Lão mù về sống ở cái khu nửa thành phố nửa nông thôn này đã mấy chục năm. Lúc đó lão đã mù rồi. Không ai biết lão mù bẩm sinh hay do tai nạn mà bị mù. Lão mua một sào đất ở ngoại ô khi giá đất hãy còn rẻ như bèo, mò mẫm dựng một cái chỗ để che mưa nắng, so với lều thì có khá hơn, nhưng so với nhà, dẫu là cái nhà tồi tệ nhất, thì nó vẫn còn thua xa. Người ta gọi lão là lão mù, đơn giản và dễ hiểu. Chắc chỉ có anh công an hộ khẩu mới biết được tên thật của lão, mà công an thì để ý canh chừng làm gì cái lão mù hiền lành như lão nên chắc hẳn anh ta cũng không hề phổ biến cho ai về tên thật của lão. Người ta không thấy lão có anh em bà con cháu chắt gì cả. Lão sống một mình, không ai lui tới, người đến thăm cũng không, đến để chửi cũng không. Lão trồng rau và một vài loại cây ăn quả, con buôn vào tận vườn mua, tuy giá rẻ nhưng được trọn một gói, lại không phải mang hàng ra chợ bán vất vả. Lão sống với con chó, chính xác là mấy đời chó, con nào cũng đen tuyền, con nào lão cũng gọi nôm na là “chó”, không đặt tên gì hết. Đến bữa, hàng xóm nghe lão gọi: - Chó ơi, vào ăn cơm! Lão xới cơm, chan canh, bỏ thức ăn bằng nhau vào hai cái tô to, lão một, chó một. Chủ và chó im lặng ăn. Tuy lão mù nhưng con chó không bao giờ ăn vụng của lão, nó chỉ liếm sạch hai cái tô để ông chủ rửa cho dễ. Thỉnh thoảng lão ra đường, không phải để đi dạo, mà đi mua vài thứ cần thiết: gói thuốc lá sợi, cái bật lửa, vài lít dầu hoả, mấy cặp pin… Lão mù nhưng không đeo kính đen như những người mù khác, hai con mắt hỏng trắng dã, vô hồn cứ chong chong hướng vào người qua kẻ lại. Lão cũng không dùng gậy khua khua, mà dắt con chó theo. Con chó chậm rãi đi phía trước, thỉnh thoảng gâu gâu khe khẽ thay cho tiếng còi tín hiệu, ấy là ta giả sử lão mù đi xe máy, để người đi đường biết mà tránh. Đến chỗ nào gặp chướng ngại vật, con chó nằm xuống trước chân lão, vấp khẽ vào nó là lão biết ngay để dừng lại. Người và chó lặng lẽ đi như vậy, không va chạm, không làm phiền ai. Duy nhất có một việc lão làm phiền hàng xóm là lão bật radio suốt ngày, cho đến khi nhà đài đi ngủ thì radio của lão mới im tiếng. Lâu dần mọi người cũng quen, không thấy khó chịu nữa. Mọi người thông cảm cho lão, kênh thông tin duy nhất nối lão với cuộc sống bên ngoài là cái Đài tiếng nói Việt nam. Vì lão mở đài cả ngày nên không ai biết thực sự lão quan tâm đến chương trình gì, thời sự hay ca nhạc, đọc chuyện đêm khuya hay an ninh Tổ quốc. Nhờ nghe đài thường xuyên như vậy, lâu lâu họp tổ dân phố, lão phát biểu cũng có vẻ nắm bắt thời cuộc lắm. Dăm năm trước, bỗng dưng ở nhà lão mù xuất hiện một cô con gái tên là Nụ. Nụ gầy gò, xấu xí, ăn mặc lạc mốt, đâu như là cháu một người bạn của lão mù trên Điện Biên Phủ. Nụ về Hà nội học đại học, nhà nghèo không đủ tiền thuê trọ, được lão mù cho đến ở miễn phí. Từ đó trong khoảng vườn u tối của lão mù thỉnh thoảng cất lên tiếng hát líu lo của cô gái miền sơn cước. Những lúc đó, lão mù tắt cái radio, lắng nghe Nụ hát loăng quăng bài nọ xọ bài kia. Người mù thường có đôi tai thính lắm, bằng tai họ có thể nghe được nhịp đập con tim người khác. Cô sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp khuyên lão mù trồng hoa phong lan, hiệu quả hơn, cô bảo thế. Trên rừng ở quê cô nhiều phong lan và ở bên trường cô cũng có rất nhiều giống hoa đắt tiền. Lão mù mát tay, Nụ lại có kiến thức tươi mới về chăm sóc phong lan nên dàn phong lan nhà lão mù rất đẹp, mùa nào thức nấy, mỗi giò bán cho con buôn cũng được nhiều tiền hơn bán cả đống rau. Sau một năm, Nụ béo tốt phổng phao, mặc quần bò áo phông, trông xinh xắn hẳn ra. Đó là người viết chuyện này tả thế, chứ lão mù thì làm sao thấy? Tạo hoá luôn cho mỗi người một cái đẹp, cái đẹp đó có phát tiết ra ngoài hoặc tự ta có nhận ra cái đẹp đó của chính mình hay không mà thôi. Con gái đẹp giống như bông hoa, tự nhiên sẽ có ong bay đến. Con ong đến với Nụ là một chàng học năm trên, bảnh bao, xe máy đời mới. Lão mù cảm nhận thấy một cái gì đó bất ổn. Con chó đen cũng thế. Mỗi lần chàng trai nọ đến chơi, nó gầm gừ, tỏ ra nó buộc lòng phải thiện chí với khách. Linh cảm của chó và người mù bao giờ cũng đúng. Nụ có thai. Cô con gái chân quê làm sao thoát được móng vuốt của thằng thanh niên lọc lõi chốn Hà thành? Được tin Nụ có bầu, thằng kia vứt ra mấy triệu bảo cô nàng đi phá thai rồi không thò mặt đến nữa. May cho hắn, nếu đến thì con chó hiền lành nhà lão mù sẽ xé xác ăn tươi hắn mà không cần rào đón gì cả. Nụ nằm bẹp một chỗ, bỏ học. Lão mù âm thầm lo cơm nước, tìm cách nấu món ngon cho Nụ bồi dưỡng. Cả tuần trôi qua. Một tối nọ, khi đài đã tắt, có lẽ đã quá nửa đêm, lão mù kéo tay Nụ ngồi dậy: - Con à, nghe ta nói này, mù như ta mấy chục năm không hẳn đã là chết… Lão không lý sự nhiều, không văn hoa chữ nghĩa, lão chỉ nói điều giản dị. Chân lý là giản dị, các triết gia nói thế. Lão mù nói giản dị, nhưng lại chính là những lời cần thiết nhất cho Nụ vào thời điểm đó. Thực ra lão rất khổ tâm, lão tự trách mình đã không tròn bổn phận với Nụ, đứa cháu của người bạn và lão đã coi như con cái trong nhà. Lão nghĩ, nếu lão không mù, lão lành lặn như mọi người, lão có khả năng bảo vệ Nụ thì chắc chuyện xấu đã không xảy ra. Người tử tế thường hay thấy trong bất hạnh của kẻ khác một phần do lỗi của mình. Nụ hồi sinh từ từ, nỗi đau bị phản bội niềm tin là nỗi đau lớn nhất, nhưng nỗi đau cũng như vết thương, rồi cũng kín miệng liền da. Nụ đi học trở lại, bình thường kết thúc đại học và ra trường, nhận công tác tít tận Cần Thơ. Gần đây lão mù ốm nặng. Người nào không bao giờ ốm, hễ ốm là nguy to. Thấy lão nằm bẹp mấy ngày, con chó chạy sang cào của nhà hàng xóm, rên ư ử. Hàng xóm chạy sang, định đưa lão mù đi cấp cứu nhưng lão xua tay, chỉ nhờ đánh điện báo cho Nụ theo cái địa chỉ mà cô kỹ sư nông nghiệp để lại. Hai ngày sau, Nụ có mặt, xách theo một giỏ trái cây miền nam, toàn những thứ lão mù chưa từng được ăn. Nhưng lão không còn sức để ăn nữa rồi, lão quá yếu, chỉ kịp chỉ cho Nụ gói giấy báo dấu dưới chiếu rồi mãn nguyện trút hơi thở cuối cùng vào lúc nửa đêm, cũng vào cái lúc mà mấy năm trước lão cầm tay nói chuyện với Nụ. Nụ khóc thầm, khóc rất lâu. Người bạn già thân yêu, người từng cưu mang và cứu vớt Nụ đã không còn nữa. Nụ lo đám ma lão mù chu đáo. Lão mù không hề có một bức ảnh nào, Nụ phải nhờ một ông hoạ sỹ vẽ chân dung lão mù theo lời kể của Nụ, vừa vẽ vừa điều chỉnh, cuối cùng thấy vừa rất giống vùa chả giống tý nào. Ông hoạ sỹ cho thêm cặp kính đen vào, có lẽ như thế dễ vẽ hơn chăng? Thắp hương cho lão mù, Nụ lẩm bẩm: - Ông ơi, mù không hẳn là đã chết và mù không hẳn là không sống. Xong đám ma, Nụ mới mở gói giấy báo lão mù dấu dưới chiếu, trong đó ngoài tấm huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên, Thẻ thương binh kháng chiến chống Pháp, còn có hơn 20 triệu tiền lẻ tích cóp và tờ giấy với những dòng chữ xiêu vẹo, đè cả lên nhau do lão mù cố gắng viết ra: “Nụ, khi ông chết rồi, con về đây mà ở. Tiền ông để cho con mua máy tính mà làm việc.” Không một lời bày tỏ tình cảm nào cả! Con chó bỏ ăn từ hôm lão mù chết, đám ma lão xong, người ta thấy nó nằm bất động bên gốc cây, xác nó đã lạnh ngắt.