Khi Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi về cai quản Đại Võ Đài ở kinh đô, võ lâm trên giang hồ nô nức kéo về tụ hội, tất cả sôi nổi hẳn lên. Các anh hùng khắp nơi về đây tỉ thí, người xem đông như kiến cỏ. Có nhiều trận thư hùng, giao tranh vô cùng ngoạn mục. Thậm chí Mã Khởi đại hiệp phải vỗ đùi kêu lên:
“Bọn anh hùng mới xuất hiện tài giỏi thế kia, có lẽ thế hệ chúng ta phải vứt hết đao hết kiếm!’’
Lúc ấy, trong giang hồ người ta vẫn nói nhiều đến Tam Bảo Thiếu Gia đại hiệp và Phạm Thư Thư kỳ nữ đại hiệp. Tam Bảo Thiếu Gia đại hiệp là con nhà nòi, cũng học “Đại học võ đường” ra như bọn Trần Đăng Tài. Tam Bảo Thiếu Gia tìm được trong kho vũ khí ở nhà một thanh đại đao nặng ngót trăm cân như đao của Quan Vân Trường thuở trước. Thanh đao quý, mỗi khi mang vác ra ngoài ai cũng vì nể. Chỉ tiếc chưởng lực của Tam Bảo Thiếu Gia có hạn nên y chỉ vung ra được một nhát rồi thôi, sau này tự y biến mình thành một tên nha lại chạy cờ ở Đại Võ Đài, thật phí cho một sự nghiệp anh hùng. Tuy nhiên, y cũng đã làm cho võ lâm ở trên giang hồ biết thế nào là đao quý. Mỗi khi đao vung lên thì:
Thần khóc quỷ sầu,
Sống lưng đau sụn.
Đầu gối bủn rủn,
Va đập vào nhau.
Thắt lưng nhức mỏi,
Chóng mặt hoa đầu.
Đêm nằm nói mớ,
Hai mắt trũng sâu.
Nằm im thiêm thiếp,
Ăn nói lầu bầu.
Tinh, khí, thần, lực,
Hết sạch còn đâu? Phạm Thư Thư kỳ nữ đại hiệp là một nhân vật kỳ lạ. Thuở nhỏ, y đi du học, ra sức luyện tập võ công, vì thế kiếm pháp của y sắc sảo, độc đáo hơn người. Về nước, y được bảy tên lùn luôn luôn hầu hạ phục dịch xung quanh, coi y như thiên sứ trên giời sai xuống phàm trần.
Bảy tên lùn ấy là người thế nào?
Đấy chính là:
Tên thì Cau có,
Mặt khó đăm đăm.
Tên thì Khôn ngoan,
Săm săm sỉa sỉa.
Tên thì Ghen tị,
Lườm nguýt suốt ngày.
Tên thì Thơ ngây,
Còn đang đi học.
Tên Thi sĩ ngốc,
Toan tính nửa vời.
Tên thì Tay chơi,
Suốt ngày bốc phét.
Tên Giả Hào kiệt,
Đánh trống bỏ dùi.
Bảy tên như thể dở hơi,
Làm cho tan nát một đời tài hoa! Phạm Thư Thư đi đến đâu, bảy tên lùn hò reo tung hô đến đấy. Kiếm pháp của Phạm Thư Thư vô cùng ảo diệu. Y khuynh đảo ở trên giang hồ khoảng chừng 5 năm, ai cũng khen ngợi, xứng đáng được gọi là một đại cao thủ “thân kiếm hợp bích” hoàn hảo.
Một ngày kia, Phạm Thư Thư kỳ nữ đại hiệp bị bảy tên lùn bắt trói, bán cho bọn mọi ở ngoại bang, để lại rất nhiều thương tiếc cho võ lâm trên giang hồ. Cũng có lời đồn thổi rằng không phải chỉ bảy tên lùn mà có tới chín tên lùn đã làm việc đó. Cho đến nay, đấy cũng vẫn là một nghi án lưu truyền ở trong võ lâm.
Có thể nói, Đại Võ Đài ở kinh đô chưa bao giờ lại sôi nổi như thời Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi cai quản. Nghe đồn rằng thời đó cũng có một người đã từng tu luyện 10 năm ở trên núi quyết định hạ sơn. Tiếc rằng trong chính sử cũng như ngoại sử, không thấy ai ghi chép gì về người ấy.
Sau này Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi bị bọn địch thủ bày kế đánh đuổi ra khỏi Đại Võ Đài. Y phải chạy về Tây Nguyên dưỡng thương, mong muốn cải tổ môn phái Võ Đang Toàn Chân của y không thực hiện được, tuy nhiên tên tuổi của y vẫn còn lưu danh mãi mãi ở trên giang hồ, đáng cho hậu thế về sau học hỏi.
Đấy mới gọi là:
Thời thế đổi thay, giang hồ thay đổi,
Nương dâu bãi biển, chìm nổi anh hùng. Muốn xem trong võ lâm còn có những sự thay đổi gì nữa, hãy đọc tiếp chương 12.
[1]Thơ Nguyễn Bính
[2]Thơ Nguyễn Bính
[3]Thơ Nguyễn Bính