Quan Âm tự, một chùa nhỏ, xinh xắn và yên tĩnh. Ngôi chùa tọa lạc tại giữa một khu vực khá phức tạp về an ninh trật tự của quận. Đúng như người xưa nói hoa sen mọc giữa bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Giữa sân chùa có tòa Quan Âm với hình tượng đức Quan Âm Nam Hải khoát áo trắng, tay cầm nhánh dương liễu và tay cầm tịnh bình, đứng trên một đóa sen hồng nở rộng, cao gần bằng một căn nhà. Kiến trúc chùa theo hình đôi bàn tay búp sen chắp lại cầu nguyện mà tòa Quan Âm trang trọng nằm giữa. Cả ngôi chùa này như một đóa sen tinh khiết vươn lên giữa một khu vực nổi tiếng phức tạp, trộm cắp, đâm chém, gái gú… của quận. Nhiều người lần đầu viếng cảnh chùa vẫn không hết ngạc nhiên là tại sao người ta lại xây chùa nơi này. Theo truyền khẩu thì nghe đâu, khi xưa đây chỉ là một tòa Niệm Phật đường nhỏ của một bà vốn bị chồng bỏ theo gái, phẫn chí tìm về đây lập cốc tu hành, và trước năm 1975, nơi đây cũng chỉ là những khu ruộng hoang mọc đầy cỏ lau lách. Cũng là vùng ranh giới giữa quốc gia – ban ngày, du kích cộng sản - ban đêm, với những tiếng sung tắc bọp xa xa vọng về, thỉnh thoảng là dăm ba tràng đạn lửa đỏ lừ rượt đuổi lẫn nhau trên đời và lâu lâu lại lóe lên những ánh sáng vàng vọt của trái sáng bắn lên treo lơ lửng giữa bầu trời đêm. Vùng giáp ranh, sống chết khó lường nên chẳng ai dám lai vãng. Thế rồi, sau giải phóng, ruộng hoang bị lấn dần, nhất là vào giữa những năm cuối thập niên 1980 khi công cuộc đổi mới của đất nước bắt đầu, xuất hiện những nhà máy, công trường, khu công nghiệp mọc lên như nấm và người dân tứ xứ khắp nơi đổ về, từ những túp lều mái lá mà nhà cửa được xây lên vội vã. Đầu tiên toàn bộ nơi đây vốn là khu nhà không số, phố không tên… rồi qua mấy lần quy hoạch, họp hội đồng nhân dân các cấp, người ta cũng cho số nhà lẫn tên đường, lập phường mới để chính quyền dễ quản lý. Tuy nhiên, cuộc sống nơi đây rất nhộn nhạo và chả mấy chốc đã trở thành một khu vực cực kỳ phức tạp, luôn luôn đứng đầu bảng về khu vực mất an ninh trật tự của quận. Và ngôi Niệm Phật đường nhỏ kia cũng phát triển theo thời gian trở thành một ngôi chùa nhỏ với cái tên Quan Âm tự. Từ một cái cốc mái lá năm nào, theo thời gian tôn tạo với sự trợ giúp của thiện nam tín nữ, lần hồi chùa cũng có nóc nhà ngói và sân lát gạch. Rồi tiếp theo, nhất là sau cái thời kỳ người ta đổ xô nhau vượt biên trốn ra nước ngoài, sống sót làm ăn phát đạt thì gợi nhớ về quê hương nhất chính là mái đình chùa đầy nhang khói trong tiếng chuông chiều nhiều kỷ niệm. Và nhờ tiền của một số tín đồ Việt kiều gửi về, đến nay Quan Âm tự đã trở thành một ngôi chùa nhỏ xinh, nhìn rất khang trang. Rất tiếc vị Ni sư chủ trì đầu nay không còn nữa, bà đã về cõi Phật và được các đệ tử thờ trang trọng ở gian hậu sau chùa với sự tôn vinh là vị tổ khai sơn ra chùa. Nét mặt hiền hậu bình thản với ánh mắt dịu dàng trong tấm ảnh nhìn các tín đồ mỗi khi đến thắp nhang cho bà. Liệu đây có phải là một người đã từng phẫn chí vì tình mà đi tu chăng hay chỉ là trò tán gẫu vốn có của thế gian? Xem ra bà chẳng cần đính chính hay thanh minh với thiên hạ làm gì. Cõi lòng của bà thanh tịnh lâu rồi, hơi đâu tranh cãi với miệng lưỡi bá tánh. Tội lỗi.
Con gái ông trùm tu tại đây từ nhỏ.
Lão đứng tần ngần ngắm ngôi chùa vốn lạ lại thành thân quen vì thỉnh thoảng sau này lão và vợ vẫn đến nơi này thăm con gái. Với vợ ông trùm thì còn là một công đôi chuyện, vừa thăm con gái cũng là vừa nhang khói khấn trời phật cầu phúc. Tòa sen Quan Âm và hình tượng của đức Nam Hải kia đứng giữa sân, sau mấy chục năm đứng ngoài trời mưa gió đã xuống cấp hư hỏng nặng và năm rồi nhà chùa phải mở đợt kêu gọi thiện nam tín nữ góp tiền sửa chùa. Cũng là một dịp thể hiện lòng thành với trời phật, mà cũng có thể để chứng tỏ mình là người có tiền – vợ lão tính bà ta vốn vậy, thích khoe khoang sự giàu có vốn trở thành bản chất của bà ta, hoặc cũng có thể muốn chứng tỏ với nhà chùa nhằm mục đích giúp đỡ cho con gái bà đang tu hành tại đây chăng, vì vậy vợ lão đã bỏ ra gần một trăm triệu đồng, thuê thợ ở Long Hải – Vũng Tàu làm hẳn một pho tượng Quan Âm mới thật đẹp, thật đồ sộ và chọn ngày lành tháng tốt để cúng chùa. Đấy chính là tòa Quan Âm Nam Hải hiện nay đang đứng trong chùa. Khỏi nói tiếng thơm đồn đãi đến như thế nào, và từ ấy vợ chồng ông trùm trở thành khách quý của chùa. Mỗi khi vợ chồng lão đến chùa, đều được các vị Ni ở đây tiếp đón rất chu đáo, niềm nở. Tiền, tiền có thể mua được tất cả, thậm chí cả chỗ tốt phúc phận nào đó trên cõi bao la mơ hồ thần thánh kia, ông trùm nhếch mép cười khẩy mỗi khi nghĩ đến chuyện này. Gần một trăm triệu đồng đối với người lao động nghèo, hẳn là số tiền trong mơ không bao giờ có được. Đối với ngôi chùa này quả cũng là một khoản tiền công đức phải mất nhiều năm gom góp của các tín đồ may ra mới được, nhưng với riêng vợ lão nó chẳng đáng là bao, bằng dăm ba chai nước hoa đắt tiền, hàng hiệu được ba ta mua tận bên trời tây về để dùng riêng cho khỏi đụng hàng. Khoe khoang, rất thích khoe khoang, luôn đeo trên người những món đồ nữ trang đắt tiền với những hột xoàn to gần bằng ngón tay, khó đoán nổi giá trị thật. Ăn mặc quần áo thật xịn, trị giá năm bảy triệu đồng một bộ và thay liên tục. Nhìn mụ vợ cả, ông trùm nhiều lúc đến chóng cả mặt và tự hỏi có bao giờ bà ta chịu ngắm kỹ cái tấm thân đẫy đà với ba vòng eo đều nhau mỗi khi trang điểm chưa. Đã thế lâu lâu bà ta còn tổ chức một đoàn từ thiện, lôi một lũ đàn em lẫn dăm ba nghệ sĩ háo danh, kéo nhau đi phân phát hàng hóa từ thiện ở đâu đó và mỗi khi về thì rất hể hả khi nghe chúng xun xoe tâng bốc là một phụ nữ giàu có nhân hậu. Nhiều lúc ông trùm lại thấy ngồ ngộ, kỳ kỳ, sau này lão không thèm quan tâm bởi nghiệm ra một điều, đàn bà người nào cũng vậy. Đám người tình nhăn nhít lẫn mấy con vợ bé của lão cũng vậy thôi, đứa nào cũng như đứa nào, luôn tranh thủ nắn bóp hầu bao của ông trùm từng đồng để chưng diện, sắm sửa, bài bạc. Thôi thì cứ cho mụ vợ lớn của lão được thỏa thích vung tay bố thí tiền bạc cho thiên hạ làm ba cái trò mèo từ thiện. Chẳng thấm thía vào đâu so với tiền tỷ hàng ngày đang chảy vào túi của ông trùm. Cũng tốt, bởi ông trùm được mang tiếng thơm, và dù gì cũng là vợ của ông trùm nên xài sang vậy cũng đáng. Ngoài ra đây cũng là vỏ bọc bề ngoài mà hiện nay ông trùm đang chủ trương làm. Cần tạo một hình ảnh tốt, thân thiện với mọi người bên ngoài, đấy chẳng phải là điều mà bao năm nay lão dày công tạo dựng hay say. Sau mấy năm phải trả giá nằm ở trại Thanh Hà để học tập cải tạo thì ông trùm nghiệm ra một điều rằng bề ngoài cũng rất quan trọng, cho nên từ đó lão cố tạo một hình ảnh bản thân trong con mắt chính quyền là một kẻ chí thú làm ăn, “về hưu” rồi, nay chỉ còn biết kinh doanh khách sạn kiếm đồng ra đồng vô hàng tháng. Ông trùm khoát áo vỏ bọc chữ Nhẫn, thế nên khi nghe tin một vài băng nhóm giang hồ tuyên bố lão “hết thời rồi” thì cũng chỉ cười khẩy. Việc ông trùm thỏa mãn thói vung vít tiền bạc của mụ vợ già để ít ra mụ không còn quấy rầy hay ghen tuông với lão nữa. Trước kia, mụ rất khổ vì ghen tuông. Có lẽ quá hiểu gã đàn ông đang gọi là chồng này, gái – luôn là sự yêu thích số một của lão ta và dường như một mặt nào đó nó còn thể hiện đẳng cấp quyền lực của một ông trùm trong thế giới xã hội đen đâm thuê chém mướn này thì phải. Lúc trẻ, mụ cũng ghen tuông chán chê, làm đủ trò nhằm giữ chồng nhưng đến nay mụ mệt mỏi vì hiểu rằng, làm như vậy chỉ tốn công phí sức. Thôi cho qua, nay mụ đã có nhiều niềm vui khác rồi. Là vậy, nên ông trùm sẵn sàng chiều những thú vui ném tiến qua cửa sổ của vợ, kệ, hiểu nhau vậy hóa hay hơn nhiều. Thật ra nói cho công bằng thì lão cũng thương vợ vì đây là người gắn bó với lão từ thuở hàn vi đến giờ và đây cũng là người vợ chính thức có cưới hỏi đàng hoàng, còn mấy con vợ hờ bé lớn sau này đa phần là lão cua kéo lấy.
Hồi ấy, nhà hai bên chung một con hẻm, vì thời trẻ nhìn mụ khá xinh xắn nên nhanh lọt vào mắt lão, thế là bà chị thương thằng em trai lêu lõng một lần nữa mang cau trầu đi hỏi vợ cho em. Một đám cưới nghèo không rình rang nhưng mà vui phải nói thật lòng là lúc ấy lão cũng thương yêu vợ nên sau này dù cho đàn bà qua tay lão nhiều không kể xiết nhưng người đàn bà có cưới xin này vẫn chiếm một vị trí quan trọng nhất trong lão, mặc dù, đến này nhìn thân hình xồ xề khét lẹt mùi phấn son lẫn lấp lánh nữ trang trên người mụ vợ già giống như một diễn viên đang diễn tuồng hơn người thường và khoản ấy thì, ôi thôi chịu thua. Cho nên sau này, là vợ chồng nhưng đôi lúc còn là bạn tâm giao giúp nhau cai quản việc làm ăn, cái quản cái quỹ tiền đen khổng lồ chảy vô chảy ra của lão. “Vượng phu ích tử”, đấy là lời phán láo toét của lão thầy bói mù sờ mu rùa trong căn nhà nhỏ xíu dưới chân Cầu Muối năm nào, té ra nay rất hiệu nghiệm. Lão thầy bói cho biết, cuộc đời làm ăn của lão sẽ lên như diều gặp gió, thuận lợi hết biết. Lúc ấy lão chỉ nhếch mép cười bởi không tin vào ba cái trò bói toán vớ vẩn, nay nhìn lại quả thấy đúng. Từ ngày lấy nhau “sự nghiệp” của ông trùm thăng vù vù, địa bàn mở rộng, đàn em quy phục đông và tiền vô như nước. Từ một ông trùm nhỏ, lão đã lên thành ông trùm có vai vế, đẳng cấp trong chốn giang hồ. Cũng chẳng biết bọn thầy bói láo toét nói thật hay giả, nhưng ngẫm lại cũng có điều đúng và đấy cũng là ưu điểm của mụ vợ già này mà ông trùm luôn thừa nhận. Kể ra cũng có giai đoạn bị gián đoạn, đó là giai đoạn sau giải phóng 1975 khi chính quyền Cách mạng về tiếp quản thành phố. Chính quyền này vốn không ưa bài bạc lẫn bọn giang hồ xã hội đen nên lão bị sờ gáy đầu tiên. Đành rút lui ngắm thời thế, tạm cho mụ vợ về quê làm “kinh tế mới” còn lão bám trụ lại Sài Gòn nghe ngóng thời thế và vẫn bí mật điều khiển mấy sòng bạc nhỏ để kiếm tiền sống. Nghĩ, lúc ấy lão cũng thấy thương vợ hơn. Từ ngày lấy nhau, mụ tối ngày chỉ biết lê la cờ bạc và xài tiền của lão đưa về bỗng phải chân lấm tay bùn lao động cải tạo làm người tốt, dù rằng đấy chỉ là cái trò che mắt thiên hạ, bởi mỗi khi ra ruộng mụ nhún nhẩy khều khều mấy cọng cỏ quá đại tiểu thư nhà giàu lần đầu tiên đi chân đất vậy. Sau mấy năm tình hình tạm êm, lão đưa vợ con về lại thành phố và mình khoác cái áo công nhân bốc xếp tại cảng Sài Gòn, cho đến khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới 1986 thì lão nhận thấy cơ hội làm ăn đã đến và bung ra “làm ăn”… Có thể nói đây là một khoảng thời gian huy hoàng nhất của ông trùm. Các băng nhóm giang hồ lớn nhỏ kéo nhau về quy phục dưới trướng, những tên giang hồ có máu mặt chống đối để rồi cuối cùng cũng bị thu phục. Bạn bè chiến hữu rải khắp thành phố, đi đâu cũng có kẻ gọi dạ bảo vâng. Tiền chảy vào túi như nước, thanh thế cao ngất trời. Có lẽ tiền vào nhiều quá, quyền lực nhiều quá, kẻ xu nịnh nhiều quá nên thành thử ông trùm chủ quan. Cứ tưởng mình đã trở thành “vua” không ngai, sẽ chẳng ai làm được gì mình. Ông trùm tính nhầm, chính quyền đã ra tay và lão phải trả giá đắng cay nhưng cũng cho nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Thời kỳ ấy mụ vợ già của ông trùm đã không tiếc tiền tung ra để mua chuộc các quan chức chính quyền nhằm cứu lão về, mụ chạy đôn chạy đáo khắp mọi nơi. Ngồi trong trại Thanh Hà, mọi việc làm của vợ con, lão đều hay biết hết và ứa nước mắt, phải chăng đấy chính là cái nghĩa vợ chồng. Còn đám vợ bé lẫn người tình, lúc ông trùm hùng mạnh thì chúng bám chặt ỏn thót, suốt ngày đòi tiền bạc, chiều chuộng khỏi chê, khi nghe lão bị chính quyền đưa đi cải tạo cho rằng lão đã bị sập hầm, đời tàn rồi nên chúng nhanh chóng biến sạch, đứa nào khá hơn gửi dăm ba giọt nước mặt sụt sịt lấy lệ và lảng dần. Duy nhất chỉ còn mụ vợ già của ông trùm là quan tâm lo lắng thực sự, thử hỏi như vậy thì làm sao mà lão không thương mụ cho được, dù bây giờ giữa hai vợ chồng chỉ còn là nghĩa tình chứ không phải là xác thịt. Vì thế sau khi ra trại về gầy dựng lại sự nghiệp thì lão giao toàn quyền cai quản tiền bạc của lão cho mụ vợ nắm giữ, điều phối, đầu tư… Hầu như không có chuyện gì lão giấu mụ, luôn coi mụ là một trợ thủ tốt để luôn chia sẽ mọi chuyện. Ông trùm cũng mặc kệ cho mụ gầy sòng tứ sắc và thu thêm tiền xâu hồ từ sòng tứ sắc này. Đấy là những khoản thu vặt vãnh so với khoản thu của ông trùm, nhưng lão để mặc cho mụ vợ làm coi như là kiếm thêm niềm vui. Bọn đàn em giang hồ muốn lấy lòng lão nên cũng tấp nập kéo đến sòng này chơi, mỗi khi thua chúng đưa thế luôn cho bà trùm những tài vật chúng cướp được, đa phận trị giá chưa bằng 1/10 giá thị trường. Thế rồi mụ ta còn chuyển sang hùn vốn với vợ mấy thằng đàn em đệ tử lão để tổ chức cho vay lấy lãi và mụ làm lão kinh ngạc bởi những món tiền nhom góp ấy cũng đã mua được một căn phố lầu trên đường Võ Văn Tần. Xưa nay ông trùm vẫn không coi vào đâu số tiền “riêng” của vợ thu gom được, nghĩ rằng mụ sẽ dùng vào phấn son hay trang trải đâu đó, nhưng việc mụ mua nhà thì quả ngoài sức tưởng tượng và lão phải thấy nể mụ. Có lẽ chuyện duy nhất là lão giấu vợ đó là chuyện đàn bà, kể ra thì cũng chẳng giấu để làm gì vì mụ vợ lão thừa biết cái thói “trăng hoa” này của lão và chấp nhận từ lâu rồi như những lần bà ta phải nhận nuôi con rơi của lão lẫn phải tiếp những con vợ hờ của ông trùm đến khóc lóc xin nhận chị lớn. Ba ta chai rồi, ông trùm biết, thế nhưng trong chuyện này dù sao cũng là đàn bà nên lão vẫn thấy khó nói, vì thế, lão giấu, ông trùm thoáng đỏ mặt khi nghĩ chuyện này và chợt phì cười, trời ơi mình vẫn còn biết đỏ mặt.