Bây giờ tôi nhận thấy rằng sở dĩ tôi thích học là vì tôi có bạn. Đi học mà thiếu bạn thì kể như một sự mất mát. Tôi nghĩ không biết giờ này Đồng đang làm gì? Nấu bắp, khoai cho em mang đi bán, đi lang thang tìm một việc làm mới, hay là đang phụ trộn hồ, khiêng gạch ở một công trường nào? Những ý tưởng so sánh người này với kẻ kia, cảnh này với cảnh nọ làm cho tôi cảm thấy đầu nặng trĩu. Tôi muốn thốt lên những lời phẫn nộ.
***
Bài toán dễ, nhưng hình như Thi không nhớ kỹ giáo khoa nên lúng túng. Thi đứng lặng trước bảng đen có đến năm phút mà chưa chứng minh được hai đường thẳng trực giao. Tôi đã làm xong bài toán ra giấy nháp, nhìn lên bảng và sốt ruột. Tôi không tin rằng Thi dễ đầu hàng bài toán căn bản như vậy. Tôi nhớ lại hôm nọ Đồng không thuộc bài “Cảnh già” của Nguyễn Khuyến là vì Đồng có một nỗi băn khoăn làm bận trí. Một người bình thường nào cũng vậy.
Thi có vẻ ngượng. Mà thầy Chung cũng đang sốt ruột. Có lẽ ông đang hối hận đã gọi Thi lên làm toán trên bảng để cho Thi phải bí như vậy. Ông hỏi:
Nhưng bỗng nhiên nhìn Phát đang ngồi lù lù trước mặt, tôi cầm lòng không được. Mái tóc Phát hình như cả tháng nay chưa hớt, rũ lòa xòa nơi cổ áo. Nước da của hắn đến hôm nay xanh xao thấy rõ. Tôi thấy hắn che miệng ngáp trong giờ học. Phát vẫn bị Đĩnh đi theo nói to nói nhỏ. Tôi buồn bực thấy Phát yếu mềm và mất tự chủ. Hắn cứ nhận ở Đĩnh những gói giấy nhỏ và tiếp tục đi vào lớp học trống ở cuối hành lang. Tôi không biết làm sao để can thiệp.
Tôi quyết định gặp ông Giám thị. Trong giờ ra chơi tôi thấy ông Giám thị cầm roi đi rảo trước các lớp. Tôi chống nạng bước ra và gọi:
Thấy ông mệt mỏi, già yếu, tôi bỗng xúc động. Cái nguyên nhân mà ngôi trường càng ngày càng tệ phần lớn là do bởi ông Hiệu trưởng không còn phong độ như xưa. Tôi ngần ngại nói:
- Thưa thầy, con có một việc mà xét ra không được giấu giếm, con thấy phải trình bày với thầy để nhờ thầy giải quyết. Thầy đang ốm, mà con đến phá rầy như thế này thật con ngại vô cùng.
Ông Hiệu trưởng cười:
- Tôi không lấy đó làm phiền. Tôi đã già, bệnh hoạn là lẽ đương nhiên. Anh là học trò cũ của trường, tôi cũng không giấu làm gì. Từ lúc bà nhà tôi mất, tôi sinh ra đau ốm hoài. Chắc đã đến lúc kiệt lực. Rồi thì cũng theo bà cho xong… Thôi anh có gì muốn nói cứ nói đi.
- Thưa thầy, con là trưởng lớp mười một A, từ lúc vào học đến nay con thấy xảy ra nhiều điều không tốt. Nhưng chuyện nguy hiểm nhất mà trường ta phải ngăn ngừa…
- Thưa thầy, con đã trình bày tình trạng ấy cho thầy rõ, vì con là trưởng lớp, hay đúng hơn, con là học sinh của trường, con không thể làm ngơ. Bây giờ xin phép thầy cho con về.
- Cám ơn anh, anh về nhé!
Tôi đứng dậy. Ông Hiệu trưởng vẫn ngồi trong tư thế của một người mệt mỏi. Tôi rón rén đi ra. Tôi nghe như tiếng nạng gõ quá lớn trên nền gạch, xuống khoảng sân rộng trước nhà.
Ra khỏi cổng, tôi gặp thầy Hãn lái xe về. Ông trố mắt nhìn rồi kêu lên:
- A! Anh Nghiêm, anh đến chơi à?
Tôi chào thầy và nói:
- Dạ, em đến thăm thầy Hiệu trưởng.
- Có việc gì không anh?
Tôi lưỡng lự, rồi lắc đầu đáp:
- Thưa không… Em chỉ đến thăm hỏi thầy.
Thầy Hãn thở dài, nói:
- Cám ơn anh nhé! Ba tôi… càng ngày càng yếu rõ.
Tôi nhìn xuống chân nạng:
- Thôi xin phép thầy, em về.
***
Cánh cửa bị hư ổ khóa được ông Giám thị đóng hai cái móc rồi khóa lại bằng một ống khóa, được ba ngày, hôm nay bị mở tung ra. Phát đã thật tình cho tôi biết như thế. Tôi vô cùng ngạc nhiên, hỏi hắn:
- Ai đã mở khóa vậy?
- Có lẽ thằng Đĩnh. Sáng nay nó đưa thuốc cho em rồi nói “không việc gì phải lo nữa”. Em đi tới và thấy cửa mở như thường.
Tôi tức giận:
- Ông Giám thị biết không?
- Không. Ba ngày nay ổng yên chí là không ai mở khóa được.
Thầy Quản vào dạy như một phận sự bất đắc dĩ. Ông cho từng bài tập, gọi học sinh lên bảng làm, rồi trong lúc học sinh chép chép biên biên, ông lấy thuốc lá ra hút. Hai giờ học trôi qua buồn nản.
Đầu giờ Toán, ông Giám học lên lớp, dẫn theo một người đàn ông mập to, ăn mặc sang trọng. Cả lớp ngạc nhiên. Ông Giám học bước vào, xin phép thầy Chung rồi nói:
- Tôi xin báo cho các em một tin mừng, nhất là các em nào nhà không được khá giả lắm. Các em thường đóng học phí trễ mỗi đầu tháng, tôi hiểu lắm, thời buổi khó khăn này cha mẹ các em kiếm tiền thật khổ cực. Tôi có quen ông đây là chủ một hãng lớn, nhân thấy ông muốn tuyển một số nhân viên cho hãng ông, chỉ phải làm một buổi, tôi muốn giúp đỡ các em.
Người đàn ông hấp háy đôi mắt ti hí sau cặp kính nhỏ xíu không tương xứng với khuôn mặt của ông chút nào, tươi cười nói:
- Vâng, tôi là bạn thân của ông Giám học đây. Tôi muốn giúp cho các em nghèo có việc làm để đi học thêm. Tôi cần gấp hai chục người làm việc cho hãng “Tố Nữ” của tôi.
Cả lớp bàn tán xì xào. Tôi chợt nghĩ tới Đồng. A, hay là tôi ghi tên xin việc cho Đồng? Cơ hội quý giá bỗng đến trước mắt. Tôi nhỏm người lên, chờ đợi. Ông chủ hãng “Tố Nữ” nói tiếp:
- Tiện đây, tôi xin nhắc các em rằng, trưa mai, cũng vào giờ như thế này, tôi trở lại và ngồi ở dưới văn phòng. Em nào muốn có việc làm thì xuống đó ghi tên. Bây giờ tôi bận, đi gấp. Chào các em. Xin cám ơn giáo sư.
Người đàn ông cười hềnh hệch rồi nặng nề đi ra cùng với ông Giám học. Tôi miên man với bao ý nghĩ lẫn lộn trong đầu. Tôi nghĩ nếu Đồng có việc làm, hắn sẽ trở lại đi học với tôi. Chỉ chừng đó thôi, đủ cho tôi vui rồi.
- Không! Anh làm gì nhìn tôi dữ tợn vậy? Anh định dọa nạt tôi à? Tránh đường cho tôi ra!
Tôi ngạc nhiên khi nghe cả tiếng bàn ghế bị xô đẩy, giống như có một sự giằng co bên trong phòng. Tôi hoảng hốt xoải chân nạng đến đó. Tiếng Thi khóc òa lên:
- Tôi không đùa kiểu đó…
Tôi hét lên một tiếng và tông cửa bước vào. Nhưng đã không kịp nữa rồi! Đĩnh đã dồn Thi đến sát cánh cửa phía bên kia. Thi kinh hoàng la lên một tiếng rồi xô cánh cửa đó chạy vụt ra bên ngoài. Đĩnh vọt ra theo.
Ôi Chúa, Phật ơi! Khúc lan can gẫy… Có tiếng hét nghe rụng rời.
Tôi như người bị ngạt trong một thứ khí độc địa nhất của thế gian. Có tiếng ai la lên ở phía dưới sân trường. Có tiếng chân chạy thình thịch vòng tới phía cầu thang. Trời ơi! Là tên Đĩnh! Tôi vùng bước nhanh ra hành lang, hét to lên như để tất cả mọi người phải nghe thấy. Bắt lấy nó! Bắt lấy nó! Tôi không biết tôi đã gào những câu gì sau đó nữa. Hình như dưới đường người ta đã ùa ra. Họ la phụ với tôi. Bắt lấy nó! Rồi bỗng nghe như xé không khí, một tiếng súng nổ. Tôi muốn bịt hai tai lại nhưng đã kịp nghe mất rồi!
***
Đồng đứng bật dậy khi ba má của Thi từ trong phòng bước ra, run run nói:
- Thưa hai bác, con là Đồng, xin phép hai bác cho con vào thăm Thi.
- Anh Nghiêm… ráng khuyên Đồng đi học trở lại. Đồng hứa là Đồng sẽ đi học nhá!
Đồng gượng đáp, giọng nghẹn ngào:
- Đồng sẽ đi học.
Thi nhắm mắt lại, im lặng… Chiếc đồng hồ để trên bàn thuốc dường như không muốn chạy. Ở đây như không còn có thời gian. Chai nước biển treo lủng lẳng trên đầu giường cơ hồ không buồn chảy những giọt nước hồi sinh qua ống nhựa nhỏ nữa. Trên chiếc giường kia như không còn sự sống. Không gian cô đọng lại thành một khối băng lạnh ngắt. Đồng quỳ yên lặng trên nền gạch xanh. Tôi đứng trơ bên chân nạng.
Tiếng cửa mở nghe êm ái. Ba má Thi vào lại. Có cả một người bác sĩ. Đồng đứng dậy lui ra gần bên tôi để cho vị bác sĩ đến nghe mạch cho Thi. Có tiếng người trao đổi với nhau truyền đi trong không khí nghe lao xao. Có tiếng người mẹ thét lên. Hai vị sinh thành bổ nhào đến bên giường bệnh. Đồng siết mạnh tay tôi nghe đau nhói. Hết rồi!!!
- Các em hãy giữ yên lặng. Tôi biết các em đang xao động vì việc xảy ra hôm qua. Tôi cũng đang rối óc lên đây. Các em hãy giữ trật tự dùm cho. Những tệ trạng xảy ra ở trường này là do ba tôi thiếu sự phối hợp với ông Giám học và ông Giám thị, tôi…
Những lời của thầy Hãn chừng như vô ích đối với mọi người. Các học sinh lại tiếp tục bàn tán. Thầy Hãn đập bàn, nói to:
- Các em hãy yên lặng!
Dứt lời thầy, ông giám đốc hãng “Tố Nữ” thò đầu vào, theo sau là ông Giám học. Tôi chỉ cho Đồng, nói:
- Đó, cái ông muốn tuyển nhân viên kìa, Đồng.
Ông Giám học đến nói nhỏ với thầy Hãn những câu gì, thầy Hãn gật đầu nhưng lộ vẻ không vui. Ông thương gia cười hềnh hệch và nói:
- À, tôi đến để ghi tên các em nào muốn đi làm. Ở lớp bên kia tôi đã ghi được mười em. Bây giờ ở đây tôi xin mười em nữa.
Vài nam sinh và vài nữ sinh đứng lên. Ông chủ hãng xua tay nói vội vàng:
- À à, quên, tôi xin nói cho các em biết rằng, hãng của tôi chỉ tuyển chọn … nữ sinh thôi. Hề hề! Nam sinh thì… xin miễn.
Rồi ông ta hấp háy đôi mắt sau cặp kính khả ố, nhìn qua phía nữ sinh, nói:
- Để coi… tôi chọn em này, em này…
Thầy Hãn ngắt lời:
- Thưa ông, xin cho chúng tôi được biết hãng của ông làm những dịch vụ nào?
Lão chủ quay lại, cười:
- Dạ, hãng tôi là hãng “Tố Nữ”, quên, phải nói là nhà hàng “Tố Nữ”, sang trọng nhất ở Chợ Lớn, mới khai trương đó thầy! Các em khỏi phải làm trọn ngày, chỉ cần làm một buổi thôi, lương rất hậu. Các em có thể ngồi “két”, hay bưng nước, bưng bánh ra cho khách. Chỉ cần son phấn cho đẹp, hề hề…
Các nữ sinh đỏ mặt ngồi xuống. Lão “Tố Nữ” cười toe toét:
- Nào! Em nào muốn ghi tên?
Tôi đứng phắt dậy, lấy chiếc nạng chống đi ra khỏi chỗ ngồi, tiến lên bảng. Lão “Tố Nữ” ngạc nhiên, nói:
- Í, í, tôi không nhận nam sinh mà! Tôi không có nhận con trai…
Tôi tức giận đến trước mặt lão, thầy Hãn và ông Giám học. Tôi nói to như chưa bao giờ:
- Xin phép thầy, cho em được nói một vài lời. Em là trưởng lớp, xin thay mặt các bạn của em, phản đối vụ tìm việc này. Chúng em tưởng là một sự giúp đỡ cho học sinh, không ngờ lại là một việc làm hết sức bỉ ổi. Người ta còn đi học, lão này bảo phải son phấn để làm gì? Học đường không phải là nơi cung cấp những nhân vật như thế cho lão. Lão muốn tìm người son phấn, hãy đi tìm chỗ khác, ai dẫn lão vào đây?