó có nghĩa là bần đạo khó có thể đào tạo một cao đồ đúng như ước muốn của hài tử được đâu. - Kình lực? Hai luồng kình lực gì đang ở trong người hài nhi? Để Văn Đức Chính hiểu thấu đáo hơn, lão đạo nhân liền giải thích... Thì ra do cơ may ngẫu nhiên, Văn Đức Chính đã liên tiếp hai phen gặp kỳ ngộ, mà dù chỉ một lần kỳ ngộ thôi cũng đủ làm cho toàn thể nhân vật trên giang hồ phải ganh tỵ. Đó là thiên niên chu quả, một loại quả hiếm được linh khí của trời đất ngẫu hợp tạo thành, ngàn năm khó gặp và là loại chí dương trong các loài dương quả. Người nào may mắn phục được thiên niên chu quả sẽ có một nội lực tương đương với công phu tu luyện gần hai giáp tý và đương nhiên đây là loại cương kình cực kỳ dũng mãnh, hùng hậu. Còn nữa, Văn Đức Chính lại vô tình nuốt được nội đơn hơn ngàn năm tu luyện của con Độc giác long vương. Điều này đến bây giờ Văn Đức Chính mới biết được, lại được huyết của con Độc giác long vương làm dẫn dược, khiến cho trong nội thể của Văn Đức Chính có chứa hơn trăm năm công lực thuộc loại âm hàn vào hạng chí âm... Chính bởi điều này sẽ gây trở ngại không ít cho Văn Đức Chính vì nếu chỉ luyện tập một loại võ công nhất định, hoặc âm nhu, hoặc cương dương. Vì như thế, Văn Đức Chính không thể phát huy hết mọi nội lực tàng ẩn trong người, dù là dương kình hoặc âm kình. Bởi một nguyên nhân rất dễ hiểu. Thí dụ như, Văn Đức Chính tập luyện công phu vận khởi và xuất phát dương kình, thì Văn Đức Chính không thể nào phát dương kình với toàn bộ nội lực gần một trăm hai mươi năm công lực do thiên niên chu quả tạo ra. Vì Văn Đức Chính còn phải lưu lại khoảng một nửa nội kình dương cương, để hộ vệ tâm mạch không cho luồng nội kình chí âm dâng lên công phá kinh mạch toàn thân. Và như thế, chẳng khác nào uổng phí đi công năng kỳ diệu của thiên niên chu quả ư? Nếu Văn Đức Chính khinh suất, phát huy toàn bộ công lực trong người... (thiếu 2 trang) ... Phần thì mừng vì khi không Văn Đức Chính lại có sẵn hai loại nội lực không ai sánh bằng, khỏi phải tu luyện lâu la. Phần thì ái ngại khi biết nó chỉ dùng được một trong hai loại kình lực, mà lại chỉ vận dụng được hơn một nửa mà thôi, nếu nó không muốn chết. Do đó, Văn Đức Chính không buồn hỏi đến sự liên quan giữa đạo trưởng và Họa điểm tán nhân. Nếu không liên quan thì tại làm sao Họa điểm tán nhân lại biết được thủ pháp Tỏa cân gì đó của lão đạo nhân mà sử dụng? Đắn đo một lúc, Văn Đức Chính lại hỏi: - Sáu mươi năm công lực. Vậy đã bằng một trong Ngũ kỳ tán nhân chưa? Biết Văn Đức Chính đã quyết lòng bái sư nên lão đạo nhân liền đáp: - Cầm, Kỳ, Thư, Tửu, Họa không ai có được sáu mươi năm công lực đâu. Nhưng so sánh như vậy là không đủ cơ sở. Bởi một cao thủ ngoài nội công thâm hậu ra, còn phải có một nền võ học tinh kỳ nữa. Nếu hài tử tiếp thu được toàn bộ chân truyền của bần đạo, thì việc đối kháng lại sư đồ bang chủ Nhất Thiên Bang không phải là điều không làm được. Trừ phi, phải, trừ phi bọn họ luyện được Lưỡng nghi tam thức, hợp chưởng có uy lực vô thượng của Âm dương song lão quái hiệp ngày trước. Thế là Văn Đức Chính một lần nữa quì xuống hành lễ bái lạy đúng nghi thức bái sư và nói: - Đồ nhi là Vũ Văn Đức Chính, xin khấu đầu ra mắt sư phụ? Chỉ một cái chống nhẹ tay xuống bệ đá làm ghế ngồi, lão đạo nhân đã là đà bay đến gần và đỡ Vũ Văn Đức Chính đứng dậy. Lão đạo nhân không khỏi sửng sốt khi hỏi: - Sao lại là Vũ Văn? Lại lịch của con thế nào? Còn Vũ Văn Đức Chính không khỏi bàng hoàng há hốc mồm ra khi nhận thấy lão đạo nhân tuy còn hai chi dưới, nhưng lại không động đậy gì được. Vùng người thoát khỏi vòng tay đỡ của lão đạo nhân, Vũ Văn Đức Chính phục người xuống, đụng tay vào hai chi dưới của lão đạo nhân và hỏi: - Sư phụ! Sao sư phụ lại bị thế này? Lão đạo nhân bỗng thốt cười lên vui vẻ. Một tràng cười sảng khoái như xua đi những u tối, bí ẩn còn tồn đọng giữa hai sư đồ. - Hoá ra giữa chúng ta còn nhiều điều phải làm sáng tỏ thêm, phải không đồ nhi? Ha ha ha...