Trong giang hồ có bao nhiêu anh hùng là đủ, xếp hạng đánh số ra sao? Câu hỏi này cũng là một công án thật khó giải. Không phải tự dưng người xưa đã vẽ lên bản đồ có 108 vì sao trên giời, trong số 108 vì sao ấy lược đi còn có 64, rồi lược đi nữa còn có 36, rồi lược đi nữa còn có 28, rồi còn 9, còn có 7, còn có 5, còn có 3, còn có 1, số 1 là số nhất vị độc tôn. Trong các đại hội võ lâm nếu đánh trống ghi tên thì có tới hàng nghìn, hàng vạn nhưng thường chỉ kể tên có 108 vị. Trong dân gian, người ta đàm tiếu thì thường kể ra khoảng từ 36 đến 64 vị. Thực tế, trong võ lâm cũng chỉ có khoảng 28 vị gọi là “nhị thập bát tú” mới thực sự đáng kể mà thôi. Chẳng lẽ ở trong võ lâm anh tài ít ỏi đến thế kia ư? Đúng là như thế! Nhưng dù có ở vị trí số 1 độc tôn gì gì đi nữa, được gọi là chưởng môn phái hẳn hoi gì gì đi nữa nhưng chưa chắc người ngồi giữ cương vị ấy đã được cả giới võ lâm thừa nhận, tâm phục khẩu phục đáng được gọi là đại anh hùng cái thế hay là người được truyền y bát tâm ấn. Đồn rằng ở trong giang hồ, từ đời này qua đời khác y bát của võ lâm vẫn được truyền lại một cách hết sức bí mật và cuộc săn lùng kẻ nắm giữ y bát ấy vẫn luôn là một câu chuyện ly kỳ đáng kể lại cho đời sau nghe.
Trước đây, có một nhóm anh hùng cũng định cải tổ Võ Đang, chống lại Tố Hồng vương gia đại hiệp bèn lập ra môn phái “Võ Đang Giai Giai”, nói rằng Tố Hồng vương gia cất giấu y bát giả mạo, bọn này bị Tố Hồng nhốt vào “Địa ngục đại lao” tới hơn ba mươi năm trời. Về sau, tình hình võ lâm thay đổi, bọn “Võ Đang Giai Giai” được thả ra nhưng tất cả đều đã già yếu lẫn lộn cả, chỉ trừ có đôi ba người như Hoàng Sông Đuống tiền bối đại kỳ hiệp và Lê Phó Cả Ngựa tiền bối đại kỳ hiệp là còn có thỉnh thoảng đi lại đánh nhau đôi chút ở trên giang hồ.
Trong “Đại học võ đường” có Dương Thu Mạc Sầu nữ đại hiệp là người ghê gớm. Y đã từng thụ giáo nhiều vị anh hùng tiền bối như Trương Học Công Thi, người đã từng giữ chức chưởng môn phái Võ Đang Toàn Chân trong nhiều năm, Lê Phó Cả Ngựa tiền bối đại kỳ hiệp v.v... Vào học tại “Đại học võ đường” y cũng đã thụ giáo được rất nhiều kiếm pháp, chưởng pháp của bọn Hoàng Lão Quái, Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi v.v... nên ai cũng sợ hãi y. Dương Thu Mạc Sầu có thời đã từng khuynh đảo ở trên giang hồ, sau này một mình y đứng ra chống lại Võ Đang Toàn Chân.
Khoảng năm Bính Dần, xu hướng cải tổ, đổi mới Võ Đang Toàn Chân nổi lên mạnh mẽ. Có một vị Vương gia là Trần Công đại hiệp có tư tưởng cấp tíến muốn xoay đổi tình thế bèn tìm cách thống nhất hội tụ các anh hùng ở trong võ lâm. Để làm việc này, Trần Công vương gia đại hiệp cho gọi Nhất Thốn Ngọc Kỳ Khôi về cai quản Đại Võ Đài ở kinh đô, lại tập hợp xung quanh mình một số các anh hùng như bọn Quảng Nam Lý Sự đại hiệp, Trần Điện Ảnh Cổ Quái đại hiệp, Đặng Nhật Tinh Lão Quái đại hiệp v.v... suốt ngày suốt đêm ngồi họp hành bàn tán. Họp hành nhiều quá, về sau này Trần Công vương gia đại hiệp bị bệnh rụng các đốt ngón chân, đi lại rất khó khăn.
Dương Thu Mạc Sầu bấy giờ cũng được Trần Công vương gia thu nạp vào làm môn khách. Dương Thu Mạc Sầu là người ít học nhưng bù lại rất giỏi tự học. Y thường luyện công vào lúc nửa đêm gà gáy nên âm khí của y rất mạnh. Nơi y luyện công gần một chợ tôm cá nên khi phát công bao giờ cũng có mùi vị của tôm cá nên nhiều người rất sợ y. Nhiều lần Dương Thu Mạc Sầu đến đòi đánh nhau với chưởng môn phái Võ Đang Toàn Chân là Trương Học Công Thi để giành y bát nhưng y bảo đóng cửa lại nhất quyết không ra, chỉ sai bọn đệ tử đứng bắn tên ra mà thôi. Dương Thu Mạc Sầu rất tức giận, về sau y ly khai Võ Đang Toàn Chân, không tham gia đại hội võ lâm nữa.
Một lần Dương Thu Mạc Sầu đi thăm bà ngoại. Trên đường đi y phải đi qua một vùng sông núi hiểm trở quanh co. Đúng là:
Đi một ngày đàng học một sàng khôn,
Trên trời mây trắng dập dồn.
Nước tuôn thác bạc
Gió luồn trong cây!
Hữu tình sơn thuỷ đẹp thay,
Ai trông mà chẳng ngất ngây trong lòng?
Hái hoa bắt bướm dọc đường,
Mải mê lạc mấy cung đường như chơi.
Núi cao chi lắm núi ơi,
Qua đèo vượt dốc mấy người dám qua? Trên đường đi, Dương Thu Mạc Sầu gặp ai đánh đó, bọn đệ tử của Võ Đang Toàn Chân chết như rạ. Tiếng tăm của Dương Thu Mạc Sầu vang lừng ở trong thiên hạ. Dương Thu Mạc Sầu giỏi khinh công, ít người theo đuổi được y. Bấy giờ trên đường đi, y bỗng nhiên gặp một con sói. Sói hỏi y:
“Dương Thu Mạc Sầu, mi đi đâu?’’
Dương Thu Mạc Sầu nói:
“Ta đi thăm bà ngoại của ta. Mi hỏi làm gì?’’
Sói nghe thấy vậy, chạy tắt đến nhà bà ngoại của Dương Thu Mạc Sầu, nuốt bà già vào bụng rồi nằm lên giường, trùm chăn kín lại.
Dương Thu Mạc Sầu đến nơi, thấy sói trùm kín chăn, tưởng là bà ngoại bị ốm, mới ngồi cạnh giường ân cần hỏi thăm:
“Bà ơi, sao mắt bà to thế?’’
Sói lè nhè trả lời:
“Mắt to là bởi mắt to,
Mắt để thăm dò, mắt để nhìn chơi.
Mắt sùm sụp, mắt lả lơi,
Mắt thời ti hí, mắt thời vuốt ve.
Đôi khi mắt cũng nhập nhoè,
Mắt bà sáng quắc ai loè được đây?’’ Dương Thu Mạc Sầu ngạc nhiên, lại hỏi:
“Bà ơi, sao tai bà to thế?’’
Sói bèn trả lời:
“Tai to là bởi tai to,
Tai bà rất thính không lo nghe nhầm.
Ở đâu có tiếng thì thầm,
Tai bà cũng sẽ ghi âm rõ rành.
Kìa ai yến yến oanh oanh,
Kìa ai gian dối loanh quanh tứ bề.
Bà đều tai giỏng lên nghe,
Mạch rừng tai vách hết chê tai bà!’’ Dương Thu Mạc Sầu lại hỏi:
“Bà ơi, sao tay bà to thế?’’
Sói lại trả lời:
“Tay to là bởi tay to,
Hội bà là “hội tay to” rõ ràng.
Của chìm của nổi trong làng,
Tập trung vào cả mấy chàng tay to.
Bàn tay nhung mượt thơm tho,
Nâng niu ve vuốt thăm dò khắp nơi.
Còn bàn tay sắt đấy thôi,
Lơ mơ bà táng, bà thoi tới cùng.
Con ơi chớ hỏi lung tung,
Bà mà điên ruột, bà khùng đấy con!’’ Dương Thu Mạc Sầu lại hỏi:
“Bà ơi, sao răng bà sắc thế?’’
Sói không trả lời nữa, chồm dậy. Dương Thu Mạc Sầu sợ hãi, vội vội vàng vàng rút kiếm ra đánh. Hai bên đánh nhau to quá, thật là một trận đánh thần sầu, quỷ khốc:
Đánh từ trước lúc rạng đông,
Đánh từ trước lúc lấy chồng sinh con.
Đánh từ khi vẫn còn son,
Đánh cho đến lúc héo hon về già.
Bao nhiêu chưởng pháp tung ra,
Thiên đường mù mịt quần thoa xéo giày.
Chính chuyên nẻo Bắc trời Tây,
Xiềng gông chuyên chính bó tay những là.
Lung tung ấy võ đàn bà,
Dại khôn vận mệnh sơn hà bể dâu.
Đánh sao tránh để vỡ đầu,
Ngoài kia non nước vẫn màu tang thương...
Trời cao trăng sáng như gương,
Bóng hồng lạnh lẽo nửa giường nằm trơ...
Góc nhà con nhện giăng tơ,
Chiều hôm bóng vạc bơ phờ trời cao.
Trên giời có một vì sao,
Đường thôn vắng vẻ thằng nào hát vang:
“Ngày mai nếu chết cả làng
Sông kia vẫn cứ đò ngang mái chèo”.
Đường đời lắm đoạn quanh queo,
Ta đây miệng ngáp nằm khoèo ngắm trăng...
Sự đời nhít nhít nhăng nhăng,
Xem ra chẳng biết mần răng nực cười... Dương Thu Mạc Sầu đánh nhau với sói nhưng đây không phải loài sói thường nên bao nhiêu võ công của y cũng chẳng làm gì được. Rất may xung quanh lúc ấy có nhiều người hò reo, gõ trống, gõ thanh la ầm ĩ cả lên vì thế sói mới nhả bà ngoại của Dương Thu Mạc Sầu ở trong bụng ra, chạy vào rừng.
Về sau Dương Thu Mạc Sầu bị cấm quân bắt giam vào lò luyện ngục. Ra khỏi tù, y trở nên hung dữ khác thường. Trong giang hồ tiếng đồn thổi về y cũng có nhiều: người khen có, người chê có nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng y không phải là kẻ tầm thường, kiếm pháp của y cũng đáng để cho nhiều bậc mày râu học hỏi.
Cùng với Dương Thu Mạc Sầu còn nổi lên một vài cao thủ đã từng khuynh đảo ở trên giang hồ. Trong số ấy cũng có nhiều kẻ tự xưng là được chân truyền y bát tâm ấn nhưng hư thực thế nào không thể biết được.
Đúng là:
Võ lâm thật rối bòng bong
Hư hư thực thực, anh hùng là ai? Muốn xem các vị anh hùng ở trong võ lâm trổ tài thế nào, xem tiếp sang chương 6.