Trong võ lâm, anh hùng cái thế cũng nhiều nhưng cũng không ít bọn bắt gà, ăn trộm ngựa đôi khi cũng xen vào làm ảnh hưởng, mất uy tín võ lâm. Ở một vài tỉnh lẻ, bọn mãi võ bán thuốc cao đôi khi cũng vỗ ngực tự xưng là anh hùng cái thế, rõ thật buồn cười. Có bác thợ may lấy cái kéo cắt vải làm binh khí, sai thợ đục đá treo biển ở trước cửa nhà xưng danh “Đệ nhất kiếm thủ”. Lại có những cặp vợ chồng cặp cặp kè kè vào Nam ra Bắc, tự đắc huênh hoang, đi đâu cũng giảng giải về kiếm pháp, lại sai khắc ấn đá “Tài tử giai nhân” để lưu danh tên tuổi cho mình. Nực cười! Nực cười đến thế là cùng! Tuy nhiên, cũng có người chỉ mãi võ bán thuốc rong nhưng lại là một bậc anh hùng thực, cũng có những cặp vợ chồng mà cả hai đều là hào kiệt hẳn hoi.
Ngày ấy, có một bậc đại hiệp là Nguyễn Mạnh cũng đi mãi võ bán thuốc rong nhưng không phải là kẻ tầm thường. Vậy thế nào là mãi võ bán thuốc rong?
Đấy chính là:
Hai thúng hai đầu,
Trên vai đòn gánh.
Ngược ngược xuôi xuôi,
Chỏng chà chỏng chảnh.
Lang bạt kỳ hồ,
Một mình ăn mảnh.
Này là thuốc chữa rắn cắn
Thuốc giải cảm, thuốc đau đầu
Thuốc chữa hôi nách, thuốc chữa răng sâu
Thuốc chữa bệnh lậu, thuốc chữa đinh râu
Thuốc Tào Tháo đuổi, đỡ phải ngồi cầu
Ai yếu sinh lý, phòng the u sầu
Thuốc chữa quai bị
Thuốc cho bà bầu
Lòi dom, bạch tạng
Giun đũa móc câu
Thế gian bách bệnh
Hết sạch làu làu!
Một mình mãi võ,
Bến chợ, ga tàu.
Sớm khuya chẳng ngại,
Nắng mưa dãi dầu. Nguyễn Mạnh đi bán thuốc rong. Chưởng pháp của y lợi hại không thể coi thường. Thấy ở kinh đô quá nhiều anh hùng, y đi tuốt về phía Nam lập nghiệp. Y ra biển, đến cả những cù lao xa xăm.
Đấy cũng là bậc cao thủ của một thời.
Ở kinh thành có vợ chồng Lưu Tài Hoa đại hiệp và Quỳnh Nương Cô Cô nữ hiệp cũng là những người tài giỏi.
Hai vợ chồng ở trong một ngôi nhà chật. Khi luyện công, người nọ cứ phải nhường nhịn người kia. Cũng có nhiều lúc, cả hai vợ chồng đều cùng phối hợp luyện công.
Vậy thế nào là hai vợ chồng luyện công ở trong một ngôi nhà chật?
Này nhé:
Một vuông chiếu nhỏ,
Cùng duỗi song song.
Đêm khuya đèn tắt,
Bắt đầu luyện công.
Bình tâm tịnh khí,
Viên hầu thúc thân
Hai tay rờ rẫm,
Lúc xa lúc gần.
Thượng bộ giá đả
Chân cọ vào chân.
Suỷ thoái ngoạ chẩm
Loay hoay tụt quần.
Quỵ bộ định chẩu
Má đỏ hân hân.
Hầu tử quan trận
Cứ ấn dần dần.
Tẩu bộ trảo nhĩ
Bắt đầu lên gân.
Lúc lên lúc xuống,
Cuống cuồng dạng chân.
Phong quyền tả suý
Mắt trợn, mặt đần.
Mồ hôi lã chã,
Bắt đầu thu quân.
Vọt như tên bắn,
Nhũn cả toàn thân.
Hợp thập thủ thế [1]
Rút ra dần dần.
Miệng cười ngượng nghịu
Chan hoà ánh xuân! Thế mới gọi là:
Võ công chưởng pháp tài tình thế
Thực tâm hỷ lạc mới toàn chân! Hai vợ chồng Lưu Tài Hoa và Quỳnh Nữ Cô Cô cũng đáng gọi là anh hùng của một thuở. Chỉ tiếc họ đều chết trẻ. Nhưng thử hỏi ở trên đời, liệu có cặp tình nhân nào khi sinh lại khác ngày khác giờ mà khi chết lại cùng một ngày một giờ như họ? Âu cũng là một cái chết tuyệt đẹp, đáng ghi vào thiên tình sử của muôn đời sau. Đời của một người đi theo nghiệp võ, lúc vui buồn, lúc cay đắng, khi còn sức lực thì đuổi theo lý tưởng nghĩa hiệp phù du, mua vui cho thiên hạ, khi lâm nạn, ốm đau, bệnh tật thử hỏi nào ai biết đến hay không? Chua xót, thực là chua xót lắm thay! Thành danh đã vậy nhưng không thành danh thì cũng như cây lau cây sậy ngoài kia, sống không ai biết, chết chẳng ai hay, vô vị lắm, mủn nát cùng với năm tháng trôi đi vô cùng vô tận.
Một ngày kia, trên đường thiên lý, có một vị kiếm khách vô danh đi lên Nhã Nam. Trời nắng gắt, y rẽ vào quán nhỏ ven đường rồi ngồi gọi rượu thịt.
Chủ quán ra chào, hỏi y dùng gì. Y nói:
“Có cái gì ngon ngon mang ra đây hết!’’
Chủ quán mang ra ba cân thịt bò, một bình rượu nóng. Vị kiếm khách lơ đãng nhìn ra ngoài đường, thấy có mấy người khách vãng lai đang loay hoay mua lễ vật, vàng hương để mang đi đâu đó, ai cũng tự nguyện chân tình. Y hỏi:
“Các người mua sắm lễ vật vàng hương mang đi đâu vậy?’’
Chủ quán nói:
“Sư huynh ở xa đến chắc là không biết? Hôm nay là ngày mồng 9 tháng Tư, ngày giỗ của Yên Thế đại hiệp tiền bối. Cứ đến ngày này dân chúng ở khắp nơi lại kéo đến nhà ông ấy thắp hương tưởng nhớ.’’
Khách hỏi:
“Vị đại hiệp tiền bối ấy là người thế nào?’’
Chủ quán nói:
“Vốn quê ở tận thành Nam,
Nhà nghèo, sống cảnh cơ hàn tang thương.
Luyện công chẳng có võ đường,
Lều gianh xó chợ ngày thường vẫn qua.
Tâm ngay, tính thẳng thật thà,
Đồi quê cất một ngôi nhà luyện công.
Chưởng tung huyết lệ ròng ròng,
Giữ nguyên tiết tháo một lòng chẳng sai.’’
Khách thấy vậy lấy làm tò mò bèn cũng mua một ít lễ vật vàng hương đi theo mấy người kia đến ngôi nhà của vị đại hiệp tiền bối. Ngôi nhà giản dị ở trên một quả đồi, có vài cây khế, cây trám mọc hiu hắt. Y vào nhà, thấy tài sản chẳng có gì đáng giá nhưng phảng phất vẫn thấy tinh thần của người xưa rung động ở đâu đấy, rõ ràng không phải là hồn cốt của người tầm thường. Hỏi đến võ công của vị đại hiệp tiền bối thì chẳng ai biết gì nhiều. Ngay mấy đứa con cũng nói lăng nhăng đầu Ngô mình Sở, người thì bảo võ công cái thế phi thường, người thì bảo võ công cũng chẳng khác gì của mấy tay múa dao bán thịt ở chợ. Tuy nhiên, khi hỏi đến tính tình của vị đại hiệp tiền bối thì ai nấy đều xuýt xoa khen ngợi là người tâm thành, cương trực, có khí tiết. Vị kiếm khách vô danh kia thở dài một tiếng, thắp một nén hương, rồi lấy ra một ít bạc vụn cho người chủ nhà. Sau đó y bỏ đi, vừa đi vừa ngẫm nghĩ:
“Mỗi thời đều có những bậc anh hùng của nó. Lưu danh muôn thuở là hay hay dở. Lợi cũng lợi thay! Hại cũng hại thay! Làm người thật khó! Thà như con chim kia bay ở trên trời, thoáng qua mắt nhìn đã chẳng thấy đâu, vô hình vô ảnh, vô tăm vô tích, chẳng có ai có thể phán xét được nó hay dở thế nào. Cái gì ở lại cùng với người đời, cùng với thời gian? Tình yêu chăng? Mà tình yêu, hỡi ơi, chẳng có gì lại nhiều nhầm lẫn sai lầm hơn nó.’’
Thật là:
Chốn giang hồ, anh hùng một thuở
Tài thấp cao, xuống hố mới hay...
Muốn xem trong võ lâm còn có những nhân vật nào, sự tích gì, đọc tiếp chương 7.