Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Khúc Lan Can Gãy

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 3118 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Khúc Lan Can Gãy
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Chương 2

Ánh nắng chiếu từ ngoài cửa sổ vào lớp, in lên bảng đen thành những vệt tròn, dài, xinh xinh, ganh đua cùng những nét phấn trắng trên đó. Bài toán hình học không gian thầy Chung vừa mới giảng xong còn để lại, chưa ai xóa. Những dòng chứng minh sao thật là dễ thương. Tôi thấy chúng không khô khan, mà êm đềm như những câu thơ. Tôi gặp được chúng và quý chúng, như một người đi xa về gặp lại người thân.
 
Dù sao, cuộc đời mới đã bắt đầu. Tôi đang sống cuộc đời mà tôi hứa rằng sẽ bước tới. Hơn một tháng rồi còn gì? Hơn một tháng, thời gian đủ cho tôi quen thuộc hết những người, những việc trong bốn bức tường của lớp này. Tôi tự nhủ rằng không có gì lạ cả. Chỉ có người chứng kiến có thắc mắc, bận trí hay không mà thôi. Tôi đã nhập cuộc bằng một tấm lòng hân hoan kèm theo một nỗi ưu tư.


Có khi thấy cảnh thật quen thân, nhưng cũng có khi thấy mọi việc đều xa lạ. Tôi muốn hòa đồng với tất cả mọi người, lắm lúc cảm thấy có thể, mà lắm lúc cũng nhận ra rằng mình lạc lõng vô cùng. Tôi không cho là mình quá lớn hơn những người bạn nơi đây. Tôi chỉ hơn họ nhiều lắm là bốn tuổi. Bốn năm không có nghĩa lý gì đối với đời dài của con người. Nhưng tôi mơ hồ cảm thấy họ và tôi có những ý nghĩ không giống nhau – ít ra là về quan niệm trong học hành, sự nghiệp, về quyền lợi và bổn phận. Họ cũng có những lối cư xử hơi khác chúng tôi lúc trước.

 

Ngoài Đồng ra, tôi chưa quen nhiều với một ai, dù đã quen mặt. Đồng đã cho tôi một cảm tình đẹp ngay từ bữa đầu tiên. Đồng đối xử với tôi chẳng khác gì một đứa em đối với người anh. Điều đó dẽ hiểu vì Đồng đang là anh cả của một đàn em rồi. Tôi càng phục Đồng hơn nữa, khi biết rằng với chiếc Yamaha Đồng chở tôi về hôm nọ, Đồng đã đi chở khách để kiếm thêm tiền giúp gia đình. Nghề đó người ta gọi là “lái xe ôm” hay “lái xe thồ”. Tôi nhớ có hôm Đồng bảo:


- Chiếc Yamaha cà tàng đó, nếu mà mất, chắc em chết luôn.



- Nói dại! Rủi mất thiệt….



Đồng cười:



- Mất thiệt thì kể như em gẫy giò. Anh nghĩ coi, ba em khuân vác gạo dưới bến tàu làm sao nuôi đủ tụi em? Ngày nào em cũng kiếm tiền bằng cách đó. Cũng hơi mất thì giờ nhưng vẫn hơn ngồi không.



- Tôi phục Đồng ở điểm ấy.



- Có gì đâu mà phục hở anh? Biết em có tiếp tục mãi như thế này không? Em sợ một sự bất trắc nào đó nếu xảy ra. Không phải sợ cho em, mà sợ cho lũ em ở nhà. Ghê quá!



- Làm gì có chuyện đó. Đồng phải tin là Đồng đang có khả năng giúp ba, nuôi em. Rồi sẽ tiến tới chứ!



- Ngày xưa anh có ngờ trước sự bất trắc xảy đến cho anh không?



Đồng có cái tật hỏi những câu thật đột ngột không một chút ác ý, nhưng vẫn làm tôi giật mình. Đồng có vẻ hối sau câu nói. Tôi cúi xuống nhìn chân trái của mình, không nén được tiếng thở dài. Đồng nói nhỏ:


- Em xin lỗi anh.



- Tôi đâu có giận Đồng. Mà tôi thấy Đồng nói đúng. Đời phải ngờ trước những bất trắc. Nhưng có những bất hạnh mà mình không bao giờ dám nghĩ tới. Tôi, khi trước, nghĩ rằng mất cha, mất mẹ là điều bất hạnh to lớn nhất, đáng kể nhất. Khi tôi đi lính, tôi cũng nghĩ rằng một là sống, hai là chết. Có bị thương thì ráng mà chịu đau, vì mình là thằng con trai. Thế rồi đến khi mất cái chân này tôi đã nhận ra rằng đời có ngàn vạn nỗi bất hạnh khác nhau mà mỗi người phải gánh ít nhất một.



Đồng xòe mấy ngón tay ra, nói nửa buồn nửa đùa:



- Em nhé: mất mẹ là một cái bất hạnh này, nhà nghèo là hai cái bất hạnh này. Chẳng hiểu tại sao ngày xưa ông Nguyễn Công Trứ nhà nghèo xơ nghèo xác, thi rớt lên rớt xuống mà lòng vững như đá, quyết chí “Làm sao cho bách thế lưu phương, trước là sĩ sau là khanh tướng”. Ai nuôi cho ông ấy học mãi nhỉ?



Tôi cười, nói tếu:



- Thì tại ngày xưa chưa có nghề “xe ôm”…



Đồng cười theo:



- Chắc vậy. Em thì không bắt chước ông ấy nổi. Học thì gắng học, nhưng chẳng mơ công hầu khanh tướng như ông ấy đâu. Làm sao kiếm đủ tiền đóng học phí này, giúp thêm cho ba em và lo cho mấy đứa nhỏ này… Đủ mệt rồi anh há!



Nói chuyện với Đồng, tôi thấy cậu bé có nhiều ý nhĩ hay hay. Nhiều người cho rằng sống là phải thực tế. Nhưng cái thực tế kiểu như Đồng mới làm cho tôi thích. Nó đáng yêu vì hàm chứa ý thức của một con người sống trong cảnh khó khăn chật vật.
 
Hôm nay là đầu tháng. Đồng đang trao đổi với Thi tờ giấy cộng điểm. Tôi lo soạn lại những bài tập của thầy Trần. Giờ chơi, lớp vắng hoe. Ít có ai chịu ở lại trong lớp để xem bài. Nhưng tôi thấy thương môn học “sinh ngữ phụ” này như đã kính mến thầy Trần. Tôi không ngờ mình lấy lại phong độ xưa thật mau chóng. Tôi đã đọc thuộc làu cả bài văn cho cả lớp nghe. Ai cũng xuýt xoa. Và tôi thấy thầy Trần vui ra mặt.
 
Riêng có thầy Chung, hình như ông có vẻ hơi mất tự nhiên đối với tôi. Ít khi ông bước xuống chỗ tôi ngồi. Ông cũng tránh gọi tôi. Ông tránh cho tôi khỏi phải đi lên bảng chăng? Một đặc ân hay một sự lãnh đạm? Có hôm tôi đã giơ tay lên xin được giải toán trên bảng, nhưng ông nói:



- Anh cứ đứng tại chỗ nói được rồi. Các anh chị lắng nghe này!



Ông không biết rằng chính “đặc ân” mà ông ban cho tôi làm cho tôi càng có mặc cảm rằng mình khác người, trong khi tôi muốn ai cũng đối xử với tôi như một người bình thường. Ông còn trẻ nhưng nghiêm nghị vô cùng. Tôi không thể đoán được ông là một người có tình cảm hay không.
 
… Bỗng tôi nghe một tiếng reo của Đồng. Đồng nhìn về phía tôi, nói lớn:



- Anh Nghiêm ơi! Tháng này anh dẫn đầu sổ. Điểm trung bình mười tám. Tuyệt diệu!



Tôi ngạc nhiên trố mắt, không ngờ mình đứng hạng nhất. Một tiếng nhạc vui vừa ngân trong lòng. Đàng kia, Đồng và Thi nhìn nhau cười. Đồng nói:



- Tôi và Thi đồng hạng nhé! Nhưng có mười sáu điểm trung bình, thua anh Nghiêm quá xa.



Thi bảo:



- Tháng sau phải ráng theo sát anh Nghiêm từng nửa điểm. Anh Nghiêm học giỏi quá. Tụi mình có “địch thủ” rồi.


 
Tôi tủm tỉm cười, nhớ đến lời của Đồng hôm trước : “Chỉ là chột trong xứ mù”.
 
 
***
 
 
Ông Giám thị hỏi tôi một lần nữa:



- Sao? Anh nhận làm trưởng lớp chứ?



Tôi lúng túng. Tôi nhìn thầy Trần, hình như thầy đang gật đầu nhẹ. Ý thầy muốn khuyến khích tôi bằng lòng. Đồng ngồi bên cạnh, nói khẽ:


- Chịu đi anh Nghiêm.



Tôi nói:



- Thưa thầy, điều này con chưa bao giờ nghĩ đến. Con sợ con không làm tròn trách nhiệm của một trưởng lớp.



Ông Giám thị nói:



- Có gì đâu! Ta lại chọn một phó trưởng lớp để giúp cho trưởng lớp. Anh chẳng phải đi tới đi lui chi hết. Anh cộng điểm mỗi tháng, sắp hạng, rồi giao cho tôi. Phó trưởng lớp sẽ liên lạc giúp anh.



Thầy Trần góp ý:



- Tôi xin phép có ý kiến. Thưa thầy Giám thị, tôi nghĩ rằng một trưởng lớp không phải chỉ có việc cộng điểm, sắp hạng, mà phải có nhiệm vụ khác nữa.



Ông Giám thị nhíu mày hỏi:



- Nhiệm vụ gì ạ?



- Chẳng hạn như tổ chức sinh hoạt cho lớp, liên lạc giữa giáo sư và học sinh, gây tình tương trợ giữa bạn bè với nhau. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải tổ chức như thế để cho trường lớp được tiến bộ hơn.



Ông Giám thị nhún vai:



- Ồ! Những cái đó… tính sau. Còn bây giờ, tôi nghe các giáo sư ai cũng khen anh Nghiêm học giỏi, lễ độ và có kỷ luật. Anh lại lớn tuổi nhất lớp, anh có thể làm trưởng lớp được. Anh nhận chứ?



Tôi đáp:



- Dạ, con xin nhận.



Có những tiếng vỗ tay rời rạc bắt đầu. Và cả lớp như bị lôi cuốn, vỗ tay theo. Tôi ngượng vô cùng. Thầy Trần tỏ vẻ hài lòng. Còn ông Giám thị, như đã trút xong gánh nặng, vừa quay đi vừa nói:



- Thế là xong nhé! Xin chào thầy.



Tôi ngồi xuống, cảm thấy hơi bâng khuâng. Rồi tôi sẽ làm gì với nhiệm vụ trưởng lớp đó? Đồng nói nhỏ:



- Anh Nghiêm, anh có định nhân cơ hội này, biến đổi cái không khí của lớp học cho khá hơn một tí không?



Tôi mừng rỡ:



- Ừ nhỉ! Tại sao lại không? Chính tôi muốn vậy mà!



 
***



 
Việc làm đầu tiên của tôi là hỏi ý kiến của cả lớp để xin một giáo sư hướng dẫn cho lớp. Nhiều người đề nghị thầy Trần và thầy Hồng. Nhưng thầy Hồng là giáo sư trường công lập, sắp đổi đi xa nên chúng tôi nhờ thầy Trần. Thầy bảo:



- Thầy đã già yếu rồi, làm gì được? Nhưng thầy sẽ giúp ý kiến cho các con mỗi khi các con định thực hiện một việc gì.



Thầy Trần chỉ định một phó trưởng lớp. Đồng và Thi được chọn. Dĩ nhiên cậu bé nhường cho Thi làm. Tôi trình bày với ông Giám thị. Ông chỉ gật đầu và nói:



- Anh muốn làm gì thì làm, miễn đừng thiệt hại tới ai là được. Trường này năm nào cũng như năm nấy, cố gắng lên cũng chẳng bằng ai.



Những lời nói lơ là của ông không làm tôi nao núng. Tôi dự định sau kỳ thi đệ nhất bán niên sẽ thực hiện một tờ bích báo cho lớp. Hy vọng nhờ đó mà không khí của lớp linh động hơn chăng. Tôi đã có Thi và Đồng giúp sức, và tôi đã tìm thấy trong lớp nhiều người có tài và thích hoạt động.


Trong môi trường nào cũng vậy, bao giờ cũng có những tài năng tiềm ẩn, chỉ cần khơi động và làm cho hứng khởi là có thể lôi cuốn mọi người theo cùng một công việc. Nhiều sáng kiến nảy sinh trong đầu khiến tôi nôn nao vô cùng.

Tôi cũng định xin các thầy những giờ thảo luận để học sinh có dịp kiểm điểm sức học, bàn cãi những vấn đề khúc mắc và giúp ý kiến cho nhau. Nhưng tôi đã nghĩ quá xa. Khi ý nghĩ đó vừa mới được trình bày trong giờ Lý-Hóa, thầy Quản tỏ vẻ không bằng lòng:


- Các anh chị sẽ làm gì trong những thời gian tôi dành cho để thảo luận? Hay chỉ cãi cọ vô ích? Tôi chỉ xin các anh chị chăm học bài dùm cho. Môn Vật lý quá dài, tôi e không có đủ thì giờ để học Hóa. Nếu mỗi buổi mà mất đi năm mười phút để thảo luận lăng nhăng, thì cuối năm các anh chị học không kịp, thi rớt thì lại trách móc.



Thầy nói một hơi dài làm tôi không cãi vào đâu được. Nhân đó, nhiều tiếng xì xào nổi lên. Tuyết nói:



- Làm như vậy mất thì giờ quá.



Nhiều người nói với nhau:



- Anh ấy học giỏi rồi, đâu có lo.



- Giỏi gì? Ảnh học lại thì đúng hơn.



- Ảnh lại không kẹt chuyện lính tráng gì hết, mình đây mới sợ.



Tôi ngơ ngẩn trước nhiều ý kiến trái ngược với mình, chỉ biết cám ơn thầy và ngồi xuống. Đồng tỏ vẻ nản. Đồng nói:



- Ai cũng nghĩ đến chữ “thi” to tướng ở cuối năm. Anh có bực không?



Tô trả lời vô thưởng vô phạt:



- Họ có lý, đâu trách họ được.



Tôi đã gặp sự cản trở đầu tiên.
 
 
***
 



- Anh hãy dẫn vài câu thơ mô tả cụ già Nguyễn Khuyến trong thời trí sĩ.
Đồng im lặng vài giây để nhớ, rồi đọc:



“ Mái tóc chòm đen, chòm lốm đốm
Hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay.
Nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ
Khấp khểnh ba chân… bước… ngập ngừng…”



Vài tiếng cười khúc khích nổi lên  trong đám nữ sinh. Những người thuộc bài nhận ra ngay chỗ Đồng đọc sai. Thầy Hồng cau mày, nói:



- Anh không thuộc kỹ bài. Học như thế rất có hại. Ta đọc thơ mà sai vài chữ, là dở hết cả bài thơ. Mọi hôm anh vẫn khá lắm, sao hôm nay tệ vậy?



Đồng cắn môi, cúi đầu. Thầy cho điểm, và gọi người khác. Đồng ngồi xuống, mặt buồn thiu. Tôi đưa mắt dò hỏi, nhưng Đồng vẫn giữ vẻ ủ dột như thế cho đến giờ về.



Tôi hỏi:



- Đồng có chuyện gì buồn phải không?



Đồng gượng cười:



- Đâu có buồn, nhưng hơi “quê quê”.



- Chuyện gì?



- Chuyện của em, chuyện chiếc xe Yamaha.



Tôi vẫn chưa hiểu. Đồng thố lộ:



- Hôm qua, buổi chiều, em cũng chạy xe đi chở khách. Em đến bến xe đò miền Trung, rước một ông mới ở Đà Nẵng vào. Nhà ổng ở đường Bến Vân Đồn. Em chở ổng đến tận nhà. Tình cờ được biết đó là nhà của… Thi.



Tôi tròn mắt. Đồng nói tiếp:



- Em vừa mới trở đầu xe, nghe có tiếng chào hỏi giọng thật quen. Nhìn lại… đúng là Thi. Hắn ngạc nhiên khi thấy em lái “xe ôm”. Hắn hỏi thăm em làm em ngượng quá. Hắn mời em vào nhà, nhưng em từ chối. Nhà hắn sang lắm anh Nghiêm ạ. Hồi tối đến giờ em vẫn còn thấy “quê”. Em học bài chẳng được. Chắc Thi cười em lắm, anh nhỉ!



- Sao Đồng lại nghĩ vậy? Nếu gặp ai khác thì có thể họ cười, nhưng tôi tin là Thi không như Đồng nghĩ đâu. Đồng không thấy trong lớp này, Thi là người nữ sinh hiền ngoan nhất hay sao? Nếu Đồng không cho biết là nhà Thi sang trọng, thì tôi cũng vẫn nghĩ đó là một người có gia cảnh trung bình. Thi ăn mặc đứng đắn, tính tình hòa nhã khiêm nhường, thì không có lý nào Thi khinh Đồng được.



Đồng có vẻ hơi vui. Cậu bé ấp úng:



- Nhưng em vẫn cảm thấy…



Tôi vỗ vai Đồng, cười lớn:



- Thôi đi cậu. Đừng có ý nghĩ lảm nhảm rồi không thuộc bài, tháng sau sụt hạng ráng chịu.



Đồng la lên:



- A, nhớ rồi, hôm qua phát bài kiểm Sử-Địa, em thua nhỏ Thi đến ba điểm. Hôm nay lại trục trặc vì cái ông … Nguyễn Khuyến. Chết rồi! Phải phục thù, phải phục thù…



Đôi mắt Đồng sáng lên. Tôi phì cười:



- Còn tôi nữa chứ! Có định phục thù tôi không?



Đồng giả vờ rùng mình:



- Thôi! Anh thì… em nhường anh. Trưởng lớp phải đứng nhất để làm gương.
Lớp học đã vắng hoe. Đồng và tôi bây giờ mới ra về. Đồng đi chầm chậm chờ tôi. Hai đứa tôi im lặng. Dường như bên dưới học trò đã về hết, tôi không còn nghe tiếng máy xe nổ và tiếng nói cười.Tôi nghe tiếng gõ của chiếc nạng trên nền xi-măng, tiếng dép của tôi và cả tiếng giầy của Đồng. Đến đầu cầu thang, Đồng nói:



- Anh bảo em của anh từ nay khỏi đón, để em chở anh về.



- Mất công Đồng…



- Có gì đâu mà mất công! Anh hay ngại.



Tôi lặng thinh. Đồng dìu tôi xuống thang. Đến chỗ để xe, tôi nói:



- Tôi định ngày mai xin cô Nga dạy ôn lại văn phạm Anh văn cho cả lớp, Đồng thấy sao?



Đồng reo lên:



- Ồ, phải lắm. Chính em cũng bất mãn môn Anh văn đây. Sinh ngữ chính mà như vậy thì nguy lắm.



- Nhưng không biết có bị phản đối như ở giờ thầy Quản không.



- Chắc là không. Cô Nga hiền lắm, thế nào cũng bằng lòng. Còn hôm nọ anh đề nghị với thầy Quản, em tin mười phần là ông không chịu. Anh biết tại sao không? Năm ngoái tụi em có học thầy Quản ở lớp Mười. Ông tâm sự rằng ông phải lo dạy cho kịp chương trình, nếu không kịp một hai bài, học trò kêu ca thì cuối năm đó thế nào ông Giám học cũng khiển trách.



- Nhưng năm, mười phút dành cho mỗi buổi học để học trò trình bày những thắc mắc là có lợi cho cả lớp, chứ đâu làm trễ bài vở.



- Ông không chịu như vậy. Một phút cũng là vàng. Ông phải lo liệu cho cái thư “mời dạy niên khóa tới” mà ông Giám học có thể gửi hoặc không gửi cho ông mỗi dịp cuối hè.



Tôi lắc đầu chán nản. Ngày mai sẽ can đảm đề nghị với cô Nga xem sao.
 



** *



 
Cô Nga là nữ giáo sư duy nhất của trường tôi. Cô còn trẻ, và mới vừa tốt nghiệp giáo khoa Anh văn. Cô được mời dạy thế cho thầy Huy vừa mới nhập ngũ. Chúng tôi rất mến cô vì vẻ hiền dịu của cô. Nhưng trái lại, sự hiền dịu đó đã làm cô bị phiền toái bởi những học sinh phá phách trong lớp. Các nữ sinh thì hay bình phẩm về cách ăn mặc đơn giản của cô. Còn một vài nam sinh thì hay chọc phá nhau trong giờ học ngay trước mặt cô. Có hôm chúng viết những câu nham nhở lên bảng ngay lúc chuông reo. Chưa ai kịp lau thì cô Nga đã vào lớp. Cô đỏ mặt lên và giận ghê gớm. Nhưng cô chỉ trách mắng vài câu rồi lại ôn tồn khuyên nhủ học trò phải giữ kỷ luật trong lớp.
 
Nhưng hôm nay, đúng vào lúc tôi dự định xin cô Nga dạy ôn bài văn phạm khó, thì ở lớp xảy ra một việc đáng tiếc. Lúc chuông reo, tôi nhờ Đồng lên xóa bảng, và cô Nga bước vào lớp. Cô tỏ vẻ hài lòng khi thấy bảng sạch bóng. Vẫn bằng giọng êm dịu, cô cho chúng tôi ngồi xuống.
Cô tươi cười, nói:



- Tôi nhận thấy từ ngày anh Nghiêm làm trưởng lớp, lớp này có vẻ khá hơn nhiều. Tôi thành thật khen ngợi anh và những bạn đã làm việc với anh. Để đáp lại, tôi sẽ hướng dẫn cặn kẽ những điều mà các anh chị thắc mắc. Các anh chị không phải ngại gì hết nhé!



Ngừng lại một chút, cô nói:



- Hôm nay các anh chị bắt đầu học bài số năm.



Cô toan ngồi xuống ghế để mở cặp, nhưng bỗng đôi mắt của cô trợn tròn… mặt cô tái nhợt và cô kêu lên một tiếng thất thanh. Cả lớp ngạc nhiên không hiểu việc gì. Cô Nga lùi lại một bước, và run giọng hỏi:



- Ai đã làm chuyện này?



Cô giật chiếc khăn bàn bỏ qua một bên, để chúng tôi nhìn thấy trên ghế của cô, một con rắn nhỏ nằm khoanh tròn thật gớm ghiếc. Vài nữ sinh hét lên. Đám nam sinh lao nhao bàn tán.



Cô Nga thở dồn dập. Nét sợ hãi vẫn chưa kịp tan. Cô hỏi lớn:



- Anh Nghiêm! Tại sao có trò đùa này?



Tôi ngại ngùng nói:



- Thưa cô, em không hề biết gì về việc này. Có lẽ ai đã vào sớm và làm như vậy.



Cô Nga lắc đầu:


- Tôi không thể hiểu được các anh chị nghĩ gì. Tôi đã hết lòng vì các anh chị. Nhưng các anh chị đùa với tôi như đùa với một đứa bé. Có hôm, kẻ nào rắn mắt đã cột một con cóc vào xe của tôi. Có khi ai đó đã viết bậy bạ lên yên xe của tôi, rồi có khi lại viết lên bảng. Tôi đã làm ngơ vì nghĩ rằng các anh chị còn nhỏ. Nhưng hôm nay tôi hết chịu được nữa.



Tôi đứng dậy, nói:



- Thưa Cô, em là trưởng lớp, xin chịu trách nhiệm trước những hành động ấy. Em không biết ai là thủ phạm để rắn lên ghế của cô. Nhưng em xin thay mặt cả lớp để xin lỗi cô.



Đôi mắt cô Nga dịu lại nhìn tôi, cô nói:



- Tôi biết anh là một người tốt, đầy thiện chí. Nhưng hôm nay tôi muốn biết thủ phạm là ai. Nếu không ai thú tội, tôi sẽ không dạy lớp này nữa.



Giọng cô nghe cương quyết. Cả lớp im phăng phắc không một tiếng động. Bầu không khí trĩu nặng thật khó thở.



Năm phút căng thẳng trôi qua. Cô Nga lên tiếng:



- Tôi nhờ em Thi xuống văn phòng mời ông Giám thị lên.



Thi rời chỗ ngồi, đi ra ngoài. Tôi cảm thấy câu chuyện hơi gay cấn, nên đứng dậy nói lớn:



- Xin bạn nào đã trót dại phá giáo sư, hãy có tinh thần tự giác, đừng để cô phải buồn chúng ta như vậy.



Không có kết quả. Tôi chán nản ngồi xuống. Cô Nga nói:



- Anh Nghiêm, anh không phải cực lòng như thế. Tôi sẽ nhờ thầy Giám thị giải quyết.


Có tiếng giầy nện ngoài hành lang. Ông Giám thị bước vào, sau đó là Thi. Ông nhìn lên ghế giáo sư, và quay qua cả lớp, nạt to:



- Ai đã chơi trò đùa này, đứng lên mau!



Nhưng nộ khí của ông từ từ xẹp xuống, vì lớp học vẫn im phăng phắc. Ông hỏi:



- Ai đã phá cô giáo?



Vẫn những khuôn mặt vô tội nhìn lên. Ông Giám thị gắt:



- Thật là bực mình. Các người đi học, thì chỉ việc lo học, sao lại phá phách giáo sư? Mất cả thì giờ. Nào, ai đã đem rắn vô lớp, thú nhận ngay đi.



Mấy phút trôi qua vẫn không ai đứng lên. Cô Nga nói:



- Tôi xin nghỉ dạy, nếu không tìm ra thủ phạm.



Ông Giám thị quay sang nói nhỏ với cô Nga. Cô cau mày, tức giận:



- Chuyện như thế này mà thầy cho là xảy ra thường? Mà ví dụ như thường xuyên xảy ra ở mọi trường học thì phải có biện pháp để trừng trị chứ! Loại một vài phần tử bất hảo trong trường lớp thì sẽ giữ gìn được kỷ luật cho cả trường.Thầy bảo tôi bỏ qua? Tôi đã bỏ qua từ cả tháng nay. Nhưng sự tha thứ của tôi được họ hiểu là một sự hèn nhát.


Ông Giám thị đấu dịu:



- Thì tôi cũng xin cô vui lòng… một lần này nữa thôi. Tôi sẽ tìm ra đứa nào đã gây rối như vậy.



Cô Nga lắc đầu:



- Tôi thật không hiểu  cái trường này là thế nào.


 

Ông Giám thị cười bả lả:


- Xin cô thông cảm cho.. Xin cô dạy tiếp tục cho… À, nhân tiện đây, tôi xin đưa cô cái thư mới được gửi bưu điện tới.



Cô Nga ngạc nhiên:



- Tôi không hề cho ai biết là tôi dạy ở trường này. Hơn nữa, tôi có địa chỉ nhà hẳn hoi.



- Nhưng thư này ghi tên của cô.



Cô Nga lạ lùng cầm bức thư có dán tem và con dấu của bưu điện. Cô bóc thư ra xem. Bỗng chúng tôi thấy hai tay cô run rẩy, mặt cô đỏ bừng lên, cô kêu lên:



- Chúa ơi!


Và cô đưa lá thư cho ông Giám thị:



- Thầy đọc đi! Trời ơi! Hết nước nói rồi!



Ông Giám thị liếc vào lá thư. Vẻ giận dữ hiện lên nét mặt, ông quát:



- Ai đã viết lá thư này? Trời đất ơi! Thưa cô Nga, cô đẹp lắm, cô có duyên lắm. Thầy Quản nhờ em làm mai… cô… cho ổng. Cô bằng lòng nghen cô! Học trò của cô.



Những tiếng xì xào nổi lên. Cô Nga ôm đầu, giọng cô như sắp khóc:


- Tôi không chấp nhận những học trò như thế. Các anh chị đã lớn rồi, mà vô ý thức quá! Tôi nhất định xin nghỉ ở đây.



Ông Giám thị đứng yên, ngơ ngẩn. Cô Nga nói:



- Tôi xin có vài lời nói với các anh chị hiếu học và ngoan ngoãn của lớp này. Tôi thành thật cám ơn những cảm tình của các anh chị đã dành cho tôi. Nhưng tôi không thể ở lại đây dạy. Các anh chị đã chứng kiến trước mắt rồi đó, những sự việc không thể chịu đựng được.



Cô ngừng lại như để nén xúc động, rồi nói tiếp:



- Tôi mới bắt đầu đi dạy học. Các anh chị đã biết, tôi đi dạy với lòng nhiệt thành. Đồng lương không quan trọng bằng tình cảm thầy trò. Tôi xem các anh chị như em của tôi. Tôi cũng muốn nhận lại từ nơi đây một sự cảm mến. Nhưng tôi rất buồn khi không được như ý. Tôi không tin rằng dưới mái học đường, nơi mệnh danh là đào tạo những con người tốt, lại dung dưỡng cho những cá nhân tệ hại như vậy. Tôi không còn gì để nói. Chào các anh chị.



Cô Nga quay mặt đi để giấu đôi mắt đỏ hoe. Tôi biết không có gì có thể cản trở được ý định của cô. Cô cầm cặp lên, nói với ông Giám thị:



- Tôi đi xuống gặp thầy Giám học để xin nghỉ.



Ông Giám thị lắp bắp:



- Ơ! Nhưng tôi chưa làm sổ lương cho cô.



- Xin thầy bỏ đi cũng được.



Cô Nga đi nhanh ra khỏi lớp. Ông Giám thị như còn muốn nói gì, vội vã đi theo cô. Lớp học vỡ ra thành cái chợ. Những tiếng bàn tán xôn xao không dứt.
Tôi nghe đầu nặng ghê gớm. Những dự tính lại một lần nữa đổ vỡ. Chợt Đồng nói khẽ bên tai tôi:



- Anh có nghi… thằng Đĩnh không?



Tôi nhìn lên, thấy Đĩnh đang cười hô hố với mấy tên bạn ra vẻ thích thú lắm. Tôi nói:



- Ừ, có lẽ vậy.



- Nhưng không có một bằng chứng nào.


Tôi chán nản, im lặng. Tập vở để dở dang trước mặt. Trên bàn giáo sư, bức thư khả ố còn kia. Và con rắn gớm ghiếc vẫn còn nằm khoanh tròn trên ghế.   
 

<< Chương 1 | Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 803

Return to top