Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Tập truyện ngắn của Phan Chí Thắng

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14920 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tập truyện ngắn của Phan Chí Thắng
Phan Chí Thắng

Gà sang đường

 
Chuyện này kể về một con gà mái tơ muốn đi sang đường cao tốc mà có nơi còn gọi là xa lộ. Tuổi tơ là tuổi chưa nhảy ổ, còn loại nhảy ổ mấy lần rồi thì có ít chuyện mà nói lắm, hoặc có thì toàn chuyện sinh đẻ vô kế hoạch, không phải chuyện văn chương. Đang tơ nên nó hay tơ tưởng, thỉnh thoảng nó còn làm thơ, những bài thơ nó làm ra, tự nó thấy rất hay, nhiều lúc vừa bới giun nó vừa ngâm nga:
Sao anh không về thăm thôn cũ
Nhìn đám gà tơ, đám lá tơ
Vườn ai rộng quá tha hồ bới
Em nhớ anh nhiều, em làm thơ

Bài thơ hay như thơ của Hàn thi sỹ, đúng không các bạn? Thỉnh thoảng nó post vài bài thơ kiểu đó lên một số diễn đàn văn thơ hiện có nhan nhản trên internet, một ông Admin nọ đã nhắn tin động viên nó tiếp tục làm thơ tình theo hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nó đang đi theo hướng đó, nó nghĩ tương lai sẽ rất tươi sáng, tương lai của một nhà thơ nữ tài năng.
Tuy nhiên cũng có người khuyên nó nên làm thơ giật gân theo đúng nghĩa đen của từ này: làm cho gân người đọc phải dật liên tục khi thưởng thức thơ, cái gân nào càng kín đáo mà bị dật thì càng hay và dật thế có nguy hiểm cho sức khỏe của người đọc và thuần phong mỹ tục của dân chúng hay không thì không cần biết. Người khuyên nó còn lấy ví dụ nhà thơ họ Vi viết những chuyện mà ai cũng biết nhưng không ai dám tả, hiện đang nổi tiếng như cồn, còn trẻ tuổi mà đã được tôn vinh là nhà thơ nữ tiên phong trong lĩnh vực sex-thơ! Được khuyên như vậy, nó thử viết vài bài, tả hai con chó uốn lượn rồi dính vào nhau. Nó thấy viết kiểu này chả khó, dễ ợt, mỗi tội viết xong tự mình đọc lại thấy ngượng ơi là ngượng, nó bèn xé bỏ. Tiếc thế, nếu không tôi có thể chép ra đây mời các bạn thưởng thức chơi.
Nói về thơ thì tưong lai của nó khá rõ ràng, nhưng còn tương lai nói chung thì nó thấy còn mờ mịt lắm. Ở tuổi tơ người ta hay bối rối trước cái tương lai bất định, con gà của chúng ta cũng không phải là ngoại lệ.
Gà mẹ bảo nó cố thi vào đại học. Chỗ này phải nói thêm là loài gà chỉ biết mẹ mình là ai, còn bố thì chắc là một kẻ nào nó trong số gà trống trong đàn hoặc ngoài đàn, cái gã đã nhảy đánh vèo một phát lên lưng gà mái mẹ, xong rồi vỗ cánh kêu o o khoái chí, chả thèm biết hậu duệ của mình là những ai. Như thế cũng tiện các bạn nhỉ?
Mẹ khuyên thế nhưng nó sợ vào đại học lắm. Nghe đồn là các thầy trước khi chấm điểm chính thức cho sinh viên gái thường hay đòi chấm một nhát như kiểu gà trống chấm gà mái. Eo ôi, thế thì nó chả đi đại học làm gì, ở nhà cũng ối người chấm.
Băn khoăn về tương lai, nó tìm đến nhà ông đồ có tên là Nguyên Vượng, người nổi tiếng xem bói rất giỏi, ông này uyên bác, đông tây kim cổ cái gì cũng tỏ tường, ông xem tử vi, xem chỉ tay đều rất hay. Thường thì ông không xem quá khứ (quá khứ thì ai cũng biết rồi, xem làm gì?), chỉ xem tương lai và ai cũng khen là ông nói rất đúng.
Ông thầy lấy lá số tử vi cho nó và để yên tâm hơn, ông xem cả chỉ tay, nhưng vì con gà mái tơ làm gì có bàn tay nên ông quyết định xem ...nách của nó, bảo xem thế cũng được. Ông phán:
- Tương lai của cô tốt lắm, trừ đường chồng con.
Gà mái tơ bối rối, chuyện chồng con là quan trọng nhất của một đời con gái, làm sao không lo một khi thầy đã phán như vậy?
- Số cô sẽ lấy một anh chồng đẹp trai, tốt bụng, giọng bariton gáy sang sảng, mỗi tội mắt hơi mờ. Vì mắt mờ nên anh ta có tên là Gà Mờ.
Các bạn thấy thầy bói giỏi chưa, đoán được cả tên người chồng tương lai của gà mái tơ, có ông thầy nào làm được như vậy không?
Gà mái tơ hơi buồn vì số phận an bài nó phải lấy một tay mắt mờ, ngồi im không nói gì. Thầy Nguyên Vượng động viên:
- Em đừng lo, lấy được thằng chồng gà mờ có khi lại hay em ạ. Mắt nó mờ một chút thì nó đỡ liếc gái, em đỡ lo nó chạy theo con khác.
Gà mái tơ có vẻ yên tâm đôi chút. Để cho cô bé yên tâm hơn, thầy bổ sung:
- Nếu sau ba năm em chưa lấy được ai thì quay lại đây, anh sẽ ...lấy em! Mắt anh cũng mờ rồi, hiện phải đeo kính đây này.
Ha ha, bố này vui tính phết!
Tìm hiểu quanh trong làng, gà mái tơ không thấy chàng gà trống nào có tên là Gà Mờ, nó lại bỏ một buổi đào giun sang nhà ông thầy bói hỏi cho rõ địa chỉ anh gà Mờ. Thầy đồ cười tít mắt:
- Gà Mờ ở xã bên kia con đường cao tốc.
Thầy đồ biết chắc là gà mái tơ chả bao giờ dám băng qua đường cao tốc, cuối cùng phải quay về lấy thầy thôi. Thâm nhỉ?
Đó là lý do vì sao con gà mái tơ quyết định băng qua đường cao tốc. Con gái thời nay nó dạn dĩ thế đấy, chủ động đi tìm chồng chứ không như mấy cụ bà cộ kệ, thời trẻ không nói làm gì, bây giờ già cứng như gộc tre mà vẫn còn cố làm ra vẻ e lệ!
Một buổi sáng nọ, gà mái tơ lấy hết dũng khí chạy ra đường cao tốc, mặc dù mẹ nó đã nhiều lần dặn không được đi sang làng khác, rất dễ lây nhiễm virus H5N1. Người ta khi chạy theo chữ tình thì hoàn toàn có thể bỏ ngoài tai mọi lời cảnh báo.
Con đường mùa đông tệ hại hơn con đường mùa hè, bùn bắn tứ tung mỗi khi có xe chạy qua, mà xe thì cứ chạy nối đuôi nhau. Đứng một lúc, gà mái tơ đã mờ cả mắt vì không khí ô nhiễm, nó thầm nghĩ rằng ở gần đường xa lộ thế này thì mọi con gà, mà chả riêng gì gà, đều trở thành gà mờ hết. Than ôi, hóa ra anh chồng tương lai của nó là một gã gà bất kỳ nào đó bên kia xa lộ ư? Nghĩ như thế làm nó hơi nản chí, chưa vội chạy sang đường, nói thế chứ nó có muốn sang cũng chưa sang được, xe lao như bị ma đuổi do đoạn này cảnh sát giao thông không bắn tốc độ.
Đứng buồn, nó đưa mắt sang phía bên kia xa lộ, ngắm cảnh. Người có tâm hồn thơ rất thích ngắm cảnh, nó cũng vậy. Xa xa phía chân trời là một cánh rừng non mới được trồng lại sau mấy chục năm người ta đua nhau phá rừng, lá cây xanh mướt cả một vùng, dẫu đôi chỗ cây chết hay bị kẻ nào đó chặt trộm nên cánh rừng lốm đốm đen trắng như con chó đốm cùng xóm với nó, cái con chó chết tiệt ấy rất hay đuổi theo đám gà mái, vừa sủa vừa tạp làm cho bọn kia chạy te tái, mỗi con rụng mất mấy cái lông.
Trước mắt là đám ruộng lúa, từng thửa từng thửa con con, thửa thì lúa đã mang đòng, thửa thì chưa, tạo nên một bức tranh đa dạng.
Phía sau đám ruộng là một gò hoang, cây xấu hổ mọc đầy. Hai cái xác xe tăng cũ, đứt xích nằm nghiêng sang một bên, đó là dư tích chiến tranh mà ta có thể gặp ở rất nhiều nơi trên đất Việt.
Ngắm cảnh đã chán con mắt, nó ngắm xe chạy trên đường. Hình như có lần nó nghe ai đó nói, chỉ cần nhìn xe chạy trên quốc lộ là ta có thể đánh giá được nền kinh tế có năng động hay không, quy mô của nó thế nào. Nếu hàng hóa vật tư được kìn kìn chuyên chở trên đường thì tất là nền kinh tế đang hưng thịnh. Riêng nó thì nó thấy chỉ cần xem cái văn hóa giao thông trên đường là ta cũng biết được cái mặt bằng văn hóa chung của xã hội. Đằng kia là mấy cái xe công chở cán bộ đi lễ chùa, đằng này là mấy cái xe buýt nhét đầy ứ người, đằng nọ dăm cái xe tải chở quá tải đang gầm gừ lao đi…
Vui nhất là đám lái xe đi ngược chiều nhau, chả quen biết gì mà cũng vẫy tay chào nhau rất thân thiện, không chừng là thân thiện nhất thế giới. Người nước ngoài phải học tập ta điểm này, dẫu họ không cần báo cho nhau là phía trước có cảnh sát giao thông hay không.
Mải ngắm cảnh, gà mái tơ không để ý thấy có một chàng sinh viên với khuôn mặt dễ thương đang tiến lại gần. Thấy con gà mái xinh đẹp, chú sinh viên định bế con gà lên, chụp chung với nó một kiểu để về khoe với các thầy cô ở trường là em cũng tham gia lao động sản xuất, giúp đỡ bố mẹ chăn nuôi được cả một đàn gà béo tốt (bạn đọc thông cảm nhé, sinh viên nhà mình đôi khi buộc phải nói xạo chút xíu!). Nhưng con gà nhà quê đâu có chịu chụp ảnh với người lạ, nó bỏ chạy đi chỗ khác. Bực mình, chú sinh viên bỏ về nhà ngồi viết hẳn một bản luận văn về đề tài "Con gà đi qua đường", luận văn này đang chờ bảo vệ để lấy học vị tiến sỹ khoa học. Bạn đọc đừng có nghi ngờ chuyện này, ối bản luận văn tiến sỹ khác còn tệ hơn bản "Con gà đi qua đường" mà chủ nhân của nó vẫn có cái chữ tiến sỹ ngời ngời in trên card visit đấy thôi?
Đúng lúc này, một cái xe quân sự phanh kít lại, ngay chỗ con gà tơ đứng. Từ trên xe một ông cấp tá nhảy ra, lấy máy ảnh chụp cái xác xe tăng rỉ mấy chục năm nằm phơi mưa nắng. Hóa ra đây chính là nhà nghiên cứu vũ khí cũ, họ Đoàn, là cháu mấy đời của Đoàn Dự, một nhân vật anh hùng tài cao và lắm người yêu trong chuyện của Kim Dung. Đoàn công tử thời hiện đại chụp xong một loạt ảnh (máy kỹ thuật số thì chụp vô tư, không sợ tốn phim) mới phát hiện ra con gà mái tơ đang đứng nép ở vệ đường, nháy mắt với chú thượng sỹ lái xe kiêm cần vụ:
- Anh em mình bắt con gà này đi, được bữa nhắm ngon lành!?
Nghe thấy thế, gà mái tơ tức lắm. Ví như ông cấp tá kia có buông lời trêu ghẹo tán tỉnh, kiểu như: "Em đi đâu một mình thế em? Đi với bọn anh cho vui nhé?" v.v. thì nó cũng chỉ hơi khó chịu chút đỉnh vì đó cũng là chuyện vẫn thường xảy ra với đám đàn ông khi ra khỏi nhà. Đằng này, ông kia chỉ nghĩ đến chuyện cho nó vào nồi, làm sao nó không tự ái?
Con gà lại một lần nữa bỏ đi chỗ khác. Ông sỹ quan nuối tiếc nhìn theo, không dám đuổi bắt vì sợ mang tiếng là bộ đội bắt gà.
Đúng lúc này một xe tải chở các nữ nông trường viên chạy qua. Trên xe là các cô rất vui vẻ và xinh đẹp Cô nào cũng chít khăn hoa, hát vang bài nông trường ca mà ban lãnh đạo nông trường phải bỏ ra hơn chục triệu để thuê một nhạc sỹ có tên tuổi viết. Riêng có một cô thì vừa hát vừa bấm di động nhắn tin cho ai đó, hy vọng là không phải cho Gà mờ. Ấy là con gà mái tơ nó hy vọng chứ tôi với các bạn thì chả liên quan gì mà phải hy vọng hay thất vọng.
Một cô kỹ sư nông nghiệp lẫn trong đám nữ nông trường viên kia tuy đeo kính cận thị nhưng mắt lại khá tinh. Nghe đâu cô này làm thư ký cho ông Chủ tịch nông trường, ông này không đuổi việc cô ta mặc dù cô cứ cãi sếp nhoanh nhoách, tất nhiên chỉ cãi khi hai người nói chuyện riêng với nhau thôi. Mắt tinh, cô kỹ sư phát hiện có một con gà mái đang ngơ ngác đứng bên vệ đường, cô yêu cầu lái xe dừng lại, xuống xe rồi đên gần con gà:
- Em bị lạc đường à? Em ở nông trường nào, chị sẽ đưa em về.
Ối giời ôi, có con súc vật nào thích vào nông trường đâu, ở đấy bị người ta bỏ đói là cái chắc, hỏi thế khác gì hỏi em có thích vào tù không. Đời này chán thật, kẻ mũi nhòm mồm thì muốn cho mình vào nồi, người tốt bụng lại muốn cho mình vào nông truờng! Gà mái tơ nghĩ thầm như vậy và hỏi lại cô gái một câu rất không ăn nhập vào đâu cả:
- Chị có biết nhiều chuyện tiếu lâm không?
Cô kỹ sư không hiểu câu hỏi lắm nhưng vẫn trả lời:
- Chị là một kho tiếu lâm đây em ạ.
- Thế chị có biết chuyện con bò đứng giữa đường không?
- Không, em kể chị nghe đi.
Thế là con gà mái tơ đang định sang đường kể chuyện về con bò đứng giữa đường: "Một lần nọ đoàn xe của Tổng Bí thư Khrushev bị một con bò bướng bỉnh đứng giữa đường chặn lại. Các cán bộ cao cấp tháp tùng Tổng Bí thư lần lượt xuống thuyết phục hoặc dọa nạt con bò, mà nó cứ đứng trơ trơ như cũ. Khrushev bèn đich thân đến nói thầm cái gì đó vào tai con bò, nghe xong con bò sợ quá bỏ chạy mất tiêu, nhờ đó cả đoàn xe tiếp tục được chuyến công du. Mọi người phục Khrushev vô cùng, hỏi sếp nói cái gì mà con bò bỏ chạy, mặc dù trước đó đã có người dọa bắn mà nó cũng không sợ. Tổng Bí thư nháy mắt trả lời: “Tôi chỉ nói nhẹ nhàng: "Mày không đi thì tao cho mày vào nông trường quốc doanh!"”
Cô kỹ sư cười thích thú:
- Em khá lắm, thế thì thôi, tùy em, bọn chị đi đây. Em một mình phải cẩn thận, chị biết vùng này có nhiều cáo bắt gà lạc lắm đấy.
Thoắt một cái, xe tải mui trần chở đám nông tường viên đã đi xa. Trời xế trưa, gà mái tơ thấy đói bụng, từ sáng đứng hít bụi, chưa có con giun con dế nào cầm hơi. Nó bèn tạt xuống ruộng, kiếm dăm ba con châu chấu chậm chân. Đứng dưới ruộng, nó thấy một chiếc xe tải chở mấy bức tranh mà theo cảm nhận của nó, là tranh khỏa thân, đúng hơn là khỏa hai thân, tấm nào tấm nấy có chữ ký của họa sỹ vẽ tranh "Art". Có một thanh niên gầy gò phi xe máy đuổi theo, mắt dán vào mấy bức tranh kia. Họa sỹ Art thò đầu ra ngoài ca bin quát:
- Này anh kia, làm gì mà cứ bám đuôi mãi thế? (Chắc là họa sỹ sợ bị cướp tranh quý đang trên đường đến triển lãm đầu tiên trong đời của mình)
- Tôi là nhà phê bình nghệ thuật, bút danh là Có nghe đời nghiêng, tôi thấy các bức tranh kia toàn là đời nghiêng, tôi thích lắm!
Lần đầu tiên trong đời gà mái tơ nhìn thấy thể lọai tranh đời nghiêng. Đời đứng còn chưa ăn ai, đời nghiêng thì chả biết có bán được tranh không nhỉ? Nó nghĩ thế thôi, kệ nó, loài gà biết gì về nghệ thuật hội họa, nhất là thể lọai hay trường phái gì đó mới lạ mà họa sỹ Art đang khai phá?
Đến lúc này thì con gà mái tơ hoàn toàn mất hết ý chí đi sang đường tìm người chồng tưong lai của mình. Nhỡ bên ấy có đến 40 chục tên gà mờ thì biết làm sao? Chã nhẽ, ôi nói ra ngượng chết, chả nhẽ lại để cho cả 40 tên cùng nhảy, đúng hơn là lần lượt nhảy?
Má ửng đỏ bởi cái viễn cảnh mà nó vừa nghĩ ra (ấy là tôi ví von thế cho câu chuyện có duyên, chứ má con gà đầy lông, làm sao biết nó có đỏ hay không?), gà mái tơ định bỏ về, chắc là cái số của nó chưa đến lúc lấy được chồng, thì có một trung niên đội nón rách đi bộ dọc theo xa lộ tiến gần chỗ nó. Ông này ăn mặc tuềnh toàng, nhưng lại xài cái O2 exec, một trong những loại điện thọai đi động kiêm máy tính bỏ túi đắt nhất hiện nay. Con gà mái tơ dương cặp mắt tròn xoe nhìn ông kia, tò mò đúng kiểu trẻ con nhà quê. Ông này chả thèm để ý gì đến nó, vừa đi vừa bấm bấm con O2. Thấy vậy, lòng tự ái của nó bị động chạm (con bé này hay tự ái nhỉ?), nó xinh đẹp thế này mà ông kia không thèm để ý? Nó cục tác mấy tiếng, bằng cái giọng trong trẻo nhất mà nó có thể tạo ra, hòng thu hút sự chú ý của ông kia.
Người đàn ông chăm chú nhìn nó rồi cất giọng nghiêm khắc:
- Cô kia làm gì một mình ở đây?
Từ bé nó chưa bị ai hỏi kiểu đó nên rất khó chịu:
- Tôi làm gì ở đây thì việc gì đến ông?
Người đàn ông nọ tự thấy mình hơi vô lý, chuyển sang giọng ngọt ngào hơn:
- Anh thấy em thân gái dặm trường nên hỏi vậy thôi.
Ví như ông này cất giọng lên hát một đoạn của Trần Tiến: "Anh thấy em nhỏ bé, nhỏ bé...anh thương ứ ư ư..." thì cũng chưa chắc đã hay và có tác dụng bằng câu nói vừa rồi. Gà mái tơ bị tác động không chỉ bởi câu giải thích, mà còn bởi cái cách ông này nói ra câu nói đó, thật dịu dàng, thật ân cần. Nó cười lúng liếng:
- Anh tên là gì, anh đi đâu?
Các bạn thấy đàn bà con gái dễ bị tác động chưa? Gà mái tơ cũng bị tác động, phần nữa nó cũng muốn hỏi, biết đâu đây chính là Gà mờ thì may quá, nó khỏi phải đi sang đường rất nguy hiểm.
Ông đội nón rách cười rất tươi:
- Anh là nhà thơ Trần Linh Vũ, viết tắt là TLV, anh mải miết đi tìm người vợ tương lại của mình nên có người đùa gọi chệch tên anh là “Tôi lấy vợ”.
- Thế tên anh không phải là Gà mờ sao? (Nó chỉ quan tâm đến quyền lợi của nó thôi!)
- Anh chả gà mờ tý nào, anh sành văn chương, âm nhạc, anh in được ba tập thơ ở Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật rồi đấy, anh còn có năng khiếu về khoa học hình sự, từng copy nhiều truyện ngắn và thơ khác nhau gom lại một chỗ để mọi người soi xem bản nào là anh em cùng cha khác mẹ với bản nào. Tóm lại anh có nhiều tài lắm, và mắt cũng rất tinh.
Chán thật, cái ông đẹp trai tuy hơi già một chút này lại không phải là Gà mờ, người chồng định mệnh của mình! Gà mờ ơi, anh đang ở đâu, sao anh không xuất hiện cho em nhờ!?
Thấy gà mái tơ tỏ vẻ thất vọng, TLV tìm cách an ủi:
- Em đi tìm Gà mờ? Vậy là em gặp may rồi, đó chính là người bạn của anh.
- Thật không anh?
Gà mái tơ mừng quá, ôm chầm lấy TLV, làm ông này đỏ cả mặt, đỏ thật sự chứ không như lúc tôi viết ở trên là con gà mái tơ đỏ mặt. Có lẽ ông này chưa bao giờ được con gái ôm chầm như vậy, và cũng chính vì vậy ông làm thơ mới hay và đến trung tuổi rồi ông vẫn còn đi tìm vợ!
- Thật chứ, Gà mờ không chỉ là bạn mà còn là bạn thân của của anh. Em cũng quen biết Gà mờ?
- Em đâu có quen, nhưng thầy bói Nguyên Vượng nói Gà mờ sẽ là chồng của em trong tương lai nên em đi tìm. Gà mờ sống bên kia xa lộ nên em định sang đó tìm, đứng đây suốt từ sáng đến giờ mà chưa dám băng qua xa lộ vì sợ bị xe cán chết.
- Em không sang là đúng rồi, Gà mờ đang đi công tác Nha Trang, tổ chức giải bóng đá nhi đồng toàn quốc trong đó.
Chà, anh Gà mờ của mình oách nhỉ, được tổ chức và chỉ đạo một giải đấu cấp quốc gia, ít ai bì kịp. Gà mái tơ rất lấy làm tự hào về Gà mờ của mình, nhưng lại hỏi:
- Anh ấy mắt mờ thì làm sao tổ chức giải được?
TLV cười ngặt nghẽo:
- Đúng là em chả biết gì sất. Người ta cần những người gà mờ để làm những việc như thế, chọn người tinh anh vào việc thì những người khác làm sao qua mặt được? Đó là cách sử dụng cán bộ hiện nay ở ta đấy em ạ.
Gà mái tơ cảm thấy mình còn tơ quá, nhiều việc ở đời mình còn chưa biết. Nhưng bây giờ nó đã đã tìm ra manh mối anh Gà mờ yêu quý của nó rồi, thật bõ công nó đứng ven đường từ sáng đến giờ, hít biết bao nhiêu là bụi, gặp đủ thứ chuyện bực mình, kẻ nuốn cho nó vào nồi, người định đưa nó vào nông trường.
Nó bày tỏ lòng cảm ơn của mình đối với TVL bằng một câu hỏi quan tâm:
- Sao anh lại đi bộ đường xa thế này?
- Anh đi tìm tứ thơ.
- Sao lại tìm tứ thơ, anh đánh rơi nó à?
- Hì hì, em không biết tứ thơ là gì à?
- Không, nhà thơ nữ của chúng ta ngây ngô trả lời.
Đến lúc này trời đã ngả về chiều. TLV quyết định tiễn chân cô nàng mái tơ về nhà, vừa đi vừa giảng giải cho cô bé một số điều căn bản về thơ, hai người nói chuyện có vẻ tâm đầu ý hợp lắm, nhưng do họ đi cách xa tôi quá, tôi nghe không rõ câu chuyện của họ.
Vậy là cuối cùng thì con gà mái tơ cũng không đi qua đường. Chúng ta nói riêng với nhau thôi nhé, đừng để đến tai Hội đồng xét Luận văn của chàng sinh viên yêu gà nói trên, người ta lại phê là cậu ấy bốc phét, tội nghiệp!
Và có lẽ ta nên sửa đầu đề câu chuyện này thành là "Gà không băng qua đường"?

<< Lão mù | Ứng xử (truyện cực ngắn) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 644

Return to top